Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Rối loại mỡ máu, hay rối loạn cholesterol máu có xu hướng ngày càng gia tăng. Cholesterol tăng cao trong máu là nguy cơ cho bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ…Do đó, từ lâu Cholesterol vẫn luôn là nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng, có một loại chất béo tốt cho cơ thể là HDL – cholesterol.

HDL – cholesterol là gì?

HDL – cholesterol hay High Density Lipoprotein Cholesterol là một loại lipoprotein được tổng hợp bởi gan và ruột, tham gia vận chuyển Cholesterol nội sinh trong cơ thể.

Cholesterol từ thức ăn hay do cơ thể tổng hợp, do có bản chất là không tan trong nước, nên để di chuyển được trong máu đến các mô cần  một chiếc xe chuyên chở và đó là các lipoprotein VLDL, IDL, LDL và Chylomicron. Trong quá trình di chuyển trong dòng máu đến các mô, dưới tác động của các enzym các lipoprotein lần được được cắt nhỏ để cơ thể sử dụng là giải phóng phần dư thừa cholesterol. Và HDL – cholesterol đóng vai trò thu gom phần thừa này đưa về gan để gan oxy hoá và đào thải ra ngoài theo đường ruột.

Vì vậy, HDL – cholesterol là một chất béo tốt giúp các tế bào ngoại biên khỏi bị ứ đọng lipid máu, chống lại hiện tượng sinh xơ vữa.

Mục đích và chỉ định xét nghiệm HDL

Xét nghiệm này thường được chỉ định để:

  • Đánh giá tình trạng rối loạn mỡ máu.
  • Đánh giá nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch.
  • Nghiên cứu chức năng lipid của gan.
  • Hỗ trợ chẩn đoán các tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp.

Những đối tượng nào cần xét nghiệm HDL – cholesterol?

  • Xét nghiệm nồng độ HDL – cholesterol thường kết hợp với triglycerid máu, cholesterol toàn phần, LDL cholesterol để đánh giá tình trạng chuyển hoá cholesterol trong cơ thể .
  • Các chuyên gia y tế khuyên tất cả người lớn từ 20 tuổi trở lên nên xét nghiệm lipid máu theo định kỳ ít nhất 5 năm/lần để theo dõi tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, những người có các yếu tố nguy cơ sau cần đi kiểm tra thường xuyên hơn:
  • Tiền sử gia đình mắc rối loạn lipid máu sớm hoặc bệnh tim mạch
  • Tuổi cao: nữ giới tứ 45 tuổi trở lên và nam giới từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn.
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Uống rượu thường xuyên
  • Hút thuốc lá
  • Có lối sống tĩnh tại
  • Mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc tuyến giáp kém hoạt động

Tìm hiểu thêm:

Xét nghiệm mỡ máu – Triglycerid

> Mỡ máu gây hại – LDL Cholesterol

Yêu cầu khi đi xét nghiệm HDL

Xét nghiệm được tiến hành trên huyết tương. Bệnh nhân cần nhịn ăn và uống 12 giờ trước khi lấy máu xét nghiệm (có thể uống nước lọc).

Tuyệt đối không dùng rượu bia, chất kích thích, đồ uống có ga, có cồn trước xét nghiệm 24 giờ, vì có thể làm sai lệch kết quả.

Trước khi xét nghiệm, bạn cũng nên nói với bác sĩ về:

  • Bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề sức khỏe nào bạn đang gặp phải.
  • Tiền sử gia đình bạn về sức khỏe tim mạch.
  • Tất cả các loại thuốc và chất bổ sung mà bạn hiện đang dùng
  • Nếu bạn đang dùng các loại thuốc có thể làm tăng mức cholesterol, chẳng hạn như thuốc tránh thai, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng dùng thuốc một vài ngày trước khi xét nghiệm.

Giá trị bình thường HDL

HDL – Cholesterol:

    • Nam: 35 – 54 mg/dL hay 0,9 – 1,4 mmol/L
    • Nữ: 45 – 64 mg/dL hay 1,1 – 1,7 mmol/L

Tỉ lệ Cholesterol/HDL – cholesterol:

    • Nam: 3,5 – 4,5
    • Nữ: 3,39 – 4,39

HDL – Cholesterol tăng cao do đâu?

Nguyên nhân chính thường gặp là:

    • Tăng alpha lipoprotein máu
    • Hoạt động thể lực và tập thể dục đều đặn
    • Giảm cân
    • Bệnh gan mạn tính

HDL – Cholesterol toàn phần giảm do đâu?

Nguyên nhân chính làm giảm nồng độ HDL – cholesterol máu là:

    • Đái tháo đường không được kiểm soát tốt
    • Bệnh lý tế bào gan
    • Suy thận mạn, hội chứng thận hư
    • Tắc mật
    • Bệnh không có β-lipoprotein máu
    • Bệnh tăng α-lipoprotein máu có tính chất gia đình (bệnh Tangier)
    • Thiếu hụt Apo A-I và Apo C-III

> Xem thêm:

Xét nghiệm Mỡ máu – Cholesterol toàn phần

Chỉ số tiểu đường bao nhiêu là nguy hiểm?

HDL – cholesterol giảm có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không?

Nồng độ HDL cholesterol trong máu càng cao sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Còn khi nồng độ HDL – cholesterol giảm < 40 mg/dL sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Bởi khi HDL – Cholesterol giảm đồng nghĩa với việc nồng độ LDL – cholesterol sẽ tăng, từ đó hình thành các mảng xơ vữa trong lòng động mạch. Vữa xơ động mạch lại chính là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm như:

    • Đau thắt ngực
    • Nhồi máu cơ tim
    • Suy tim
    • Sốc tim
    • Đột quỵ

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
  • Hoá sinh lâm sàng, 2005, Bộ môn Hoá sinh – ĐHYD TPHCM.
  • Bài giảng RỐI LOẠN CHUYỂN HÓA LIPID, Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?