Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Bệnh giang mai là một bệnh nguy hại do xoắn khuẩn Treponema pallidum (xoắn khuẩn giang mai) gây ra. Bệnh sẽ có những biến chứng nghiêm trọng về thần kinh, mắt, da, niêm mạc nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục.

 

Xoắn khuẩn giang mai là gì?

Xoắn khuẩn giang mai thuộc giống Treponema, giống này có nhiều loài được chia làm 2 nhóm:

  • Loài gây bệnh chiếm đa số, chúng sống ở nhiều nơi như đường sinh dục, hốc miệng, đường ruột,…trong nhóm này có Treponema nefringens được dùng làm kháng nguyên trong phản ứng huyết thanh để chẩn đoán giang mai.
  • Loài gây bệnh gồm có Treponema pertenue gây bệnh ghẻ cóc, Treponema pallidum gây bệnh giang mai ở người.

Xoắn khuẩn giang mai được Schaudinn và Hoffmann tìm thấy ở vết loét bộ phận sinh dục người năm 1905. Năm 1906, Bordet và Gengou dùng phản ứng kết hợp bổ thể để chẩn đoán huyết thanh bệnh nhân bị bệnh giang mai. Năm 1949, Nelsson và Mayer tìm ra phản ứng bất động xoắn khuẩn giang mai giúp chẩn đoán đặc hiệu bệnh giang mai. Năm 1959, người ta tìm ra kỹ thuật kháng thể huỳnh quang giúp chẩn đoán bệnh giang mai.

Sức đề kháng của vi khuẩn yếu, ra khỏi cơ thể sẽ chết nhanh chóng, các yếu tố lý hóa dễ dàng diệt xoắn khuẩn. Vi khuẩn chết nhiệt độ 500C trong 30 phút, chỉ sống được vài giờ ở phòng thí nghiệm, do đó giang mai khó lây truyền qua dụng cụ nhiễm ngoài trừ trường hợp truyền mái trực tiếp. Các hóa chất như xà phòng, chất sát khuẩn thông thường dễ dàng diệt được xoắn khuẩn giang mai.

 

Dịch tễ học

Bệnh giang mai chỉ xảy ra ở người và nguồn lây duy nhất là bệnh nhân.

Người mắc bệnh giang mai chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp qua đường sinh dục. Xoắn khuẩn giang mai có thể lây truyền qua nhau thai, đường niêm mạc mắt, miệng, qua da bị trầy xước, qua truyền máu bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai…

Đối tượng lây truyền bệnh giang mai chủ yếu là gái mại dâm. Bệnh xảy ra khắp thế giới nhưng phổ biến ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước châu Á. Do đó, bệnh giang mai được các nước coi là một bệnh xã hội gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm, đứng hàng thứ hai sau bệnh AIDS nên cần có chương trình giáo dục lành mạnh và thanh toán nạn mại dâm.

 

Khả năng gây bệnh

Giang mai mắc phải: bệnh diễn tiến qua ba thời kì:

  • Giang mai thời kì I: sau khi xâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn giang mai nhân lên tại chỗ và nhanh chóng vào hạch lân cận gây viêm rồi vào máu. Từ tuần 2 đến tuần 10, nơi xoắn khuẩn xâm nhập sẽ nổi lên các nốt phỏng rồi vỡ ra tạo thành một vết loét đơn độc, không ngứa, không đau, nông và đáy cứng được gọi là Săng giang mai. Đây là thời kì lây lan mạnh, lúc này huyết thanh chẩn đoán bắt đầu dương tính.
  • Giang mai thời kì II: thời kì này bắt đầu từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 8 sau khi xuất hiện Săng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu với các tổn thương ngoài da xuất hiện khắp cơ thể và kéo dài, các hạch và xương khớp sưng to, rụng tóc. Các nốt hồng ban xuất hiện nhiều lần và khi khỏi không để lại dấu vết gì. Đây vẫn là thời kì lây lan mạnh. Thời kì này kháng thể tăng cao, chẩn đoán huyết thanh dương tính rõ.
  • Giang mai thời kì III: sau giai đoán tiềm ẩn từ vài năm đến vài chục năm, tổn thương ăn sâu vào tổ chức, tạo nên các gôm (tổ chức xơ hóa với tế bào lympho và tế bào khổng lồ nhưng không có hoại tử bã đậu nên cứng như cục tẩy) ở da, xương, gan, tim mạch và thần kinh trung ương. Thời kì này thường không tìm thấy xoắn khuẩn giang mai trong gôm nhưng có thể thấy ở chất xám vỏ não khi mổ tử thi. Do đó còn được gọi là giang mai thần kinh.

