CHƯỚNG BỤNG, ĐẦY HƠI
Chướng bụng đầy hơi là một trong những triệu chứng tiêu hóa phổ biến, thường gặp ở mọi lứa tuổi. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân, người bệnh có thể bị chướng bụng đột ngột và tăng dần theo thời gian, diễn ra trong thời gian ngắn, có thể tự khỏi hoặc cũng có thể kéo dài, đây là dấu hiệu của một bệnh lý mạn tính cần được thăm khám và điều trị.
CHƯỚNG BỤNG, ĐẦY HƠI LÀ GÌ?
Chướng bụng hay đầy hơi là tình trạng khí bị tích tụ, rối loạn chức năng tiêu hóa hoặc thức ăn bị tắc nghẽn trong đường tiêu hóa. Triệu chứng chướng bụng được miêu tả đặc trưng bởi cảm giác đầy bụng, bụng căng tức hoặc sưng.
Chướng bụng là hiện tượng rất phổ biến và thường gặp ở mọi lứa tuổi. Người bị đầy hơi chướng bụng thường đi kèm với một số triệu chứng khác như:
- Đau bụng cấp tính.
- Đầy hơi gây cảm giác khó chịu ở bụng.
- Ợ hơi hoặc xì hơi liên tục.
- Sôi bụng.
Theo số liệu tổng hợp được công bố trên tạp chí Clinical Gastroenterology and Hepatology ngày 01/04/2020, tỷ lệ các ca bệnh liên quan đến đầy hơi chướng bụng dao động từ 16% đến 31%, đặc biệt tỷ lệ này cao hơn rất nhiều đối với các bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) từ 66 – 90%.
Đầy bụng là triệu chứng tiêu hóa phổ biến mà nhiều người gặp phải.
NGUYÊN NHÂN GÂY CHƯỚNG BỤNG, ĐẦY HƠI
Nguyên nhân gây chướng bụng phần lớn đến từ các bệnh lý liên quan đến ống tiêu hóa như táo bón, khó tiêu, nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa,… Bên cạnh đó, một số yếu tố bên ngoài cũng khiến Cô Bác, Anh Chị bị đầy hơi như rối loạn ăn uống, ăn quá no, ăn vô độ, chán ăn tâm thần,…
Chướng bụng đầy hơi thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên hoặc kéo dài, có thể là dấu hiệu cảnh báo các bất thường ở hệ tiêu hóa gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Hầu hết các bệnh lý gây ra hiện tượng chướng bụng mạn tính đều có thể dễ dàng điều trị nếu được phát hiện sớm. Vì vậy Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ tại bệnh viện, phòng khám dạ dày và đại trực tràng để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.
Một số nguyên nhân thường gặp gây đầy bụng như:
- Viêm dạ dày.
- Loét dạ dày – tá tràng.
- Rối loạn dạ dày.
- Tích tụ khí trong ruột và dạ dày.
- Khó tiêu.
- Hội chứng không dung nạp thực phẩm.
- Hội chứng loạn khuẩn ở ruột non (SIBO).
- Rối loạn đường ruột mạn tính.
- Táo bón.
- Nhiễm trùng.
- Rối loạn phụ khoa.
- Giữ nước.
Viêm dạ dày
Viêm dạ dày là tình trạng viêm gây tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Dựa vào hình ảnh đại thể và phân tích mô bệnh học mà viêm dạ dày được chia thành viêm dạ dày cấp tính và mạn tính. Đối với viêm cấp tính, các triệu chứng xuất hiện đột ngột và chóng khỏi, trong khi viêm mạn tính thì triệu chứng kéo dài, gây tổn thương dạ dày liên tục.
Nguyên nhân phổ biến gây viêm dạ dày là nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (Hp), lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), các thói quen xấu như hút thuốc lá, rượu bia quá mức, áp lực, căng thẳng thời gian dài,…
Các triệu chứng thường gặp của viêm dạ dày gồm:
- Chướng bụng đầy hơi.
- Đau, nóng rát vùng thượng vị.
- Buồn nôn, nôn.
- Khó tiêu.
- Chán ăn.
Loét dạ dày – tá tràng
Loét dạ dày – tá tràng là sự xuất hiện các ổ loét trên thành dạ dày gây ra bởi sự bài tiết acid dạ dày hoặc pepsin. Nguyên nhân gây loét là do lớp nhầy trên niêm mạc dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến mất chức năng bảo vệ niêm mạc khỏi acid dạ dày. Khi đó, niêm mạc sẽ bị tấn công bởi acid và hình thành loét.
Việc lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), nhiễm khuẩn HP, thường xuyên hút thuốc lá, rượu bia,… là các yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện các ổ loét trong dạ dày – tá tràng.
Các triệu chứng của loét dạ dày – tá tràng có thể bao gồm:
- Đầy hơi, chướng bụng.
- Đau, khó chịu, nóng rát, vùng thượng vị
- Buồn nôn, nôn.
- Nôn ra máu
- Đi ngoài phân đen
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Mệt mỏi, chán ăn.
Rối loạn dạ dày
Rối loạn dạ dày ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn bên trong dạ dày. Các cơ bên trong dạ dày ngừng hoạt động khiến thức ăn đi qua dạ dày và ruột chậm hơn bình thường.
Các triệu chứng báo hiệu rối loạn dạ dày bao gồm:
- Đầy hơi
- Táo bón
- Ăn mất ngon, cảm thấy nhanh no
- Ợ nóng
- Buồn nôn, nôn ói
- Đau và khó chịu vùng thượng vị.
Một số nguyên nhân khác gây ra triệu chứng liệt dạ dày như bệnh đái tháo đường hoặc suy giáp.
Tham khảo thêm >> Glucose là gì? Lợi ích của glucose với cơ thể.
Tích tụ khí trong ruột và dạ dày
Khí được tích tụ trong ruột và dạ dày gây cảm giác đau, khó chịu và đầy bụng. Trong một số trường hợp, người bệnh còn có cảm giác dị vật bị mắc kẹt bên trong ruột.
Nguyên nhân gây tích tụ khí trong ruột có thể bao gồm:
- Quá trình ăn quá nhanh, ăn quá no, nhai kẹo cao su, hút thuốc.
- Tiêu hóa thức ăn có chứa các loại rau họ cải như súp lơ, bông cải xanh và bắp cải.
- Uống nước ngọt có gas, rượu bia.
- Nhiễm trùng dạ dày.
- Bệnh Crohn.
Trong phần lớn các trường hợp, khí sẽ được tự động đào thải và làm giảm triệu chứng đầy hơi sau vài giờ.
Chứng khó tiêu
Chứng khó tiêu là thuật ngữ y học mô tả tập hợp các triệu chứng xảy ra trên thực quản, dạ dày và tá tràng bao gồm chướng bụng buồn nôn, đầy bụng, cảm giác ăn nhanh no và khó chịu ngay sau bữa ăn.
Ăn quá nhiều, ăn nhanh, lạm dụng rượu bia, thuốc gây kích ứng dạ dày như ibuprofen hay dấu hiệu của triệu chứng nhiễm trùng dạ dày nhẹ là các nguyên nhân phổ biến gây chứng khó tiêu. Ngoài ra, chứng khó tiêu cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng khác như loét dạ dày – tá tràng, bệnh ung thư tiêu hóa hoặc suy gan.
Một số triệu chứng thường gặp của chứng khó tiêu là:
- Ợ hơi.
- Chướng bụng.
- Đầy hơi.
- Cảm giác muốn đi ngoài nhanh chóng.
- Chóng mặt.
Không dung nạp thực phẩm là một trong những nguyên nhân gây ra đầy hơi.
Hội chứng không dung nạp thực phẩm
Một số người bị đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng sau khi sử dụng một số loại thực phẩm mà cơ thể không có khả năng chuyển đổi và hấp thu. Các hội chứng không dung nạp phổ biến nhất là lactose, gluten, các carbohydrate khác hoặc bệnh Celiac.
Hầu hết các triệu chứng thường sẽ tự biến mất sau khi ngừng sử dụng các thực phẩm gây hội chứng không dung nạp. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể bị đau dạ dày, tiêu chảy ngay sau đó.
Đối với những người mắc hội chứng không dung nạp thực phẩm, tốt hơn hết là nên hạn chế sử dụng hoặc tránh dùng các loại thực phẩm không thể chuyển đổi, tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và chức năng của ruột.
Hội chứng loạn khuẩn ở ruột non (SIBO)
Dạ dày và ruột non là nơi sinh sống của rất nhiều loại vi khuẩn trong đó có rất nhiều lợi khuẩn giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng. Sự mất cân bằng của các vi khuẩn làm tăng các vi khuẩn có hại gọi là hội chứng loạn khuẩn ruột non hoặc SIBO (Small Intestinal Bacterial Overgrowth).
SIBO có thể gây triệu chứng đầy bụng, tiêu chảy thường xuyên, dẫn đến cơ thể khó tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng, đối với một số người có thể dẫn đến loãng xương hoặc giảm cân không kiểm soát.
Rối loạn đường ruột mạn tính
Rối loạn đường ruột mạn tính bao gồm hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh Crohn cũng khiến cơ thể bị đầy hơi, tiêu chảy, nôn ói,…
Theo một nghiên cứu trên 2000 bệnh nhân mắc bệnh táo bón chức năng và IBS-C, hơn 90% trường hợp người bệnh bị chướng bụng đầy hơi. Riêng đối với những người mắc bệnh IBS-C, hoạt động của nhu động ruột chậm hơn, khiến thời gian thức ăn ở lại trong ruột lâu hơn dẫn đến tỷ lệ chướng bụng cao hơn người bình thường.
Táo bón
Táo bón là nguyên nhân phổ biến gây triệu chứng chướng bụng dưới. Thường xuyên bị táo bón có thể gây chướng bụng, đầy hơi, tắc ruột, căng tức bụng. Một số nguyên nhân chính thường dẫn đến táo bón bao gồm:
- Mất nước, không cung cấp đủ nước cho cơ thể, mất cân bằng điện giải.
- Chế độ ăn uống không đầy đủ chất xơ tối thiểu.
- Sử dụng các loại thực phẩm cơ thể không có khả năng dung nạp.
- Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai.
- Rối loạn tiêu hóa chức năng.
- Thiếu hụt chất dinh dưỡng như magie.
- Lạm dụng một số loại thuốc.
Phân nằm trong ruột càng lâu, vi khuẩn sẽ càng có nhiều thời gian để phân hủy và lên men. Quá trình lên men và phân hủy sẽ sinh ra khí đồng thời khối phân sẽ cứng và khô hơn. Tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, bụng căng tức và muốn đi ngoài nhưng gặp nhiều khó khăn.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng dạ dày có thể gây tích tụ khí tạo cảm giác đầy bụng. Vi khuẩn Escherichia coli, Helicobacter pylori (nguyên nhân chính gây viêm dạ dày), các loại virus norovirus, rotavirus là các nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng dạ dày.
Nhiễm trùng đường ruột, đặc biệt là nhiễm ký sinh trùng như giardia, bệnh giun chỉvà giun móc cũng có thể gây triệu chứng đầy bụng.
Ngoài đầy bụng, nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể kèm theo các triệu chứng khác như:
Tùy thuộc vào nguyên nhân, nhiễm trùng tiêu hóa có thể tự khỏi sau vài ngày hoặc người bệnh cần đến bác sĩ để thăm khám và điều trị. Tuy nhiên đối với các bệnh nhân có sức đề kháng yếu, đã từng mắc bệnh hoặc có bệnh nền thì bệnh sẽ tiến triển nặng, người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như:
- Sốt.
- Đi ngoài ra máu.
- Nôn nhiều và thường xuyên.
Rối loạn phụ khoa
Rối loạn phụ khoa, cụ thể là chu kỳ kinh nguyệt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đầy hơi, chướng bụng.
Trong chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ Estrogen tăng, Progesterone giảm gây tích nước và đầy hơi ở bụng. Chưa kể, Estrogen và Progesterone còn có thể làm tăng hoặc chậm nhu động ruột gây ra chướng bụng.
Giữ nước
Chế độ ăn uống quá mặn hoặc sự thay đổi về nồng độ hormone khiến cơ thể giữ nước nhiều hơn bình thường làm quá trình vận chuyển thức ăn trong ruột diễn ra khó khăn, dễ gây táo bón hoặc tắc ruột.
Tình trạng chướng bụng đầy hơi kéo dài do giữ nước có thể là triệu chứng nguy hiểm của các bệnh lý như đái tháo đường hoặc suy thận. Nếu triệu chứng đầy hơi, chướng bụng không biến mất, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
CÁC TRIỆU CHỨNG KÈM THEO ĐẦY HƠI, CHƯỚNG BỤNG
Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng đầy hơi thường đi kèm với một hoặc nhiều triệu chứng khác nhau như ợ hơi, ợ nóng, chán ăn hoặc đau bụng.
Các triệu chứng đi kèm với đầy bụng:
Một số dấu hiệu đi kèm triệu chứng chướng bụng có thể báo hiệu tình trạng bệnh lý cần can thiệp sớm như:
- Chóng no khi ăn, chán ăn, ăn mất ngon.
- Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài.
- Buồn nôn, nôn ói nghiêm trọng và thường xuyên.
- Đau bụng hoặc đau thượng vị dữ dội.
- Đi ngoài ra máu.
- Khó thở.
- Mất nước.
- Chóng mặt.
- Sốt cao.
- Chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc nếu đã mãn kinh.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Vàng mắt, vàng da.
Đầy hơi chướng bụng còn thường đi kèm với các triệu chứng khác như đau bụng, tiêu chảy, táo bón,…
KHI NÀO CẦN ĐI GẶP BÁC SĨ?
Chướng bụng là dấu hiệu thường gặp sau khi ăn quá no hoặc ăn phải các thực phẩm khó tiêu và thường sẽ biến mất sau vài tiếng. Tuy nhiên, Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị nếu các dấu hiệu đầy hơikéo dài vài ngày, lặp đi lặp lại và không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại nhà, đồng thời xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm đi kèm như:
- Sốt cao, đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn ói kéo dài hơn 24 tiếng.
- Xuất hiện máu ẩn trong phân, phân mỡ.
- Xuất huyết trong bụng, bụng căng cứng sau một chấn thương hoặc tai nạn.
- Sụt cân không kiểm soát.
CÁCH CHẨN ĐOÁN CHƯỚNG BỤNG, ĐẦY HƠI
Bác sĩ thường dựa trên các triệu chứng và kết quả khám lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân gây chướng bụng, đầy hơi. Ngoài ra, nếu bác sĩ có các nghi ngờ tình trạng đầy bụng là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các cận lâm sàng khác, giúp kết quả chẩn đoán được chính xác và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Khám lâm sàng
- Chẩn đoán triệu chứng đầy hơi quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân dựa vào khám sức khỏe tổng quát và tiền sử lâm sàng bao gồm:
- Cô Bác bị đầy hơi, chướng bụng khi nào?
- Thời gian khởi phát của các triệu chứng.
- Tần suất xảy ra triệu chứng.
- Chế độ ăn uống của Cô Bác hằng ngày như thế nào?.
- Các loại thuốc và thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung Cô Bác đang sử dụng là gì?
- Cô Bác có từng thực hiện phẫu thuật nào liên quan đến ổ bụng, đặc biệt là hệ tiêu hóa không? Ví dụ như mổ viêm ruột thừa, ung thư đại tràng,…
- Sau khi nắm được các thông tin về tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện các cận lâm sàng nếu có nghi ngờ các bệnh lý tiêu hóa liên quan.
Cận lâm sàng
Các phương tiện cận lâm sàng chẩn đoán chướng bụng, đầy hơi sẽ giúp bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quan và chính xác hơn. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ thực hiện nội soi tiêu hóa nếu có chỉ định, thông qua nội soi có thể quan sát các tổn thương bên trong ống tiêu hóa để loại trừ các bệnh lý liên quan.
Xét nghiệm
- Kiểm tra hơi thở (BT) là một xét nghiệm an toàn, không xâm lấn để đo lường tình trạng khó tiêu hóa carbohydrate dựa trên các carbohydrate liên quan như glucose, lactose, fructose, sorbitol, sucrose, inulin. Kiểm tra hơi thở giúp chẩn đoán các bệnh khó tiêu, hội chứng không dung nạp thực phẩm, hội chứng loạn khuẩn ở ruột non (SIBO),…
- Xét nghiệm huyết thanh học bằng cách sử dụng transglutaminase và IgA ở mô được khuyến nghị cho những bệnh nhân mắc bệnh Celiac cao.
- Xét nghiệm phân đối với các trường hợp người bệnh xuất hiện các triệu chứng máu ẩn trong phân, phân có màu đen, hắc ín, phân mỡ, tìm kiếm dấu hiệu vi khuẩn hoặc ký sinh trùng,…
- Xét nghiệm máu đối với các tình trạng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu, suy nhược cơ thể, chóng mặt,…
Nội soi ống tiêu hóa
- Nội soi ống tiêu hóa trên bao gồm nội soi thực quản, nội soi dạ dày, nội soi tá tràng và sinh thiết ruột non được thực hiện để xác định tình trạng bệnh Celiac với những bệnh nhân dương tính với xét nghiệm huyết thanh học.
Ngoài ra, nội soi ống tiêu hóa trên được thực hiện đối với bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói tái phát, thiếu máu không rõ nguyên nhân, nôn trớ, sụt cân, tiền sử gia đình có các bệnh lý liên quan đến dạ dày – thực quản hoặc bác sĩ có nghi ngờ tắc nghẽn dạ dày, liệt dạ dày,…
endoclinic.vn là phòng khám nội soi dạ dày tại TPHCM chuyên sâu chẩn đoán các bệnh lý về tiêu hóa, đặc biệt là tầm soát ung thư dạ dày. Đặt lịch ngay với bác sĩ tại phòng khám nội soi dạ dày nếu triệu chứng đầy hơi, chướng bụng không thuyên giảm.
- Nội soi ống tiêu hóa dưới bao gồm nội soi đại – trực tràng, nội soi hậu môn giúp bác sĩ quan sát được toàn bộ đại tràng, trực tràng và thành ống hậu môn, giúp tìm ra các tổn thương, khối u hoặc các triệu chứng bất thường bên trong thành ruột như xuất huyết, viêm loét, tắc ruột,…
Nội soi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến ống tiêu hóa. Phương pháp nội soi sử dụng ống nội soi mềm, đầu ống được gắn một camera với độ phóng đại lên đến 500 lần giúp bác sĩ quan sát đến mức độ tế bào, hạn chế bỏ sót các tổn thương cũng như chẩn đoán chính xác và đồng nhất kết quả.
Nội soi là phương pháp giúp chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa hiệu quả./p>
Chẩn đoán hình ảnh
Đối với những bệnh nhân mắc chứng táo bón, đã từng phẫu thuật bụng, mắc bệnh Crohn hoặc chứng rối loạn chức năng ruột non cần được chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ ổ bụng.
Áp kế hậu môn trực tràng là phương pháp đánh giá các rối loạn xảy ra ở hậu môn, trực tràng khiến người bệnh bị táo bón nặng, đầy bụng,…
CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA CHƯỚNG BỤNG, ĐẦY HƠI
Cách điều trị chướng bụng đầy hơi thường tập trung vào việc điều trị bằng thuốc trị đầy bụng và xây dựng thói quen sinh hoạt, lối sống hợp lý. Việc sử dụng thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tần suất xuất hiện của các triệu chứng. Bên cạnh đó, có chế độ ăn uống hợp lý, lối sống khoa học cũng có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế tình trạng đầy hơi tái phát.
Dùng thuốc điều trị triệu chứng đầy hơi
Để điều trị chướng bụng đầy hơi, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc kháng acid, thuốc hỗ trợ nhu động ruột, thuốc chống co thắt,…
Các loại thuốc dùng trong điều trị đầy bụng như sau:
- Thuốc kháng sinh: Thuốc rifaximin là loại kháng sinh phổ biến nhất trong việc chữa đầy hơi chướng bụng.
- Thuốc kháng acid: Thuốc kháng acid có chứa simethicone giúp giảm sức căng bề mặt của các bọt khí trong dạ dày, phá vỡ chúng và dễ dàng tống khí ra ngoài.
- Thuốc chống co thắt: Thuốc chống co thắt có thể cải thiện các triệu chứng xuất hiện trong quá trình thải khí của hệ tiêu hóa.
- Thuốc hỗ trợ nhu động ruột: Thuốc dùng để điều trị các rối loạn đường ruột, chứng liệt dạ dày, IBS,… Tùy thuộc vào từng bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc hỗ trợ khác nhau như pyridostigmine, acotiamide, metoclopramide,…
- Thuốc có chứa thành phần lactase: Loại thuốc này giúp ngăn ngừa chướng bụng đối với các đối tượng mắc hội chứng không dung nạp lactose.
- Thuốc có thành phần bismuth subsalicylate: Đây là loại thuốc có thể giúp giảm đầy hơi do đau bụng.
- Viên than hoạt tính: Viên than hoạt tính có thể giúp giảm khí trong ruột kết.
- Thuốc không kê đơn khác có chứa thành phần enzyme tự nhiên: Alpha amylase có tác dụng chuyển hóa carbohydrate phức tạp trong thực phẩm có khí thành loại đường dễ tiêu hóa trước khi chúng đến ruột già.
Thay đổi chế độ ăn uống
Ngoài dùng thuốc điều trị, người bị chướng bụng, đầy hơi cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý để hỗ trợ giảm tình trạng này hiệu quả.
Các lưu ý về chế độ ăn uống bao gồm:
- Hạn chế một số thực phẩm gây đầy hơi: Gồm các loại đậu và đậu lăng, rau xanh và trái cây (súp lơ, bắp cải, quả mơ, mận khô), thực phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo (sorbitol, mannitol, xylitol, glycerol), các sản phẩm từ sữa,…
- Hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn: Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa ít chất xơ, nhiều muối và chất béo. Muối và chất béo có thể khiến cơ thể giữ nước và tiêu hóa chậm hơn, từ đó dẫn đến đầy hơi, táo bón. Các loại thực phẩm chế biến sẵn mà người bệnh nên tránh là đồ đông lạnh, ngũ cốc ăn sáng, mì tôm, xúc xích,…
- Ứng dụng chế độ ăn FODMAPs thấp: Các bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc các vấn đề tiêu hóa khác có thể áp dụng chế độ ăn FODMAPS thấp.
- Ăn uống đúng cách: Hạn chế nhai kẹo cao su, uống nước có gas, các loại nước chứa chất khí hòa tan, uống bằng ống hút, vừa ăn vừa nói chuyện để tránh nuốt phải nhiều không khí gây đầy hơi.
- Không ăn quá nhiều trong một bữa: Người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn chính thành các bữa ăn nhỏ và ăn nhiều lần trong ngày. Khi ăn chú ý nhai chậm, nhai kỹ sẽ giúp làm giảm lượng không khí nuốt vào.
- Uống đủ nước: Uống nhiều nước giúp ngăn ngừa tình trạng giữ nước do mất nước và táo bón, từ đó giảm đầy bụng. Theo Viện Y học Mỹ (IOM), nam giới nên uống khoảng 3 lít nước/ngày, còn nữ giới nên uống khoảng 2.2 lít nước/ngày.
- Sử dụng men vi sinh: Giúp cải thiện môi trường vi khuẩn trong ruột, làm giảm các triệu chứng đầy hơi và chướng bụng.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Song song với điều chỉnh chế độ ăn uống, người bệnh cũng nên thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn để cải thiện tình trạng chướng bụng.
Một số lưu ý về thói quen sinh hoạt:
- Giảm cân: Thừa cân, béo phì có thể là nguy cơ dẫn đến hiện tượng đầy hơi. Do đó, việc rèn luyện thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh để giảm cân là điều cần thiết để giảm triệu chứng đầy hơi.
- Tích cực vận động mỗi ngày: Tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng như cardio, yoga có thể giúp khí trong hệ tiêu hóa di chuyển và được thải ra ngoài.
- Xoa bóp vùng bụng: Việc massage, xoa bóp vùng bụng theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ hố chậu phải cũng giúp cải thiện nhu động ruột.
Chướng bụng đầy hơi là một triệu chứng tiêu hóa thường gặp. Tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu đầy hơi kéo dài có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Do vậy, khi bị đầy hơi chướng bụng Cô Chú, Anh Chị nên sớm thăm khám và điều trị.
endoclinic.vn – Trung tâm nội soi và chẩn đoán chuyên sâu về bệnh lý tiêu hóa uy tín tại TP.HCM
Với đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, đến từ các bệnh viện lớn, endoclinic.vn là địa chỉ thăm khám bệnh lý tiêu hóa được nhiều người tin tưởng. Khi khám chữa bệnh tại endoclinic.vn, Khách hàng có thể yên tâm rằng các bác sĩ thăm khám cặn kẽ, chỉ định đúng và đủ các cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán bệnh.
Bên cạnh đó, phòng khám còn đầu tư trang bị máy móc hiện đại. Kết hợp phương pháp nội soi không đau (nội soi tiền mê) với quy trình chuẩn quốc tế, giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh chính xác đến 90-95%.
endoclinic.vn đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Quy trình khám chữa bệnh tại endoclinic.vn nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Chi phí thăm khám và điều trị công khai rõ ràng, giúp Khách hàng yên tâm khi sử dụng dịch vụ.
Liên hệ ngay với endoclinic.vn để được tư vấn chi tiết và đặt lịch hẹn với bác sĩ tại: Đặt Lịch Khám.
CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
Đầy hơi có thể bắt nguồn từ thói quen ăn uống không lành mạnh, ăn quá nhanh, nhai không kỹ,… Căng thẳng, lo lắng, áp lực cũng có thể gây đầy hơi. Ngoài ra, một số bệnh lý ở ống tiêu hoá như viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, táo bón, không dung nạp thực phẩm,… cũng dẫn đến tình trạng chướng bụng, đầy hơi.
Tùy vào từng nguyên nhân mà thời gian kéo dài triệu chứng đầy bụng sẽ khác nhau. Thông thường, tình trạng đầy bụng có thể tự khỏi trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài không hết và đi kèm nhiều triệu chứng như đau bụng dữ dội, sốt cao, buồn nôn và nôn,… thì người bệnh nên nhanh chóng đi khám bác sĩ để được điều trị.
Để cải thiện tình trạng chướng bụng đầy hơi, bác sĩ thường chỉ định một số loại thuốc điều trị cho người bệnh như thuốc kháng sinh, thuốc kháng acid, thuốc chống co thắt, thuốc hỗ trợ nhu động ruột, thuốc có chứa thành phần lactase, viên than hoạt tính,…
Tuyệt đối không tự ý sử dụng mà chưa tham vấn ý kiến của bác sĩ các loại thuốc để tránh gặp phải tác dụng phụ ảnh hưởng sức khoẻ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
- A Young Seo, Nayoung Kim and Dong Hyun Oh. “Abdominal Bloating: Pathophysiology and Treatment.” US National Library of Medicine. 07 10 2013. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3816178/ (đã truy cập 08 28, 2021).
- Donohue, Maureen. What’s Causing My Abdominal Bloating, and How Do I Treat It? 19 03 2020. https://www.healthline.com/health/abdominal-bloating (đã truy cập 08 28, 2021).
- Fayed, Lisa. Causes of Abdominal Swelling and Bloating. 09 04 2020. https://www.verywellhealth.com/abdominal-swelling-and-bloating-514429 (đã truy cập 08 28, 2021).
- Gunnars, Kris. 11 Proven Ways to Reduce or Eliminate Bloating. 28 06 2018. https://www.healthline.com/nutrition/11-proven-ways-to-reduce-bloating (đã truy cập 08 28, 2021).
- Lacy, Brian E. “Management of Chronic Abdominal Distension and Bloating.Clinical Gastroenterology and Hepatology. 01 04 2020. https://www.cghjournal.org/article/S1542-3565(20)30433-X/fulltext (đã truy cập 08 28, 2021).
- Scott, Jennifer R. What Is Bloating? 27 10 2020. https://www.verywellhealth.com/abdominal-bloating-3496072 (đã truy cập 08 28, 2021).
- Villines, Zawn. What causes abdominal bloating? 14 01 2020. https://www.medicalnewstoday.com/articles/321869 (đã truy cập 08 28, 2021).
- Cleveland Clinic. Bloated Stomach. 09 10 2021. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/21740-bloated-stomach (đã truy cập 13 06 2023).
- Jennifer Berry. Eighteen ways to reduce bloating. 23 12 2022. https://www.medicalnewstoday.com/articles/322525 (đã truy cập 13 06 2023).
- Rachael Ajmera, MS, RD. How to Debloat: 8 Simple Steps and What to Know. 11 08 2021. https://www.healthline.com/nutrition/how-to-debloat (đã truy cập 13 06 2023).
- Peter Jaret. Bloating 101: Why You Feel Bloated. 15 04 2022. https://www.webmd.com/digestive-disorders/features/bloated-bloating (đã truy cập 13 06 2023).
- WebMD Editorial Contributors. What Is Gastritis? 27 11 2022. https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-gastritis (đã truy cập 13 06 2023).
- Elise Mandl, BSc, Msc, APD. 12 Great Ways to Get Rid of Bloating. 07 12 2021. https://www.healthline.com/nutrition/proven-ways-to-reduce-bloating (đã truy cập 13 06 2023).
TIN SỨC KHỎE
Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.
ĐỐI TÁC
ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA
Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng
Endo Clinic
Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư
THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H)
VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H)