Công thức máu hay tổng phân tích tế bào máu (Complete Blood Count) thường được thực hiện trong các xét nghiệm khám sức khỏe tổng quát và chẩn đoán các bệnh lý khác. Hãy cùng Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa tìm hiểu kỹ hơn các chỉ số trong xét nghiệm công thức máu là gì? Chỉ số xét nghiệm công thức máu bình thường là bao nhiêu?
Các thành phần có trong máu
Máu có chức năng cung cấp oxy và dưỡng chất, giúp loại bỏ chất thải như CO2 và đóng góp cho hệ miễn dịch. Máu lưu thông trong cơ thể gồm hai thành phần chính là huyết tương và huyết cầu.
Huyết tương chiếm khoảng 54% thể tích máu toàn phần. Huyết tương có màu vàng nhạt và bao gồm nước, protein, hormone, điện giải, enzyme và các chất khác.
Huyết cầu chiếm khoảng 46% thể tích máu trong cơ thể, bao gồm:
- Hồng cầu
- Bạch cầu
- Tiểu cầu
Hồng cầu
Hồng cầu là một loại tế bào máu được sản xuất tại tủy xương và được tìm thấy trong máu. Hồng cầu chứa một loại protein gọi là hemoglobin, giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các bộ phận khác của cơ thể.
Vai trò chính của hồng cầu là vận chuyển oxy từ phổi đến các mô, cơ quan và vận chuyển khí CO2 từ các mô, cơ quan đó về lại phổi để thải ra ngoài. Kiểm tra số lượng hồng cầu trong máu thường là một phần của xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu.
Bạch cầu
Bạch cầu là một loại tế bào máu được sản xuất tại tủy xương và tìm thấy trong máu và mô bạch huyết. Bạch cầu là một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và các bệnh khác. Chức năng bảo vệ cơ thể của bạch cầu là nhờ vào 5 loại bạch cầu khác nhau.
Có 5 loại bạch cầu có trong máu bao gồm:
- Bạch cầu đa nhân trung tính (neutrophil)
- Bạch cầu ái kiềm (basophil)
- Bạch cầu ái toan (eosinophil)
- Bạch cầu lympho (lymphocyte)
- Bạch cầu đơn nhân (monocyte)
Tiểu cầu
Tiểu cầu một loại tế bào máu được sản xuất tại tủy xương và được tìm thấy trong máu và lá lách. Chúng là những mảnh vụn tế bào của tế bào mẫu tiểu cầu (megakaryocyte). Đời sống tiểu cầu thay đổi từ 7 – 10 ngày.
Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình cầm máu ban đầu để ngăn chặn chảy máu và làm lành vết thương. Kiểm tra số lượng tiểu cầu trong máu có thể giúp chẩn đoán một số bệnh nhất định như ung thư máu, u tủy xương, rối loạn đông máu,…
Mời Cô Chú, Anh Chị tham khảo thêm các loại xét nghiệm khác:
> Fibrinogen là gì? Fibrinogen bao nhiêu là nguy hiểm?
> Cách xác định nhóm máu đơn giản, chính xác?
Công thức máu là gì?
Công thức máu còn gọi là huyết đồ là kết quả xét nghiệm phân tích thành phần các tế bào có trong máu gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Xét nghiệm công thức máu thường được thực hiện trong các xét nghiệm khám sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư và chẩn đoán các bệnh lý bao gồm thiếu máu, nhiễm trùng và ung thư bạch cầu.
Giải thích thuật ngữ
Công thức máu là xét nghiệm giúp đo lượng, nồng độ hay tỷ lệ của các tế bào máu, ví dụ như chỉ số HGB, chỉ số MCH, chỉ số HCT,… Công thức máu là thuật ngữ được sử dụng phổ biến rộng rãi. Ngoài ra, một số cơ sở y tế vẫn còn sử dụng thuật ngữ xét nghiệm NFS, NGFL. Tuy nhiên, thuật ngữ chuẩn y khoa của nó là tổng phân tích tế bào máu (Complete Blood Count). Bài viết này sẽ sử dụng thuật ngữ công thức máu với mục đích là giúp tiếp cận được nhiều đọc giả hơn.
