Viêm tụy mạn tính là một rối loạn viêm tiến triển dẫn đến tổn thương nhu mô tụy hay ống tụy không thể phục hồi, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2017, tại Hoa Kỳ ước tính tỷ lệ phát triển bệnh viêm tụy mạn hàng năm là 4 – 5 trên 100.000 dân số. Tỷ lệ viêm tụy mạn tính là 40 – 50 trên 100.000 dân số. Độ tuổi chẩn đoán viêm tụy mạn khác nhau theo nguyên nhân gây bệnh. Viêm tụy mạn do rượu phần lớn xuất hiện ở độ tuổi từ 35 – 44 tuổi ở nữ giới và từ 45 – 54 tuổi ở nam giới.
Tổng quan về bệnh viêm tụy mạn
Hầu hết người bệnh viêm tụy mạn tính đều đã từng bị 1 hoặc nhiều đợt tái phát của viêm tụy cấp. Bệnh viêm tụy mạn tính là bệnh lý không phổ biến nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là có thể dẫn đến tử vong.
Viêm tụy mạn là gì?
Viêm tụy mạn hay viêm tụy mãn tính (tên tiếng Anh: chronic pancreatitis) là tình trạng viêm tụy dai dẳng dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cấu trúc tụy bởi tình trạng xơ hóa dẫn đến chèn ép hệ thống ống tụy và suy giảm cả chức năng ngoại tiết và nội tiết của thận. Uống rượu và hút thuốc lá là hai yếu tố nguy cơ chính của bệnh. Đau bụng là triệu chứng chính và thường gặp ở tất cả các bệnh nhân. Chẩn đoán viêm tụy mạn dựa vào chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm chức năng tụy. Điều trị chủ yếu bao gồm kiểm soát đau, quản lý sự suy tụy và kiểm soát các biến chứng.
Tuyến tụy với chức năng nội tiết và ngoại tiết là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa nằm ở vùng thượng vị của ổ bụng. Chức năng nội tiết của tụy là tiết ra insulin và glucagon để duy trì lượng đường trong máu. Chức năng ngoại tiết của tụy là sản xuất ra các men tiêu hóa, theo ống tụy cùng với dịch mật đổ vào tá tràng, phân giải thức ăn thành các phân tử dinh dưỡng để hấp thu vào trong máu.
Viêm tụy cấp tái đi tái lại dẫn đến tổn thương nhu mô tụy và cuối cùng dẫn đến viêm tụy mạn. Đây là một quá trình bệnh lý đặc trưng bởi sự tổn thương tụy không hồi phục, được xác định bằng các bất thường mô học bao gồm viêm mạn tính, xơ hóa và sự phá hủy mô tụy ngoại tiết lẫn nội tiết.
Phân loại viêm tụy mạn tính
Viêm tụy mạn tính có thể được phân thành 3 dạng chính:
- Viêm tụy mạn tính vôi hóa là dạng phổ biến nhất và đặc trưng bởi sự vôi hóa của tuyến tụy, sự hình thành sỏi trong các ỗng tụy hoặc cả hai.
- Viêm tụy mạn tính tắc nghẽn là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ ống tụy.
- Viêm tụy mạn tính tự miễn là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể tấn công tuyến tụy làm hạn chế hoặc mất cả chức năng ngoại tiết và nội tiết của tuyến tụy.
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây viêm tụy mạn
Nguyên nhân gây viêm tụy mạn rất đa dạng, trong đó lạm dụng rượu bia là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh. Viêm tụy mạn tính thường là biến chứng của các đợt viêm tụy cấp tính lặp lại trong thời gian dài không được điều trị tốt. Thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm tụy mạn tính.
Nguyên nhân viêm tụy mạn là gì?
Nguyên nhân viêm tụy mạn thường gặp là do nghiện rượu, tuy nhiên các nguyên nhân khác gây viêm tụy cấp tái đi tái lại cũng có thể gây viêm tụy mạn, cụ thể là:
- Nghiện rượu chiếm 70% trường hợp viêm tụy mạn và thường gặp ở nam nhiều hơn nữ
- Tắc nghẽn kéo dài hoặc hẹp ống tuỵ do chấn thương hoặc do hình thành nang giả tuỵ, rối loạn cơ vòng Oddi, nang tá tràng trước nhú, sỏi mật
- Tình trạng di truyền như trường hợp tuỵ chia đôi ( pancreas divisum)
- Xơ nang phổi (cystic fibrosis)
- Tăng calcium trong máu (hypercalcemia)
- Tăng mỡ máu (hyperlipidemia hoặc hypertriglyceridemia)
- Một số thuốc
- Một số bệnh tự miễn
Viêm tụy mạn tính vô căn là gì?
Trong một số trường hợp, viêm tụy mạn không tìm thấy nguyên nhân gây bệnh được gọi là viêm tụy mạn tính vô căn. Viêm tụy mạn tính vô căn thường phát triển ở những người từ 10 đến 20 tuổi và người trên 50 tuổi.
Khoảng 50% bệnh nhân bị viêm tụy mạn tính vô căn có xuất hiện đột biến trên các gen SPINK-1 và CFTR. Những đột biến di truyền này có thể làm suy yếu các chức năng của tuyến tụy.
Một tỷ lệ lớn các trường hợp viêm tụy mạn tính là tự phát. Viêm tụy nhiệt đới là một dạng tự phát của viêm tụy mạn tính xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên ở các vùng nhiệt đới như Ấn Độ, Indonesia và Nigeria. Viêm tụy nhiệt đới được đặc trưng bởi tuổi khởi phát sớm, sỏi ống tụy lớn, bệnh tiến triển nhanh và tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm tụy mạn?
Viêm tụy mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Tuy nhiên, các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Chứng nghiện rượu.
- Hút thuốc lá được cho là làm tăng nguy cơ viêm tụy ở những người nghiện rượu.
- Người trong độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi.
- Phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
- Trẻ em sống ở các vùng nhiệt đới như châu Á và châu Phi có nguy cơ cao mắc bệnh viêm tụy nhiệt đới.
- Tiền sử gia đình bị viêm tụy.
Sinh lý bệnh viêm tụy mạn
Cơ chế bệnh sinh viêm tụy mạn tính dường như liên quan đến yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Các nghiên cứu đã xác định các gen nhạy cảm với bệnh viêm tụy liên quan đến các đột biến mất chức năng. Có hai giả thuyết chính về cơ chế bệnh sinh của bệnh tụy mạn tính.
- Sự suy giảm bài tiết bicarbonate không thể đáp ứng với sự tăng tiết protein của tuyến tụy. Sau đó các protein kết hợp với nhau để tạo thành các nút trong các tiểu thùy và ống dẫn, dẫn đến quá trình vôi hóa và hình thành sỏi. Tắc nghẽn kéo dài do sỏi trong ống tụy có thể dẫn đến viêm, xơ hóa, mất cấu trúc ống tụy, teo, hẹp ống tụy. Sau vài năm, xơ hóa và teo tiến triển dẫn đến mất chức năng ngoại tiết và nội tiết của tụy.
- Sự hoạt hóa nội mô của các enzym tiêu hóa trong tuyến tụy, có thể do di truyền hoặc các tác động bên ngoài như rượu. Qua nhiều năm, quá trình chữa lành thay thế mô hoại tử bằng mô sợi, dẫn đến sự phát triển của viêm tụy mạn tính.
Dấu hiệu và triệu chứng viêm tụy mạn tính
Triệu chứng viêm tụy mạn thường gặp là đau bụng, cơn đau bụng âm ỉ, tăng dần về cường độ hoặc đôi khi chỉ là cảm giác căng tức ở vùng thượng vị. Đau tăng sau ăn, đặc biệt là bữa ăn nhiều chất béo hoặc sau khi uống rượu. Đau thường lan ra sau lưng và bệnh nhân phải ngồi cúi người ra trước để giảm đau.
Các triệu chứng viêm tụy mạn thường gặp
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của viêm tụy mạn tính, bao gồm:
- Đau bụng trên
- Đau bụng sau khi ăn
- Buồn nôn, nôn ói, chán ăn, ăn uống kém do đau bụng tăng sau ăn, đồng thời cũng do kém hấp thu và đái tháo đường không kiểm soát.
Hội chứng kém hấp thu cũng xảy ra do suy giảm chức năng ngoại tiết của tụy, do tụy không còn bài tiết được các men tiêu hóa nên thực phẩm ăn vào không được tiêu thụ. Biểu hiện này xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh khi lượng men tiết ra đã giảm chỉ còn 10% so với bình thường. Các triệu chứng đặc trưng có thể xuất hiện như:
- Tiêu chảy kéo dài
- Tiêu phân mỡ có váng mỡ nổi trên mặt nước bồn cầu, mùi tanh hôi
- Chướng bụng và đầy hơi
- Chuột rút bụng
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển như:
- Vàng da do tụy chèn ép ống mật chủ
- Cổ trướng
- Tràn dịch màng phổi do rò dịch tụy từ ống tụy hoặc nang giả tụy
- Nốt đau ở chân do hoại tử mỡ
- Viêm đa khớp ở bàn tay (hiếm gặp)
Đái tháo đường mới xuất hiện sau quá trình viêm tụy cấp tái đi tái lại gợi ý tình trạng viêm tụy mạn tính. Tuyến tụy có thể không sản xuất được insulin dẫn đến các triệu chứng sau:
Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?
Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/phòng khám nội tiêu hóa khi xuất hiện các triệu chứng như đau bụng dữ dội, phát triển các triệu chứng của bệnh vàng da, sốt. Vàng da có thể do nhiều nguyên nhân khác ngoài viêm tụy, nhưng thường là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý đường tiêu hóa cần được thăm khám ngay.
Cô Bác, Anh Chị không nên tự mua thuốc uống hay cố gắng chịu đựng vì bệnh lý này kéo dài gây ra rất nhiều biến chứng bệnh lý khác. Bác sĩ sẽ chỉ định các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Phương pháp chẩn đoán viêm tụy mạn
Chẩn đoán viêm tụy mạn thường khó vì men tụy amylase và lipase thường không tăng do tình trạng mất đáng kể nhu mô tụy do đó việc đánh giá lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm chức năng tụy là cần thiết để xác định chẩn đoán.
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng như đau bụng mạn tính, cơn đau không liên tục và tiến triển nặng như:
- Loét dạ dày tá tràng
- Sỏi đường mật
- Tắc mật/ đau quặn mật
- Viêm tụy cấp
- U ác tính tuyến tụy
- Nang giả tụy
- Thiếu máu cục bộ mạc treo mạn tính
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về tình trạng sức khỏe cũng như bệnh sử của người bệnh để định hướng chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh viêm tụy mạn như:
- Các triệu chứng diễn ra như thế nào? Đã xuất hiện trong thời gian bao lâu và Cô Bác, Anh Chị cảm thấy như thế nào?
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng? Chúng xuất hiện thỉnh thoảng hay liên tục?
- Những yếu tố giúp cải thiện hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng?
- Các triệu chứng đã từng xuất hiện trước đây chưa?
- Có tiền sử bệnh lý viêm tụy không?
- Cô Bác, Anh Chị có thường xuyên uống rượu không?
- Cô Bác, Anh Chị có bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc mới nào trước khi các triệu chứng bắt đầu không?
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến tụy nào không?
Cận lâm sàng chẩn đoán
Cận lâm sàng được thực hiện dựa vào các kết quả chẩn đoán trong bước khám lâm sàng, Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng khác nhau để xác định được tình trạng bệnh lý cũng như mức độ nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh là một yếu tố quan trọng giúp bác sĩ quan sát cấu trúc của tụy, phát hiện được những dấu hiệu của viêm tuỵ mạn như vôi hoá tuỵ, mô tuyến tuỵ xơ cứng do kết tủa các muối calcium không hoà tan,…
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) bụng với thuốc cản quang: Với người bệnh có tiền sử nghiện rượu và các đợt tái phát viêm tụy cấp xuất hiện các điểm vôi hóa tụy trên phim CT scan bụng có cản quang đã có thể đủ chẩn đoán. Ở người bệnh không có tiền sử dùng rượu nhưng có triệu chứng của viêm tụy mạn, chụp CT bụng sẽ được đề nghị để xác định chẩn đoán và loại trừ ung thư tụy. Chụp CT bụng có thể được sử dụng để phát hiện vôi hóa và các bất thường khác của tuyến tụy như nang giả hay giãn ống tụy giãn, nhưng vẫn có thể là bình thường trong giai đoạn sớm của bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) kết hợp với chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) hiện nay thường được sử dụng để chẩn đoán và có thể cho thấy khối u trong tuyến tụy cũng như cung cấp hình ảnh tối của việc biến đổi của ống dẫn phù hợp với viêm tụy mạn tính.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là thủ thuật xâm lấn và hiếm khi dùng để chẩn đoán viêm tụy mạn. Kết quả ERCP có thể bình thường ở những bệnh nhân bị viêm tụy mạn sớm. ERCP nên dành riêng cho những bệnh nhân cần can thiệp điều trị.
- Siêu âm nội soi (EUS) là phương pháp ít xâm lấn và cho phép phát hiện các bất thường trong nhu mô tụy và trong ống tụy.
- Siêu âm bụng phương pháp để đánh giá xem có sỏi mật, giãn đường mật, phù tuyến tụy hoặc các nguyên nhân khác như viêm ruột thừa, viêm túi mật,…
Xét nghiệm chức năng tụy
Các chỉ số xét nghiệm chức năng tụy thường chưa thay đổi khi chức năng tụy suy giảm ở mức độ nhẹ đến trung bình. Ở giai đoạn cuối của bệnh, các xét nghiệm về chức năng ngoại tiết của tụy trở nên bất thường.
- Xét nghiệm chức năng tuyến tụy trực tiếp: giúp đánh giá chức năng tụy ngoại tiết bao gồm định lượng thể tích, nồng độ bicarbonat trong dịch tụy, pH. Các xét nghiệm trực tiếp bao gồm truyền cholecystokinin để đo lượng enzyme tiêu hóa hoặc truyền hormon secretin để đo lượng bicarbonate. Chất tiết tá tràng được thu thập bằng cách sử dụng các ống thu dịch dạ dày – tá tràng hoặc một máy nội soi. Các xét nghiệm trực tiếp rất rườm rà, tốn nhiều thời gian và không được chuẩn hóa tốt. Các xét nghiệm chức năng tuyến tụy trực tiếp hầu hết đã được loại bỏ khỏi thực hành lâm sàng và chỉ thực hiện ở một số trung tâm chuyên khoa.
- Xét nghiệm chức năng tuyến tụy gián tiếp: được thực hiện để đo lường các ảnh hưởng thứ phát do thiếu các enzym tụy, ít chính xác hơn trong chẩn đoán giai đoạn sớm của viêm tụy mạn tính. Các xét nghiệm này liên quan đến máu hoặc mẫu phân, bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần xác định nồng độ hồng cầu, bạch cầu giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng, viêm, loét, thiếu máu,…
- Xét nghiệm sinh hóa máu: chỉ số glucose, creatinin, điện giải đồ, acid uric (axit uric), amylase/ lipase, bilirubin TP/TT, GOT/GPT/GGT, chỉ số HbA1c, C-peptide, chỉ số CA 19-9, ALP.
- Các xét nghiệm đánh giá tình trạng dinh dưỡng: protein/albumin/pre-albumin, mỡ máu, calci, sắt, vitamin D, B12, đo mật độ xương,…
- Xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận.
- Xét nghiệm phân để đo mức độ chất béo có thể cho thấy hệ tiêu hóa không hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Chọc dịch xét nghiệm tế bào, sinh hóa (định lượng amylase dịch) nếu bệnh nhân có dịch ổ bụng, dịch màng phổi.
Tiên lượng viêm tụy mạn
Tiên lượng viêm tụy mạn xấu liên quan đến thói quen tiếp tục uống rượu, hút thuốc và sự hiện diện của bệnh gan giai đoạn cuối. Tỷ lệ sống sót sau 10 năm là 70%, tỷ lệ này giảm xuống còn 45% sau 20 năm ở người bệnh viêm tụy mạn. Các biến chứng của bệnh như hình thành nang giả tụy, tắc nghẽn ống mật và tá tràng là những biến chứng phổ biến. Các biến chứng viêm tụy mạn khác bao gồm bệnh đái tháo đường, giãn tĩnh mạch thực quản và hình thành túi thừa.
Biến chứng viêm tụy mạn
Với chức năng vừa là cơ quan nội tiết vừa ngoại tiết nên viêm tụy mạn sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể và có thể dẫn đến các biến chứng:
- Nang giả tụy (Pseudocyst): là nang lớn chứa đầy men tụy bên trong, khi vỡ có thể gây chảy máu nội tạng và nhiễm trùng.
- Nhiễm trùng: viêm tụy mạn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tại tụy và dẫn đến viêm tụy hoại tử nhiễm trùng có thể gây tử vong.
- Đái tháo đường thứ phát sau viêm tụy: viêm tụy dẫn đến phá hủy các tế bào sản xuất insulin – một chất có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu, từ đó dẫn đến tình trạng đái tháo đường
- Suy dinh dưỡng: do tình trạng giảm hấp thu thức ăn do thiếu các men cần thiết cho việc tiêu hóa và hấp thu thức ăn dẫn đến suy dinh dưỡng, tiêu chảy và sút cân.
- Ung thư tụy: Viêm tụy mãn tính được xem là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến tụy, chiếm 4% trong số nguyên nhân gây tử vong.
Phương pháp điều trị viêm tụy mạn
Điều trị viêm tụy mạn gồm điều trị nguyên nhân (nếu có) và điều trị các biến chứng, đồng thời cũng cần bảo tồn nhu mô tụy còn sót lại bằng cách phòng tránh các đợt viêm tụy cấp tái phát. Đóng vai trò chính trong hiệu quả điều trị viêm tụy mạn là ngưng rượu bia, ngưng thuốc lá càng sớm càng tốt.
Các nguyên tắc chung trong phác đồ điều trị viêm tụy mạn là:
- Điều trị triệu chứng, giảm đau
- Bổ sung enzyme tụy khi chức năng tụy suy giảm
- Kiểm soát bệnh đái tháo đường
- Kiểm soát các biến chứng khác
Điều trị giảm đau
Để giảm đau cho người bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận từng bước, thuốc kê đơn giảm đau từ nhẹ đến mạnh dần cho đến khi kiểm soát được cơn đau.
Điều trị nội khoa
Các phương pháp giúp kiểm soát cơn đau do viêm tụy cấp có thể bao gồm:
- Thay đổi lối sống: bác sĩ tư vấn phương pháp phù hợp để khuyến khích người bệnh ngừng hút thuốc và cai rượu càng sớm càng tốt. Ngoài ra, người bệnh nên xây dựng thói quen sinh hoạt, tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: thức ăn được chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày với chế độ giảm chất béo và dầu mỡ. Lúc này, cũng cần theo dõi việc cung cấp và tiêu thụ các vitamin tan trong dầu, nhất là vitamin D, theo dõi mật độ xương. Có thể chỉ định dùng men tuỵ nếu tuỵ không còn đáp ứng đủ. Men cần uống theo mỗi bữa ăn để giúp cơ thể tiêu hoá thức ăn và phục hồi lại cân nặng.
- Thuốc giảm đau: những loại thuốc giảm đau có thể dùng là acetaminophen, aspirin, các dẫn xuất á phiện cũng như các thuốc chống trầm cảm, giảm đau thần kinh. Tuy nhiên, trong các trường hợp dùng kéo dài, cần cân nhắc khả năng bị nghiện thuốc giảm đau.
Lưu ý: Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị viêm tụy mạn nào.
Điều trị ngoại khoa
Các phương pháp điều trị giảm đau do biến chứng viêm tụy mạn bao gồm điều trị bằng nội soi, thủ thuật tán sỏi, cắt đám rối thần kinh tạng hoặc phẫu thuật.
– Nội soi can thiệp được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị giảm đau ở bệnh nhân viêm tụy mạn có tắc nghẽn ống tụy chính do hẹp, do sỏi hoặc cả hai bằng phương pháp cắt cơ oddi, nong, đặt stent, lấy sỏi, tán sỏi qua nội soi mật tụy ngược dòng.
- Dẫn lưu qua da dưới hướng dẫn của siêu âm chỉ nên chỉ định trong trường hợp cần làm cấp cứu và bệnh nhân có chống chỉ định với nội soi can thiệp hay phẫu thuật
- Nang giả tụy có triệu chứng trên lâm sàng hoặc nhiễm trùng nên được uu tiên đặt stent vào ống tụy chính hoặc dẫn lưu qua dạ dày hoặc tá tràng, tốt nhất là dưới hướng dẫn của siêu âm nội soi.
- Tắc mật, nhiễm trùng đường mật được chỉ định đặt stent đường mật, là phương pháp điều trị tạm thời chờ phẫu thuật hoặc ở bệnh nhân không thể phẫu thuật.
- Rò tụy thực hiện đặt stent tụy để điều trị.
– Thủ thuật tán sỏi (tán sỏi ngoài cơ thể hoặc tán sỏi trong ống tụy) thường cần thiết để điều trị các khối sỏi tụy lớn và gây triệu chứng.
– Phong bế đám rối thần kinh celiac bằng cồn hoặc corticoid dưới hướng dẫn của siêu âm nội soi giúp giảm đau ngắn hạn ở một số bệnh nhân bị viêm tụy mạn tính không có giãn ống tụy.
– Phẫu thuật được thực hiện khi các biện pháp trên thất bại, để giảm đau. Lựa chọn phẫu thuật nên được chỉ định cho những bệnh nhân đã ngừng uống rượu và có thể giúp cải thiện kiểm soát bệnh đái tháo đường bởi cắt tuyến tụy. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm tụy mạn, các biến chứng tại chỗ, tiền sử phẫu thuật của bệnh nhân, điều trị có thể bao gồm:
- Phẫu thuật loại trừ tắc nghẽn ống tụy: nhằm dẫn lưu nang giả, giảm đau, điều trị biến chứng do viêm tụy mạn tính.
- Phẫu thuật dẫn lưu ống tụy: làm giãn ống tụy hoặc cắt đuôi tụy nối thông tụy – hỗng tràng để giảm đau.
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy: làm giảm đau do tình trạng viêm kích thích các đầu dây thần kinh và giảm áp lực lên các ống dẫn. Ba kỹ thuật chính được sử dụng để cắt bỏ tuyến tụy là thủ thuật Beger, thủ thuật Frey và phẫu thuật cắt bỏ túi mật, ống dẫn, đầu tụy.
- Phẫu thuật cắt khối tá tụy (phẫu thuật Whipple).
- Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tụy.
- Cấy ghép tế bào đảo tụy tự thân (APICT): trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ tụy toàn bộ, một hệ thống treo các tế bào đảo riêng biệt được tạo ra từ tuyến tụy được phẫu thuật cắt bỏ và được tiêm vào tĩnh mạch cửa của gan. Các tế bào đảo nhỏ sẽ hoạt động như một mô ghép tự do trong gan và sẽ sản xuất insulin.
Liệu pháp thay thế
Các liệu pháp thay thế không thể điều trị viêm tụy, nhưng một số phương pháp có thể giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng đau bụng và khó chịu như ngồi thiền, bài tập thư giãn, yoga, châm cứu,…
Những người bị viêm tụy mạn tính có thể bị đau liên tục mà không dễ dàng kiểm soát được bằng thuốc. Sử dụng các liệu pháp y học bổ sung và thay thế cùng với thuốc do bác sĩ kê đơn có thể giúp kiểm soát và giảm nhẹ cơn đau ở người bệnh viêm tụy mạn. Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp thay thế nào người bệnh nên tham khảo ý kiến với bác sĩ điều trị chuyên khoa tại các cơ sở ý tế (bệnh viện/trung tâm nội soi tiêu hóa).
Điều trị thay thế enzyme tụy
Điều trị bổ sung men tụy nên được chỉ định trước khi bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy phân mỡ. Có thể dùng phối hợp thuốc chẹn H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton (PPI) khi triệu chứng tiêu chảy phân mỡ không giảm.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm các chất sau có thể giúp giảm thiểu tình trạng viêm:
- Bổ sung các vitamin tan trong dầu: A, D, E, K
- Bổ sung các yếu tố vi lượng: sắt, calci, kẽm,…
Điều trị kiểm soát bệnh đái tháo đường
Nếu bệnh nhân đã bị đái tháo đường thứ phát sau viêm tụy mạn tính thì cần thiết bổ sung insulin để duy trì nồng độ đường huyết phù hợp. Đồng thời cũng cần phòng tránh các biến chứng cấp và mạn của đái tháo đường cũng tương tự bệnh lý đái tháo đường thông thường.
Tham khảo thêm >> Bảng chỉ số đường huyết giúp kiếm soát bệnh đái tháo đường
Những điểm cần lưu ý
Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm tụy mạn
Bệnh nhân bị viêm tụy cấp giảm đáng kể nguy cơ phát triển viêm tụy mạn tính nếu bỏ uống rượu. Đặc biệt là đối với những bệnh nhân uống rượu nhiều và thường xuyên. Những phương pháp sau giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh viêm tụy mạn như:
- Hầu hết các trường hợp viêm tụy là do lạm dụng rượu, việc phòng ngừa bệnh cần tập trung vào việc hạn chế uống rượu hoặc ngừng uống rượu.
- Ngừng hút thuốc.
- Chế độ ăn uống hạn chế chất béo giúp giảm nguy cơ tăng triglycerit và nguy cơ sỏi mật.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hạn chế sử dụng thuốc nam, thuốc bắc khi không được chỉ định bởi bác sĩ đông y.
- Khám sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư tụy định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh lý như sỏi mật, sỏi tụy, ung thư tụy,…
Những điều cần lưu ý về bệnh viêm tụy mạn
- Viêm tụy mạn tính là tình trạng tuyến tụy bị tổn thương vĩnh viễn, ống tuỵ tổn thương gây viêm tuỵ, mô tuỵ bị phá huỷ và thay thế bằng mô sẹo.
- Các đợt tái phát của viêm tụy cấp có thể dẫn đến chứng viêm mạn tính kéo dài, tổn thương ống tụy và cuối cùng là sự xơ hóa, dẫn đến viêm tụy mạn tính.
- Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tụy mạn tính là do uống rượu và các yếu tố nguy cơ khác như di truyền, tắc nghẽn ống tụy, bệnh tự miễn,…
- Triệu chứng viêm tụy mạn là đau bụng từng cơn, theo sau đó là biểu hiện kém hấp thu như tiêu chảy, tiêu phân mỡ, chướng bụng, chán ăn,…
- Chẩn đoán dựa trên lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm chức năng tụy.
- Điều trị viêm tụy mạn tính chủ yếu bao gồm kiểm soát đau và quản lý các biến chứng, bao gồm suy tụy.
- Hạn chế uống rượu, hút thuốc và chế độ ăn uống ít chất béo giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm tụy mạn.
Chế độ ăn dành cho bệnh nhân viêm tụy mạn
Chế độ ăn uống khoa học sẽ có lợi cho đường tiêu hóa, hỗ trợ quá trình điều trị và mang lại sức khỏe cho Cô Bác, Anh Chị. Thực hiện chế độ ăn dành cho người bị viêm tụy mạn tính là rất quan trọng để giảm nhẹ triệu chứng như:
- Chia nhỏ các phần ăn trong mỗi bữa, người bị viêm tụy được khuyến nghị nên ăn sáu bữa ăn nhỏ mỗi ngày.
- Có chế độ ăn uống cân bằng, ít chất béo.
- Bổ sung thực phẩm giàu protein và có hàm lượng dinh dưỡng cao có trong ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, các sản phẩm từ sữa ít béo và các nguồn protein nạc, chẳng hạn như thịt gà và cá.
- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Ngừng uống rượu.
Quản lý chế độ ăn uống trong giai đoạn bị viêm tụy nhằm mang lại hiệu quả như:
- Giảm nguy cơ suy dinh dưỡng và thiếu hụt một số chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
- Tránh lượng đường trong máu cao hoặc thấp.
- Kiểm soát hoặc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, bệnh thận và các biến chứng khác.
- Giảm nguy cơ tái phát viêm tụy cấp tính.
Tài liệu tham khảo
- Adam Felman. What’s to know about chronic pancreatitis? 21 12 2020. https://www.medicalnewstoday.com/articles/160459 (đã truy cập 17 03, 2022).
- Helen Colledge. Chronic Pancreatitis. 29 09 2018. https://www.healthline.com/health/chronic-pancreatitis (đã truy cập 17 03, 2022).
- Onecia Benjamin, Sarah L. Lappin. “Chronic Pancreatitis” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 26 06, 2021. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482325/ (đã truy cập 17 03, 2022).
- Mayo Clinic Staff. Pancreatitis. 24 09 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pancreatitis/symptoms-causes/syc-20360227 (đã truy cập 17 03, 2022).
- Raghav Bansal. Viêm tụy mạn tính. 02 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/viêm-tụy/viêm-tụy-mạn-tính (đã truy cập 17 03, 2022).