Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Prothrombin time (PT) và INR có trong kết quả xét nghiệm máu, giúp kiểm tra các vấn đề liên quan đến chức năng đông máu và phát hiện các rối loạn đông máu nếu có. Vậy Prothrombin là gì? Các chỉ số INR, PT bao nhiêu là bình thường? Hãy cùng trung tâm Nội Soi Tiêu Hóa tìm hiểu nhé!

Tổng quan về xét nghiệm Prothrombin Time (PT)
Tổng quan về xét nghiệm Prothrombin Time (PT)

Prothrombin là gì?

Prothrombin là một loại protein có trong huyết tương máu, được sản xuất bởi gan và cần sự hiện diện của vitamin K để được tổng hợp. Prothrombin còn được gọi là yếu tố đông máu II (factor II).

Prothrombin đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu diễn ra một cách bình thường. Khi có sự tổn thương hoặc vỡ mạch máu, prothrombin được chuyển hoá thành enzyme thrombin. Chính enzyme thrombin sẽ chuyển hoá fibrinogen để trở thành fibrin, giúp hình thành cục máu đông. Việc này sẽ tạo điều kiện để vết thương mau lành.[1][2]

Trong các trường hợp prothrombin hoạt động bất thường hoặc cơ thể không tổng hợp đủ prothrombin, có thể dẫn đến các rối loạn đông máu hoặc huyết khối.

Prothrombin là gì?
Prothrombin là gì?

Thời gian Prothrombin là gì?

Thời gian Prothrombin là xét nghiệm đánh giá toàn bộ quá trình đông máu, cho biết thời gian cần thiết để hình thành cục máu đông khi Prothrombin được kích hoạt. Thời gian Prothrombin tên tiếng anh là Prothrombin Time, gọi tắt là PT ngoài ra còn gọi là TQ, thời gian Quick hay tỉ lệ Prothombin. Chỉ số xét nghiệm PT được thể hiện trong kết quả xét nghiệm đông máu bằng đơn vị s (giây).

Chỉ số PT được theo dõi ở bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông như Warfarin để đánh giá tình trạng đông máu của họ. Thông thường, chỉ số PT được biểu thị dưới dạng tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế gọi là INR.

INR là viết tắt của International Normalized Ratio, là chỉ số quan trọng có chức năng kiểm tra thời gian đông máu tức biểu thị mức độ hình thành các cục máu đông.

Một số trường hợp khác cần đánh giá chỉ số Prothrombin Time:

  • Trước khi phẫu thuật hoặc trước khi thực hiện một số thủ thuật y tế xâm lấn.
  • Kiểm tra chức năng gan khi có các bệnh lý tổn thương gan.
  • Khi nghi ngờ có các rối loạn về đông máu.[3]
Prothrombin Time là gì?
Prothrombin Time là gì?

Chỉ số PT có ý nghĩa gì?

Chỉ số PT có ý nghĩa rất quan trọng khi được sử dụng để đánh giá chức năng đông máu của cơ thể. Chỉ số PT còn được biết đến với thuật ngữ chỉ số rối loạn đông máu.

Chỉ số PT có thể được thể hiện dưới 3 hình thức sau:

  • Chỉ số PT (TQ)
  • Chỉ số PT tỷ lệ
  • Chỉ số INR

Lưu ý:

Tại Việt Nam, nhiều cơ sở sẽ sử dụng thuật ngữ chỉ số TQ (Temps de Quick) thay vì chỉ số PT (Prothrombin Time). Về cơ bản, cả 2 thuật ngữ này đều ám chỉ một chỉ số trong xét nghiệm chức năng đông máu.

Các giá trị tham chiếu có thể khác nhau tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm và trang thiết bị của mỗi cơ sở y tế. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm như thuốc đang sử dụng, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân,… Do đó, các thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo.

Chỉ số PT (TQ) bình thường là bao nhiêu?