 Giang mai bẩm sinh

  • Phụ nữ mang thai bị bệnh giang mai vào tháng thử 3 đến tháng thứ 5 của thai kỳ. Xoắn khuẩn có thể qua nhau thai để đi vào thai nhi gây sẩy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc đứa trẻ sinh ra đã mắc bệnh giang mai, gọi là giang mai bẩm sinh.
  • Nếu đứa trẻ sau khi sinh được 6 – 8 tuần thì xuất hiện các tổn thương được gọi là giang mai bẩm sinh sớm. Nếu sau vài năm hoặc khi trưởng thành mới có triệu chứng lâm sàng được gọi là giang mai bẩm sinh muộn.
  • Giang mai bẩm sinh có thể gây ra các di chứng như lé qui tụ, mũi hình yên ngựa, xương chày hình lưỡi kiếm,…các tổn thương về thần kinh, tâm thần và khiếm khuyết trí tuệ.

Các phương pháp chẩn đoán

Chẩn đoán trực tiếp: Soi tươi tìm xoắn khuẩn giang mai trên kính hiển vi nền đen hoặc sau khi nhuộm Fontana – Tribondeau

  • Bệnh phẩm: các vết trợt, vết loét hay vết sẩn, mảng niêm mạc, chọc dịch trong hạch phết lên lam kính và được soi trên kính hiển vi nền đen.
  • Treponema pallidum là một xoắn khuẩn kích thước khoảng 5-15 x 0.1 – 0.3mm, có vỏ, di động và không sinh nha bào.
  • Xét nghiệm cho thấy hình thái và chuyển động của Treponema pallidum. 

 Chẩn đoán huyết thanh học được chia làm 2 nhóm:

  • Nhóm xét nghiệm tìm kháng thể giang mai không đặc hiệu
    • Các xét nghiệm bao gồm: VDRL, RPR.
    • Nguyên lý: Các xét nghiệm này phát hiện các kháng thể Reagin (một nhóm kháng thể chống lipid) và các kháng thể IgG/IgM kháng lại kháng nguyên Cardiolipin-lecithin-cholesterol. Xét nghiệm này không đặc hiệu cho Treponema pallidum và thay đổi theo từng giai đoạn bệnh.
    • Thời gian xuất hiện các kháng thể này trong máu sau 3-4 tuần kể từ thời điểm nhiễm trùng ban đầu. Hiệu giá xét nghiệm tăng nhanh chóng và nếu không được điều trị thì hiệu giá vẫn tăng trong năm đầu tiên rồi giảm dần sau đó.
    • Khi được điều trị đúng phác đồ, hầu hết các bệnh nhân mắc giang mai nguyên phát đều có RPR/VDRL âm tính trong vòng 1 năm. Thời gian điều trị càng sớm thì nồng độ kháng thể trong huyết thanh về âm tính càng sớm.
  • Nhóm xét nghiệm tìm kháng thể giang mai đặc hiệu
    • Các xét nghiệm bao gồm: TPPA,TPHA, FTA-abs, Syphilis test nhanh, Syphilis TP (CMIA).
    • Nguyên lý: Phát hiện kháng thể IgM/IgG kháng lại Treponema pallidum bằng kháng nguyên đặc hiệu.
    • Thời gian phát hiện kháng thể các xét nghiệm trong nhóm cho kết quả có phản ứng dương tính sau 2-3 tuần nhiễm trùng ban đầu.
Tên xét nghiệm Nguyên lý xét nghiệm
Syphilis test nhanh Sắc ký miễn dịch
Syphilis TP (CMIA) Miễn dịch hóa phát quang
TPPA/TPHA Ngưng kết hạt gelatin/hồng cầu
FTA-abs Hấp thụ kháng thể Treponema huỳnh quang

 

Dự phòng

Hiện nay vẫn chưa có vaccin để phòng bệnh đặc hiệu. Phòng bệnh giang mai căn bản vẫn là giáo dục ý thức cộng đồng thực hiện nếp sống văn hóa, sinh hoạt lành mạnh. Bên cạnh đó cần phát hiện sớm, ngăn chặn lây truyền, điều trị sớm và điều trị triệt để.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • TS. Cao Minh Nga. Giáo trình vi sinh y học, 2014, Bộ môn vi sinh – ĐHYD TPHCM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?