Có các chỉ số nào trong công thức máu?
Chỉ số công thức máu hay tổng phân tích tế bào máu ngoại vi là chỉ số phân tích các thông số cho ba dòng tế bào máu bao gồm hồng cầu, bạch cầu, và dòng tiểu cầu. Cần lưu ý rằng các chỉ số công thức máu tại những phòng thí nghiệm, giới tính khác nhau sẽ có các chỉ số bình thường khác nhau.
Chỉ số WBC
Dưới đây là ý nghĩa của 15 thông số xét nghiệm công thức máu bạn cần biết khi nhận được kết quả xét nghiệm:
Chỉ số WBC (White Blood Cell) được sử dụng để đánh giá số lượng bạch cầu trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng bạch cầu.
Bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại nhiễm trùng và các bệnh khác. Chúng sản xuất kháng thể để chống lại nhiễm trùng và tham gia vào các phản ứng miễn dịch khác.
Chỉ số WBC bình thường sẽ ở mức từ 4 – 11 K/μL.
Chỉ số NEU
Chỉ số NEU (Neutrophil) được sử dụng để đánh giá số lượng bạch cầu hạt trung tính trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng bạch cầu.
Bạch cầu hạt trung tính một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Khi vi sinh vật như vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào cơ thể, bạch cầu hạt trung tính là một trong những tế bào miễn dịch đầu tiên phản ứng.
Chỉ số NEU bình thường sẽ ở mức từ 2,5 – 7 K/μL (40% – 60%).
Chỉ số LYM
Chỉ số LYM trong xét nghiệm máu (Lymphocyte) được sử dụng để đánh giá số lượng bạch cầu Lympho trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng bạch cầu.
Bạch cầu Lympho giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư và các virus, vi khuẩn lạ (kháng nguyên). Chúng giúp hệ thống miễn dịch ghi nhớ mọi kháng nguyên nó tiếp xúc.
Chỉ số LYM bình thường sẽ ở mức từ 1 – 4,8 K/μL (20% – 40%).
Chỉ số MONO
Chỉ số MONO (Monocyte) được sử dụng để đánh giá số lượng bạch cầu Mono trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng bạch cầu.
Bạch cầu Mono đóng vai trò tìm và tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng và loại bỏ các tế bào nhiễm trùng. Chúng kêu gọi các tế bào bạch cầu khác tham gia vào quá tình ngăn ngừa nhiễm trùng và điều trị chấn thương.
Chỉ số MONO bình thường sẽ ở mức từ 0,2 – 0,8 K/μL (4% – 8%).
Chỉ số EOS
Chỉ số EOS (Eosinophil) được sử dụng để đánh giá số lượng bạch cầu hạt ưa acid trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng bạch cầu.
Bạch cầu hạt ưa acid đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các bệnh nhiễm ký sinh trùng và phản ứng viêm, ví dụ như phản ứng dị ứng. Các chức năng khác bao gồm tiêu diệt tế bào, kháng vi khuẩn và điều tiết các phản ứng viêm.
Chỉ số EOS (bạch cầu ái toan) bình thường sẽ ở mức từ 0,1 – 0,5 K/μL (1% – 4%).
Chỉ số BASO
Chỉ số BASO (Basophil) được sử dụng để đánh giá số lượng bạch cầu hạt ưa kiềm trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng bạch cầu.
Bạch cầu hạt ưa kiềm hoạt động chặt chẽ với hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể khỏi dị vật, mầm bệnh và ký sinh trùng. Chúng giải phóng enzyme để cải thiện dòng máu và ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.
Chỉ số BASO trong máu bình thường sẽ ở mức từ 0 – 0,3 K/μL (0,5% – 1%).
