Viêm dạ dày – tá tràng: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Theo Hội khoa học Tiêu hóa, ước tính có khoảng 26% dân số Việt Nam mắc bệnh viêm dạ dày tá tràng. Ở nước ta, căn bệnh này ngày càng phổ biến và trẻ hóa hơn so với trước đây. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến tình trạng sung huyết, chảy máu dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày. Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu bất thường, Cô Bác, Anh Chị cần đi khám ngay để chẩn đoán và điều trị triệt để, nhằm giảm các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Viêm dạ dày – tá tràng
Viêm dạ dày – tá tràng: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị 0 (0)

Viêm dạ dày – tá tràng là gì?

Viêm dạ dày – tá tràng (tên tiếng Anh: Gastritis and duodenitis) là tình trạng viêm, tổn thương ở niêm mạc dạ dày và tá tràng (tá tràng là một đoạn đầu của ruột non nối với dạ dày).

Viêm dạ dày – tá tràng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính. Bệnh có thể diễn biến theo mức độ từ nhẹ đến nặng. Ở mức độ nhẹ, lớp niêm mạc dạ dày và tá tràng bị sung huyết. Đến khi bệnh tiến triển ở mức độ nặng, lớp niêm mạc xuất hiện các vết trợt đi kèm với ổ loét và xuất huyết.

Phân loại viêm dạ dày – tá tràng

Dựa theo thời gian mắc bệnh, viêm dạ dày – tá tràng được chia thành 2 loại bao gồm viêm dạ dày – tá tràng cấp tínhviêm dạ dày – tá tràng mạn tính.

Phân loại viêm dạ dày – tá tràng theo thời gian mắc:

  • Viêm dạ dày – tá tràng cấp tính gây ra các cơn đau dữ dội, xuất hiện đột ngột trong thời gian ngắn.
  • Viêm dạ dày – tá tràng mạn tính là hiện tượng viêm kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, tăng nguy cơ mắc nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu điều trị không dứt điểm.
Phân loại bệnh viêm dạ dày tá tràng là gì?
Viêm dạ dày – tá tràng là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam (Nguồn: Medicalnewstoday).

Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu thêm các bệnh dạ dày khác:

Yếu tố và nguyên nhân gây viêm dạ dày – tá tràng

Viêm dạ dày – tá tràng có thể đến từ nhiều nguyên nhân như nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (Hp), lạm dụng thuốc giảm đau, uống nhiều bia rượu,… Ngoài ra, các yếu tố như căng thẳng kéo dài, xạ trị hoặc hóa trị,… cũng có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (Hp)

Helicobacter pylori (Hp) là một loại xoắn khuẩn được tìm thấy trong lớp nhầy của niêm mạc dạ dày. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng vi khuẩn Hp là nguyên nhân phổ biến gây nên viêm dạ dày – tá tràng.

Nhiễm vi khuẩn Hp có thể dẫn đến viêm dạ dày – tá tràng thông qua nhiều con đường khác nhau. Cụ thể, vi khuẩn Hp gây tổn thương đến lớp tế bào niêm mạc ở dạ dày – tá tràng thông qua các độc lực (CagA, VacA, BabA,…).

Bên cạnh đó, các đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với sự hiện diện của vi khuẩn (tiết ra các cytokine tiền viêm, chemokine, sự xâm nhập của tế bào bạch cầu, đại thực bào…), từ đó góp phần vào quá trình gây viêm dạ dày – tá tràng.

nguyên nhân gây ra viêm dạ dày tá tràng do nhiễm khuẩn HP
Nhiễm khuẩn Hp là nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh viêm dạ dày – tá tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm).

Tham khảo thêm >> Vi khuẩn Helicobacter pylori là gì?

Lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

Một số người có thói quen lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen, naproxen… Tuy nhiên, các loại thuốc này có khả năng gây ức chế tổng hợp hormone prostaglandin. Sự thiếu hụt prostaglandin có thể dẫn đến giảm tiết chất nhầy dạ dày và các chất trung hòa axit dạ dày thúc đẩy tình trạng viêm dạ dày. Lâu dần sẽ hình thành ổ loét trên bề mặt dạ dày.

