Áp xe gan do vi khuẩn là một gánh nặng bệnh tật với tỷ lệ ca mắc mới cao nhất được ghi nhận tại các nước Châu Á. Riêng tại Đài Loan, áp xe gan được xem là một bệnh địa phương, với tỷ lệ ca mắc mới ở mức cao khoảng 15,45 trường hợp trên 100 000 người năm 2011 và đang có xu hướng tăng dần lên.[1]
Tuy nhiên, bệnh lại ít gặp ở các nước đã phát triển, tại Mỹ và Canada cũng ghi nhận tỷ lệ ca mắc áp xe gan mới lần lượt là 3,6 và 2,3 trường hợp trên 100 000 người.[1]
Riêng tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều nghiên cứu phân tích về độ phổ biến của bệnh lý này trong dân số. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2006 cho thấy Việt Nam có tỷ lệ mắc áp xe gan do amip rất cao, lên tới 21 trường hợp trên 100 000 người mỗi năm.[1]
Ngoài ra, áp xe gan phần lớn xảy ra ở người từ 40 – 60 tuổi.[2] Nguy cơ tử vong áp xe gan được ghi nhận là khoảng 6 – 10%.[1]
Tóm lại, áp xe gan là một bệnh lý thường gặp ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bệnh nếu không được kịp thời điều trị có thể đe dọa đến tính mạng, rất nguy hiểm.
Như vậy, áp xe gan là gì? Áp xe gan được chẩn đoán và điều trị thế nào? Mời Cô Chú, Anh Chị cùng endoclinic.vn tìm hiểu về bệnh lý này nhé!
Bệnh áp xe gan là gì?
Bệnh áp xe gan là tình trạng có một hoặc nhiều ổ mủ trong gan do tổn thương gan hoặc nhiễm trùng trong ổ bụng lan truyền theo hệ tuần hoàn cửa đến gan. Phần lớn áp xe gan được chia thành áp xe gan do vi khuẩn (pyogenic liver abscess – PLA) và áp xe gan do amip (amoebic liver abscess – ALA). Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp áp xe gan là do ký sinh trùng hoặc nấm gây ra.
Ngoài ra, áp xe gan có thể được phân loại theo vị trí trong gan. Khoảng 50% trường hợp áp xe gan xảy ra ở thùy gan phải (đây là phần gan được cung cấp nhiều máu hơn), áp xe ở thùy gan trái hoặc thùy đuôi ít gặp hơn. Một cách phân loại khác là theo nguyên nhân: áp xe gan do vi khuẩn (bao gồm amip) và áp xe gan do ký sinh trùng (bao gồm nang sán chó).
Mủ là chất lỏng bao gồm các tế bào bạch cầu và tế bào chết, chúng được hình thành khi cơ thể chống lại nhiễm trùng. Đa phần, áp xe gan hình thành là do sự rò rỉ từ đường ruột, vi khuẩn từ đó di chuyển theo tĩnh mạch cửa đến gan gây ra ổ áp xe. Nhiều trường hợp khác là do đường mật bị nhiễm trùng và gây áp xe gan thông qua tiếp xúc trực tiếp.
Áp xe gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ổ mủ có thể vỡ ra, lây lan nhiễm trùng, dẫn đến nhiễm trùng máu và gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong.[2]
Nguyên nhân gây áp xe gan
Nguyên nhân gây áp xe gan phổ biến hiện nay là vi khuẩn, trùng amip. Ngoài ra, các bệnh lý đường mật (sỏi mật, hẹp đường mật, ung thư đường mật hoặc các dị tật đường mật bẩm sinh) không được kiểm soát tốt cũng có thể dẫn đến áp xe gan.[2]
Nguyên nhân gây áp xe gan do vi khuẩn
Khoảng 50% trường hợp áp xe gan do vi khuẩn phát triển bởi viêm đường mật. Thông thường, đa phần các ổ mủ được gây ra bởi rất nhiều loại vi khuẩn. Các loại vi khuẩn phổ biến gồm Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Enterococcus faecalis, Staphylococcus aureus và Streptococcus haemolyticus. Trong đó, áp xe gan do Klebsiella pneumoniae thường có biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng hơn so với các loại vi khuẩn khác.
