Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2011, tại các nước châu Á có khoảng 8 đến 23% dân số mắc chứng khó tiêu chức năng. Người trẻ tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh và không có sự khác biệt rõ ràng về nguy cơ bị khó tiêu chức năng giữa nam và nữ. Sự chồng chéo các biểu hiện, triệu chứng của bệnh khó tiêu chức năng với các bệnh lý tiêu hóa khác như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là rất phổ biến.
Tổng quan về chứng khó tiêu chức năng
Chứng khó tiêu chức năng (tên tiếng Anh: functional dyspepsia – FD) là một trong những rối loạn tiêu hóa phổ biến và có thể kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Các dấu hiệu, biểu hiện và triệu chứng khó tiêu chức năng thường xảy ra ở thực quản, dạ dày hoặc tá tràng mà không rõ nguyên nhân.
Khó tiêu chức năng là gì?
Khó tiêu chức năng là thuật ngữ mô tả hội chứng đầy hơi, khó tiêu và đau vùng thượng vị tái diễn mà không có nguyên nhân rõ ràng. Bệnh đặc trưng bởi các dấu hiệu như no sớm, đầy hơi, đau vùng thượng vị hoặc nóng rát vùng thượng vị. Các triệu chứng của khó tiêu chức năng thường liên quan đến ăn uống nhưng không liên quan đến đi tiêu.
Khó tiêu chức năng còn được gọi là đau dạ dày không do loét (non-ulcer stomach pain) hay chứng khó tiêu không do loét (non-ulcer dyspepsia).
Các biểu hiện, triệu chứng của chứng khó tiêu chức năng có thể tương tự với triệu chứng bệnh loét dạ dày – tá tràng, loét thực quản do trào ngược dạ dày thực quản và ung thư dạ dày.
Khó tiêu chức năng có thể kéo dài trong một tháng hoặc lâu hơn. Mặc dù bản chất lành tính nhưng các biểu hiện và triệu chứng khó chịu làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Bệnh lý thường phổ biến ở người trẻ tuổi, nữ giới, người hút thuốc lá và dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) thường xuyên.
Phân loại khó tiêu chức năng
Theo tiêu chuẩn chẩn đoán Rome IV năm 2016, khó tiêu chức năng được phân thành hai nhóm tuỳ thuộc vào triệu chứng lâm sàng nổi trội, bao gồm hội chứng khó chịu sau khi ăn và hội chứng đau thượng vị.
- Hội chứng khó chịu sau ăn (Postprandial distress syndrome – PDS): đặc trưng bởi cảm giác đầy bụng, khó chịu sau ăn, ăn mau no ở các bữa ăn thông thường với tần suất xuất hiện ít nhất 3 ngày / tuần. Các triệu chứng của hội chứng khó chịu sau ăn có thể khởi phát ít nhất 6 tháng trước khi người bệnh thấy các biểu hiện rõ ràng của bệnh lý trong 3 tháng gần nhất.
- Hội chứng đau thượng vị (Epigastric pain syndrome – EPS): đặc trưng bởi cảm giác khó chịu, đau hoặc nóng rát vùng thượng vị xảy ra ít nhất một ngày trong tuần. Các triệu chứng hội chứng đau thượng vị có thể khởi phát ít nhất 6 tháng trước khi người bệnh nhận thấy các biểu hiện rõ ràng của bệnh lý trong 3 tháng gần nhất.
Trong đó, hội chứng khó chịu sau ăn là phổ biến nhất chiếm 61% trường hợp khó tiêu chức năng và 18% người bệnh mắc hội chứng đau thượng vị.
Một số bệnh nhân có biểu hiện cả triệu chứng của khó tiêu chức năng và hội chứng ruột kích thích (IBS), gọi là hội chứng chồng lấp. Tỷ lệ mắc hội chứng ruột kích thích ở những người bệnh có cả hai hội chứng khó chịu sau ăn và hội chứng đau thượng vị sẽ cao hơn so với những người bệnh chỉ bị hội chứng đau thượng vị và thấp nhất ở người bệnh chỉ bị hội chứng khó chịu sau ăn. Người mắc chứng khó tiêu không do loét có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn 8 lần người bình thường.
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân khó tiêu chức năng là gì?
Nguyên nhân khó tiêu chức năng vẫn chưa được xác định, đây là một rối loạn chức năng không do bệnh lý hoặc rối loạn cụ thể nào gây ra.
Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng khó tiêu chức năng, bao gồm:
- Rối loạn nhu động dạ dày – tá tràng: Rối loạn nhu động dạ dày – tá tràng là cơ chế sinh lý bệnh của khó tiêu chức năng. Các rối loạn nhu động bao gồm:
- Chậm làm trống dạ dày: quá trình làm rỗng dạ dày có thể chậm hoặc nhanh (dù không thường gặp) hơn bình thường ở 25% người mắc chứng khó tiêu chức năng. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng tình trạng chậm làm trống dạ dày có thể gây chướng bụng, đầy hơi hay đầy bụng.
- Giảm khả năng giãn dạ dày: xảy ra ở 40% người mắc chứng khó tiêu chức năng. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng tình trạng giảm khả năng giãn dạ dày có thể gây cảm giác no sớm.
- Tăng nhạy cảm dạ dày – tá tràng: là tình trạng tăng nhạy cảm với sự căng tức của phần dạ dày gần (vùng phình vị), với axit dịch vị dạ dày và các chất gây dị ứng trong lòng đường tiêu hóa trên. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng tình trạng tăng nhạy cảm dạ dày – tá tràng có thể gây đau thượng vị sau ăn, ợ hơi và sụt cân.
- Nhiễm vi khuẩn Hp: khoảng 39 – 87% người mắc chứng khó tiêu chức năng có nhiễm vi khuẩn Hp. Theo một số nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng, nhiễm khuẩn Hp làm tăng nguy cơ mắc bệnh khó tiêu chức năng. Các triệu chứng khó tiêu, đau vùng thượng vị có thể giảm sau khi điều trị diệt vi khuẩn Hp.
- Viêm tá tràng mức độ nhẹ: Bệnh viêm tá tràng do tăng bạch cầu ái toan liên quan đến các triệu chứng của bệnh như cảm giác no sớm và đau bụng. Nhiễm trùng, thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, dị ứng thực phẩm và stress có thể là nguyên nhân gây viêm niêm mạc tá tràng.
- Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt không lành mạnh có thể gây bệnh khó tiêu chức năng hoặc khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Một số thói quen không tốt trong ăn uống và sinh hoạt hằng ngày như:
- Chế độ ăn uống không hợp lý: ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, dầu mỡ, gia vị, ăn quá nhanh, không nhai kỹ, ăn quá no trước khi ngủ.
- Thuốc lá, rượu bia: hút thuốc lá hoặc sinh hoạt trong môi trường có người hút thuốc thường xuyên, uống nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Căng thẳng, lo âu, stress.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin và ibuprofen có thể gây ra các tổn thương ở dạ dày.
Dấu hiệu và triệu chứng khó tiêu chức năng là gì?
Triệu chứng khó tiêu chức năng bắt nguồn từ vùng thực quản, dạ dày và tá tràng. Các biểu hiện, triệu chứng khó tiêu chức năng phổ biến bao gồm đau vùng thượng vị, nóng rát vùng thượng vị, đầy bụng sau ăn, ăn nhanh no, đầy hơi vùng bụng trên, buồn nôn, nôn ói và ợ hơi.
Các triệu chứng thường xuất hiện của khó tiêu chức năng là gì?
Các triệu chứng khó tiêu chức năng thường trùng lắp với hội chứng ruột kích thích (IBS) bao gồm đau vùng thượng vị, đầy bụng sau ăn kèm theo đau bụng dưới và chướng bụng. Tuy nhiên, khó tiêu chức năng chỉ ảnh hưởng đến ống tiêu hóa trên, không liên quan đến sự thay đổi thói quen đi tiêu.
Cả hai bệnh lý này đều có thể phát sinh sau khi mắc bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính. Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2011, tại Châu Á có khoảng 1,6 – 49% người mắc chứng khó tiêu chức năng chồng chéo với hội chứng ruột kích thích.
Các triệu chứng khó tiêu chức năng và bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) không kèm theo viêm thực quản cũng có thể tương tự nhau bao gồm ợ chua, buồn nôn, nôn. Người mắc chứng khó tiêu chức năng có thể không có triệu chứng trào ngược nhưng vẫn có nguy cơ tiến triển bệnh trào ngược dạ dày – thực quản trong 10 năm.
