Theo thống kê từ GLOBOCAN năm 2020, tại Việt Nam có 3.281 ca ung thư thực quản mới phát hiện và tổng số ca tử vong do ung thư thực quản lên đến 3.080 trường hợp. Theo các nghiên cứu, ung thư thực quản thường không gây ra bất kỳ triệu chứng, dấu hiệu nhận biết nào trong giai đoạn sớm. Phần lớn, người bệnh khi đến khám ung thư thực quản đã đến những giai đoạn cuối.
Tỷ lệ số ca tử vong do loại ung thư này trong năm 2020 so với số ca mắc mới phát hiện là 93%, cho thấy tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và tầm soát ung thư thực quản định kỳ. Theo Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), tỷ lệ điều trị thành công và tiên lượng sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư thực quản ở giai đoạn sớm là 47%.
Ung thư thực quản là gì?
Ung thư thực quản (tên tiếng Anh: esophageal cancer) là tình trạng các tế bào ở lớp niêm mạc thực quản bị đột biến thành tế bào ác tính và bắt đầu tăng sinh không kiểm soát. Sau một thời gian, các tế bào đột biến phát triển thành khối u xuất hiện dọc theo chiều dài ống thực quản khiến người bệnh bị đau họng, buồn nôn, xuất huyết tiêu hóa, khó nuốt, chán ăn, sụt cân không kiểm soát,…
Ung thư thực quản có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên ống thực quản nằm giữa phần cổ họng đến dạ dày. Ung thư thực quản được chia thành 2 loại chính:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: được phát triển từ các tế bào vảy xếp dọc bên trong thành ống thực quản và xảy ra dọc theo toàn bộ thực quản nhưng thường sẽ xuất hiện ở 1/3 ống thực quản trên.
- Ung thư biểu mô tuyến thực quản: được phát triển từ các tế bào tuyến, thường xảy ra ở đoạn 1/3 ống thực quản dưới gần dạ dày, nguyên nhân chính là do trào ngược axit dạ dày.
Các giai đoạn của ung thư thực quản
Dựa vào kích thước khối u và mức độ xâm lấn, di căn của các tế bào ung thư, ung thư thực quản được chia thành 4 giai đoạn chính là giai đoạn 0, giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3, giai đoạn 4.
- Ung thư thực quản giai đoạn 0: còn gọi là giai đoạn sớm hoặc ung thư thực quản giai đoạn đầu, đây là giai đoạn các tế bào bất thường được phát hiện nhưng chưa phát triển thành ung thư. Chúng chỉ được tìm thấy ở lớp niêm mạc thực quản.
- Ung thư thực quản giai đoạn 1: ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã phát triển và được tìm thấy trong lớp dưới niêm mạc thực quản.
- Ung thư thực quản giai đoạn 2: đây là giai đoạn mà tế bào ung thư đã phát triển ra ngoài lớp cơ hoặc thành ngoài của ống thực quản. Tế bào ung thư cũng có thể đã lan đến vài hạch bạch huyết gần đó.
- Ung thư thực quản giai đoạn 3: ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã tiến sâu hơn và phát triển bên trong thành thực quản, chúng có thể lan ra ngoài thực quản, xâm lấn đến các cơ quan xung quanh và lan đến nhiều hạch bạch huyết hơn.
- Ung thư thực quản giai đoạn 4: còn được gọi là ung thư thực quản giai đoạn cuối hay ung thư thực quản di căn. Tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan bên trong cơ thể ở xa thực quản.
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân ung thư thực quản là gì?
Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng nghiên cứu khoa học cụ thể để xác định nguyên nhân ung thư thực quản. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư thực quản như lối sống sinh hoạt hằng ngày không hợp lý, đột biến gen và yếu tố di truyền.
Bên cạnh đó, các bệnh lý xảy ra ở thực quản cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản như Barrett thực quản, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, hội chứng Plummer – Vinson, nhiễm khuẩn HPV,…
Phần lớn ung thư thực quản xảy ra ở người lớn trên 40 tuổi và có thói quen ăn uống không khoa học, hợp lý, thường xuyên sử dụng các thức uống có cồn và chất kích thích. Bên cạnh đó, nguy cơ mắc ung thư thực quản cũng gia tăng ở người có tiền sử mắc bệnh tiêu hóa, đặc biệt là các bệnh về dạ dày – thực quản. Sau đây là một số trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thực quản so với người bình thường:
- Ung thư thực quản thường xảy ra ở người lớn trên 45 tuổi và tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới gấp 3 lần.
