Xét nghiệm acid uric máu thường được bác sĩ chỉ định trong việc tầm soát và điều trị nhiều bệnh lý như là gout, sỏi thận và suy thận. Vậy acid uric là gì, chỉ số acid uric bao nhiêu là bình thường, nguyên nhân tăng acid uric trong máu là gì và chi phí xét nghiệm acid uric là bao nhiêu? Hãy cùng phòng khám Nội Soi Tiêu Hóa tìm hiểu nhé!
Acid uric là gì?
Acid uric hay là axit uric là một hợp chất chuyển hóa tự nhiên có trong máu, hình thành từ quá trình thoái hóa purin (purine) trong cơ thể con người. Đây là sản phẩm từ những hợp chất hữu cơ có nguồn gốc từ quá trình dị hóa adenine và guanidine, có công thức hóa học là C5H4N4O3.
Acid uric trong xét nghiệm máu là chỉ số đo lường lượng acid uric có trong huyết tương của máu (không phải trong tế bào máu). Chỉ định xét nghiệm acid uric nhằm tầm soát bệnh gout, suy thận, bạch cầu, vảy nến, thiếu ăn hoặc các tình trạng suy kiệt sức khỏe khác.
Nguồn gốc của acid uric trong cơ thể
Cơ thể con người không chỉ tiếp nhận nguồn acid uric từ các thực phẩm tiêu thụ hằng ngày mà còn đến từ quá trình sản xuất nội sinh.
Acid uric được tạo thành từ 2 nguồn gốc chính:
- Nguồn gốc ngoại sinh: Do quá trình tiêu thụ thực phẩm có chứa purin (100 – 200 mg/ngày).
- Nguồn gốc nội sinh: Được sản sinh thông qua quá trình thoái biến các acid nucleic bên trong cơ thể (600 mg/ngày).
Các thực phẩm có chứa nhiều purin có thể kể đến như đồ uống có cồn, một số loại cá, hải sản có vỏ (nghêu, sò, ốc, hến, vẹm,…), một số loại thịt (heo, bê,…) và nội tạng động vật (gan).
Các con đường đào thải của acid uric
Sau khi được tạo thành, acid uric sẽ được hòa tan vào trong máu. Cơ thể sẽ kiểm soát nồng độ acid uric vừa phải trong máu bằng cách đào thải chúng ra khỏi cơ thể, chủ yếu thải qua bằng đường nước tiểu.
2 con đường đào thải acid uric chính là:
- Qua nước tiểu (400 – 1000 mg/ngày): Quá trình này được diễn ra ở thận. Cầu thận sẽ lọc acid uric, sau đó 95% lượng acid uric sẽ được tái hấp thụ tại ống lượn gần và thải ra ngoài qua ống lượn xa.
- Qua đường tiêu hóa (100 – 200 mg/ngày): Đóng vai trò thứ yếu. Vẫn có thể tìm thấy acid uric trong mật, dịch vị và các dịch tiết của ruột.
Sự tăng hoặc giảm bất thường chỉ số acid uric đều có khả năng gây ra bệnh lý, trong đó có bệnh gout, bệnh sỏi thận, suy thận,…
Chỉ số acid uric là gì? Ý nghĩa nồng độ acid uric trong máu
Chỉ số acid uric hay chỉ số axit uric là chỉ số thể hiện giá trị nồng độ acid uric có trong máu. Nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe liên quan bệnh gout, suy giảm chức năng thận, sỏi thận,…
Khoảng giá trị bình thường của chỉ số sẽ tuỳ thuộc vào năng lực phòng thí nghiệm ở mỗi cơ sở. Do đó, các thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, cô chú, anh chị nên liên hệ trực tiếp với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất.
Chỉ số acid uric bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số acid uric bình thường trong máu là từ 2,5 – 7,0 mg/dL (214 – 506 µmol/L) ở nam giới, 1,5 – 6,0 mg/dL (137 – 393 µmol/L) ở nữ giới. Nồng độ acid uric trong máu luôn giữ ổn định hằng ngày do sự cân bằng giữa quá trình đào thải và tổng hợp trong cơ thể. Chỉ số acid uric trong máu này sẽ khác biệt giữa nam và nữ.
Chỉ số acid uric bình thường là:
- Nam giới: Từ 214 – 506 µmol/L (2,5 – 7,0 mg/dL).
- Nữ giới: Từ 137 – 393 µmol/L (1,5 – 6,0 mg/dL).[3]
Một lưu ý rằng, acid uric máu bình thường sẽ cho biết hàm lượng acid uric trong cơ thể đang ở mức ổn định và có thể khác nhau giữa từng người. Do đó, nên tham vấn kỹ lưỡng ý kiến từ bác sĩ có chuyên môn để được giải đáp tốt nhất về kết quả xét nghiệm acid uric.
Chỉ số acid uric bao nhiêu là cao?
Chỉ số acid uric trong máu cao là khi trên mức 7,0 mg/dL (506 µmol/L) ở nam giới và trên mức 6,0 mg/dL ( 393 µmol/L) ở nữ giới. Chỉ số xét nghiệm acid uric máu cao có thể làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh gout, suy thận và sỏi thận do hình thành các tinh thể minosodium urat.
Chỉ số acid uric cao khi:
- Nam giới: Trên mức 506 µmol/L (7,0 mg/dL).
- Nữ giới: Trên mức 393 µmol/L (6,0 mg/dL).[3]
Kết quả xét nghiệm acid uric trong máu vượt ngưỡng bình thường, cô chú, anh chị sẽ được chẩn đoán đang mắc chứng tăng acid uric máu (Hyperuricemia). Khi nồng độ acid uric trong máu cao cho thấy cơ thể tạo quá nhiều acid uric hoặc chức năng thận có vấn đề, nên không loại bỏ hoàn toàn acid uric dư thừa trong máu ra ngoài.
Bảng thông số acid uric trong máu cao:
Chỉ số acid uric bình thường | Chỉ số acid uric cao | |
---|---|---|
Nam giới | 214 – 506 µmol/L (2,5 – 7,0 mg/dL | Trên 506 µmol/L (7,0 mg/dL |
Nữ giới | 137 – 393 µmol/L (1,5 – 6,0 mg/dL) | Trên 393 µmol/L (6,0 mg/dL). |
Tìm hiểu thêm >> Xét nghiệm chức năng thận creatinine là gì? Khi nào cần xét nghiệm creatinine máu?
Chỉ số acid uric bao nhiêu là bị gout?
Gout là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp, gây sưng khớp và đau khớp. Vị trí thường gặp nhất là ở khớp ngón chân cái. Một số vị trí khác cũng có thể xảy ra tình trạng sưng và đau khớp đó là mu bàn chân, mắt cá chân, gối, cổ tay và khuỷu tay. Một số vị trí hiếm gặp hơn đó là khớp háng, khớp vai, khớp cùng chậu, khớp ức đòn hoặc các khớp cột sống cổ. Gout có thể xảy ra ở bất kỳ người nào và ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Để chẩn đoán chính xác bệnh lý gout, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng và chỉ định các cận lâm sàng phù hợp, bên cạnh xét nghiệm acid uric máu. Do đó, không thể dựa vào duy nhất chỉ số acid uric để chẩn đoán bệnh gout.
Nguyên nhân tăng acid uric trong máu
Chỉ số acid uric trong máu tăng cao từ 2 nguyên nhân chính khi cơ thể tăng sản xuất acid uric quá mức hoặc giảm đào thải acid uric qua thận.
Tăng sản xuất acid uric
Tăng sản xuất acid uric trong máu là tình trạng nồng độ acid uric có trong máu sản xuất vượt ngưỡng bình thường, đến từ nhiều nguyên nhân như chế độ ăn uống, bệnh lý gây tan máu, di truyền, hóa trị,… trong đó chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng.
Các nguyên nhân gây tăng sản xuất acid uric là:
- Chế độ ăn uống nhiều purin: Người có chế độ ăn uống giàu purin, đặc biệt là các loại hải sản, có khả năng gia tăng sản xuất acid uric trong máu.
- Di truyền: Một số người bẩm sinh sản xuất ra nhiều acid uric hơn mức bình thường.
- Hoá trị, xạ trị: Các bệnh nhân ung thư khi thực hiện hoá trị hoặc xạ trị có nồng độ acid uric cao hơn bình thường vì sự phân rã acid nucleic.
- Thừa cân, béo phì: Nồng độ acid uric trong cơ thể người thừa cân, béo phì có xu hướng cao hơn bình thường.
- Bệnh lý gây tan máu: Một số bệnh như sốt rét, bệnh hồng cầu hình liềm, thiếu men G6PD sẽ làm tăng mức acid uric có trong máu.
- Một số bệnh lý khác: Các bệnh lý như lơxêmi cấp, u lympho, đa u tuỷ xương, đa hồng cầu,… cũng có nguy cơ thúc đẩy tạo acid uric trong cơ thể.
Giảm đào thải acid uric qua thận
Thận là cơ quan thiết yếu trong việc lọc và đào thải acid uric ra khỏi cơ thể. Do đó, chức năng thận suy giảm là 1 trong những nguyên nhân gây giảm khả năng loại bỏ acid uric qua thận.
Các nguyên nhân gây giảm đào thải acid uric qua thận là:
- Chức năng thận suy giảm
- Rối loạn acid và bazo trong cơ thể
- Hội chứng Down
- Sử dụng một số loại thuốc điều trị lao (niacin, ethambutol, cyclosporin, beryllium)
- Sử dụng các loại thuốc lợi tiểu (thiazid, furosemid, acid ethacrynic,…)
- Sử dụng quá nhiều rượu.[4]
Các nguyên nhân khác làm tăng acid uric trong máu
Không chỉ dừng lại ở 2 nhóm nguyên nhân quan trọng trên, còn một số nguyên nhân khác cũng góp phần làm gia tăng nồng độ acid uric trong cơ thể.
Các nguyên nhân khác làm tăng acid uric trong máu là:
- Xơ vữa động mạch và tăng huyết áp vô căn
- Tăng bạch cầu đơn nhân trong nhiễm trùng cấp
- Nhiễm độc thai nghén và tiền sản giật
- Suy tuyến cận giáp, cường cận giáp tiên phát
- Suy giáp, ngộ độc chì, chấn thương,…
Tham khảo thêm >> Acid uric cao nên ăn gì?
Nguyên nhân giảm acid uric trong máu
Giảm acid uric trong máu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do di truyền, hoặc do sử dụng các thuốc điều trị bệnh gout. Dưới đây là chi tiết các nguyên nhân làm giảm acid uric trong máu.
Các nguyên nhân gây giảm acid uric trong máu:
- Hoà loãng máu
- Hội chứng tăng tiết hormon chống bài niệu không thích hợp (SIADH)
- Tổn thương ống lượn gần
- Hội chứng Fanconi
- Sử dụng các thuốc gây tăng thải acid uric qua nước tiểu
- Bệnh Wilson
- Thiếu enzym xanthin oxydase
- Bệnh to đầu chi
- Bệnh Celiac
- Một số bệnh lý u tân sinh (ví dụ như bệnh Hodgkin, ung thư biểu mô)
Xét nghiệm acid uric là gì?
Xét nghiệm định lượng acid uric là xét nghiệm kiểm tra nồng độ acid uric có trong mẫu máu hoặc nước tiểu. Đây là xét nghiệm thường quy trong các gói khám sức khỏe tổng quát. Dựa trên chỉ số acid uric và các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể tìm ra được nguyên nhân gây gia tăng nồng độ acid uric trong cơ thể người bệnh.
Xét nghiệm axit uric máu được chỉ định khi có các triệu chứng của bệnh gout, theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân khi đang thực hiện hóa trị ung thư, người thường xuyên phát hiện có sỏi thận.
Xét nghiệm acid uric để làm gì?
Xét nghiệm acid uric được bác sĩ chỉ định để tầm soát và điều trị bệnh gout, điều trị bệnh nhân suy giảm chức năng thận, suy thận, sỏi thận, chẩn đoán bệnh lý gây biến đổi nồng độ acid uric, các bệnh về máu và thiếu máu do tan máu, bệnh nhân nghiện rượu,… Là một xét nghiệm cận lâm sàng phổ biến, đang được thực hiện rộng rãi tại các phòng khám, bệnh viện.
Xét nghiệm acid uric cần được thực hiện để:
- Khám sức khỏe tổng quát định kỳ
- Chẩn đoán các bệnh lý gây biến đổi nồng độ acid uric
- Theo dõi điều trị bệnh nhân gout
- Theo dõi điều trị bệnh nhân sỏi thận
- Tầm soát bệnh gout
- Theo dõi điều trị hóa chất chống ung thư
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ
Đây là hạng mục thường quy trong khám sức khỏe tổng quát. Việc theo dõi nồng độ acid uric trong cơ thể sẽ giúp cô chú, anh chị có thể điều chỉnh sớm chế độ ăn uống, sinh hoạt giúp chỉ số acid uric luôn mức ổn định, phòng tránh các bệnh lý bắt nguồn từ nồng độ acid uric cao.
Chẩn đoán các bệnh lý gây biến đổi nồng độ acid uric
Tình trạng acid uric tăng cao trong máu có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng. Một số bệnh lý liên quan đến tình trạng tăng nồng độ acid uric có thể kể đến như bệnh gout (gút), tăng huyết áp, bệnh lý về tim mạch, thận,…[5]
Mặt khác, kết quả xét nghiệm acid uric thấp cũng có thể là một dữ kiện giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý. Tuy nhiên, đây không phải là xét nghiệm duy nhất mà người bệnh cần thực hiện, mà cần kết hợp với các cận lâm sàng khác để được chẩn đoán bệnh chính xác. Một số bệnh lý liên quan đến tình trạng giảm nồng độ acid uric gồm bệnh đa xơ cứng, Parkinson, Alzheimer, viêm dây thần kinh thị giác,…[5]
Do đó, việc theo dõi và chẩn đoán dựa trên chỉ số acid uric trong xét nghiệm máu sẽ giúp cô chú, anh chị có thể phát hiện sớm các bệnh lý để có những biện pháp phòng tránh và điều trị phù hợp.
Theo dõi điều trị bệnh nhân gout
Việc giữ nồng độ acid uric trong cơ thể ở mức độ phù hợp là vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân gout. Theo Hội Thấp Khớp Học Hoa Kỳ (ACR) năm 2020, những người đang mắc gout (gút) cần phải giữ cho chỉ số acid uric trong xét nghiệm máu nhỏ hơn 6,0 mg/dL.[6]
Ở ngưỡng này, các tinh thể monosodium urat có xu hướng phân rã trong cơ thể, đồng thời ngăn cản các tinh thể mới hình thành. Do đó, bác sĩ sẽ định kỳ chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm acid uric máu để theo dõi mức độ acid uric trong cơ thể.
Theo dõi bệnh nhân từng bị sỏi thận
Đối với bệnh nhân từng có tiền sử bị sỏi thận, việc kiểm soát nồng độ acid uric trong máu là điều cần thiết giúp ngăn ngừa khả năng hình thành sỏi thận lại. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm acid uric để kiểm soát nồng độ acid uric có trong máu. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến cáo về chế độ sinh hoạt, ăn uống phù hợp để giúp đưa nồng độ acid uric trong máu của bệnh nhân trở về mức bình thường.
Tầm soát bệnh gout
Khi phát hiện bản thân có các dấu hiệu đầu tiên của bệnh gout (gút) như là đau nhức, sưng, nóng, đỏ và đau tại các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái, cô chú, anh chị nên thực hiện xét nghiệm gout để tầm soát bệnh gout.
Xét nghiệm gout giúp xác định nồng độ acid uric trong máu và nước tiểu để phát hiện sớm các bất thường, từ đó đưa ra các chẩn đoán và điều trị ngay từ giai đoạn ban đầu. Gout là bệnh mạn tính và khó trị khỏi hoàn toàn, nhưng với việc phát hiện sớm và tuân thủ theo phác đồ điều trị phù hợp, căn bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát.
Theo dõi điều trị hóa chất chống ung thư
Purin hay purine là một hợp chất cấu thành DNA trong tế bào. Do đó, khi tế bào ung thư bị tiêu diệt nhanh chóng do hóa trị hoặc xạ trị, chúng giải phóng lượng lớn purin làm gia tăng nhanh chóng nồng độ acid uric trong cơ thể.
Vì vậy, thực hiện các xét nghiệm acid uric giúp bác sĩ theo dõi nồng độ acid uric của bệnh nhân, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời khi triệu chứng do tăng acid uric máu bắt đầu xuất hiện.
Chẩn đoán dựa trên xét nghiệm acid uric
Kết quả xét nghiệm acid uric cung cấp những thông tin cần thiết để bác sĩ đánh giá tình hình sức khỏe của bệnh nhân thông qua sự thay đổi trong nồng độ acid uric máu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm acid uric đơn thuần không thể giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý như gout, sỏi thận.
Đối với bệnh lý gout, bác sĩ sẽ cần khám lâm sàng và chỉ định thêm một số cận lâm sàng khác để đánh giá người bệnh có bị gout hay không dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán gout ACR 2015. Ví dụ, bác sĩ sẽ cần kiểm tra tình trạng viêm ở khớp, có xuất hiện hạt tophi hay không, hoặc sẽ chỉ định thêm xét nghiệm dịch khớp.
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm acid uric?
Nếu cô chú, anh chị được chỉ định thực hiện xét nghiệm acid uric (axit uric), mình nên tuân theo một số lưu ý quan trọng để kết quả xét nghiệm được chính xác nhất.
Một số lưu ý trước khi đi xét nghiệm acid uric là:
- Không cần nhịn ăn khi lấy máu xét nghiệm: Cô chú, anh chị không cần thực hiện nhịn ăn trước khi xét nghiệm acid uric.
- Trao đổi với bác sĩ về đơn thuốc đang sử dụng: Một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có thể làm thay đổi nồng độ acid uric trong máu, từ đó dẫn đến chỉ số acid uric trong xét nghiệm máu sẽ bị sai lệch.
- Không sử dụng thức uống có cồn hoặc chất kích thích: Thức uống có cồn hoặc chất kích thích cũng có thể làm gia tăng nồng độ acid uric trong máu. Cần tránh sử dụng thức uống có cồn và chất kích thích ít nhất 24 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm.
- Mặc đồ thoải mái: Mặc quần áo thoải mái, dễ dàng cuộn tay áo lên sẽ giúp cho việc lấy mẫu xét nghiệm diễn ra đơn giản và nhanh chóng hơn.
Xét nghiệm acid uric bao nhiêu tiền?
Dịch vụ xét nghiệm acid uric hiện nay có thể dễ dàng tiếp cận ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh lân cận như là Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ,…
Tại phòng khám nội soi tiêu hóa endoclinic.vn hiện nay cũng có cung cấp dịch vụ xét nghiệm acid uric.
Giá xét nghiệm acid uric tại endoclinic.vn là 25.000 VNĐ.
Lưu ý, chi phí xét nghiệm acid uric trên đây được cập nhật mới nhất tới ngày 24/06/2023. Để xem bảng giá cập nhật mới nhất và liên tục, Cô Chú, Anh Chị vui lòng bấm vào: Bảng giá dịch vụ nội soi tiêu hóa.
Thêm vào đó, xét nghiệm acid uric cũng là hạng mục nằm trong gói khám nội tổng quát và các gói tầm soát ung thư, trong đó có tầm soát ung thư dạ dày, tầm soát ung thư đại tràng.
Trên đây là một số thông tin về chỉ số acid uric, chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm acid uric cũng như chi phí xét nghiệm acid uric. Nếu cô chú, anh chị thấy bài viết hữu ích, hãy để lại bình luận bên dưới và chia sẻ rộng rãi nhé!
Câu hỏi thường gặp
Người có chỉ số acid uric cao nên ăn gì và kiêng gì?
Người có chỉ số acid uric cao nên ăn các loại rau củ như súp lơ, cải xanh, dưa chuột,… và trái cây như táo, chuối, ổi. Các loại thực phẩm cần kiêng là hải sản có vỏ, thịt lợn, da gà, thịt bò và thức uống chứa cồn.
Uống nước chanh hạ acid uric không?
Uống nước chanh có thể làm hạ acid uric (axit uric) trong máu vì nó hỗ trợ đào thải nhanh chóng acid uric dư thừa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, không nên lạm dụng nước chanh để chữa gout và nên tham khảo bác sĩ trước khi thực hiện.
Chỉ số acid uric 480 có cao hay không?
Chỉ số acid uric trong máu 480 µmol/L nằm trong mức ổn định đối với nam giới, nhưng ở mức cao đối với nữ giới.
Chỉ số acid uric 600 có cao hay không?
Chỉ số acid uric 600 µmol/L nằm ở mức cao đối với cả hai giới. Khi này, nguy cơ mắc các bệnh lý như gout hay sỏi thận cũng sẽ tăng cao.
Acid uric cao có phải bị gút không?
Acid uric cao làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh gout (gút). Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác có bị gout không, cô chú, anh chị cần đến bệnh viện hoặc phòng khám nội soi dạ dày, đại tràng để khám lâm sàng và một số cận lâm sàng khác theo chỉ định của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo
1. Bài giảng Hoá sinh lâm sàng, 2015, PGS
2. Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
3. Gabbey, Amber Erickson. “Uric Acid Test (Blood Analysis).” Healthline, Healthline Media, 19 Aug. 2020, https://www.healthline.com/health/uric-acid-blood.
4. “Hyperuricemia: Symptoms, Causes, and More.” WebMD, WebMD, https://www.webmd.com/kidney-stones/what-is-hyperuricemia.
5. Kutzing, Melinda K, and Bonnie L Firestein. “Altered uric acid levels and disease states.” The Journal of pharmacology and experimental therapeutics vol. 324,1 (2008): 1-7. doi:10.1124/jpet.107.129031
6. Rheumatology.Org, 2023, https://assets.contentstack.io/v3/assets/bltee37abb6b278ab2c/blt04d52e3b6ff5112f/632cab5b258fb55f6b2186af/gout-guideline-2020.pdf. Accessed 24 Mar 2023.