ĐAU BỤNG MẠN TÍNH

Đau bụng mạn tính thường phổ biến ở trẻ em trên 5 tuổi. Trong đó, có khoảng 10-15% trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 16 tuổi, đặc biệt ở trẻ từ 8 đến 12 tuổi bịđau bụng mạn tính hoặc đau bụng tái phát thường xuyên. Ngoài ra, đau bụng mạn tính cũng phổ biến ở nữ giới lớn tuổi hơn nam giới.

ĐAU BỤNG MẠN TÍNH LÀ GÌ?
Đau bụng mạn tính

TỔNG QUAN VỀ TRIỆU CHỨNG ĐAU BỤNG MẠN TÍNH

Đau bụng mạn tính là gì?

Đau bụng mạn tính (tên tiếng Anh: chronic abdominal pain) là tình trạng đau kéo dài dai dẳng trên 3 tháng và tái phát liên tục ở bất cứ vị trí nào trong bụng, bao gồm các khu vực ở phần bụng phía dưới xương sườn cho tới phía trên xương chậu. Cảm giác đau xuất phát từ các cơ quan trong ổ bụng hoặc các cơ quan tiếp giáp với bụng. Nguyên nhân gây đau bụng mạn tính do các bệnh lý phức tạp ở hệ tiêu hóa và thường khó khăn trong việc chẩn đoán.

Đau bụng mạn tính hoặc đau bụng kèm theo nôn ra máu, đi tiêu ra máu, chóng mặt, chướng bụng, ngất xỉu, khó thở hoặc vàng da có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng và cần được thăm khám y tế ngay.

Phân loại triệu chứng đau bụng mạn tính

Cơn đau bụng kéo dài từ 3 tháng trở lên sẽ được bác sĩ chẩn đoán và xác định các rối loạn điển hình gây ra đau bụng thông qua các thăm khám tiêu hóa. Có khoảng 10% bệnh nhân có bệnh thực thể, 90% trường hợp còn lại liên quan đến quá trình chức năng được gọi làđau bụng mạn tính cơ năng.

> Đau bụng mạn tính thực thể

Đau bụng mạn tính thực thể do rối loạn của các cơ quan trong cơ thể được xác định thông qua thăm khám như rối loạn cơ quan niệu quản – sinh dục, rối loạn tiêu hóa, rối loạn hệ thống miễn dịch hoặc tự miễn,…

> Đau bụng mạn tính cơ năng

Đau bụng mạn tính cơ năng là tình trạng cơn đau kéo dài trên 6 tháng và không tìm ra được các rối loạn sinh lý cụ thể nào gây ra triệu chứng đau bụng. Đau bụng mạn tính cơ năng không liên quan đến các vấn đề sinh lý như kinh nguyệt, đi tiêu hoặc ăn uống và cơn đau kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chính xác nguyên nhân gây đau bụng mạn tính cơ năng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nơron cảm giác thần kinh ở sừng sau tủy sống có thể trở nên nhạy cảm và tăng cảm giác đau do sự kết hợp của nhiều yếu tố như nhận thức và tâm lý.

NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU BỤNG MẠN TÍNH

Khởi phát và thời gian của cơn đau

Đau bụng mạn tính là những cơn đau ở vùng bụng xảy ra liên tục hoặc từng cơn và kéo dài nhiều ngày lâu khỏi (thường trên 3 tháng). Những cơn đau có nhiều mức độ từ nhẹ cho đến nặng, đau bụng từng cơn, cơn đau xuất hiện rồi mất hoặc cũng có khi bùng phát thành cơn đau dữ dội.

  • Cơn đau do hội chứng ruột kích thích (IBS) thường kèm theo co thắt cơ bụng hoặc chướng bụng. Cơn đau giảm dần trong nhiều tháng hoặc nhiều năm và có thể kéo dài trong nhiều năm.
  • Cơn đau do viêm tụy thường kéo dài một hoặc nhiều ngày.
  • Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) hoặc loét dạ dày – tá tràng thường biểu hiện triệu chứng đau bụng theo chu kỳ, lặp lại khoảng vài tuần hoặc vài tháng sau cơn đau trước.

Các yếu tố làm tăng hoặc giảm đau

> Các yếu tố làm tăng cơn đau bụng mạn tính

Đau bụng trên rốn tăng khi cúi xuống hoặc nằm xuống vào ban đêm gợi ý đến bệnh lý thoát vị khe hoành. Khi căng thẳng có thể làm đau bụng tăng lên trong hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt).

> Các yếu tố làm giảm cơn đau bụng mạn tính

Cơn đau trong hội chứng ruột kích thích và táo bón thường tạm thời thuyên giảm khi đi tiêu và có thể liên quan đến những thay đổi trong thói quen đi tiêu.

Uống thuốc kháng axit hoặc ăn có thể tạm thời làm giảm cơn đau do loét dạ dày – tá tràng vì cả thức ăn và thuốc kháng axit đều trung hòa axit gây kích ứng vết loét và gây ra cơn đau.

Tính chất của triệu chứng đau bụng mạn tính

  • Đau buốt hoặc đau bụng âm ỉ.
  • Đau dữ dội khiến người bệnh đổ mồ hôi, khóc hoặc cúi gập người vì đau.
  • Đau kéo dài vài phút hoặc vài giờ.
  • Đau bụng ngay rốn hoặc bất cứ vị trí nào ở vùng bụng.
  • Đau có/ không liên quan đến vấn đề ăn uống.
  • Đau xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày.
  • Đau bụng kèm theo nôn ói, đau đầu hoặc đau ở cánh tay hoặc chân.

Các vị trí đau bụng mạn tính định hướng nguyên nhân

HẠ SƯỜN PHẢI

THƯỢNG VỊ

HẠ SƯỜN TRÁI

  • Loét dạ dày mạn tính
  • Viêm tuỵ mạn tính

HÔNG PHẢI

QUANH RỐN

HÔNG TRÁI

  • Bệnh lý thận, niệu quản bên phải: viêm đài bể thận mạn tính, sỏi thận, sỏi niệu quản
  • Viêm ruột mạn
  • Lao ruột
  • Viêm tuỵ mạn tính
  • Viêm ruột mạn tính 
  • Thoát vị hoành
  • Lao ruột
  • Bệnh lý thận, niệu quản bên trái: viêm đài bể thận mạn tính, sỏi thận, sỏi niệu quản
  • Viêm ruột mạn
  • Lao ruột

HỐ CHẬU PHẢI

HẠ VỊ

HỐ CHẬU TRÁI

  • Viêm ruột thừa mạn tính
  • Viêm túi thừa mạn tính
  • Viêm hạch mạc treo
  • Viêm nhiễm vùng chậu
  • Bệnh Crohn
  • Sỏi niệu quản phải
  • U nang buồng trứng, ung thư buồng trứng (nữ)
  • Viêm bàng quang mạn
  • Viêm nhiễm vùng chậu
  • Viêm túi thừa
  • Viêm tiền liệt tuyến (nam)
  • Viêm túi thừa
  • Viêm nhiễm vùng chậu
  • Sỏi niệu quản trái
  • Táo bón
  • Hội chứng ruột kích thích
  • U nang buồng trứng, ung thư buồng trứng (nữ)

Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu các vị trí đau bụng khác:

TRIỆU CHỨNG KÈM THEO ĐAU BỤNG MẠN TÍNH

NGUYÊN NHÂN GÂY TRIỆU CHỨNG ĐAU BỤNG MẠN TÍNH

Nguyên nhân gây đau bụng mạn tính thường do ảnh hưởng của các bệnh lý phức tạp và khó phát hiện hơn đau bụng cấp tính như rối loạn cơ quan niệu quản – sinh dục, rối loạn hệ thống, rối loạn tiêu hóa,…

Nguyên nhân gây đau bụng mạn tính là gì?

Các nguyên nhân gây triệu chứng đau bụng mạn tính như:

> Rối loạn cơ quan niệu quản – sinh dục

Đau ở thận hoặc niệu quản thường khu trú ở vùng hông lưng hoặc phần thấp của lưng và có thể lan vào vùng hố chậu cùng bên, phần trên đùi, tinh hoàn hoặc cơ quan sinh dục ngoài của nữ. Các bệnh lý ở niệu quản – sinh dục gây đau bụng mạn tính bao gồm:

  • Bất thường bẩm sinh: gợi ý nguyên nhân gây đau bụng mãn tính khi tình trạng nhiễm trùng tiết niệu tái phát.
  • Lạc nội mạc tử cung: là tình trạng niêm mạc tử cung phát triển bất thường bên ngoài tử cung. Các triệu chứng bao gồm đau lưng dưới và đau bụng trong và sau kỳ kinh, chuột rút, mệt mỏi và chảy máu nhiều. Uống thuốc có thể giúp làm giảm các triệu chứng lạc nội mạc tử cung nhưng phẫu thuật là phương án điều trị cần thiết trong một số trường hợp.
  • U nang buồng trứng, ung thư buồng trứng: các triệu chứng liên quan đến u nang buồng trứng gồm đau bụng, buồn nôn, đau khi đi tiêu và thay đổi kinh nguyệt. Đôi khi người bệnh có thể sờ thấy một khối u vùng tiểu khung – khu vực nội mạc tử cung, hai bên vòi trứng và buồng trứng
  • Sỏi thận: đau bụng do sỏi thận thường dữ dội và cảm thấy đau ở bên bụng và di chuyển xuống đau bụng dưới rốn và bẹn.
  • Di chứng của viêm khung chậu cấp tính: người có tiền sử mắc bệnh viêm khung chậu cấp tính có thể xuất hiện triệu chứng đau bụng mạn tính, khó chịu ở vùng chậu.

> Rối loạn hệ thống

Các rối loạn hệ thống có thể gây đau bụng mạn tính bao gồm:

  • Động kinh thể bụng: là thể động kinh vô cùng hiếm, mà những ảnh hưởng của nó chủ yếu xảy ra với hệ tiêu hóa nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Bệnh gây đau bụng từng cơn và không có các triệu chứng tiêu hóa khác.
  • Phù mạch thần kinh di truyền: là do thiếu hụt hoặc rối loạn chức năng của chất ức chế C1, một protein điều hoà con đường hoạt hóa bổ thể cổ điển. Bệnh thường do yếu tố di truyền với các triệu chứng như đau bụng thường kèm với phù mạch ngoại vi và sốt.
  • Sốt Địa Trung Hải gia đình: là bệnh của những người có nguồn gốc di truyền ở khu vực Địa Trung Hải. Sốt Địa Trung Hải gia đình thường khởi phát từ 5 đến 15 tuổi, nhưng có thể sẽ muộn hơn hoặc sớm hơn, thậm chí có thể gặp ở trẻ sơ sinh. Sốt lên đến 40° C thường kèm theo viêm phúc mạc là triệu chứng phổ biến của bệnh. Đau bụng thường bắt đầu ở góc phần tư và lan rộng đến toàn bộ bụng, xảy ra ở khoảng 95% bệnh nhân và có thể thay đổi mức độ nặng trong các đợt bệnh.
  • Dị ứng thực phẩm: là một phản ứng miễn dịch, có thể gây ra một loạt các triệu chứng khắp cơ thể. Tuy nhiên, các triệu chứng chỉ tiến triển sau khi ăn các loại thực phẩm nhất định mà cơ thể bị dị ứng như hải sản, đậu phộng,…
  • Kháng thể IgA – liên quan đến viêm mạch (trước đây là ban xuất huyết Henoch-Schonlein): là một bệnh viêm mạch máu nhỏ gây ra các triệu chứng như ban xuất huyết, đau khớp, có máu trong phân và đau bụng lan tỏa.
  • Ngộ độc chì: thường là bệnh mãn tính gây ra các bất thường về nhận thức hoặc hành vi cho người nhiễm bệnh như thay đổi tính cách, đau đầu, đau bụng, bệnh thần kinh,…
  • Rối loạn tương đương đau đầu Magraine: gây đau thượng vị (đau dạ dày) và nôn, thường phổ biến ở trẻ em và người có tiền sử gia đình với biểu hiện đau đầu Magraine.
  • Bệnh Porphyria: là một rối loạn chuyển hóa Porphirin, kết quả của thiếu hụt enzym do gen di truyền hoặc mắc phải của con đường sinh tổng hợp heme. Các triệu chứng thường gặp của bệnh gồm đau bụng nặng tái phát, nôn, đôi khi có các triệu chứng thần kinh như yếu cơ, động kinh, rối loạn tâm thần hoặc các tổn thương da.
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm: là rối loạn di truyền do một dạng hemoglobin bị khiếm khuyết làm cho hồng cầu có hình dạng giống như lưỡi liềm (hình liềm). Các đợt đau bụng trầm trọng kéo dài hơn một ngày, đau tái phát ở các vị trí ngoài vùng bụng.

> Rối loạn liên quan hệ tiêu hóa

Đau bụng mạn tính có thể xuất phát từ các vấn đề trong đường tiêu hóa bao gồm:

  • Bệnh celiac: dấu hiệu bệnh gồm đầy hơi kèm đau bụng, tiêu chảy, sụt cân và mệt mỏi. Bệnh Celiac là bệnh lý mãn tính, qua trung gian miễn dịch khiến cơ thể phản ứng quá mức với gluten và làm tổn thương lớp niêm mạc của ruột non. Hiện nay chưa có cách chữa khỏi bệnh Celiac nhưng loại trừ gluten khỏi chế độ ăn uống là điều bắt buộc.
  • Viêm ruột thừa mạn tính: là bệnh lý hiếm gặp ở ruột thừa, khởi phát là viêm ruột thừa cấp tính sau đó thoái lui, có thể tái diễn nhiều lần, trong đó đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất.
  • Viêm túi mật mạn tính: là tình trạng gây ra bởi nhiều đợt viêm túi mật cấp tính làm giảm khả năng co bóp, teo túi mật, đồng thời chức năng cô đặc, lưu trữ dịch mật của túi mật mất dần, giảm khả năng tống xuất dịch mật vào ống tiêu hóa.
  • Các bệnh về gan như viêm gan mạn tính, xơ gan, suy gan: lúc đầu, các triệu chứng có thể bị nhầm với chứng khó tiêu hoặc cúm dạ dày. Tuy nhiên các triệu chứng bệnh gan sẽ kéo dài, người bệnh có thể bị vàng da, chán ăn và mệt mỏi. Dù một số tình trạng gan có thể tự khỏi nhưng Cô Bác, Anh Chị nên đi khám bác sĩ để xác định tình trạng sức khỏe và điều trị kịp thời.
  • Viêm tụy mạn tính, nang giả tụy: Giống như viêm tụy cấp, tổn thương tụy mạn tính cũng đặc trưng bởi tình trạng đau bụng. Tuy nhiên, người bệnh có quá trình đau kéo dài tại thượng vị hay đôi khi chỉ là cảm giác căng tức. Cơn đau thường tăng lên rõ rệt vào mỗi bữa ăn hoặc khi có uống rượu. Đau lan xuyên ra sau lưng hoặc ra một nửa phần bụng trên, thỉnh thoảng lan xuống nửa dưới. Để hạn chế đau, người bệnh thường bất động trong tư thế khum người như ngồi cúi ra trước hoặc nằm co chân, rất hạn chế nằm ngửa hay ưỡn người vì sẽ khiến đau nhiều hơn.
  • Ung thư đại tràng: là sự gia tăng ác tính của các tế bào biểu mô của đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn). Các triệu chứng bệnh sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, vị trí, kích thước của khối u. Đau bụng và khó chịu ở vùng bụng kéo dài như ruột hay co thắt, đầy hơi, chướng bụng, xuất huyết đại tràng hoặc có máu lẫn trong phân, thay đổi thói quen đi tiêu là những triệu chứng thường gặp của bệnh.
  • Bệnh viêm ruột: (bệnh Crohn, viêm loét đại tràng): là một tình trạng mãn tính đặc trưng bởi đau quặn bụng, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy và sụt cân. Các triệu chứng có thể đến và biến mất. Thuốc kê đơn có thể làm dịu các triệu chứng và giảm các cơn bùng phát.
  • Ung thư dạ dày: là sự xuất hiện các tế bào ác tính phát triển từ lớp niêm mạc dạ dày. Ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường không biểu hiện triệu chứng đặc hiệu. Ở giai đoạn muộn, khi tế bào ung thư phát triển, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn bao gồm đau bụng, nôn máu hoặc đi ngoài phân đen hiếm gặp, sụt cân không chủ ý,…
  • Viêm đại tràng u hạt: tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh hoặc nhiễm trùng tái phát ở những cơ quan như phổi, hạch bạch huyết làm tăng nguy cơ mắc bệnh và gây đau bụng mãn tính.
  • Thoát vị hoành: là tình trạng dạ dày trượt lên qua lỗ cơ hoành. Hầu hết thoát vị đều không có triệu chứng, nhưng việc tăng tỷ lệ trào ngược axit có thể dẫn đến triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) như ợ nóng, ho khan, khàn giọng, ợ chua và đau bụng. Các triệu chứng trào ngược axit giảm khi sử dụng các thuốc kháng axit.
  • Lao ruột: là một thể bệnh lao ngoài phổi, do vi khuẩn lao gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột. Lao ruột thường không có triệu chứng đặc hiệu hoặc chỉ có dấu hiệu thông thường như đau thắt bụng, sốt, tiêu chảy, sụt cân, đôi khi sờ thấy khối u ở góc phần tư dưới bên phải.
  • Không dung nạp lactose: lactose là một loại đường trong các sản phẩm từ sữa. Người không dung nạp lactose có thể xuất hiện các triệu chứng gồm chướng bụng và co thắt ruột sau khi sử dụng các sản phẩm sữa như sữa bò, sữa đậu nhành,… Đây là nguyên nhân phổ biến gây đau bụng ở trẻ em.
  • Ung thư tụy: ở giai đoạn muộn, người bệnh xuất hiện các triệu chứng đau phần bụng trên nghiêm trọng, sau đó cơn đau lan ra sau lưng, sụt cận không rõ nguyên nhân, có thể gây vàng da tắc mật.
  • Nhiễm ký sinh trùng (đặc biệt là bệnh giardiasis): có thể gây viêm ruột do ký sinh trùng. Nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây ra các tổn thương khiến lớp niêm mạc bị viêm, sưng đỏ cùng với các triệu chứng phổ biến như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói,…
  • Loét dạ dày – tá tràng: xảy ra ở dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Loét dạ dày – tá tràng có thể gây đau bụng dữ dội, nóng rát, buồn nôn và chán ăn. Thuốc kháng sinh và thuốc ức chế axit hoặc thuốc chặn axit là phương pháp điều trị hiệu quả cho hầu hết các vết viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • Bệnh táo bón: tình trạng táo bón mạn tính kéo dài hơn ba tháng và đôi khi tiếp tục kéo dài trong nhiều năm có thể gây đau bụng dữ dội khi đi cầu, căng, chướng bụng, đi ngoài ra máu.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): các triệu chứng của IBS bao gồm đau bụng, đầy hơi và chuột rút, cùng với táo bón hoặc tiêu chảy. IBS là một tình trạng phổ biến có thể được kiểm soát bằng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?

Cô Bác, Anh Chị không nên tự mua thuốc uống hay cố gắng chịu đựng vì triệu chứng đau bụng mạn tính gợi ý nguyên nhân đến từ các bệnh lý nguy hiểm. Khi đó Cô Bác, Anh Chị cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Các triệu chứng “cờ đỏ” sau có thể cho thấy tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, càng nhiều triệu chứng thì tình trạng càng nghiêm trọng:

  • Sốt
  • Chán ăn, sụt cân
  • Bệnh nhân thức giấc vì đau bụng
  • Tiêu ra máu hoặc tiểu ra máu
  • Vàng da, vàng mắt

Ngoài ra, thực hiện tầm soát ung thư tiêu hóa theo khuyến cáo, kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ sẽ giúp Cô Bác, Anh Chị phát hiện sớm những bệnh lý bất thường của cơ thể.

CHẨN ĐOÁN TRIỆU CHỨNG ĐAU BỤNG MẠN TÍNH

CÁC TRIỆU CHỨNG KÈM THEO?

Buồn nôn và nôn thường kèm theo đau bụng có thể gợi ý nguyên nhân bệnh. Nôn trước khi khởi phát cơn đau rất thường gặp trong các bệnh lý viêm dạ dày – ruột.

Nên quan tâm đến diễn tiến và tính chất của nôn ói:

Sốt và ớn lạnh gợi ý bệnh lý viêm hoặc nhiễm trùng hoặc cả hai.

Tiêu chảy hoặc chảy máu đại – trực tràng gợi ý nguyên nhân đường ruột.

Sốt và tiêu chảy cho thấy tình trạng viêm ruột có thể kèm nhiễm trùng như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn.

Vì vậy, đau bụng mạn tính có thể đi kèm với nhiều triệu chứng khác, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản và (các) cơ quan liên quan.

Các triệu chứng tiêu hóa có thể xảy ra cùng với đau bụng mạn tính

Các dấu hiệu và triệu chứng của đau bụng mạn tính có thể tái phát và biến mất. Người bệnh có thể cảm thấy đau nguyên cả vùng bụng hoặc chỉ đau tại một vị trí nhất định. Đau bụng có thể kèm theo các triệu chứng khác ảnh hưởng đến đường tiêu hóa bao gồm:

Các triệu chứng khác có thể xảy ra cùng với đau bụng mạn tính

Đau bụng mãn tính có thể đi kèm với các triệu chứng liên quan đến các hệ thống cơ thể khác bao gồm:

  • Đau ngực hoặc tức ngực
  • Dễ chảy máu hoặc bầm tím
  • Mệt mỏi
  • Sốt và ớn lạnh
  • Đau khớp
  • Da nhợt nhạt
  • Nhịp tim nhanh
  • Thở nhanh hoặc thở gấp
  • Ban xuất huyết
  • Vấn đề tiết niệu
  • Yếu cơ, động kinh, rối loạn tâm thần

Các triệu chứng kèm theo nghiêm trọng

Trong một số trường hợp, đau bụng có thể đi kèm với các triệu chứng cho thấy tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng. Đây là tình trạng khẩn cấp, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để đánh giá tình trạng bệnh và điều trị. Các triệu chứng kèm với đau bụng cho thấy tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng bao gồm:

  • Phân có máu hoặc tiêu ra phân đen
  • Sốt cao
  • Sờ thấy khối u bụng hoặc tăng kích thước cơ quan
  • Nôn ra máu hoặc vật chất màu đen (giống bã cà phê)
  • Chán ăn, sụt cân
  • Da và mắt vàng (vàng da)
  • Khó nuốt
  • Bụng chướng và/ hoặc phù chân
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ ĐAU BỤNG MÃN TÍNH

PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN TRIỆU CHỨNG ĐAU BỤNG MẠN TÍNH

Đau bụng mạn tính nhiều ngày lâu khỏi do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên và các dấu hiệu, triệu chứng cũng dễ bị nhằm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác triệu chứng đau bụng, bác sĩ sẽ kết hợp khám lâm sàng cẩn thận và làm những cận lâm sàng cần thiết.

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ nắm được thông tin bệnh sử, tình trạng bệnh lý cũng như sức khỏe hiện tại của Cô Bác, Anh Chị.

Để chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của cơn đau, bác sĩ sẽ hỏi một số đặc điểm: vị trí đau bụng, hướng lan, thời điểm đau, thời gian kéo dài cơn đau, mức độ đau, tính chất cơn đau, yếu tố khởi phát và các triệu chứng đi kèm, tần suất xuất hiện và tiền sử bệnh lý

Hỏi tiền sử bệnh như: bệnh lý tiêu hóa đã từng mắc phải, phẫu thuật ổ bụng, các bệnh đang điều trị, loại thuốc đang sử dụng bao gồm thực phẩm chức năng.

Tiền sử gia đình về tình trạng đau bụng mạn tính, sốt hoặc cả hai đều cần được xác định chắc chắn, cũng như các chẩn đoán trước đó về bệnh hồng cầu hình liềm, sốt Địa Trung Hải có tính chất gia đình và bệnh porphyria.

Hỏi về chế độ ăn uống và sinh hoạt gần đây.

Kèm theo với các đặc điểm của cơn đau thông qua hỏi bệnh, bác sĩ cần có sự thăm khám bụng, khám toàn thân, thực hiện một số thủ thuật thăm dò và các xét nghiệm cận lâm sàng để phân loại và tìm nguyên nhân.

Khám bụng cần lưu ý đến các vùng nhạy cảm, các dấu hiệu phúc mạc (như phản ứng thành bụng, co cứng cơ thành bụng, cảm ứng phúc mạc) và khối u hoặc phì đại các cơ quan. Khám trực tràng và vùng chậu (ở nữ giới) để xác định vị trí đau, khối u bất thường và phân máu là cần thiết.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Dựa vào tiền sử bệnh, các đánh giá và sàng lọc trong bước khám lâm sàng, người bệnh có thể thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng cần thiết như xét nghiệm, nội soi hoặc chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ có thể đánh giá tình trạng tổng quát và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

> Xét nghiệm

Một số các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được bác sĩ yêu cầu để xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng đau bụng mạn tính, bao gồm:.

  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC): xác định nồng độ hồng cầu, bạch cầu giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm viêm hoặc nhiễm trùng ống tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu.
  • Xét nghiệm chức năng gan.
  • Xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu (ESR).
  • Xét nghiệm men tụy (amylase và lipase).
  • Xét nghiệm phân: giúp phát hiện máu ẩn trong phân của tình trạng xuất huyết tiêu hóa, tìm ra những gene biến đổi có dấu hiệu là ung thư đại – trực tràng, xét nghiệm phân gồm có 3 loại là gFOBT, FIT và DNA.
  • Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu giúp đánh giá các nguyên nhân về tiết niệu của đau bụng mạn tính. Máu trong nước tiểu có thể là biểu hiện của sỏi thận.
  • Xét nghiệm di truyền có hữu ích để chẩn đoán đau bụng mạn tính do bệnh sốt Địa Trung Hải gia đình

> Nội soi ống tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa là tiêu chuẩn chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa với độ chính xác cao. Bác sĩ có thể sẽ tiến hành:

  • Nội soi ống tiêu hóa trên hay nội soi dạ dày: rất hữu ích để phát hiện loét, viêm dạ dày (viêm bao tử) hoặc ung thư dạ dày.
  • Nội soi đại – trực tràng: rất hữu ích để chẩn đoán viêm đại tràng nhiễm trùng, viêm loét đại tràng hoặc ung thư đại – trực tràng.
  • Siêu âm nội soi (EUS): rất hữu ích để chẩn đoán ung thư tuyến tụy hoặc sỏi mật nếu siêu âm tiêu chuẩn hoặc chụp CT hoặc MRI không phát hiện được chúng.
  • Nội soi ruột non bóng đơn hoặc bóng kép: kỹ thuật mới nhất cho phép ống nội soi đi qua miệng hoặc hậu môn và vào ruột non, nơi có thể chẩn đoán, sinh thiết và điều trị các nguyên nhân gây đau hoặc chảy máu ở ruột non.
  • Nội soi đường ruột bằng viên nang: Cô Bác, Anh Chị sẽ nuốt một thiết bị nội soi nhỏ có kích thước bằng viên thuốc. Thiết bị có thể chụp ảnh toàn bộ ruột non và truyền hình ảnh vào một máy thu di động. Hình ảnh ruột non có thể được tải xuống từ máy thu vào máy tính để bác sĩ kiểm tra sau đó. Nội soi đường ruột bằng viên nang có thể hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh Crohn, khối u ruột non và các tổn thương chảy máu không thấy trên chụp X-quang hoặc chụp CT.

> Chẩn đoán hình ảnh

Đánh giá hình ảnh của bệnh nhân đau bụng mạn tính là một yếu tố quan trọng trong chẩn đoán. Bác sĩ sẽ chỉ định các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để tránh những chi phí tốn kém không cần thiết và biến chứng có thể có.

X-quang bụng

X-quang ổ bụng để tìm kiếm vấn đề bệnh lý liên quan đến thận, niệu quản hoặc bàng quang còn được gọi là KUB.

Siêu âm

Siêu âm (Ultrasonography) có thể cho những thông tin chẩn đoán trong một số trường hợp.

Siêu âm rất đặc hiệu cho chẩn đoán các bệnh lý ở đường tiêu hóa, mật và buồng trứng.

Siêu âm tiện dụng, chi phí thấp và không tiếp xúc với tia X. Khả năng chẩn đoán của siêu âm bị giới hạn ở bệnh nhân thừa cân, ruột chướng hơi và tràn khí dưới da.

Chụp X-quang Bari

Chụp X-quang Bari dạ dày – ruột non (ống thiêu hóa trên và phần nối tiếp với ruột non) có thể hữu ích trong việc chẩn đoán viêm, loét và tắc nghẽn trong ống tiêu hóa trên.

Chụp cắt lớp vi tính

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan – Computed tomographic scanning) có thể giúp đánh giá toàn bộ vùng bụng chậu của bệnh nhân tương đối nhanh chóng đồng thời có thể phát hiện các bệnh do động mạch cản trở máu đến các cơ quan tiêu hóa.

Chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ (MRI – Magnetic resonance imaging) cung cấp được các hình ảnh cắt ngang nhưng không bị nhiễm tia X-quang. MRI rất hữu ích trong việc chẩn đoán nhiều bệnh lý tương tự như chụp cắt lớp CT.

Ngoài ra, trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định thêm chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) hoặc nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG ĐAU BỤNG MẠN TÍNH

Phương pháp điều trị đau bụng mạn tính sẽ phụ thuộc mức độ tổn thương từ nhẹ đến nặng và nguyên nhân gây ra các cơn đau, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp can thiệp phù hợp.

Điều trị đau bụng mạn tính thực thể

Điều trị phụ thuộc vào các nguyên nhân gây đau bụng mạn tính. Cô Bác, Anh Chị có thể thử thuốc không kê đơn (OTC) để giảm đau nhanh hơn. Các loại thuốc không kê đơn mang lại hiệu quả tốt nhất nếu Cô Bác, Anh Chị sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, dược sĩ. Các tùy chọn sử dụng thuốc không kê đơn bao gồm:

  • Thuốc giảm tiết axit dạ dày
  • Các loại thuốc kháng axit
  • Thuốc chống nôn
  • Thuốc làm mềm phân trị táo bón

Các nguyên nhân đường tiêu hóa khác gây đau bụng như ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày hoặc loét dạ dày – tá tràng có thể điều trị triệt để sau khi niêm mạc dạ dày hoặc ruột lành lại. Điều trị y tế có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh cho các nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn
  • Thuốc kháng axit và thuốc ức chế bài tiết dịch vị dạ dày
  • Thuốc kháng axit để điều trị tạm thời các triệu chứng khó chịu ở tiêu hóa như buồn nôn, ợ chua, khó tiêu, đau bụng và tiêu chảy.

Các sản phẩm bù chất điện giải trong trường hợp nôn mửa hoặc tiêu chảy, để ngăn ngừa mất nước.

Đau bụng lâu ngày do các bệnh lý ung thư tiêu hóa như ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy, ung thư đại – trực tràng,… phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, vị trí tế bào ung thư, tình trạng sức khỏe và độ tuổi. Các lựa chọn điều trị bao gồm xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch và phẫu thuật.

Lưu ý: Bệnh nhân chỉ sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng đau bụng sau khi được thăm khám và theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị đau bụng mạn tính cơ năng

Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị chứng đau bụng cơ năng dứt điểm. Các phương pháp điều trị giúp giảm nhẹ và kiểm soát triệu chứng đau bụng có thể bao gồm giảm căng thẳng, chế độ ăn giàu chất xơ hoặc bổ sung chất xơ và sử dụng thuốc: làm giảm hoặc ngừng co thắt cơ đường tiêu hóa và sử dụng các liệu pháp điều chỉnh hành vi cũng như thay đổi chế độ ăn uống.

  • Kiểm soát căng thẳng: căng thẳng, lo âu trong thời gian dài có thể khiến triệu chứng đau bụng trở nên nghiêm trọng hơn. Các biện pháp giúp kiểm soát căng thẳng như ngồi thiền, tập thở sâu và thư giãn cơ bắp thường xuyên,…
  • Thuốc như aspirin, NSAIDs, thuốc chẹn thụ thể H2, ức chế bơm proton, thuốc chống trầm cảm ba vòng,… làm giảm co thắt cơ đường tiêu hóa. Tuy nhiên, cần tránh nhóm Opioids vì chúng thường gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng khác.
  • Các phương pháp nhận thứcnhư hướng dẫn cách thư giãn, điều hòa ngược sinh học, thôi miên có thể giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và kiểm soát tình trạng bệnh. Người bệnh cần thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
  • Chế độ ăn uống khoa học: bác sĩ có thể đề nghị tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn, hạn chế các loại thực phẩm làm tăng cơn đau bụng như thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ, tránh đồ uống nhiều đường và đồ uống có gas,…

Các phương pháp hỗ trợ điều trị đau bụng mạn tính tại nhà

Ngoài các phương pháp điều trị y tế, Cô Bác, Anh Chị cũng có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ làm giảm các triệu chứng đau bụng mạn tính nhiều ngày lâu khỏi tại nhà đơn giản như:

  • Uống baking soda để giảm chứng ợ nóng (1 thìa cà phê pha trong 230ml nước).
  • Uống nước gừng để hỗ trợ tiêu hóa và giảm cảm giác buồn nôn (tốt nhất là nên dùng gừng tươi và ngâm một ít trong nước nóng hoặc trà).
  • Chườm túi làm nóng lên bụng trong 20 – 30 phút mỗi ngày sau 14 giờ sẽ giúp giảm đau và hạn chế co thắt cơ. Phương pháp điều trị triệu chứng đau bụng mạn tính
  • Chia bữa ăn lớn thành nhiều bữa nhỏ.
  • Thay đổi chế độ ăn uống và tránh các loại thực phẩm có nguy cơ gây đau bụng. Đặc biệt là người mắc bệnh rối loạn chức năng tiêu hóa, cần tuân theo thực đơn của các chuyên gia dinh dưỡng.
  • Hạn chế một số loại thức uống có gas, nhiều đường, đồ uống chứa caffeine, thực phẩm chứa nhìu chất béo nếu Cô Bác, Anh Chị thường xuyên bị đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, chướng bụng,…
  • Bổ sung hàm lượng chất xơ vào khẩu phần ăn mỗi ngày nếu Cô Bác, Anh Chị bị táo bón như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
  • Giảm căng thẳng, lo lắng bằng các kỹ thuật thư giãn, sử dụng thuốc hoặc phân chia thời gian làm việc hợp lý.
  • Hạn chế hoặc ngưng sử dụng rượu bia, thuốc lá.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Apostolos Kontzias, MD. Sốt Địa Trung Hải gia đình.02 2017.
    https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/nhi-khoa/hội-chứng-sốt-chu-kỳ-di-truyền/sốt-địa-trung-hải-gia-đình (đã truy cập 11 11, 2021).
  3. Charles Patrick Davis, MD, PhD. What’s Causing Your Abdominal Pain? 24 05 2019.
    https://www.medicinenet.com/abdominal_pain_pictures_slideshow/article.htm (đã truy cập 11 11, 2021).
  4. com. Chronic Abdominal Pain.01 11 2021.
    https://www.drugs.com/cg/chronic-abdominal-pain.html (đã truy cập 11 11, 2021).
  5. Jonathan Gotfried, MD. Chronic Abdominal Pain and Recurring Abdominal Pain.03 2020.
    https://www.msdmanuals.com/home/digestive-disorders/symptoms-of-digestive-disorders/chronic-abdominal-pain-and-recurring-abdominal-pain (đã truy cập 11 11, 2021).
  6. Norton J. Greenberger, MD. Đau bụng mạn tính và tái phát. 05 2016.
    https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/các-triệu-chứng-rối-loạn-tiêu-hóa/đau-bụng-mạn-tính-và-tái-phát (đã truy cập 11 11, 2021).

TIN SỨC KHỎE

Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.