Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Phần bụng dưới rốn là nơi chứa nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể. Do đó, khi có cảm giác đau ở khu vực này, người bệnh nên đi thăm khám bác sĩ và không nên chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm. Với các phương pháp thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân dẫn đến đau bụng dưới rốn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Vậy, hãy cùng Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – endoclinic.vn tìm hiểu về triệu chứng đau bụng dưới rốn này nhé!

Lưu ý:

Các thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể sử dụng thay thế được chẩn đoán bệnh từ các bác sĩ có chuyên môn. Do đó, Cô Chú, Anh Chị nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh lý chính xác nhất.

Đau bụng dưới rốn là gì?

Đau bụng dưới rốn là tình trạng đau âm ỉ hoặc dữ dội ở phần bụng phía dưới rốn. Cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, bao gồm đau bụng dưới rốn bên phải (hố chậu phải), đau bụng dưới rốn bên trái (hố chậu trái) và đau bụng dưới rốn ở giữa (hạ vị).

Tình trạng đau ở vị trí này là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm ở nhiều cơ quan của bụng dưới như viêm ruột thừa, hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh Crohn, viêm túi thừa,… và các vấn đề về tiêu hóa khác như đầy hơi, táo bón, tiêu chảy. Vì thế, bệnh nhân không được chủ quan mà cần chú ý theo dõi triệu chứng để kịp thời thăm khám và điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hại cho sức khỏe.

đau bụng dưới rốn là gì? Dấu hiệu những căn bệnh nguy hiểm
Đau bụng dưới rốn thường xuyên chính là dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm như viêm ruột thừa, viêm túi thừa, hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh Crohn (Ảnh sưu tầm minh họa).

Vùng bụng dưới rốn bao gồm các cơ quan nào?

Phần bụng dưới rốn chứa nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể bao gồm ruột non, đại tràng, ruột thừa, phần phụ ở nữ giới (buồng trứng, tử cung), niệu quản, bàng quang.

Nếu một trong những cơ quan này hoạt động không bình thường hoặc có vấn đề có thể gây ra triệu chứng đau bụng dưới rốn và đi kèm các triệu chứng khác. Khi đó, người bệnh cần khẩn trương đến cơ sở y tế uy tín (bệnh viện/trung tâm nội soi tiêu hóa) để khám và điều trị kịp thời

Nguyên nhân gây đau bụng dưới rốn

Đau bụng dưới rốn thường xuyên có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Tùy vào vị trí cơn đau, các bệnh lý điển hình có thể kể đến như viêm túi thừa đại tràng, viêm ruột thừa, hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm bàng quang,…

Đau bụng dưới rốn bên phải

Triệu chứng đau bụng vùng dưới rốn, phía bên phải có thể liên quan một số bệnh lý tiêu hóa như viêm túi thừa đại tràng, viêm ruột thừa, bệnh Crohn,… Người bệnh cần được thăm khám sớm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

Đau bụng dưới rốn bên phải có thể là dấu hiệu của một số bệnh sau đây:

  • Viêm túi thừa đại tràng
  • Viêm ruột thừa
  • Bệnh Crohn
  • Viêm hạch mạc treo

Viêm túi thừa đại tràng

Túi thừa đại tràng là các túi nhỏ nhô ra khỏi bề mặt niêm mạc đại tràng. Túi thừa bình thường không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng khi các túi thừa này bị nhiễm trùng sẽ gây ra bệnh lý viêm túi thừa.

Bệnh viêm túi thừa đại tràng có thể gây ra cơn đau bụng kéo dài nhiều ngày liên tiếp, kèm theo một số triệu chứng khác có thể kể đến như: đầy hơi, nôn mửa, táo bón, tiêu chảy, phân có máu, sốt, ớn lạnh,… Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như béo phì, hút thuốc, tuổi tác, chế độ ăn ít chất xơ,…

Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm, gây ra các cơn đau đột ngột. Cơn đau có thể xảy ra tại phần bụng dưới bên phải, hoặc bắt đầu ở vùng quanh rốn rồi dần lan xuống bụng dưới bên phải. Cơn đau có thể tệ hơn nếu người bệnh ho hoặc di chuyển.

Các triệu chứng khác của viêm ruột thừa còn bao gồm sốt nhẹ, đầy bụng, táo bón, tiêu chảy, chán ăn và nôn mửa. Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị sớm có thể khiến ruột thừa bị vỡ, dẫn đến nhiễm trùng khắp bụng (viêm phúc mạc), đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Nguyên nhân gây đau bụng dưới rốn là dấu hiệu bệnh viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa gây ra cơn đau đột ngột quanh rốn và dần lan đến bụng dưới bên phải, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh (Ảnh sưu tầm minh họa).