- Nguyên nhân gây ung thư thực quản hàng đầu là thói quen hút thuốc lá thường xuyên và kéo dài.
- Người đã từng mắc các bệnh lý liên quan đến dạ dày và thực quản như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm dạ dày, loét dạ dày, Barrett thực quản, tổn thương thực quản, co thắt tâm vị không được điều trị, túi thừa thực quản, loét thực quản,…
- Gia đình có người đã từng mắc bệnh ung thư thực quản.
- Lối sống không lành mạnh: sử dụng nhiều rượu bia, thức uống có cồn, thực phẩm cay nóng, chứa nhiều chất béo, thực phẩm được chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng,…
- Chế độ ăn ít rau xanh, trái cây và củ quả, không cung cấp đủ hàm lượng chất xơ cho cơ thể.
- Bị ảnh hưởng của các căn bệnh khác như béo phì, đái tháo đường type II, khó nuốt do cơ vòng thực quản không giãn ra.
- Đang xạ trị ung thư cho vùng ngực hoặc phần bụng trên.
Sinh lý bệnh ung thư thực quản
Ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản đa phần phát triển từ các tổn thương ở đoạn ⅓ giữa của ống thực quản. Các tổn thương này ở giai đoạn đầu thường nhỏ, không nghiêm trọng nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các tổn thương dần tiến triển thành ổ loét, ăn sâu vào lớp dưới niêm mạc và lan dần hướng về đoạn đầu thực quản.
Tế bào ung thư có thể di chuyển đến các hạch bạch huyết lân cận thông qua hệ thống bạch huyết. Bên cạnh đó, ⅓ người bệnh ghi nhận tế bào ung thư thực quản di căn xuống gan, phổi và xương, thậm chí nhiều trường hợp còn xâm nhập vào trong tủy xương.
Đối với ung thư biểu mô tuyến thực quản, 60% trường hợp xuất hiện tại đầu xa (⅓ dưới) của thực quản và tại chỗ nối của thực quản – dạ dày. Dạng ung thư thực quản này thường khởi phát từ tình trạng dị sản biểu mô Barrett thực quản (thay thế biểu mô thực quản thành biểu mô dạ dày hoặc ruột). Khi đó, người bệnh sẽ được theo dõi thường xuyên bằng nội soi và sinh thiết để kiểm tra dấu hiệu và đánh giá mức độ loạn sản. Quá trình di căn sớm của ung thư thường xảy ra ở các hạch bạch huyết lân cận. Marker ung thư TP53 có thể được sử dụng để theo dõi dấu hiệu về tình trạng
Triệu chứng và dấu hiệu ung thư thực quản
Các dấu hiệu ung thư thực quản sẽ không biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn sớm, một số triệu chứng thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác, vì vậy người bệnh thường chủ quan và xem nhẹ chúng. Các dấu hiệu chỉ biểu hiện rõ khi các tế bào ung thư thực quản đã tiến triển hoặc trong giai đoạn cuối.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, Cô Bác, Anh Chị nên thực hiện khám sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư thực quản định kỳ, nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu, biểu hiện khi các tế bào ung thư chưa phát triển. Từ đó, bác sĩ sẽ có các biện pháp can thiệp kiệp thời, nâng cao hiệu quả điều trị và tránh các biến chứng nguy hiểm.
Các triệu chứng ung thư thực quản phổ biến
Các triệu chứng ung thư thực quản có thể sẽ không xuất hiện ở giai đoạn sớm. Đến khi các triệu chứng trở nặng, người bệnh không chịu nổi thì mới đến gặp bác sĩ, đa số các trường hợp đến khám ung thư thực quản đã ở trong những giai đoạn cuối, khối u đã phát triển, chèn ép một phần thực quản gây khó khăn khi nuốt, đau và khó chịu, làm hẹp thực quản, thậm chí tế bào ung thư đã có thể di căn sang các cơ quan khác.
Trong trường hợp các tế bào ung thư đã phát triển ở thực quản hoặc trong giai đoạn cuối, các dấu hiệu nhận biết ung thư thực quản sẽ biểu hiện nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng ung thư thực quản có thể xuất hiện như:
- Khó nuốt là triệu chứng thường gặp do sự phát triển của khối u. Bệnh nhân cảm thấy khó nuốt thức ăn tăng dần, nếu ung thư thực quản tiến triển đến giai đoạn cuối, nuốt nước bọt cũng khiến bệnh nhân cảm thấy đau. Ngoài ra, người bệnh có thể bị ho, buồn nôn, nôn ra máu,…
- Đau ngực có thể xuất hiện và dần dần sẽ lan sang vùng lưng.
- Sụt cân không chủ đích.
- Khối u chèn ép dây thần kinh thanh quản gây khàn giọng, mất giọng, ho kéo dài, ho ra máu,…
- Chèn ép dây thần kinh gây đau cột sống, nấc cụt hoặc liệt cơ hoành.
- Khó tiêu, ợ chua, ợ nóng.
- Khó thở do tràn dịch màng phổi ác tính khi bệnh đã di căn sang phổi.
- Tiêu ra phân đen, thiếu máu, thiếu sắt dẫn đến cảm giác mệt mỏi.
- Rò giữa thực quản và phế quản gây áp xe phổi và viêm phổi.
- Các biểu hiện khác có thể xảy ra như cổ trướng ác tính, hội chứng tĩnh mạch chủ trên và đau nhức xương.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Cô Bác, Anh Chị hãy đến gặp bác sĩ tại cơ sở y tế nếu cơ thể xuất hiện một trong những triệu chứng trên càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, hãy thực hiện tầm soát ung thư thực quản theo sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe.
Nếu bản thân có tiền sử bệnh Barrett thực quản thì tỷ lệ mắc bệnh ung thư thực quản sẽ cao hơn so với người bình thường. Hãy trao đổi với bác sĩ về những dấu hiệu và triệu chứng tiêu hóa để được theo dõi và thăm khám thường xuyên nhằm phát hiện bệnh lý ở giai đoạn sớm và kịp thời điều trị dứt điểm.
Phương pháp chẩn đoán ung thư thực quản
Để chẩn đoán ung thư thực quản chính xác, bác sĩ cần kết hợp các thăm khám lâm sàng và phương tiện cận lâm sàng. Từ đó tìm ra nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn, vị trí tổn thương và đưa ra phác đồ điều trị ung thư thực quản phù hợp.
Tiêu chuẩn chẩn đoán ung thư thực quản
Ung thư thực quản không có các xét nghiệm máu sàng lọc để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh mà chỉ định các phương pháp chẩn đoán phù hợp như nội soi thực quản, chụp CT ngực, X-quang và siêu âm.
Nội soi tiêu hóa là tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán các bệnh lý về tiêu hóa. Trong một vài trường hợp, sinh thiết tế bào sẽ được thực hiện để làm giải phẫu bệnh nhằm xác định chính xác tỷ lệ mắc bệnh ung thư thực quản.
Phương pháp xác định giai đoạn ung thư thực quản
Xác định chính xác giai đoạn bệnh cực kỳ quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư thực quản.
Bác sĩ sẽ dựa vào các biểu hiện, triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân hết hợp với các phương pháp cận lâm sàng để xác định vị trí, kích thước cũng như mức độ xâm lấn của các khối u trong thực quản.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ hiểu rõ tình trạng sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị, các triệu chứng gây khó chịu trong cơ thể và dự đoán các nguy cơ có thể xảy ra.
Cô Bác, Anh Chị cần phải nêu rõ tình trạng, dấu hiệu bệnh lý hiện tại cho bác sĩ nắm rõ. Một số câu hỏi Cô Bác, Anh Chị cần trả lời như:
- Các triệu chứng diễn ra như thế nào? Đã xuất hiện trong thời gian bao lâu và Cô Bác, Anh Chị cảm thấy như thế nào?
- Trước đây Cô Bác, Anh Chị có mắc bệnh lý tiêu hóa nào khác không?
- Trong gia đình có người thân mắc bệnh ung thư thực quản, Barrett thực quản hay trào ngược dạ dày – thực quản không?
- Các loại thuốc Cô Bác, Anh Chị đang sử dụng là gì? Cô Bác, Anh Chị có dị ứng với loại thuốc nào không?
Bên cạnh đó, để các chẩn đoán lâm sàng được chính xác hơn Cô Bác, Anh Chị cần mang theo sổ theo dõi khám sức khỏe, các loại giấy xét nghiệm, ảnh chụp nội soi, siêu âm đã thực hiện trước đó.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Sau khi có kết quả khám tổng quát, bác sĩ sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện một hoặc nhiều phương tiện cận lâm sàng phù hợp để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
Xét nghiệm
Cô Bác, Anh Chị cũng có thể sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm máu cơ bản bao gồm phân tích tế bào máu ngoại vi, điện giải đồ và xét nghiệm chức năng gan.
Các xét nghiệm này sẽ giúp các bác sĩ kiểm tra tình trạng của cơ thể thông qua các chỉ số máu nhằm loại trừ các bệnh lý liên quan.