Vi khuẩn Klebsiella pneumoniae thường được tìm thấy tại khu vực Đông Nam Á và đang dần gia tăng ở nước Bắc Mỹ và Châu Âu. Vi khuẩn còn được biết đến là có mối liên hệ với bệnh ung thư đại trực tràng.[3]
Nguyên nhân gây áp xe gan do amip
Áp xe gan do amip chủ yếu gây ra bởi Entamoeba histolytica hay còn gọi là trùng kiết lỵ. Trùng kiết lỵ có thể tồn tại ở 2 dạng là thể bào nang và thể tự dưỡng. Sau khi xâm nhập vào hệ tiêu hóa của người, đặc biệt tại hồi tràng, trùng kiết lỵ sẽ di chuyển đến đại tràng và cư trú tại đó.
Trùng kiết lỵ có thể di chuyển theo đường tĩnh mạch cửa đến gan, phá hủy tế bào gan và gây ra các ổ mủ lớn. Khoảng 2% đến 5% bệnh nhân mắc bệnh amip đường ruột có thể có biến chứng là áp xe gan. Nhiễm trùng còn có thể lan đến khoang màng phổi phải, phổi hoặc đến da.[4]
Con đường lây nhiễm chính của trùng kiết lỵ là thông qua việc tiêu thụ thực phẩm và nguồn nước kém vệ sinh (đường phân – miệng). Ngoài ra, một phương thức lan truyền amip khác là thông qua quan hệ tình dục bằng miệng và hậu môn, đặc biệt là ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.[5]
Những ai có nguy cơ cao bị áp xe gan?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị áp xe gan ở một người. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp xuất hiện các yếu tố nguy cơ đều mắc bệnh áp xe gan. Nếu Cô Chú, Anh Chị nghi ngờ hoặc cơ thể xuất hiện các yếu tố trên, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.[6]
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị áp xe gan là:
- Người trong độ tuổi từ 40 – 60 tuổi
- Lạm dụng rượu bia
- Xơ gan
- Suy giảm miễn dịch do mắc AIDS, sử dụng corticosteroids, phẫu thuật ghép tạng, mắc ung thư hoặc đang điều trị ung thư
- Đái tháo đường
- Bệnh lý tiêu hóa như viêm túi thừa, viêm túi mật, bệnh Crohn
- Gần đây thực hiện phẫu thuật bụng
- Gần đây thực hiện nội soi dẫn lưu mật
- Đi du lịch ở những vùng có tỷ lệ nhiễm amip cao
Sinh lý bệnh áp xe gan
Gan là cơ quan nhận máu từ cả hai nguồn là tuần hoàn hệ thống và tuần hoàn cửa. Do đó, gan rất dễ bị nhiễm trùng từ đường máu và hình thành áp xe nếu có tình trạng nhiễm trùng ở cơ quan khác. Ngoài ra, khoảng cách gần giữa gan và túi mật cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra áp xe gan. Tuy nhiên, gan có các tế bào Kupffer bao quanh có chức năng bảo vệ nhu mô gan, nhờ đó mà tình trạng nhiễm trùng hoặc hình thành áp xe gan sẽ ít khi xảy ra.
Con đường hình thành áp xe gan đa phần đến từ rò rỉ dịch đại tràng hoặc viêm phúc mạc. Khi đó, vi khuẩn sẽ di chuyển theo tĩnh mạch cửa đến gan và xâm nhiễm tại đó. Nhiễm trùng cũng có thể đến từ hệ thống đường mật.[2]
Triệu chứng áp xe gan là gì?
Triệu chứng áp xe gan thường biểu hiện với tam chứng Fontan là sốt, đau vùng hạ sườn phải và gan to. Tuy nhiên, đôi khi triệu chứng không đặc thù nên có trường hợp được phát hiện và chẩn đoán chậm trễ.
Các triệu chứng áp xe gan phổ biến là gì?
Tam chứng Fontan là các triệu chứng điển hình và phổ biến của áp xe gan. Các triệu chứng có thể không xuất hiện ngay lập tức, tuy nhiên, khi triệu chứng xuất hiện, bệnh có thể đã trở nên nghiêm trọng.
Tam chứng Fontan của áp xe gan là:
- Sốt và ớn lạnh: Đây là triệu chứng tiêu biểu của áp xe gan. Bệnh nhân có thể sốt cao 39-40 độ C, kèm lạnh run kéo dài dưới 10 tiếng. Về sau có thể sốt nhẹ 37,5 – 38 độ C. Thường sốt 3-4 ngày trước khi đau hạ sườn phải và gan to.