Chỉ số RBC
Chỉ số RBC (Red Blood Cell) được sử dụng để đánh giá số lượng hồng cầu trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng hồng cầu.
Hồng cầu có chức năng vận chuyển khí oxy từ phổi đến các mô, cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh đó, hồng cầu cũng vận chuyển khí CO2 từ các mô, cơ quan về lại phổi để đào thải.
Chỉ số RBC bình thường sẽ ở mức từ 4 – 5,9 M/μL.
Chỉ số HGB
Chỉ số HGB (Hemoglobin) được sử dụng để đánh giá số lượng huyết sắc tố trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng hồng cầu.
Hemoglobin đảm nhận vai trò vận chuyển khí oxy từ phổi đến các mô, cơ quan trong cơ thể và loại bỏ khí CO2 từ các mô, cơ quan đó đến phổi. Hemoglobin tạo màu đỏ cho máu và chứa khoảng 70% lượng sắt dự trữ của cơ thể.
Chỉ số HGB bình thường sẽ ở mức từ 11,6 – 16,6 g/dL (tùy thuộc vào giới tính, phương pháp xét nghiệm).
Chỉ số HCT
Chỉ số HCT (Hematocrit) được sử dụng để đánh giá số lượng các tế bào hồng cầu trong máu bằng cách tính tỉ lệ thể tích hồng cầu so với thể tích máu toàn phần. Đây là chỉ số thuộc dòng hồng cầu.
Hematocrit cho biết tỷ lệ tế bào hồng cầu trong máu. Tế bào hồng cầu mang oxy cung cấp cho cơ thể và đào thải khí CO2, có quá ít hoặc quá nhiều tế bào hồng cầu có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý.
Chỉ số HCT bình thường sẽ ở mức từ 36 – 50%. (tùy thuộc vào giới tính, quy định của cơ sở y tế và phương pháp xét nghiệm).
Chỉ số MCV
Chỉ số MCV (Mean Corpuscular Volume) được sử dụng để đánh giá thể tích trung bình hồng cầu trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng hồng cầu.
Hồng cầu mang oxy từ phổi đến các mô và nhận CO2 đi về phổi để đào thải. Nếu hồng cầu quá lớn hoặc quá nhỏ, đó có thể là dấu hiệu của một số rối loạn máu, ví dụ như thiếu máu, hoặc các bệnh lý khác.
Chỉ số MCV bình thường sẽ ở mức từ 80 – 100 fL.
Chỉ số MCH
Chỉ số MCH (Mean Corpuscular Hemoglobin) được sử dụng để đánh giá lượng huyết sắc tố trung bình của hồng cầu trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng hồng cầu.
Mục đích của chỉ số MCH là tính toán lượng hemoglobin trong một tế bào hồng cầu. Chỉ số MCH được sử dụng để chẩn đoán và phân loại các loại thiếu máu khác nhau.
Chỉ số MCH bình thường sẽ ở mức từ 26 – 33 pg.
Chỉ số MCHC
Chỉ số MCHC (Mean Corpuscular Hemoglobin Concentration) được sử dụng để đánh giá nồng độ huyết sắc tố trung bình của hồng cầu trong một thể tích máu. Đây là chỉ số thuộc dòng hồng cầu.
Mục đích của chỉ số MCHC là đánh giá xem tế bào hồng cầu có mang một lượng hemoglobin phù hợp không. Chỉ số MCHC được sử dụng để kiểm tra dấu hiệu của bệnh thiếu máu và các rối loạn máu khác.
Chỉ số MCHC bình thường sẽ ở mức từ 32 – 36 g/dL.
Chỉ số RDW
Chỉ số RDW (Red Cell Distribution Width) được sử dụng để đánh giá độ phân bố của hồng cầu trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng hồng cầu.
Mục đích của chỉ số RDW là kiểm tra sự thay đổi hình dạng và kích thước của tế bào hồng cầu. Chỉ số RDW là được sử dụng để giúp chẩn đoán thiếu máu và các bệnh lý khác.
Chỉ số RDW bình thường sẽ ở mức từ 12% -15%.
Chỉ số PLT
Chỉ số PLT (Platelet Count) được sử dụng để đánh giá số lượng tiểu cầu trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng tiểu cầu.
Chức năng chính của tiểu cầu là hỗ trợ chức năng cầm máu. Nếu một mạch máu bị tổn thương, tiểu cầu sẽ di chuyển đến khu vực bị thương tổn tạo thành “nút chặn vết thương hở”.
Chỉ số PLT bình thường sẽ ở mức từ 140 – 440 G/L.
Chỉ số MPV
Chỉ số MPV (Mean Platelet Volume) được sử dụng để đánh giá thể tích trung bình tiểu cầu trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng tiểu cầu.
Tiểu cầu là tế bào có vai trò quan trọng trong thực hiện chức năng cầm máu. Nếu một mạch máu bị tổn thương, tiểu cầu sẽ di chuyển đến khu vực bị thương tổn tạo thành “nút chặn vết thương hở”.
Chỉ số MPV bình thường sẽ ở mức từ 8 -12 fL.
Chỉ số công thức máu bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số công thức máu bình thường là dao động khác nhau giữa các phòng thí nghiệm, do đó giá trị bình thường cũng sẽ khác nhau. Quý khách hàng nên trực tiếp tham vấn bác sĩ để được tư vấn chính xác. Dưới đây là bảng chỉ số công thức máu bình thường tại trung tâm nội soi tiêu hóa Endo Clinic.
Chỉ số xét nghiệm huyết học | Chỉ số bình thường | Đơn vị |
---|---|---|
WBC | 4 – 10 | K/μL |
NEU | 1,7 – 7,0 | K/μL |
LYM | 1,0 – 4,0 | K/μL |
MONO | 0,1 – 1,0 | K/μL |
EOS | 0 – 0,5 | K/μL |
BASO | 0 – 0,2 | K/μL |
RBC | 3,8 – 5,6 | M/μL |
HGB | 12 -18 | g/dL |
HCT | 35 – 52 | % |
MCV | 80 -97 | fL |
MCH | 26 – 32 | pg |
MCHC | 31 – 36 | g/dL |
RDW | 11 – 16 | % |
PLT | 130 – 400 | K/μL |
MPV | 6.3 – 12 | fL |
Nguyên nhân chỉ số công thức máu bất thường
Xét nghiệm công thức máu là xét nghiệm quan trọng cung cấp thông tin về số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu có trong một thể tích máu. Xét nghiệm này có ý nghĩa quan trọng giúp bác sĩ đánh giá toàn điện chức năng của các cơ quan.
Chỉ số công thức máu bất thường bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân có thể bao gồm sự bất thường về chỉ số hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
Nguyên nhân chỉ số hồng cầu bất thường
Đối với trường hợp chỉ số hồng cầu giảm thì có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân tiêu biểu đó là do thiếu sắt.
Nguyên nhân khiến chỉ số hồng cầu giảm (thiếu máu) bao gồm:
- Thiếu máu hồng cầu nhỏ: Do thiếu sắt, thalassemia
- Thiếu máu hồng cầu to: Thiếu vitamin B12, acid folic hay thiếu yếu tố nội tại
- Thiếu máu do mất máu cấp: Trĩ, rong kinh, xuất huyết dạ dày,…
- Thiếu máu do suy tuỷ
- Thiếu máu tán huyết
Ngược lại, ở một số người thì lại xuất hiện tình trạng tăng hồng cầu, tức là chỉ số hồng cầu cao hơn mức bình thường. Có hai nguyên nhân chính bao gồm đa hồng cầu nguyên phát và đa hồng cầu thứ phát.
Nguyên nhân khiến chỉ số hồng cầu tăng (đa hồng cầu) bao gồm:
- Đa hồng cầu nguyên phát: Tủy xương tăng sinh quá nhiều hồng cầu.
- Đa hồng cầu thứ phát: Do sống ở vùng cao, suy tim, bệnh đường hô hấp mạn tính.
Nguyên nhân chỉ số bạch cầu bất thường
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chỉ số bạch cầu trong máu bị suy giảm. Một vài nguyên nhân tiêu biểu của tình trạng này có thể là do nhiễm trùng hoặc do dùng thuốc.
Nguyên nhân khiến chỉ số bạch cầu giảm bao gồm:
- Do thuốc
- Suy tuỷ
- Bệnh tự miễn
- Dinh dưỡng
- Nhiễm trùng: Lao, thương hàn, HIV, HBV,…
- Bẩm sinh
Bên cạnh đó, tình trạng chỉ số bạch cầu gia tăng lại xảy ra ở một số người. Nguyên nhân có thể xuất phát từ các bệnh và tình trạng như nhiễm trùng cấp tính, dị ứng, hoặc bị ung thư máu.
Nguyên nhân khiến chỉ số bạch cầu tăng bao gồm:
- Nhiễm trùng cấp tính như viêm ruột thừa, viêm phổi,…
- Dị ứng, ký sinh trùng
- Bệnh bạch cầu cấp (leukemia)
Nguyên nhân chỉ số tiểu cầu bất thường
Tình trạng chỉ số tiểu cầu suy giảm có thể xảy ra ở một số người, có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như tăng sinh tủy, nhiễm trùng cấp,….
Nguyên nhân khiến chỉ số tiểu cầu giảm bao gồm:
- Tổn thương tuỷ, cường lách
- Tồn tại kháng thể kháng tiểu cầu
- Dùng thuốc,…
Ngoài ra, cũng có nhiều nguyên nhân khiến gia tăng chỉ số tiểu cầu trong cơ thể. Một vài nguyên nhân tiêu biểu có thể kể đến là tăng sinh tủy, hội chứng viêm hoặc nhiễm trùng cấp.
Nguyên nhân khiến chỉ số tiểu cầu tăng bao gồm:
- Tăng sinh tủy
- Hội chứng viêm
- Nhiễm trùng cấp,…
Xét nghiệm công thức máu để làm gì?
Xét nghiệm công thức máu để bác sĩ chỉ định chẩn đoán một số bệnh lý và rối loạn về máu, là một trong những xét nghiệm thường quy trong các gói khám sức khỏe tổng quát. Xét nghiệm này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau bao gồm:
Khám sức khỏe tổng quát
Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi là một xét nghiệm cơ bản, chi phí thấp thường được thực hiện trong kiểm tra sức khỏe tổng quát. Từ đó giúp các bác sĩ đánh giá toàn diện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Theo dõi tình trạng thiếu máu
Đối với trường hợp đã xác định được tình trạng bệnh thiếu máu từ trước, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm công thức máu. Kết quả xét nghiệm có thể giúp bác sĩ theo dõi được sự tiến triển và tình trạng bệnh..
Theo dõi tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm
Nếu nghi ngờ bị nhiễm trùng hoặc bị viêm, làm xét nghiệm công thức máu là cần thiết. Bởi vì kết quả xét nghiệm có thể giúp việc chẩn đoán và theo dõi được chính xác hơn.
Tầm soát các bệnh lý rối loạn về máu
Với triệu chứng như mệt mỏi, sốt, viêm, bầm tím hoặc chảy máu,… Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm công thức máu để giúp chẩn đoán nguyên nhân và tầm soát các bệnh lý hoặc rối loạn về máu.
Cách đọc kết quả xét nghiệm các chỉ số công thức máu
Cách đọc công thức máu dựa trên kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu được tiến hành trên máy tự động gồm 4 hạng mục chính:
- Tên chỉ số: Bao gồm các chỉ số như WBC, NEU, LYM, MONO, HCT, RDW,…
- Kết quả chỉ số: Đây chính là kết quả thể hiện số lượng, nồng độ hay tỷ lệ của các tế bào có trong máu.