> Tìm hiểu thêm: Các xét nghiệm tầm soát ung thư phổ biến
Nội soi ống tiêu hóa
Nội soi thực quản sẽ giúp bác sĩ quan sát toàn bộ ống thực quản, từ đó xác định chính xác vị trí các tế bào đột biến hoặc có nguy cơ biến chứng thành ung thư.
Dây nội soi có gắn camera với độ phóng đại trên 500 lần sẽ hỗ trợ bác sĩ soi đến cấp độ tế bào để chẩn đoán bệnh, vì thế hạn chế xâm lấn cho người bệnh.
Ngoài khảo sát thực quản, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi toàn bộ ống tiêu hóa trên để loại trừ các bệnh lý liên quan như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản, Barrett thực quản,…
Chẩn đoán hình ảnh
Sau khi kết quả chẩn đoán ung thư thực quản được xác nhận, các bác sĩ sẽ sử dụng kết quả của các phương pháp sau để lên phác đồ điều trị ung thư thực quản phù hợp với tình trạng sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị cũng như tình trạng bệnh lý đang tiến triển. Các chẩn đoán hình ảnh được tin cậy và đánh giá cao bao gồm:
- Siêu âm nội soi (EUS) được dùng để xác định mức độ xâm lấn của các khối u bên trong thành thực quản và các hạch bạch huyết xung quanh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) tại bụng và ngực với mục đích xác định vị trí, kích thước khối u và mức độ lan rộng.
- Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET)
- Chụp X-quang có sử dụng chất cản quang Bari giúp bác sĩ quan sát rõ hơn các vấn đề bất thường bên trong thực quản.
Thông qua hình ảnh các bác sĩ có thể xác định tình trạng ung thư của Cô Bác, Anh Chị đang nằm ở giai đoạn nào và bước tiếp theo trong quá trình điều trị. Từ đó, các bác sĩ sẽ lên phác đồ và kết hợp các phương pháp điều trị để mang lại hiệu quả cao nhất dành riêng cho Cô Bác, Anh Chị.
Ngoài ra, theo khuyến cáo, người từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư tiêu hóa và tiếp tục thực hiện mỗi 2 năm 1 lần nếu có tổn thương tiền ung thư cần theo dõi. Phương pháp này giúp Cô Bác, Anh Chị phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống.
endoclinic.vn là Trung tâm hiếm hoi chuyên sâu về Nội soi & Chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa, trong đó có tầm soát ung thư thực quản.
Khi có dấu hiệu bất thường ở thực quản, Cô Bác, Anh Chị có thể đến với trung tâm nội soi dạ dày endoclinic.vn để được Bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thăm khám kỹ càng và chỉ định thực hiện các phương pháp cận lâm sàng cần thiết. Bên cạnh đó, endoclinic.vn còn đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, hỗ trợ quá trình nội soi và chẩn đoán của bác sĩ.
Đặc biệt, endoclinic.vn được Sở Y Tế TP. HCM cấp phép đạt chuẩn thực hiện Nội Soi Tiêu Hoá Không Đau (Nội Soi Tiền Mê) giúp Khách hàng giảm căng thẳng và lo lắng, đồng thời đảm bảo hiệu quả chẩn đoán tầm soát ung thư chính xác lên tới 95% – 99%.
> Quý Khách hàng có thể tìm hiểu thêm về dịch vụ tại đây: Tầm soát ung thư tiêu hóa.
Tiên lượng và biến chứng ung thư thực quản
Ung thư thực quản nếu được phát hiện trong giai đoạn đầu thì hoàn toàn có thể chữa khỏi. Ngược lại nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể bước sang giai đoạn muộn với tiên lượng bệnh rất xấu và việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và tính mạnh của người bệnh.
Tiên lượng ung thư thực quản
Tiên lượng ung thư thực quản phụ thuộc vào giai đoạn bệnh được phát hiện. Nếu phát hiện trong giai đoạn sớm, ung thư thực quản có thể được chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên, phần lớn các trường hợp mắc bệnh ung thư thực quản hiếm khi được chữa khỏi do bệnh nhân thường phát hiện trễ, xem thường các dấu hiệu, cố gắng chịu đựng hoặc đến khám khi ung thư thực quản ở giai đoạn cuối.
Theo Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), tỷ lệ điều trị thành công và tiên lượng sống còn trên 5 năm của bệnh nhân ung thư thực quản ở giai đoạn sớm (khi tế bào ung thư còn khu trú ở lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc) là 47%.
