Hẹp môn vị phì đại: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Theo thống kê từ Thư viện Y khoa Hoa Kỳ năm 2021, trong 1.000 trẻ sơ sinh sẽ có khoảng 2 – 3 trường hợp mắc bệnh hẹp môn vị phì đại (HPS). Triệu chứng hẹp môn vị thường xuất hiện từ 2 đến 8 tuần đầu sau khi sinh. Tỷ lệ mắc bệnh hẹp môn vị ít phổ biến hơn ở người lớn, tính đến năm 2018, chỉ có khoảng 200 – 300 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận. Tuy nhiên, hẹp môn vị là căn bệnh khó chẩn đoán và xác định nguyên nhân, đôi khi bệnh có thể tự phát không rõ nguyên nhân. Vì vậy, thời gian phát hiện bệnh và điều trị sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ khỏi bệnh.

Hẹp môn vị phì đại: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Hẹp môn vị phì đại: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Hẹp môn vị là gì?

Hẹp môn vị là tình trạng cơ môn vị dạ dày bị phì đại (to và dày lên) bất thường. Môn vị bị thu hẹp dẫn đến tình trạng thức ăn xuống ruột non bị cản trở, đôi khi sẽ trào ngược lên thực quản. Hẹp môn vị có thể dẫn đến nôn ói, mất nước, sụt cân, đầy bụng, ăn không tiêu, giãn dạ dày,… Ngoài ra, bệnh hẹp môn vị còn gọi là hẹp môn vị phì đại (tên tiếng Anh: Hypertrophic pyloric stenosis – HPS).

Môn vị là một nhóm cơ có vai trò như một van giữ thức ăn trong dạ dày, khi thức ăn sẵn sàng chuyển xuống tá tràng (đoạn nối giữa dạ dày và ruột non) để tiếp tục quá trình tiêu hóa, cơ môn vị sẽ được mở ra. Bên cạnh đó, môn vị còn có nhiệm vụ giữ chất lỏng và dịch axit trong dạ dày đến khi chúng sẵn sàng chuyển đến ruột non.

Hẹp môn vị là gì
Hẹp môn vị dạ dày là tình trạng cơ môn vị dày và to lên bất thường, khiến môn vị bị thu hẹp cản trở thức ăn xuống ruột non. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Hẹp môn vị phì đại được gọi tắt là bệnh hẹp môn vị (Pyloric Stenosis), hẹp phì đại môn vị hoặc tắc nghẽn đường ra dạ dày (Gastric outlet obstruction). Hẹp môn vị dạ dày còn ảnh hưởng đến sự phát triển và hydrat hóa của trẻ, nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và chậm phát triển.

Nguyên nhân và nguy cơ gây bệnh hẹp môn vị

Nguyên nhân gây ra bệnh hẹp môn vị vẫn chưa được xác định cụ thể, tuy nhiên tính di truyền và môi trường xung quanh có thể xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp môn vị. Đối với trẻ sơ sinh, hẹp môn vị không xuất hiện trong khoảng thời gian mang thai, bệnh chỉ phát triển sau khi sinh vài tuần.

Nguyên nhân gây bệnh hẹp môn vị là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây hẹp môn vị phì đại nhưng phần lớn các trường hợp liên quan đến viêm dạ dày tá tràng cấp tính. Tuy nhiên, sau khi hết viêm thì môn vị sẽ hoạt động lại bình thường, ví dụ như các đợt viêm dạ dày cấp tính do rượu, ngộ độc thực phẩm.

Trước đây, loét tá tràng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh hẹp môn vị phì đại, chiếm khoảng 5 – 15% do các ổ viêm loét to, xơ chai gây biến dạng và chít hẹp môn vị. Hiện nay, do những nghiên cứu về cơ chế bệnh sinh và kiến thức điều trị bệnh viêm loét mới, hẹp môn vị do loét đã giảm đáng kể (khoảng 2 – 5%).

Một số trường hợp do loét dạ dày – tá tràng hoặc loét bờ cong nhỏ giữa tá tràng và dạ dày lâu ngày làm cho tá tràng bị xơ hóa, co kéo gây chít hẹp môn vị (loét hành tá tràng xơ chai).

