NUỐT NGHẸN
Nuốt nghẹn là biểu hiện cho các triệu chứng khi bị ngẹn do mắc thức ăn, dị vật trong khí quản hay thực quản, gây nên sự cản trở luồng không khí và cần được cấp cứu ngày. Chứng nuốt nghẹn có thể chỉ là tạm thời, sẽ kết thúc khi người bệnh được lấy dị vật ra. Tuy nhiên, nuốt nghẹn cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng ở thực quản, vùng hầu họng hoặc do sự chèn ép lên thực quản. Nguyên nhân nuốt nghẹn ở cổ thường là do ăn quá nhanh, nuốt phải dị vật,…
Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2020, tình trạng nuốt bị nghẹn ảnh hưởng chủ yếu ở người lớn trên 60 tuổi và trẻ em từ 1 – 3 tuổi. Năm 2015, có 5.051 người tử vong do nuốt nghẹn trong đó có 2.848 người trên 74 tuổi, chiếm khoảng 56% ca nuốt nghẹn ở thực quản.
Nuốt nghẹn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh và là nguyên nhân thứ 4 gây tử vong ở mọi lứa tuổi. Ngoài ra, nuốt nghẹn còn là dấu hiệu ung thư thực quản thường gặp nhất. Ung thư thực quản đứng thứ 9 về số ca tử vong do ung thư và thứ 13 về số ca mắc mới (Theo thống kê của GLOBOCAN tại Việt Nam năm 2020).
TỔNG QUAN VỀ TRIỆU CHỨNG NUỐT NGHẸN
Chứng nuốt nghẹn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi và trẻ em. Nguyên nhân gây nuốt nghẹn có thể khác nhau và việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân. Đa số trường hợp bị nuốt nghẹn ở cổ họng do dị vật làm giảm lượng oxy lên não và các cơ quan quan trọng nên có thể gây nguy hiểm cho tính mạng nếu xử trí không kịp thời.
Nuốt nghẹn là gì?
NGUYÊN NHÂN GÂY NUỐT NGHẸNNuốt nghẹn (tên tiếng Anh: choking) là tình trạng tắc nghẽn thức ăn, dị vật trong cổ họng hoặc thực quản. Tùy theo tình trạng, dấu hiệu của nuốt nghẹn có thể chỉ là cảm giác nuốt vướng ở cổ họng hoặc không thể nuốt được. Người bị nuốt nghẹn có thể xuất hiện cùng lúc với các triệu chứng khác như cảm giác buồn nôn, nôn ói, ho, khó thở.
- Trẻ em thường bị sặc, nghẹn do nuốt dị vật vào miệng như thức ăn, đồng xu hoặc đồ chơi. Ở người lớn, nuốt nghẹn phổ biến do thói quen ăn uống quá nhanh. Dấu hiệu phổ biến nuốt nghẹn do dị vật là tay người bệnh nắm chặt cổ họng, ho liên tục, khó thở. Đây là trường hợp khẩn cấp cần được cấp cứu ngay nếu người bệnh nôn và ho nhưng không thể tống dị vật, thức ăn ra ngoài.
- Triệu chứng nuốt nghẹn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý thực quản như rối loạn nhu động thực quản, viêm thực quản, trào ngược dạ dày – thực quản (GERD),… Đặc biệt, nuốt nghẹn còn là dấu hiệu cảnh báo ung thư thực quản. Lúc đầu, người bệnh có cảm giác nuốt bị nghẹn không rõ ràng, vướng sau xương ức khi ăn thức ăn đặc, nếu bệnh tiến triển có thể dẫn đến tình trạng nuốt nước bọt bị nghẹn, nuốt nghẹn ngay cả khi uống nước.
Nuốt nghẹn là biểu hiện của bệnh gì?
Nuốt nghẹn có thể là biểu hiện của các bệnh lý thực quản, những vấn đề bất thường xuất hiện tại thực quản. Dựa vào nguyên nhân dẫn đến triệu chứng, nuốt nghẹn được chia thành hai nhóm, bao gồm nuốt nghẹn do bệnh lý và nuốt nghẹn do phản xạ làm rối loạn chức năng co bóp của của thực quản.
- Nuốt nghẹn do phản xạ làm rối loạn chức năng co bóp của thực quản: do thói quen ăn nhanh, nằm ăn, nhai không đúng cách nên phản xạ co bóp nhịp nhàng của thực quản bị rối loạn, thức ăn hoặc nước uống được đưa xuống ống tiêu hóa nhưng phản xạ co bóp của thực quản chưa phản ứng kịp làm cho thức ăn, nước uống tạm dừng vận chuyển trong chốc lát gây nuốt nghẹn ở cổ. Ngoài ra, khối thức ăn lớn và dị vật cũng gây tắc nghẽn ống tiêu hóa.
- Nuốt nghẹn do bệnh lý: một số bệnh lý bên trong hoặc bên ngoài thực quản có thể dẫn đến các dấu hiệu nuốt nghẹn.