Chỉ số PT (Prothrombin Time) là một chỉ số để khảo sát con đường đông máu ngoại sinh của cơ thể. Chỉ số PT (TQ) được tính bằng cách đo thời gian máu đông sau khi quá trình đông máu được kích hoạt.

Chỉ số PT (TQ, INR) bình thường khi nằm trong khoảng từ 11 – 13,5 giây, cho biết thời gian hình thành đông máu của người bình thường. [4]

Tỷ lệ PT (PT%) bình thường là bao nhiêu?

Tỷ lệ Prothrombin hay là PT%, đây là tỷ lệ giữa mức độ đông máu của bệnh nhân so với một người khỏe mạnh bình thường. Kết quả được biểu thị dưới dạng phần trăm (%).

Tỷ lệ PT (PT%) bình thường nằm trên mức 70%.

Công thức tính tỷ lệ PT (PT%, INR):

PT% = (Thời gian đông máu của mẫu/ Thời gian đông máu chuẩn) x 100%

  • Thời gian đông máu của mẫu: Chỉ số PT của mẫu đang khảo sát.
  • Thời gian đông máu chuẩn: Chỉ số PT chuẩn của mẫu bình thường tại phòng thí nghiệm.

Chỉ số INR bình thường là bao nhiêu?

Ở người khỏe mạnh, chỉ số INR bình thường trong khảng 0,8 – 1,1. Chỉ số INR dao động từ 2,0 đến 3,0 với bệnh nhân đang dùng warfarin, với mục đích để điều trị một số rối loạn đông máu nhất định.[4]

Chỉ số INR (International Normalized Ratio) cho biết tỷ lệ giữa thời gian đông máu của bệnh nhân và thời gian đông máu chuẩn của người bình thường, được chuẩn hóa bằng một tiêu chuẩn quốc tế bởi WHO. Để đảm bảo tính nhất quán giữa các phòng xét nghiệm khác nhau thì nhiều phòng xét nghiệm đều khuyến cáo sử dụng chỉ số INR.

Cách tính chỉ số INR như sau:

INR = (PT của bệnh nhân / PT chứng) ISI

Mỗi phòng thí nghiệm sẽ chỉ định một giá trị ISI (International Sensitivity Index) riêng. Công thức tính INR trên dựa theo công thức của Viện Nghiên cứu Tim mạch Quốc gia Mỹ[5]

Chỉ số INR bình thường là bao nhiêu?
Công thức tính chỉ số INR

Nguyên nhân chỉ số PT bất thường

Có nhiều nguyên nhân làm thay đổi chỉ số PT (Prothrombin Time). Sự bất thường của chỉ số PT có thể là tăng hoặc giảm so với bình thường. Hãy cùng endoclinic.vn tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến chỉ số bất thường nhé!

Nguyên nhân Prothrombin Time kéo dài hơn bình thường

Prothrombin Time kéo dài hơn bình thường có thể liên quan đến một số bệnh lý và rối loạn về chức năng đông máu. Dưới đây là một số nguyên nhân.

Một số nguyên nhân làm Prothrombin Time kéo dài đó là:

  • Sử dụng thuốc ức chế đông máu: Các thuốc ức chế đông máu như warfarin, heparin, dabigatran, rivaroxaban, apixaban,… có thể làm ức chế hoạt động của các yếu tố đông máu trong đó có Prothrombin, làm cho thời gian Prothrombin kéo dài.
  • Thiếu vitamin K: Vitamin K là chất cần thiết để tổng hợp một số yếu tố đông máu, bao gồm Prothrombin. Khi thiếu hụt vitamin K, có thể dẫn đến giảm tổng hợp các yếu tố đông máu này, khiến tỷ lệ prothrombin giảm.
  • Các bệnh lý của gan: Gan là cơ quan sản xuất một số yếu tố đông máu, trong đó có Prothrombin. Các bệnh lý tại gan có thể làm suy giảm chức năng gan, do đó sẽ làm giảm sản xuất các yếu tố đông máu dẫn đến kéo dài thời gian Prothrombin.
  • Đông máu rải rác trong lòng mạch (Disseminated Intravascular Coagulation): Đây là một tình trạng nghiêm trọng khiến cho quá trình đông máu trong cơ thể diễn quá quá mức bình thường và dẫn đến hình thành các cục máu đông khắp cơ thể, gây thiếu hụt yếu tố đông máu và dẫn đến thời gian Prothrombin kéo dài.[6]
  • Các rối loạn đông máu di truyền: Một số bệnh lý di truyền như bệnh Hemophilia hoặc bệnh von Willebrand, có thể dẫn đến thiếu hụt hoặc bất thường hoạt động của các yếu tố đông máu, dẫn đến thời gian Prothrombin kéo dài hơn bình thường.[7]
Chỉ số PT tăng có thể liên quan đến các rối loạn đông máu
Chỉ số PT tăng có thể liên quan đến các rối loạn đông máu

Nguyên nhân Prothrombin Time ngắn hơn bình thường

Prothrombin Time ngắn hơn bình thường cũng có thể gây nguy hiểm đến cơ thể vì có thể tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong mạch máu. Vậy đâu là các nguyên nhân gây ra tình trạng này?

Một số nguyên nhân làm thời gian Prothrombin Time ngắn hơn bình thường đó là:

  • Các rối loạn đông máu: Một số rối loạn đông máu như đột biến Factor V Leiden có thể làm cho máu đông nhanh hơn bình thường, dẫn đến việc thời gian Prothrombin ngắn hơn.[8]
  • Một số loại thuốc: Một số loại thuốc nhất định, chẳng hạn như thuốc tránh thai đường uống hoặc hormone thay thế, có thể tăng mức độ hoạt động của các yếu tố đông máu, dẫn đến thời gian Prothrombin ngắn hơn so với bình thường.[3]
  • Sử dụng thực phẩm chức năng: Việc sử dụng thực phẩm chức năng có chứa vitamin K cũng có thể làm rút ngắn thời gian Prothrombin Time.[3]
  • Thai kỳ: Thai kỳ có thể làm tăng nồng độ các yếu tố đông máu, gây ra thời gian Prothrombin ngắn hơn bình thường.[9]

Xét nghiệm Prothrombin Time là gì?

Xét nghiệm Prothrombin Time hay xét nghiệm INR là xét nghiệm máu dùng để kiểm tra chức năng đông máu và đo thời gian hình thành đông máu. Xét nghiệm Prothrombin Time hay xét nghiệm PT có các tên gọi khác như xét nghiệm TQ, xét nghiệm thời gian Quick,…

Trong quá trình thực hiện xét nghiệm, một lượng máu nhỏ được lấy từ một tĩnh mạch và pha trộn với các chất kích hoạt đông máu. Sau đó, đo thời gian cần để hình thành cục máu đông, kết quả được thể hiện theo đơn vị giây (s).

Xét nghiệm PT thường được sử dụng kết hợp với các xét nghiệm đông máu khác như xét nghiệm thời gian thromboplastin từng phần hoạt hóa (xét nghiệm aPTT) để đánh giá toàn diện hơn về chức năng đông máu của cơ thể.[10]

Xét nghiệm Prothrombin Time là gì?
Xét nghiệm Prothrombin Time là gì?

Tham khảo thêm >> Công thức máu bình thường thể hiện ở những chỉ số nào?

Xét nghiệm PT để làm gì?

Xét nghiệm PT (INR) để đánh giá, chẩn đoán, theo dõi và điều trị khả năng đông máu cũng như phát hiện các rối loạn chức năng đông máu nếu có của cơ thể. Vậy còn có những trường hợp nào bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm này? Dưới đây là một số chỉ định thường gặp của xét nghiệm PT.

