Viêm teo dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Viêm teo dạ dày là một trong các tổn thương tiền ung thư dạ dày làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày trong 5 năm là 0,1%. Nguy cơ tương đối của bệnh ung thư dạ dày dao động từ 1,7 đến 4,9 lần với mức độ viêm teo niêm mạc dạ dày từ vừa đến nặng. Đánh giá mức độ viêm teo dạ dày qua nội soi tiêu hóa theo phân loại Kimura – Takemoto, giúp bác sĩ xác định mức độ, tình trạng của dạ dày để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Viêm teo niêm mạc dạ dày thường xuất phát từ tình trạng viêm dạ dày mạn tính do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) hay viêm dạ dày mạn tính do các yếu tố ngoại sinh hoặc sự bất thường trong hoạt động của hệ thống miễn dịch tấn công vào các tế bào ở niêm mạc dạ dày.

Viêm teo dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Viêm teo dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về viêm teo niêm mạc dạ dày

Viêm teo niêm mạc dạ dày xảy ra khi người bệnh mắc viêm dạ dày mạn tính, kéo dài vài năm. Trong giai đoạn đầu, viêm teo niêm mạc dạ dày sẽ không xuất hiện bất cứ dấu hiệu, triệu chứng nào hoặc người bệnh chỉ có cảm giác bị đau vùng thượng vị. Bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày nếu không được điều trị sớm, có thể dẫn đến ung thư dạ dày, vì vậy, đây cũng có thể xem như là dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư dạ dày.

Viêm teo dạ dày là gì?

Viêm teo dạ dày (tên tiếng Anh: atrophic gastritis) là hậu quả của tình trạng viêm dạ dày mạn tính sau thời gian dài (thường là vài năm). Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) thường là nguyên nhân chính gây tổn thương lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày khiến axit dịch vị ăn mòn niêm mạc dạ dày trong thời gian dài gây viêm teo.

Trong giai đoạn đầu, viêm teo dạ dày có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng hoặc chỉ gây đau vùng thượng vị. Bệnh nhân chủ quan khiến tình trạng viêm dạ dày mạn tính kéo dài trong nhiều năm. Viêm teo niêm mạc dạ dày gây ra các vấn đề tiêu hóa và thiếu hụt chất dinh dưỡng. Đây được xem là giai đoạn đầu tiên trong chu trình phát triển ung thư dạ dày nếu không được điều trị.

Viêm teo dạ dày là hậu quả của tình trạng viêm dạ dày mạn tính sau thời gian dài (thường là vài năm). (Ảnh minh họa sưu tầm)
Viêm teo dạ dày là hậu quả của tình trạng viêm dạ dày mạn tính sau thời gian dài (thường là vài năm). (Ảnh minh họa sưu tầm)

Viêm teo dạ dày có thể được phát hiện thông qua nội soi tiêu hóa trên kèm sinh thiết hoặc thông qua xét nghiệm định lượng pepsinogen huyết thanh (PG). Có hai loại viêm teo dạ dày, bao gồm:

  • Viêm teo dị sản dạ dày tự miễn (AMAG).
  • Viêm teo dị sản dạ dày do môi trường (EMAG).

Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nhưng thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể cải thiện tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày trong cả hai trường hợp.

Viêm teo dị sản dạ dày tự miễn là gì?

Viêm teo dị sản dạ dày tự miễn hay còn gọi là viêm teo dạ dày tự miễn (tên tiếng Anh: autoimmune atrophic gastritis – AMAG) do kháng thể của hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào thành của dạ dày và kháng các thành phần (gồm yếu tố nội và bơm proton H+, K+-ATPase), dẫn đến giảm axit dạ dày và giảm yếu tố nội tại.

Viêm teo dị sản dạ dày tự miễn là bệnh di truyền nhiễm sắc thể thường. Vị trí tổn thương viêm teo niêm mạc dạ dày thường tập trung chủ yếu tại vùng thân và phình vị dạ dày.

Viêm teo dạ dày tự miễn có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Thiếu máu: xanh xao, mệt mỏi do thiếu sắt hoặc thiếu máu ác tính.
  • Các triệu chứng của các bệnh tự miễn khác như bướu cổ do bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto.