- Khoảng tham khảo (Chỉ số bình thường): Đây là khoảng giá trị bình thường, và tuỳ vào từng phòng thí nghiệm thì khoảng này có thể giao động.
- Đơn vị: Tuỳ vào chỉ số mà sẽ có các đơn vị khác nhau, ví dụ như K/μL, G/L hay là %.
Lưu ý, các chỉ số bất thường được tô đậm lên giúp cô chú, anh chị dễ dàng nhận biết được. Chỉ số công thức máu bất thường có thể đến từ nhiều tình trạng khác nhau như thiếu máu, nhiễm trùng, viêm, rối loạn đông máu hay là bệnh bạch cầu cấp (leukemia).
Tuy nhiên, để được chẩn đoán chính xác thì cô chú, anh chị nên gặp bác sĩ để được tư vấn và chỉ định các cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán chính xác bệnh.
Tham khảo thêm >> INR là gì?
Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm công thức máu?
Xét nghiệm công thức máu là một xét nghiệm cơ bản, thường được thực hiện trong các xét nghiệm khám sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư và chẩn đoán các bệnh lý. Tuy nhiên để đảm bảo tính hiệu quả và chính xác, cần lưu ý một vài điều trước khi đi xét nghiệm.
Các lưu ý trước khi đi xét nghiệm công thức máu:
- Không cần phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm công thức máu vì chế độ ăn không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
- Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng (nếu có)
- Mặc đồ thoải mái
- Liên hệ trước với cơ sở y tế.
Xét nghiệm công thức máu bao nhiêu tiền?
Hiện nay, có nhiều địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện xét nghiệm công thức máu với mức giá hợp lý. Tại Endo Clinic hiện nay cũng đang cung cấp dịch vụ xét nghiệm này.
Ngoài ra, công thức máu là một hạng mục trong khám tổng quát và tầm soát ung thư, trong đó nổi bật là tầm soát ung thư dạ dày, tầm soát ung thư đại trực tràng,…
Giá xét nghiệm công thức máu tại phòng khám tiêu hóa Endo Clinic hiện nay là 100.000 VNĐ.
Lưu ý, mức chi phí trên được cập nhật mới nhất tới ngày 23/12/2023. Để cập nhật mức giá mới nhất, Quý khách hàng vui lòng nhấn vào: Bảng giá dịch vụ xét nghiệm tiêu hóa.
Câu hỏi thường gặp
Xét nghiệm công thức máu biết được bệnh gì?
Xét nghiệm này được sử dụng để chẩn đoán một số bệnh lý và rối loạn về máu, ví dụ như thiếu máu, rối loạn đông máu, bệnh Leukemia,… Tuy nhiên cần phải kết hợp xét nghiệm công thức máu với các cận lâm sàng khác để đảm bảo tính chính xác của chẩn đoán.
Chỉ số HCT trong máu là gì?
Chỉ số HCT (Hematocrit) là chỉ số được sử dụng để đánh giá số lượng các tế bào hồng cầu trong máu bằng cách tính tỉ lệ thể tích hồng cầu so với thể tích máu toàn phần. Chỉ số HCT bình thường sẽ ở mức từ 36 – 50%.
Chỉ số WBC trong máu là gì?
Chỉ số WBC (White Blood Cell) là chỉ số được sử dụng để đánh giá số lượng bạch cầu trong máu. Đây là chỉ số thuộc dòng bạch cầu. Chỉ số WBC bình thường sẽ ở mức từ 4 – 11 K/μL.
Tài liệu tham khảo
1. Bài giảng Huyết học lâm sàng, 2015, PGS.TS.Nguyễn Tấn Bỉnh
2. Sinh lý học y khoa, 2019, Bộ môn sinh lý – ĐHYD TPHCM
3. Bài giảng Huyết học tế bào, 2014, ĐHYD Cần Thơ
4. Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương
5. “Complete blood count (CBC)”. Mayo Clinic, 2023, https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/complete-blood-count/about/pac-20384919. Accessed 14 Jan 2023.