Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

HCT hay là hematocrit là một xét nghiệm quan trọng và được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để giúp chẩn đoán các vấn đề liên quan đến máu, tủy xương, thiếu dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe khác. Bài viết này sẽ cung cấp thêm thông tin về chỉ số HCT trong xét nghiệm máu và mục đích quan trọng của việc thực hiện xét nghiệm này.

Tổng quan về chỉ số HCT trong xét nghiệm máu
Tổng quan về chỉ số HCT trong xét nghiệm máu

Chỉ số HCT trong máu là gì?

HCT (hay hematocrit) là tỷ lệ hồng cầu trong thể tích máu toàn phần. Tỷ lệ HCT bình thường ở người trưởng thành là từ 36 – 50%. Tỷ lệ này sẽ thay đổi tùy thuộc vào giới tính và độ tuổi.[1]

Xét nghiệm HCT là một xét nghiệm máu đơn giản dùng để đo tỷ lệ hồng cầu trong máu và là một chỉ số quan trọng cho việc đánh giá sức khỏe. Kết quả xét nghiệm HCT cao hay thấp có thể là dấu hiệu cảnh báo các rối loạn về máu hoặc các bệnh lý khác.[2]

Chỉ số HCT trong xét nghiệm công thức máu là gì?
Chỉ số HCT trong xét nghiệm công thức máu là gì?

Xét nghiệm HCT là một phần quan trọng của xét nghiệm CBC (tổng phân tích tế bào máu). Trong xét nghiệm công thức máu, ngoài chỉ số HCT còn có các chỉ số WBC, NEU, LYM, RBC, HGB,… Việc đo tỷ lệ tế bào hồng cầu trong máu hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán và theo dõi đáp ứng điều trị.

Cách tính chỉ số HCT trong máu?

Chỉ số HCT được tính bằng cách đo thể tích hồng cầu lắng chia cho tổng thể tích máu. Ví dụ: Nếu cột hồng cầu lắng đo được là 20 mm và cột máu toàn phần đo được là 50 mm, chỉ số hematocrit là 20/50 = 0,4 hoặc (0,4 × 100%) = 40%.[3]

Cách tính chỉ số HCT trong xét nghiệm công thức máu
Cách tính chỉ số HCT trong xét nghiệm công thức máu

Ý nghĩa chỉ số HCT trong xét nghiệm máu như thế nào?

Chỉ số HCT trong máu là chỉ số dùng để đánh giá tỷ lệ hồng cầu lưu thông trong máu. Tuy nhiên, giá trị này có thể thay đổi tùy theo điều kiện của từng phòng thí nghiệm xét nghiệm và tiêu chuẩn cụ thể được áp dụng.

Chỉ số HCT trong máu bao nhiêu là bình thường?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số HCT trong máu, bao gồm độ tuổi và giới tính.

Chỉ số HCT bình thường sẽ dao động trong khoảng:

  • Nam giới: 41% – 50%
  • Nữ giới: 36% – 44%
  • Trẻ em: 32% – 42%
  • Trẻ sơ sinh: 45% – 61%.[2]
Chỉ số HCT trong máu bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số HCT trong máu bình thường là bao nhiêu?

Tuy nhiên, giá trị bình thường có thể có sự khác biệt nhỏ tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm được sử dụng và quy định của từng cơ sở y tế. Để biết chính xác giá trị bình thường của HCT, nên tham khảo kết quả xét nghiệm và tư vấn từ bác sĩ.

Chỉ số HCT trong máu cao là bao nhiêu?

Chỉ số HCT cao có thể là dấu hiệu của một số tình trạng như là bệnh đa hồng cầu nguyên phát, bệnh tim, mất nước,…

Chỉ số HCT trong máu cao khi:

  • Nam giới: Trên 50%
  • Nữ giới: Trên 44%
  • Trẻ em: Trên 42%
  • Trẻ sơ sinh: Trên 61%.[2]
Chỉ số HCT trong xét nghiệm máu cao là bao nhiêu?
Chỉ số HCT trong xét nghiệm máu cao là bao nhiêu?

Chỉ số HCT trong máu thấp là bao nhiêu?

Chỉ số HCT thấp cảnh báo các vấn đề sức khỏe như là bệnh bạch cầu, thiếu máu, mất máu do chấn thương,…

Chỉ số HCT trong máu thấp khi

  • Nam giới: Dưới 41%
  • Nữ giới: Dưới 36%
  • Trẻ em: Dưới 32%
  • Trẻ sơ sinh: Dưới 45%.[2]
Chỉ số HCT trong xét nghiệm máu bao nhiêu là thấp?
Chỉ số HCT trong xét nghiệm máu bao nhiêu là thấp?

Chỉ số HCT cao cảnh báo điều gì?

Chỉ số HCT cao có thể cảnh báo về một số tình trạng và vấn đề sức khỏe của cơ thể. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số HCT cao, điều quan trọng là tham khảo ý kiến của bác sĩ để được đánh giá chính xác và xác định nguyên nhân cụ thể.

Nguyên nhân làm chỉ số HCT trong xét nghiệm máu tăng cao
Nguyên nhân làm chỉ số HCT trong xét nghiệm máu tăng cao

Bệnh đa hồng cầu nguyên phát

Bệnh đa hồng cầu nguyên phát là một loại bệnh về máu, làm gia tăng sản xuất tế bào máu và là một trong những nguyên nhân gây tăng chỉ số HCT.[3]

Bệnh đa hồng cầu nguyên phát xảy ra, khi tế bào tủy xương sản xuất hồng cầu quá mức, dẫn đến sự tích tụ và gia tăng số lượng hồng cầu trong máu. Điều này làm tăng tỷ lệ tế bào hồng cầu trong máu so với các thành phần khác của máu, gây tăng chỉ số HCT.

Bệnh tim mạch

Nồng độ HCT cao trong máu có thể gây tăng nồng độ hemoglobin và làm tăng độ nhớt của máu. Điều này có thể gia tăng khả năng hình thành huyết khối và làm giảm tưới máu vi mạch. Vì vậy, nồng độ HCT cao có thể là một yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch.

Nồng độ HCT trong máu tăng cao gây ra các bệnh lý tim mạch
Nồng độ HCT trong máu tăng cao gây ra các bệnh lý tim mạch

Tình trạng mất nước

Mất nước làm giảm hàm lượng nước trong cơ thể, bao gồm cả huyết tương trong máu. Nồng độ huyết tương giảm làm tăng tỷ lệ tế bào hồng cầu trong thể tích máu. Điều này làm gia tăng mức hematocrit trong máu.[2]

Ngộ độc CO

Ngộ độc CO (carbon monoxide) xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với khí CO, một chất độc gây hại. Khí CO gây ảnh hưởng đến mao mạch, làm giảm huyết tương và gây gia tăng số lượng hồng cầu trong máu. Số lượng hồng cầu tăng lên đồng nghĩa với sự gia tăng chỉ số HCT.[2][5]

Ngộ độc CO gây tăng chỉ số HCT trong xét nghiệm máu
Ngộ độc CO gây tăng chỉ số HCT trong xét nghiệm máu

Hút thuốc

Hút thuốc khiến cơ thể sản xuất nhiều erythropoietin hơn. Đây là hormone được thận sản xuất để kích thích quá trình tạo hồng cầu. Việc sản xuất nhiều hồng cầu hơn dẫn đến tăng mức HCT.

Ngoài ra, hút thuốc lá trong thời gian dài gây ra những tác động xấu và làm thay đổi các chỉ số máu trong cơ thể, từ đó dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như xơ vữa động mạch, bệnh đa hồng cầu nguyên phát, bệnh tim mạch,…[6]

Chỉ số HCT thấp cảnh báo điều gì?

Khi chỉ số HCT thấp, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để làm rõ nguyên nhân và tiếp tục các xét nghiệm và chẩn đoán khác để tìm hiểu về tình trạng sức khỏe hiện tại.

Nguyên nhân chỉ số HCT trong xét nghiệm máu giảm thấp
Nguyên nhân chỉ số HCT trong xét nghiệm máu giảm thấp

Thiếu máu

Thiếu máu xảy ra khi cơ thể không có đủ lượng máu để cung cấp oxy và dưỡng chất cho cơ thể. Điều này làm giảm số lượng tế bào hồng cầu trong máu, làm cho chỉ số HCT (tỷ lệ tế bào hồng cầu trong máu) giảm.[2]

Thiếu máu có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • Cấp tính: do chấn thương
  • Mạn tính: loét đường tiêu hóa do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori hoặc lạm dụng thuốc kháng viêm,… Phụ nữ cũng có thể mất máu nhiều do kinh nguyệt bị ra máu nhiều.

Thiếu máu tán huyết

Thiếu máu tán huyết là tình trạng các tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn bình thường, dẫn đến thiếu hụt hồng cầu trong cơ thể và làm giảm chỉ số HCT. Điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • Bệnh di truyền: Thiếu G6PD, bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, bệnh Thalassemia,…
  • Nhiễm trùng: Sốt rét, Sốt phát ban Rocky Mountain (RMSF), nhiễm khuẩn Haemophilus influenzae, nhiễm HIV,…
  • Tác dụng phụ của thuốc: Penicillin, Quinine, Methyldopa, Sulfonamides,…[2]
Thiếu máu tán huyết gây giảm chỉ số HCT trong xét nghiệm máu
Thiếu máu tán huyết gây giảm chỉ số HCT trong xét nghiệm máu

Các rối loạn ở tuỷ xương

Một trong những rối loạn ở tủy xương bao gồm thiếu máu bất sản. Thiếu máu bất sản xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu, dẫn đến giảm số lượng hồng cầu trong máu và làm giảm chỉ số HCT. Ngoài ra, một số bệnh lý liên quan đến rối loạn tủy xương như leukemia hoặc lymphoma cũng có thể làm giảm chỉ số HCT.[6][7]

Thiếu chất dinh dưỡng

Thiếu sắt, thiếu folate và vitamin B-12 là những nguyên nhân phổ biến gây giảm chỉ số HCT trong máu.

Sắt là một yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất hồng cầu của tủy xương. Thiếu sắt có thể dẫn đến giảm sản xuất hồng cầu và gây ra tình trạng thiếu máu.

Ngoài ra, cơ thể cần Folate và vitamin B-12 để sản xuất các tế hồng cầu. Thiếu folate và vitamin B-12 có thể gây ra thiếu máu và làm giảm chỉ số HCT trong máu.[8]

Cách đọc chỉ số HCT trong xét nghiệm máu

Chỉ số HCT, hay còn được gọi là hematocrit, là một phần trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (CBC). Xét nghiệm này cho biết tỷ lệ phần trăm thể tích tế bào hồng cầu trong máu. Chỉ số HCT cao hoặc thấp so với mức bình thường có thể chỉ ra các vấn đề sức khỏe khác nhau.

Cách đọc chỉ số HCT trong xét nghiệm máu
Cách đọc chỉ số HCT trong xét nghiệm máu

Khi nhận được kết quả xét nghiệm công thức máu. Trên kết quả xét nghiệm sẽ có rất nhiều chỉ số như chỉ số EOS, MONO, BASO, PLT, MCV, MCHC,… Cô chú, anh chị có thể tìm chữ viết tắt “HCT” và giá trị số bên cạnh để biết chỉ số HCT của mình là bao nhiêu. Trên giấy xét nghiệm, cũng sẽ có một khoảng giá trị bình thường để cô chú, anh chị có thể so sánh kết quả của mình.

Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và có thể thực hiện nhiều xét nghiệm khác để tìm hiểu nguyên nhân và mức độ tác động của sự thay đổi này.

Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số HCT?

Việc chuẩn bị trước khi xét nghiệm công thức máu với các chỉ số như RDW, MPV, MCH,… sẽ giúp đảm bảo kết quả có độ chính xác cao, trong đó có cả chỉ số HCT.

Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm chỉ số HCT trong công thức máu
Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm chỉ số HCT trong công thức máu

Trước khi thực hiện xét nghiệm công thức máu cần:

  • Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm.
  • Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng.
  • Mặc đồ thoải mái.
  • Liên hệ trước với cơ sở y tế.

Câu hỏi thường gặp

Chỉ số HCT trong máu là gì?

Chỉ số HCT trong máu là tỷ lệ phần trăm thể tích tế bào máu đỏ so với tổng thể tích máu.

Chỉ số HCT trong máu cao có sao không?

Chỉ số HCT trong máu cao có thể báo hiệu các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch hoặc mất nước, bệnh lý hồng cầu, ngộ độc khí CO,…

Chỉ số HCT thấp thì cần làm gì?

Khi chỉ số HCT thấp có thể do nhiều nguyên nhân như thiếu máu, rối loạn tủy xương, thiếu chất dinh dưỡng,… Để biết chính xác nguyên nhân là gì, bạn nên đến thăm khám với bác sĩ để được tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Tài liệu tham khảo

  1. Martin, Lauren. “What Is a Normal Hematocrit Level?” Medical News Today, 25 May 2021,
    https://www.medicalnewstoday.com/articles/hematocrit-levels. Accessed 1 Dec. 2023.
  2. Professional, Cleveland Clinic medical. “Hematocrit.” Cleveland Clinic,
    https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/17683-hematocrit. Accessed 1 Dec. 2023.
  3. Professional, Cleveland Clinic medical. “Polycythemia Vera.” Cleveland Clinic,
    https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17742-polycythemia-vera. Accessed 1 Dec. 2023.
  4. Jin, Yuan-Ze, et al. “Relationship Between Hematocrit Level and Cardiovascular Risk Factors in a Community-Based Population.”Journal of Clinical Laboratory Analysis, vol. 29, no. 4, July 2015, pp. 289–93,
    https://doi.org/10.1002/jcla.21767.
  5. Ozturk, Baris et al. “Acute carbon monoxide poisoning alters hemorheological parameters in human.”
    Clinical hemorheology and microcirculation vol. 61,4 (2016): 591-7. doi:10.3233/CH-141919
  6. Malenica, Maja, et al. “Effect of Cigarette Smoking on Haematological Parameters in Healthy Population.” Medical Archives (Sarajevo, Bosnia and Herzegovina), vol. 71, no. 2, Apr. 2017, pp. 132–36,
    https://doi.org/10.5455/medarh.2017.71.132-136.
  7. “Hematocrit Test.” Mayo Clinic, 19 Sept. 2023,
    https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/hematocrit/about/pac-20384728. Accessed 1 Dec. 2023.
  8. Martin, Lauren. “What Is a Normal Hematocrit Level?” Medical News Today, 25 May 2021,
    https://www.medicalnewstoday.com/articles/hematocrit-levels. Accessed 1 Dec. 2023.
  9. Hematocrit Test. https://medlineplus.gov/lab-tests/hematocrit-test/. Accessed 1 Dec. 2023.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?