Lạm dụng rượu bia, thuốc lá

Lạm dụng rượu bia có mối liên hệ với sự trào ngược acid dạ dày lên thực quản, gây ra tình trạng ợ nóng. Một số bằng chứng cũng cho thấy sử dụng rượu bia quá mức cũng kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid dạ dày hơn mức bình thường, dần dần làm tổn thương đến bề mặt dạ dày và gây ra tình trạng viêm. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến loét dạ dày – tá tràng rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm teo dạ dày và chuyển sản ruột. Đây là hai dạng tổn thương tiền ung thư, do đó, người hút thuốc lá thường xuyên có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn so với người không hút thuốc lá.

Do ảnh hưởng của bệnh lý

Bệnh lý ruột mạn tính (IBD) là tình trạng viêm mạn tính của một phần hoặc toàn bộ đường tiêu hóa, bao gồm hai loại bệnh lý là bệnh Crohnbệnh viêm loét đại tràng.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh bệnh lý ruột mạn tính (IBD) có liên hệ với tình trạng viêm dạ dày mạn tính mà không có sự hiện diện của vi khuẩn Hp. Biểu hiện của loại viêm dạ dày này là sự xâm nhập của tế bào hệ miễn dịch gồm bạch cầu trung tính, tế bào lympho và các đại thực bào vào trong niêm mạc dạ dày – tá tràng, từ đó gây ra viêm.

Một nghiên cứu năm 2012 cũng cho thấy rằng viêm dạ dày – tá tràng không bởi Hp xảy ra phổ biến hơn ở các bệnh nhân mắc IBD so với nhóm không mắc IBD. Bên cạnh đó, viêm dạ dày – tá tràng còn đặc biệt phổ biến ở nhóm người bệnh mắc bệnh Crohn.

Không chỉ IBD, một số bệnh lý khác gồm bệnh tự miễn, bệnh Celiac, trào ngược dịch mật,… cũng có thể gây ra viêm dạ dày – tá tràng.

Các yếu tố nguy cơ gây viêm dạ dày – tá tràng

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, một số yếu tố nguy cơ khác có thể làm cho một số người có khả năng mắc bệnh lý viêm dạ dày – tá tràng cao hơn so với những người còn lại.

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh viêm dạ dày – tá tràng gồm:

  • Lớn tuổi.
  • Căng thẳng, áp lực kéo dài.
  • Người bệnh ung thư đang trong thời gian xạ trị, hóa trị.
  • Phẫu thuật dạ dày hoặc ruột non trong thời gian gần đây.
yếu tố gây viêm dạ dày tá tràng do căng thẳng
Căng thẳng, áp lực thường xuyên cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm dạ dày – tá tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm).

Sinh lý bệnh viêm dạ dày – tá tràng

Nhiễm khuẩn Hp được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm dạ dày – tá tràng. Theo đó, trong quá trình cư trú tại hang vị của dạ dày, vi khuẩn Hp có khả năng tiết ra một số độc tố như cagA và vacA, làm kích thích phản ứng viêm của cơ thể.

Tình trạng viêm dạ dày – tá tràng mạn tính cũng là kết quả của quá trình nhiễm khuẩn Hp trong thời gian dài. Tuy nhiên, các yếu tố kích thích tình trạng viêm dạ dày – tá tràng chuyển sang giai đoạn viêm teo niêm mạc dạ dày, chuyển sản ruột và ung thư dạ dày hiện nay vẫn chưa được hiểu rõ.

Ngoài ra, tình trạng viêm đến từ lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) cũng là một nguyên nhân phổ biến. Cụ thể là thuốc NSAIDs gây tổn thương niêm mạc dạ dày thông qua việc ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin – một hợp chất đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tổn thương do axit clohiđric (hydrochloric acid) gây ra.

Không chỉ vậy, viêm dạ dày – tá tràng còn là kết quả của tình trạng tự miễn, tức là hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công tế bào của thành dạ dày. Tuy nhiên, đến nay nguyên nhân chính xác vẫn chưa xác định rõ.

Dấu hiệu và triệu chứng viêm dạ dày – tá tràng

Không phải tất cả trường hợp viêm dạ dày – tá tràng đều gây ra triệu chứng. Tuy nhiên khi gây ra triệu chứng, người bệnh thường cảm thấy đau ở vùng thượng vị, cơn đau có thể lan ra sau lưng hoặc xuống vùng bụng dưới.

Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp phải triệu chứng khác, điển hình như:

  • Buồn nôn và nôn mửa.
  • Tiêu chảy.
  • Đầy hơi, khó tiêu.
  • Ăn nhanh no.
  • Chán ăn, sụt cân.
dấu hiệu viêm dạ dày tá tràng gây đau thượng vị
Viêm dạ dày – tá tràng gây ra cơn đau thượng vị, có kèm triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn mửa (Ảnh minh họa sưu tầm).

Cách chẩn đoán viêm dạ dày – tá tràng

Để chẩn đoán viêm dạ dày – tá tràng, Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, kiểm tra sức khỏe tổng quát và thu thập một số thông tin về tình trạng bệnh. Sau đó, dựa trên kết quả chẩn đoán, Bác sĩ lập ra phác đồ điều trị phù hợp để hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh.

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng là hoạt động thăm khám quan trọng và luôn được thực hiện trước tiên trong tất cả quy trình khám bệnh. Bác sĩ sẽ đưa ra một vài câu hỏi liên quan đến bệnh lý cho người bệnh để có được chẩn đoán sơ bộ về tình trạng viêm dạ dày – tá tràng.

Bác sĩ có thể hỏi một số câu hỏi khi khám lâm sàng như:

  • Thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh.
  • Tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình.
  • Các loại thuốc đã và đang sử dụng, bao gồm thực phẩm chức năng.
  • Các phẫu thuật đã từng thực hiện trước đây.
  • Tần suất xuất hiện và mức độ của triệu chứng của viêm dạ dày – tá tràng.

Cận lâm sàng tiêu hóa

Sau hoạt động khám lâm sàng, Bác sĩ có thể tiếp tục chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng tiêu hóa.

Sau đây là một số xét nghiệm cận lâm sàng tiêu hóa mà Bác sĩ có thể chỉ định để chẩn đoán chính xác viêm dạ dày – tá tràng:

Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng

Nội soi là cũng là tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa. Để thực hiện nội soi chẩn đoán viêm dạ dày – tá tràng, Bác sĩ sử dụng dây soi mềm nhỏ (có gắn camera) để đưa vào ống tiêu hóa thông qua đường miệng để quan sát thực quản, dạ dày và tá tràng. Tại đây, Bác sĩ có thể quan sát được dấu hiệu viêm, loét và xuất huyết dạ dày – tá tràng, cũng như các tổn thương bất thường khác trong đường tiêu hóa.

Trong quá trình nội soi, Bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết mẫu mô bất thường ở dạ dày hoặc tá tràng và gửi đến phòng thí nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa đang mắc phải.

Vì nội soi là một kỹ thuật yêu cầu độ chính xác cao nên trước khi thực hiện, Cô Bác, Anh Chị nên tìm hiểu và lựa chọn địa chỉ cơ sở y tế uy tín

Hiện nay, Endo Clinic là trung tâm hiếm hoi chuyên sâu về Nội soi, Chẩn đoán và Điều trị bệnh lý tiêu hóa uy tín tại TP. HCM. Trung tâm Endo Clinic có đội ngũ Bác sĩ giỏi chuyên môn, đến từ các bệnh viện đầu ngành.

Ngoài ra, Endo Clinic còn ứng dụng quy trình nội soi đạt chuẩn quốc tế và máy móc hiện đại như máy nội soi tiên tiến có độ phóng đại 100 – 135 lần, chế độ nhuộm ảo (NBI), màn hình 4K sắc nét,…

Đặc biệt, Endo Clinic còn kết hợp phương pháp Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê) để vừa giúp Khách hàng giảm căng thẳng, vừa giúp Bác sĩ quan sát thật kỹ tổn thương, kể cả đó là tổn thương khó phát hiện ở vị trí góc khuất.

Nhờ vậy mà dịch vụ Nội Soi Không Đau tại Endo Clinic mang đến hiệu quả chẩn đoán bệnh lý chính xác đến 90% – 95% và tầm soát ung thư chính xác đến 95 – 99%.

nội soi chẩn đoán nguyên nhân bệnh viêm dạ dày tá tràng tại Endo Clinic
Phòng khám dạ dày Endo Clinic sử dụng kỹ thuật nội soi tiêu hóa hiện đại giúp chẩn đoán nhanh hơn, chính xác hơn, giảm tỷ lệ bỏ sót và đồng nhất về kết quả (Nguồn: Endo Clinic).

Khi đến với Endo Clinic, Quý Khách hàng có thể an tâm với chi phí nội soi hợp lý và thời gian làm việc sớm (từ 6 giờ sáng đến 15 giờ chiều mỗi ngày).

Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm dạ dày – tá tràng, hãy đặt lịch khám với Bác sĩ Endo Clinic ngay tại Đặt Lịch Khám, hoặc liên hệ Hotline 028 5678 9999 để được hướng dẫn chi tiết.

Xét nghiệm mô bệnh học (Giải phẫu bệnh)

Bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết mẫu mô tại 5 vị trí (hang vị phía bờ cong lớn, hang vị phía bờ cong nhỏ, góc bờ cong nhỏ, thân vị phía bờ cong lớn, thân vị phía bờ cong nhỏ) và để vào các lọ riêng biệt. Sau đó, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ tiến hành phân tích mô bệnh học và đưa ra đánh giá chính xác về tình trạng viêm dạ dày – tá tràng của người bệnh.

Xét nghiệm máu

Bác sĩ tiến hành lấy máu từ người bệnh và gửi đến phòng thí nghiệm để chẩn đoán phân biệt bệnh lý viêm dạ dày – tá tràng với các nguyên nhân khác có triệu chứng tương tự. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu còn hỗ trợ Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân liệu có mắc một số bệnh lý kèm theo nào khác nữa hay không.

xét nghiệm máu tìm nguyên nhân gây viêm dạ dày tá tràng
Xét nghiệm máu giúp kiểm tra bệnh Celiac hoặc nguyên nhân khác gây ra viêm dạ dày và tá tràng (Nguồn: nhlbi.nih.gov).

Xét nghiệm phân

Bên cạnh xét nghiệm máu, xét nghiệm phân tích trên phân cũng là một xét nghiệm cận lâm sàng thường được chỉ định. Thực hiện xét nghiệm phân sẽ giúp Bác sĩ xác định bệnh nhân có nhiễm khuẩn Hp hay mắc phải các loại ký sinh trùng nào khác hay không.

Test hơi thở Hp C13

Test hơi thở Hp C13 là phương pháp không xâm lấn giúp phát hiện vi khuẩn Hp trong dạ dày dựa trên phản ứng phân giải urea thành carbon dioxide và amoniac của vi khuẩn. Người bệnh sẽ được yêu cầu uống một viên nang có chứa ure gắn đồng vị không phóng xạ C13 và sau đó thở hơi vào trong 1 túi bóng. Bác sĩ sẽ đo lường lượng khí carbon dioxide thu được. Nếu người bệnh có nhiễm Hp, lượng khí carbon dioxide có gắn đồng vị không phóng xạ C13 sẽ tăng lên. Khi đó, người bệnh được xem là dương tính với Hp.

