THIẾU MÁU

Thiếu máu thường được biểu hiện thông qua các triệu chứng bất thường và có thể cho thấy tình trạng bệnh lý tiềm ẩn cần được điều trị. Triệu chứng thiếu máu xảy ra khi số lượng tế bào hồng cầu, dung tích hồng cầu còn gọi là hematocrit (Hct) hoặc lượng hemoglobin (Hb) có trong máu ngoại vi bị giảm đi, kết quả là thiếu lượng oxy đến các mô của các tế bào trong cơ thể.

Chi tiết triệu chứng thiếu máu

Thống kê của Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2019 – 2020 cho thấy, tình trạng thiếu máu là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng trên toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Tại Việt Nam, tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi trên cả nước là 19,6%, cao nhất ở miền núi phía Bắc (23,4%) và Tây Nguyên (26,3%). Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai là 25,6% và nữ giới trong độ tuổi từ 15-49 là 16,2%. Ngoài ra, có khoảng 19% người bệnh đến các cơ sở y tế (bệnh viện/trung tâm nội soi tiêu hóa,…) thăm khám hệ tiêu hóa do có dấu hiệu thiếu máu.

TỔNG QUAN VỀ TRIỆU CHỨNG THIẾU MÁU

Triệu chứng thiếu máu có thể xuất hiện tạm thời hoặc kéo dài tùy thuộc vào nguyên nhân. Người bệnh cần đến gặp bác sĩ thăm khám vì các biểu hiện thiếu máu có thể là cảnh báo của một bệnh mạn tính nghiêm trọng.

NGUYÊN NHÂN GÂY TRIỆU CHỨNG THIẾU MÁU
Triệu chứng thiếu máu: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Thiếu máu là gì?

Thiếu máu (tên tiếng Anh: anemia) xảy ra khi số lượng tế bào hồng cầu, dung tích hồng cầu còn gọi là hematocrit (Hct) hoặc lượng hemoglobin (Hb) có trong máu ngoại vi bị giảm đi, kết quả là thiếu lượng oxy đến các mô của các tế bào trong cơ thể. Thiếu máu thường dẫn đến một số biểu hiện như mệt mỏi, suy nhược hoặc khó thở cho người bệnh.

Tình trạng thiếu máu do số lượng hồng cầu (RBC), hematocrit (Hct) hoặc lượng hemoglobin (Hb) trong cơ thể giảm, các chỉ số sẽ khác nhau ở nam và nữ, bao gồm:

  • Ở nam giới, thiếu máu thường được định nghĩa là lượng Hb < 14 g / dL, Hct < 42% hoặc RBC < 4,5 triệu / μ
  • Ở nữ giới, thiếu máu thường được định nghĩa là lượng Hb < 12 g / dL, Hct < 37% hoặc RBC < 4 triệu / μ
  • Đối với trẻ sơ sinh, các giá trị bình thường khác nhau theo độ tuổi, đòi hỏi phải sử dụng các bảng phân loại theo độ tuổi.

Thiếu máu không phải là một bênh lý mà là biểu hiện của tình trạng sức khỏe bất thường. Do đó, dù thiếu máu mức độ nhẹ và không có triệu chứng thì Cô Bác, Anh Chị cũng nên đi khám để tìm ra nguyên nhân, chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.

Các triệu chứng liên quan có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi, hồi hộp, nhịp tim nhanh
  • Suy nhược
  • Khó thở khi gắng sức
  • Da nhợt nhạt, xanh xao
  • Chóng mặt, choáng váng hoặc có cảm giác sắp ngất
  • Tức ngực
  • Chán ăn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa
  • Đau đầu
  • Nhức đầu
  • Ù tai, rụng tóc
  • Mất kinh
  • Mất ham muốn tình dục

Tế bào hồng cầu là gì

Trong cơ thể người có ba loại tế bào máu là tế bào bạch cầu giúp chống lại nhiễm trùng, tiểu cầu giúp cầm máu và tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các mô.

Các tế bào hồng cầu hay còn được gọi là hồng huyết cầu chứa hemoglobin là một loại protein giàu chất sắt giúp cho máu có màu đỏ. Hemoglobin cho phép các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các bộ phận của cơ thể và mang khí cacbonic (CO2) từ các mô lên phổi để đào thải ra ngoài thông qua việc thở.

Hầu hết các tế bào máu, bao gồm cả tế bào hồng cầu được sản sinh liên tục trong tủy xương. Tủy xương là phần mô mềm và xốp được tìm thấy bên trong tất cả các xương, chủ yếu ở xương hông và xương chậu và là một phần của hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể. Để sản sinh hemoglobin và tế bào hồng cầu bình thường cơ thể người cần cung cấp đủ sắt, vitamin B12, folate và các chất dinh dưỡng khác có trong thực phẩm.

Các yếu tố làm tăng hoặc giảm hồng cầu

Các yếu tố làm giảm sản sinh hồng cầu gây ra tình trạng thiếu máu, có thể bao gồm:

  • Chức năng tạo erythropoietin của thận bị suy giảm do bệnh hoặc bị phẫu thuật cắt bỏ thận.
  • Chế độ ăn uống không đủ chất sắt, vitamin B12 hoặc folate.
  • Tiền sử mắc bệnh suy tuyến giáp.

Các yếu tố tăng nguy cơ phá hủy hồng cầu, gây ra tình trạng thiếu máu và thường xảy ra do xuất huyết, có thể bao gồm:

  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Bị chấn thương.
  • Xuất huyết đường tiêu hóa trên hoặc dưới.
  • Kinh nguyệt.
  • Thai kỳ.
  • Chảy máu tử cung quá nhiều.
  • Phẫu thuật.
  • Xơ gan.
  • Xơ hóa tủy.
  • Tan máu (tán huyết) tự miễn: tình trạng vỡ các tế bào hồng cầu có thể xảy ra với một số loại thuốc hoặc bất đồng nhóm máu Rh.
  • Rối loạn chức năng gan và lá lách.
  • Rối loạn di truyền bao gồm thiếu hụt men glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD), bệnh thalassemia, thiếu máu hồng cầu hình liềm.

NGUYÊN NHÂN GÂY RA TRIỆU CHỨNG THIẾU MÁU

Theo nghiên cứu, có hơn 400 nguyên nhân thiếu máu tương ứng với các cách điều trị khác nhau. Phụ nữ trong thai kỳ thường bị thiếu máu do nhu cầu cung cấp máu cao, được xem là một dạng thiếu máu nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp cho thấy tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây thiếu máu là gì?

Các tình trạng sức khỏe khác nhau có thể dẫn đến lượng hồng cầu thấp. Biểu hiện thiếu máu cũng có thể do nhiều nguyên nhân cùng gây ra. Ở một số trường hợp có thể khó xác định nguyên nhân gây ra số lượng hồng cầu thấp.

3 nguyên nhân chính gây thiếu máu bao gồm:

  • Thiếu máu do mất máu
  • Thiếu máu do giảm sản sinh hồng cầu
  • Thiếu máu do tan máu quá mức (tán huyết)

Thiếu máu do mất máu

Mất máu cấp tính

Khi mất máu cấp tính, cơ thể sẽ lấy nước từ các mô bên ngoài mạch máu giúp các mạch máu duy trì đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể. Lượng nước bổ sung này làm loãng máu và làm giảm số lượng hồng cầu. Tuy nhiên trong vài giờ đầu tiên, số lượng bạch cầu đa nhân trung tính, tiểu cầu và bạch cầu hạt chưa trưởng thành (tế bào máu mới) cũng tăng nếu xuất huyết trầm trọng.

Một số nguyên nhân gây mất máu cấp tính, bao gồm:

  • Mất máu khi sinh con.
  • Các bệnh lý tiêu hoá có thể dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa trên bao gồm: viêm/loét dạ dày – tá tràng, dị dạng mạch (giãn mạch), viêm loét dạ dày, rách Mallory-Weiss, viêm thực quản, u mạch máu gan, u mô đệm đường tiêu hoá (GIST), chảy máu đường mật,…
  • Các bệnh lý tiêu hoá có thể dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa dưới bao gồm: nứt kẽ hậu môn, dị dạng mạch (giãn mạch), ung thư đại – trực tràng, polyp đại tràng, bệnh túi thừa, viêm loét đại tràng (viêm loét đại – trực tràng chảy máu), bệnh Crohn, trĩ nội,…
  • Sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
Mất máu mạn tính

Mất máu mạn tính sẽ dẫn đến thiếu máu nếu quá trình mất máu nhanh hơn sự sản xuất hồng cầu hoặc sự sản xuất hồng cầu quá mức làm mất dự trữ sắt. Thiếu sắt dẫn đến tình trạng thiếu máu và lượng sắt thấp thường xuyên xảy ra do mất máu.

Một số nguyên nhân gây mất máu mạn tính, bao gồm:

  • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen kéo dài có thể gây loét dạ dày và viêm dạ dày.
  • Khối u bàng quang.
  • Ung thư đại – trực tràng hoặc polyp đường tiêu hóa.
  • Kinh nguyệt ở nữ giới, đặc biệt khi có cường kinh, tình trạng này có thể liên quan đến bệnh u xơ tử cung.
  • Ung thư thận.
  • Loét dạ dày hoặc ruột non dẫn đến xuất huyết đường tiêu hoá trên.

Thiếu máu do giảm sản sinh hồng cầu

Giảm sản sinh hoặc thiếu máu nguyên hồng cầu làm giảm số lượng hồng cầu từ 7-10% mỗi tuần (trung bình khoảng 1%/ ngày). Cơ thể không tạo đủ tế bào máu hoặc hoạt động không đúng cách làm giảm số lượng hồng cầu và thường gây ra bất thường về kích thước và hình thái của hồng cầu. Các tình trạng liên quan đến những nguyên nhân thiếu máu do giảm sản sinh hồng cầu, bao gồm:

  • Các vấn đề về tủy xương và tế bào gốc
  • Thiếu máu do thiếu sắt
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm
  • Thiếu máu do thiếu vitamin B12 hoặc folate
Các vấn đề về tủy xương và tế bào gốc

Các vấn đề về tủy xương và tế bào gốc có thể khiến cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu. Một số tế bào gốc trong tủy nằm ở trung tâm xương sẽ phát triển thành các tế bào hồng cầu. Vì thế, khi tế bào gốc giảm, hoạt động không đúng cách hoặc bị thay thế bởi các tế bào khác như tế bào ung thư có thể dẫn đến giảm sản sinh hồng cầu gây thiếu máu.

Nguyên nhân gây thiếu máu do các vấn đề về tủy xương hoặc tế bào gốc, có thể bao gồm:

  • Thiếu máu bất sản là tình trạng rối loạn tế bào gốc tạo máu, dẫn đến việc mất các tiền thân của tế bào máu, giảm sản và bất sản tủy xương và giảm tế bào của hai hoặc nhiều dòng tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Nguyên nhân gây thiếu máu bất sản có thể do di truyền, tổn thương tuỷ xương do thuốc như thuốc chống ung thư, kháng sinh, NSAID, thuốc chống co giật, acetazolamide, muối vàng, penicillamine, quinacrine, điều trị hoá trị, xạ trị hoặc do nhiễm trùng. Ngoài ra, các khối u ác tính bao gồm đa u tủy hoặc bệnh bạch cầu thường ảnh hưởng đến tủy xương.
  • Nhiễm độc chì là tình trạng nhiễm độc kim loại, gây tổn thương tuỷ xương làm giảm sản sinh tế bào hồng cầu. Ngộ độc chì có thể xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với chì tại nơi làm việc hoặc trẻ em nuốt phải dị vật chứa chì. Ngoài ra, việc sử dụng vật dụng làm bằng gốm không tráng men đựng thức ăn có thể gây nhiễm độc chì.
  • Thalassemia hay bệnh tan máu bẩm sinh là một biểu hiện thiếu máu di truyền, thiếu máu xảy ra khi các tế bào hồng cầu không phát triển và trưởng thành như bình thường. Người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh Thalassemia khi kích thước tế bào hồng cầu nhỏ hơn mức bình thường. Người gốc Địa Trung Hải, Châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các chủng tộc khác. Bệnh tan máu bẩm sinh nếu không điều trị có thể dẫn đến tử vong. Nếu không điều trị dứt điểm, người bệnh ở độ tuổi từ 15 đến 20 có nguy cơ tử vong cao.
Thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi người bệnh không được cung cấp đủ khoáng chất sắt cho cơ thể. Tủy xương sẽ cần sắt để tạo ra hemoglobin, một phần của tế bào hồng cầu cung cấp oxy đến các cơ quan của cơ thể. Thiếu máu do thiếu sắt có thể do:

  • Chế độ ăn uống không có đủ chất sắt, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên, người ăn chay trường.
  • Sử dụng một số loại thuốc, thực phẩm và đồ uống có chứa caffein.
  • Tiền sử mắc các bệnh lý tiêu hóa như bệnh Crohn, phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày hoặc ruột non.
  • Hiến máu thường xuyên.
  • Mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Kỳ kinh nguyệt.
  • Nguyên nhân phổ biến là chảy máu rỉ rả do xuất huyết đường tiêu hóa.
Thiếu máu hồng cầu hình liềm

Thiếu máu hồng cầu hình liềm là rối loạn di truyền do một dạng hemoglobin bị khiếm khuyết làm cho hồng cầu có hình dạng giống như lưỡi liềm (hình liềm).

Thiếu máu xảy ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ nhanh hơn các hồng cầu khỏe mạnh hoặc tế bào hồng cầu bị mắc kẹt trong các mạch máu nhỏ. Sự tắc nghẽn này có thể làm giảm nồng độ oxy và làm vỡ màng hồng cầu khi các tế bào hồng cầu di chuyển trong lòng mạch máu.

Thiếu máu do thiếu vitamin B12 hoặc folate

Bên cạnh sắt, cơ thể cũng cần folate và vitamin B12 để sản xuất đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Chế độ ăn uống thiếu những chất này và các chất dinh dưỡng quan trọng khác có thể gây giảm sản sinh hồng cầu. Nguyên nhân có thể do:

  • Thiếu máu hồng cầu khổng lồ: do thiếu hụt vitamin B12, folate hoặc cả hai.
  • Thiếu máu ác tính: cơ thể không hấp thụ đủ vitamin B12 do bệnh viêm ruột.
  • Các nguyên nhân khác của sự thiếu hụt vitamin bao gồm nghiện rượu, tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh, bệnh gan mạn.
Thiếu máu do mắc bệnh mạn tính

Thiếu máu liên quan đến các bệnh mạn tính khác thường xảy ra khi cơ thể không đủ hormone để tạo ra các tế bào hồng cầu. Các nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Bệnh thận tiến triển.
  • Suy đa tuyến nội tiết (tuyến giáp, tuyến yên).
  • Người cao tuổi.
  • Mắc các bệnh mạn tính như ung thư, nhiễm trùng, bệnh lupus, bệnh đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp.
Các Triệu Chứng Thiếu Máu

Thiếu máu do tan máu quá mức (phá huỷ hồng cầu)

Tan máu quá mức có thể do các bất thường nội tại của hồng cầu hoặc bởi các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như sự có mặt của các kháng thể hoặc bổ thể trên bề mặt của hồng cầu, dẫn đến sự phá hủy hồng cầu.

Những tế bào hồng cầu khoẻ mạnh thường có tuổi thọ khoảng 120 ngày trong máu. Tuy nhiên, ở người bệnh thiếu máu tan máu tự miễn, cơ thể có thể tự tiêu diệt hoặc loại bỏ các tế bào hồng cầu này trước khi tế bào hồng cầu hoàn thành vòng đời tự nhiên. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhầm tế bào hồng cầu như một chất lạ và tấn công chúng.

Những yếu tố có thể gây ra sự tan máu quá mức đối với các tế bào hồng cầu, bao gồm:

  • Bất thường miễn dịch gây ra bởi sự tấn công vào hệ thống miễn dịch của người bệnh, ví dụ như bệnh lupus.
  • Bệnh huyết sắc tố do di truyền như thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia và ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP).
  • Lách to giam giữ và phá hủy hồng cầu nhanh hơn bình thường.
  • Nhiễm trùng: nhiễm vi khuẩn Clostridiuml, virus Ebstein Barr (EBV), bệnh sốt rét.
  • Mắc các bệnh gan hoặc thận tiến triển.
  • Chấn thương cơ học bao gồm ghép mạch, khối u, bỏng nặng, được lắp đặt van tim nhân tạo, tiếp xúc với một số hóa chất, tăng huyết áp nặng và rối loạn đông máu.
  • Tác dụng phụ của thuốc và chất độc bao gồm các loại thuốc như Phenazopyridine, Ribavirin, nọc độc của rắn, nhện hoặc một số chất độc từ thực phẩm.

Những ai có khả năng cao bị thiếu máu?

Triệu chứng thiếu máu có thể xảy ra ở tất cả lứa tuổi, giới tính, chủng tộc. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 42% trường hợp thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi và 40% phụ nữ mang thai trên toàn thế giới bị thiếu máu. Những người có nguy cơ cao bị thiếu máu, bao gồm:

  • Nữ giới có nguy cơ bị thiếu sắt vì mất máu trong kỳ kinh nguyệt hoặc nhu cầu cung cấp máu cao hơn trong thai kỳ. Ngoài ra, một số bệnh lý ở nữ giới cũng gây ảnh hưởng như u xơ tử cung.
  • Trẻ sinh non.
  • Trẻ em trong giai đoạn từ 6 – 24 tháng, cơ thể sẽ cần nhiều sắt trong giai đoạn tăng trưởng hoặc cơ thể khó hấp thụ sắt khi chuyển từ uống sữa sang thức ăn đặc.
  • Người trên 65 tuổi có nguy cơ cao bị thiếu máu vì chế độ ăn thiếu chất sắt hoặc mắc bệnh thận, bệnh mạn tính khác.
  • Người có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu sắt, vitamin B12, folate, người ăn chay trường.
  • Người bệnh sử dụng thuốc điều trị như thuốc ibuprofen lâu ngày có thể ảnh hưởng đến lớp niêm mạc dạ dày.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh huyết sắc tố di truyền bao gồm thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm, thiếu máu tan máu bẩm sinh,…
  • Người bệnh rối loạn chức năng đường ruột, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dưỡng chất của cơ thể như bệnh Crohn, bệnh Celiac, ung thư đại – trực tràng,…
  • Người mắc bệnh mạn tính như AIDS, đái tháo đường, bệnh thận, ung thư, viêm khớp dạng thấp, suy tim, bệnh gan,…
  • Những yếu tố khác như tiền sử nhiễm trùng, bệnh về máu, rối loạn tự miễn, nghiện rượu bia, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại cũng ảnh hưởng đến sự sản sinh tế bào hồng cầu,…

Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?

Mệt mỏi, suy nhược có thể do nhiều bệnh lý gây ra hoặc cũng có thể do tình trạng thiếu máu. Vì vậy, khi Cô Bác, Anh Chị xuất hiện tình trạng mệt mỏi thì có thể liên quan đến những nguyên nhân khác chứ không nhất thiết là do thiếu máu.

Trường hợp thiếu máu do hiến máu thì không cần điều trị, chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu có các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, nhịp tim bất thường kéo dài không thuyên giảm thì Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ.

Nếu Cô Bác, Anh Chị nghi ngờ mình đang gặp tình trạng thiếu máu thì hãy đến gặp bác sĩ tại bệnh viện, phòng khám nội soi,… để được thăm khám và chẩn đoán chính xác, điều trị bệnh kịp thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

CÁC TRIỆU CHỨNG KÈM THEO KHI BỊ THIẾU MÁU

Các dấu hiệu và triệu chứng kèm theo với thiếu máu sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong phần lớn trường hợp, thiếu máu dạng nhẹ hoặc do bệnh mạn tính sẽ không thể hiện triệu chứng rõ ràng. Do đó, người bệnh thường chỉ phát hiện tình cờ thông qua thăm khám các bệnh lý khác.

Các triệu chứng tiêu hóa đi kèm với thiếu máu

Nôn ra máu

Nôn ra máu gợi ý nguyên nhân xuất huyết đường tiêu hoá trên, thường do các bệnh lý tiêu hoá như loét dạ dày, dị sản mạch máu hoặc là vỡ giãn tĩnh mạch thực quản.

Nôn dịch màu cà phê hay trong dịch nôn có cục màu nâu sẫm như bã cà phê cũng là một trong những biểu hiện của thiếu máu, gợi ý nguyên nhân chảy máu đường tiêu hoá trên đã chậm lại hoặc dừng hẳn. Sự biến đổi của hemoglobin có màu đỏ thành màu nâu hematin do dịch vị dạ dày.

Đại tiện phân đen

Đại tiện phân đen là phân có màu đen, nát và thường gợi ý nguyên nhân xuất huyết đường tiêu hoá trên, nhưng cũng có thể của ruột non hoặc đại tràng phải. Khoảng 100-200 ml máu chảy ở đường tiêu hóa trên sẽ gây đại tiện phân đen, triệu chứng này có thể tồn tại trong vài ngày sau khi tình trạng chảy máu đã ngừng. Phân có màu đen không chứa máu có thể là do uống sắt, thuốc bismuth hoặc do thực phẩm và có thể bị nhầm lẫn với đại tiên phân đen do chảy máu.

Đại tiện phân máu

Đại tiện phân máu hay còn gọi là đi ngoài ra máu là sự chảy máu trực tiếp từ trực tràng, gợi ý nguyên nhân xuất huyết đường tiêu hoá dưới. Tuy nhiên, đại tiện phân máu cũng có thể là biểu hiện của xuất huyết tiêu hoá số lượng lớn làm một lượng máu lớn đào thải nhanh qua đường ruột với vị trí chảy máu xuất phát từ ống tiêu hóa trên hoặc ống tiêu hóa dưới.

Tình trạng máu ẩn trong phân mạn tính

Tình trạng máu ẩn trong phân mạn tính có thể có căn nguyên từ bất cứ vị trí nào trong đường tiêu hoá và có thể phát hiện bằng xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân.

Chảy máu cấp, trầm trọng cũng có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trong đường tiêu hoá, có thể có dấu hiệu sốc. Bệnh nhân bị bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể tiến triển thành bị đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim do tình trạng thiếu máu nuôi mạch vành.

Thiếu máu có thể kèm theo các triệu chứng khác ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, bao gồm:

Các dấu hiệu khác có thể xảy ra cùng với triệu chứng thiếu máu

Tình trạng thiếu máu thường xuất hiện cùng với các triệu chứng đi kèm, có thể bao gồm:

  • Choáng váng hoặc chóng mặt, đặc biệt khi đột ngột chuyển từ tư thế ngồi sang đứng.
  • Cảm giác thèm ăn bất thường.
  • Khó khăn khi tập trung, suy nghĩ hoặc mệt mỏi.
  • Viêm lưỡi dẫn đến lưỡi nhẵn, bóng, đỏ và gây đau.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, hội chứng thiếu máu có thể đi kèm với các biểu hiện liên quan đến các hệ thống cơ thể khác, bao gồm:

  • Thiếu máu do mất máu: chảy máu mũi, nôn ra máu hoặc rong kinh, đau bụng kinh dữ dội.
  • Thiếu máu do chảy máu cấp: sốc mất máu bao gồm các triệu chứng hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nhợt nhạt, thở nhanh, vã mồ hôi, lú lẫn.
  • Thiếu máu do tan máu: vàng da, nước tiểu sẫm màu, sốt, đau bụng.
  • Thiếu máu do thiếu vitamin B12: co giật, nhiễm khuẩn, rối loạn tăng sinh tủy.
  • Thiếu máu do thiếu folate: tiêu chảy, lưỡi mất gai.
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm: sưng đau ở tứ chi, đau ngực, mệt mỏi, vàng da.
  • Thiếu máu tán huyết: sốt, tiếng thổi ở tim gợi ý viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
  • Thiếu máu bất sản: sốt, nhiễm trùng thường xuyên, phát ban.
  • Thiếu máu do bệnh mạn tính, ung thư: sụt cân không rõ nguyên nhân, suy nhược.
Phương Pháp Điều Trị Thiếu Máu

Các dấu hiệu thiếu máu nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng

Trong một số trường hợp, thiếu máu có thể đi kèm với các dấu hiệu cho thấy tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng. Đây là tình trạng khẩn cấp, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để đánh giá tình trạng bệnh và điều trị.

Các triệu chứng kèm theo cho thấy tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng bao gồm:

  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Ngất xỉu
  • Đau tim
  • Móng tay dễ gãy

CÁC PHƯƠNG TIỆN CHẨN ĐOÁN TRIỆU CHỨNG THIẾU MÁU

Khám lâm sàng

Cô Bác, Anh Chị sẽ cung cấp thông tin cụ thể về triệu chứng và dấu hiệu thiếu máu, bệnh sử cá nhân và gia đình. Tiền sử gia đình mắc một số loại bệnh thiếu máu di truyền như thiếu máu hồng cầu hình liềm có thể hữu ích trong chẩn đoán. Ngoài ra, tiền sử tiếp xúc với các tác nhân độc hại trong nhà hoặc nơi làm việc có thể chỉ ra nguyên nhân từ môi trường. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành xác định:

  • Các dấu hiệu, biểu hiện thiếu máu xuất hiện trong thời gian ngắn hay kéo dài liên tục?
  • Các triệu chứng thiếu máu của người bệnh nghiêm trọng như thế nào?
  • Điều gì có thể giúp cải thiện các triệu chứng?
  • Điều gì có thể làm trầm trọng thêm các biểu hiện thiếu máu?
  • Người bệnh có đang ăn chay không?
  • Xác định lượng thực phẩm tiêu thụ trong khẩu phần ăn mỗi ngày.
  • Xác định mức độ uống rượu và hút thuốc của người bệnh.
  • Gần đây người bệnh có từng hiến máu nhiều lần không?

Cận lâm sàng chẩn đoán

Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm, nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh để xác định tình trạng bệnh, nguyên nhân gây ra các triệu chứng thiếu máu nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Xét nghiệm

Dựa vào kết quả khám lâm sàng và nội soi, bác sĩ có thể sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện các xét nghiệm máu và xét nghiệm phân để chẩn đoán nguyên nhân gây ra triệu chứng thiếu máu.

Xét nghiệm máu
Công thức máu toàn phần (CBC)

Xét nghiệm công thức máu toàn phần hay còn gọi là tổng phân tích tế bào máu ngoại vi cho biết số lượng và kích thước của các tế bào hồng cầu. Đối với chẩn đoán thiếu máu, bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ của các tế bào hồng cầu có trong máu (hematocrit) và hemoglobin trong máu.

Tiêu chuẩn chẩn đoán thiếu máu ở nam giới và nữ giới sẽ khác nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiếu máu khi nồng độ Hemoglobin thấp hơn:

  • 13 g/dl (130 g/l) ở nam giới
  • 12 g/dl (120 g/l) ở nữ giới
  • 11 g/dl (110 g/l) ở người lớn tuổi

Cụ thể, nồng độ Hemoglobin được quy định như bảng sau:

Đối tượng Không thiếu máu (g/l) Mức độ thiếu máu (g/l)
Nhẹ Vừa Nặng
Trẻ em 6-59 tháng tuổi ≥110 100-109 70-99 ≤70
Trẻ em 5-11 tuổi ≥115 100-110 80-109 ≤80
Trẻ em 12-14 tuổi ≥120 100-111 80-109 ≤80
Phụ nữ mang thai ≥110 100-112 70-99 ≤70
Phụ nữ không mang thai trên 15 tuổi ≥120 100-113 80-109 ≤80
Nam giới trên 15 tuổi ≥130 100-114 80-109 ≤80

Đối với trẻ sơ sinh, các giá trị bình thường khác nhau theo độ tuổi, đòi hỏi phải sử dụng các bảng liên quan đến tuổi tác. Các quần thể hồng cầu được gọi là microcytic (hồng cầu nhỏ) nếu MCV < 80 fL và macrocytic (hồng cầu to) nếu MCV là > 100 fL. Tuy nhiên, vì các hồng cầu lưới cũng lớn hơn các tế bào hồng cầu trưởng thành, số lượng hồng cầu lưới có thể làm tăng MCV và không đại diện cho sự thay đổi sản xuất hồng cầu.

Máy đếm tế bào tự động cũng có thể xác định mức độ thay đổi kích thước hồng cầu, thể hiện dưới dạng độ rộng phân bố thể tích hồng cầu (RDW). Tăng RDW cao có thể là dấu hiệu duy nhất của của sự phân bố kích thước hồng cầu không đều mặc dù MCV bình thường do được tính giá trị trung bình. Thuật ngữ nhược sắc đề cập đến các quần thể hồng cầu, trong đó MCH < 27 pg hoặc MCHC là < 30%. Các quần thể hồng cầu có các giá trị MCH và MCHC bình thường là hồng cầu bình sắc, kích thước bình thường.

Trong đó:

  • MCV (Mean Corpuscular Volume) là thể tích trung bình của hồng cầu có trong máu.
  • MCH (Mean Corpuscular Hemoglobin) là lượng huyết sắc tố (hemoglobin) trung bình có trong một tế bào hồng cầu của cơ thể.
  • MCHC (Mean corpuscular Hemoglobin Concentration) là nồng độ trung bình của huyết sắc tố (hemoglobin) bên trong một tế bào hồng cầu.

Các chỉ số hồng cầu có thể chỉ ra cơ chế thiếu máu và thu hẹp phạm vi các nguyên nhân có thể. Chỉ số hồng cầu nhỏ liên quan đến bất thường tổng hợp hem và globin. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra thiếu máu hồng cầu nhỏ là thiếu sắt, thalassemia và các khiếm khuyết liên quan đến tổng hợp huyết sắc tố.

Ở một số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, MCV nhỏ hoặc trong giới hạn nhỏ. Các chỉ số hồng cầu to liên quan đến sự tổng hợp DNA kém. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến hội chứng thiếu máu hồng cầu to bao gồm thiếu vitamin B12, thiếu folate, các chất điều trị hóa chất như hydroxyurea và thuốc kháng folate, do nghiện rượu gây các bất thường của màng tế bào.

Chảy máu cấp có thể làm tăng chỉ số MCV do tăng sản xuất hồng cầu lưới. Chỉ số MCV bình thường hay gặp trong thiếu máu do thiếu erythropoietin (EPO) hoặc phản ứng không thích hợp (thiếu máu giảm sinh). Xuất huyết, trước khi dẫn đến thiếu sắt, thường là thiếu máu đẳng sắc đẳng bào ngoại trừ trường hợp tăng quá mức hồng cầu lưới.

Phết máu ngoại vi

Phết máu ngoại vi có giá trị trong đánh giá sản xuất hồng cầu và tan máu. Phương pháp này cho kết quả chính xác hơn các kỹ thuật tự động trong nhận định cấu trúc hồng cầu, giảm tiểu cầu, hồng cầu có nhân, bạch cầu chưa trưởng thành, phát hiện các bệnh lý khác như sốt rét, ký sinh trùng và các thành phần chứa trong hồng cầu, bạch cầu.

Ngoài ra xét nghiệm có thể giúp phát hiện ra mảnh vỡ hồng cầu, các thành phần của tế bào bị phá hủy, các dấu hiệu về bất thường màng như hồng cầu hình cầu, hình bầu dục. Hồng cầu hình bia (hồng cầu với viền mỏng, trung tâm sáng) là những hồng cầu không đủ lượng huyết sắc tố gợi ý bệnh huyết sắc tố, bệnh gan. Tiêu bản máu đàn có thể phát hiện các trường hợp hồng cầu nhiều hình dạng, kích thước không đồng đều.

Chọc hút và sinh thiết tủy xương

Chọc hút và sinh thiết tủy xương là phương pháp trực tiếp để đánh giá sản sinh tế bào hồng cầu. Không chỉ định chọc hút tủy và sinh thiết tủy xương thường quy trong các đánh giá thiếu máu mà chỉ thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Thiếu máu không rõ nguyên nhân.
  • Có bất thường trên 1 dòng tế bào như thiếu máu kèm giảm tiểu cầu hoặc giảm bạch cầu.
  • Nghi ngờ có rối loạn tủy xương tiên phát bao gồm bạch cầu cấp, đau tủy xương, thiếu máu bất sản, hội chứng rối loạn sinh tủy, di căn, xơ tủy,…

Các kỹ thuật di truyền tế bào và phân tử có thể thực hiện trên các mẫu chọc hút dịch tủy xương hoặc khối u khi nghi ngờ có tổn thương các tiền thân dòng hồng cầu bẩm sinh như bệnh Fanconi. Kỹ thuật đếm dòng chảy tế bào (flow cytometry) được thực hiện khi nghi ngờ tăng sinh dòng lympho hoặc dòng tủy để định type miễn dịch tế bào.

Chọc hút dịch tủy xương và sinh thiết tủy không gây ra nguy hiểm và biến chứng cho sức khoẻ của người bệnh. Dịch tủy xương thường được lấy từ đỉnh chóp của mặt sau xương chậu hoặc ở phía trước hông hoặc xương ngực (xương ức) và xương dưới gối (đối với trẻ em dưới 18 tháng tuổi).

Các xét nghiệm khác để đánh giá thiếu máu

Bác sĩ có thể yêu cầu Cô Bác, Anh Chị thực hiện các xét nghiệm máu bổ sung để xác định nguyên nhân, bao gồm:

  • Xét nghiệm nồng độ sắt trong huyết thanh: giúp xác định chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt.
  • Xét nghiệm Ferritin: giúp đánh giá rối loạn chuyển hóa sắt. Nếu xét nghiệm Ferritin cho kết quả thấp hơn mức bình thường thì có thể nghĩ tới việc dự trữ sắt của cơ thể thấp và có thiếu sắt.
  • Xét nghiệm vitamin B12: giúp xác định chẩn đoán thiếu máu do thiếu vitamin B12.
  • Xét nghiệm axit folic: giúp đánh giá nồng độ folate trong huyết thanh, xác định chẩn đoán thiếu máu do thiếu folate.
  • Xét nghiệm bilirubin và lactate dehydrogenase (LDH): giúp phân biệt giữa tan máu và mất máu, kết quả nồng độ bilirubin và lactate dehydrogenase tăng xác định các biểu hiện thiếu máu do tan máu, chỉ số bình thường có thể xác định người bệnh bị mất máu.
Xét nghiệm phân

Xét nghiệm phân giúp phát hiện máu ẩn trong phân của người bệnh, từ đó tìm ra những gen biến đổi có dấu hiệu là ung thư đại – trực tràng. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, có nghĩa là mất máu do xuất huyết đường tiêu hóa ở các cơ quan tiêu hoá từ miệng đến trực tràng. Các bệnh lý tiêu hoá như loét dạ dày, viêm loét đại tràng và ung thư đại tràng có thể làm xuất hiện máu trong phân.

Xét nghiệm phân gồm có 3 loại là gFOBT, FIT và DNA.

  • Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (gFOBT).
  • Xét nghiệm hóa miễn dịch phân (FIT).
  • Xét nghiệm DNA trong phân sẽ được kết hợp với FIT, các mẫu bệnh phẩm sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm nhằm xác định các dấu hiệu có khả năng gây ung thư đại – trực tràng.

Chẩn đoán hình ảnh

Dựa trên kết quả của các xét nghiệm bác sĩ có thể chỉ định thêm các chẩn đoán hình ảnh khác để xác định các bệnh lý nguyên nhân gây ra thiếu máu, đánh giá giai đoạn và tình trạng di căn ung thư nếu mắc phải.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) bụng: phương pháp này giúp bác sĩ nhận biết mức độ di căn của các khối u đã lan sang các hạch bạch huyết xung quanh hay các cơ quan ở xa như gan, phổi,…
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: phương pháp sử dụng kỹ thuật bơm thuốc cản từ vào cơ thể trước khi chụp để có được hình ảnh rõ nét. MRI có thể phát hiện được các bất thường tại gan, não, tủy sống có khả năng lây lan ung thư.
  • Siêu âm bụng: phương pháp giúp bác sĩ xác định các khối u đã lan đến gan, túi mật, tuyến tụy, hạch bạch huyết hoặc các cơ quan lân cận chưa.
  • Nội soi tiêu hóa: phương pháp giúp khảo sát các bất thường ở thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng để tìm nguyên nhân gây mất máu do chảy máu từ ống tiêu hóa.

Ngoài ra, chụp CT, MRI có thể giúp chẩn đoán thiếu máu não và chụp X-quang ngực giúp phát hiện các bất thường hoặc các bệnh lý đường hô hấp, mạch máu, xương, tim và phổi.

BIẾN CHỨNG THIẾU MÁU LÀ GÌ?

Thiếu máu có thể gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng, một số biến chứng thiếu máu nếu không được điều trị kịp thời như:

  • Mệt mỏi kéo dài: Thiếu máu trầm trọng có thể khiến người bệnh dễ mệt mỏi, hay bị ngất, hoa mắt, chóng mặt, ù tai khi đang ngồi mà đứng dậy. Người bệnh mệt mỏi đến mức không thể hoàn thành các công việc hàng ngày.
  • Các biến chứng khi mang thai: Phụ nữ mang thai bị thiếu máu do thiếu folate có thể dẫn đến sinh non hoặc trẻ sinh ra có cân nặng sơ sinh thấp. Ngoài ra, thiếu sắt có thể gây ra một số tai biến về sản khoa như chảy máu khi sinh, biến chứng hậu sản,…
  • Vấn đề tim mạch: Thiếu máu có thể dẫn đến nhịp tim nhanh hoặc không đều (loạn nhịp tim). Thiếu máu khiến tim của người bệnh phải bơm máu nhiều hơn để bù đắp lượng oxy thiếu hụt trong máu. Điều này có thể dẫn đến biến chứng tim to (giãn phì đại buồng tim) hoặc suy tim.
  • Tử vong: Một số hội chứng thiếu máu bẩm sinh di truyền như thiếu máu hồng cầu hình liềm có thể nghiêm trọng và dẫn đến biến chứng nguy hiểm tính mạng. Mất nhiều máu nhanh chóng do thiếu máu cấp tính trầm trọng có thể gây tử vong.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA TRIỆU CHỨNG THIẾU MÁU

Triển vọng dài hạn cho người bệnh thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và đáp ứng với điều trị.

Thiếu máu nếu được phát hiện sớm có thể được điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng sẽ dẫn đến tình trạng nguy hiểm nếu không được điều trị.

Thăm khám bác sĩ nếu Cô Bác, Anh Chị gặp bất kỳ dấu hiệu nào của tình trạng thiếu máu, đặc biệt người có tiền sử gia đình mắc bệnh liên quan đến thiếu máu. Bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống phù hợp hoặc bổ sung sắt, vitamin B12, folate và các loại vitamin, khoáng chất cần thiết khác.

Phương pháp điều trị triệu chứng thiếu máu

Bác sĩ sẽ dựa trên chẩn đoán loại thiếu máu mà người bệnh mắc phải để xây dựng phác đồ điều trị thiếu máu nhằm tăng số lượng hồng cầu giúp tăng lượng oxy trong máu.

Lưu ý: Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Các lựa chọn cách điều trị thiếu máu có thể bao gồm:

Điều trị thiếu máu do thiếu sắt

Điều trị bao gồm bổ sung sắt và thay đổi chế độ ăn uống. Nếu nguyên nhân thiếu sắt là do mất máu mà không phải do kinh nguyệt thì cần xác định được nguồn chảy máu và cầm máu. Trong một số trường hợp thiếu máu do xuất huyết, bác sĩ có thể sẽ thực hiện phẫu thuật để chữa lành mạch máu bị tổn thương.

Điều trị thiếu máu do thiếu vitamin

Điều trị thiếu hụt axit folic và vitamin C liên quan đến việc bổ sung chế độ ăn uống và tăng cường các chất dinh dưỡng này trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nếu hệ tiêu hóa của người bệnh gặp khó khăn trong việc hấp thụ vitamin B12 từ thực phẩm có thể tiêm vitamin B12 để điều trị.

Điều trị thiếu máu do bệnh mạn tính

Điều trị các bệnh lý gây ra thiếu máu là lựa chọn hàng đầu giúp cải thiện và giảm nhẹ triệu chứng. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, truyền máu hoặc tiêm hormone tổng hợp thường do thận sản xuất (erythropoietin) có thể giúp kích thích sản xuất hồng cầu và giảm bớt triệu chứng mệt mỏi.

Điều trị thiếu máu bất sản

Điều trị chứng thiếu máu có thể bao gồm truyền máu để tăng lượng hồng cầu hoặc cấy ghép tủy xương nếu tủy xương của người bệnh không thể tạo ra các tế bào máu khỏe mạnh.

Điều trị thiếu máu liên quan đến bệnh tủy xương

Đối với các chứng thiếu máu do tủy xương, phác đồ điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc, hóa trị hoặc cấy ghép tủy xương.

Điều trị thiếu máu tán huyết

Điều trị thiếu máu tán huyết có thể bao gồm sử dụng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch có thể tấn công các tế bào hồng cầu và điều trị nhiễm trùng. Tùy thuộc vào nguyên nhân hoặc tình trạng thiếu máu tán huyết của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định khám thêm ở các chuyên khoa tim mạch hoặc mạch máu.

Điều trị thiếu máu hồng cầu hình liềm

Điều trị có thể bao gồm thở oxy, sử dụng thuốc giảm đau và truyền tĩnh mạch để giảm đau và ngăn ngừa biến chứng. Các bác sĩ cũng có thể đề nghị truyền máu, bổ sung folate và thuốc kháng sinh. Một loại thuốc điều trị ung thư như hydroxyurea (Droxia, Hydrea, Siklos) cũng có thể được sử dụng để điều trị bệnh. Khi dùng hàng ngày, hydroxyurea làm giảm tần suất các cơn đau, có thể làm giảm nhu cầu truyền máu và nhập viện. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Thalassemia

Hầu hết các biểu hiện thiếu máu do tan máu bẩm sinh đều nhẹ và không cần điều trị. Các dạng thalassemia nghiêm trọng hơn thường cần truyền máu, bổ sung folate, dùng thuốc, cắt bỏ lá lách hoặc cấy ghép tế bào gốc máu và tủy xương.

Cách phòng ngừa triệu chứng thiếu máu tại nhà

Không phải tất cả các nguyên nhân gây bệnh đều có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, Cô Bác, Anh Chị có thể giảm thiểu nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt và vitamin bằng cách thực hiện các chế độ ăn uống khoa học, hợp lí. Vậy thiếu máu nên ăn gì và cần bổ sung những hợp chất nào? Sau đây là một số lời khuyên đến từ các chuyên gia dinh dưỡng:

  • Bổ sung chất sắt
  • Bổ sung folate
  • Bổ sung vitamin B12

Nhu cầu hàng ngày về vitamin và sắt thay đổi tùy theo giới tính và độ tuổi. Nữ giới cần nhiều chất sắt và folate hơn nam giới vì lượng sắt bị mất đi trong chu kỳ kinh nguyệt và sự phát triển của thai nhi khi mang thai và cho con bú.

Ngoài ra, kiểm tra sức khỏe tổng quáttầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ giúp phát hiện và phòng ngừa các bệnh lý ở hệ tiêu hóa là nguyên nhân gây ra triệu chứng thiếu máu.

Bổ sung chất sắt

Theo khuyến nghị của Viện Y tế Quốc gia (NIH), lượng chất sắt cần tiêu thụ mỗi ngày ở các độ tuổi, giai đoạn khác nhau.

Chế độ ăn uống cung cấp chất sắt khuyến nghị để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng như sau:

Độ tuổi Nam giới Nữ giới Thai kỳ Cho con bú
Sơ sinh-6 tháng 0,27 mg* 0,27 mg*
7-12 tháng 11 mg 11 mg
1-3 tuổi 7 mg 7 mg
4-8 tuổi 10 mg 10 mg
9-13 tuổi 8 mg 8 mg
14-18 tuổi 11 mg 15 mg 27 mg 10 mg
19-50 tuổi 8 mg 18 mg 27 mg 9 mg
Trên 51 tuổi 8 mg 8 mg

* Lượng hấp thụ đầy đủ (AI)

Dựa vào các khuyên nghị trên, Cô Bác, Anh Chị có thể bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt vào thực đơn cho người thiếu máu. Một số loại thực phẩm giàu chất sắt bào gồm:

  • Gan
  • Thịt đỏ
  • Lòng đỏ trứng gà
  • Hải sản, hàu, cá
  • Ngũ cốc, bột yến mạch
  • Các loại đậu bao gồm đậu gà, đậu lăng, đậu nành, đậu Hà Lan, hạt mè
  • Rau bó xôi
  • Bông cải xanh

Bổ sung folate

Folate là một loại vitamin B hòa tan trong nước có sẵn trong một số loại thực phẩm. Theo khuyến nghị của Viện Y tế Quốc gia (NIH), chế độ ăn uống cung cấp folate khuyến nghị để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng như sau:

Độ tuổi Nam giới Nữ giới Thai kỳ Cho con bú
Sơ sinh-6 tháng* 65 mcg DFE * 65 mcg DFE *
7-12 tháng* 80 mcg DFE * 80 mcg DFE *
1-3 tuổi 150 mcg DFE 150 mcg DFE
4-8 tuổi 200 mcg DFE 200 mcg DFE
9-13 tuổi 300 mcg DFE 300 mcg DFE
14-18 tuổi 400 mcg DFE 400 mcg DFE 600 mcg DFE 500 mcg DFE
19 tuổi trở lên 400 mcg DFE 400 mcg DFE 600 mcg DFE 500 mcg DFE

* Lượng hấp thụ đầy đủ (AI)

Trong đó:

  • 1 mcg DFE = 1 mcg folate thực phẩm.
  • 1 mcg DFE = 0,6 mcg axit folic từ thực phẩm tăng cường hoặc thực phẩm chức năng được tiêu thụ cùng với thực phẩm.
  • 1 mcg DFE = 0,5 mcg axit folic từ thực phẩm chức năng uống khi đói.

Các thực phẩm giàu folate có trong:

  • Gan bò
  • Các sản phẩm từ sữa, thịt gia cầm, trứng
  • Rau có màu xanh đậm như rau bó xôi, bắp cải Brussels, rau diếp cá, đậu bắp, măng tây, củ cải, bông cải xanh,…
  • Các loại hạt như đậu ngự, đậu lăng, đậu hà lan,…
  • Ngũ cốc, bánh mì, mì ống, gạo,…

Bổ sung Vitamin B12

Vitamin B12 là chất dinh dưỡng đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành tế bào hồng cầu, tế bào thần kinh và tạo ra DNA. Ngoài ra, vitamin B12 giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ, một rối loạn tạo máu trong đó cơ thể bị thiếu máu do các tế bào hồng cầu to hơn mức bình thường, chủ yếu là do sự thiếu hụt hai yếu tố chính đó là vitamin B12 và folate.

Theo khuyến nghị của Viện Y tế Quốc gia (NIH), chế độ ăn uống cung cấp Vitamin B12 khuyến nghị để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng như sau:

Độ tuổi Số lượng khuyến nghị

 

(microgam)

Sơ sinh-6 tháng* 0,4 mcg
Trẻ sơ sinh 7-12 tháng* 0,5 mcg
Trẻ em 1-3 tuổi 0,9 mcg
Trẻ em 4-8 tuổi 1,2 mcg
Trẻ em 9-13 tuổi 1,8 mcg
Thanh thiếu niên 14-18 tuổi 2,4 mcg
Trưởng thành 2,4 mcg
Thai kỳ 2,6 mcg
Cho con bú 2,8 mcg

Các thực phẩm giàu vitamin B12 có trong:

  • Các sản phẩm từ sữa, thịt gia cầm, trứng
  • Ngao, gan bò
  • Ngũ cốc ăn sáng, men dinh dưỡng và các sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung vitamin B12

CÂU HỎI TỔNG HỢP

Thiếu máu (tên tiếng Anh: anemia) xảy ra khi số lượng tế bào hồng cầu, dung tích hồng cầu còn gọi là hematocrit (Hct) hoặc lượng hemoglobin (Hb) có trong máu ngoại vi bị giảm đi, kết quả là thiếu lượng oxy đến các mô của các tế bào trong cơ thể. Thiếu máu thường dẫn đến một số biểu hiện như mệt mỏi, suy nhược hoặc khó thở cho người bệnh.

Theo nghiên cứu, có hơn 400 nguyên nhân thiếu máu tương ứng với các cách điều trị khác nhau. Phụ nữ trong thai kỳ thường bị thiếu máu do nhu cầu cung cấp máu cao, được xem là một dạng thiếu máu nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp cho thấy tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời.

Mệt mỏi, suy nhược có thể do nhiều bệnh lý gây ra hoặc cũng có thể do tình trạng thiếu máu. Vì vậy, khi Cô Bác, Anh Chị xuất hiệu tình trạng mệt mỏi thì có thể liên quan đến những nguyên nhân khác chứ không nhất thiết là do thiếu máu.

Trường hợp thiếu máu do hiến máu thì không cần điều trị, chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu có các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, nhịp tim bất thường kéo dài không thuyên giảm thì Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ.

Nếu Cô Bác, Anh Chị nghi ngờ mình đang gặp tình trạng thiếu máu, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác, điều trị bệnh kịp thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic.
  2. Felson, Sabrina, biên tập viên. Anemia. 11 08 2020. https://www.webmd.com/a-to-z-guides/understanding-anemia-basics (đã truy cập 07 12, 2021).
  3. Bộ Y tế. “Bộ Y tế công bố kết quả Tổng điểu tra Dinh dưỡng năm 2019-2020.” Bộ Y tế Cổng Thông Tin Điện Tử. 15 04 2021. https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-cong-bo-ket-qua-tong-ieu-tra-dinh-duong-nam-2019-2020 (đã truy cập 07 12, 2021).
  4. Lights, Verneda. What You Need to Know About Anemia. Biên tập bởi Deborah Weatherspoon. 02 08 2019. https://www.healthline.com/health/anemia (đã truy cập 07 12, 2021).
  5. Mayo Clinic Staff. Anemia. 16 08 2019. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anemia/symptoms-causes/syc-20351360 (đã truy cập 07 12, 2021).
  6. Office of Dietary Supplements (ODS). “Folate.” U.S. Department of Health & Human Services. 29 03 2021. https://ods.od.nih.gov/factsheets/Folate-HealthProfessional/ (đã truy cập 07 12, 2021).
  7. —. “Iron.” U.S. Department of Health & Human Services. 30 03 2021. https://ods.od.nih.gov/factsheets/Iron-HealthProfessional/ (đã truy cập 07 12, 2021).
  8. “Vitamin B12.” U.S. Department of Health & Human Services. 07 07 2021. https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminB12-Consumer/ (đã truy cập 07 12, 2021).

TIN SỨC KHỎE

Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.

Đặt Lịch Khám Endo Clinic

Endo Clinic

Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư

THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H)
VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H)

0939 01 01 01

ĐẶT LỊCH NỘI SOI TIÊU HÓA

Đặt lịch nội soi hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng

    Có Bảo Hiểm Y Tế

    ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA

    Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng

      Có Bảo Hiểm Y Tế

      Đặt Lịch Khám Endo Clinic

      Endo Clinic

      Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư

      THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H)
      VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H)

      0939 01 01 01