Một số biến chứng của viêm teo dạ dày tự miễn, bao gồm:

  • Thiếu vitamin B12 dẫn đến thiếu máu ác tính và có khả năng gây ra bệnh Myelosis.
  • Bệnh nhân AMAG có nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến dạ dày tăng gấp 3 lần.
  • U thần kinh nội tiết (gastric neuroendocrine tumors – gNETs) là loại u phát triển từ các tế bào nội tiết, thường xuất hiện ở đường tiêu hoá như dạ dày, ruột non, ruột thừa, trực tràng, tuyến ức và tuyến tuỵ. Cụ thể là khối u carcinoid.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản.
Hình ảnh nội soi niêm mạc dạ dày teo ở phình vị. Nguồn: sưu tầm MSD Manual
Hình ảnh nội soi niêm mạc dạ dày teo ở phình vị. Nguồn: sưu tầm MSD Manual

Viêm teo dị sản dạ dày do môi trường là gì?

Viêm teo dị sản dạ dày do môi trường (tên tiếng Anh: environmental metaplastic atrophic gastritis – EMAG) do nhiễm vi khuẩn Hp và chế độ ăn uống có chứa hợp chất N-nitroso, uống nhiều rượu bia hoặc ăn quá mặn trong thời gian dài gây viêm dạ dày mạn tính.

Viêm teo dị sản dạ dày do môi trường thường không xuất hiện triệu chứng phổ biến. Các triệu chứng có thể xảy ra do bệnh tiến triển thành loét dạ dày – tá tràng như:

Viêm teo dị sản dạ dày do môi trường có thể gây các biến chứng bao gồm:

  • Loét dạ dày – tá tràng.
  • Ung thư dạ dày biểu mô tuyến.
  • U lympho dạ dày.
  • Ngoài ra, còn có một số bệnh lý tiêu hóa khác như: mày đay mạn tính, bệnh Parkinson, đau nửa đầu, ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, thiếu máu do thiếu sắt và bệnh trứng cá đỏ.

Phân loại mức độ viêm teo niêm mạc dạ dày

Mức độ viêm teo niêm mạc dạ dày được đánh giá thông qua nội soi tiêu hóa dựa vào phân loại Kimura – Takemoto. Phân loại viêm teo niêm mạc dạ dày Kimura được ra đời vào năm 1960, giúp bác sĩ xác định mức độ, tình trạng của người bệnh để đưa phác đồ điều trị hiệu quả.

Mức độ viêm teo niêm mạc dạ dày Kimura được phân loại dựa trên hình ảnh và vị trí của bờ teo niêm mạc dạ dày, phân loại Kimura được chia thành 2 loại chính là viêm teo dạ dày loại kín (C1, C2, C3) và loại mở (O1, O2, O3).

Nội soi xác định bờ teo niêm mạc

Theo phân loại Kimura – Takemoto, bác sĩ cần xác định vị trí của bờ teo niêm mạc dạ dày thông qua nội soi ống tiêu hóa trên để đánh giá mức độ viêm teo.

Bờ teo niêm mạc là ranh giới giữa phần dạ dày bình thường và phần dạ dày có teo niêm mạc. Bác sĩ có thể xác định bờ teo niêm mạc nhờ sự khác biệt giữa màu sắc và độ cao niêm mạc giữa 2 vùng:

  • Vùng niêm mạc dạ dày bình thường có màu đỏ đồng nhất và trơn láng.
  • Niêm mạc dạ dày vùng teo nhạt màu và thấy được mạng mao mạch nằm phía bên dưới.

Để nhận biết rõ ranh giới teo niêm mạc, đầu ống soi nên để cách thành dạ dày từ 5 đến 10 cm.

Hình ảnh nội soi niêm mạc dạ dày có sự khác biệt về mức độ và màu sắc giữa 2 bên viền teo. Nguồn: sưu tầm PubMed Central
Hình ảnh nội soi niêm mạc dạ dày có sự khác biệt về mức độ và màu sắc giữa 2 bên viền teo. Nguồn: sưu tầm PubMed Central

Mức độ viêm teo niêm mạc dạ dày theo phân loại Kimura – Takemoto

Dựa trên hình ảnh và vị trí của bờ teo niêm mạc dạ dày qua nội soi Kimura, viêm teo niêm mạc dạ dày được chia thành 2 loại chính là:

  • Viêm teo niêm mạc dạ dày Kimura loại C – loại kín (Closed type): vị trí bờ teo niêm mạc còn nằm trên bờ cong nhỏ.
  • Viêm teo niêm mạc dạ dày Kimura loại O – loại mở (Open type): vị trí bờ teo niêm mạc đã lan rộng ra thành trước và thành sau của dạ dày.

Trong đó, các mức độ viêm teo niêm mạc dạ dày Kimura của từng loại C và O được chia nhỏ thành C1, C2, C3 và O1, O2, O3.