Chẩn đoán các rối loạn đông máu và huyết khối

Xét nghiệm PT có thể được chỉ định trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ người bệnh mắc các rối loạn đông máu và huyết khối.

Một số triệu chứng của tình trạng rối loạn đông máu gồm:

  • Chảy máu nặng không rõ nguyên nhân
  • Dễ bị bầm tím
  • Chảy máu mũi nặng
  • Chảy máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt

Một số triệu chứng của tình trạng huyết khối gồm:

  • Chân bị sưng
  • Nổi nhiều vệt đỏ trên chân
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Tim đập nhanh.[11]

Theo dõi và điều trị bệnh nhân rối loạn đông máu và huyết khối

Xét nghiệm TQ (xét nghiệm PT/INR) không chỉ giúp chẩn đoán các rối loạn đông máu mà còn là công cụ để Bác sĩ theo dõi và điều trị bệnh nhân rối loạn đông máu và huyết khối. Mục tiêu của quá trình điều trị sẽ giúp đưa chỉ số PT của người bệnh trở về mức bình thường. Nếu không đạt hiệu quả, bác sĩ sẽ điều chỉnh lại hướng điều trị sao cho phù hợp.

Thông thường, Xét nghiệm TQ sẽ được chỉ định đối với bệnh nhân đang được sử dụng các loại thuốc ức chế đông máu như warfarin hoặc heparin.

Theo dõi và điều trị bệnh nhân rối loạn đông máu và huyết khối
Theo dõi và điều trị bệnh nhân rối loạn đông máu và huyết khối

Theo dõi một số bệnh lý về gan

Bởi vì gan đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất prothrombin nên nếu cơ quan này bị tổn thương thì sẽ ảnh hưởng đến chức năng đông máu của cơ thể. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm PT bên cạnh các xét nghiệm khác như xét nghiệm bilirubin, xét nghiệm ALT, xét nghiệm AST,…[12]

Một số bệnh lý về gan có thể cần xét nghiệm PT để theo dõi chức năng như:

Kiểm tra chức năng đông máu trước khi phẫu thuật

Xét nghiệm PT được thực hiện để kiểm tra chức năng đông máu của bệnh nhân trước khi tiến hành phẫu thuật. Việc kiểm tra này giúp đánh giá khả năng đông máu của bệnh nhân và giúp phát hiện các rối loạn đông máu trước khi phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ chảy máu hoặc hình thành huyết khối trong quá trình phẫu thuật. Thông thường, các xét nghiệm đông máu sẽ được thực hiện trước khi bệnh nhân được phẫu thuật ít nhất 1 – 2 tuần.

Nếu kết quả xét nghiệm PT cho thấy rằng bệnh nhân có rối loạn đông máu hoặc nguy cơ chảy máu cao, bác sĩ sẽ điều chỉnh kế hoạch phẫu thuật của bệnh nhân để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật. Nếu kết quả xét nghiệm PT của bệnh nhân bình thường, phẫu thuật có thể được tiến hành.

Ngoài ra, một số thủ thuật y tế xâm lấn có thể gây chảy máu như cắt polyp ống tiêu hóa cũng cần phải thực hiện xét nghiệm PT trước khi tiến hành, để đảm bảo an toàn cho người bệnh trong quá trình thực hiện.

Xét nghiệm PT có thể được chỉ định trước khi phẫu thuật
Xét nghiệm PT có thể được chỉ định trước khi phẫu thuật

Chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm PT

Kết quả xét nghiệm PT cho biết khả năng đông máu của cơ thể dựa trên các chỉ số PT (chỉ số TQ) và chỉ số INR. Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán sơ bộ dựa trên kết quả xét nghiệm PT của người bệnh, cụ thể như bảng dưới đây.

Chỉ số PT (TQ)Chỉ số INR
Có nguy cơ đông máu cao< 11 giây< 0,8
Bình thường11 – 13,5 giây0,8 – 1,1
Có nguy cơ máu khó đông> 13,5 giây> 1,1
Bảng đánh giá chức năng đông máu thông qua chỉ số PT

Lưu ý, các giá trị này chỉ mang tính chất tham khảo, bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý. Ví dụ, trong trường hợp người bệnh mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), bác sĩ có thể cần chỉ định thêm một số chẩn đoán hình ảnh như MRI, chụp X-quang mạch máu (contrast venography) hay siêu âm duplex.

Bác sĩ có thể chỉ định thêm một số cận lâm sàng bổ sung
Bác sĩ có thể chỉ định thêm một số cận lâm sàng bổ sung

Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm PT?

Để chuẩn bị cho xét nghiệm PT, Quý khách nên hỏi ý kiến Bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn trước khi thực hiện xét nghiệm. 

Một số lưu ý có thể tham khảo trước khi thực hiện xét nghiệm PT:

  • Chú ý đến một số thực phẩm trước khi xét nghiệm đông máu: Thông thường, Quý Khách không cần phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm như gan, bông cải xanh, đậu gà,… có thể làm ảnh hưởng đến kết quả. Vì vậy, Quý khách hãy hỏi kỹ về thực phẩm cần hạn chế không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm PT.
  • Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng: Quý khách nên cung cấp toa thuốc đang sử dụng, đặc biệt là các thuốc chống đông máu, thuốc kháng sinh, thực phẩm chức năng, vitamin,… để Bác sĩ tư vấn và cho chỉ định về việc ngưng thuốc hoặc không ngưng thuốc trước khi xét nghiệm.
  • Trao đổi về tình trạng bệnh lý của bản thân: Để có kết quả chẩn đoán chính xác về khả năng đông máu, Bác sĩ cần nắm rõ về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý của Quý khách trước khi thực hiện xét nghiệm PT.
  • Mặc đồ thoải mái: Mặc quần áo thoải mái để thuận tiện cho kỹ thuật viên thực hiện lấy mẫu máu xét nghiệm.
  • Liên hệ trước với cơ sở y tế: Việc liên hệ trước cơ sở y tế giúp Quý Khách chủ động thời gian, tránh chờ đợi gây mệt mỏi.
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm PT?
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm PT?

Xét nghiệm PT bao nhiêu tiền?

Hiện nay có nhiều cơ sở y tế trên cả nước và tại TPHCM nói riêng có thể thực hiện xét nghiệm PT hay xét nghiệm INR với giá thành khá hợp lý, dễ tiếp cận với đại đa số người dân.

Tại trung tâm tiêu hóa endoclinic.vn hiện nay cũng có cung cấp dịch vụ xét nghiệm PT. Xét nghiệm này nằm trong bộ xét nghiệm đông máu gồm PT (INR), aPTT, fibrinogen.

Ngoài ra, Xét nghiệm PT cũng là một xét nghiệm rất quan trọng trước khi thực hiện các thủ thuật trong nội soi tiêu hoá. Do đó tại endoclinic.vn, xét nghiệm PT luôn được Bác sĩ chỉ định trước khi thực hiện nội soi tiêu hoá hoặc tầm soát ung thư tiêu hoá.

Giá xét nghiệm PT tại endoclinic.vn hiện nay là 125.000 VNĐ.

Lưu ý, mức giá kể trên là mức giá được cập nhật mới tới ngày 28/06/2023. Để cập nhật mức giá mới nhất, Quý khách hàng vui lòng nhấn vào: Bảng giá dịch vụ xét nghiệm nội soi tiêu hóa.

Trên đây là một số thông tin về chỉ số PT và chỉ số INR trong xét nghiệm đông máu, cũng như là một số thông tin liên quan đến xét nghiệm PT. Nếu Quý khách hàng thấy thông tin trên hữu ích, hoặc có bất kỳ thắc mắc nào thì có thể để lại bình luận bên dưới nhé!

Câu hỏi thường gặp

Chỉ số INR là gì và khác gì chỉ số PT?

Chỉ số INR là một chỉ số có trong xét nghiệm chức năng đông máu. Chỉ số này thể hiện tỉ lệ giữa thời gian đông máu của mẫu khảo sát với thời gian đông máu của người bình thường được chuẩn hóa bằng một tiêu chuẩn quốc tế xác định bởi WHO.

Trong khi đó, chỉ số PT chỉ thể hiện thời gian máu đông sau khi quá trình đông máu được kích hoạt và giá trị này chưa được chuẩn hoá.

Chỉ số INR bình thường là bao nhiêu?

Chỉ số INR được xem là bình thường khi nằm trong khoảng 0,8 – 1,1.

Đối với bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu như warfarin thì chỉ số này sẽ dao động từ 2,0 – 3,0.

Chỉ số PT bình thường là bao nhiêu?

Chỉ số PT bình thường khi nằm trong khoảng từ 11 – 13,5 giây, cho biết thời gian hình thành đông máu của người bình thường. Tuy nhiên, giá trị này chỉ mang tính chất tham khảo, và có thể thay đổi tùy theo cách thử nghiệm của từng phòng xét nghiệm.

Tài liệu tham khảo

1. “Guyton and Hall Textbook of Medical Physiology”, Hall JE and Guyton AC, Philadelphia, PA: Elsevier; 2016.

2. Rennert, Hanna, et al. “153 – Molecular Testing for Factor V Leiden and Prothrombin Gene Mutations in Inherited Thrombophilia.” Clinical and Laboratory Aspects, 1 Jan. 2019, pp.903-906, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/B9780128137260001537?via%3Dihub, 10.1016/B978-0-12-813726-0.00153-7. Accessed 29 Jun. 2023.

3. Prothrombin Time Test, Mayo Clinic, https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/prothrombin-time/about/pac-20384661. Published November 30, 2022. Accessed March 18, 2023.

4. “Prothrombin Time (PT) Test: Purpose & Results Evaluation.” https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/17691-prothrombin-time-pt-test, Accessed 29 Jun. 2023.

5. TRIPODI, A., et al. “Review Article: The Prothrombin Time Test as a Measure of Bleeding Risk and Prognosis in Liver Disease.” Alimentary Pharmacology & Therapeutics, vol. 26, no. 2, pp. 141–48, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1365-2036.2007.03369.x. Accessed 18 June 2023.

6. Levy, Jerrold H., and Andrew McKee. “Bleeding, hemostasis, and transfusion medicine.” Cardiothoracic Critical Care 437 (2007).

7. “Bleeding Disorders – StatPearls – NCBI Bookshelf.” https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK541050/, Accessed 29 Jun. 2023.

8. “Factor V Leiden – Symptoms and Causes.” Mayo Clinic, 23 Aug. 2022, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/factor-v-leiden/symptoms-causes/syc-20372423. Accessed 29 Jun. 2023.

9. Whitfield, L. R., et al. “Effect of Pregnancy on the Relationship between Concentration and Anticoagulant Action of Heparin – PubMed.” Clinical Pharmacology and Therapeutics, vol. 34, no. 1, July 1983, https://ascpt.onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1038/clpt.1983.123.

10. “PT/INR Test (Prothrombin Time and International Normalized Ratio).” Testing.Com, 20 June 2021, https://www.testing.com/tests/prothrombin-time-and-international-normalized-ratio-ptinr/. Accessed 27 June 2023.

11. Prothrombin Time Test and INR (PT/INR). https://medlineplus.gov/lab-tests/prothrombin-time-test-and-inr-ptinr/. Accessed 29 Jun. 2023.

12. “Common Liver Tests.” Johns Hopkins Medicine, 19 Nov. 2019, https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/common-liver-tests. Accessed 28 June 2023.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?