Nguyên nhân gây bệnh hẹp môn vị
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh hẹp môn vị là loét dạ dày – tá tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Ung thư hang – môn vị là trường hợp hẹp môn vị ác tính gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Tỷ lệ ung thư vùng hang – môn vị hay gặp trong ung thư dạ dày chiếm khoảng 20 – 60%. Các khối u sẽ gây chít hẹp lòng môn vị kèm theo viêm sẽ khiến thức ăn và chất lỏng khó di chuyển xuống ruột. Do đó, tầm soát ung thư dạ dày định kỳ nhằm phát hiện ung thư giai đoạn sớm, giúp ngăn ngừa và điều trị hiệu quả hơn.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây tắc nghẽn môn vị trong và ngoài dạ dày bao gồm:

  • Trong dạ dày: u lành tính môn vị (thường là các polyp môn vị), hang vị bị tụt xuống gây bịt kín môn vị, sa niêm mạc dạ dày qua lỗ môn vị, seo cơ hang vị, hẹp môn vị phì đại, hạch trong bệnh Hodgkin (là một dạng ung thư xuất hiện các khối u lympho ác tính), sẹo bỏng dạ dày do uống phải axit hoặc chất kiềm.
  • Ngoài dạ dày: mô tụy lạc chỗ vùng môn vị, u tụy xâm lấn môn vị – tá tràng, viêm dính quanh tá tràng do viêm túi mật, hậu phẫu túi mật,…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp môn vị dạ dày

Một số yếu tố liên quan đến di truyền, thói quen hoặc lối sống cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp môn vị dạ dày như:

  • Giới tính: hẹp môn vị thường xuất hiện ở bé trai nhiều hơn bé gái, đặc biệt là con đầu lòng.
  • Chủng tộc: phổ biến ở người da trắng gốc Bắc Âu, ít gặp hơn ở người da màu và hiếm gặp ở người châu Á.
  • Sinh non: tỷ lệ trẻ sinh non mắc bệnh hẹp môn vị cao hơn so với những trẻ sinh đủ tháng. Trẻ sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn.
  • Tiền sử gia đình: Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn trong một số gia đình có người thân đã từng bị hẹp môn vị. Tính di truyền cho thấy bệnh phát triển khoảng 20% ở con trai và 10% đối với con gái của các bà mẹ đã từng mắc bệnh này.
  • Hút thuốc lá: phụ nữ hút thuốc lá khi mang thai hoặc chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh hẹp môn vị.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh sớm: trẻ sơ sinh được sử dụng một số loại thuốc kháng sinh trong những tuần đầu tiên sau khi sinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh hẹp môn vị cao hơn, ví dụ như sử dụng kháng sinh erythromycin để điều trị bệnh ho gà ở trẻ. Ngoài ra, thai phụ sử dụng các loại thuốc kháng sinh trong những tháng cuối thai kỳ cũng sẽ ảnh hưởng đến trẻ.
  • Cho trẻ bú bình: một số nghiên cứu năm 2012 của Viện Y tế Quốc gia cho rằng trẻ bú bình với sữa công thức sẽ làm tăng nguy cơ hẹp môn vị cao gấp 4 lần so với trẻ bú mẹ.
Hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh
Trẻ sinh non có nguy cơ cao mắc bệnh hẹp môn vị dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Trong một số ít trường hợp, tắc nghẽn môn vị do phù nề có thể đến từ bệnh loét dạ dày – tá tràng hoặc một rối loạn không phổ biến như dị ứng thực phẩm, ví dụ như viêm dạ dày ruột tăng bạch cầu ái toan.

Triệu chứng và dấu hiệu hẹp môn vị

Các dấu hiệu hoặc triệu chứng hẹp môn vị thường bắt đầu trong vòng từ 3 – 5 tuần sau khi sinh và hiếm gặp ở trẻ sơ sinh trên 3 tháng tuổi. Đối với người lớn, các triệu chứng thường khởi phát cấp tính, tuy nhiên các dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng tiêu hóa khác như đau bụng cấp tính, viêm loét, buồn nôn, nôn,…

Triệu chứng hẹp môn vị
Đau bụng cấp tính kèm theo buồn nôn là triệu chứng hẹp môn vị thường gặp. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Triệu chứng hẹp môn vị là gì?

Một số triệu chứng của bệnh hẹp môn vị phì đại thường gặp ở cả người lớn và trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Nôn sau khi bú: đối với trẻ sơ sinh bú mẹ hoặc sử dụng sữa công thức có thể nôn ói dữ dội. Nôn lúc đầu có thể nhẹ nhưng dần dần sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi môn vị ngày càng thu hẹp lại, dịch nôn đôi khi có thể có máu, có mùi chua do được hòa trộn một phần với axit dạ dày.
  • Luôn có cảm giác đói: do cơ thể không thể hấp thụ đầy đủ dưỡng chất, nên người bệnh thường sẽ cảm thấy đói sau khi nôn.
  • Co thắt dạ dày: Cơ thể sẽ luôn cảm nhận các cơ co thắt từ nhu động ruột, nguyên nhân là các cơ dạ dày luôn cố gắng đẩy thức ăn qua môn vị bị phì đại.
  • Mất nước: Nôn kéo dài kết hợp với cơ thể không thể hấp thụ đủ dinh dưỡng và chất điện giải, sau một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước. Đối với trẻ sơ sinh thể hiện rõ nhất thông qua các dấu hiệu như trẻ khóc không ra nước mắt hoặc hôn mê, tã không ướt hoặc ít, thời gian thay tã kéo dài.
  • Thay đổi nhu động ruột: hẹp môn vị ngăn cản thức ăn và chất lỏng xuống ruột, vì thế bệnh nhân có thể sẽ xuất hiện một số vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, táo bón, đi ngoài ra máu.
  • Thay đổi cân nặng: cơ thể không nhận đủ các dưỡng chất sẽ dẫn đến tình trạng sụt cân nhanh, suy dinh dưỡng, chậm phát triển,…
  • Khối u ở bụng: trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sờ thấy khối u nhỏ trên vùng thượng vị bên phải. Khối u thường có kích thước như hạt đậu khoảng 2 – 3 cm và có thể di chuyển.

Đối với người lớn, hẹp môn vị có thể gây ra một số triệu chứng trầm trọng hơn trẻ sơ sinh như đau bụng trên cấp tính kèm theo buồn nôn, nôn sau khi ăn, đi ngoài phân đen, phân màu hắc ín, chán ăn hoặc có cảm giác ăn nhanh no,…

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Hẹp môn vị phì đại là bệnh lý nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh vì vậy cần phát hiện và điều trị sớm. Phần lớn trẻ mắc bệnh tắc nghẽn môn vị vẫn có bề ngoài khỏe mạnh, khiến bố mẹ khó phát hiện bất thường cho đến khi trẻ bị mất nước hoặc suy dinh dưỡng. Vì vậy, nếu con của Cô Bác, Anh Chị hoặc bản thân xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào hãy đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/phòng khám nội tiêu hóa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Hẹp môn vị thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác như ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa,… Vì vậy, Cô Bác, Anh Chị cần theo dõi tình trạng của người bệnh để mô tả chi tiết các triệu chứng giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác.

Một số dấu hiệu phổ biến ở trẻ sơ sinh như nôn dữ dội sau khi ăn, ít hoạt động hoặc khó chịu bất thường, tiểu ít, cân nặng sụt giảm,… Bên cạnh đó, trẻ em cũng có thể xuất hiện tình trạng vàng mắt, vàng da.

Chẩn đoán bệnh hẹp môn vị phì đại

Bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh và khám lâm sàng vùng bụng để chẩn đoán bệnh hẹp môn vị phì đại, các phương tiện cận lâm sàng chỉ hỗ trợ bác sĩ quan sát tình trạng cũng như mức độ chít hẹp của môn vị dạ dày. Chẩn đoán hẹp môn vị ở trẻ em trước khi trẻ được 6 tháng tuổi là thời gian tốt nhất.

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ bắt đầu khám sức khỏe tổng quát, thu thập thông tin về tiền sử bệnh và tiến hành kiểm tra bụng xem có xuất hiện khối u do môn vị dày lên không. Bác sĩ cũng sẽ hỏi Cô Bác, Anh Chị một số câu hỏi để đánh giá tình trạng và mức độ của bệnh hẹp môn vị như:

  • Các triệu chứng xuất hiện khi nào?
  • Các triệu chứng, dấu hiệu có xuất hiện liên tục hay không?
  • Trẻ sơ sinh có bị nôn ói sau khi ăn không?
  • Dịch nôn trông như thế nào, có máu hoặc có màu sắc gì đặc biệt không?
  • Bệnh nhân có bị táo bón hoặc máu lẫn trong phân không?

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra cân nặng, chỉ số khối của cơ thể để xác định xem người bệnh có bị suy dinh dưỡng hoặc sa sút về thể chất không.

Cận lâm sàng

Các phương tiện cận lâm sàng sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng bệnh, mức độ hẹp môn vị, tìm ra nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Xét nghiệm

Xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải hoặc kiểm tra các dưỡng chất bị thiếu trong cơ thể.