Khi các tế bào ung thư bắt đầu xâm lấn đến thành thực quản hoặc di căn đến các bộ phận khác (giai đoạn cuối) thì tỉ lệ này cũng giảm dần theo từng giai đoạn.
Biến chứng ung thư thực quản
Mặc dù ung thư thực quản có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm, tuy nhiên, nếu bệnh nhân không điều trị sớm, các tế bào ung thư sẽ tiếp tục phát triển, dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc gây ra một số bệnh lý tiêu hóa khác. Một số biến chứng ung thư thực quản nghiêm trọng như:
- Tắc nghẽn thực quản: do sự phát triển của khối u bên trong lòng thực quản ngày càng to dẫn đến chèn ép ống thực quản, gây khó nuốt khi ăn thậm chí gây đau khi nuốt nước bọt.
- Khàn tiếng, mất giọng: các khối u có thể chèn ép lên dây thanh quản gây khàn giọng, khó phát âm, đau khi nói, lâu ngày có thể khiến Cô Bác, Anh Chị mất giọng.
- Đau buốt: khi ung thư trở nặng, chúng sẽ gây đau khi ăn, khi nói chuyện tại vùng họng, đôi khi sẽ gây đau ngực, khó thở nếu ung thư đã lan đến phổi.
- Xuất huyết thực quản: khối u có thể loét gây chảy máu bên trong lòng thực quản. Mặc dù chảy máu thường rỉ rả nhưng nó có thể xuất hiện đột ngột và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Sụt cân không kiểm soát: do các biến chứng của ung thư thực quản gây đau khi nuốt, nuốt khó vì thế bệnh nhân sẽ thường cảm thấy chán ăn, buồn nôn, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể dẫn đến cân nặng sụt giảm không kiểm soát.
Các biến chứng ung thư thực quản thường xuất hiện khi bệnh tiến triển đến những giai đoạn cuối (giai đoạn 3, 4). Các tế bào đột biến tăng sinh không kiểm soát khiến khối u ngày càng lớn, chèn ép lên thực quản và các cơ quan lân cận, đồng thời tế bào ung thư cũng đã bắt đầu di căn đến các cơ quan ở xa trong cơ thể.
Phương pháp điều trị ung thư thực quản
Nguyên tắc chung khi điều trị ung thư thực quản là bác sĩ phải xác định được giai đoạn bệnh, vị trí, kích thước của khối u, đồng thời nắm bắt được mong muốn của bệnh nhân để đưa ra các phác đồ điều trị ung thư thực quản phù hợp và hiệu quả.
- Đối với ung thư giai đoạn 0, 1 và 2, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u, đồng thời có thể kết hợp với hóa xạ trị trước phẫu thuật để làm giảm kích thước khối u, tăng tỷ lệ phẫu thuật thành công và điều trị dứt điểm nguy cơ gây ung thư.
- Trong giai đoạn 2 và 3, khi kích thước khối u đã lớn, bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng phương pháp hóa xạ trị bổ trợ để làm giảm kích thước khối u, không cho tế bào ung thư lan sang các cơ quan khác. Khi khối u giảm đến kích thước phù hợp, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.
- Riêng đối với ung thư thực quản giai đoạn cuối, bác sĩ sẽ thường không chỉ định điều trị ung thư thực quản bằng phẫu thuật mà thay vào đó là điều trị giảm nhẹ kết hợp hoá trị liệu.
Phẫu thuật ung thư thực quản
Ngoài ung thư thực quản giai đoạn cuối, phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp điều trị ung thư hiệu quả nhất. Đối với các tổn thương đã được khẳng định chỉ ở bề mặt niêm mạc bằng siêu âm nội soi có thể điều trị cắt hớt niêm mạc (EMR) hoặc bóc dưới niêm (ESD) qua nội soi. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u và các mô lành tính xung quanh, đồng thời loại bỏ tất cả các hạch bạch huyết gần đó và một phần phía trên dạ dày để loại bỏ triệt để yếu tố gây ung thư.
Sau khi cắt bỏ một phần thực quản, dạ dày sẽ được kéo lên nối với phần thực quản còn lại và tạo hình dạ dày bằng ruột non hoặc đại tràng. Phẫu thuật tạo hình thực quản phải đảm bảo lưu thông xuống dạ dày phù hợp vì cắt thực quản thường kèm với cắt thần kinh phế vị hai bên.