Yếu tố nguy cơ thường gặp gây nuốt nghẹn
Những đồ vật thường gặp mà trẻ em hay nuốt phải gây nuốt nghẹn, bao gồm:
- Bong bóng cao su là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 6 tuổi
- Viên bi,
- Đồng xu
- Pin,
- Cúc áo
- Đồ chơi nhỏ
- Nắp bút,
- Cục tẩy (gôm)
- Kim băng
Theo thống kê của Trung tâm Quốc gia về Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) năm 2002, khoảng 60% nguy cơ người bị nuốt nghẹn không tử vong là do thực phẩm. Những loại thực phẩm có rủi ro cao gây nuốt nghẹn, bao gồm:
- Xúc xích
- Kẹo cứng, kẹo dẻo
- Quả nho, cherry, cà chua bi
- Cà rốt
- Quả hạch
- Táo
- Đậu phộng
- Bắp rang bơ
NGUYÊN NHÂN GÂY NUỐT NGHẸN Ở THỰC QUẢN LÀ GÌ?
Nguyên nhân gây nuốt nghẹn ở vùng cổ họng phần lớn do tắc nghẽn trong khi ăn như ăn quá nhanh, cười trong khi ăn, ăn miếng quá to hoặc nuốt phải dị vật.
Dị vật có thể cản trở một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp trên hoặc thực quản. Trong đó, tắc nghẽn hoàn toàn trong thanh quản hoặc khí quản là nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến tử vong nếu không sơ cứu kịp thời. Ngoài ra, triệu chứng nuốt nghẹn còn do bệnh lý vùng thực quản và các cơ quan khác gây ra.
Nguyên nhân nuốt nghẹn do rối loạn chức năng co bóp của thực quản
Một số nguyên nhân nuốt nghẹn do rối loạn chức năng co bóp của thực quản đến từ thói quen ăn uống, sinh hoạt và tuổi tác, bao gồm:
- Thói quen ăn uống: như ăn uống vội vàng, nhai không kỹ, nuốt miếng thức ăn to, tính chất thức ăn, đặc biệt các loại thức ăn dai, nhầy, dính, đặc dễ gây nên rối loạn chức năng nuốt. Chức năng phản xạ co bóp nhịp nhàng của thực quản bị rối loạn làm cho nước uống, thức ăn tạm thời dừng chuyển động gây nên nghẹn.
- Yếu tố tâm lý: Nuốt là một quá trình phức tạp liên quan đến sự phối hợp giữa các hoạt động não bộ, dây thần kinh và cơ. Rối loạn não hoặc dây thần kinh có thể làm tê liệt cơ chế này và khiến người bệnh bị nuốt nghẹn ở cổ. Ngoài ra, căng thẳng, lo âu, trầm cảm trong khi ăn cũng dễ dẫn đến rối loạn co bóp thực quản.
- Nuốt phải dị vật: trẻ em bị nuốt nghẹn thường do nhai thức ăn không hoàn toàn, cố gắng ăn những miếng thức ăn lớn hoặc quá nhiều thức ăn cùng một lúc, ăn kẹo cứng. Trẻ nhỏ cũng có nguy cơ đưa các vật nhỏ vào miệng, có thể mắc kẹt trong cổ họng. Trong một đánh giá của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh về chứng nuốt nghẹn ở trẻ em được điều trị tại khoa cấp cứu, 13% các trường hợp nuốt nghẹn có liên quan đến đồng xu và 19% là do kẹo hoặc kẹo cao su.
- Người lớn tuổi: giảm tiết nước bọt ở người cao tuổi làm giảm khả năng vận chuyển thức ăn trong quá trình nuốt gây nghẹn. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm suy giảm chức năng răng, mắc bệnh sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson, nghiện rượu bia,…
Nguyên nhân nuốt nghẹn ở thực quản do bệnh lý
Một số nguyên nhân gây ra nuốt nghẹn do bệnh lý tại thực quản, bao gồm:
Trào ngược dạ dày – thực quản
Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD): xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới (LES) không đóng hoặc thắt chặt đúng cách. LES thường mở ra trong một khoảng thời gian ngắn khi nuốt. Dịch axit dạ dày trào ngược lên làm bỏng rát và tổn thương niêm mạc ở thực quản, cổ họng, hạ họng và thanh quản gây nuốt nghẹn.
Hẹp thực quản
Hẹp thực quản (esophageal stricture): khiến thức ăn bị cản trở đôi khi bị tắc nghẽn tại thực quản, nguyên nhân đến từ các khối u, mô sẹo hoặc biến chứng do bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) gây ra, có thể gây chít hẹp thực quản.
Khối u thực quản
Khối u thực quản: cảm giác nuốt nghẹn ở cổ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sự xuất hiện của các khối u trong thực quản. Mức độ nuốt nghẹn tùy thuộc vào kích thước của khối u, khối u thực quản càng lớn thì sự chèn ép càng tăng. Khối u thực quản thường đi kèm với triệu chứng khó thở, ho ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng.
Co thắt tâm vị
Co thắt tâm vị: là tình trạng rối loạn chức năng mà thực quản mất khả năng đẩy thức ăn xuống dạ dày (bất thường nhu động thực quản) và cơ thắt thực quản dưới mở ra không hoàn toàn (tăng áp lực cơ vòng dưới) làm ứ đọng thức ăn ở thực quản.
Tắc nghẽn thực quản
Tắc nghẽn thực quản hay cảm giác nuốt nghẹn do tắc nghẽn thực quản (esophageal obstruction): là tình trạng khó hoặc không lưu thông thức ăn, nước uống hay các dịch tiêu hóa xuống thực quản. Tắc nghẽn thực quản do thức ăn và dị vật, khối u thực quản hoặc các bệnh lý biến chứng gây hẹp thực quản.
Viêm thực quản
Viêm thực quản: cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các dấu hiệu nuốt bị nghẹn. Viêm thực quản là tình trạng viêm khi hiện tượng trào ngược axit dạ dày, ợ chua, ợ nóng kéo dài hoặc do sử dụng một số loại thuốc.
Ung thư thực quản
Ung thư thực quản: xảy ra khi một khối u ác tính phát triển trong thực quản gây ra triệu chứng nuốt nghẹn thường đi kèm với các dấu hiệu khác như ho khan, ho ra máu, buồn nôn, nôn ói,…
Đa xơ cứng
Đa xơ cứng (multiple sclerosis): bệnh gây thoái hóa cơ, làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới, dẫn đến sự trào ngược axit dạ dày.
Túi thừa thực quản
Túi thừa thực quản (hoặc Túi thừa Zenker): là bệnh lý thường xuất hiện tại vùng giữa thực quản và hầu, một túi nhỏ hình thành và ngăn chặn đường đi của thức ăn dẫn đến nuốt nghẹn, thường đi kèm với các dấu hiệu khác như khó nuốt, hôi miệng, ho nhiều,…
Các nguyên nhân khác gây nuốt nghẹn
Ngoài ra, một số bệnh lý bên ngoài thực quản cũng có thể gây nuốt nghẹn ở cổ họng, bao gồm:
- Người có bất thường di truyền giải phẫu ảnh hưởng đến quá trình nuốt như sứt môi.
- Tổn thương thần kinh như đột quỵ, chấn thương não, khối u não hoặc chấn thương tủy sống cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng nuốt.
- Chấn thương tại vùng hầu họng, thực quản ảnh hưởng đến quá trình nuốt.
- Suy tim, dày thất, tim to, phình mạch,… chèn ép thực quản gây nuốt nghẹn.
- Một số bệnh về phổi như u phổi, u phế quản,…
- Các bệnh lý vùng hầu họng như viêm amidan, các khối u thanh quản – hạ họng, ung thư vòm mũi họng,…
- Bệnh Basedow, bướu giáp với kích thước lớn gây chèn ép thực quản – cổ.
- Hội chứng đầu cổ gây nuốt nghẹn khi nuốt nước bọt nhưng ăn uống vẫn bình thường, dấu hiệu nuốt nghẹn lúc có lúc không, không thay đổi hoặc thay đổi ít theo thời gian. Các triệu chứng kèm theo như đau mỏi vùng cổ, đứng lên ngồi xuống hoa mắt chóng mặt, mỏi vai gáy và lan xuống cánh tay.
CÁC TRIỆU CHỨNG KÈM THEO NUỐT NGHẸN LÀ GÌ?
Bệnh nhân bị nuốt nghẹn thường đi kèm với một hoặc nhiều triệu chứng khác nhau, phụ thuộc vào bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh. Một số triệu chứng đi kèm với nuốt nghẹn như cổ họng bị nghẹn khó nuốt, ho, nôn khan, cảm thấy vướng ở họng, khó thở,…
Các triệu chứng đi kèm với nuốt nghẹn
Các dấu hiệu và triệu chứng thường liên quan đến nuốt nghẹn như:
- Ho hoặc nôn khan.
- Khó thở hoặc không thở được.
- Thở khò khè.
- Đột ngột không thể nói chuyện.
- Cảm thấy bị vướng ở cổ họng.
- Hoảng sợ, nắm chặt cổ họng là phản ứng tự nhiên khi bị nghẹn và là cách để báo cho những người xung quanh biết người bệnh đang bị nghẹt thở.
- Ngất xỉu.
- Da, môi và móng tay chuyển sang màu xanh lam hoặc tím tái do thiếu oxy. Mất ý thức. Đối với trẻ em và trẻ sơ sinh rất khó để xác định dấu hiệu trẻ bị nuốt nghẹn, tuy nhiên bố mẹ có thể quan sát các triệu chứng sau để đưa bé đi khám bác sĩ kịp thời như: khó thở, khóc yếu và/hoặc ho yếu.
Các triệu chứng nguy hiểm cần đi cấp cứu ngay
Nuốt nghẹn do dị vật là một trường hợp khẩn cấp, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trong một số trường hợp, nuốt nghẹn có thể xảy ra cùng với các triệu chứng khác cho thấy tình trạng nghiêm trọng cần được đến bệnh viện để được chăm sóc y tế ngay. Các dấu hiệu và triệu chứng nguy hiểm bao gồm nuốt nghẹn, khó thở, đau ngực, choáng váng, bất tỉnh,…
CÁC PHƯƠNG TIỆN CHẨN ĐOÁN TRIỆU CHỨNG NUỐT NGHẸN
Nuốt nghẹn không do dị vật có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên và các dấu hiệu, triệu chứng cũng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, để thăm khám và chẩn đoán triệu chứng nuốt nghẹn, bác sĩ sẽ kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng giúp loại trừ các bệnh liên quan và tìm ra nguyên nhân chính khiến người bệnh bị nuốt nghẹn.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ nắm được thông tin bệnh sử, tình trạng bệnh lý cũng như sức khỏe hiện tại của Cô Bác, Anh Chị. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các chẩn đoán ban đầu cũng như chỉ định các cận lâm sàng phù hợp để tìm ra bệnh lý chính xác. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thực hiện khám sức khỏe tổng quát và thu thập thông tin tình trạng sức khỏe người bệnh thông qua các câu hỏi như:
- Các dấu hiệu nuốt nghẹn của Cô Bác xuất hiện từ khi nào? Chúng liên tục hay không thường xuyên?
- Cô Bác có đang gặp khó khăn khi nuốt không? Nuốt nghẹn khi dùng chất lỏng, chất rắn hay cả hai?
- Thức ăn có thường xuyên trào ngược vào khoang mũi không?
- Trong khi ăn có dễ bị sặc, ho, buồn nôn hoặc khó thở không?
- Các bệnh lý tiêu hóa Cô Bác đã từng mắc phải là gì?
- Các bệnh đang điều trị và loại thuốc đang sử dụng bao gồm thực phẩm chức năng.
- Cô Bác có nuốt phải thức ăn hay dị vật gây ra các triệu chứng nuốt nghẹn không?
- Cô Bác đã từng hoặc đang mắc các bệnh liên quan đến rối loạn thần kinh, rối loạn cơ, rối loạn nhu động, tắc nghẽn vật lý hoặc ung thư không?
- Cân nặng của Cô Bác có bị giảm đột ngột không?
Khám sức khỏe tổng quát cần tập trung vào kiểm tra giọng nói, đầu và cổ họng để xem xét các bất thường trong cổ họng như viêm amidan, khối u.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Dựa vào tiền sử bệnh, các sàng lọc và đánh giá trong bước khám lâm sàng, người bệnh có thể thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng như xét nghiệm, nội soi tiêu hóa, đánh giá chức năng hoặc chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ có thể đánh giá tình trạng tổng quát và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Xét nghiệm
- Xét nghiệm máu: bao gồm phân tích tế bào máu ngoại vi, điện giải đồ và xét nghiệm chức năng gan.
- Kiểm tra trở kháng và pH: đo độ pH trong thực quản giúp bác sĩ xác định bệnh trào ngược axit dạ dày – thực quản có ảnh hưởng đến chức năng nuốt không.
Nội soi ống tiêu hóa
Nội soi là tiêu chuẩn chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa và hô hấp với độ chính xác cao. Bác sĩ có thể sẽ tiến hành:
- Nội soi tiêu hóa trên (bao gồm nội soi thực quản, nội soi dạ dày): là phương pháp đưa dây soi có gắn camera độ phóng đại trên 500 lần, soi đến cấp độ tế bào kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để chẩn đoán chính xác và đồng nhất kết quả qua đường miệng. Chẩn đoán các bệnh lý ở ống tiêu hóa trên gây nuốt nghẹn như tắc nghẽn, viêm loét thực quản, trào ngược dạ dày – thực quản, polyp thực quản, ung thư,…
- Nội soi phế quản: là thủ thuật sử dụng một ống nhỏ có cấu tạo mềm, được gắn đèn và camera ở một đầu, đưa vào đường hô hấp của người bệnh (có thể được đưa từ miệng hay từ mũi của bệnh nhân vào đường hô hấp) giúp cho bác sĩ có thể quan sát được cấu trúc bên trong đường hô hấp như khí quản, dây thanh quản, thanh âm, hầu họng hoặc những đường dẫn khí nhỏ hơn. Phương pháp có thể sử dụng để lấy dị vật ra trong quá trình nội soi.
- Nội soi sợi quang đánh giá nuốt (Phương pháp FEES): bác sĩ có thể kiểm tra chức năng nuốt nhờ vào một ống nội soi sáng, mỏng và máy ảnh đặc biệt được đưa qua đường mũi.
Nội soi dạ dày – thực quản có thể lấy mẫu sinh thiết phụ thuộc vào tình trạng hoặc nghi ngờ của bác sĩ trong quá trình nội soi. Các mẫu sinh thiết giúp tìm tình trạng bạch cầu ái toan, viêm, hẹp hoặc các khối u có nguy cơ ung thư hóa.
Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp X-quang ngực – cổ: giúp bác sĩ phát hiện vị trí dị vật đường hô hấp gây nuốt nghẹn. Chụp X-quang với chất cản quang: dung dịch Bari được phủ lên toàn bộ thực quản giúp hình ảnh thực quản hiện rõ trên phim chụp X-quang, dựa vào đó bác sĩ có thể thấy những bất thường bên trong ống thực quản, vị trí tắc, chiều dài đoạn tắc cũng như đánh giá được hoạt động của cơ.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): được đánh giá cao hơn so với chụp X-quang, đặc biệt trong việc chẩn đoán ung thư, chụp CT thực quản có thể phát hiện có khối u, tình trạng di căn và mức độ khối u phát triển như thế nào.
Ngoài ra, chụp MRI cũng có thể được chỉ định để tạo hình chi tiết các cơ quan và mô, giúp bác sĩ có thể đánh giá tổng quan và chính xác hơn.
Đánh giá chức năng
- Kiểm tra cơ thực quản bằng áp kế (Manometry): một ống nhỏ được đưa vào thực quản và nối với một máy ghi áp suất để đo mức độ co thắt cơ của thực quản khi Cô Bác, Anh Chị nuốt.
- Đánh giá chức năng nuốt: Cô Bác, Anh Chị được yêu cầu nuốt các loại thực phẩm có phủ Bari với thành phần khác nhau. Phương pháp này giúp cung cấp hình ảnh thức ăn, chất lỏng di chuyển qua hầu họng xuống thực quản. Hình ảnh sẽ cho bác sĩ thấy các bất thường trong sự phối hợp của cơ miệng và cổ họng khi Cô Bác, Anh Chị nuốt. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể xác định xem thức ăn có đi vào khí quản không. Phương pháp này thường được thực hiện chung với nội soi sợi quang qua đường mũi.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA TRIỆU CHỨNG NUỐT NGHẸN
Phương pháp điều trị triệu chứng nuốt nghẹn phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí tổn thương khiến người bệnh bị nuốt nghẹn. Một số phương pháp thường được sử dụng như thay đổi chế độ ăn uống, đặt stent, phẫu thuật, sử dụng thuốc, đặc biệt nghẹn do dị vật là một trường hợp cấp cứu,…
Điều trị nuốt nghẹn do rối loạn chức năng co bóp của thực quản
Cấp cứu nghẹn hoặc hóc do dị vật
Không khó để phát hiện một người bị nghẹn do dị vật với những biểu hiện xảy ra bất ngờ, thường dữ dội và liên quan đến bữa ăn:
- Nếu thức ăn làm bít tắc thực quản: Người bệnh đang ăn bỗng thấy khó nuốt và bằng mọi cách sẽ cố nuốt dẫn đến nấc và nôn oẹ. Theo phản xạ, thức ăn sẽ di chuyển vào khí quản. Lúc này, người bị nghẹn ho sặc sụa, nói không ra tiếng, khó thở tùy từng mức độ, có thể bị nghẹt thở.
- Nếu thức ăn làm tắc khí quản: Người bị nghẹn đột nhiên thở khó, sắc mặt đỏ tía rồi tím ngắt, thần sắc lờ đờ, nấc cụt.
Tắc nghẽn ở thực quản do dị vật nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách, chỉ trong vài phút, người bị nghẹn sẽ trong tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng, dẫn tới tử vong. Do đó, cần thực hiện sơ cứu và điều trị ngay lập tức để thông đường thở bị tắc nghẽn do nuốt phải dị vật.
A. Sơ cứu người lớn
Nếu người bệnh có thể ho mạnh, khuyến khích người bệnh nên tiếp tục ho. Nếu người đó bị nghẹn và không thể nói chuyện, khóc hoặc cười một cách gượng gạo, Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ khuyến nghị phương pháp “5-5” để sơ cứu:- Vỗ vào lưng 5 lần: Đầu tiên, dùng lòng bàn tay vỗ vào lưng của nạn nhân 5 lần (vùng giữa hai xương bả vai).
- Ấn mạnh vào bụng 5 lần (còn gọi là nghiệm pháp Heimlich): là thủ thuật sơ cứu nhanh để xử trí nghẹt thở do tắc nghẽn đường thở trên do dị vật như thức ăn, đồ chơi hoặc các đồ vật khác ở người lớn và trẻ em.
- Thực hiện luân phiên việc vỗ lưng và ấn mạnh cho đến khi vật lạ rơi ra.
Để thực hiện nghiệm pháp Heimlich cho người khác:
Đứng phía sau nạn nhân:- Dùng tay ôm lấy phần eo của nạn nhân, cho nạn nhân hơi cúi người về phía trước.
- Nắm một tay lại và đặt nắm tay lên phần trên rốn của nạn nhân.
- Dùng tay còn lại ôm lấy bàn tay đang nắm và ấn thật nhanh, mạnh vào bụng nạn nhân theo chiều hướng lên trên.
- Nếu cần thiết, thực hiện thao tác này 6-10 lần.
- Nếu vật lạ chưa rơi ra, tiếp tục lặp lại việc sơ cứu “5-5”.
Tự thực hiện liệu pháp Heimlich cho bản thân mình
Đầu tiên, khi Cô Bác, Anh Chị bị nghẹn và không có ai ở xung quanh, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Tiếp theo, vì Cô Bác, Anh Chị không thể tự vỗ lưng cho mình được, Cô Bác, Anh Chị vẫn có thể tự thực hiện việc ấn bụng để loại bỏ vật lạ.- Đặt nắm tay phía trên rốn của mình.
- Dùng tay còn lại nắm chặt lấy bàn tay đang đặt ở rốn và cúi người lên một chỗ dựa cứng – như bàn hoặc ghế.
- Ấn nắm tay của bạn vào bên trong, hướng lên trên.
Để làm thoáng đường thở của phụ nữ mang thai hoặc người béo phì
- Đặt tay của bạn cao hơn một chút so với vị trí của nghiệm pháp Heimlich thông thường, tại xương ức, ngay phía trên xương sườn thấp nhất.
- Thực hiện như liệu pháp Heimlich thông thường, ấn nhanh, mạnh vào ngực.
- Lặp lại quy trình nếu như thức ăn hoặc vật lạ không rơi ra ngoài hoặc nạn nhân vẫn bất tỉnh. Trong khi sơ cứu hãy nhờ những người xung quanh gọi cấp cứu.
B. Sơ cứu trẻ nhỏ
Nếu bé ho hoặc khóc
Lúc này, tình hình chưa quá nghiêm trọng. Thông thường, khi di chuyển trong đường hô hấp, không khí sẽ gây ra tiếng ồn. Bé ho hoặc khóc thành tiếng có nghĩa là bé đang thở, đường hô hấp không bị tắc nghẽn hoàn toàn, bé không bị ngạt trầm trọng. Nếu bé thở được thì không nên can thiệp vì điều này có thể gây nguy hiểm. Đừng tìm cách lấy vật lạ ra bằng động tác vỗ lưng ấn ngực, Cô Bác, Anh Chị có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, khiến bé ngừng thở. Những việc cần làm:- Hãy đứng bên cạnh cổ vũ, động viên bé tiếp tục ho. Phản xạ ho và ọe có thể giúp bé tống được vật lạ ra ngoài trong vòng một phút.
- Tỏ ra bình tĩnh, để bé hiểu rằng mọi chuyện vẫn ổn, như vậy bé sẽ không bị hoảng sợ. Theo dõi xem sau khi ho bé có dễ thở hơn hay không.
- Kiểm tra miệng bé và lấy ra những thứ bạn nhìn thấy trong đó. Tuyệt đối không dùng ngón tay mò mẫm tìm vật lạ, vì như vậy bạn có thể vô tình đẩy vật này vào sâu hơn. Chỉ móc ra những thứ mà bạn nhìn thấy.
- Không cho bé uống bất cứ thứ gì trừ khi bé sặc phải đồ vật khô, ví dụ như bánh quy. Việc đưa thêm nước vào có thể làm tình hình tồi tệ hơn.
- Nếu sau khi cơn ho dịu đi, Cô Bác, Anh Chị vẫn tiếp tục nghe thấy tiếng thở ồn ào hay tiếng ho thì hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay lập tức, có thể vật lạ đã đi sâu vào phế quản.
- Nếu bé thở khó khăn trong vòng vài phút, gọi cấp cứu ngay.
Nếu bé tỉnh táo và khó thở
- Kiểm tra miệng bé và lấy ra tất cả những thứ bạn có thể nhìn hoặc sờ thấy.
- Thực hiện động tác vỗ lưng ấn ngực.
- Ngồi xuống, đặt tay bạn lên đùi và đặt trẻ nằm cúi mặt trên cánh tay (đang đặt trên đùi) của bạn. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột.
- Vỗ vào lưng trẻ 5 lần thật nhẹ nhàng, nhưng phải đủ mạnh. Trọng lực và việc vỗ lưng có thể làm vật lạ rơi ra.
- Sau đó, lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực.
- Đặt trẻ nằm ngửa trên cánh tay sao cho phần đầu thấp hơn phần thân. Dùng 2 ngón tay đặt vào giữa xương ức của trẻ và ấn mạnh vào ngực 5 lần.
- Lặp lại quy trình vỗ lưng và ấn ngực nếu trẻ không thở trở lại. Gọi cấp cứu ngay.
- Dùng tay đỡ trẻ ngả người về phía trước. Vỗ liên tục vào giữa 2 bả vai, đồng thời nhấn nhanh và mạnh khoảng 5 lần.
- Xoay người đứa trẻ hướng lưng vào ngực bạn, quỳ gối ngang tầm đứa trẻ, vòng hai tay ra phía trước ngực trẻ, nắm tay thành nắm đấm, tay này đặt lên tay kia rồi tiến hành ấn mạnh khoảng 5 lần vào điểm vị trí giữa sườn và rốn, theo hướng từ dưới lên. Thực hiện cho đến khi vật mắc ở cổ họng trẻ thoát ra ngoài.
Nếu bé bất tỉnh và ngưng thở
- Gọi cấp cứu ngay.
- Bắt đầu hồi sức tim phổi (hà hơi thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực) tỉ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim cứ như vậy đến khi nhân viên y tế đến nơi.
- Mở khí quản qua màng nhẫn giáp cấp cứu do nhân viên y tế thực hiện nếu không thể lấy được dị vật trong đường thở.
Các biện pháp điều trị nuốt nghẹn khác
Một số biện pháp điều trị nuốt nghẹn có thể được áp dụng, bao gồm:
- Luyện kỹ năng nuốt: đối với một số trường hợp đặc biệt, người bệnh cũng cần học cách đưa thức ăn vào miệng, định vị cơ thể và đầu sẽ giúp bệnh nhân nuốt dễ hơn. Với những người mắc bệnh đột quỵ, Alzheimer hoặc bệnh Parkinson cần các bài tập vật lý trị liệu chuyên biệt để cải thiện khả năng nuốt phù hợp.
- Nội soi phế quản để loại bỏ dị vật.
- Đặt nội khí quản: là phương pháp đặt một ống thông bằng nhựa dẻo vào khí quản để duy trì đường thở mở hoặc lấy dị vật ra bằng một dụng cụ dài gọi là kẹp Magill.
- Phẫu thuật đường thở nếu các phương pháp trên không điều trị thành công.
Điều trị nuốt nghẹn do bệnh lý tại thực quản
Triệu chứng nuốt nghẹn xảy ra ở vùng cổ họng, thực quản có thể được điều trị bằng một trong những phương pháp sau:
- Nong thực quản: đối với bệnh nhân bị co thắt thực quản (achalasia), hẹp thực quản hoặc rối loạn nhu động ruột, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi có gắn một quả bóng đặc biệt đưa vào bên trong thực quản, sau đó quả bóng sẽ được bơm phồng giúp nông và mở rộng thực quản. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đưa một ống mềm hoặc các ống nội soi có đường kính khác nhau giúp kéo dãn chiều rộng của thực quản thay thế cho quả bóng.
- Thuốc điều trị nuốt nghẹn: sử dụng thuốc không kê đơn (OTC) hoặc thuốc kê đơn bao gồm thuốc kháng axit dạ dày, thuốc ức chế axit dạ dày và thuốc ức chế bơm proton (PPI) điều trị nuốt nghẹn do bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD). Thuốc giãn cơ trơn được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị co thắt thực quản. Tất cả các loại thuốc đặc trị không nên tự ý sử dụng mà phải thông qua sự đồng ý của bác sĩ.
- Nuốt nghẹn do ung thư thực quản: sau khi xác định được giai đoạn của ung thư thực quản, các phương pháp điều trị sẽ được bác sĩ chỉ định và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị ung thư thực quản bao gồm phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị, xạ trị, điều trị giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ. Tầm soát ung thư thực quản định kỳ cũng giúp bệnh nhân phát hiện ung thư giai đoạn sớm, giúp ngăn ngừa và điều trị hiệu quả hơn.
Phẫu thuật thực quản được thực hiện khi bác sĩ phát hiện khối u thực quản, u vùng thắt lưng hoặc túi thừa thực quản. Ngoài ra, nếu bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, phẫu thuật cũng giúp cải thiện tình trạng nuốt khó do hẹp thực quản, tắc nghẽn, liệt dây âm thanh, GERD, achalasia,… Phương pháp phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng khó nuốt, bao gồm:
- Phẫu thuật Heller thông qua nội soi: được thực hiện để cắt cơ vòng thực quản khi chúng không thể mở đưa thức ăn vào dạ dày ở những người bị chứng đau dạ dày.
- Phẫu thuật nội soi thông qua phúc mạc (POEM): phương pháp được thực hiện bằng cách đưa một ống nội soi qua đường miệng xuống cổ họng, sau đó sẽ tạo một đường rạch ở lớp niêm mạc bên trong ống thực quản, sau đó bác sĩ sẽ cắt cơ ở đầu dưới của cơ thắt thực quản.
- Đặt stent thực quản: một ống kim loại hoặc nhựa sẽ được chèn vào chỗ bị hẹp, tắc nghẽn, khối u hoặc bị viêm loét bên trong thành thực quản. Một số loại stent có thể sử dụng vĩnh viễn như stent dành cho người bệnh ung thư thực quản, ngoài ra cũng có một số loại chỉ sử dụng tạm thời và được loại bỏ sau một thời gian khi bệnh nhân đã có thể nuốt bình thường.
- Đặt ống dẫn thức ăn: đối với các trường hợp khó nuốt nghiêm trọng bệnh nhân cần nhập viện để được theo dõi, đặt ống truyền thức ăn nhằm hạn chế hoạt động nuốt, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, duy trì cân nặng và tránh mất nước.
Ngoài ra, những bệnh nhân bị rối loạn cơ hoặc rối loạn chức năng vận động miệng – hầu họng – thực quản cũng được điều trị phối hợp bởi các chuyên gia về nha khoa phục hình, y học phục hồi chức năng, bệnh lý ngôn ngữ, tai mũi họng và tiêu hóa.
Cách phòng ngừa triệu chứng nuốt nghẹn tại nhà
Trong quá trình điều trị, lối sống và chế độ ăn uống hằng ngày cũng ảnh hưởng đến kết quả lẫn thời gian điều trị. Bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp sau giúp giảm bớt các triệu chứng nuốt nghẹn như:
- Thay đổi thói quen ăn uống: chia 3 bữa chính trong ngày thành các bữa ăn nhỏ và ăn thường xuyên hơn, luôn đảm bảo thức ăn đủ nhỏ để người bệnh có thể dễ dàng nuốt, ăn chậm nhai kỹ trước khi nuốt, uống nhiều nước.
- Thử các loại thực phẩm có kết cấu khác nhau: luôn thay đổi các loại thực phẩm trong bữa ăn từ rắn, khô, lỏng, dính,… để xem liệu thực phẩm nào sẽ khiến người bệnh khó nuốt từ đó tránh hoặc hạn chế sử dụng và thay thế bằng một loại thực phẩm khác.
- Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, caffeine và thức uống chứa cồn: những thứ này có thể làm cho triệu chứng ợ chua, ợ nóng trở nên tệ hơn và cũng ảnh hưởng đến các vết viêm thực quản.
- Thường xuyên tập thể dục: theo khuyến cáo, mỗi người nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ngoài ra luyện tập cũng tốt cho hệ tiêu hóa và kích thích nhu động ruột hoạt động tốt hơn.
- Sau khi ăn không được nằm ngay: sau khi ăn người bệnh nên ngồi nghỉ khoảng 30 phút hoặc đi lại nhẹ nhàng không nên nằm ngay.
- Tập trung: hãy luôn tập trung trong khi ăn uống, tránh nói chuyện, đùa giỡn khi đang ăn.
- Thay đổi tư thế ăn: ngồi thẳng lưng, nghiêng đầu về phía trước và nên ngồi thẳng hoặc đứng trong 15 – 20 phút sau khi ăn.
- Tránh cho trẻ nhỏ ăn những thức ăn cứng hoặc nhỏ có khả năng mắc kẹt trong đường thở như các loại hạt, nho, kẹo cứng,…
- Không cho trẻ chơi những vật dễ nuốt nghẹn như pin, cúc áo, đồ chơi nhỏ, viên bi,…
- Thực hiện tầm soát ung thư tiêu hóa, kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện sớm những bệnh lý bất thường của cơ thể.
CÂU HỎI TỔNG HỢP
Khàn giọng hay còn gọi là khản tiếng (tên tiếng Anh: dysphonia hoặc hoarseness) là tình trạng thay đổi bất thường trong giọng nói cùng với triệu chứng phổ biến là khô họng và ngứa cổ họng. Người bệnh bị khàn giọng, giọng nói sẽ không được trong và mượt như bình thường mà âm phát ra sẽ yếu hơi, nghe trầm khàn, nhỏ hoặc mất tiếng.
Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng khàn giọng kéo dài từ 2 đến 3 tuần ở người lớn và hơn 1 tuần ở trẻ em. Cô Bác, Anh Chị không nên tự mua thuốc uống hay cố gắng chịu đựng vì bệnh lý này kéo dài lâu ngày gây ra nhiều biến chứng bệnh lý khác. Các triệu chứng có thể cho thấy tình trạng sức khỏe cần được thăm khám và điều trị tại bệnh viện, phòng khám tiêu hóa bao gồm:
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Khản giọng kèm theo chảy nước dãi, đặc biệt ở trẻ nhỏ
- Mất giọng khi đang nói
Khàn giọng có thể đi kèm với các triệu chứng khác, sẽ thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, các rối loạn mắc phải hoặc tình trạng sức khỏe. Các triệu chứng thường ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tiêu hóa, cũng có thể liên quan đến các cơ quan khác.
Triệu chứng khàn giọng mất tiếng có thể làm thay đổi giọng nói kéo dài hơn một vài ngày, đặc biệt trở nặng nếu người bệnh tiếp tục hút thuốc. Thay đổi giọng nói được biểu hiện như âm phát ra sẽ yếu hơi, nghe trầm và nhỏ, âm thấp về cao độ, không rõ ràng, đau khi nói.
Cách chữa khàn giọng phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí tổn thương khiến người bệnh khàn giọng mất tiếng. Một số phương pháp thường được sử dụng như thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, sử dụng thuốc, phẫu thuật,…
Không phải tất cả các nguyên nhân gây khàn giọng đều có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, Cô Bác, Anh Chị có thể giảm thiểu nguy cơ bị khàn giọng bằng cách thực hiện những điều sau:
- Ngừng hút thuốc và tránh sinh hoạt trong môi trường có người hút thuốc: khói thuốc lá có thể gây kích ứng dây thanh quản và thanh quản làm khô cổ họng.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng: nhiễm virus đường hô hấp có thể là nguyên nhân gây khàn giọng do đó, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm.
- Thực hiện tầm soát ung thư thực quản, kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ: giúp phát hiện sớm những bệnh lý bất thường của cơ thể.
- Uống nhiều nước: giúp giảm tình trạng khô họng và khàn giọng. Lượng nước trung bình cần thiết trong trạng thái bình thường để duy trì sự cân bằng của cơ thể là khoảng 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có chứa caffein và cồn.
- Tránh đằng hắng giọng: hắng giọng có thể làm tăng tình trạng viêm thanh quản và kích ứng cổ họng của người bệnh.
Tài liệu tham khảo
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
- Allen, Suzanne. Everything You Need to Know About Hoarseness. Biên tập bởi Stacy Sampson. 08 02 2019. https://www.healthline.com/health/hoarseness (đã truy cập 09 30, 2021).
- Healthgrades Editorial Staff. Dry Throat. Biên tập bởi William C. Lloyd III. 01 06 2021. https://www.healthgrades.com/right-care/ear-nose-and-throat/hoarse-voice (đã truy cập 09 30, 2021).
- Yuko, Elizabeth. What Is Dysphonia? Biên tập bởi Benjamin F. Asher. 02 26 2021. https://www.verywellhealth.com/what-is-dysphonia-5093379 (đã truy cập 09 30, 2021).
TIN SỨC KHỎE
Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.
ĐỐI TÁC
ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA
Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng
Endo Clinic
Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư
THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H)
VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H)