Ung thư đại tràng là loại ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao. Để chẩn đoán bệnh ung thư này, các bác sĩ cần thực hiện phối hợp lâm sàng và cận lâm sàng cần thiết. Tuy nhiên, cụm “xét nghiệm ung thư đại tràng” được một số nơi sử dụng làm một số người thấy hoang mang. Vậy xét nghiệm ung thư đại tràng thực sự là gì và có độ chính xác ra sao? Mời Cô Chú, Anh Chị cùng trung tâm nội soi tiêu hóa Endo Clinic theo dõi bài viết để tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé!
Khái quát về ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là bệnh ung thư tiêu hóa phổ biến. Theo thống kê tại Việt Nam năm 2020, ung thư đại tràng có số ca mắc mới đứng thứ 6 (hơn 6000 ca) trong các loại ung thư và là nguyên nhân gây ra 3000 ca tử vong.
Ung thư đại tràng xảy ra do các tế bào biểu mô ác tính gia tăng tại đại tràng. Nguyên nhân ung thư đại tràng hiện vẫn chưa được xác định rõ. Nhiều nghiên cứu cho thấy một trong những con đường hình thành ung thư đại tràng là bắt nguồn từ các tổn thương trên DNA.
Triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện theo từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn sớm: Thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc triệu chứng xuất hiện không rõ ràng.
- Giai đoạn muộn: Đa số các triệu chứng đều biểu hiện ở giai đoạn này. Tùy thuộc vào vị trí, loại và mức độ tiến triển của ung thư mà chúng có thể khác nhau. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau bụng, đi ngoài ra máu, máu ẩn trong phân, thay đổi thói quen đi tiêu (táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài), chán ăn, sụt cân,…
Ai có nguy cơ mắc ung thư đại tràng?
Ung thư đại tràng có thể khởi phát do nhiều yếu tố nguy cơ gồm tuổi tác, tiền sử bệnh lý bản thân hoặc gia đình, thói quen lối sống, mắc một số bệnh lý nền.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), những người từ 45 tuổi trở lên nên thực hiện tầm soát ung thư đại tràng. Đối với nhóm có nguy cơ cao (có tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng, mắc các bệnh lý di truyền, bệnh đại tràng,…), việc tầm soát ung thư nên thực hiện định kỳ thường xuyên từ trước năm 45 tuổi để để sớm phát hiện và điều trị nếu có dấu hiệu bất thường.
Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng:
- Độ tuổi: Nguy cơ mắc ung thư đại tràng gia tăng theo độ tuổi. Do đó, những người trên 50 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh so với người trẻ tuổi hơn.
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn nhiều thịt đỏ (bò, heo, cừu) hoặc thịt chế biến sẵn (xúc xích), ít chất xơ (rau củ, trái cây),… có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Lối sống: Các thói quen như thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc ít vận động đều góp phần làm tăng tỷ lệ mắc ung thư đại tràng.
- Tiền sử gia đình: Tỷ lệ mắc ung thư đại tràng gia tăng ở những người có người thân (cha mẹ, anh chị em, con cái) đã từng mắc ung thư đại tràng.
- Tiền sử bệnh lý bản thân: Ở những người từng mắc polyp tuyến, số lượng polyp nhiều, kích thước lớn và có dấu hiệu loạn sản thì tỷ lệ mắc ung thư ở họ gia tăng. Ngoài ra, những người đã từng điều trị ung thư đại tràng, mặc dù đã loại bỏ hoàn toàn ung thư, vẫn có khả năng hình thành ung thư mới ở vị trí khác trong đại tràng hoặc trực tràng.
- Di truyền: Hai bệnh lý di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng là hội chứng Lynch và bệnh đa polyp tuyến gia đình (Familial Adenomatous Polyposis – FAP).
- Đái tháo đường típ 2: Những người mắc đái tháo đường típ 2 có nguy cơ hình thành ung thư đại tràng cao hơn người bình thường. Thông thường, tiên lượng ung thư ở nhóm người bệnh này thường xấu hơn.
- Thừa cân, béo phì: Nguy cơ mắc và tử vong do ung thư đại tràng gia tăng ở người bị thừa cân, béo phì.
- Chủng tộc và dân tộc: Người Mỹ gốc Phi và người Do Thái gốc Đông Âu có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn, so với những người thuộc các nhóm dân tộc hoặc chủng tộc khác.
Xét nghiệm ung thư đại tràng có tồn tại hay không?
Ung thư đại tràng là bệnh lý phức tạp. Để có thể chẩn đoán được ung thư đại tràng, bác sĩ cần thực hiện phối hợp nhiều phương pháp như nội soi đại tràng, chẩn đoán hình ảnh bằng chụp CT hoặc chụp MRI cùng với các xét nghiệm cận lâm sàng khác. Trong đó, chẩn đoán bằng nội soi đại tràng là phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán ung thư đại tràng.
Vì vậy, việc sử dụng cụm từ “xét nghiệm ung thư đại tràng” là không chính xác do chưa có bất kỳ xét nghiệm độc lập nào có thể giúp chẩn đoán được ung thư đại tràng. Hiện nay, các cơ sở y tế cũng không có hạng mục nào được gọi là xét nghiệm ung thư đại tràng.
Xét nghiệm máu có phát hiện được ung thư đại tràng không?
Trên thực tế, không có xét nghiệm máu nào có thể chẩn đoán ung thư đại tràng. Tuy nhiên qua xét nghiệm máu, bác sĩ có thể tìm ra dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Dựa vào xét nghiệm máu, bác sĩ có thể đánh giá được mức độ CEA – một loại protein trong máu. Chỉ số CEA tăng cao trong máu có thể giúp báo hiệu ung thư đại tràng. Tuy nhiên, chỉ số CEA cao cũng có thể đến từ các bệnh lý khác.
Bởi vì độ đặc hiệu và độ nhạy thấp, xét nghiệm CEA chỉ đóng vai trò gợi ý cho bác sĩ về sự hiện diện của ung thư, không dùng đơn thuần để chẩn đoán. Ngoài ra, nó cũng hỗ trợ theo dõi điều trị ung thư cũng như giúp sớm phát hiện tình trạng tái phát. Hãy tham vấn kỹ với bác sĩ về các kết quả xét nghiệm để được tư vấn chi tiết.
Nhìn chung, để phát hiện ung thư đại tràng, bác sĩ cần kết hợp khám lâm sàng với nhiều phương pháp cận lâm sàng. Do vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên nhanh chóng đi thăm khám (bệnh viện/phòng khám nội soi) để được bác sĩ tư vấn và đánh giá kỹ càng về tình trạng sức khỏe.
Tìm hiểm thêm >> Chỉ số CEA là gì?
Phương pháp phát hiện ung thư đại tràng hiệu quả
Có nhiều phương pháp để kiểm tra và chẩn đoán ung thư đại tràng. Bác sĩ sẽ dựa trên tình hình thực tế mà chỉ định các cận lâm sàng khác nhau cho bệnh nhân. Sau đây là một số phương pháp chẩn đoán ung thư đại tràng thường được sử dụng.
Nội soi đại tràng
Nội soi đại tràng được thực hiện bằng cách đưa ống nội soi mềm đi qua hậu môn và di chuyển từ từ lên đại tràng, bác sĩ sẽ quan sát hình ảnh đại tràng thông qua camera được nối với màn hình TV bên ngoài.
Trong quá trình nội soi, nếu bác sĩ phát hiện có các tổn thương nghi ngờ, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết mẫu mô để mang đi kiểm tra hoặc loại bỏ các polyp để tránh phát triển thành ung thư sau này.
Mời Cô Chú, Anh Chị xem thêm các chủ đề liên quan:
Sinh thiết
Mẫu mô bất thường ở đại tràng sau khi được sinh thiết trong quá trình nội soi sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm tại khoa giải phẫu bệnh. Mục tiêu của sinh thiết là phân tích mẫu mô dưới kính hiển vi, từ đó quan sát được các thay đổi ở mức độ tế bào và giúp xác nhận xem các dấu hiệu đó có phải là ung thư hay không. Kết quả sinh thiết thường sẽ rất chính xác.
Xét nghiệm phân
Bên cạnh sinh thiết, việc xét nghiệm phân cũng được chỉ định trong tầm soát ung thư đại tràng. Xét nghiệm phân bao gồm 2 phương pháp là xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân Guaiac (gFOBT) và xét nghiệm hóa mô miễn dịch từ mẫu phân (FIT).
Xét nghiệm FIT là xét nghiệm sử dụng kháng thể để phát hiện máu ẩn trong phân. Tương tự với xét nghiệm FIT, xét nghiệm gFOBT cũng giúp phát hiện máu ẩn trong phân nhưng thông qua một phản ứng hóa học. Đây là hai phương pháp đơn giản, có thể thực hiện tại nhà và có tính chính xác cao.
Khi kết quả từ FIT hoặc gFOBT dương tính, người bệnh có thể sẽ được chỉ định thực hiện nội soi đại tràng để xác nhận lại nguyên nhân dẫn đến máu ẩn trong phân.
> Tìm hiểu thêm: Các xét nghiệm tầm soát ung thư phổ biến
Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng để đánh giá sự tiến triển của ung thư đại tràng, bao gồm chụp X-quang, chụp CT,… Khi người bệnh nghi ngờ mắc ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Từ đó cung cấp thông tin về giai đoạn và mức độ di căn của ung thư, điều này giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp đánh giá ung thư đại tràng gồm có:
- Chụp X-quang ngực
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET-CT)
- Siêu âm
Chụp X-quang ngực
Chụp X-quang là kỹ thuật chẩn đoán bệnh lý dựa vào tia X – một dạng bức xạ điện từ – để ghi nhận hình ảnh của các bộ phận và cấu trúc của cơ thể trên phim. Chụp X-quang ngực giúp phát hiện ung thư đã di căn đến phổi hay chưa.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng lực từ trường mạnh và sóng tần số vô tuyến để tạo ra hình ảnh 3 chiều chi tiết cấu trúc cơ quan, xương, mô và mạch máu. Phương pháp này giúp chẩn đoán và đánh giá mức độ ung thư di căn trong cơ thể.
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp cắt lớp vi tính (CT) sử dụng thiết bị tia X đặc biệt, để tạo ra hình ảnh 3D và hình ảnh cắt ngang của các cơ quan, mô, xương và mạch máu bên trong cơ thể. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này thường được sử dụng để kiểm tra mức độ di căn của ung thư đại – trực tràng đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan lân cận ở ngực, bụng và xương chậu.
Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET – CT)
Chụp PET – CT là một phương pháp sử dụng một vật liệu phóng xạ để đánh giá chức năng mô. Phương pháp này thường được chỉ định để chẩn đoán giai đoạn ung thư, loại ung thư và theo dõi điều trị ung thư (chiếm 80% trường hợp chỉ định). Do đó, chụp PET – CT cung cấp nhiều thông tin về đặc điểm của ung thư đại tràng hỗ trợ bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Siêu âm
Siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh của các bộ phận trong cơ thể. Dựa vào kết quả siêu âm, bác sĩ có thể kiểm tra xem ung thư đại trực tràng đã di căn đến các cơ quan trong ổ bụng hay chưa.
Hy vọng qua những chia sẻ trên, Cô Chú, Anh Chị đã hiểu được hiện nay không tồn tại hạng mục xét nghiệm ung thư đại tràng. Để phát hiện sớm ung thư đại tràng, Quý khách nên thực hiện tầm soát ung thư định kỳ (người lớn trên 45 tuổi nên nội soi đại tràng mỗi 10 năm 1 lần, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân mỗi năm).
Endo Clinic – Trung tâm nội soi và chẩn đoán chuyên sâu tại TP.HCM
Hiện nay, Endo Clinic là trung tâm hiếm hoi chuyên sâu về nội soi, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa tại TP. HCM với:
- Đội ngũ Bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị.
- Phương pháp chẩn đoán hiện đại, nổi bật là dịch vụ Nội soi không đau (Nội soi tiền mê).
- Trang bị hệ thống máy móc tiên tiến với dây soi có độ phóng đại 100-135, chế độ nhuộm ảo (NBI), trí tuệ nhân tạo (AI) và màn hình 4K sắc nét.
- Quy trình nội soi chuẩn quốc tế tuân thủ đúng và nghiêm ngặt từ khâu làm sạch đến khâu khử khuẩn, diệt khuẩn, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
- Chi phí tầm soát ung thư tại Endo Clinic hợp lý, minh bạch rõ ràng.
- Quy trình thăm khám nhanh chóng và thời gian mở cửa từ sớm (6h – 15h), thuận tiện cho Cô Chú, Anh Chị ở xa có thể sắp xếp khám bệnh hoàn tất và về ngay trong ngày.
> Bạn có thể đặt lịch với bác sĩ Endo Clinic qua Hotline 028 5678 9999 hoặc tại đây: Đặt lịch khám.
> Tìm hiểu thêm: Nội soi đại tràng có được bảo hiểm chi trả không?
Câu hỏi thường gặp
Xét nghiệm máu có giúp phát hiện ung thư đại tràng không?
Kết quả xét nghiệm máu giúp gợi ý cho tình trạng ung thư đại tràng ở người bệnh. Để chẩn đoán chính xác, người bệnh cần thực hiện nhiều phương pháp cận lâm sàng khác nhau theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Các phương pháp giúp chẩn đoán ung thư đại tràng là gì?
Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán ung thư đại tràng gồm có nội soi đại tràng, sinh thiết, xét nghiệm phân và chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI, siêu âm,…). Trong đó, nội soi đại – trực tràng là phương pháp được ứng dụng phổ biến nhất và được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong phát hiện và chẩn đoán ung thư đại tràng.
Cần làm để phát hiện sớm ung thư đại tràng?
Để phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, Cô Chú, Anh Chị nên thực hiện khám sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư đại tràng định kỳ. Trong trường hợp các triệu chứng bất thường như đau bụng, đi ngoài ra máu, thay đổi thói quen đi tiêu (táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài),… kéo dài không hết thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
1. Trung tâm nội soi & chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa Endo Clinic.
2. Morgan E, Arnold M, Gini A, Lorenzoni V, Cabasag CJ, Laversanne M. Global burden of colorectal cancer in 2020 and 2040: incidence and mortality estimates from GLOBOCAN. 08 09 2022. https://dx.doi.org/10.1136/gutjnl-2022-327736 (đã truy cập 19 06 2023).
3. WHO.Int. Cancer. 03 02 2022. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cancer (đã truy cập 19 06 2023).
4. Cancer.Net Editorial Board. Colorectal Cancer: Statistics. 02 2023. https://www.cancer.net/cancer-types/colorectal-cancer/statistics (đã truy cập 19 06 2023).
5. Mayo Clinic. Colon cancer. 08 10 2022. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/colon-cancer/symptoms-causes/syc-20353669 (đã truy cập 19 06 2023).
6. Cleveland Clinic. Colorectal (Colon) Cancer. 14 11 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14501-colorectal-colon-cancer (đã truy cập 19 06 2023).
7. Cleveland Clinic. CEA Test (Carcinoembryonic Antigen). 11 04 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/22744-cea-test-carcinoembryonic-antigen (đã truy cập 19 06 2023).
8. Cleveland Clinic. Colonoscopy. 30 11 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/4949-colonoscopy (đã truy cập 19 06 2023).
9. Canadian Cancer Society. Diagnosis of colorectal cancer. https://cancer.ca/en/cancer-information/cancer-types/colorectal/diagnosis# (đã truy cập 19 06 2023).