Trong một số trường hợp, một phần dạ dày cũng sẽ được cắt bỏ cùng với thực quản và phần còn lại của dạ dày sẽ được tạo hình lại cho phù hợp. Các phương pháp hóa xạ trị tân bổ trợ hoặc hóa trị đơn thuần không xạ trị cũng có thể được cân nhắc trong một số trường hợp. Các biến chứng sau phẫu thuật ung thư thực quản có thể xảy ra bao gồm:
- Rò miệng nối.
- Xuất huyết tại miệng nối gây nhiễm trùng.
- Trào ngược dạ dày – thực quản.
- Hội chứng Dumping.
- Đau rát vùng ngực do trào ngược dịch mật.
Hóa trị ung thư thực quản
Hóa trị ung thư thực quản không mang lại hiệu quả cao, các khối u đáp ứng kém với phương pháp hóa trị đơn độc. Không có loại thuốc mang lại hiệu quả điều trị cao, tỉ lệ đáp ứng và giảm kích thước khối u chỉ từ 10% – 40%.
Thông thường, các phác đồ điều trị ung thư thực quản sẽ được các bác sĩ kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc và sử dụng trong một khoảng thời gian. Hóa trị liệu có thể được sử dụng cả trước và sau khi phẫu thuật để giảm kích thước khối u và tiêu diệt hoàn toàn tế bào ung thư, đồng thời thuốc hóa trị cũng giúp giảm các triệu chứng do ung thư gây ra.
Một vài tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc hóa trị như:
- Rụng tóc.
- Buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi.
- Lở miệng.
- Đau đớn.
- Ảnh hưởng đến thần kinh, tâm lý.
Xạ trị ung thư thực quản
Trong phần lớn các trường hợp, xạ trị ung thư thực quản sẽ kết hợp với hóa trị đối với các bệnh nhân có khả năng chữa khỏi thấp và một vài trường hợp ung thư đang trong giai đoạn phát triển.
Phương pháp xạ trị chống chỉ định đối với các bệnh nhân xuất hiện rò khí thực quản, do khi khối u nhỏ lại có thể khiến lỗ rò lớn hơn. Ngoài ra, bệnh nhân bị khối u xâm lấn mạch máu cũng không được khuyến khích xạ trị vì bệnh nhân có thể sẽ bị vỡ mạch máu khi khối u nhỏ lại.
Thời gian đầu khi xạ trị, bệnh nhân có thể bị phù nề khiến tình trạng tắc nghẽn thực quản trở nên nghiêm trọng hơn, vì thế bác sĩ có thể phải nong và đặt stent thực quản, trong một số trường hợp, bệnh nhân phải được mở thông dạ dày ra da để đưa chất dinh dưỡng vào nuôi cơ thể.
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình xạ trị bao gồm:
- Màu da bị thay đổi tại vùng bị chiếu bức xạ.
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Chán ăn, mệt mỏi.
- Viêm thực quản, tăng tiết nhầy thực quản.
- Khô miệng.
- Hẹp thực quản.
- Viêm phổi, viêm màng ngoài tim.
- Viêm cơ tim và viêm tủy sống.
Điều trị giảm nhẹ
Điều trị giảm nhẹ giúp hạn chế tắc nghẽn thực quản, giúp bệnh nhân có thể ăn uống dễ dàng hơn, một số phương pháp điều trị giảm nhẹ như nong thực quản bằng bóng, đặt stent thực quản, xạ trị, laser nội soi và liệu pháp quang đông.
Nong thực quản bằng bóng thường ít được sử dụng do chỉ có thể kéo dài trong vài ngày, thay vào đó liệu pháp đặt stent để thông thực quản sẽ hiệu quả hơn và có tác dụng lâu dài hơn. Một ống stent kim loại mềm được đặt vào thực quản giúp bịt lại các vị trí bị rò thực quản do u. Một số loại stent còn có van chống trào ngược đối với các trường hợp đặt gần cơ thắt thực quản dưới gần dạ dày.
Laser nội soi thường dùng để đốt các khối u tạo một đường thông thức ăn xuyên qua các khối u và có thể lặp lại nhiều lần.
Liệu pháp quang động học: các bác sĩ sẽ tiêm một chất dẫn được các mô hấp thụ, khi bác sĩ chiếu một chùm tia vào các mô, chất dẫn này sẽ được kích hoạt và giải phóng các phân tử có tác dụng phá hủy các khối u. Bệnh nhân phải tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong vòng 6 tuần sau điều trị do lớp da sẽ trở nên nhạy cảm với ánh sáng.
Chăm sóc hỗ trợ
Phương pháp chăm sóc hỗ trợ thường dùng để đưa các chất dinh dưỡng vào cơ thể nếu bệnh nhân bị tắc nghẽn thực quản bằng các phương pháp mở thông dạ dày ra da bằng nội soi hoặc phẫu thuật, liệu pháp này sẽ nâng cao hiệu quả điều trị của các phương pháp khác.
Chăm sóc bệnh nhân ung thư thực quản như thế nào?
Ung thư thực quản gây ra rất nhiều những triệu chứng khó chịu đến cho người bệnh. Không những vậy, việc điều trị ung thư cũng gây ra hàng loạt các tác dụng không mong muốn làm người bệnh có thể suy nhược.
Vì thế, việc theo dõi biểu hiện sau điều trị, chế độ ăn uống và sinh hoạt, lịch tái khám là rất quan trọng. Cô Chú, Anh Chị hãy tham vấn kỹ lưỡng với bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết, giúp nhanh chóng hồi phục cũng như ngăn ngừa ung thư thực quản tái phát.
Theo dõi sau điều trị
Cô Bác, Anh Chị cần theo dõi biểu hiện của cơ thể như ghi chép, mô tả cụ thể tất cả các triệu chứng, dấu hiệu gây khó chịu cho cơ thể sau khi kết thúc quá trình điều trị và báo lại với bác sĩ trong lần thăm khám tiếp theo. Những dấu hiệu đó có thể là triệu chứng của ung thư tái phát hoặc tác dụng phụ đến từ đợt phẫu thuật hoặc hoá trị, xạ trị trước đó.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp người bệnh cải thiện sức khỏe đáng kể. Do đó, việc chú ý đến chế độ ăn uống là điều rất cần thiết.
Ung thư thực quản có thể khiến người bệnh khó nuốt và ăn uống không ngon miệng. Vì thế, việc chia nhỏ bữa ăn thành 6-8 bữa một ngày, đồng thời ăn chậm, nhai kỹ và ưu tiên thức ăn mềm, lỏng hoặc các thức uống dinh dưỡng để dễ nuốt hơn.
Người bệnh cũng nên bổ sung đầy đủ calo và protein trong bữa ăn hàng ngày để duy trì sức khỏe, cân nặng. Một số thực phẩm như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gà, cá,… cũng rất tốt cho người bệnh.
Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhiều chất béo, thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn,…
Lối sống
Ngưng hút thuốc lá và hạn chế uống rượu, bia là giải pháp giúp người bệnh giảm thiểu rủi ro ung thư thực quản tái phát. Hạn chế các điều này cũng giúp cho quá trình hồi phục sau điều trị thuận lợi hơn. Ngoài ra, việc tập thể dục điều độ cũng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể. Cô Chú, Anh Chị có thể tham vấn với bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết.
Tái khám
Tần suất tái khám sẽ phụ thuộc vào giai đoạn điều trị bệnh, phương pháp điều trị, hiệu quả sau điều trị và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ có thể tư vấn lịch trình tái khám khác nhau. Thời gian tái khám có thể dao động từ 3 đến 6 tháng/lần trong vòng 2 năm sau điều trị. Khi tình trạng bệnh nhân được cải thiện, thời gian tái khám có thể thay đổi lên thành 6 – 12 tháng/lần trong 3 năm tiếp theo và sau đó tái khám mỗi năm 1 lần.
Cô Chú, Anh Chị hãy tham vấn kỹ lưỡng với bác sĩ về điều này để biết được khoảng thời gian tái khám nào là phù hợp với bản thân.
Những điểm cần lưu ý
Phương pháp phòng ngừa ung thư thực quản
Ung thư thực quản là một bệnh lý nguy hiểm vì các triệu chứng chỉ biểu hiện khi bệnh đã phát triển ở giai đoạn 2,3 và giai đoạn cuối. Vì vậy, để phòng ngừa ung thư thực quản bác sĩ khuyến khích Cô Bác, Anh Chị nên thực hiện tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ. Bên cạnh đó, hãy luôn giữ một chế độ ăn uống, lối sống hợp lí và khoa học, tránh xa các thực phẩm có hại cho sức khỏe, đặc biệt là thuốc lá.
Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện các lời khuyên sau đây để làm giảm nguy cơ và phòng ngừa ung thư thực quản:
- Bỏ thói quen hút thuốc.
- Sử dụng rượu bia hoặc các thức uống có cồn ở mức độ vừa phải tốt nhất là dưới 330ml bia 1 ngày.
- Bổ sung thêm nhiều loại rau xanh hoặc củ quả nhiều màu sắc vào chế độ ăn uống hằng ngày, Cô Bác, Anh Chị cũng nên ăn nhiều trái cây cung cấp chất xơ và vitamin.
- Duy trì cân nặng hợp lí, nếu Cô Bác, Anh Chị đang bị thừa cân hoặc béo phì hãy bắt đầu tập thể dục để giảm cân.
- Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức đề kháng.
Những điều cần lưu ý về ung thư thực quản
- Rượu bia, thuốc lá và nhiễm khuẩn HPV là các yếu tố nguy cơ gây nên ung thư biểu mô tế bào vảy, trong đó, thuốc lá sẽ khiến các dấu hiệu và triệu chứng bệnh ung thư thực quản trở nên nghiêm trọng hơn.
- Barrett thực quản do trào ngược dạ dày mạn tính là một trong những nguyên nhân chính gây nên ung thư biểu mô tuyến.
- Ung thư thực quản giai đoạn sớm sẽ không có dấu hiệu và triệu chứng để nhận biết.
- Ung thư thực quản giai đoạn cuối có thể khiến người bệnh khó nuốt, khàn giọng, mất tiếng, thậm chí nuốt nước bọt cũng khiến bệnh nhân bị đau.
- Các triệu chứng ban đầu thường xuất hiện như khó nuốt, u xâm lấn gây khàn giọng, nói khó, nặng ngực.
- Phẫu thuật là phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư thực quản, tuy nhiên bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với phương pháp hóa xạ trị tân bổ trợ giúp phác đồ điều trị đạt hiệu quả cao hơn.
- Điều trị các triệu chứng gây ra bởi ung thư thực quản có thể đặt stent hoặc phẫu thuật laser qua nội soi làm giảm tắc nghẽn giúp quá trình ăn uống thuận tiện hơn.
Câu hỏi thường gặp
Ung thư thực quản là gì?
Ung thư thực quản là bệnh lý xảy ra khi các tế bào ở lớp niêm mạc thực quản bị đột biến thành tế bào ác tính, lâu ngày tiến triển thành khối u ở ống thực quản, gây nên nhiều triệu chứng khó chịu ở người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết ung thư thực quản là gì?
Dấu hiệu ung thư thực quản thường không xuất hiện ở giai đoạn sớm. Đa số các triệu chứng sẽ biểu hiện ở những giai đoạn cuối như khó nuốt, khó tiêu, ợ nóng, đau ngực, sụt cân không chủ đích,… Theo khuyến cáo, Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp Bác sĩ ngay nếu cơ thể xuất hiện một trong những dấu hiệu bất thường trên để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các phương pháp giúp điều trị ung thư thực quản là gì?
Các cách điều trị ung thư thực quản bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ. Tùy theo giai đoạn bệnh và mong muốn của bệnh nhân mà Bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị phù hợp.
Tài liệu tham khảo
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic.
- Cancer, Esophageal. Esophageal Cancer. Biên tập bởi Gabriela Pichardo. 20 01 2020. https://www.webmd.com/cancer/esophageal-cancer (đã truy cập 06 10, 2021).
- Livstone, Elliot M. Ung thư thực quản. 10 2017. www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/các-khối-u-đường-tiêu-hóa/ung-thư-thực-quản (đã truy cập 06 10, 2021).
- Mayo Clinic Staff. Esophageal cancer. 13 10 2020. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/esophageal-cancer/symptoms-causes/syc-20356084 (đã truy cập 06 10, 2021).
- The American Cancer Society medical and editorial content team. What Is Cancer of the Esophagus? 20 03 2020. https://www.cancer.org/cancer/esophagus-cancer/about/what-is-cancer-of-the-esophagus.html (đã truy cập 06 10, 2021).
- Wint, Carmella. Esophageal Cancer. Biên tập bởi Yamini Ranchod. 13 04 2018. https://www.healthline.com/health/esophageal-cancer (đã truy cập 06 10, 2021).
- Muhammad Masab, MD. Esophageal Cancer. 13 04 2023. https://emedicine.medscape.com/article/277930-overview#a4 (đã truy cập 19 06, 2023).
- Cancer Research UK. Esophageal Cancer. 01 11 2019. https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/oesophageal-cancer/living-with/eating (đã truy cập 19 06, 2023).
- Cleveland Clinic medical professional. Esophageal Cancer. 09 06 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/6137-esophageal-cancer (đã truy cập 19 06, 2023).
- American Cancer Society. Living as an Esophagus Cancer Survivor. 16.03.2022. https://www.cancer.org/cancer/types/esophagus-cancer/after-treatment/follow-up.html (đã truy cập 19 06, 2023).