Kiểu rối loạn điện giải cổ điển của trẻ sơ sinh có hẹp môn vị là hạ clo trong máu hay còn gọi là kiềm hóa chuyển hóa (do mất HCl đồng thời giảm thể tích). Khoảng 5 – 14% bệnh nhi bị vàng da và 5% có dị tật rối loạn quay cuống ruột.

Nội soi tiêu hóa

Trong một số trường hợp, nội soi ống tiêu hóa trên là cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây ra hẹp môn vị như viêm – loét dạ dày – tá tràng.

Nội soi dạ dày là phương pháp sử dụng ống nội soi mềm đưa vào bên trong dạ dày thông qua đường miệng. Đầu ống nội soi có gắn camera và nguồn sáng, giúp bác sĩ quan sát rõ bên trong lòng thực quản, dạ dày và tá tràng.

Chẩn đoán bệnh hẹp môn vị
Nội soi tiêu hóa trên là phương pháp chẩn đoán chính xác các bệnh lý thực quản, dạ dày và tá tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Chẩn đoán hình ảnh

Siêu âm bụng giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của ống tiêu hóa, tìm ra vị trí gây tổn thương và chẩn đoán bệnh hẹp môn vị. Hình ảnh siêu âm sẽ cho bác sĩ thấy môn vị bị phì đại (điển hình là ≥ 4mm; bình thường < 2mm) và tăng chiều dài môn vị (> 16mm).

Chụp X-quang hệ tiêu hóa có sử dụng chất phản quang Bari sẽ được chỉ định nếu hình ảnh siêu âm không rõ ràng, tìm vị trí bị tắc nghẽn hoặc bác sĩ cần quan sát chi tiết ống tiêu hóa hơn.

Biến chứng của bệnh hẹp môn vị là gì?

Hẹp môn vị dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến một số biến chứng gây nguy hiểm cho cơ thể như:

  • Hạn chế sự tăng trưởng và trao đổi chất ở trẻ, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, mất chất, chậm phát triển,…
  • Mất nước: hẹp môn vị có thể gây nôn ói thường xuyên, vì vậy nếu không bổ sung đủ nước, cơ thể sẽ bị mất nước và mất cân bằng điện giải. 
  • Kích ứng dạ dày: Nôn trớ nhiều lần có thể gây kích ứng dạ dày của trẻ và có thể gây xuất huyết tiêu hóa nhẹ.
  • Vàng da hiếm khi xuất hiện, tuy nhiên nếu hợp chất bilirubin bị tích tụ, chúng sẽ gây ra triệu chứng vàng da, vàng mắt.
  • Đối với trẻ sơ sinh, nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng nôn trớ thường xuyên, chán ăn, tổn thương thực quản.

Cách điều trị bệnh hẹp môn vị phì đại

Tùy nguyên nhân gây bệnh hẹp môn vị dạ dày là cơ năng hay thực thể mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Bệnh nhân hẹp môn vị cơ năng chỉ cần điều trị nội khoa. Đối với trường hợp bị hẹp môn vị do nguyên nhân thực thể, bác sĩ thường tiến hành phẫu thuật để điều trị bệnh.

Phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh hẹp môn vị

Điều trị bệnh hẹp môn vị bằng phương pháp phẫu thuật mở cơ môn vị. Đối với các bệnh nhân bị mất nước hoặc mất cân bằng điện giải, người bệnh sẽ được truyền dịch trước khi thực hiện phẫu thuật.

Trong phẫu thuật cắt môn vị, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật cắt cơ môn vị bằng Ramstedt. Đây là phương pháp điều trị dứt điểm bệnh hẹp môn vị phì đại, bác sĩ sẽ rạch dọc bề mặt trước của môn vị qua lớp cơ đến lớp dưới niêm mạc, để lại lớp dưới niêm mạc và niêm mạc bên trong tiếp tục phình ra, điều này sẽ giúp môn vị mở rộng tạo đường đi cho thức ăn xuống ruột non.

Quy trình nội soi ổ bụng điều trị bệnh hẹp môn vị phì đại

Phương pháp phẫu thuật bụng ít xâm lấn hay còn được gọi là nội soi ổ bụng là lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh hẹp môn vị. Phẫu thuật nội soi giúp cho vết mổ nhỏ hơn và thời gian bình phục sẽ nhanh hơn.

Cách chữa hẹp môn vị dạ dày
Phẫu thuật cắt cơ môn vị Ramstedt là cách chữa hẹp môn vị dạ dày phổ biến hiện nay. (Nguồn: Lecturio)

Quá trình phẫu thuật thường kéo dài từ 15 – 60 phút và bệnh nhân cần nhập viện để theo dõi sau phẫu thuật từ 2 – 3 ngày. Sau khi phẫu thuật Cô Bác, Anh Chị cần chú ý:

  • Bệnh nhân có thể được truyền dịch thông qua tĩnh mạch trong vài giờ và có thể ăn uống lại bình thường sau 12 – 24 giờ.
  • Đối với trẻ sơ sinh, bé sẽ bú thường xuyên hơn và có thể xuất hiện một vài cơn nôn trớ trong những ngày đầu sau phẫu thuật.

Biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật điều trị bệnh hẹp môn vị dạ dày

Biến chứng có thể xảy ra sau khi thực hiện các ca phẫu thuật môn vị bao gồm xuất huyết và nhiễm trùng. Tuy nhiên, các biến chứng thường không phổ biến và hiếm khi xuất hiện. Bệnh nhân cần liên hệ ngay cơ sở y tế hoặc bác sĩ điều trị nếu xuất hiện các biến chứng hậu phẫu như:

  • Cơ thể sốt trên 38,5°C.
  • Chảy dịch hoặc rỉ mủ từ vị trí phẫu thuật.
  • Các cơn đau ngày càng tăng mặc dù có sử dụng thuốc giảm đau kê đơn.
  • Buồn nôn và nôn có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh, triệu chứng này có thể do một số loại thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng sinh. Cô Bác, Anh Chị có thể đề nghị bác sĩ đổi sang các loại thuốc khác.
  • Bệnh nhân có thể bị táo bón, vì vậy hãy liên hệ với bác sĩ để được kê các loại thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng giúp đi tiêu dễ dàng hơn.

Lưu ý, bệnh nhân sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sau phẫu thuật đều phải thông qua ý kiến của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc không kê đơn vì có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Những điểm cần lưu ý

  • Hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh hay còn được gọi là hẹp môn vị bẩm sinh là bệnh lý phổ biến, đặc biệt là ở bé trai.
  • Nguyên nhân gây ra bệnh hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên tính di truyền và môi trường xung quanh có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Dấu hiệu, triệu chứng hẹp môn vị ở trẻ thường xuất hiện trong vòng từ 3 – 5 tuần sau khi sinh. Đối với người lớn, các triệu chứng thường khởi phát cấp tính.
  • Phẫu thuật cắt môn vị là cách điều trị triệt để bệnh hẹp môn vị phì đại.
  • Nội soi tiêu hóa giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý ở thực quản, dạ dày và tá tràng.
  • Tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ sẽ giúp Cô Bác, Anh Chị kiểm tra toàn bộ hệ tiêu hóa, xác định các dấu hiệu, biểu hiện bất thường nhằm phát hiện ung thư, nâng cao hiệu quả điều trị và phòng ngừa các bệnh lý thường gặp ở ống tiêu hóa và tuyến tiêu hóa.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Christiano, Donna. Everything You Should Know About Pyloric Stenosis. 17 08 2017. https://www.healthline.com/health/pyloric-stenosis (đã truy cập 11 03, 2021).
  3. Mayo Clinic Staff. Pyloric stenosis. 03 11 2020. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pyloric-stenosis/symptoms-causes/syc-20351416 (đã truy cập 11 03, 2021).
  4. Pyloric Stenosis. không ngày tháng. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/pyloric-stenosis (đã truy cập 11 03, 2021).
  5. Renee A. Alli, MD. What Is Pyloric Stenosis? 03 06 2021. https://www.webmd.com/parenting/baby/pyloric-stenosis#1 (đã truy cập 11 03, 2021).
  6. Syed Moin Hassan, Ateeq Mubarik, Salman Muddassir & Furqan Haqc. Adult idiopathic hypertrophic pyloric stenosis. 17 04 2018. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5906761/ (đã truy cập 11 03, 2021).
  7. William J. Cochran , MD. Hẹp phì đại môn vị. 02 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/nhi-khoa/các-rối-loạn-dạ-dày-ruột-ở-trẻ-sơ-sinh-và-trẻ-nhũ-nhi/hẹp-phì-đại-môn-vị (đã truy cập 11 03, 2021).
  8. William J. Cochran, MD. Hypertrophic Pyloric Stenosis. 08 2021. https://www.msdmanuals.com/home/children-s-health-issues/digestive-disorders-in-children/hypertrophic-pyloric-stenosis (đã truy cập 11 03, 2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?

Chia sẻ nội dung: