Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Hai thành phần quan trong của mật là sắc tố mật và muối mật.

Muối mật được tổng hợp từ Cholesterol ở gan, đóng vai trò trong tiêu hoá, hấp thu lipid và các vitamin tan trong dầu A, D, E, K.

Sắc tố mật là sản phẩm đào thải, theo nghĩa rộng là chỉ các sắc tố của quá trình thoái hoá hemoglobin của hồng cầu (biliverdin – xanh, bilirubin, urobilinogen, urobilin, stercobilin…) và theo nghĩa hẹp là để chỉ bilirubin.

Cả sắc tố mật và muối mật đều được thải ra qua đường mật và liên quan chủ yếu đến bệnh lý gan mật.

Nguồn gốc bilirubin từ đâu?

Bilirubin có nguồn gốc chủ yếu từ sự thoái giáng hemoglobin của hồng cầu (80% từ hồng cầu già và chưa trưởng thành trong tuỷ xương), phần còn lại là từ các hemoprotein như myoglobin và các cytochrome.

Các hemoglobin được giải phóng từ hồng cầu sẽ tạo ra Hem, sắt và globin:

  • Globin sẽ được các haptoglobin giữ lại.
  • Sắt được gắn với transferrin vận chuyển đến tuỷ xương để tái sử dụng, hoặc dự trữ tại gan, lách, tuỷ xương dưới dạng ferritin và hemosiderin.
  • Hem sẽ được chuyển thành biliverdin nhờ tác dụng của enzym oxygenase, sau đó chuyển thành bilirubin dưới tác dụng của enzym biliverdin reductase.

Bilirubin vừa mới tạo thành:

  • Chiếm 80% bilirubin toàn phần.
  • Có đặc tính độc, không tan trong nước, phản ứng diazo chậm, còn được gọi là bilirubin gián tiếp (sử dụng phương pháp gián tiếp để định lượng) hay bilirubin tự do.
  • Để lưu hành được trong máu, bilirubin gián tiếp phải gắn với albumin. Do đó, không được lọc qua cầu thận, không tìm thấy trong nước tiểu.

Đến gan, bilirubin gián tiếp tách khỏi albumin, và tiếp tục chuyển hoá quá 3 giai đoạn:

  • Được tế bào gan giữ lại.
  • Liên hợp với acid glucoronic nhờ enzym UDP glucoronyl tranferase tạo thành bilirubin monoglucoronic và bilirubin diglucoronic.
  • Bài xuất vào đường mật.

Bilirubin liên hợp được tạo thành:

  • Chiếm 20% bilirubin toàn phần.
  • Có đặc tính không độc, tan trong nước, không gắn với protein huyết tương, vì vậy được lọc qua cầu thận.
  • Cho phản ứng diazo nhanh, còn được gọi là bilirubin trực tiếp do định lượng loại bilirubin này bằng phương pháp trực tiếp mà không cần thêm cơ chất gia tốc phản ứng.

20% bilirubin trực tiếp được tái hấp thu vào máu, 80% theo mật xuống ruột. Tại đây, dưới tác động của enzym β-glucoronidase tiết ra từ vi khuẩn, bilirubin được chuyển thành Urobilinogen rồi thành stercobilin trong phân.

Một phần nhỏ urobilinogen được tái hấp thủ vào tĩnh mạch cửa để thực hiện chu trình gan ruột và được tìm thấy trong nước tiểu. 

Mục đích và chỉ định xét nghiệm bilirubin

Xét nghiệm này thường được chỉ định để:

  • Chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý gan mật như: sỏi mật, viêm túi mật, viêm gan tắc mật, u đường mật,…
  • Theo dõi tình trạng thiếu máu tan máu như bệnh hồng cầu hình liềm hay tai biến truyền máu.
  • Theo dõi điều trị cho trẻ sơ sinh bị vàng da. Xét nghiệm nồng độ bilirubin trong máu để có thể điều trị kịp thời trước khi bilirubin không liên hợp dư thừa gây tổn thương cho những tế bào não của trẻ, gây hậu quả chậm phát triển trí tuệ, suy giảm khả năng học tập và phát triển, mất thính lực, rối loạn vận động mắt, thậm chí là tử vong.
  • Đo bilirubin trong nước ối nếu bác sĩ nghĩ thai nhi có tình trạng hủy hoại hồng cầu.

Các hình thức xét nghiệm bilirubin

  • Bilirubin máu: là hình thức xét nghiệm nồng độ bilirubin thông qua chỉ số máu
  • Bilirubin chọc hút dịch ối: là xét nghiệm đối với bệnh nhân đang mang thai, bilirubin có thể được đo thông qua dịch nước ối.
  • Bilirubin niệu: có thể được đo trong nước tiểu (xét nghiệm bilirubin tiểu). Thông thường nước tiểu sẽ không chứa blirubin nhưng nếu kết quả chỉ ra là có, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân cụ thể. Lượng bilirubin xuất hiện trong nước tiểu thường dự đoán tình trạng bilirubin ứ đọng, chưa được đào thải khỏi cơ thể bằng gan.

Bạn sẽ đi xét nghiệm bilirubin khi nào?

Bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm bilirubin cùng với các xét nghiệm khác khi có những dấu hiệu bất thường về:

  • Triệu chứng vàng da
  • Tiền sử uống rượu bia quá nhiều
  • Nghi ngờ ngộ độc thuốc
  • Tiếp xúc virus viêm gan
  • Nước tiểu màu đậm hổ phách
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Đau vùng bụng nghi ngờ (hạ sườn phải, vùng đầu tụy ống mật chủ,…)
  • Mệt mỏi, uể oải đi kèm với bệnh gan mãn tính
  • Nghi ngờ mắc bệnh thiếu máu tán huyết, trường hợp này phải thực hiện chung với các xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng tán huyết

Yêu cầu khi đi xét nghiệm

Xét nghiệm được tiến hành trên huyết tương.

Bệnh nhân bắt buộc phải nhịn ăn từ 4 – 8h trước khi lấy máu xét nghiệm. Tuy nhiên, vẫn có thể uống nước lọc.

Tránh tập luyện gắng sức vì có thể làm tăng nồng độ bilirubin máu.

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm bilirubin

  • Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
  • Xét nghiệm cần được thực hiện ngay, do khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hay ánh sáng nhân tạo sẽ làm giảm nồng độ bilirubin của bệnh phẩm (có thể lên đến 50% mỗi giờ).
  • Tiếp xúc với thuốc cản quang 24h trước đó có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
  • Định lượng bilirubin trong nước tiểu có thể âm tính giả khi có nitrit trong nước tiểu hay bệnh nhân đang dùng vitamin C. Ngược lại, có thể dương tính giả ở bệnh nhân dùng phenothiazin.
  • Thuốc làm nồng độ bilirubin tăng cao như: kháng sinh, một vài loại thuốc kiểm soát sinh đẻ, diazepam (Valium), flurazepam, indomethacin (Indocin), và phenytoin (Dilantin), adrenalin, allopurinol, thuốc điều trị sốt rét, vitamin C, azathioprine, chlorpropamide, thuốc cường cholin (cholinergic), codein, dextran, thuốc lợi tiểu, isoproterenol, levodopa, thuốc ức chế MAO, meperidine, methyldopa, methotrexate, morphin, thuốc ngừa thai uống, phenazopyridine, phenothiazin, quinidine, rifampin, streptomycin, theophylline, tyrosine, vitamin A…
  • Các thuốc điều trị bệnh cũng có thể làm cho chỉ số bilirubin thấp hơn bình thường bao gồm: barbiturat, caffeine, penicillin, salicylate liều cao, atazanavir (thuốc kháng virus HIV có thể làm tăng nồng độ bilirubin gián tiếp), citrat, corticosteroid, ethanol, penicillin, protein, salicylate, urea…

Giá trị bình thường của bilirubin

Bilirubin toàn phần:

  • Trẻ sơ sinh: < 10 mg/dL hay < 171 µmol/L
  • 1 tháng tuổi: 0,3 – 1,2 mg/dL hay 5,1 – 20,5 µmol/L
  • Người lớn: 0,2 – 1,0 mg/dL hay 3,4 – 17,1 µmol/L

Bilirubin trực tiếp: < 0,4 mg/dL hay < 7 µmol/L

Bilirubin gián tiếp: < 1 mg/dL hay < 17 µmol/L

Tỉ lệ bilirubin trực tiếp/bilirubin toàn phần: < 20%.

Bilirubin tăng cao có ảnh hưởng gì không?

Chỉ số bilirubin trong máu bất thường khi:

  • Bilirubin trực tiếp lớn hơn 0,4 mg/dL
  • Bilirubin toàn phần lớn hơn 1,9 mg/dL.

Tăng bilirubin toàn phần:

  • Có thai
  • Trẻ sơ sinh và đẻ non.
  • Hoạt động thể lực mạnh.
  • Các nguyên nhân gây tăng nồng độ bilirubin trực tiếp và bilirubin gián tiếp.
  • Suy giáp.

 

Tăng bilirubin gián tiếp:

  • Tăng phá huỷ hồng cầu quá mức
  • Tan máu: sốt rét, bệnh do không tương hợp Rh của trẻ sơ sinh, bệnh hemoglobin, thiếu hụt các enzym của hồng cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch, tan máu tự miễn.
  • Tạo hồng cầu không hiệu quả: bệnh thiếu máu ác tính Biermer.
  • Truyền máu nhiều lần.
  • Cường lách.
  • Khối máu tụ lớn.
  • Suy giảm quá trình liên hợp bilirubin tại gan
  • Bệnh Gilbert.
  • Suy tim mất bù.
  • Thuốc: Rifampicin…
  • Vàng da ở trẻ sơ sinh và trẻ đẻ non.
  • Hội chứng Crigler-Najjar do thiếu hụt enzym glucoronyl transferase.

 

Tăng bilirubin trực tiếp:

  • Bệnh lý tế bào gan: viêm gan do virus, viêm gan do thuốc (INH, Rifampicin, Halothan, Methyldopa, Chlorpromazine, Paracetamol, Salicylat…), viêm gan nhiễm độc (CCl4, Amanit phalloide).
  • Suy tim mất bù.
  • Xơ gan, xơ gan mật tiên phát, viêm đường mật xơ hoá.
  • Xâm nhiễm gan hoặc các tổn thương gây choáng chỗ (ví dụ: bệnh lý khối u, di căn gan, bệnh Wilson, u hạt…).
  • Thiếu alpha1 antitrypsin.
  • Các rối loạn bẩm sinh: bệnh Dubin- Johnson (rối loạn bài xuất bilirubin), hội chứng Rotor.
  • Thuốc: Chlorpromazine, barbituric, thuốc ngừa thai, testosteron, erythromycin.
  • Sỏi mật, viêm tụy cấp hay mạn tính, nang giả tụy trong viêm tụy cấp, ung thư tụy.
  • Ung thư bóng Vater, ung thư biểu mô (carcinoma) đường mật, chít hẹp hay tắc (atresie) đường mật.

 

Bilirubin giảm

Nguyên nhân chính thường gặp là do thuốc (ví dụ: barbiturat).

 

Lợi ích của xét nghiệm từng thành phần bilirubin máu

  • Là xét nghiệm hữu ích trong thăm dò các thiếu máu (khi phối hợp với các xét nghiệm khác) để xác định nguyên nhân thiếu máu do tan máu hay do quá trình tạo hồng cầu không hiệu quả.
  • Đánh giá mức độ nặng của bệnh lý gan.
  • Trong thăm dò tắc mật: nồng độ bilirubin toàn phần > 685 µmol/L gợi ý tình trạng tắc mật tại gan nhiều hơn là sau gan.
  • Đánh giá mức độ tăng bilirubin trực tiếp hay gián tiếp để định hướng chẩn đoán :
    • Khi tăng bilirubin trực tiếp và chiếm 20 – 40% bilirubin toàn phần gợi ý nhiều đến vàng da do nguyên nhân tại gan.
    • Khi tăng bilirubin trực tiếp và chiếm 40 – 60% bilirubin toàn phần gặp ở cả vàng da do tại gan và sau gan
    • Khi tăng bilirubin trực tiếp > 50% bilirubin toàn phần gợi ý nhiều đến vàng da do nguyên nhân sau gan.
  • Theo dõi bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng lao (INH, rifampicin).
  • Tăng đơn độc bilirubin gián tiếp mà không phải do tan máu gặp ở 2 – 5% dân số (bệnh Gilbert).

 

Lợi ích của xét nghiệm từng thành phần bilirubin nước tiểu

Bilirubin tìm thấy trong nước tiểu là bilirubin trực tiếp, vì vậy xét nghiệm này cho phép chẩn đoán phân biệt:

  • Các nguyên nhân vàng da do tan máu: không tìm thấy bilirubin trong nước tiểu.
  • Các vàng da do bệnh lý gan mật: có bilirubin trong nước tiểu.

 

Giới thiệu một số bệnh vàng da thường gặp trên lâm sàng

Có 3 loại

Vàng da trước gan (tăng bilirubin gián tiếp)

Nguyên nhân thường gặp:

  • Vàng da tán huyết: do tăng phá huỷ hồng cầu ( các bệnh hemoglobin, thiếu men G6PD, nhiễm khuẩn, sốt rét, ngộ độc, bất đồng nhóm máu).
  • Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh
  • Vàng da bệnh lý ở trẻn sơ sinh

Kết quả xét nghiệm:

  • Tăng chủ yếu bilirubin gián tiếp, bilirubin trực tiếp bình thường hoặc tăng ít.
  • Phân sậm màu, các lượng sắc tố tăng
  • Nước tiểu: urobilinogen tăng, không có sắc tố mật, muối mật trong nước tiểu

Tham khảo thêm >> Các loại nhóm máu và nguyên tắc truyền máu

Vàng da tại gan (tăng bilirubin hỗn hợp)

Bệnh di truyền do thiếu hụt enzym liên hợp bilirubin UDP glucoronyl transferase:

  • Hội chứng Crigler-Nijjar là bệnh di truyền trên nhiễm sắc thể thường, trong đó hoạt tính của enzym bilirubin UDP glucoronyl transferase bi khiếm khuyết.
  • Bệnh Gilbert: tan máu, giảm khả năng thu nhận bilirubin vào tế bào gan và giảm hoạt tính enzym bilirubin UDP glucoronyl transferase

Xét nghiệm máu: bilirubin gián tiếp tăng cao.

 

Bệnh mắc phải:

  • Viêm gan virus, nhiễm độc gan, xơ gan, ung thư gan,… Gan tổn thương làm giảm khả năng liên hợp bilirubin dẫn đến bilirubin gián tiếp tăng cao, đồng thời khả năng tái tạo bilirubin từ urobilinogen bị giảm gây tăng urobilinogen trong nước tiểu.
  • Nếu tổn thương tại gan gây phù nề, tắc nghẽn đường mật sẽ làm tăng bilirubin trực tiếp trong máu dẫn đến xuất hiện sắc tố mật trong nước tiểu.

Kết quả kết nghiệm:

  • Máu: bilirubin trực tiếp và gián tiếp đều tăng.
  • Nước tiểu: tăng urobilinogen, sắc tố mật (+).

 

Vàng da sau gan (tăng bilirubin trực tiếp)

Nguyên nhân: tắc mật do sỏi, ung thư đầu tuỵ, giun chui ống mật,…

Kết quả kết nghiệm:

  • Máu: tăng bilirubin trực tiếp. Giảm sắc tố mật trong phân (phân trắng như phân cò), lẫn mỡ (không hấp thu mỡ). Nếu tắc mật kéo dài, khả năng liên hợp của gan giảm sẽ làm tăng bilirubin trực tiếp.
  • Nước tiểu: sắc tố mật (+), muối mật (+), urobilinogen (-).

 

◊◊◊◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
  • Sinh lý học y khoa, 2018, BM Sinh lý – ĐHYD TPHCM.
  • Hoá sinh lâm sàng, 2005, GS. Đỗ Đình Hồ.
  • Hoá sinh y học, 2005, GS. Đỗ Đình Hồ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?