Chụp X-quang

Với kỹ thuật chẩn đoán này, Cô Bác, Anh Chị cần uống một lượng bari vừa đủ để phủ lên niêm mạc dạ dày và tá tràng. Sau đó Bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang để xác định và đánh giá các bất thường có liên quan đến tình trạng viêm dạ dày – tá tràng.

Biến chứng của viêm dạ dày – tá tràng

Nếu không điều trị sớm và đúng cách, triệu chứng đau dạ dày – tá tràng dần phát triển thành biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Xuất huyết dạ dày với biểu hiện là nôn hoặc đi ngoài ra máu, phân có màu đen (giống như bã cà phê).
  • Loét dạ dày – tá tràng với triệu chứng đau dữ dội, nóng rát vùng thượng vị, khó tiêu, ợ nóng và nôn mửa. Ngoài ra, khi viêm loét không được điều trị tốt có thể gây ra hẹp môn vị, thủng dạ dày – tá tràng và gây xuất huyết ồ ạt.
  • Thủng dạ dày khi ổ loét phát triển sâu hơn và phá vỡ hoàn toàn thành dạ dày hoặc tá tràng.
  • Viêm phúc mạc xảy ra khi thành dạ dày – tá tràng đã bị thủng và làm chảy dịch tiêu hóa vào trong ổ bụng. Trường hợp này cần được cấp cứu sớm, nếu không người bệnh có thể tử vong do nhiễm trùng nặng.
  • Ung thư dạ dày: Tình trạng viêm dạ dày tá tràng mạn tính cứ kéo dài, không được điều trị dứt điểm có thể làm tổn thương liên tục niêm mạc dạ dày và làm tăng nguy cơ hình thành ung thư dạ dày.

> Xem thêm: Viêm dạ dày có nguy hiểm không?

Cách điều trị bệnh viêm dạ dày – tá tràng

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc để giảm nhẹ triệu chứng viêm dạ dày và tá tràng. Lưu ý, người bệnh nên tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc, không được tự ý điều chỉnh thuốc yêu cầu để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Cụ thể, các loại thuốc được dùng trong điều trị viêm dạ dày – tá tràng bao gồm:

Thuốc kháng sinh

Các loại thuốc kháng sinh như amoxicillin, clarithromycin, tetracyclin hay metronidazole hỗ trợ diệt vi khuẩn Hp – nguyên nhân phổ biến gây ra viêm dạ dày và tá tràng, từ đó cải thiện tình trạng bệnh.

Thông thường, Bác sĩ có thể phối hợp sử dụng nhiều loại kháng sinh trở lên để tăng hiệu quả điều trị. Lưu ý, người bệnh cần tuân thủ điều trị, thường là 14 ngày và thông báo cho Bác sĩ nếu có tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc.

Thuốc kháng axit dạ dày

Nồng độ axit quá cao trong dạ dày làm cho triệu chứng viêm dạ dày – tá tràng nặng hơn. Lúc này, Bác sĩ đề nghị dùng thuốc kháng axit (như canxi cacbonat, magie hydroxit) để trung hòa axit dạ dày và giảm đau.

Tuy nhiên, thuốc kháng axit được khuyến cáo không nên sử dụng thường xuyên. Nếu lạm dụng có thể khiến người bệnh gặp phải tác dụng không mong muốn và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Do đó, người bệnh nên tham vấn kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này.

thuốc điều trị viêm dạ dày - tá tràng
Các loại thuốc kháng axit còn ngăn cản cơ thể hấp thu các loại thuốc khác và ảnh hưởng đến hiệu quả nên cần sử dụng thuốc kháng axit riêng, trước 1 – 2 giờ (Ảnh minh họa sưu tầm).

Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) như omeprazole, lansoprazole, rabeprazole hỗ trợ giảm axit dạ dày bằng cách ngăn chặn hoạt động bài tiết axit. Khi sử dụng thuốc này, bệnh nhân nên tuân theo hướng dẫn của Bác sĩ giúp hạn chế được một số tác dụng không mong muốn.

Thuốc kháng Histamin H2

Thuốc kháng Histamin (H2) như famotidine, ranitidine hoặc nizatidine hỗ trợ giảm lượng axit tiết ra trong đường tiêu hóa, từ đó giảm đau do viêm dạ dày. Tuy nhiên trong một số trường hợp, thuốc kháng Histamin H2 có thể gây ra tác dụng phụ khác như tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi, buồn ngủ, đau cơ,…

Cách giảm nhẹ triệu chứng viêm dạ dày – tá tràng

Để giảm nhẹ triệu chứng của viêm dạ dày và tá tràng, bệnh nhân nên thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học hơn, cụ thể:

  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ (chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và đậu), thực phẩm ít chất béo (cá, thịt nạc) và các loại thực phẩm có nồng độ axit thấp giúp cải thiện cơn đau dạ dày – tá tràng.
  • Nếu mắc bệnh Celiac, người bệnh cần loại bỏ thực phẩm chứa gluten như bánh ngọt, bánh mì, mì ống, súp đóng hộp khỏi chế độ ăn hằng ngày.
  • Cần hạn chế sử dụng thực phẩm gây kích ứng dạ dày và làm cho viêm dạ dày – tá tràng trở nên nặng hơn, điển hình như đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, thực phẩm có tính axit, thức ăn cay, nóng.
  • Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì 3 bữa chính, vì khi ăn quá nhiều hoặc quá no thì dạ dày phải tiết axit nhiều hơn bình thường để tiêu hóa thức ăn, từ đó càng làm cho bệnh trở nên trầm trọng.
  • Ăn uống đúng giờ và không bỏ bữa. Khi ăn, cần ăn chậm nhai kỹ để thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn và làm trung hòa axit dạ dày.
  • Từ bỏ rượu bia và thuốc lá cũng là một cách giảm nhẹ biểu hiện của viêm dạ dày và tá tràng.
  • Ngừng sử dụng thuốc giảm đau, giảm viêm hoặc chỉ sử dụng khi có chỉ định cụ thể từ Bác sĩ.
giảm nhẹ viêm dạ dày tá tràng nên ăn gì
Bệnh nhân nên xây dựng chế độ ăn có nhiều thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo để hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng đau dạ dày – tá tràng (Ảnh minh họa sưu tầm).

Các điểm cần lưu ý về bệnh viêm dạ dày – tá tràng

Sau đây là các lưu ý quan trọng về bệnh lý viêm dạ dày – tá tràng để người bệnh dễ dàng nắm rõ:

  • Nguyên nhân viêm dạ dày và tá tràng chủ yếu là do nhiễm khuẩn Hp, lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học.
  • Viêm dạ dày – tá tràng có thể gây đau, buồn nôn, chướng bụng. Nếu không sớm điều trị bệnh, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như loét, xuất huyết, thủng dạ dày – tá tràng.
  • Nếu có chỉ định dùng thuốc, cần lưu ý uống đủ liệu trình. Việc ngưng thuốc đột ngột, bỏ liều, tăng liều có thể giảm đi hiệu quả điều trị hoặc làm cho bệnh tái phát nhiều lần, không dứt điểm. Trường hợp có phản ứng phụ xảy ra, hãy ngừng dùng thuốc và đến gặp Bác sĩ ngay lập tức.
  • Bên cạnh cách điều trị viêm dạ dày – tá tràng bằng thuốc, người bệnh phải áp dụng thói quen ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi thật nhiều và hạn chế căng thẳng để hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng.
  • Đặc biệt, hãy chủ động tầm soát ung thư dạ dày – tá tràng định kỳ theo khuyến nghị của Bác sĩ, để sớm phát hiện các biến chứng và can thiệp điều trị ngay. Từ đó, nâng cao hiệu quả khỏi bệnh, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống.
cần thăm khám bệnh viêm dạ dày tá tràng sớm để tránh biến chứng nguy hiểm
Bệnh nhân nên đi khám với Bác sĩ ngay khi phát hiện dấu hiệu của viêm dạ dày – tá tràng, để kịp thời được điều trị, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm (Ảnh minh họa sưu tầm).

Viêm dạ dày – tá tràng có thể làm tăng nguy cơ thành ung thư dạ dày rất nguy hiểm. Vì vậy, Cô Bác, Anh Chị không được chủ quan mà cần đi khám ngay nếu có triệu chứng viêm dạ dày – tá tràng. Tại trung tâm nội soi dạ dày Endo Clinic, Bác sĩ Chuyên khoa Tiêu hóa còn khuyến khích mỗi người nên nội soi dạ dày tá tràng định kỳ, kết hợp với chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X–quang, CT, MRI để sớm phát hiện dấu hiệu bất thường với kết quả chính xác, từ đó chủ động can thiệp kịp thời, tự bảo vệ sức khỏe nói chung và sức khỏe tiêu hóa nói riêng.

Câu hỏi thường gặp

Viêm dạ dày – tá tràng khi nào nên thăm khám ngay?

Bệnh nhân viêm dạ dày – tá tràng nếu gặp triệu chứng đau bụng dữ dội, kèm theo sốt cao, xuất huyết dạ dày làm cho phân có màu nâu hoặc đen sẫm, vón cục giống như bã cà phê cần đi gặp Bác sĩ ngay để được điều trị sớm và đúng cách, giúp hạn chế biến chứng nguy hiểm.

Viêm dạ dày – tá tràng có nguy hiểm không?

Dạ dày – tá tràng bị viêm lâu ngày không có biện pháp can thiệp, dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, loét dạ dày tá tràng, viêm phúc mạc, thủng dạ dày và thậm chí là ung thư dạ dày.

Viêm dạ dày – tá tràng có chữa khỏi được không?

Viêm dạ dày – tá tràng có thể điều trị được. Để có biết rõ hơn tình trạng bệnh lý của mình, người bệnh nên đi khám với Bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp cho từng cá nhân.

Tài liệu tham khảo:

1. Saurabh Sethi. Gastritis/Duodenitis. 24 07 2020 https://www.healthline.com/health/gastritis-duodenitis (đã truy cập: 25 04 2023)

2. Dr Eric Wee. Gastritis, duodenitis and ulcers. https://nobelmedicalgroup.com/gastritis-duodenitis-ulcers/ (đã truy cập: 25 04 2023)

3. WebMD Editorial Contributors. What Is Duodenitis? 17 06 2021 https://www.webmd.com/digestive-disorders/what-is-duodenitis (đã truy cập: 25 04 2023)

4. Saurabh Sethi. Can smoking cause stomach pain? Digestive issues and more. 25 11 2022 https://www.medicalnewstoday.com/articles/can-smoking-cause-stomach-pain (đã truy cập: 25 04 2023)

5. Anna Bienia, Wojciech Sodolski, Elzbieta Luchowska. The effect of chronic alcohol abuse on gastric and duodenal mucosa https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12898897 (đã truy cập: 25 04 2023)

6. Sullivan, Ph.D. What are gastritis and duodenitis? 29 08 2018 https://www.medicalnewstoday.com/articles/322889 (đã truy cập: 25 04 2023)

7. Samy A. Azer; Hossein Akhondi. Gastritis. 04 07 2022 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK544250/ (đã truy cập: 25 04 2023)

8. Mayo Clinic Staff. Gastritis. 15 03 2022 https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastritis/diagnosis-treatment/drc-20355813 (đã truy cập: 25 04 2023)

9. NIDDK. Diagnosis of Gastritis & Gastropathy. 08 2019 https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/gastritis-gastropathy/diagnosis (đã truy cập: 25 04 2023)

10. Cleveland Clinic medical professional. H. Pylori (Helicobacter Pylori) Breath Test / Urea Breath Test. 20 11 2020 https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/5217-h-pylori-helicobacter-pylori-breath-test–urea-breath-test (đã truy cập: 25 04 2023)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?

Chia sẻ nội dung: