Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Để đánh giá tình hình sức khỏe của người bệnh, bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm công thức máu (CBC). Đây là xét nghiệm phân tích toàn bộ thành phần có trong máu, trong đó có chỉ số RBC. Chỉ số RBC bất thường có thể báo hiệu tình trạng xuất huyết, bệnh lý liên quan đến phổi hoặc rối loạn máu. Như vậy, RBC là chỉ số gì? Chỉ số RBC bao nhiêu là nguy hiểm? Mời Cô Chú, Anh Chị hãy cùng đồng hành với phòng khám Endo Clinic để tìm hiểu sâu thêm về vấn đề này nhé!

Tổng quan chỉ số RBC trong xét nghiệm máu
Tổng quan chỉ số RBC trong xét nghiệm máu

RBC là gì?

RBC là tên viết tắt của “Red Blood Cell” có tên tiếng Việt là tế bào hồng cầu, là loại tế bào chiếm tỷ lệ lớn nhất trong máu (40 – 45%). Chỉ trong khoảng 2 – 3 giọt máu có thể chứa tới 1 tỷ tế bào hồng cầu. [1]

RBC trong xét nghiệm máu là một chỉ số đo lường tổng số lượng tế bào hồng cầu có trong một đơn vị thể tích máu (1 microlit máu). Hồng cầu cũng là thành phần chiến phần lớn thể tích máu. Trong hồng cầu có chứa một protein đặc biệt là hemoglobin, hay còn gọi là huyết sắc tố, là thành phần chính làm cho máu có màu đỏ.

RBC trong xét nghiệm máu là gì?
RBC trong xét nghiệm máu là gì?

Ngoài ra, hồng cầu còn đặc trưng bởi hình dạng dĩa lõm 2 mặt và đặc biệt là không chứa nhân tế bào. Nhờ đó, hồng cầu có thể dễ dàng uốn nắn hình dạng của mình và chui vừa vào trong các mạch máu nhỏ nhất để thực hiện chức năng của mình. Thời gian sống của hồng cầu là khoảng 120 ngày.

Chức năng của hồng cầu là vận chuyển oxy tiếp nhận từ phổi và vận chuyển chúng đến các mô và cơ quan nằm khắp cơ thể. Sau đó, chúng sẽ chịu trách nhiệm mang carbon dioxide từ các cơ quan đó trở về phổi để giải phóng ra ngoài.[2]

Chỉ số RBC trong máu là gì?

Chỉ số RBC trong máu là thông số phản ánh tổng số lượng tế bào hồng cầu có trong 1 microlit máu, khi thực hiện xét nghiệm công thức máu (CBC). Chỉ số này thường được thực hiện cùng lúc với nhiều chỉ số xét nghiệm máu khác trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi. Chỉ số RBC cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tình hình sức khỏe tổng thể.

Các chỉ số khác trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi có thể kể đến như chỉ số MPV, chỉ số MCHC, chỉ số HCT, chỉ số MCV, chỉ số RDW, chỉ số PLT,…

Chỉ số RBC trong xét nghiệm máu là gì?
Chỉ số RBC trong xét nghiệm máu là gì?

Hồng cầu đóng vai trò cốt yếu trong việc nuôi dưỡng cơ thể và duy trì sự sống. Vì vậy, việc theo dõi sát sao số lượng hồng cầu là điều cần thiết. Dựa trên chỉ số RBC trong máu mà bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của người bệnh. Đồng thời, chỉ số RBC cũng là căn cứ quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán nhiều bệnh lý về máu hoặc phát hiện xuất huyết.

Lưu ý:

Các thông tin được đề cập sau đây chỉ mang tính tham khảo. Chỉ số RBC có thể dao động khác nhau tùy vào phòng thí nghiệm thực hiện xét nghiệm. Do đó, Cô Chú, Anh Chị nên trao đổi kỹ càng với bác sĩ để biết chính xác tình trạng sức khỏe của bản thân.

Ý nghĩa chỉ số RBC trong máu là gì?

Ý nghĩa của chỉ số RBC trong máu là căn cứ quan trọng hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán nhiều loại bệnh lý. Đồng thời, chỉ số RBC còn giúp bác sĩ đánh giá tổng quan tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Chỉ số RBC bất thường có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu, xuất huyết hoặc cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng cần điều trị kịp thời.

Chỉ số RBC bình thường là bao nhiêu trong máu?

Chỉ số RBC bình thường là khi số lượng hồng cầu khoảng 4,5 – 5,9 triệu tế bào/uL (4,5 – 5,9 M/uL) ở nam và 4 – 5,2 triệu tế bào/uL (4 – 5,2 M/uL) ở nữ.[3]

Chỉ số RBC trong máu bình thường bao nhiêu?
Chỉ số RBC trong máu bình thường bao nhiêu?

Chỉ số RBC bình thường cho biết số lượng hồng cầu trong máu của cơ thể đang ổn định. Khi chỉ số RBC cao hơn hoặc thấp hơn so với mức bình thường có thể báo hiệu nhiều bệnh lý liên quan đến tình trạng tăng hoặc giảm hồng cầu trong máu.

Chỉ số RBC trong máu cao là bao nhiêu?

Chỉ số RBC trong máu cao là khi số lượng hồng cầu trên 5,9 triệu tế bào/uL (> 5,9 M/uL) ở nam và trên 5,2 triệu tế bào/uL (> 5,2 M/uL) ở nữ. Tình trạng này còn được gọi là tăng hồng cầu trong máu (erythrocytosis).[3]

Chỉ số RBC cao hơn bình thường là tình trạng hồng cầu cao hơn khoảng tham chiếu thông thường dẫn đến dòng máu cô đặc lại, từ đó tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Ngoài ra, có quá nhiều hồng cầu có thể là dấu hiệu của người đi ngoài quá nhiều, mất nước và nôn hoặc các bệnh lý về rối loạn về máu.[4]

Chỉ số RBC trong máu cao là bao nhiêu?
Chỉ số RBC trong máu cao là bao nhiêu?

Một số triệu chứng có thể gặp phải khi bị tăng hồng cầu trong máu như là mệt mỏi, khó thở, đau đầu, ngứa da, chóng mặt,…[5]

Chỉ số RBC trong máu thấp là bao nhiêu?

Chỉ số RBC trong máu thấp là khi số lượng hồng cầu thấp hơn 4,5 triệu tế bào/uL (< 4,5 M/uL) ở nam và thấp hơn 4 triệu tế bào/uL (< 4 M/uL) ở nữ.[3]

Khi đó, cơ thể hiện tại đang không sản xuất đủ lượng hồng cầu hoặc cơ thể bị mất máu quá nhiều. Tình trạng này còn được gọi là giảm hồng cầu trong máu (erythrocytopenia).

Chỉ số RBC trong máu thấp là bao nhiêu?
Chỉ số RBC trong máu thấp là bao nhiêu?

Chỉ số hồng cầu thấp có thể báo hiệu cho tình trạng thiếu máu (anemia). Nếu không được điều trị thì thiếu máu nguy cấp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Triệu chứng khi bị giảm hồng cầu có thể gồm chóng mặt, đau đầu, thở gấp, tim đập nhanh.[6]

Nguyên nhân làm chỉ số RBC cao là gì?

Chỉ số RBC cao trong máu có thể báo hiệu các vấn đề bệnh lý nguy hiểm như giảm oxy trong máu (cô đặc máu) hoặc trong các mô, cơ quan, các bệnh lý như suy tim, đa hồng cầu,… Ngoài ra, tế bào hồng cầu tăng số lượng cũng có thể đến từ các bệnh lý ung thư về máu. Từ đó làm tăng đột biến hồng cầu trong máu. Vì thế, khi chỉ số RBC tăng cao, người bệnh nên khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân làm chỉ số RBC trong xét nghiệm máu tăng cao là gì?
Nguyên nhân làm chỉ số RBC trong xét nghiệm máu tăng cao là gì?

Một số nguyên nhân làm chỉ số RBC cao là:

  • Giảm oxy ở các mô
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Suy tim
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Bệnh đa hồng cầu (PV)

Giảm oxy ở các mô

Giảm oxy ở các mô (hypoxia) xảy ra khi các mô trong cơ thể không nhận đủ lượng oxy cần thiết.[7] Khi đó, cơ thể sẽ kích thích thận giải phóng ra một loại hormone gọi là erythropoietin (EPO). EPO có vai trò thúc đẩy sản xuất hồng cầu để giúp tăng cường lượng oxy cho cơ thể đang bị thiếu.[8] Điều này có thể làm chỉ số công thức máu RBC tăng cao.

Các bệnh lý mà khiến nồng độ oxy trong máu giảm hoặc cắt giảm lưu lượng máu đều có thể gây ra giảm oxy ở các mô. Vì thế, chỉ số RBC cao có thể là một gợi ý quan trọng giúp bác sĩ phát hiện sớm tình trạng nguy cấp này. Nếu giảm oxy ở mô không được giải quyết có thể gây tổn thương nội tạng. Nếu tổn thương xảy ra ở não hoặc tim có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh (CCHD) là thuật ngữ mô tả các khiếm khuyết hoặc bất thường tim xuất hiện bẩm sinh. Các khiếm khuyết này có thể xảy ra ở buồng tim, van tim,… và khiến cho việc vận chuyển máu của tim không được diễn ra bình thường.[9]

Người lớn bị mắc bệnh tim bẩm sinh thông thường sẽ xuất hiện tình trạng tăng hồng cầu trong máu, từ đó làm cho chỉ số RBC trong máu tăng cao. Nguyên do là vì bệnh tim bẩm sinh có thể khiến người gặp tình trạng thiếu oxy trong máu. Điều này kích thích tủy xương sản sinh nhiều lượng hồng cầu hơn để có thể bù đắp lại lượng oxy bị thiếu hụt, dẫn đến tế bào hồng cầu tăng.[10]

Suy tim

Suy tim cũng là một nguyên nhân khiến cho chỉ số RBC cao trong máu. Suy tim là tình trạng mà tim không thể bơm đủ máu đi khắp cơ thể. Điều này có thể khiến lượng oxy trong các mô cơ quan giảm mạnh, thúc đẩy cơ thể sản sinh thêm nhiều tế bào hồng cầu. Tình trạng giảm oxy trong mô cơ quan thường xảy ra ở bệnh nhân mắc suy tim cấp tính (AHF) hơn so với suy tim mạn tính (CHF).[11]

Suy tim làm chỉ số RBC trong xét nghiệm máu tăng cao
Suy tim làm chỉ số RBC trong xét nghiệm máu tăng cao

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý thường gặp. Bệnh này đặc trưng bởi tình trạng viêm phổi mạn tính dẫn đến làm giảm lượng không khí đi vào phổi. Nguyên nhân gây bệnh thường do việc tiếp xúc quá mức với khí độc hoặc các chất độc có trong không khí, điển hình chính là khói thuốc lá.[12]

Tình trạng viêm phổi mạn tính có thể gây hẹp đường thở và làm tổn thương phổi nặng nề. Điều này làm giảm khả năng hấp thụ oxy từ không khí của phổi. Từ đó dẫn đến giảm lượng oxy cung cấp cho cơ thể. Khi đó, chỉ số công thức máu RBC có thể tăng cao.[13]

Bệnh đa hồng cầu

Bệnh đa hồng cầu (PV) là một loại ung thư của tế bào máu, đặc trưng bởi hiện tượng tăng sinh quá mức số lượng hồng cầu trong cơ thể. Điều này khiến cho chỉ số RBC tăng cao thường được ghi nhận ở người mắc bệnh lý đa hồng cầu.

Khi số lượng hồng cầu có trong máu quá nhiều, điều này có thể làm dòng máu trở nên cô đặc lại. Lúc đó, hồng cầu sẽ rất khó di chuyển vào trong các mao mạch có kích thước nhỏ, khiến cho lưu lượng máu đến một số vị trí cơ quan nội tạng giảm sút.

Ngoài ra, người mắc bệnh đa hồng cầu còn có nguy cơ cao hình thành huyết khối gây tắc nghẽn động mạch, dẫn đến nhiều biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim,…[14]

Các nguyên nhân khác

Bên cạnh các nguyên nhân được đề cập, còn nhiều nguyên nhân khác có thể làm cho chỉ số hồng cầu trong máu cao. Các nguyên nhân khác có thể gồm ung thư tế bào thận (RCC), lạm dụng thuốc kích thích như steroid đồng hóa (anabolic steroid), tình trạng bị mất nước,…[15]

Nguyên nhân làm chỉ số RBC thấp là gì?

Chỉ số RBC thấp có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như là xuất huyết, suy thận, bệnh bạch cầu (leukemia) hoặc phụ nữ mang thai. Chỉ số RBC trong máu thấp báo hiệu tình trạng thiếu máu (anemia), thiếu axit folic, sắt, vitamin B12 hay chảy máu trong dạ dày hoặc tá tràng. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, thậm chí tử vong. Do đó, người bệnh nhanh chóng đến gặp bác sĩ để thăm khám nếu nhận thấy chỉ số công thức máu RBC thấp hơn mức bình thường.

Những nguyên nhân làm chỉ số RBC trong máu thấp
Những nguyên nhân làm chỉ số RBC trong máu thấp

Một số nguyên nhân làm chỉ số RBC giảm là:

  • Mang thai
  • Bệnh thận mạn tính
  • Suy giáp
  • Xuất huyết
  • Thiếu máu bất sản
  • Thiếu máu tán huyết miễn dịch

Mang thai

Chỉ số RBC thấp khi mang thai có thể đến từ việc cơ thể người mẹ cần một lượng máu nhiều hơn bình thường để cung cấp cho thai nhi. Điều này có thể dẫn đến số lượng hồng cầu của mẹ bị giảm xuống, dẫn đến chỉ số RBC thấp. Ngoài ra, nguyên nhân phổ biến khác khiến chỉ số RBC trong máu thấp khi mang thai có thể đến từ việc thiếu sắt, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3.

Mang thai làm chỉ số RBC trong xét nghiệm máu giảm thấp
Mang thai làm chỉ số RBC trong xét nghiệm máu giảm thấp

Việc thiếu máu nhẹ khi mang thai là tình trạng bình thường. Tuy nhiên, nếu việc thiếu máu dần nghiêm trọng, điều này có thể làm tăng tỷ lệ thai nhi bị thiếu máu khi vừa chào đời. Ngoài ra, nếu người mẹ bị thiếu máu trong tam cá nguyệt thứ 1, người mẹ có nguy cơ cao sinh non hoặc con sinh ra có cân nặng thấp.[16]

Vì thế, người mẹ khi mang thai nên thường xuyên khám định kỳ để có thể kịp thời xử lý nếu tình trạng thiếu máu xảy ra.

Bệnh thận mạn tính

Thận đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hồng cầu trong cơ thể. Bên cạnh việc lọc máu, thận có thể giải phóng erythropoietin (EPO), một loại hormone giúp kích thích sản xuất tế bào máu trong tủy xương. Khi thận bị tổn thương hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn (suy thận), người bệnh có thể mắc phải tình trạng thiếu máu. Khi đó, lượng EPO tiết ra ít hơn bình thường khiến cơ thể giảm sản sinh hồng cầu, khiến cho chỉ số RBC giảm.

Bên cạnh việc giảm tăng sinh hồng cầu, các hồng cầu trong cơ thể người bị bệnh thận mạn tính cũng có xu hướng chết nhanh hơn bình thường. Điều này dẫn tới hiện tượng việc sản xuất hồng cầu mới không đủ để bù vào lượng hồng cầu đã bị mất đi. Từ đó tình trạng thiếu máu ngày càng trầm trọng.[17]

Suy giáp

Các hormone được tiết ra từ tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến sự sản xuất hồng cầu. Hormone tuyến giá có thể tác động trực tiếp đến tế bào gốc tạo máu hoặc gián tiếp qua việc thúc đẩy sản sinh EPO ở thận. Khi tuyến giáp bị thương tổn hoặc không hoạt động bình thường, người bệnh có khả năng bị thiếu máu và có chỉ số RBC giảm thấp.[18]

Suy giáp làm chỉ số RBC trong xét nghiệm máu giảm thấp
Suy giáp làm chỉ số RBC trong xét nghiệm máu giảm thấp

Xuất huyết

Chỉ số RBC trong máu thấp báo hiệu tình trạng xuất huyết quá mức trong cơ thể. Khi đó, số lượng tế bào hồng cầu mất đi vượt quá số lượng tế bào được tạo mới, từ đó gây ra tình trạng thiếu máu. Có 2 dạng xuất huyết là xuất huyết ồ ạt (rapid blood loss) hoặc xuất huyết mạn tính (chronic blood loss).

Một số nguyên nhân có thể gây xuất huyết ồ ạt như là chấn thương, phẫu thuật, vỡ mạch máu,… Tình trạng này có thể làm hạ huyết áp đột ngột, giảm lượng oxy trong cơ thể. Nếu tình trạng xuất huyết không được kiểm soát có thể gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong.

Xuất huyết mạn tính là khi tình trạng xuất huyết âm ỉ và kéo dài. Khi đó, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, khó thở và da nhợt nhạt. Một số nguyên nhân có thể là loét dạ dày – tá tràng, polyp đại tràng, ung thư đại tràng,…[19]

Thiếu máu bất sản

Thiếu máu bất sản (aplastic anemia) là một dạng rối loạn mà các tế bào gốc tạo máu có trong tủy xương bị tổn thương. Điều này làm cho các tế bào gốc này không thể phát triển thành hồng cầu và các tế bào máu khác (bạch cầu, tiểu cầu) như bình thường. Từ đó, số lượng hồng cầu trong cơ thể bị sụt giảm nghiêm trọng và dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Nguyên nhân gây ra bệnh lý này vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, thiếu máu bất sản có thể bắt nguồn từ rối loạn tự miễn. Khi đó, hệ miễn dịch hoạt động bất thường làm ức chế hoạt động của tủy xương.[20]

Thiếu máu tán huyết miễn dịch

Thiếu máu tán huyết miễn dịch là một nhóm các rối loạn miễn dịch khiến kháng thể tự tấn công vào các hồng cầu. Việc này có thể khiến cho lượng hồng cầu giảm mạnh và làm chỉ số RBC thấp trong máu. Đây là nhóm bệnh lý hiếm gặp và có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Bệnh thường xảy ra ở nữ nhiều hơn ở nam.[21]

Thiếu máu tán huyết miễn dịch làm chỉ số RBC trong xét nghiệm máu giảm thấp
Thiếu máu tán huyết miễn dịch làm chỉ số RBC trong xét nghiệm máu giảm thấp

Các nguyên nhân khác

Chỉ số công thức máu RBC thấp còn đến từ nhiều nguyên nhân khác bên cạnh các bệnh lý được đề cập ở trên. Một số nguyên do có thể bao gồm tác dụng không mong muốn của thuốc (thuốc hóa trị, thuốc kháng sinh,…), suy dinh dưỡng hoặc bệnh lý ung thư về máu, có thể gây ức chế tủy xương.[15]

Xét nghiệm RBC là gì?

Xét nghiệm RBC là xét nghiệm tế bào hồng cầu (Red Blood Cell) là một loại xét nghiệm để đo lường số lượng hồng cầu có trong máu. Xét nghiệm này giúp bác sĩ chẩn đoán và theo dõi tình hình sức khỏe của một người.

Chỉ số xét nghiệm RBC cao hoặc thấp hơn so với bình thường đa phần là dấu hiệu sớm của nhiều bệnh lý, từ đó giúp bác sĩ có thể kịp thời phát hiện và đưa ra phương án điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

Xét nghiệm RBC trong máu là gì?
Xét nghiệm RBC trong máu là gì?

Xét nghiệm RBC thường được thực hiện như là một phần trong xét nghiệm công thức máu (CBC). Xét nghiệm công thức máu cung cấp thông tin tổng quát về máu, bao gồm chỉ số hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.[22]

Cách đọc chỉ số RBC trong xét nghiệm máu là gì?

Chỉ số công thức máu RBC thường được trình bày trong phiếu xét nghiệm máu cùng với rất nhiều chỉ số khác như LYM, WBC, EOS, MCH, HGB, bạch cầu MONO, chỉ số NEU,… Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được phân tích về kết quả xét nghiệm chỉ số RBC và đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe của bản thân.

Cách đọc chỉ số RBC trong xét nghiệm máu là:

  • Tên chỉ số: RBC.
  • Kết quả chỉ số: Thể hiện chỉ số RBC.
  • Khoảng tham chiếu: Trình bày khoảng bình thường để đối chiếu kết quả.
  • Đơn vị: M/uL.
Cách đọc chỉ số RBC trong xét nghiệm máu là gì?
Cách đọc chỉ số RBC trong xét nghiệm máu là gì?

Chỉ số RBC cao hơn hoặc thấp hơn so với mức bình thường đều báo hiệu các vấn đề khác nhau liên quan đến các bệnh lý có thể làm tăng hoặc giảm hồng cầu. Một số bệnh lý có thể nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng.

Vì thế, khi nhận thấy chỉ số RBC của bản thân bất thường, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị.

Cô chú, Anh chị tìm hiểu thêm các chỉ số xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoài vi khác:

NEU là gì?

Tăng bạch cầu ái toan nguy hiểm như thế nào?

BASO trong xét nghiệm máu là gì?

Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số RBC?

Trước khi xét nghiệm công thức máu để đánh giá chỉ số RBC, Cô Chú, Anh Chị hầu như không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt. Tuy nhiên, có một số lưu ý Cô Chú, Anh Chị nên quan tâm giúp kết quả xét nghiệm được chính xác nhất.

Một số lưu ý trước khi đi xét nghiệm công thức máu:

  • Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm
  • Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng
  • Mặc đồ thoải mái để dễ dàng lấy mẫu máu
  • Liên hệ trước với cơ sở y tế để chủ động sắp xếp làm xét nghiệm
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số RBC?
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số RBC?

Hiện tại, phòng khám Endo Clinic có cung cấp dịch vụ xét nghiệm công thức máu (CBC).

Chi phí xét nghiệm công thức máu ở Endo Clinic hiện nay là 100.000 VNĐ. Chi phí trên được cập nhật mới nhất tới ngày 13/12/2023.

Để liên tục cập nhật mức giá mới nhất cũng như tìm hiểu thêm về các dịch vụ khác của Endo Clinic, Cô chú, Anh chị vui lòng nhấn vào: Bảng giá dịch vụ xét nghiệm nội soi tiêu hóa.

Câu hỏi thường gặp

RBC là chỉ số gì?

RBC là chỉ số phản ánh tổng số lượng tế bào hồng cầu có trong 1 microlit máu, khi thực hiện xét nghiệm công thức máu (CBC). Chỉ số RBC có thể hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán nhiều bệnh lý về máu hoặc các bệnh liên quan đến tim và phổi.

Xét nghiệm máu RBC là gì?

Xét nghiệm máu RBC hay là xét nghiệm tế bào hồng cầu (Red Blood Cell) là một loại xét nghiệm để đo lường số lượng tế bào hồng cầu có trong máu.

Chỉ số RBC bao nhiêu là nguy hiểm?

Chỉ số RBC nằm ở mức nguy hiểm khi chỉ số này nằm ngoài khoảng giá trị bình thường. Khoảng bình thường đối với nam là 4,5 – 5,9 M/uL và đối với nữ là 4 – 5,2 M/uL.

Chỉ số RBC cao có sao không?

Chỉ số RBC cao khi giá trị tế bào hồng cầu vượt trên mức bình thường. Khi đó, số lượng hồng cầu tăng báo hiệu các vấn đề nguy hiểm như giảm oxy trong mô và cơ quan, các bệnh lý như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh đa hồng cầu,…

Chỉ số RBC thấp có sao không?

Chỉ số RBC thấp là biểu hiện của tình trạng thiếu máu. Đây là tình trạng nguy cấp, có thể gây tử vong do mất quá nhiều máu. Thiếu máu có thể đến từ các bệnh lý thận mạn tính (suy thận,…), thiếu máu bất sản, thiếu máu tán huyết miễn dịch,…

Chỉ số RBC thấp khi mang thai có nguy hiểm không?

Chỉ số RBC thấp khi mang thai là dấu hiệu bình thường và thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu chỉ số RBC thấp kéo dài và trở nặng, điều này có thể tăng nguy cơ sinh non, mất máu quá mức khi sinh, con sinh ra nhẹ ký hoặc thiếu máu bẩm sinh. Từ đó làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả con và mẹ.

Tài liệu tham khảo

1. “Red Blood Cells.” Importance of Red Blood Cells | Red Cross Blood Services,
www.redcrossblood.org/donate-blood/dlp/red-blood-cells.html. Accessed 28 July 2023.

2. “Hematology Glossary.” Hematology Glossary – Hematology.Org,
www.hematology.org/education/patients/blood-basics. Accessed 28 July 2023.

3. “Table: Complete Blood Count (CBC)*.” MSD Manual Consumer Version,
www.msdmanuals.com/home/multimedia/table/complete-blood-count-cbc. Accessed 28 July 2023.

4. “Erythrocytosis.” NHS Choices, www.nhs.uk/conditions/erythrocytosis/. Accessed 28 July 2023.

5. Liesveld, Jane. “Erythrocytosis – Blood Disorders.” MSD Manual Consumer Version, 27 July 2023,
www.msdmanuals.com/home/blood-disorders/myeloproliferative-disorders/erythrocytosis.

6. “Low Red Blood Cell Count: Symptoms, Diet, and Lifestyle Changes.” Medical News Today,
www.medicalnewstoday.com/articles/319457#symptoms. Accessed 28 July 2023.

7. Professional, Cleveland Clinic medical. “Hypoxia: Causes, Symptoms, Tests, Diagnosis & Treatment.” Cleveland Clinic,
my.clevelandclinic.org/health/diseases/23063-hypoxia. Accessed 28 July 2023.

8. Short Exposure to Intermittent Hypoxia Increases Erythropoietin Levels in Healthy Individuals,
journals.physiology.org/doi/full/10.1152/japplphysiol.00941.2020. Accessed 28 July 2023.

9. Congenital Heart Disease – Cardiovascular Disability – NCBI Bookshelf,
www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK209965/. Accessed 28 July 2023.

10. Rose, Shelonitda S, et al. “Cyanotic Congenital Heart Disease (CCHD) with Symptomatic Erythrocytosis.” Journal of General Internal Medicine, Dec. 2007,
www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2219824/.

11. Oxygen Management in Heart Failure Patients – Sage Journals,
journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/26324636221081585. Accessed 28 July 2023.

12. Chronic Obstructive Pulmonary Disease – Statpearls – NCBI Bookshelf,
www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559281/. Accessed 28 July 2023.

13. “COPD Hypoxia: Causes, Symptoms, and Treatment.” Medical News Today,
www.medicalnewstoday.com/articles/316136#causes. Accessed 28 July 2023.

14. Professional, Cleveland Clinic medical. “Polycythemia Vera: What It Is, Symptoms & Treatment.” Cleveland Clinic,
my.clevelandclinic.org/health/diseases/17742-polycythemia-vera. Accessed 28 July 2023.

15. Tresca, Amber J. “RBC Count: Tests That Measure Oxygen-Carrying Red Cells in Blood.” Verywell Health, 14 Oct. 2022,
www.verywellhealth.com/red-blood-cell-rbc-count-1942659.

16. “Anemia and Pregnancy.” Hematology.Org,
www.hematology.org/education/patients/anemia/pregnancy. Accessed 28 July 2023.

17. “Anemia in Chronic Kidney Disease – Niddk.” National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases,
www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/anemia. Accessed 28 July 2023.

18. M;, Szczepanek-Parulska E;Hernik A;Ruchała. “Anemia in Thyroid Diseases.” Polish Archives of Internal Medicine,
pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28400547/. Accessed 28 July 2023.

19. Braunstein, Evan M. “Anemia Due to Excessive Bleeding – Blood Disorders.” MSD Manual Consumer Version, 27 July 2023,
www.msdmanuals.com/home/blood-disorders/anemia/anemia-due-to-excessive-bleeding.

20. Braunstein, Evan M. “Aplastic Anemia – Blood Disorders.” MSD Manual Consumer Version, 27 July 2023,
www.msdmanuals.com/home/blood-disorders/anemia/aplastic-anemia.

21. Braunstein, Evan M. “Autoimmune Hemolytic Anemia – Blood Disorders.” MSD Manual Consumer Version, 27 July 2023,
www.msdmanuals.com/home/blood-disorders/anemia/autoimmune-hemolytic-anemia.

22. “Red Blood Cell (RBC) Count: Medlineplus Medical Test.” MedlinePlus,
medlineplus.gov/lab-tests/red-blood-cell-rbc-count/. Accessed 28 July 2023.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?