Dưới đây là bảng phân loại chi tiết về từng mức độ của viêm teo dạ dày và nguy cơ tiến triển thành ung thư dạ dày ở từng mức độ Kimura.

Mức độ viêm teo dạ dày theo phân loại KimuraMô tả vị trí của bờ teo niêm mạc dạ dàyNguy cơ tiến triển thành ung thư dạ dày
C1Đi ngang góc bờ cong nhỏ, dấu hiệu teo niêm mạc chỉ có ở vùng hang vị dạ dàyNhẹ
C2Bắt đầu từ phía bờ cong lớn của hang vị tiến đến phía mặt trước dạ dày và băng ngang qua bờ cong nhỏ tạo ra hình khép kín gần như đối xứng. Các dấu hiệu teo niêm mạc xuất hiện theo hình parabol phía trên góc bờ cong nhỏ nhưng chưa vượt quá ½ phần dưới thân vị dạ dàyNhẹ
C3Tương tự mức độ C2 nhưng dấu hiệu teo niêm mạc đã vượt quá ½ dưới thân vị dạ dàyTrung bình
O1Phạm vi bờ teo niêm mạc dạ dày lan rộng hơn, nằm giữa bờ cong nhỏ và thành trước dạ dày, song song trục dọc của dạ dày trên bờ cong nhỏTrung bình
O2Lan đến giữa thành trước dạ dàyNặng
O3Nằm giữa thành trước và bờ cong lớnNặng

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân viêm teo dạ dày là gì?

Nhiễm Helicobacter pylori kéo dài tiến triển thành viêm dạ dày mạn tính là nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm teo dạ dày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm teo dạ dày tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch tự tấn công các tế bào niêm mạc dạ dày lành.

Nguyên nhân gây viêm teo dạ dày là gì?

Nguyên nhân gây viêm teo dạ dày gồm:

  • Nhiễm khuẩn Hp là nguyên nhân chính gây viêm dạ dày mạn tính kéo dài tiến triển thành viêm teo dạ dày. Khoảng 50% trường hợp viêm teo dạ dày có liên quan đến nhiễm khuẩn H. pylori trong thời gian dài mà không được điều trị.
  • Di truyền ở người bệnh viêm teo dị sản dạ dày tự miễn.

Nhiễm vi khuẩn Hp

Nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn H. pylori thường không biểu hiện triệu chứng trong giai đoạn đầu. Qua thời gian, tình trạng viêm nhiễm nặng dần lên gây viêm teo niêm mạc dạ dày. Nếu không được điều trị, chúng có thể dẫn đến viêm loét dạ dày – tá tràng, thậm chí là ung thư dạ dày.

Phương thức lây truyền vi khuẩn Hp chủ yếu là qua đường miệng, đường phân – miệng và lây nhiễm chéo qua các thiết bị y tế chưa được vệ sinh đạt chuẩn. Cụ thể như sau:

  • Dùng chung vật dụng cá nhân, ăn chung, uống chung với người nhiễm khuẩn Hp.
  • Ăn thực phẩm được nuôi trồng bằng nguồn nước ô nhiễm.
  • Tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất nôn hoặc phân của người nhiễm khuẩn Hp.
  • Có thể bị lây nhiễm chéo do khám chung các thiết bị y tế như nội soi dạ dày, nội soi thực quản, soi tai mũi họng, dụng cụ nha khoa,… Vì vậy, việc vệ sinh tiệt trùng các thiết bị y tế sau mỗi lần sử dụng là rất cần thiết để tránh lây nhiễm vi khuẩn H. pylori.
Nhiễm vi khuẩn Hp là nguyên nhân chính gây viêm dạ dày mạn tính, dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nhiễm vi khuẩn Hp là nguyên nhân chính gây viêm dạ dày mạn tính, dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Yếu tố di truyền

Nguyên nhân gây viêm teo dị sản dạ dày tự miễn (AMAG) là do di truyền khi hệ miễn dịch của người bệnh tự sản sinh ra các kháng thể tấn công nhầm vào các tế bào thành dạ dày. Bình thường axit dạ dày được tiết ra bởi các tế bào thành ở 2/3 trên của dạ dày (phần thân).