Các biểu hiện và triệu chứng phổ biến của chứng khó tiêu chức năng (khó tiêu không do loét) bao gồm:
- Cảm giác nóng rát ở ngực (ợ nóng), đầy bụng, ợ hơi nhiều hoặc buồn nôn sau bữa ăn.
- Ăn nhanh no.
- Đau dạ dày đôi khi có thể xảy ra không liên quan đến bữa ăn hoặc có thể thuyên giảm sau bữa ăn.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nếu có các dấu hiệu và triệu chứng bất thường kể trên kéo dài không thuyên giảm, Cô Bác, Anh Chị nên đến cơ sở y tế (bệnh viện/phòng khám tiêu hóa) để thăm khám hệ tiêu hóa. Các triệu chứng cho thấy tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:
- Nôn ra máu
- Tiêu phân đen, màu hắc ín
- Thiếu máu do thiếu sắt
- Khó thở
- Cơn đau bụng lan đến hàm, cổ hoặc tay
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Khó nuốt
Để chẩn đoán khó tiêu chức năng chính xác, bác sĩ có thể thực hiện một số thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng để xác định nguyên nhân gây khó tiêu, từ đó chẩn đoán chứng khó tiêu chức năng sau khi loại trừ những bệnh lý khác gây ra các triệu chứng tương tự.
Phương pháp chẩn đoán khó tiêu chức năng
Cô Bác, Anh Chị cần thực hiện chẩn đoán phân biệt bệnh khó tiêu chức năng với các bệnh lý tiêu hóa trên, bao gồm:
- Trào ngược dạ dày – thực quản
- Loét dạ dày – tá tràng
- Viêm dạ dày
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Ung thư đường tiêu hóa trên như ung thư dạ dày hoặc ung thư tá tràng.
Tiêu chuẩn chẩn đoán khó tiêu chức năng
Dựa theo tiêu chuẩn chẩn đoán Rome IV 2016, bác sĩ chẩn đoán chứng khó tiêu chức năng khi người bệnh có trên một trong các biểu hiện, triệu chứng sau:
- Khó chịu do đầy bụng sau ăn.
- Khó chịu do cảm giác no sớm.
- Khó chịu do đau vùng thượng vị.
- Khó chịu do nóng rát vùng thượng vị.
Và không có bệnh lý thực thể gây ra các triệu chứng trên.
Các triệu chứng thường xuất hiện rõ ràng trong 3 tháng gần nhất và có thể khởi phát ít nhất 6 tháng trước thời điểm chẩn đoán.
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về tình trạng bệnh, các loại thuốc đang uống để điều trị bệnh (nếu có), cũng như bệnh sử và tiền căn của Cô Bác, Anh Chị và người thân để định hướng chẩn đoán. Bác sĩ thực hiện thăm khám tổng quát, tập trung khám tiêu hóa để kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý nguyên nhân cơ bản.
Cô Bác, Anh Chị sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện một số thăm khám cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe nếu có một trong các triệu chứng sau:
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Người lớn trên 60 tuổi
- Có tiền sử gia đình bị ung thư đường tiêu hóa
- Nôn ói hay đại tiện ra máu
Cận lâm sàng chẩn đoán
Khi thăm khám cận lâm sàng, bác sĩ sẽ cần làm các xét nghiệm, nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh để xác định bệnh lý Cô Bác, Anh Chị mắc phải.
Xét nghiệm
Xét nghiệm máu: giúp loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như chứng khó tiêu chức năng.
Các xét nhiệm tìm vi khuẩn Hp, bao gồm:
- Xét nghiệm kháng thể trong máu để tìm bằng chứng nhiễm khuẩn Hp: nếu kết quả dương tính, Cô Bác, Anh Chị có thể sẽ được tư vấn điều trị mà không cần làm thêm các xét nghiệm khác. Ngoài ra, xét nghiệm máu giúp xác định số lượng hồng cầu để kiểm tra tình trạng thiếu máu của cơ thể.
- Xét nghiệm phân: để tìm sự hiện diện của kháng nguyên Hp trong phân. Xét nghiệm này đặc hiệu hơn xét nghiệm kháng thể trong máu.
- Xét nghiệm hơi thở: đây là phương pháp xác định vi khuẩn Hp được nhiều nước áp dụng, có độ chính xác cao, thực hiện nhanh và không xâm lấn.
Kiểm tra độ pH: Nếu kết quả nội soi không thấy bất thường nhưng bác sĩ nghi ngờ chứng khó tiêu do trào ngược dạ dày – thực quản bác sĩ có thể đo nồng độ axit bên trong thực quản. Thực hiện kiểm tra pH thực quản 24 giờ kể cả khi đã điều trị bằng chất ức chế bơm proton. Phương pháp này sẽ đo lượng axit trong thực quản khi cơ thể ở các trạng thái khác nhau, chẳng hạn như trong khi ăn hoặc ngủ.
Nội soi ống tiêu hóa
Để chẩn đoán loại trừ các bệnh lý như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm hoặc loét dạ dày – tá tràng, hội chứng ruột kích thích, ung thư đường tiêu hóa trên,… gây ra các triệu chứng tương tự chứng khó tiêu chức năng, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi ống tiêu hóa trên.
Nội soi tiêu hóa trên bao gồm nội soi thực quản và nội soi dạ dày bằng một dây soi có gắn camera độ phóng đại trên 500 lần, soi đến cấp độ tế bào kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI giúp chẩn đoán chính xác và đồng nhất kết quả. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi được thực hiện có hoặc không có sinh thiết.
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang cản quang là kỹ thuật sử dụng chất tương phản bari để phủ lên niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng. Phương pháp cho phép bác sĩ gián tiếp đánh giá các bất thường của niêm mạc ống tiêu hóa trên.
Trong một vài trường hợp, bác sĩ chỉ định các xét nghiệm bổ sung như siêu âm bụng, chụp CT, MRI hoặc đánh giá khả năng làm rỗng dạ dày.
Nếu kết quả của các xét nghiệm trên đều âm tính, không tìm ra được các bất thường ở ống tiêu hóa trên. Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán người bệnh bị khó tiêu chức năng.
Phương pháp điều trị khó tiêu chức năng là gì?
Điều trị khó tiêu chức năng giúp cải thiện các biểu hiện, triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh. Một số phương pháp điều trị phổ biến bao gồm dùng thuốc, liệu pháp tâm lý và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.
Nguyên tắc điều trị chung
Trước khi điều trị chứng khó tiêu chức năng, người bệnh có triệu chứng khó tiêu cần được loại trừ chắc chắn các bệnh lý thực thể, đặc biệt là đối với người trên 45 tuổi là độ tuổi có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày. Chính vì vậy, bác sĩ khuyến khích người trên 45 tuổi tầm soát ung thư dạ dày định kỳ.
Phương pháp điều trị khó tiêu chức năng sẽ tập trung vào:
- Điều trị tình trạng nhiễm khuẩn Hp nếu có
- Thay đổi lối sống, sinh hoạt, giảm stress
- Điều trị theo triệu chứng nổi trội
Các phương pháp điều trị khó tiêu chức năng
Điều trị khó tiêu chức năng phụ thuộc vào các dấu hiệu và triệu chứng bệnh, vì vậy các phác đồ điều trị có thể khác nhau ở từng bệnh nhân. Điều trị có thể kết hợp sử dụng thuốc với liệu pháp hành vi, thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt.
Một số lựa chọn điều trị giảm nhẹ các triệu chứng của khó tiêu chức năng, bao gồm:
- Thuốc không kê đơn (OTC) được sử dụng trong vài tuần
- Thuốc theo toa để sử dụng ngắn hạn hoặc dài hạn
- Can thiệp tâm lý
- Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng sẽ giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh có thể không cần sử dụng thuốc để điều trị hoặc có thể sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hoặc kéo dài để kiểm soát các triệu chứng.
Thuốc trị khó tiêu chức năng
Các loại thuốc trị khó tiêu chức năng có thể giúp kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, bao gồm:
- Thuốc giảm đầy hơi: Thuốc làm giảm khí có thành phần simethicone. Thuốc ức chế axit dạ dày – thuốc kháng histamin H2 hay thuốc chẹn H2: Thuốc chẹn H2 không hoạt động nhanh như thuốc kháng axit dạ dày, có tác dụng giảm đau lâu hơn và có thể ngăn sản sinh axit dạ dày lên đến 12 giờ, bao gồm cimetidine , famotidine và nizatidine. Các loại thuốc có tác dụng mạnh hơn những thuốc được nêu trên có thể được kê toa.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Thuốc ức chế sản sinh axit dạ dày mạnh hơn thuốc chẹn H2 và cho phép các mô thực quản bị tổn thương có thời gian chữa lành. Thuốc ức chế bơm proton không kê đơn bao gồm lansoprazole và omeprazole. Những thuốc ức chế bơm proton có tác dụng mạnh hơn cũng có thể được kê đơn.
- Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn Hp: Nếu các xét nghiệm cho thấy vi khuẩn Hp gây viêm loét dạ dày, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh kết hợp với thuốc ức chế axit.
- Thuốc chống trầm cảm liều thấp: Thuốc chống trầm cảm ba vòng và các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) dùng với liều lượng thấp giúp ức chế hoạt động của các tế bào thần kinh kiểm soát cơn đau đường ruột.
- Thuốc trợ vận động (Prokinetic): Thuốc giúp tăng cường làm rỗng dạ dày, từ đó dạ dày sẽ có ít axit còn sót lại hơn, giúp giảm các triệu chứng như đầy hơi, buồn nôn và nôn. Thuốc Prokinetic bao gồm domperidone và metoclopramide.
- Thuốc giảm buồn nôn (chống nôn): Bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống nôn nếu người bệnh có triệu chứng buồn nôn sau khi ăn, bao gồm promethazine, prochlorperazine hoặc meclizine.
Lưu ý: Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc trị khó tiêu chức năng.
Can thiệp tâm lý
Các triệu chứng khó tiêu chức năng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sống hàng ngày của người bệnh. Điều trị tâm lý có thể giúp làm giảm các triệu chứng không điều trị được bằng thuốc. Bác sĩ tâm lý có thể hỗ trợ các kỹ thuật thư giãn, giảm stress trong cuộc sống để ngăn ngừa chứng khó tiêu chức năng tái phát.
Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt
Chưa có nghiên cứu chỉ ra những thực phẩm cụ thể nào có liên quan đến chứng khó tiêu chức năng, tuy nhiên một số thói quen và thực phẩm có thể gây khó tiêu. Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát khó tiêu chức năng.
- Chia nhỏ các bữa ăn, tránh bỏ bữa vì dạ dày rỗng làm cho axit dịch vị kích ứng niêm mạc gây chứng khó tiêu chức năng. Người bệnh nên ăn các bữa ăn nhỏ như bánh quy hoặc trái cây và tránh ăn quá no.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm và đồ uống chứa chất kích thích mạnh gây bài tiết axit như chất béo, đồ cay, thực phẩm có tính axit cao như cà chua, cam quýt và đồ uống có cồn, caffeine.
- Dành thời gian hợp lý cho mỗi bữa ăn, nên ăn chậm, nhai kỹ.
- Giảm căng thẳng, lo âu bằng cách dành thời gian làm những việc yêu thích như nghe nhạc, đọc sách, chơi thể thao,…
- Nâng đầu giường khoảng 15 cm (6 inch) khi ngủ.
- Giữ cân nặng hợp lý vì nếu thừa cân sẽ khiến các triệu chứng trào ngược dạ dày, khó tiêu diễn ra nghiêm trọng hơn.
Một số liệu pháp phối hợp khác
Hiện nay, vẫn chưa có liệu pháp thay thế thuốc được chứng minh là có thể điều trị khó tiêu chức năng. Tuy nhiên, một số liệu pháp bổ sung và thay thế có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó tiêu không do loét khi kết hợp với các phương pháp điều trị từ bác sĩ. Người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ về những liệu pháp điều trị phối hợp này có phù hợp với bệnh lý của bản thân không. Các tùy chọn có thể bao gồm:
- Các phương pháp điều trị bằng thảo dược: bao gồm kết hợp bạc hà và tinh dầu caraway giúp giảm đau. Thuốc Iberogast (STW5) là một chế phẩm dạng lỏng bao gồm chín loại thảo mộc, có thể cải thiện nhu động ruột, giảm co thắt đường tiêu hóa và ngăn sản sinh axit dạ dày. Rikkunshito là thuốc thảo dược của Nhật Bản, giúp giảm các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, chiết xuất lá atisô có thể giúp giảm các triệu chứng buồn nôn, nôn và đau bụng. Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng an toàn trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị bằng thảo dược nào.
- Các liệu pháp thư giãn: các hoạt động như ngồi thiền, tập yoga, tập thể dục có thể giúp người bệnh thư giãn, giảm mức độ căng thẳng.