- Đau hạ sườn phải: Người bệnh có cơn đau kiểu tức nặng, có lúc thấy đau nhói, mức độ đau nặng gây khó chịu khi cử động mạnh. Đau hạ sườn phải có thể lan lên vai phải, khi ho đau tăng. Khi ổ áp xe to và biến chứng thì tình trạng đau có thể lan rộng ra vùng thượng vị và khắp bụng.
- Gan to: Hầu hết các trường hợp áp xe gan thì gan sẽ sưng to khiến người bệnh thấy căng tức. Khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ ghi nhận gan to hơn khoảng 3-4cm so với bình thường, bờ gan tù, nhẵn kèm ấn đau. Một số người bệnh sẽ cảm thấy khó thở do gan to làm cơ hoành bị đẩy lên cao.[7]
Ngoài ra, áp xe gan có thể gây nhiều triệu chứng khác có thể giống với viêm túi mật hoặc các loại nhiễm trùng khác.
Một số triệu chứng khác của áp xe gan là:
- Buồn nôn, nôn ói.
- Ho, khó thở.
- Đau vai phải.
- Chán ăn.
- Sụt cân đột ngột, không rõ nguyên nhân.
- Vàng da, vàng mắt.
- Nước tiểu sẫm màu.
- Phân bạc màu.
- Tiêu chảy.[2] [12]
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Thông thường các triệu chứng áp xe gan sẽ ít gây nguy hiểm đến tính mạng ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, nếu chậm trễ, ổ áp xe bị vỡ khiến nhiễm trùng lây lan sang các cơ quan khác sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh. Ổ áp xe bị vỡ có thể xảy ra đột ngột, vì vậy Cô Chú, Anh Chị hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào.
Các triệu chứng cảnh báo tình trạng áp xe gan nguy hiểm cần lưu ý:
- Các dấu hiệu thay đổi về tri giác như lú lẫn, mê sảng, hôn mê, ngất xỉu,…
- Sốt cao trên 38°C.
- Cơn đau trở nên nghiêm trọng.
- Co giật.
- Tim đập nhanh trên 100 nhịp/phút.
- Các vấn đề về hô hấp như thở gấp, khó thở hoặc thở khò khè.[6]
Phương pháp chẩn đoán áp xe gan là gì?
Chẩn đoán áp xe gan bao gồm khám lâm sàng và các cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh và nội soi mật tụy ngược dòng. Dựa vào các kết quả trên, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước quan trọng để có thể gợi ý chẩn đoán áp xe gan. Khi đó, bác sĩ sẽ đặt ra một số câu hỏi để ghi nhận các triệu chứng mắc phải, tiền căn bệnh lý gan mật, tiền căn nhiễm trùng,…có liên quan đến áp xe gan. Một số triệu chứng thường gặp nhất của áp xe gan là sốt (liên tục hoặc tăng cao đột ngột), đau hạ sườn phải, ớn lạnh, chán ăn, mệt mỏi.[8]
Kế tiếp, bác sĩ sẽ khám lâm sàng cho người bệnh, bao gồm khám tổng trạng, sinh hiệu, tri giác và khám bụng (đặc biệt là khám gan).
Trong khám tổng trạng, sinh hiệu, tri giác, vàng da có thể xuất hiện trong 25% trường hợp áp xe gan. Các chỉ số sinh hiệu như huyết áp, mạch, nhiệt độ, nhịp thở có thể gợi ý dấu hiệu cho biết tình trạng áp xe gan dần trở nặng, chẳng hạn như bất thường tri giác, mạch nhanh trên 100 lần/phút, thở nhanh, khó thở, sốt cao trên 38 độ C,…[6]
Trong khám gan, các dấu hiệu lâm sàng gợi ý áp xe gan như ấn đau vùng gan (vùng thượng vị đối với thùy trái hoặc hạ sườn phải đối với thùy phải của gan), gan to, nghiệm pháp rung gan hoặc ấn kẽ sườn bên phải dương tính, bệnh nhân bị đau nhói.[7]
Cận lâm sàng chẩn đoán
Cận lâm sàng chẩn đoán gồm xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh và nội soi tụy ngược dòng giúp bác sĩ kiểm tra và đánh giá chính xác tình trạng tổn thương tại gan. Đồng thời, bác sĩ sẽ có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh đến từ vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng nào. Từ đó giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Xét nghiệm
Một số xét nghiệm thường được thực hiện ở bệnh nhân bị áp xe gan bao gồm xét nghiệm công thức máu (CBC), xét nghiệm chức năng gan, cấy máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra còn có soi phân hoặc xét nghiệm huyết thanh nếu nghi ngờ áp xe gan do amip.
