Xét nghiệm CA 19-9 thường được dùng trong tầm soát ung thư tuỵ, một loại ung thư trong hệ tiêu hoá. Vậy CA 19-9 là gì? Chỉ số CA 19-9 bao nhiêu là nguy hiểm? Và có phải chỉ số CA 19-9 cao là ung thư tuỵ không? Hãy cùng trung tâm Nội Soi Tiêu Hóa tìm hiểu nhé!
CA 19-9 là gì?
CA 19-9 là một kháng nguyên có TLPT cao (>1 triệu Dalton), được tạo ra từ tế bào ung thư hoặc các tế bào bình thường phản ứng với khối u trong cơ thể. Đây là kháng nguyên thuộc hệ nhóm máu Lewis và đã bị biến đổi.
CA 19-9 có một số tên gọi tiếng Anh khác như:
- Cancer antigen 19-9
- Carbohydrate antigen 19-9
- Sialyl Lewis a (sLeA)
Thông thường, người bình thường vẫn có thể có ít lượng CA 19-9 trong máu. Nếu như nồng độ CA 19-9 tăng cao có thể là dấu hiệu của bệnh lý ung thư tuỵ. Do đó, đôi khi CA 19-9 cũng có thể được gọi là dấu ấn ung thư tuỵ. Tuy nhiên, tình trạng CA 19-9 tăng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý khác ngoài ung thư như sỏi mật, xơ gan,…[1]
Chỉ số CA 19-9 là gì? Ý nghĩa của chỉ số CA 19-9 trong máu?
Chỉ số CA 19-9 là giá trị thể hiện nồng độ CA 19-9 có trong máu. Chỉ số này có giá trị gợi ý chẩn đoán nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến tụy. Vậy chỉ số CA 19-9 bình thường có trong máu là bao nhiêu?
Chỉ số CA 19-9 trong máu bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số định lượng CA 19-9 trong máu bình thường là nhỏ hơn ngưỡng 37 kU/L (U/mL).[2]
Tuy nhiên, tùy thuộc vào máy móc, hoá chất hay năng lực của kỹ thuật viên xét nghiệm mà khoảng giá trị bình thường có thể dao động tại các cơ sở y tế khác nhau.
Chỉ số CA 19-9 bao nhiêu là cao?
Chỉ số CA 19-9 trong máu cao là khi nồng độ CA 19-9 vượt ngưỡng 37 kU/L.[2]
Chỉ số xét nghiệm máu CA 19-9 tăng là dấu hiệu ung thư tuyến tuỵ với dấu ấn có độ nhạy 79-81%, độ đặc hiệu 82-90% hoặc bệnh lý ung thư tiêu hoá khác. Đôi khi chỉ số CA 19-9 gia tăng đến từ một số bệnh lý không phải ung thư. Do đó, không thể sử dụng độc lập chỉ số định lượng CA 19-9 này để chẩn đoán bệnh lý ung thư tuỵ mà cần kết hợp thêm một số cận lâm sàng khác, ví dụ như chụp CT, MRI, PET hay là thực hiện sinh thiết mẫu mô ở tuỵ để giải phẫu bệnh.
Chỉ số CA 19-9 tăng trong trường hợp nào?
Chỉ số CA 19-9 tăng trong máu có thể được xem một dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến tụy. Cần lưu ý rằng, không phải mỗi ung thư tuyến tụy mới làm tăng chỉ số CA 19-9. Do đó, nếu chỉ số CA 19-9 tăng bất thường, bạn nên tham vấn ngay với bác sĩ uy tín và có chuyên môn để có được tư vấn chính xác nhất.
Các nguyên nhân làm chỉ số CA 19-9 tăng là:
- Ung thư tụy
- Các bệnh lý ung thư khác
- Bệnh lý về tuỵ và mật
- Bệnh lý về gan
- Một số nguyên nhân khác
Ung thư tụy
Tuỵ là một bộ phận thuộc hệ tiêu hoá, nằm ở vị trí thượng vị, tức là dưới phần xương sườn và trên phần rốn. Ung thư tuỵ là tình trạng các tế bào bất thường ở tuỵ phát triển mất kiểm soát, từ đó hình thành khối u.
Ung thư tụy là nguyên nhân phổ biến của tình trạng tăng nồng độ CA 19-9 trong máu. Có đến 80% trường hợp bệnh nhân ung thư tuỵ ghi nhận tình trạng tăng nồng độ CA 19-9. Tuy nhiên, tình trạng ung thư tuỵ không phải là nguyên nhân duy nhất làm tăng nồng độ CA 19-9 trong máu.[3]
Các bệnh lý ung thư khác
Bên cạnh ung thư tụy, các loại ung thư khác cũng có thể làm chỉ số CA 19-9 tăng trong máu.
Một số bệnh lý ung thư ống tiêu hoá khác có thể làm tăng chỉ số CA 19-9:
- Ung thư đường mật
- Ung thư dạ dày
- Ung thư đại trực tràng
- Ung thư túi mật
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư bàng quang.[1]
Tuy nhiên, CA 19-9 thường không được dùng trong việc tầm soát ung thư và theo dõi điều trị các bệnh lý ung thư này. Lý do đến từ độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp này với nhóm ung thư trên chưa được cao.
Bệnh lý về tuỵ và mật
Chỉ số CA 19-9 cao bất thường có thể không đến từ các bệnh lý không phải ung thư mà đến từ các bệnh lý liên quan đến tuỵ và mật. Ví dụ như bệnh viêm đường mật, tắc nghẽn đường mật, sỏi mật hay nhiễm trùng tuỵ. Một nghiên cứu còn ghi nhận được ở bệnh nhân viêm đường mật cấp tính thì chỉ số CA 19-9 có thể tăng lên đến 1000 U/mL, cao hơn rất nhiều so với mức bình thường.[1][4]
Bệnh lý về gan
Không chỉ có các bệnh lý ở tuỵ, một số bệnh lý ở gan cũng có thể làm gia tăng nồng độ CA 19-9, trong đó có bệnh viêm gan (bao gồm viêm gan B mạn tính, viêm gan C mạn tính) hay xơ gan. Một nghiên cứu cho thấy, có đến 51,7% bệnh nhân viêm gan C mạn tính ghi nhận tình trạng gia tăng chỉ số CA 19-9, trong khi đó, con số này là 48,4% ở bệnh nhân viêm gan B mạn tính.[5]
Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân phổ biến được đề cập ở trên, chỉ số CA 19-9 gia tăng có thể gặp ở một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, các trường hợp dưới đây không quá phổ biến.
Một số nguyên nhân khác làm tăng chỉ số CA 19-9:
- Bệnh lý về phổi: Bệnh phổi biệt lập, bệnh phổi kẽ, bệnh lao, áp xe phổi,…
- Bệnh lý về phụ khoa: Teratoma buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, áp xe buồng trứng,…
- Bệnh lý về nội tiết: Đái tháo đường (tiểu đường).
- Bệnh lý về lách: U lách.
Tuy nhiên, một số bệnh lý kể trên thì cơ chế làm tăng nồng độ CA 19-9 trong máu vẫn chưa được hiểu rõ. Đây là một số bệnh lý khác đến từ nghiên cứu của tạp chí Nature và cần thêm các nghiên cứu bổ sung.[4]
Xét nghiệm CA 19-9 là gì?
Xét nghiệm CA 19-9 là phương pháp định lượng nồng độ CA 19-9 trong cơ thể qua việc xét nghiệm công thức máu, nhằm chẩn đoán nguy cơ ung thư tụy. Do đó, xét nghiệm này thường được gọi là xét nghiệm dấu ấn ung thư tuỵ hay xét nghiệm tầm soát ung thư tuỵ.
Điều dưỡng sẽ lấy kim tiêm để lấy máu từ mạch máu trên cánh tay của bạn. Sau đó, mẫu xét nghiệm công thức máu được gửi đến phòng thí nghiệm để định lượng nồng độ CA 19-9 có trong máu. Trong quá trình lấy máu, bạn có thể cảm thấy đau nhẹ tại vị trí lấy máu, nhưng thường sẽ nhanh chóng hết.[5]
Xét nghiệm CA 19-9 để làm gì?
Xét nghiệm CA 19-9 để chỉ định trong tầm soát ung thư tuỵ, hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh lý tiêu hóa, tiên lượng, điều trị ung thư tụy. Dưới đây là một số ứng dụng khác của xét nghiệm CA 19-9.
Xét nghiệm CA 19-9 cần được thực hiện để:
- Hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh lý
- Theo dõi hiệu quả điều trị ung thư tuỵ
- Tiên lượng bệnh ung thư tuỵ
- Kiểm tra khả năng tái phát của ung thư tuỵ
Hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh lý
Chỉ số CA 19-9 tăng cao có thể là báo hiệu của tình trạng ung thư tuỵ hoặc một số bệnh lý ung thư khác ở hệ tiêu hoá (viêm ruột, tắc mật,..). Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng có thể do các bệnh lý không ung thư ví dụ như viêm tuỵ (viêm tụy cấp và viêm tụy man,…) hay xơ gan. Do đó, hiện nay, nhiều cơ sở y tế cũng đưa xét nghiệm CA 19-9 vào quy trình khám sức khoẻ tổng quát định kỳ hay tầm soát ung thư tiêu hóa.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng xét nghiệm CA 19-9 không thể được sử dụng độc lập trong chẩn đoán các bệnh lý kể trên. Bác sĩ sẽ có thể chỉ định một số cận lâm sàng khác như chụp CT, MRI hay giải phẫu bệnh để có thể chẩn đoán chính xác bệnh lý.[6]
Theo dõi hiệu quả điều trị ung thư tuỵ
Đối với người bệnh đã được chẩn đoán mắc ung thư tuỵ, bác sĩ có thể sẽ theo dõi chỉ số CA 19-9 thường xuyên để đánh giá hiệu quả điều trị ung thư tuỵ. Nếu chỉ số CA 19-9 giảm thì thể hiện phác đồ điều trị ung thư tuỵ có hiệu quả.[6]
Một số phương pháp được áp dụng trong điều trị ung thư tuỵ gồm:
- Hoá trị
- Xạ trị
- Hoá trị kết hợp xạ trị
- Phẫu thuật
- Thuốc nhắm trúng đích.[8]
Tiên lượng bệnh ung thư tuỵ
Theo nghiên cứu trên tạp chí Journal of Gastrointestinal Oncology, có khoảng 80 – 90% người bệnh mắc ung thư giai đoạn tiến triển (giai đoạn III-IV) thì sẽ có nồng độ CA 19-9 trong máu cao hơn 100 U/mL. Giá trị này không chỉ tương đồng với giai đoạn bệnh mà nó còn giúp bác sĩ xác định được tiên lượng bệnh ung thư tuỵ của người bệnh.[7]
Trong nghiên cứu này, người bệnh ung thư tuỵ có nồng độ CA 19-9 trong máu cao hơn 37 U/mL trước khi thực hiện phẫu thuật thì có khả năng sống thêm khoảng 12 – 15 tháng.[7] Tuy nhiên, để tăng độ chính xác, thì bác sĩ cần kiểm tra thêm hiệu quả điều trị thông qua việc xét nghiệm CA 19-9 hậu phẫu thuật, kết hợp với các cận lâm sàng khác.
Kiểm tra khả năng tái phát của ung thư tuỵ
Ở những bệnh nhân đã được điều trị thành công, vẫn có khả năng người bệnh sẽ tái mắc lại ung thư tuỵ.[7] Do đó, người bệnh sau khi phục hồi sẽ nên thực hiện xét nghiệm CA 19-9 định kỳ để theo dõi khả năng tái mắc ung thư tuỵ.
Cách đọc kết quả xét nghiệm CA 19-9
Chỉ số CA 19-9 sẽ được bằng đơn vị U/mL hoặc kU/L. Đồng thời, trong kết quả xét nghiệm thường đi kèm khoảng giá trị bình thường (khoảng tham chiếu). Nếu chỉ số CA 19-9 của bạn nằm ngoài khoảng này thì được xem là bất thường.[6]
Cần lưu ý rằng, không phải lúc nào chỉ số này nằm ngoài mức bình thường thì cũng đồng nghĩa với tình trạng ung thư tuỵ. Do đó, người bệnh nên gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác tình trạng bệnh lý của bản thân. Kết hợp với các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định các cận lâm sàng như chụp CT, MRI hay sinh thiết mẫu mô ở vị trí nghi ngờ ung thư để chẩn đoán bệnh chính xác.
Tìm hiểu thêm >> Lượng đường huyết trong máu bao nhiêu là cao?
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm CA 19-9?
Giống như các xét nghiệm cận lâm sàng khác, khi thực hiện xét nghiệm CA 19-9, bạn nên tuân thủ một số lưu ý nhất định. Bên cạnh đó, nếu bạn có những vấn đề sức khỏe đặc biệt cần lưu tâm, hãy thông báo với trước bác sĩ để được hướng dẫn đúng cách.
Các lưu ý khi thực hiện xét nghiệm CA 19-9 là:
- Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm: Bạn không cần nhịn ăn hoặc kiêng cữ một loại thức ăn nào trước khi xét nghiệm.
- Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng: Hãy chủ động trao đổi về bất kỳ loại thuốc nào đang sử dụng để hạn chế tác động đến kết quả xét nghiệm.
- Mặc đồ thoải mái: Mặc quần áo rộng rãi sẽ giúp quá trình lấy mẫu máu tiện lợi và nhanh chóng hơn.
- Liên hệ trước với cơ sở y tế: Việc đặt lịch hẹn sớm nhất và xét nghiệm đúng giờ sẽ giúp bạn tránh trường hợp chờ đợi, gây mệt mỏi.
Xét nghiệm CA 19-9 bao nhiêu tiền?
Xét nghiệm CA 19-9 là xét nghiệm phổ biến và được thực hiện rộng rãi ở các phòng khám, bệnh viện. Nhìn chung, mức giá của xét nghiệm này khá dễ tiếp cận. Hiện nay, tại endoclinic.vn cũng cung cấp dịch vụ xét nghiệm CA 19-9.
Giá xét nghiệm CA 19-9 tại phòng khám tiêu hóa endoclinic.vn là 195.000 VNĐ.
Lưu ý, mức giá này được cập nhật mới nhất tới ngày 24/06/2023.
Để cập nhật mức giá mới nhất, bạn vui lòng bấm vào: Giá dịch vụ nội soi tiêu hóa.
Ngoài ra, xét nghiệm CA 19-9 là một hạng mục nằm trong gói tầm soát ung thư gan – mật – tụy và tầm soát ung thư hệ tiêu hóa. Bạn có thể tìm hiểu thêm các gói này tại: Dịch vụ khám ung thư tiêu hoá.
Câu hỏi thường gặp
Chỉ số CA 19-9 bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số CA 19-9 nhỏ hơn 37 kU/L (U/mL) được xem là bình thường.
Chỉ số CA 19-9 bao nhiêu là cao?
Chỉ số CA 19-9 cao hơn 37 kU/L (U/mL) được xem là cao.
Chỉ số CA 19-9 cao có phải ung thư tuỵ không?
Chỉ số CA 19-9 lớn hơn 37 kU/L được xem là dấu hiệu gợi ý về ung thư tụy. Tuy nhiên, để được chẩn đoán chính xác thì bạn cần thực hiện thêm một số cận lâm sàng khác, ví dụ như chụp CT, MRI hay giải phẫu bệnh.
Tài liệu tham khảo
1. CA 19-9 Blood Test (Pancreatic Cancer). https://medlineplus.gov/lab-tests/ca-19-9-blood-test-pancreatic-cancer/. Accessed 17 June 2023.
2. Thaker, Nikhil G. “CA 19-9: Reference Range, Interpretation, Collection and Panels.” Medscape, https://emedicine.medscape.com/article/2087513-overview. Accessed 17 June 2023.
3. Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
4. Kim, Sunyoung, et al. “Carbohydrate Antigen 19-9 Elevation without Evidence of Malignant or Pancreatobiliary Diseases.” Scientific Reports, vol. 10, no. 1, June 2020, pp. 1–9, https://www.nature.com/articles/s41598-020-65720-8.
5. Bertino, Gaetano, et al. “Carbohydrate 19.9 Antigen Serum Levels in Liver Disease.” BioMed Research International, vol. 2013, Oct. 2013, https://www.hindawi.com/journals/bmri/2013/531640/.
6. “CA19-9 Blood Test (Cancer Antigen).” Testing.Com, 24 Mar. 2021, https://www.testing.com/tests/cancer-antigen-19-9/. Accessed 17 June 2023.
7. Ballehaninna, Umashankar K., and Ronald S. Chamberlain. “The Clinical Utility of Serum CA 19-9 in the Diagnosis, Prognosis and Management of Pancreatic Adenocarcinoma: An Evidence Based Appraisal.” Journal of Gastrointestinal Oncology, vol. 3, no. 2, June 2012, https://jgo.amegroups.org/article/view/181.
8. “Pancreatic Cancer Treatment.” National Cancer Institute, https://www.cancer.gov/types/pancreatic/patient/pancreatic-treatment-pdq#_162. Accessed 17 June 2023.