Bệnh Crohn

Đôi khi, đau bụng dưới rốn bên phải cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh Crohn gây ảnh hưởng đến người bệnh ở mọi lứa tuổi. Triệu chứng điển hình của bệnh Crohn là đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, sụt cân và phân có máu,…

Cho đến nay, nguyên nhân của bệnh chưa thể xác định được. Song, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh Crohn như yếu tố di truyền, hút thuốc lá, rối loạn miễn dịch hoặc mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Viêm hạch mạc treo ruột

Viêm hạch mạc treo ruột là tình trạng viêm các hạch bạch huyết trong mạc treo ruột, gây ra triệu chứng đau bụng dưới bên phải, sốt, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa,…

Hiện tại, nguyên nhân phổ biến gây ra viêm hạch mạc treo ruột là nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus. Các bệnh lý nhiễm trùng thường gây viêm hạch mạch treo ruột như là viêm dạ dày ruột, lao phổi, nhiễm vi khuẩn Yersinia enterocolitica hoặc nhiễm virus HIV hoặc. Ngoài ra, viêm hạch bạch huyết ở bụng còn có thể do viêm ruột thừa, viêm túi thừa, viêm tụy hoặc ung thư (ung thư hạch bạch huyết, các loại ung thư đường tiêu hóa).

Đau bụng dưới rốn bên trái

Dựa vào tính chất các cơn đau bụng dưới rốn bên trái kèm theo một số triệu chứng khác mà có thể xác định là do các bệnh về tiêu hóa (táo bón, hội chứng ruột kích thích), sỏi niệu quản trái, xoắn buồng trứng trái ở nữ giới,…

Vị trí đau bụng dưới rốn bên trái có thể là dấu hiệu của bệnh lý sau đây:

  • Táo bón
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS)
  • Sỏi niệu quản trái
  • Xoắn buồng trứng trái (nữ)

Táo bón

Táo bón là tình trạng đi tiêu không thường xuyên hoặc đi tiêu khó khăn, kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn. Triệu chứng điển hình của táo bón là người bệnh đi tiêu ít hơn 3 lần trong 1 tuần, cảm thấy đau bụng, chướng bụng và buồn nôn. Ngoài ra, người bị táo bón khi đại tiện phải dùng sức rặn để thải phân ra ngoài, đồng thời thải ra phân cứng, khô và vón cục.

Nguyên nhân gây táo bón chủ yếu là do chế độ ăn ít chất xơ, uống không đủ nước hoặc không vận động thể thao đều đặn. Một số bệnh lý có thể gây táo bón như tắc ruột, hội chứng ruột kích thích (IBS), suy giáp, rối loạn thần kinh hoặc ung thư đại trực tràng, cũng là tác nhân gây ra táo bón. Khi đó, người bệnh cần chủ động khắc phục sớm, để tránh các biến chứng như bệnh trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng hoặc viêm túi thừa.

đau bụng dưới rốn là dấu hiệu bệnh táo bón
Bệnh táo bón nếu không điều trị sớm có thể tăng nguy cơ bị trĩ, sa trực tràng hoặc viêm túi thừa ở người bệnh (Ảnh sưu tầm minh họa).

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn chức năng ruột, nhưng không xuất hiện tình trạng viêm hay loét trong lòng ống tiêu hóa. Biểu hiện của bệnh bao gồm đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Hiện nay, chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh như là nhiễm trùng, căng thẳng, dị ứng thức ăn hay thay đổi hệ vi sinh đường ruột.

Để kiểm soát hội chứng ruột kích thích, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống khoa học (tăng chất xơ, uống nhiều nước, tránh caffein,…), kết hợp vận động thường xuyên và hạn chế căng thẳng. Đồng thời, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc can thiệp điều trị bằng thuốc để cải thiện triệu chứng của IBS.

Sỏi niệu quản trái

Sỏi niệu quản là tình trạng viên sỏi thận bị mắc kẹt bên trong niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang). Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển sỏi bao gồm di truyền, tác dụng phụ của thuốc (thuốc lợi tiểu, thuốc chống co giật),… Bên cạnh đó, sỏi niệu quản còn bắt đầu từ một số bệnh lý như tắc nghẽn đường tiết niệu, nhiễm trùng tiểu tái phát.

Dựa theo vị trí của sỏi mà bệnh có thể chia thành sỏi niệu quản trái hoặc sỏi niệu quản phải. Đối với sỏi niệu quản trái, người bệnh thường cảm thấy đau từng cơn ở thắt lưng, đau lan đến phần bụng dưới bên trái. Thêm vào đó, sỏi niệu quản trái còn gây một số triệu chứng như: tiểu buốt, tiểu gấp, nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu, đi kèm sốt, buồn nôn và nôn mửa,…

Xoắn buồng trứng trái (nữ)

Xoắn buồng trứng xảy ra khi buồng trứng xoắn quanh các dây chằng cố định. Tình trạng này có thể cắt đứt lưu lượng máu đến buồng trứng và ống dẫn trứng. Bệnh gây ra triệu chứng đau nhói vùng bụng dưới hoặc đôi khi có thể lan đến nhiều vị trí khác. Ngoài ra, bệnh còn dẫn đến một số triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa, sốt,…

Trong đó, nữ giới trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh xoắn buồng trứng nhất. Đồng thời, nữ giới mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang, đã thắt ống dẫn trứng hoặc đang điều trị nội tiết tố (hỗ trợ sinh sản) thì có nhiều nguy cơ bị xoắn buồng trứng hơn.

Đau bụng dưới rốn do xoắn buồng trứng trái (nữ)
Xoắn buồng trứng khiến Quý khách cảm thấy đau bụng dưới rốn, buồn nôn hoặc nôn mửa (Ảnh sưu tầm minh họa).

Đau bụng dưới rốn ở giữa

Nếu cảm thấy đau vùng bụng giữa dưới rốn, Cô Bác, Anh Chị không nên chủ quan. Vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt ở nam giới, có thai ngoài tử cung hay viêm vùng chậu ở nữ giới.

Vị trí đau bụng dưới rốn ở giữa là có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như:

  • Viêm bàng quang
  • Viêm tuyến tiền liệt (nam)
  • Thai ngoài tử cung (nữ)
  • Viêm vùng chậu (nữ)

Viêm bàng quang

Viêm bàng quang là tình trạng viêm ở bàng quang do nhiễm khuẩn, hoặc một số yếu tố nguy cơ khác như hoá trị, xạ trị,… Ngoài ra, tình trạng viêm bàng quang có thể là biến chứng của một số bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt,…

Bệnh gây ra cơn đau hoặc tiểu buốt, nước tiểu đục, có mùi hôi và máu; đi kèm sốt nhẹ, khó chịu ở vùng chậu và vùng bụng dưới rốn. Ngay khi phát hiện một trong những triệu chứng trên đây, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời, tránh làm tổn thương thận.

Viêm tuyến tiền liệt (nam)

Đây là tình trạng viêm nhiễm của tuyến tiền liệt ở nam giới, thường thấy ở độ tuổi từ 30 – 50 tuổi. Bệnh có thể gây ra đau bụng hoặc khó chịu ở dương vật và tinh hoàn, đồng thời có thể kèm theo một số triệu chứng như: tiểu buốt, khó tiểu và có máu trong nước tiểu,…

Để xác định chính xác tình trạng đang gặp phải, người bệnh cần đi khám với bác sĩ ngay để được điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, viêm mào tinh hoàn, áp xe tuyến tiền liệt,…

nguyên nhân đau bụng dưới ở giữa rốn do viêm tuyến tiền liệt
Hình ảnh tuyến tiền liệt bình thường và khi tuyến tiền liệt bị viêm, gây ra đau bụng khu vực dưới rốn ở nam giới (Ảnh sưu tầm minh họa).

Thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là khi trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung, thường là ở một trong các ống dẫn trứng (ống nối buồng trứng với tử cung). Tình trạng này gây ra các triệu chứng như đau bụng dưới một bên, khó chịu khi tiểu tiện, đại tiện và nhiều trường hợp còn làm chảy máu âm đạo hoặc tiết dịch màu nâu. Khi thai nằm ngoài tử cung, bào thai không thể phát triển thành em bé mà còn có thể ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của người mẹ.

Viêm vùng chậu (nữ)

Viêm vùng chậu (PID) là bệnh lý xảy ra khi vi khuẩn di chuyển từ âm đạo và cổ tử cung lên trên vào tử cung, buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Dấu hiệu nhận biết của bệnh là đau ở phần bụng dưới và xương chậu, có thể đi kèm một số triệu chứng như: sốt, ớn lạnh, tiểu buốt hoặc chảy máu âm đạo bất thường,…

Tình trạng viêm vùng chậu nếu không được điều trị sớm còn gây đau vùng chậu mạn tính, hình thành mô sẹo, áp xe buồng trứng, có thai ngoài tử cung hoặc nghiêm trọng hơn là vô sinh.

>> Mời Cô Chú, Anh chị tìm hiểu thêm:

Đau bụng bên trái là gì?

Đau bụng khi đói dấu hiệu của bệnh gì?

Vì sao đau bụng khi uống sữa

Nguyên nhân gây đau bụng dưới rốn ở nữ giới

Đối với nữ giới, triệu chứng đau bụng dưới rốn âm ỉ hoặc dữ dội có thể cảnh báo một số bệnh lý nhất định như xoắn buồng trứng trái, lạc nội mạc tử cung, bệnh viêm vùng chậu (PID), u xơ tử cung và ung thư tử cung.

Các nguyên nhân gây đau vùng bụng dưới rốn riêng ở nữ giới gồm:

  • Xoắn buồng trứng trái.
  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Bệnh viêm vùng chậu (PID).
  • U xơ tử cung.
  • Ung thư tử cung.

Lúc này, Quý khách cần thăm khám phụ khoa sớm để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh và chủ động điều trị để tránh nguy hiểm đến sức khỏe và khả năng sinh sản.

Nguyên nhân gây đau bụng dưới rốn ở riêng ở nữ giới
Khi đau khu vực bụng dưới rốn kéo dài, chị em cần đi khám phụ khoa để xác định rõ đây là dấu hiệu của bệnh gì và có biện pháp khắc phục kịp thời (Ảnh minh họa sưu tầm). minh họa sưu tầm).

> Tìm hiểu thêm: Đau bụng trên rốn là gì?

Nguyên nhân đau bụng dưới rốn ở nam giới

Ở nam giới, đau bụng dưới rốn có thể đi kèm với triệu chứng khó chịu vùng chậu hoặc rối loạn chức năng tình dục. Nếu các dấu hiệu này kéo dài không thuyên giảm thì nên đến gặp bác sĩ có chuyên môn bởi đây cũng là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nhất định.

Các nguyên nhân gây đau vùng bụng dưới rốn riêng ở nam giới gồm:

  • Viêm tuyến tiền liệt.
  • Thoát vị bẹn.
  • Xoắn tinh hoàn.

Khi ấy, Quý khách cần chủ động đi khám nam khoa sớm để được chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân đau bụng ở dưới rốn và có biện pháp điều trị ngay khi cần thiết.

Cách chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng dưới rốn

Trước tiên, bác sĩ tiến hành khám lâm sàng, bao gồm thăm khám phần bụng của người bệnh và đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau (chẳng hạn như cơn đau âm ỉ hay dữ dội, vị trí đau bụng và có kèm triệu chứng khác hay không). Việc này giúp bác sĩ có cái nhìn ban đầu và đánh giá sơ bộ về mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau bụng dưới rốn của bệnh nhân hiện tại.

Tuỳ vào chẩn đoán sơ bộ, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số cận lâm sàng như xét nghiệm, siêu âm bụng, chụp X-quang, chụp MRI, chụp CT, nội soi tiêu hóa (tiêu chuẩn “vàng” để chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa) để đưa ra được chẩn đoán chính xác.

Cách điều trị đau bụng dưới rốn

Dựa trên kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ phân tích triệu chứng đau bụng dưới rốn xuất phát từ nguyên nhân nào và cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp triệu chứng trở nên nghiêm trọng, bác sĩ có thể cần can thiệp phẫu thuật để điều trị. Vì vậy, Cô chú, Anh chị nên đến gặp bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

cách trị đau bụng dưới rốn
Tùy vào mức độ đau bụng dưới rốn là nhẹ hay nặng mà có chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật từ bác sĩ (Ảnh minh họa sưu tầm).

Cùng với việc tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân cũng nên điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học như uống nhiều nước, tập thể dục,…để hỗ trợ giảm thiểu cơn đau.

Một số cách làm giảm đau vùng bụng dưới rốn tại nhà bao gồm:

  • Ăn các món mềm, lỏng và uống đủ nước mỗi ngày.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Từ bỏ thuốc lá hoặc các chất kích thích (rượu, bia).

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay khi triệu chứng đau bụng dưới rốn không thuyên giảm và có kèm dấu hiệu bất thường:

Một số triệu chứng đi kèm triệu chứng đau bụng ở dưới rốn cảnh báo nguy hiểm gồm:

  • Cơn đau đột ngột và dữ dội, kéo dài dai dẳng.
  • Có máu trong nước tiểu hoặc trong phân.
  • Người bệnh bị sốt dai dẳng, buồn nôn và nôn.
  • Vàng da và mắt.
  • Chán ăn

Nhìn chung, triệu chứng đau bụng dưới rốn có thể cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm. Người bệnh không nên chủ quan khi triệu chứng chỉ xuất hiện thoáng qua, thay vào đó, nên tìm đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời, giúp bệnh sớm cải thiện mà không để lại biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, noisoitieuhoa.comphòng khám tiêu hóa chuyên sâu chẩn đoán và điều trị bệnh lý tiêu hóa.

Đến với endoclinic.vn, Quý khách được trực tiếp thăm khám cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi, đến từ các bệnh viện lớn đầu ngành. Bác sĩ không chỉ áp dụng phác đồ điều trị dựa vào khuyến cáo cập nhật mới nhất của thế giới mà còn hướng dẫn người bệnh cách ăn uống và sinh hoạt khoa học, từ đó giúp cơn đau thuyên giảm nhanh chóng.

Tại endoclinic.vn, hệ thống máy móc, thiết bị cao cấp được lựa chọn kỹ càng, góp phần mang đến trải nghiệm khám thoải mái và đạt kết quả chẩn đoán chính xác. Phòng khám còn làm việc sớm từ 6 giờ sáng đến 15 giờ chiều, tạo điều kiện cho Quý khách ở tỉnh xa được khám sớm, hoàn tất và về ngay trong ngày.

Đến Doctorc Check để chẩn đoán triệu chứng đau bụng dưới rốn là đau bụng gì
endoclinic.vn trang bị hệ thống máy nội soi tiên tiến, giúp bác sĩ không bỏ sót bất kỳ tổn thương nào ở ống tiêu hóa.

>> Quý Khách Hàng có thể tham khảo Dịch Vụ Khám Sức Khỏe Tiêu Hóa cùng với chuyên gia tại endoclinic.vn. Hoặc liên hệ Hotline 0939 01 01 01 để được hướng dẫn chi tiết.

Câu hỏi thường gặp

Đau bụng dưới rốn là bệnh gì?

Đau vùng bụng dưới rốn có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó, khi có triệu chứng này, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có cách điều trị phù hợp.

Cách nào điều trị đau bụng dưới rốn hiệu quả?

Có nhiều nguyên nhân gây ra đau bụng dưới rốn. Vì thế, để xác định đúng nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp, người bệnh cần đi khám với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Cách làm giảm đau bụng dưới rốn là gì?

Để làm giảm triệu chứng đau bụng dưới rốn, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý bao gồm ăn các món mềm và lỏng, uống nhiều nước, vận động thể thao mỗi ngày, đồng thời hạn chế hút thuốc lá và uống rượu bia.,…

Tài liệu tham khảo

1. Cleveland Clinic Medical Professional. Lower Abdominal Pain. 12/12/2022. (Ngày truy cập 09/05/2023) https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/24530-lower-abdominal-pain

2. Cleveland Clinic Medical Professional. Diverticulitis. 04/10/2023 (Ngày truy cập 09/05/2023) https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10352-diverticulitis

3. Michael M. Phillips. Diverticulitis. 05/04/2022. (Ngày truy cập 09/05/2023) https://www.mountsinai.org/health-library/diseases-conditions/diverticulitis

4. Mayo Clinic Staff. Appendicitis. 27/08/2021. (Ngày truy cập 09/05/2023) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/appendicitis/symptoms-causes/syc-2036954

5. NHS. Crohn’s disease. 22/04/2022. (Ngày truy cập 09/05/2023) https://www.nhs.uk/conditions/crohns-disease/

6. Cleveland Clinic Medical Professional. Mesenteric Lymphadenitis. 06/09/2022. (Ngày truy cập 09/05/2023) https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17890-mesenteric-lymphadenitis

7. Mayo Clinic Staff. Mesenteric Lymphadenitis. 20/05/2021. (Ngày truy cập 09/05/2023) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mesenteric-lymphadenitis/symptoms-causes/syc-20353799

8. Renee A. Alli, MD. Mesenteric Lymphadenitis. 03/07/2021. (Ngày truy cập 09/05/2023) https://www.webmd.com/children/mesenteric-lymphadentitis

9. Mayo Clinic Staff. Constipation. 31/08/2021. (Ngày truy cập 09/05/2023) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/constipation/symptoms-causes/syc-2035425310.

10. Mayo Clinic Staff. Prostatitis. 19/02/2022. (Ngày truy cập 09/05/2023) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prostatitis/symptoms-causes/syc-20355766

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?