Ngoài ra, các kháng thể tấn công làm giảm yếu tố nội tại – một loại protein do tế bào dạ dày tiết ra để hấp thu vitamin B12. Sự thiếu hụt các yếu tố nội tại dẫn đến thiếu vitamin B12 có thể gây ra các bệnh lý như thiếu máu ác tính hoặc các triệu chứng thần kinh như thoái hoá bán cấp.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm teo dạ dày

Nhiễm vi khuẩn H. pylori là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm teo dạ dày. Khoảng 60 – 70% dân số ở các nước đang phát triển như Việt Nam bị nhiễm khuẩn H. pylori. Trong các bệnh nhân nhiễm H. pylori, khoảng 10% người bị nhiễm có nguy cơ mắc bệnh lý viêm loét dạ dày – tá tràng, có thể dẫn đến viêm dạ dày mạn tính, tiến triển đến viêm teo dạ dày.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể bao gồm:

  • Chủng tộc: Viêm teo dạ dày phổ biến ở người gốc Tây Ban Nha và Châu Á. Ngoài ra, viêm teo dị sản dạ dày tự miễn thường gặp ở người gốc Phi, Châu Á, Tây Ban Nha hoặc Bắc Âu.
  • Tiền sử bệnh lý: Người bệnh mắc các bệnh lý như bệnh tuyến giáp, bệnh đái tháo đường tuýp 1, bệnh bạch biến (Vitiligo), bệnh suy tuyến thượng thận (bệnh Addison),… làm tăng nguy cơ bị viêm teo dạ dày tự miễn.
  • Giới tính: Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2013, người Hàn Quốc có tỷ lệ viêm teo dạ dày ở nam giới (43,3%) cao hơn ở nữ giới (37,1%).
  • Độ tuổi: Nguy cơ viêm teo niêm mạc dạ dày tăng dần theo độ tuổi. Trong đó, tỷ lệ viêm teo dạ dày ở bệnh nhân dưới 40 tuổi là 29,9%, ở bệnh nhân trên 60 tuổi là 59,4%.
  • Hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) lâu ngày cũng làm tăng nguy cơ viêm teo dạ dày.

Sinh lý bệnh viêm teo dạ dày

Quá trình viêm teo dạ dày diễn tiến trong thời gian dài khi người bệnh viêm dạ dày mạn tính do nhiễm vi khuẩn H. pylori mà không được điều trị. Nhiễm vi khuẩn Hp gây tổn thương các tế bào biểu mô dạ dày dẫn đến lớp niêm mạc dạ dày bị mỏng đi hoặc viêm teo dạ dày.

Viêm dạ dày mạn tính do nhiễm vi khuẩn H. pylori tiến triển với 2 dạng lâm sàng là viêm dạ dày ưu thế ở hang vị dạ dàyviêm teo dạ dày đa ổ. Ung thư biểu mô dạ dày và viêm loét dạ dày thường mắc phải ở dạng viêm teo dạ dày đa ổ. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở các nước đang phát triển.

 Viêm teo dạ dày diễn tiến trong thời gian dài khi người bệnh viêm dạ dày mạn tính do nhiễm vi khuẩn H. pylori mà không được điều trị . (Ảnh minh họa sưu tầm)
Viêm teo dạ dày diễn tiến trong thời gian dài khi người bệnh viêm dạ dày mạn tính do nhiễm vi khuẩn H. pylori mà không được điều trị . (Ảnh minh họa sưu tầm)

Sinh lý bệnh viêm teo dị sản dạ dày tự miễn

Viêm dạ dày dị sản tự miễn có vị trí tổn thương thường gặp nhất là phình vị và thân vị. Hầu hết bệnh nhân viêm teo dạ dày tự miễn có kháng thể với tế bào thành hoặc kháng thể với yếu tố nội tại. Cơ chế bệnh sinh là do thâm nhiễm tế bào lympho và sự phá hủy đặc hiệu của tế bào thành, tế bào chính vùng thân vị dẫn đến sự giảm hoặc biến mất của các tuyến dạ dày cũng như sự tăng sinh của các tế bào cổ tuyến chưa trưởng thành. Những tế bào này có thể biệt hóa thành dạng tế bào như các tế bào ưa chrôm ở ruột, có khả năng giải phóng histamine từ đó làm tăng nồng độ gastrin. Chính sự tăng sinh của nhóm tế bào này có thể gây nguy cơ hình thành polyp dạ dày.