Những điểm cần lưu ý
Phương pháp phòng ngừa khó tiêu chức năng
Một số biện pháp tại nhà và thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát các biểu hiện và triệu chứng khó tiêu chức năng, bao gồm:
- Bổ sung thêm nhiều loại rau xanh hoặc củ quả nhiều màu sắc vào chế độ ăn uống hằng ngày, Cô Bác, Anh Chị cũng nên ăn nhiều trái cây cung cấp chất xơ và vitamin.
- Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau, dùng đúng liều lượng, nên sử dụng theo tư vấn của bác sĩ, không uống thuốc khi đói.
- Hạn chế hoặc ngừng uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Thay đổi chế độ ăn uống khoa học và hợp lý.
- Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức đề kháng.
- Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Hp cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
Những điều cần lưu ý về chứng khó tiêu chức năng
- Chứng khó tiêu chức năng hay khó tiêu không do loét là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng khó tiêu ở hầu hết dân số châu Á.
- Nguyên nhân gây bệnh khó tiêu chức năng vẫn chưa được rõ. Khó tiêu chức năng có liên quan đến viêm đường tiêu hóa trên và rối loạn nhu động, có thể được kích hoạt bởi tác nhân gây nhiễm trùng, dị ứng hoặc sự thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột.
- Các biểu hiện, triệu chứng chủ yếu của chứng khó tiêu chức năng bao gồm cảm giác khó chịu sau ăn, cảm giác no sớm, đau vùng thượng vị và nóng rát vùng thượng vị.
- Chẩn đoán chính xác chứng khó tiêu chức năng là rất quan trọng để định hướng điều trị hiệu quả và hạn chế các thủ thuật hoặc phương pháp điều trị không cần thiết.
- Bác sĩ cũng khuyến khích tầm soát ung thư tiêu hóa cho người trên 45 tuổi vì các biểu hiện, triệu chứng của chứng khó tiêu chức năng có thể tương tự với triệu chứng các bệnh ung thư đường tiêu hóa khác.
Người bị đầy bụng khó tiêu nên ăn gì?
Để phòng ngừa và cải thiện tình trạng đầy bụng, khó tiêu, Cô Bác, Anh Chị nên lưu ý những thực phẩm nên ăn cũng như hạn chế ăn, bao gồm:
Thực phẩm nên ăn
Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng khó tiêu, bao gồm:
- Ăn thức ăn mềm, loãng, ví dụ như cháo khi có triệu chứng khó tiêu.
- Bổ sung chất xơ từ trái cây như chuối, đu đủ, nho, dứa, cam,…
- Bổ sung chất xơ từ rau củ như rau mùng tơi, rau dền, rau bó xôi, cần tây,…
- Nên ăn sữa chua vì trong sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn. Sữa chua giúp quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn, tạo cảm giác ngon miệng.
Thực phẩm nên hạn chế
Một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng đầy bụng, khó tiêu nghiêm trọng hơn. Cô Bác, Anh Chị nên tránh xa hoặc hạn chế ăn uống các thực phẩm này:
- Thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên, nướng.
- Thức ăn mặn, chứa nhiều muối.
- Thức ăn cay nóng như ớt, sa tế, mù tạt,…
- Các loại thức uống có gas hoặc cồn.
- Một số loại rau như bắp cải, súp lơ, cải xoăn,…
- Một số loại quả như mận, táo,… chứa nhiều đường fructose cũng khiến tình trạng đầy bụng khó cải thiện.
Tài liệu tham khảo
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
- Nicholas J Talley, Thomas Goodsall và Michael Potter. “Functional dyspepsia” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 12 04 2017. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5768602/ (đã truy cập 07 23, 2021).
- Gastroenterol Hepatol. “New classification Rome IV functional dyspepsia and subtypes” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 19 08 2019. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6182037/ (đã truy cập 07 23, 2021).
- J Neurogastroenterol Motil. “Asian consensus report on Functional Dyspepsia” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 09 04 2012. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3325300/ (đã truy cập 07 23, 2021).
- Natalie Silver. Functional dyspepsia causes and treatment. Biên tập bởi Cynthia Taylor Chavoustie. 28 09 2018. https://www.healthline.com/health/functional-dyspepsia (đã truy cập 07 23, 2021).
- —. Functional dyspepsia. 29 01 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/functional-dyspepsia/symptoms-causes/syc-20375709 (đã truy cập 07 23, 2021).