Các xét nghiệm chẩn đoán áp xe gan gồm:
- Xét nghiệm công thức máu: Phân biệt tình trạng thiếu máu do bệnh mạn tính hoặc tăng bạch cầu gợi ý nhiễm trùng.
- Xét nghiệm chức năng gan: Alkaline phosphatase tăng ở khoảng 90% người mắc áp xe gan. Ngoài ra, albumin máu giảm, mức độ men gan và bilirubin tăng trong máu.
- Xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm trùng: Các xét nghiệm protein phản ứng C (CRP), tốc độ hồng cầu lắng và cấy máu giúp loại trừ nhiễm khuẩn huyết. Cấy máu thường dương tính trong khoảng 50% trường hợp áp xe gan. Nếu chẩn đoán xác định là áp xe gan, có thể bác sĩ sẽ cho cấy dịch mủ của ổ áp xe để chẩn đoán tác nhân là loại vi khuẩn hay nấm nào.
Soi phân hoặc xét nghiệm huyết thanh bằng phản ứng miễn dịch men ELISA tìm Entamoeba histolytica khi nghi ngờ áp xe gan cho amip, đặc biệt là đối với người dân hoặc khách du lịch đến vùng có dịch tễ cao.[2] [9]
Nội soi mật tụy ngược dòng
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là thủ thuật được sử dụng chẩn đoán các bệnh lý về túi mật, hệ thống dẫn mật, tuyến tụy và gan. Ngoài ra, ERCP cũng có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh lý ở gan – mật – tụy.
ERCP được thực hiện thông qua một ống nội soi dài, mỏng, linh hoạt, có đèn và camera ở cuối giúp bác sĩ quan sát và kiểm tra hệ tiêu hóa. Bác sĩ sẽ tiêm thêm thuốc cản quang trong khi chụp X-quang, chất cản quang sẽ giúp ống mật, túi mật, ống tụy, các ổ viêm loét, áp xe khu trú hiển thị rõ hơn trên phim chụp.
Nội soi mật tụy ngược dòng sẽ chỉ ra vị trí và nguyên nhân gây tắc nghẽn, cho phép đặt stent hoặc dẫn lưu ổ áp xe.
Chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm ổ bụng là xét nghiệm được ưu tiên hàng đầu trong chẩn đoán áp xe gan bởi tính phổ biến, an toàn, nhanh chóng và có độ nhạy cao.
Chụp X-quang ngực có thể sử dụng chất cản quang để xác định hình ảnh vòm hoành bên phải có nâng cao không, có xẹp phổi hoặc tràn dịch màng phổi không.
Chụp CT hoặc MRI có thể được chỉ định nếu những phương pháp khác không đạt hiệu quả.
Áp xe gan có nguy hiểm không?
Áp xe gan là bệnh lý nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt. Do đó, người bệnh khi có triệu chứng nghi ngờ cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để tránh gây ra những biến chứng đe dọa đến tính mạng.
Tiên lượng áp xe gan
Nhờ vào các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, tiên lượng của áp xe gan đã tốt hơn nhiều so với trước đây. Đồng thời đã có kháng sinh đặc hiệu cho từng nhóm vi khuẩn hoặc thuốc điều trị ký sinh trùng phù hợp.
Tỷ lệ tử vong do áp xe gan trong bệnh viện là từ 2,5 – 19%. Tỷ lệ này sẽ cao hơn đối với người cao tuổi, bệnh nhân đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân ung thư, nhiễm nấm, xơ gan, suy thận mạn, suy hô hấp cấp, bệnh nền nặng và áp xe đường mật.
Áp xe gan tái phát thường xuyên ở những bệnh nhân mắc bệnh đường mật.[2]
Biến chứng áp xe gan
Áp xe gan là bệnh lý tiến triển và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Khi để lâu mà không được kiểm soát, ổ áp xe có khả năng sẽ vỡ và dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm, có thể khiến người bệnh tử vong.[6]
Các biến chứng áp xe gan bao gồm:
- Viêm phúc mạc và sốc nhiễm trùng
- Tràn mủ màng phổi (empyema)
- Bệnh não gan
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (endocarditis)
Bên cạnh đó, biến chứng cũng có thể xảy ra sau khi điều trị dẫn lưu ổ áp xe.[2]
Các biến chứng áp xe gan sau khi dẫn lưu ổ áp xe là:
- Suy gan hoặc suy thận.
- Tổn thương trong ổ bụng.
- Nhiễm trùng hoặc áp xe gan tái phát.
- Áp xe dưới cơ hoành.
- Hình thành đường rò đến các cơ quan gần đó (như phổi, màng phổi,…).
- Viêm tụy cấp.
- Huyết khối tĩnh mạch gan.
Điều trị áp xe gan như thế nào?
Phương pháp điều trị áp xe gan sẽ được bác sĩ chỉ định cụ thể tùy theo từng trường hợp sau khi đã thăm khám và thực hiện các bước kiểm tra. Điều trị áp xe gan phổ biến bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh và dẫn lưu ổ áp xe. Trong một số trường hợp, người bệnh chỉ cần dùng thuốc kháng sinh, tuy nhiên, dẫn lưu áp xe vẫn được xem là liệu pháp lý tưởng để điều trị triệt để áp xe gan.
Thời gian điều trị áp xe gan là từ 2 – 6 tuần tùy theo tình trạng mỗi bệnh nhân.[2]
Các phương pháp điều trị áp xe gan là:
- Điều trị nội khoa (sử dụng thuốc)
- Điều trị ngoại khoa (dẫn lưu ổ áp xe hoặc phẫu thuật)
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là phương pháp điều trị áp xe gan bằng cách sử dụng thuốc. Các loại thuốc gồm kháng sinh đối với áp xe gan do vi khuẩn và thuốc diệt amip đối với áp xe gan do amip.
Điều trị nội khoa áp xe gan do vi khuẩn hoặc amip
Bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm (khi chưa nắm rõ loại vi khuẩn nào gây áp xe). Đồng thời, nhiều loại kháng sinh được sử dụng kết hợp có tác dụng trên các loại vi khuẩn như Enterobacteriaceae, vi khuẩn kỵ khí, streptococci, enterococci, và Entamoeba histolytica, đặc biệt cho những người bị suy giảm miễn dịch như đái tháo đường.
Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện nuôi cấy để thu hẹp phạm vi vi khuẩn, từ đó chỉ định đúng loại kháng sinh cần thiết. Nhờ đó hạn chế trường hợp vi khuẩn kháng kháng sinh.
Các kháng sinh thường sẽ sử dụng như cephalosporin kèm metronidazole, thuốc ức chế Beta-lactam Beta-Lactamase cộng với metronidazole, hoặc penicillin tổng hợp cộng với aminoglycoside và metronidazole. Ngoài ra, fluoroquinolon hoặc carbapenem có thể sử dụng thay thế cho cephalosporin và penicillin trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng hoặc không có sẵn thuốc.
Người bệnh cần tuân thủ đúng theo liệu trình điều trị cho dù bệnh có đáp ứng nhanh, trung bình 10 – 14 ngày. Điều trị kháng sinh ưu tiên đường tiêm hay truyền tĩnh mạch.
Đối với trường hợp do amip, bác sĩ sử dụng các thuốc diệt amip ở mô như Emetin hay Imidazol, có thể phối hợp với Quinoline hay Diloxanide để tránh tái phát.
Điều trị nội khoa áp xe gan do nấm hoặc ký sinh trùng
Đối với áp xe gan do nhiễm nấm, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng nấm như amphotericin B khi có dấu hiệu nghi ngờ bị nhiễm nấm.
Nếu nguyên nhân gây áp xe đến từ ký sinh trùng Echinococcus, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc thuộc nhóm benzimidazole, ví dụ như thuốc albendazole. Liệu pháp này có thể kéo dài trong vài năm. Mặc dù hầu hết các trường hợp không có biến chứng và có thể được điều trị bằng thuốc chống ký sinh trùng, nhưng các trường hợp phức tạp phải được điều trị một cách triệt để.
Điều trị ngoại khoa
Khi bệnh đã tiến triển nặng hơn, việc điều trị nội khoa không có được hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp ngoại khoa bằng cách dẫn lưu hay phẫu thuật.
Dẫn lưu ổ áp xe
Tùy theo kích thước của ổ mủ mà bác sĩ sẽ chỉ định dẫn lưu ổ áp xe. Đối với ổ áp xe nhỏ hơn 5cm, bác sĩ có thể không cần thực hiện can thiệp ngoại khoa. Khi ổ mủ có kích thước từ 5 – 10cm, bác sĩ sẽ cân nhắc dẫn lưu ngoại khoa hoặc chọc tháo mủ giảm áp tùy theo vị trí của ổ mủ (sát bề mặt gan hoặc ở vùng thùy). Đối với ổ mủ lớn hơn 10cm, bác sĩ sẽ thực hiện chọc tháo mủ hoặc dẫn lưu ngoại khoa.
Phẫu thuật
Phẫu thuật sẽ được bác sĩ chỉ định đối với các trường hợp có biến chứng như viêm phúc mạc, áp xe vỡ, nhiều ổ áp xe lớn và các thủ thuật dẫn lưu trước đó không thành công. Một cuộc phẫu thuật được thực hiện bằng cách tiếp cận qua phúc mạc hoặc tiếp cận xuyên màng cứng sau.
Làm sao để phòng ngừa áp xe gan?
Áp xe gan thường đa phần do nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng. Vì vậy, phương pháp phòng ngừa áp xe gan tốt nhất là giữ vệ sinh và hạn chế nhiễm trùng.
Một số biện pháp giúp phòng ngừa áp xe gan được bác sĩ khuyến cáo là:
- Ăn chín uống sôi: Hạn chế ăn các thực phẩm sống, chưa được nấu chín kỹ như rau sống chưa được rửa sạch, tiết canh, gỏi sống, nem chạo,… Không nên uống nước chưa đun sôi hoặc sử dụng nguồn nước không vệ sinh như nước ao, nước sông,…
- Chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách: Tiêu thụ thực phẩm chế biến kém vệ sinh hoặc không được bảo quản tốt sẽ nhiễm nhiều loại vi khuẩn, nấm mốc. Vì vậy, hãy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách chế biến thức ăn đảm bảo, không ăn thức ăn ôi thiu, không dùng phân tươi bón rau củ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh,…
- Điều trị sớm nhiễm trùng: Nhiễm trùng ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể cũng có thể tiến triển và lan đến gan gây áp xe. Do đó, nếu có tình trạng nhiễm trùng, người bệnh cần gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị triệt để.
- Đi khám sớm khi có dấu hiệu bệnh: Nếu phát hiện có các triệu chứng nghi ngờ của áp xe gan, hãy đến bệnh viện sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bị áp xe gan nên ăn gì và kiêng gì?
Bị áp xe gan nên ăn những thực phẩm tốt cho gan (trái cây, rau xanh,…) và tránh những thực phẩm gây hại cho gan hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm gan (rượu bia, đồ ăn nhiều dầu mỡ,…). Do đó, người bệnh nên tham vấn ý kiến từ bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp với điều trị thuốc sẽ cho kết quả điều trị tốt nhất.
Người bị áp xe gan nên ăn gì?
Bệnh áp xe gan nên ăn những loại thực phẩm lành mạnh và tốt cho sức khỏe của gan.[10]
Một số loại thực phẩm tốt cho người bị áp xe gan là:
- Trái cây và rau xanh
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Các sản phẩm từ sữa ít béo
- Các loại đậu
- Thịt nạc và cá
Người bị áp xe gan không nên ăn gì?
Người bị áp xe gan không nên ăn các loại thực phẩm gây hại cho gan và làm nặng thêm tình trạng viêm gan bao gồm rượu bia hoặc đồ uống có cồn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, đồ ăn nhanh hoặc chế biến sẵn,…[11]
Áp xe gan và những điều cần lưu ý
- Áp xe gan là bệnh lý tiến triển, nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Áp xe gan do vi khuẩn chiếm gần 50% các trường hợp áp xe nội tạng.
- Viêm đường mật là nguyên nhân có thể dẫn đến áp xe gan phổ biến nhất hiện nay.
- Dấu hiệu và triệu chứng áp xe gan phổ biến là tam chứng sốt, đau hạ sườn phải và gan to. Các triệu chứng có thể không biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn sớm.
- Các phương pháp điều trị áp xe gan gồm điều trị bằng kháng sinh, dẫn lưu ổ áp xe và phẫu thuật.
- Nếu tình trạng áp xe gan không được điều trị sớm có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, tràn mủ màng phổi, bệnh não gan,…
Câu hỏi thường gặp
Áp xe gan là bệnh gì?
Áp xe gan là bệnh gây ra một hoặc nhiều ổ mủ trong gan. Nguyên nhân đa phần là vi khuẩn hoặc amip. Nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm nấm cũng có thể gây áp xe gan, dù ít phổ biến hơn.
Bệnh áp xe gan có chữa khỏi được không?
Bệnh áp xe gan có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu chẩn đoán và điều trị kịp thời trước khi có những biến chứng nặng đe dọa tính mạng. Phương pháp điều trị thông thường là dẫn lưu ổ áp xe kết hợp với điều trị bằng kháng sinh thích hợp. Phẫu thuật điều trị áp xe gan ít thông dụng hơn.
Thời gian điều trị áp xe gan là bao lâu?
Thời gian điều trị áp xe gan kéo dài từ 2 – 6 tuần tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Tại sao áp xe gan hay gặp ở thùy phải?
Áp xe gan hay gặp ở thùy phải tại vì thùy gan phải nhận máu từ tĩnh mạch cửa và cũng chứa mạng lưới dày đặc của hệ thống đường mật hơn thùy gan trái.
Bệnh áp xe gan có lây không?
Bệnh áp xe gan là bệnh lý có lây nhiễm. Trùng kiết lỵ gây áp xe gan do amip có thể lây lan qua đường phân – miệng do sử dụng nguồn nước và thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Bệnh không lây lan thông qua đường không khí hoặc tiếp xúc thông thường giữa người với người.
Tài liệu tham khảo
1. Losie, Jennifer A., et al. “Epidemiology and Risk Factors for Pyogenic Liver Abscess in the Calgary Health Zone Revisited: A Population-Based Study – BMC Infectious Diseases.” BioMed Central, BioMed Central, 10 Sept. 2021, bmcinfectdis.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12879-021-06649-9.
2. Liver Abscess – Statpearls – NCBI Bookshelf, www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538230/. Accessed 23 Sept. 2023.
3. Kozielewicz, Dorota Maria, et al. “Liver Abscesses – from Diagnosis to Treatment.” Clinical and Experimental Hepatology, Termedia Publishing House, Dec. 2021, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8977881/.
4. Marie, Chelsea, and Jr William A. Petri. “Amebiasis – Infectious Diseases.” MSD Manual Professional Edition, MSD Manuals, 29 Aug. 2023, www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/intestinal-protozoa-and-microsporidia/amebiasis.
5. Amebic Liver Abscess – Statpearls – NCBI Bookshelf, www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430832/. Accessed 23 Sept. 2023.
6. Carol Dawson Fehringer. “Liver Abscess: Symptoms, Causes, Treatments.” Healthgrades, 31 May 2022, www.healthgrades.com/right-care/liver-conditions/liver-abscess#risk-factors.
7. Châu Ngọc Hoa, “Triệu chứng học nội khoa”, Bộ môn Nội Đại học Y Dược TP.HCM, NXB Y học, 2012.
8. Ruben Peralta, MD. “Liver Abscess Clinical Presentation.” History, Physical Examination, Complications, Medscape, 13 June 2023, emedicine.medscape.com/article/188802-clinical?reg=1&icd=login_success_email_match_norm.
9. Ruben Peralta, MD. “Liver Abscess Workup.” Laboratory Studies, Imaging Studies, Percutaneous Aspiration and Drainage, Medscape, 13 June 2023, emedicine.medscape.com/article/188802-workup.
10. “Liver Abscess – What You Need to Know.” Drugs.Com, www.drugs.com/cg/liver-abscess.html. Accessed 23 Sept. 2023.
11. Foods That Are Bad for the Liver | Narayana Health, www.narayanahealth.org/blog/foods-to-avoid-for-healthy-liver/. Accessed 23 Sept. 2023.
12. Krause, Lydia. “Pyogenic Liver Abscess: Causes, Symptoms, and Diagnosis.” Healthline, Healthline Media, 17 Sept. 2018, www.healthline.com/health/pyogenic-liver-abscess#symptoms.