Xét nghiệm nhóm máu thường được dùng khi cần thực hiện truyền máu, ghép tạng hoặc làm phẫu thuật. Việc xác định nhóm máu giúp đảm bảo không gây ra bất kỳ biến chứng nào. Vậy xét nghiệm nhóm máu là gì? Tại sao xét nghiệm nhóm máu lại cần thiết? Hãy cùng với phòng khám Nội Soi Tiêu Hóa tìm hiểu nhé!
Nhóm máu là gì?
Nhóm máu là hệ thống phân loại máu, gồm 4 nhóm máu chính A, B, O hoặc AB và mỗi loại có thể có Rh dương tính (Rh+) hoặc Rh âm tính (Rh-). Phân loại này dựa trên sự hiện diện của các kháng nguyên đặc trưng trên bề mặt hồng cầu và kháng thể xuất hiện trong huyết thanh.
Tính đến tháng 9 năm 2022, theo Hiệp Hội Truyền Máu Quốc Tế (ISBT) đã nhận diện tổng cộng 44 loại nhóm máu khác nhau[5]. Trong đó, hệ nhóm máu ABO và hệ nhóm máu Rh là 2 hệ thống phân loại máu phổ biến và đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi vì tính sinh miễn dịch mạnh của nó.
Nhóm máu ABO là gì?
Nhóm máu ABO được quy định bởi sự hiện diện của kháng nguyên A và B có ở trên bề mặt hồng cầu. Hệ nhóm máu ABO bao gồm 4 loại nhóm máu chính là A, B, AB và O.
Hệ nhóm máu ABO bao gồm:
- Nhóm máu A: Biểu hiện kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu và kháng thể anti B trong huyết thanh.
- Nhóm máu B: Biểu hiện kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và kháng thể anti A trong huyết thanh.
- Nhóm máu AB: Biểu hiện kháng nguyên A và B trên bề mặt hồng cầu nhưng không có kháng thể trong huyết thanh.
- Nhóm máu O: Không biểu hiện bất kỳ kháng nguyên nào nhưng lại có cả kháng thể anti A và anti B trong huyết thanh.
Nhóm máu Rh là gì?
Nhóm máu Rh hay nhóm máu Rhesus được quy định bởi sự hiện diện của kháng nguyên Rh trên bề mặt hồng cầu. Nếu có sự hiện diện của kháng nguyên Rh, nhóm máu sẽ được quy định là Rh dương tính (Rh+), còn nếu không có kháng nguyên Rh, nhóm máu sẽ được quy định là Rh âm tính (Rh-).
Các loại nhóm máu chính hiện nay
Theo Hiệp Hội Truyền Máu Quốc Tế, các loại nhóm máu hiện nay có đến 44 nhóm máu khác nhau. Tuy nhiên, các cơ sở y tế chỉ phân loại dựa trên 2 hệ nhóm máu, bao gồm nhóm máu ABO và nhóm máu Rh. Vậy chính xác ở người có bao nhiêu nhóm máu chính?
Ở người có mấy nhóm máu chính?
Tại Việt Nam, ở người có 8 nhóm máu chính, được phân loại theo hệ nhóm máu ABO và hệ nhóm máu Rh. Trong đó, nhóm máu phổ biến nhất tại Việt Nam là nhóm máu O Rh+ (nhóm máu O+).
Ở người có 8 nhóm máu chính đó là:
- Nhóm máu A Rh+ (Nhóm máu A+)
- Nhóm máu A Rh- (Nhóm máu A-)
- Nhóm máu B Rh+ (Nhóm máu B+)
- Nhóm máu B Rh- (Nhóm máu B-)
- Nhóm máu O Rh+ (Nhóm máu O+)
- Nhóm máu O Rh- (Nhóm máu O-)
- Nhóm máu AB Rh+ (Nhóm máu AB+)
- Nhóm máu AB Rh- (Nhóm máu AB-)
Nhóm máu nào là nhóm máu phổ biến nhất ở Việt Nam?
Nhóm máu phổ biến nhất ở Việt Nam là nhóm máu O cụ thể là nhóm máu O Rh+, với tỷ lệ là 48%. Theo sau là nhóm máu B với 28% và nhóm máu A với 20% và cuối cùng là nhóm máu AB với tỷ lệ là 4%.
Ngoài ra, nếu theo hệ nhóm máu Rh, tỷ lệ người có Rh dương tính (Rh+) chiếm số đông tại Việt Nam, cụ thể là hơn 99%.
Nhóm máu nào là nhóm máu hiếm nhất ở Việt Nam?
Nhóm máu hiếm nhất ở Việt Nam là nhóm máu AB, với tỷ lệ chỉ có 4%. Khi xét theo hệ nhóm máu Rh, tỷ lệ người có Rh âm tính (Rh-) chiếm chưa đến 1%.
Mời Cô Chú, Anh Chị tham khảo các bài viết khác:
> Định lượng fibrinogen là gì? Xét nghiệm định lượng fibrinogen để làm gì?
> Công thức máu bình thường thể hiện ở những chỉ số nào?
Làm sao để biết mình nhóm máu gì?
Cách nhận biết nhóm máu của mình hiện nay có rất nhiều phương pháp khoa học như xét nghiệm nhóm máu, xét nghiệm gen hay xét nghiệm nước bọt. Hơn nữa, ngoài những phương pháp cần thực hiện tại các bệnh viện, phòng khám bạn còn có thể ứng dụng các cách nhận biết nhóm máu ngay tại nhà. Tuy nhiên, các cách thực hiện xác định nhóm máu tại nhà thường có độ chính xác không cao.
Các phương pháp để biết nhóm máu gồm:
- Xét nghiệm nhóm máu (Blood Typing): Kiểm tra nhóm máu thông qua phản ứng ngưng kết giữa kháng nguyên và kháng thể. Kỹ thuật viên dựa vào kết quả có thể xác định được nhóm máu của bạn. Kết quả xét nghiệm sẽ được phân loại theo hệ nhóm máu ABO và Rh. Đây cũng là phương pháp phổ biến, giá thành hợp lý, dễ thực hiện và có độ chính xác cao.
- Xét nghiệm về gen (Genetic Testing): Hệ nhóm máu được quy định bởi các gen nằm tại vị trí khác nhau, ví dụ gen quy định hệ ABO nằm trên nhiễm sắc thể số 9 và hệ Rh nằm trên nhiễm sắc thể số 1. Các nhóm máu khác nhau thì có sự sắp xếp trình tự gen khác nhau. Do đó, xét nghiệm về gen giúp phân biệt chính xác từng nhóm máu với nhau và được áp dụng trong trường hợp không thể kết luận nhóm máu thông qua các xét nghiệm nhóm máu thông thường.
- Xét nghiệm nước bọt (Saliva Testing): Khoảng 80% người có khả năng tiết ra các kháng nguyên trong nước bọt, có thể được dùng trong việc xác định nhóm máu. Tuy nhiên, phương pháp này có độ tin cậy khá thấp.[6]
Khám chữa bệnh tại trung tâm tiêu hóa endoclinic.vn ngày một dễ tiếp cận với Cô Chú, Anh Chị hơn với hình thức thanh toán bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Hình thức này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/06/2023. endoclinic.vn mong muốn giảm một phần gánh nặng giá dịch vụ tiêu hóa cũng như giúp Cô Chú, Anh Chị yên tâm điều trị và nhanh chóng hồi phục bệnh.
Cô Chú, Anh Chị có thể liên hệ đến hotline 028 5678 9999 để được tư vấn chi tiết về quy trình khám BHYT tại endoclinic.vn hoặc xem thêm tại đây: KHÁM BẢO HIỂM Y TẾ.
Xét nghiệm nhóm máu là gì?
Xét nghiệm nhóm máu là phương pháp phân tích mẫu máu nhằm xác định nhóm máu thông qua sự hiện diện của kháng nguyên hay kháng thể đặc trưng trong máu. Thông qua kết quả này, bác sĩ xác định được Cô Chú, Anh Chị thuộc nhóm máu A, B, AB hay nhóm máu O, đồng thời cũng sẽ xác định được liệu có yếu tố Rh trong máu hay không.
Xét nghiệm nhóm máu có ý nghĩa rất lớn trong việc hiến máu và truyền máu. Ngoài ra, nó còn là căn cứ quan trọng để bác sĩ tiến hành phẫu thuật và ghép nội tạng. Đây là chỉ định thường gặp trong xét nghiệm máu.
Các phương pháp và kỹ thuật xét nghiệm nhóm máu
Xét nghiệm nhóm máu bao gồm nhiều phương pháp xét nghiệm nhóm máu và kỹ thuật xét nghiệm nhóm máu khác nhau. Tùy vào yêu cầu và điều kiện xét nghiệm mà các kỹ thuật viên sẽ lựa chọn phương pháp và kỹ thuật xét nghiệm nhóm máu phù hợp.
Các phương pháp xét nghiệm nhóm máu
Xác định nhóm máu là khi kỹ thuật viên dựa vào nghiệm pháp hồng cầu hoặc nghiệm pháp huyết thanh để xác đinh sự có mặt của kháng nguyên hay kháng thể. Hiện nay, có 2 phương pháp định nhóm máu ABO và Rh thường được sử dụng.
Các phương pháp xét nghiệm nhóm máu gồm:
- Nghiệm pháp hồng cầu (định nhóm xuôi): Phương pháp giúp phát hiện trực tiếp kháng nguyên trên hồng cầu để xác định nhóm máu. Huyết thanh mẫu được chuẩn hóa có chứa kháng thể anti A, anti B và anti AB hòa trộn với mẫu máu vừa thu được sẽ tạo ra phản ứng ngưng kết giúp xác định nhóm máu A, B, O hay AB. Đối với hệ nhóm máu Rh thì sẽ sử dụng kháng thể anti D.
- Nghiệm pháp huyết thanh (định nhóm ngược): Đây là nghiệm pháp giúp phát hiện gián tiếp kháng thể có trong huyết thanh. Kỹ thuật viên sẽ hòa trộn huyết thanh từ mẫu máu của Cô Chú, Anh Chị với hồng cầu đã biết rõ kháng nguyên để xác nhận sự hiện diện loại kháng thể tương ứng (anti A, anti B cho hệ nhóm máu ABO và anti D cho hệ nhóm máu Rh), từ đó suy ra nhóm máu.
Các kỹ thuật xét nghiệm nhóm máu
Các kỹ thuật xét nghiệm nhóm máu hiện nay bao gồm 3 kỹ thuật cơ bản. Các kỹ thuật có sự khác nhau về cách thực hiện, mức độ chính xác và thời gian thực hiện. Do đó, phụ thuộc vào mục đích mà kỹ thuật viên sẽ áp dụng kỹ thuật thích hợp.
Các kỹ thuật xét nghiệm nhóm máu gồm:
- Định nhóm máu trên phiến đá: Là kỹ thuật thô sơ nhưng có thời gian thực hiện nhanh nhất và rẻ nhất trong các kỹ thuật. Thông thường, nó được sử dụng để định lại nhóm máu đã được biết trước để kiểm tra trước khi truyền máu.
- Định nhóm máu trong ống nghiệm: Là kỹ thuật thường sử dụng để định nhóm máu lần đầu giúp xác định nhóm máu trước khi thực hiện phản ứng đọ chéo (crossmatch).
- Định nhóm máu bằng gelcard: Là kỹ thuật có quy trình hoàn toàn tự động, giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình kỹ thuật viên thực hiện. Do đó, đây là kỹ thuật có độ chính xác và độ nhạy cao, kết quả ngưng kết rõ ràng và dễ dàng lưu trữ kết quả xét nghiệm.
Xét nghiệm nhóm máu để làm gì?
Xét nghiệm nhóm máu được chỉ định trước khi tiến hành truyền máu, hiến tạng,… nhằm kiểm tra mức độ tương thích giữa người cho máu và người nhận máu. Bên cạnh đó, xét nghiệm nhóm máu cũng là một công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho nhiều công tác ngoài xã hội khác như công tác hiến máu nhân đạo, phục vụ pháp y, điều tra tội phạm.
Xét nghiệm nhóm máu để:
- Kiểm tra trước khi hiến máu và truyền máu
- Kiểm tra xét nghiệm nhóm máu của mẹ bầu
- Kiểm tra trước khi phẫu thuật
- Kiểm tra trước khi hiến tạng
- Phục vụ cho pháp y, điều tra tội phạm
- Xác định huyết thống
- Có nhu cầu biết nhóm máu của mình
Kiểm tra trước khi hiến máu và truyền máu
Khi người nhận máu được truyền nhóm máu không tương thích sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong cao như là phản ứng truyền máu tán huyết cấp tính (AHTR) do sự không hòa hợp ABO/Rh, bệnh mảnh ghép chống ký chủ (GVHD).
Do đó, trước khi truyền máu, cả người nhận và người cho máu đều cần được định nhóm máu để giảm thiểu các tai biến truyền máu có thể xảy ra.
Kiểm tra xét nghiệm nhóm máu của mẹ bầu
Trong thai kỳ, việc xét nghiệm nhóm máu Rh cho mẹ bầu trở nên vô cùng quan trọng. Bởi vì nếu có sự bất đồng nhóm máu Rh xảy ra ở mẹ và con sẽ gây bệnh Rhesus làm ảnh hưởng sức khỏe thai nhi.
Bệnh Rhesus, còn gọi là bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh (HDN), xảy ra khi hệ miễn dịch của người mẹ mang Rh- sản xuất kháng thể tấn công vào tế bào hồng cầu Rh+ của thai nhi. Thai nhi có thể bị thiếu máu tán huyết, vàng da, suy tim, suy gan. Do đó, trong giai đoạn mang thai, người mẹ nên đi thăm khám tiền sản đều đặn để kịp thời phát hiện các vấn đề sức khỏe có thể phát sinh.
Kiểm tra trước khi phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cần được thực hiện xét nghiệm nhóm máu. Điều này giúp đảm bảo nếu có bất kỳ vấn đề gì diễn ra trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được truyền máu một cách an toàn, tránh gặp các biến chứng nguy hiểm.
Kiểm tra trước khi hiến tạng
Việc định nhóm máu cũng rất quan trọng để kiểm tra độ tương thích giữa người hiến và người nhận khi tiến hành ghép nội tạng, giảm thiểu rủi ro phản ứng thải ghép cấp xảy ra.
Phản ứng thải ghép là hiện tượng hệ miễn dịch của người nhận không chấp nhận mô hoặc nội tạng mới từ người hiến, tạo ra kháng thể và các đáp ứng miễn dịch để phá hủy đi nội tạng mới trong cơ thể thể người nhận.
Phục vụ cho pháp y, điều tra tội phạm
Xét nghiệm nhóm máu là công cụ pháp y thông dụng trong điều tra tội phạm để giúp xác nhận danh tính hay loại trừ các nghi phạm. Phân tích nhóm máu cũng cung cấp bằng chứng mạnh mẽ trong những vụ án mà có xuất hiện máu tại hiện trường.
Xác định huyết thống
Trong nhiều trường hợp, xét nghiệm nhóm máu cũng được sử dụng để xác định mối quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, kết quả này chỉ mang tính tương đối chứ không thể khẳng định. Lý do bởi vì nếu người cha mang nhóm máu A và người mẹ mang nhóm máu B thì người con có thể nằm trong cả 4 trường hợp là A, B, AB và O.
Kết quả suy ra từ phân tích nhóm máu cách này chỉ mang tính suy đoán, do đó, không thể sử dụng để khẳng định mối quan hệ ruột thịt. Để có thể xác nhận chính xác mối quan hệ máu mủ ruột thịt, việc thực hiện xét nghiệm ADN sẽ mang lại độ hiệu quả và tin cậy cao hơn.
Có nhu cầu biết nhóm máu của mình
Cô Chú, Anh Chị hoàn toàn có thể đến các phòng khám, bệnh viện, cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm nhóm máu vì bất kỳ nhu cầu gì, có thể là hiến máu nhân đạo, truyền máu hoặc là vì tò mò cá nhân vì muốn biết nhóm máu của bản thân là gì.
Tìm hiểu thêm >> Xét nghiệm INR là gì, có ý nghĩa nào quan trọng?
Cách xem nhóm máu trong giấy xét nghiệm
Nhìn chung, cách để xác định nhóm máu là khi tiến hành làm một loạt các xét nghiệm nhằm mục đích xác định các kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu. Sau thi thực hiện xét nghiệm, trong phiếu kết quả xét nghiệm máu sẽ cung cấp rất nhiều các thông số xét nghiệm khác nhau theo yêu cầu của bác sĩ. Do đó, để kiểm tra nhóm máu của mình, Cô Chú, Anh Chị chỉ cần lưu tâm ký hiệu sau trên phiếu xét nghiệm máu.
Cách xem nhóm máu hệ ABO
Trên giấy xét nghiệm máu, để xem được nhóm máu của mình Cô Chú, Anh Chị hãy tìm chữ GS (PP.Gelcard), ở đây sẽ có các chữ cái A, B, AB và O. Các ký hiệu này đại diện cho các nhóm máu nằm trong hệ thống nhóm máu ABO. Ví dụ, Cô Chú, Anh Chị thấy chữ O nghĩa là mình mang nhóm máu O.
Cách xác định nhóm máu hệ Rh
Để xác định nhóm máu hệ Rh, Cô Chú, Anh Chị hãy tìm vị trí có chữ Rh trong giấy xét nghiệm máu. Bên cạnh đó sẽ là thông tin cho biết nhóm máu Rh của mình, thường được trình bày theo 1 trong các cách sau đây.
3 cách thể hiện nhóm máu hệ Rh trên giấy xét nghiệm máu:
- Rh dương tính hoặc Rh âm tính.
- Rh+ hoặc Rh-.
- Chỉ có ký hiệu (+) hoặc (-).
Trong một số trường hợp, một số cơ sở y tế sẽ trả kết quả nhóm máu hệ ABO và nhóm máu hệ Rh chung với nhau. Ví dụ, nhóm máu O+ tức là Cô Chú, Anh Chị có nhóm máu O và có Rh dương tính (Rh+).
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm nhóm máu?
Khác với nhiều xét nghiệm cận lâm sàng khác, xét nghiệm nhóm máu hầu như không có yêu cầu gì đặc biệt. Tuy nhiên, vẫn có một số lưu ý để kết quả xét nghiệm nhóm máu được chính xác nhất.
Các lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm nhóm máu là:
- Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm: Cô Chú, Anh Chị không cần nhịn ăn hoặc kiêng cử bất kỳ loại thực phẩm nào.
- Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng: Nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc mà Cô Chú, Anh Chị đang dùng để tránh tác động đến kết quả xét nghiệm.
- Mặc đồ thoải mái: Để quá trình lấy máu diễn ra dễ dàng hơn, Cô Chú, Anh Chị nên mặc áo quần rộng rãi, thoải mái.
- Liên hệ trước với cơ sở y tế: Đặt lịch hẹn sớm và đến xét nghiệm đúng giờ sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tránh chờ đợi gây mệt mỏi, uể oải.
Xét nghiệm nhóm máu bao nhiêu tiền?
Xét nghiệm nhóm máu là một dịch vụ phổ biến tại các bệnh viện và cơ sở y tế trên khắp các tỉnh, thành phố, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ,…
Tại phòng khám nội soi endoclinic.vn hiện nay cũng có cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhóm máu.
Chi phí xét nghiệm nhóm máu tại endoclinic.vn là 65.000 VNĐ.
Giá xét nghiệm nhóm máu được cập nhật mới nhất tới ngày 08/04/2023. Do đó, để liên tục cập nhật bảng giá mới nhất, Cô Chú, Anh Chị vui lòng bấm vào: Bảng giá dịch vụ xét nghiệm.
Bên cạnh đó, xét nghiệm nhóm máu là xét nghiệm cần thiết và thường được bác sĩ chỉ định trước khi thực hiện nội soi tiêu hóa. Để tìm hiểu về dịch vụ cũng như chi phí nội soi tiêu hóa, mời Cô Chú, Anh Chị xem thêm tại: Bảng giá nội soi tiêu hóa.
Câu hỏi thường gặp
Tại sao con không cùng nhóm máu với bố mẹ?
Con không cùng máu với bố mẹ là hiện tượng rất bình thường, đó là sự biểu hiện tính trạng trội lặn của các gen quy định nhóm máu. Điều này cũng có thể xảy ra giữa các anh chị em ruột. Để có thể xác định quan hệ máu mủ, cách tốt nhất là xét nghiệm ADN.
Xét nghiệm nhóm máu có cần nhịn ăn không?
Không cần phải nhịn ăn hay kiêng cử bất kỳ thực phẩm nào trước khi thực hiện nghiệm nhóm máu.
Xét nghiệm nhóm máu bao lâu có kết quả?
Thời gian xét nghiệm nhóm máu mất khoảng 1 – 2 giờ sẽ có kết quả. Tuy nhiên, tuỳ vào cơ sở xét nghiệm (bệnh viện/ phòng khám dạ dày, đại trực tràng) mà thời gian có thể khác nhau.
Tài liệu tham khảo
1. Bài giảng Huyết học lâm sàng, 2015, PGS.TS.Nguyễn Tấn Bỉnh
2. Sinh lý học y khoa, 2019, Bộ môn sinh lý – ĐHYD TPHCM
3. Huyết học lâm sàng, 1998, PGS. Trần Văn Bé
4. Kỹ thuật xét nghiệm huyết học – truyền máu, 2009, TS. BSCK2. Hà Thị Anh
5. Isbt. “Red Cell Immunogenetics and Blood Group Terminology: ISBT Working Party.” ISBT Working Party | The International Society of Blood Transfusion (ISBT), https://www.isbtweb.org/isbt-working-parties/rcibgt.html.
6. “How to Find out Your Blood Type: At Home, Tests, and More.” Medical News Today, MediLexicon International, https://www.medicalnewstoday.com/articles/how-can-you-find-out-your-blood-type.