Trong viêm dạ dày tự miễn, cơ chế tiết dịch vị thông thường của dạ dày bị phá vỡ. Thông thường sự bài tiết axit dạ dày được hoạt hóa bởi men H+K+ATPase ở bề mặt tế bào thành dạ dày. Khi tế bào thành bị phá hủy, axit trong dịch vị và yếu tố nội tại bị suy giảm. Yếu tố nội tại đóng vai trò quan trọng trong hấp thu vitamin B12 cuối hồi tràng. Do vậy, quá trình suy giảm yếu tố nội tại dẫn đến thiếu hụt mạn tính chất cobalamin (vitamin B12). Giảm nồng độ axit trong dịch vị gây ra hiện tượng điều hòa ngược làm giảm somatostatin và tăng bài tiết gastrin từ tế bào G ở hang vị dạ dày. Gastrin lại tác động gián tiếp lên tế bào ưa chrôm ở ruột gây tiết histamine kích thích quá trình bài tiết axit dạ dày. Theo thời gian, các tế bào thành bị phá hủy ngày càng nhiều dẫn đến sản sinh axit dịch vị giảm. Biểu hiện bằng nồng độ pH trong dạ dày tăng và có sự tăng sinh các tế bào ưa chrôm ở ruột.

Sinh lý bệnh viêm teo dị sản dạ dày do môi trường

Nhiễm H. pylori chủ yếu ở vùng hang vị dẫn đến tăng sản xuất gastrin, có thể là do sự suy giảm giải phóng somatostatin cục bộ. Tình trạng này làm tăng axit dịch vị dẫn đến loét tiền môn vị và loét tá tràng.

Tình trạng nhiễm H. pylori tiến triển thành viêm teo niêm mạc dạ dày và giảm sản xuất axit, có thể thông qua tăng sản xuất cục bộ của IL-1β. Người bệnh nhiễm H. pylori chủ yếu ở vùng thân vị có khuynh hướng bị loét dạ dày và ung thư dạ dày.

Chế độ ăn: vi khuẩn trong dạ dày chuyển hóa nitrat có trong thức ăn, hình thành hợp chất N-nitroso gây ung thư. Hợp chất này chuyển sản biểu mô làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Triệu chứng và dấu hiệu viêm teo dạ dày

Trong giai đoạn đầu, các dấu hiệu và triệu chứng viêm teo dạ dày không xuất hiện rõ ràng, nên bệnh thường chỉ được phát hiện khi tiến triển nặng. Viêm teo niêm mạc dạ dày diễn tiến âm thầm theo thời gian và làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày nếu không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng viêm teo dạ dày không xuất hiện rõ ràng, ở mức độ nặng có thể gây ra tình trạng thiếu máu ác tính, chóng mặt. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Triệu chứng viêm teo dạ dày không xuất hiện rõ ràng, ở mức độ nặng có thể gây ra tình trạng thiếu máu ác tính, chóng mặt. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Các triệu chứng viêm teo niêm mạc dạ dày phổ biến

Các triệu chứng viêm teo niêm mạc dạ dày xuất hiện phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ và phân loại Kimura. Một số dấu hiệu nhận biết sớm như sụt cân, buồn nôn, đau bụng, thiếu máu, chóng mặt, tim đập nhanh,…

Viêm teo dạ dày do nhiễm H. pylori có thể làm xuất hiện các triệu chứng sau:

viêm teo dị sản dạ dày tự miễn, người bệnh sẽ bị thiếu hụt vitamin B12 và thiếu máu ác tính gây ra các triệu chứng sau:

  • Tức ngực
  • Tim đập nhanh
  • Mệt mỏi
  • Ù tai
  • Chóng mặt, choáng váng

Một số trường hợp thiếu vitamin B12 có thể gây tổn thương thần kinh khiến người bệnh gặp các triệu chứng như:

  • Rối loạn tâm thần
  • Đi không vững, mất thăng bằng
  • Ngứa ran hoặc tê ở tay, chân.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng kể trên kéo dài, đặc biệt là triệu chứng đau thượng vị, thiếu máu gây choáng váng, tức ngực, người bệnh nên đi thăm khám tại bệnh viện/phòng khám dạ dày ngay. Cô Bác, Anh Chị cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời nếu xuất hiện các triệu chứng viêm teo dạ dày. Cô Bác, Anh Chị không nên tự mua thuốc uống hay cố gắng chịu đựng vì bệnh lý này kéo dài gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ sẽ chỉ định các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Phương pháp chẩn đoán viêm teo niêm mạc dạ dày

Để chẩn đoán viêm teo niêm mạc dạ dày chính xác, xác định các tổn thương, mức độ và phân loại Kimura, bác sĩ sẽ kết hợp khám lâm sàng và các phương tiện cận lâm sàng, giúp kết quả chẩn đoán chính xác và tìm ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về tình trạng bệnh, cũng như bệnh sử của Cô Bác, Anh Chị và người thân để định hướng chẩn đoán. Bác sĩ kiểm tra độ căng của dạ dày bằng cách ấn nhẹ vào một số vùng nhất định của dạ dày. Ngoài ra, bác sĩ cũng thăm hỏi và quan sát Cô Bác, Anh Chị có các dấu hiệu thiếu hụt vitamin B12 như xanh xao, mạch nhanh và suy nhược thần kinh không.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu Cô Bác, Anh Chị làm thêm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây các triệu chứng bệnh lý.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Khi thăm khám cận lâm sàng, bác sĩ sẽ cần làm các xét nghiệm và nội soi tiêu hóa để xác định chính xác vị trí, tình trạng và mức độ viêm teo niêm mạc dạ dày theo phân loại Kimura.

Xét nghiệm

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện các xét nghiệm máu, kiểm tra hơi thở hoặc test urease nhanh (RUT) nếu nghi ngờ nguyên nhân viêm teo dạ dày có liên quan đến nhiễm vi khuẩn H. pylori.

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số sau:

  • Định lượng pepsinogen huyết thanh: Nồng độ pepsinogen trong máu giúp bác sĩ đánh giá được vị trí tổn thương của dạ dày. Nồng độ pepsinogen thấp có thể chẩn đoán sớm nguy cơ bị viêm teo dạ dày và ung thư dạ dày.
  • Nồng độ vitamin B12: Xét nghiệm vitamin B12 đo lượng vitamin B12 trong máu. Đánh giá mức độ thiếu vitamin B12 cần được thực hiện ở những người bệnh được chẩn đoán bị viêm teo dạ dày tự miễn.
  • Định lượng hormone gastrin: Định lượng nồng độ gastrin giúp đánh giá tình trạng tăng bài tiết gastrin từ tế bào G (G-cells) do giảm bài tiết dịch vị dạ dày ở người bệnh viêm teo dạ dày tự miễn.
  • Tìm kiếm các kháng thể kháng tế bào thành và kháng thể kháng yếu tố nội tại có ở người bệnh giúp chẩn đoán loại trừ các bệnh lý khác.

Nếu bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây viêm teo dạ dày là do nhiễm vi khuẩn H. pylori, các xét nghiệm kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn bao gồm:

  • Kiểm tra hơi thở: hay test thở ure là phương pháp được áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Kết quả xét nghiệm vi khuẩn H. pylori có độ nhạy và độ đặc hiệu > 95%.
  • Test urease nhanh (RUT): hay xét nghiệm Clo test được thực hiện bằng cách dùng Ure-Indol để xác định sự tồn tại của vi khuẩn H. pylori khi dung dịch này có hiện tượng chuyển từ màu vàng sang màu hồng. Kết quả xét nghiệm có độ nhạy từ 85% – 95% và độ đặc hiệu từ 95% – 100%.

Nội soi ống tiêu hóa

Để chẩn đoán bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi ống tiêu hóa trên. Nội soi dạ dày là phương pháp thông dụng khi chẩn đoán bệnh lý dạ dày nhờ độ chính xác cao, bên cạnh đó, nội soi còn giúp bác sĩ xác định mức độ viêm teo niêm mạc dạ dày theo phân loại Kimura. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.

Nội soi ống tiêu hóa trên có sinh thiết tế bào niêm mạc dạ dày giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý ở dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nội soi ống tiêu hóa trên có sinh thiết tế bào niêm mạc dạ dày giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý ở dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Biến chứng và tiên lượng của viêm teo dạ dày

Viêm teo dạ dày tự miễn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như thiếu máu ác tính, polyp dạ dày và ung thư biểu mô tuyến dạ dày (Adenocarcinoma).

Ung thư dạ dày diễn tiến qua các giai đoạn trung gian còn được gọi là giai đoạn tiền ung thư, bao gồm:

  • Viêm teo dạ dày là tình trạng lớp niêm mạc dạ dày bị mỏng đi.
  • Chuyển sản ruột là tình trạng tế bào ở niêm mạc dạ dày thay đổi hình thái giống như tế bào ở ruột non và đại tràng.
  • Nghịch sản là tình trạng tế bào ở niêm mạc dạ dày đã có những biến đổi cấu trúc quan trọng hơn theo hướng thoát khỏi cơ chế kiểm soát của cơ thể.

Mỗi giai đoạn nói trên lại có những mức độ thay đổi cấu trúc khác nhau và có các mức độ nguy cơ hình thành ung thư dạ dày khác nhau.

Nguy cơ mắc ung thư dạ dày trong 5 năm tăng dần theo từng giai đoạn tiến triển của các tổn thương tiền ung thư như viêm teo dạ dày là 0,1%, chuyển sản ruột là 0,25%, nghịch sản mức độ nhẹ – vừa là 0,6% và nghịch sản mức độ nặng là 6%.

Tiên lượng sống còn của ung thư dạ dày phụ thuộc vào giai đoạn bệnh được phát hiện. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống còn 5 năm là trên 95%, tỉ lệ sống còn 15 năm đạt tới 94%. Do đó, tầm soát ung thư dạ dày định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu tiền ung thư ở thực quản, dạ dày và tá tràng.

Viêm teo niêm mạc dạ dày không được điều trị có thể dẫn đến ung thư dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tính không được điều trị có thể dẫn đến ung thư dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Phương pháp điều trị viêm teo dạ dày

Để điều trị viêm teo dạ dày có nguyên nhân do nhiễm Helicobacter pylori, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn H. pylori. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ kết hợp thêm thuốc ức chế sản sinh axit dạ dày hoặc trung hòa axit trong dạ dày, giúp lớp niêm mạc mau lành lại.

Cách chữa viêm teo niêm mạc dạ dày do nhiễm vi khuẩn H. pylori cần kết hợp giữa nhiều loại thuốc kháng sinh với thuốc kháng axit.

  • Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn H. pylori: amoxicillin, clarithromycin, metronidazole, tetracycline, hoặc tinidazole.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): dexlansoprazole, esomeprazole, lansoprazole, omeprazole, pantoprazole) hoặc rabeprazole là chất kháng axit được kê đơn, có tác dụng kiểm soát và ức chế sản sinh axit trong dạ dày.
  • Thuốc Bismuth subsalicylate hay còn gọi là thuốc bảo vệ tế bào niêm mạc dạ dày cũng có thể được sử dụng kết hợp với kháng sinh để hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn H. pylori.
  • Thuốc kháng axit hay còn gọi là thuốc kháng histamin H2 (thuốc chẹn H2): cimetidine, famotidine, nizatidine, hoặc ranitidine có tác dụng làm giảm các triệu chứng trong một thời gian ngắn nhưng không có tác dụng điều trị các vết loét.

Lưu ý: Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Cách chữa viêm teo niêm mạc dạ dày do nhiễm vi khuẩn H. pylori cần kết hợp giữa nhiều loại thuốc kháng sinh với thuốc kháng axit.
Cách chữa viêm teo niêm mạc dạ dày do nhiễm vi khuẩn H. pylori cần kết hợp giữa nhiều loại thuốc kháng sinh với thuốc kháng axit.

Để điều trị viêm teo dạ dày tự miễn, người bệnh cần được bổ sung vitamin B12 theo liều lượng chỉ định bằng việc tiêm hay uống vitamin dạng viên và bổ sung chất sắt. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc điều trị viêm teo niêm mạc dạ dày.

> Xem thêm: Cách chữa viêm dạ dày hiệu quả

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa viêm teo dạ dày

Ngoài việc điều trị nội khoa, việc thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt tại nhà cũng giúp kiểm soát, giảm nhẹ các triệu chứng và phòng tránh viêm teo niêm mạc dạ dày.

Tăng cường chế độ ăn giàu vitamin B12 có trong sò, thịt bò, các loại cá béo như cá hồi, trứng, ngũ cốc dinh dưỡng, sữa, sữa chua,… giúp ngăn ngừa các biến chứng do thiếu máu ác tính.

Thay đổi chế độ ăn uống cũng giúp kiểm soát, giảm nhẹ các triệu chứng và phòng tránh viêm teo niêm mạc dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Thay đổi chế độ ăn uống cũng giúp kiểm soát, giảm nhẹ các triệu chứng và phòng tránh viêm teo niêm mạc dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Thay đổi thói quen sinh hoạt và xây dựng lối sống lành mạnh có thể giúp Cô Bác, Anh Chị giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn H. pylori gây viêm teo dạ dày, bao gồm:

  • Hạn chế dùng chung vật dụng cá nhân, ăn chung uống chung với người được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn H. pylori.
  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Hạn chế ăn các món sống như rau sống, gỏi nộm, thịt sống,…
  • Ăn thức ăn được nấu chín hoàn toàn.
  • Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Cần tuân thủ phác đồ điều trị: đúng thuốc, đúng liều, đúng cách sử dụng và đúng thời hạn.
  • Tránh căng thẳng.
  • Hạn chế hoặc ngưng hút thuốc, uống rượu bia.
  • Thường xuyên thăm khám kiểm tra sức khỏe, tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ để phát hiện các bệnh lý về dạ dày và có biện pháp điều trị phù hợp.

Những điều cần lưu ý về viêm teo dạ dày

  • Viêm dạ dày là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng viêm nhiễm ở dạ dày, trong đó viêm teo dạ dày là một dạng mạn tính của bệnh viêm dạ dày.
  • Viêm teo dạ dày tự miễn là một bệnh tự miễn có tính di truyền tấn công vào các tế bào thành dạ dày và yếu tố nội tại. Yếu tố nội tại chịu trách nhiệm giúp cơ thể hấp thụ vitamin B12. Khi không thể hấp thụ đủ B12, người bệnh có thể bị thiếu máu ác tính.
  • Viêm teo niêm mạc dạ dày và viêm teo dạ dày tự miễn đều làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày.
  • Mức độ viêm teo niêm mạc dạ dày Kimura được phân loại dựa trên hình ảnh và vị trí của bờ teo niêm mạc dạ dày, phân loại Kimura được chia thành 2 loại chính là viêm teo dạ dày loại kín (C1, C2, C3) và loại mở (O1, O2, O3).
  • Theo phân loại Kimura, bác sĩ cần xác định vị trí của bờ teo niêm mạc dạ dày thông qua nội soi ống tiêu hóa trên để đánh giá mức độ viêm teo.
  • Chẩn đoán bệnh viêm teo dạ dày cần thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra đánh giá các chỉ số trong máu và nội soi ống tiêu hóa trên.
  • Viêm teo dạ dày tự miễn có tiên lượng tốt nếu phát hiện và điều trị sớm. Cách chữa viêm teo niêm mạc dạ dày giúp ngăn ngừa các biến chứng do thiếu máu ác tính gây ra là tiêm vitamin B12.
  • Một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, khoa học có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư.

Người mắc bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày nên ăn gì?

Đối với bệnh nhân đang điều trị viêm teo niêm mạc dạ dày, người đã từng mắc bệnh hoặc có nguy cơ cao nên thực hiện các chế độ ăn uống khoa học, người bệnh có thể tham khảo một vài lời khuyên sau:

  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C có trong rau củ và trái cây như cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh, cần tây, ổi, cam, nho đen, ớt vàng ngọt,… Lưu ý, Cô Bác, Anh Chị sử dụng thực phẩm có tính chua và bổ sung vitamin C cần hạn chế vì dạ dày bị tổn thương rất nhạy cảm với tính chua.
  • Nên ăn các loại ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, nếp lứt, yến mạch và các loại hạt như mè, đậu xanh, đậu nành,…
  • Chế biến thức ăn nên thái nhỏ nguyên liệu, cần nấu thực phẩm chín kỹ, có độ mềm. Thức ăn mềm sẽ làm giảm áp lực cho dạ dày khi co bóp nghiền nát thức ăn.
  • Chia nhỏ các bữa ăn, không nên ăn quá no vì dạ dày sẽ cần tiết ra nhiều axit hơn bình thường để tiêu hóa thức ăn.
  • Ăn chậm, nhai kỹ giúp tiết ra nhiều nước bọt hơn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn và làm trung hòa tính axit trong dạ dày.
  • Hạn chế ăn đồ cay, nóng, đồ uống quá lạnh, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Hạn chế vận động mạnh hay mang vác vật nặng ngay sau khi vừa ăn xong.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Duc Trong Quach; Toru Hiyama. “Assessment of Endoscopic Gastric Atrophy according to the Kimura-Takemoto Classification and Its Potential Application in Daily Practice.” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 22 07 2019. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6680010/ (đã truy cập 06 12, 2021).
  3. Fletcher, Jenna. What to know about atrophic gastritis. Biên tập bởi Saurabh Sethi. 16 06 2018. https://www.medicalnewstoday.com/articles/322153 (đã truy cập 06 12, 2021).
  4. Helen Colledge. Atrophic Gastritis: Causes, Symptoms, & Treatment. Biên tập bởi Justin Choi. 17 09 2018. https://www.healthline.com/health/atrophic-gastritis (đã truy cập 06 12, 2021).
  5. Mehdi Raza; Harshil Bhatt. “Atrophic Gastritis.” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 08 08 2021. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK563275/ (đã truy cập 09 07, 2021).
  6. Nafea Zayouna; Michael H Piper; Francisco Talavera; BS Anand; Gregory William Rutecki; Simmy Bank; Sandeep Mukherjee; Antonia R Sepulveda. Atrophic Gastritis. 20 12 2018. https://emedicine.medscape.com/article/176036-overview (đã truy cập 06 12, 2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?

Chia sẻ nội dung: