Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2021, rò hậu môn là một trong những bệnh lý đại tràng – hậu môn khá phổ biến. Tỷ lệ nam giới bị rò hậu môn cao hơn nữ giới, với tỷ lệ lần lượt là 12,3 và 5,6 trên 100.000 người. Độ tuổi trung bình khi các triệu chứng rò hậu môn xuất hiện là 38 tuổi, hầu hết xảy ra từ 20 – 40 tuổi. Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển lỗ rò hậu môn bao gồm béo phì, đái tháo đường, hút thuốc, tăng lipid máu và lối sống ít vận động.
Tổng quan về bệnh rò hậu môn
Bệnh rò hậu môn tuy không phải là một bệnh lý có thể đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên nếu người bệnh không được thăm khám và điều trị sớm, rò rỉ hậu môn có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc hằng ngày, đặc biệt là bệnh rò hậu môn có nguy cơ tiến triển thành bệnh ung thư trực tràng hoặc ung thư hậu môn.
Bệnh rò hậu môn là bệnh lý nhạy cảm vì vậy, nhiều người thường chủ quan hoặc có tâm lý e ngại không chữa trị sớm, cố gắng chịu đựng đến khi bệnh tự khỏi, trong một số trường hợp, bệnh tái phát nhiều lần sẽ gây ra các triệu chứng nguy hiểm hơn và làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh lý tiêu hóa khác..
Rò hậu môn là gì?
Rò hậu môn (tên tiếng Anh: Anal fistula) là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện một hoặc nhiều đường thông bất thường giữa ống hậu môn và da xung quanh hậu môn. Đây thường là di chứng của một áp xe (ổ mủ) ở hậu môn – trực tràng không được điều trị, sau một thời gian áp xe vỡ ra và tạo thành đường rò. Áp xe xảy ra khi các tuyến nhỏ tạo chất nhờn nằm ngay bên trong hậu môn bị tắc và nhiễm trùng. Ngoài ra, rò rỉ hậu môn có thể do các bệnh lý tiêu hóa khác gây ra như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, ung thư hậu môn,…
Như vậy, bệnh rò hậu môn và áp xe trực tràng là 2 giai đoạn của một quá trình bệnh lý, áp xe là giai đoạn cấp tính, rò hậu môn là giai đoạn mạn tính. Triệu chứng rò hậu môn thường thấy sau một thời gian ổ áp xe quanh hậu môn – trực tràng tự vỡ. Vết thương có thể tự liền lại nhưng sẽ để lại một hoặc nhiều lỗ thứ phát, đóng vẩy khô, thỉnh thoảng chảy mủ, dịch hồng hoặc cả hai và tái đi tái lại nhiều lần.
Bệnh rò hậu môn còn được gọi là rò hậu môn trực tràng hay bệnh mạch lươn.
Phân loại rò hậu môn
Dựa vào hình thái, vị trí, đặc điểm của từng loại rò hậu môn mà bệnh lý được phân loại dựa vào hình thái và tiêu chuẩn phân loại Parks.
Phân loại rò hậu môn theo hình thái bao gồm 4 loại là rò hoàn toàn, rò không hoàn toàn, rò phức tạp, rò đơn giản.
Ngoài ra, nếu phân loại rò hậu môn theo tiêu chuẩn Parks cũng bao gồm 4 loại bao gồm rò liên cơ thắt, rò xuyên cơ thắt, rò trên cơ thắt, rò ngoài cơ thắt.
Bệnh rò hậu môn được phân loại dựa theo hình thái
Phụ thuộc vào hình dáng, vị trí, cấu tạo của các đường rò và lỗ rò mà bệnh rò hậu môn được chia thành 4 loại sau đây:
- Rò hoàn toàn: hậu môn người bệnh sẽ xuất hiện hai lỗ rò trong và ngoài thông với nhau tạo thành đường rò hậu môn.
- Rò không hoàn toàn: đường rò không có lỗ rò trong hay còn gọi là rò chột.
- Rò phức tạp: còn được gọi là rò móng ngựa, đường rò cấu tạo ngoằn ngoèo nhiều ngóc ngách, nhiều lỗ thông ra ngoài da. Rò hậu môn hình móng ngựa là một đường rò phức tạp có điểm xuất phát nằm ở vị trí 6h. Áp xe lan vào khoang hố ngồi trực tràng, vỡ ra và tạo thành một thể rò đặc biệt có hình móng ngựa.
- Rò đơn giản: đường rò thẳng, ngắn và ít nhánh.
Phân loại rò hậu môn theo Parks
Phân loại rò hậu môn theo Parks sẽ dựa vào đường lược và vị trí các lỗ rò, đường rò xuất hiện so với cơ thắt. Theo tiêu chuẩn Parks, người bị rò hậu môn được chia thành 4 nhóm sau:
- Rò liên cơ thắt (intersphincteric fistula): thường do áp xe quanh hậu môn, đường rò bắt đầu ở đường lược qua cơ thắt trong đến không gian liên cơ giữa cơ thắt trong và cơ thắt ngoài, kết thúc ở da quanh hậu môn hoặc đáy chậu. Khoảng 70% trường hợp xuất hiện triệu chứng rò hậu môn liên cơ thắt. Giai đoạn áp xe ở thể này có dấu hiệu rất đặc trưng gồm đau nhức hậu môn rất khó chịu, mất ngủ về đêm kèm theo sốt, khám ngoài hậu môn có khi không phát hiện bất kỳ dấu hiệu đặc trưng nào. Thăm trực tràng phát hiện cơ thắt có thể hơi giãn và khi ấn thành trực tràng nơi có áp xe rất đau.
- Rò xuyên cơ thắt (transsphincteric fistula): thường do áp xe ở hố ngồi trực tràng, đường rò cắt ngang qua cơ thắt hậu môn. Khoảng 25% người bệnh bị rò hậu môn xuyên cơ thắt.
- Rò trên cơ thắt (suprasphincteric fistula): thường do áp xe trên cơ nâng hậu môn, đường rò bắt đầu ở đường lược và vòng xuống trên cơ thắt ngoài. Người bị rò hậu môn trên cơ thắt chiếm khoảng 5% trong tổng số các ca bệnh.
- Rò ngoài cơ thắt (extrasphincteric fistula): thường do chấn thương, dị vật, nhiễm trùng, bệnh Crohn, ung thư biểu mô ở vùng đại tràng chậu hông – trực tràng. Đường rò bắt đầu từ da quanh hậu môn lan đến các cơ vòng hậu môn, thành trực tràng, nằm hoàn toàn bên ngoài cơ vòng, có hoặc không có kết nối với đường lược. Khoảng 1% trường hợp xuất hiện các triệu chứng rò hậu môn ngoài cơ thắt.
Với mỗi loại rò kể trên, phương pháp và hiệu quả điều trị sẽ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp người bệnh được bác sĩ chỉ định thực hiện phẫu thuật.
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân rò hậu môn là gì?
Nguyên nhân rò hậu môn thường là do áp xe tuyến hậu môn. Tuyến hậu môn nằm giữa cơ vòng hậu môn trong và ngoài, tiết dịch vào ống hậu môn. Nếu ống tuyến này bị tắc nghẽn, vi khuẩn đường ruột tích tụ tạo thành một túi chất lỏng và mô bị nhiễm trùng sưng lên gọi là áp xe. Áp xe vùng hậu môn – trực tràng nếu không được điều trị có thể lan đến bề mặt da tạo thành một đường rò. Khi áp xe vỡ hay được rạch tháo mủ sẽ tạo thành một đường thông từ lỗ trong (ống tuyến) với lỗ ngoài (nơi áp xe vỡ) qua một đường rò.
Những nguyên nhân rò hậu môn phổ biến
Biến chứng của nhiễm trùng áp xe là một trong những nguyên nhân rò hậu môn. Nhiễm trùng tại vùng hậu môn – trực tràng tạo thành các ổ áp xe. Các đường rò nguyên phát hoặc thứ phát hình thành sau áp xe nếu bệnh không được điều trị đúng cách và triệt để.
Sự hình thành ổ áp xe tại trực tràng và rò hậu môn là hai giai đoạn của một quá trình bệnh lý. Trong đó, ổ áp xe xuất hiện ở giai đoạn cấp tính, lỗ rò hậu môn được tìm thấy khi bệnh mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm ổ áp xe tại trực tràng là một trong những biện pháp phòng tránh bệnh rò hậu môn hiệu quả nhất.
Những nguyên nhân rò hậu môn ít phổ biến hơn bao gồm:
- Bệnh Crohn hoặc một số bệnh viêm ruột khác.
- Bệnh lao: người bệnh có tiền sử lao phổi, lao ruột hay lao nội tạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh rò hậu môn. Triệu chứng rò hậu môn do lao có đặc tính hình thành nhiều lỗ rò ngoài, kèm với mảng da xám xịt.
- Viêm túi thừa: nhiễm trùng các túi thừa ở đại tràng.
- Viêm tuyến mồ hôi mủ: một tình trạng bệnh lý ở da gây ra áp xe và sẹo.
- Chấn thương: như dị vật hậu môn – trực tràng, nứt hậu môn, xạ trị,…
- Ung thư: rò cạnh hậu môn có thể do các bệnh lý nghiêm trọng gây ra như ung thư ống hậu môn, ung thư trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư các tạng trong ổ bụng,…
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Biến chứng sau phẫu thuật trĩ, cắt tầng sinh môn sau sinh,…
- Một số yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh: táo bón mạn tính, vệ sinh vùng hậu môn không đúng cách, đã từng phẫu thuật tại vùng hậu môn – trực tràng,…
Rò trực tràng – âm đạo có thể là thứ phát sau bệnh Crohn, chấn thương phụ khoa, tia xạ hoặc ung thư. Bệnh rò hậu môn ở trẻ sơ sinh thường do bẩm sinh và xuất hiện phổ biến ở bé trai.
Những ai có nguy cơ bị bệnh rò hậu môn?
Người mắc một số bệnh lý ống tiêu hóa dưới hoặc vùng hậu môn làm tăng nguy cơ bị rò hậu môn, đặc biệt là người mắc bệnh áp xe hậu môn nếu không được điều trị kịp thời. Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Viêm đại tràng
- Viêm túi thừa
- Bệnh Crohn
- Bệnh lao
- Xạ trị ung thư đại – trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt
- Nhiễm HIV
Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng rò hậu môn
Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng rò hậu môn phổ biến là xuất hiện những nốt nhỏ ở hậu môn hoặc tầng sinh môn. Những nốt nhỏ này thường xuyên chảy dịch vàng, có mùi hôi. Khi người bị rò hậu môn xì hơi, phân sẽ bị rỉ qua lỗ rò, khiến hậu môn xuất hiện mụn mủ, sưng nóng, căng rát, đau tức,… Khi quan hệ tình dục sẽ rất khó chịu và đau rát vùng hậu môn.
Triệu chứng của người bị rò hậu môn thường xuất hiện sau một thời gian ổ áp xe bị vỡ. Vết thương tại các lỗ rò có thể tự lành, nhưng sẽ để lại một hoặc nhiều lỗ thứ phát, đóng vẩy khô, thỉnh thoảng chảy mủ, dịch hồng hoặc cả hai, tái đi tái lại nhiều lần dẫn đến rò hậu môn tái phát.
Các triệu chứng và dấu hiệu rò hậu môn phổ biến là gì?
Các triệu chứng và dấu hiệu rò hậu môn thường xuất hiện giúp Cô Bác, Anh Chị nhận biết bao gồm:
- Áp xe hậu môn xuất hiện thường xuyên.
- Đau và sưng quanh hậu môn.
- Tiết dịch có máu và/hoặc mủ, có mùi hôi từ một lỗ xung quanh hậu môn. Cơn đau có thể giảm sau khi lỗ rò đã chảy dịch.
- Kích ứng da xung quanh hậu môn do dịch tiết ra ngoài.
- Đau khi đại tiện.
- Tình trạng nhiễm trùng có thể gây sốt, ớn lạnh và mệt mỏi.
- Đôi khi thấy ngứa hay xì hơi qua lỗ rò.
- Thăm khám thấy tại chỗ rò mô cứng chắc, ấn vào đau. Một que thăm dò có thể được đưa vào lỗ rò giúp xác định được độ sâu của đường rò, cũng như đầu trong lỗ rò.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Cô Bác, Anh Chị cần đến gặp bác sĩ ngay khi cơ thể xuất hiện một trong các dấu hiệu, triệu chứng rò hậu môn nêu trên. Bên cạnh đó, để tránh sự nhầm lẫn giữa bệnh rò hậu môn, bệnh trĩ và các bệnh lý về đường tiêu hóa khác, Cô Bác, Anh Chị cần được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, người bị rò hậu môn cần chú ý một số triệu chứng rò hậu môn nghiêm trọng sau đây:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Sưng tấy, đỏ hậu môn
- Xuất huyết hậu môn
- Chảy dịch từ hậu môn
- Thay đổi thói quen đi tiêu
- Khó kiểm soát nhu động ruột
Đối với người bệnh rò hậu môn đã có tiền sử bị áp xe trước đó, nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp can thiệp kịp thời.
Ung thư hậu môn cũng có thể khiến hậu môn của người bệnh xuất hiện các triệu chứng tương tự, vì vậy hãy khám sức khỏe ngay khi các triệu chứng xuất hiện càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời. Ngoài ra, để loại trừ các yếu tố liên quan đến ung thư, bác sĩ có thể chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện tầm soát ung thư tiêu hóa để chẩn đoán kết quả chính xác.
Phương pháp chẩn đoán rò hậu môn
Để chẩn đoán rò hậu môn bác sĩ sẽ khám lâm sàng và chỉ định thêm một số cận lâm sàng cần thiết để đưa ra kết quả chính xác nhất. Khi có kết quả bệnh lý, hồ sơ bệnh án của người bệnh sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để thực hiện các kiểm tra sâu hơn và tìm ra liệu trình điều trị phù hợp với giai đoạn bệnh. Nếu kết quả chẩn đoán đã mắc bệnh rò hậu môn, bác sĩ sẽ xác định đường rò hậu môn, độ dài và vị trí của các lỗ rò bên trong và ngoài hậu môn.
Cách xác định đường rò hậu môn
Xác định đường rò hậu môn dựa vào Quy tắc Goodsall để có thể được sử dụng để tìm đường rò trong ống hậu môn theo vị trí lỗ rò ngoài quanh hậu môn. Xác định quỹ đạo đường rò bằng cách kẻ đường qua 3h và 9h tạo 2 nửa trên và dưới gọi là đường ngang hậu môn (transverse anal line):
- Lỗ rò ngoài ở nửa dưới (posterior): đường rò sẽ đi theo một đường cong đến giữa sau ống hậu môn và trực tràng.
- Lỗ rò ngoài ở nửa trên (anterior): đường rò hậu môn đơn giản, sẽ theo một đường thẳng hướng tâm đến đường lược.
Quy tắc Goodsall không áp dụng được khi đường rò cách bờ hậu môn trên 3,75 cm. Khi thăm khám hậu môn – trực tràng, bác sĩ có thể bơm hơi qua lỗ rò ngoài để thấy hơi xì qua hốc hậu môn, đấy chính là lỗ rò hậu môn nguyên phát.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ đánh giá và sàng lọc dựa vào tiền sử bệnh, các triệu chứng, dấu hiệu người bị rò hậu môn đang mắc phải. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thực hiện khám sức khỏe tổng quát và thu thập thông tin tình trạng sức khỏe bệnh nhân như:
- Xem xét các triệu chứng, biểu hiện mà người bệnh đang gặp phải.
- Hỏi tiền sử bệnh áp xe vùng hậu môn.
- Các bệnh lý tiêu hóa đã từng mắc phải.
- Kiểm tra sơ bộ vùng hậu môn, thăm khám trực tràng bằng ngón tay có thể đánh giá vị trí đường rò, hình dạng, mức độ xơ cứng, dấu hiệu chảy dịch mủ hoặc dịch phân qua lỗ rò.
- Trong một số trường hợp không có lỗ rò ngoài da, bác sĩ sẽ tiến hành thêm các cận lâm sàng bổ sung.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Cận lâm sàng được thực hiện dựa vào các kết quả chẩn đoán trong bước khám lâm sàng, Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng khác nhau như xét nghiệm, nội soi, chụp X-quang, chụp CT, siêu âm,… để xác định được tình trạng bệnh lý cũng như mức độ nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Xét nghiệm
Bác sĩ có thể chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây rò hậu môn, đồng thời loại trừ các bệnh lý liên quan khác.
- Xét nghiệm máu (CBC): xác định nồng độ hồng cầu, bạch cầu giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng ống tiêu hóa, viêm, loét, thiếu máu.
- Xét nghiệm kháng thể: để xác định dấu hiệu của bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
- Xét nghiệm phân: giúp phát hiện máu ẩn trong phân, tìm ra những gen biến đổi có dấu hiệu ung thư đại – trực tràng, xét nghiệm phân gồm có 3 loại là gFOBT, FIT và DNA.
> Tìm hiểu thêm: Các xét nghiệm tầm soát ung thư phổ biến
Nội soi ống tiêu hóa
Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý ở đường tiêu hóa. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà bác sĩ tại bệnh viện, phòng khám nội soi sẽ chỉ định có thực sinh thiết hay không.
- Nội soi đại tràng sigma: bằng ống nội soi mềm cung cấp hình ảnh trực tiếp của phần xa đại – trực tràng, giúp bác sĩ có thể quan sát toàn bộ phần cuối đại tràng, trực tràng và hậu môn. Phương pháp này thường sử dụng cho người bệnh dưới 50 tuổi và không có các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột hoặc ung thư.
- Nội soi đại tràng toàn bộ (nội soi đại – trực tràng): dùng để quan sát toàn bộ đại tràng và đoạn cuối hậu môn. Phương pháp này phù hợp với người bệnh trên 50 tuổi, có các yếu tố nguy cơ mắc ung thư đại – trực tràng, dấu hiệu bệnh lý tiêu hóa khác hoặc xuất hiện các triệu chứng đi kèm như đau bụng, tiêu chảy.
- Nội soi hậu môn.
Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp X-quang đường rò: bơm thuốc cản quang vào lỗ rò, chụp nhiều tư thế (trước sau, nghiêng, chéo).
- Chụp X-quang phổi: được sử dụng để phát hiện các bất thường ở ngực vì bệnh lao phổi có nguy cơ dẫn đến rò hậu môn.
- Siêu âm qua đường hậu môn – trực tràng: được chỉ định khi không tìm thấy lỗ rò trong hay nghi ngờ đường rò đi cao (trên cơ thắt, ngoài cơ thắt). Việc bơm oxy già vào lỗ rò ngoài sẽ làm tăng độ nhạy của chẩn đoán.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): cho hình ảnh chi tiết về giải phẫu vùng hậu môn gồm hệ thống cơ thắt, cơ nâng, giúp đánh giá tổng quan giữa đường rò và cấu trúc lân cận, xác định lỗ rò trong và các tổn thương phối hợp.
Đánh giá chức năng
Đo áp lực cơ thắt được chỉ định trong trường hợp rò hậu môn tái phát sau mổ, đường rò xuyên cơ thắt hoặc trên cơ thắt cao, người có bệnh lý làm giảm trương lực cơ thắt như người lớn tuổi, tiền sử chấn thương sản khoa,…
Tiên lượng và biến chứng bệnh rò hậu môn
Tiên lượng bệnh rò hậu môn
Bệnh rò hậu môn không phải là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị tập trung vào việc loại bỏ đường rò cùng với việc bảo tồn chức năng cơ thắt. Các biến chứng khi điều trị có thể làm thay đổi cuộc sống của người bệnh bao gồm đi tiêu không kiểm soát, lỗ rò tái phát và hẹp hậu môn. Nguy cơ tái phát bệnh thay đổi từ 3% đến 57% tùy thuộc vào phân loại giải phẫu của đường rò và phương thức điều trị.
Biến chứng bệnh rò hậu môn
Sau một thời gian, nếu người bệnh không đi điều trị, một số biến chứng bệnh rò hậu môn có thể xuất hiện như:
- Tăng số lượng lỗ rò, đường rò mới: bệnh sẽ lây lan khiến các cơ quan xung quanh hậu môn bị viêm nhiễm, số lượng lỗ rò, đường rò tăng ảnh hưởng đến chức năng co bóp của hậu môn, gây khó khăn khi đi đại tiện cũng như việc điều trị trở nên phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn.
- Nhiễm trùng và chảy mủ hậu môn không dứt.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: rò hậu môn khiến người bệnh luôn cảm thấy khó chịu, đau đớn dẫn đến tâm lý mệt mỏi, chán nản, mất tự tin, gây tác động xấu đến công việc, học tập và đời sống vợ chồng, làm giảm sút đáng kể chất lượng sống.
- Ung thư trực tràng: đây là biến chứng nghiêm trọng nếu người bị bệnh rò hậu môn không được điều trị kịp thời. Rò hậu môn tái phát nhiều lần sẽ tạo ra các lỗ rò khác như lỗ rò trực tràng – bàng quang, trực tràng – âm đạo, trực tràng – niệu đạo,…
- Bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở nữ giới, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Những biến chứng có thể gặp trong phẫu thuật điều trị bao gồm:
- Chảy máu sau mổ: xảy ra trong lúc phẫu thuật hoặc khi thắt đường rò mà sợi thun cột chồng lên những búi trĩ của người bệnh gây loét và chảy máu từ các búi trĩ.
- Đứt cơ thắt: dẫn đến tình trạng đi cầu không tự chủ, điều trị phục hồi lại cơ thắt rất phức tạp cần đến cơ sở y tế chuyên sâu.
- Hẹp hậu môn: biến chứng ít gặp do cắt đốt đường rò bằng dao điện ở vùng cơ thắt, gây hoại tử cơ thắt sẽ tạo ra biến chứng teo hẹp hậu môn. Đây là một biến chứng khó điều trị, không xuất hiện ngay sau mổ mà có khi xuất hiện sau vài tháng hoặc vài năm sau.
- Nhiễm trùng tại vết mổ.
- Vết mổ rò hậu môn lâu lành.
Phương pháp điều trị rò hậu môn
Phẫu thuật là phương pháp điều trị rò hậu môn được lựa chọn nhằm tránh tái phát và bảo tồn chức năng cơ thắt hậu môn. Tuy nhiên, để kết quả phẫu thuật đạt hiệu quả cao, cần phải đảm bảo các yếu tố sau:
- Xác định được lỗ rò, phân chia cụ thể loại đường rò.
- Hạn chế tối đa làm tổn thương cơ thắt hậu môn.
- Loại bỏ hoàn toàn các tổ chức xơ xung quanh đường rò.
- Lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân.
- Theo dõi sau phẫu thuật, đảm bảo đường rò liền lại từ trong ra ngoài, dưới lên trên.
Phương pháp điều trị rò hậu môn chung
Đối với các trường hợp bị rò hậu môn không phải do các bệnh ung thư tiêu hóa, bác sĩ có thể chỉ định mổ rò hậu môn, phương pháp điều trị này mang lại hiệu quả cao, hạn chế chảy máu và cải thiện việc kiểm soát cơn đau sau khi phẫu thuật.
- Đối với trường hợp đường rò đơn giản (xuyên cơ thắt thấp, liên cơ thắt, dưới niêm mạc): thực hiện mổ rò hậu môn mở hoàn toàn. Bác sĩ sẽ cắt da và cơ bao quanh đường rò để hở vết thương. Phương pháp này giúp vết mổ rò hậu môn tự lành, dính với các mô khỏe mạnh, giảm chảy máu và cải thiện việc kiểm soát cơn đau sau phẫu thuật. Đạt hiệu quả điều trị ở 90% bệnh nhân bị rò hậu môn.
- Đối với trường hợp đường rò phức tạp các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Phương pháp đặt Seton: đặt seton rò hậu môn là phương pháp cắt mô xơ đường rò kèm cột dây thun cơ thắt. Bác sĩ đặt mũi khâu Seton trong các lỗ rò để mủ thoát ra dễ dàng. Kỹ thuật đặt Seton cắt đường rò được thực hiện từ từ cho đến khi các đường rò tự lành hoàn toàn mà vẫn bảo toàn được chức năng cơ thắt của đường rò. Phương pháp này giúp chữa lành hoàn toàn lỗ rò ở 94% bệnh nhân. Tỷ lệ biến chứng đi cầu không tự chủ sau phẫu thuật là 12%.
- Thắt đường rò liên cơ thắt (LIFT): phương pháp này có thể điều trị các triệu chứng rò hậu môn đơn giản và phức tạp với tỷ lệ thành công trung bình là 71%. Quy trình bao gồm xác định lỗ rò bên trong bằng cách khâu thắt phần giữa cơ thắt của đường rò. Sau đó, đường và tuyến hậu môn bị nhiễm trùng sẽ được cắt bỏ và vết thương khô lại bằng cách nạo. Không có phần nào của cơ thắt ngoài được phân chia, do đó, hiện tượng đi phân không tự chủ là rất hiếm. Quy trình LIFT có thể được thực hiện sau giai đoạn đặt Seton rò hậu môn.
- Bơm keo hoặc nút fibrin: phương pháp này giúp chặn hoặc bịt lỗ mở bên trong của đường rò. Hiệu quả điều trị thành công dưới 50% với phương pháp nút fibrin và 14 – 69% với phương pháp bơm keo fibrin.
- Phương pháp chuyển vạt niêm mạc: tiến hành cắt bỏ một phần của đường rò sau đó chuyển vạt để che lỗ rò trong.
- Phương pháp thắt đường rò – đóng lỗ rò trong: bác sĩ cắt đường rò từ lỗ rò ngoài tới cơ thắt, sau đó tiến hành khâu đóng lỗ rò trong giữa hai lớp cơ. Phương pháp này giúp loại bỏ các ổ nhiễm khuẩn ở cơ thắt và ngăn chặn đường vào của phân.
- Phương pháp cắt đường rò hậu môn với nội soi hỗ trợ (VAAFT).
- Phẫu thuật điều trị tạm thời: trong trường hợp áp xe hậu môn, bác sĩ sẽ thực hiện rạch tháo mủ.
Phương pháp điều trị rò hậu môn do bệnh lý ung thư
Trong trường hợp rò hậu môn được xác định là một tình trạng của ung thư tiêu hóa, bác sĩ cần hội chẩn để lựa chọn các phương pháp điều trị tối ưu nhất dựa trên loại ung thư mà người bệnh đang mắc phải, ví dụ như ung thư hậu môn, ung thư trực tràng hoặc ung thư đại tràng.
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, vị trí tế bào ung thư, tình trạng sức khỏe và độ tuổi. Các lựa chọn điều trị bao gồm xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch và phẫu thuật rò hậu môn.
Phương pháp điều trị rò hậu môn do bệnh Crohn
Điều trị rò hậu môn do bệnh Crohn cần thực hiện theo quy trình giảm nhẹ các triệu chứng, sau đó mới thực hiện phẫu thuật.
Sử dụng thuốc điều trị bệnh Crohn bao gồm thuốc chống viêm, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng sinh, hoạt chất sinh học (gồm Infliximab, Adalimumab, Natalizumab, Ustekinumab) và một số loại thuốc phối hợp khác. Infliximab có hiệu quả trong điều trị rò hậu môn do bệnh Crohn là 36% sau 54 tuần điều trị.
Lưu ý: tất cả các loại thuốc điều trị cần có sự đồng ý của bác sĩ trước khi sử dụng, bệnh nhân không tự ý sử dụng.
Những điểm cần lưu ý
Phương pháp phòng ngừa bệnh rò hậu môn
Bệnh rò hậu môn vẫn có thể tái phát sau phẫu thuật nếu người bệnh không tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và không có chế độ chăm sóc, sinh hoạt, ăn uống đúng cách. Các biện pháp phòng ngừa bệnh rò hậu môn tái phát sau phẫu thuật, bao gồm:
- Luôn giữ cho vùng hậu môn khô ráo, sạch sẽ, làm sạch bằng xà phòng và nước ấm. Tránh sử dụng các loại giấy vệ sinh thô cứng.
- Sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, thăm khám định kỳ để phát hiện sớm các tình trạng bất thường về hậu môn, trực tràng.
- Nên vận động nhẹ nhàng sau phẫu thuật.
- Ăn thức ăn dễ tiêu, giàu chất xơ trong những ngày đầu sau phẫu thuật để dễ tiêu hóa, hạn chế ăn thức ăn cay, nóng,…
- Uống nhiều nước.
- Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học sau khi hồi phục.
- Hạn chế sử dụng rượu bia.
- Điều trị táo bón và tiêu chảy.
- Tầm soát ung thư hậu môn định kỳ.
Một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, kết hợp với lối sống lành mạnh tại nhà có thể giúp Cô Bác, Anh Chị phòng ngừa bệnh rò hậu môn và hỗ trợ quá trình điều trị rò hậu môn tại nhà.
Những điều cần lưu ý về bệnh rò hậu môn
- Đường rò hậu môn – trực tràng là một đường hình ống với một lỗ rò trong nằm trong ống hậu môn và một lỗ rò ngoài thường ở da quanh hậu môn.
- Rò hậu môn không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể gây đau đớn (trong giai đoạn đang là áp xe) và gây khó chịu do chảy dịch và phân qua lỗ rò. Ngoài ra, áp xe có thể tái phát kèm theo rò dịch thành đợt hoặc liên tục. Chất dịch là mủ, dịch hồng hoặc cả hai.
- Chẩn đoán rò hậu môn có thể thực hiện thông qua khám lâm sàng, nội soi ống tiêu hóa dưới nên thực hiện nếu nghi ngờ bệnh Crohn gây rò hậu môn.
- Viêm tuyến mồ hôi mủ, xoang lông, xoang hoại tử ở da và rò niệu quản – phúc mạc cần phân biệt với rò do căn nguyên khác.
- Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh lý rò hậu môn. Lựa chọn phương pháp phẫu thuật tối ưu cho người bệnh tùy thuộc vào mức độ phân loại bệnh. Điều trị nội khoa nếu rò hậu môn do bệnh Crohn.
- Phẫu thuật, mổ rò hậu môn có thể giúp chữa khỏi hoàn toàn bệnh rò hậu môn nếu có biện pháp can thiệp và chăm sóc sau phẫu thuật đúng cách. Hai vấn đề cơ bản nhất trong điều trị rò hậu môn là tránh tái phát và đại tiện không tự chủ.
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ giúp phát hiện và phòng ngừa các bệnh lý ở hệ tiêu hóa.
Câu hỏi thường gặp
Triệu chứng rò hậu môn thường gặp là gì?
Một số triệu chứng cô chú, anh chị có thể gặp khi bị rò hậu môn bao gồm đau và xưng quanh hậu môn, đau khi đại tiện, có áp xe hậu môn thường xuyên, tiết dịch có máu hoặc mủ,…
Nguyên nhân rò hậu môn phổ biến là gì?
Một số nguyên nhân có thể gây rò hậu môn bao gồm: Bệnh Crohn, lao, viêm túi thừa, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ung thư,… Cô chú, anh chị nên đến gặp bác sĩ tại bệnh viện hoặc phòng khám nội soi tiêu hóa để được chẩn đoán bệnh lý chính xác.
Tài liệu tham khảo
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
- Juan L Poggio. Fistula-in-Ano. Biên tập bởi John Geibel. 03 27 2020. https://emedicine.medscape.com/article/190234-overview (đã truy cập 10 13,2021).
- Matt Smith. What Is an Anal Fistula? Biên tập bởi Minesh Khatri.05 28 2020. https://www.webmd.com/digestive-disorders/anal-fistula-overview (đã truy cập 10 13,2021).
- Parswa Ansari. Rò hậu môn-trực tràng. 10 2016. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/các-rối-loạn-hậu-môn-trực-tràng/rò-hậu-môn-trực-tràng (đã truy cập 10 13,2021).
- Stephanie Carr, Alfonso L. Velasco. “Fistula In Ano” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 08 03 2021. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557517/ (đã truy cập 10 13,2021).