Chỉ số RDW một trong những chỉ số trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu. Chỉ số này cung cấp thông tin về sự khác biệt kích thước và thể tích của tế bào hồng cầu. Vậy chỉ số RDW trong xét nghiệm máu là gì? Chỉ số RDW bao nhiêu là bình thường? Cùng trung tâm tiêu hóa endoclinic.vn tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
RDW trong xét nghiệm máu là gì?
RDW là viết tắt của Red Cell Distribution Width, hay còn được gọi là độ rộng phân bố hồng cầu. Chỉ số RDW đo lường sự khác biệt về kích thước và thể tích của các tế bào hồng cầu.[1]
Xét nghiệm RDW được biết đến là một phần trong xét nghiệm công thức máu toàn bộ. Xét nghiệm RDW thường được sử dụng để gợi ý chẩn đoán bệnh thiếu máu, bệnh thalassemia, một số bệnh mạn tính như bệnh Crohn, tiểu đường, HIV/AIDS,…[2]
Chỉ số RDW bất thường, nghĩa là chiều rộng và thể tích hồng cầu nằm ngoài giới hạn bình thường. Tình trạng này cảnh báo chức năng cơ thể có thể xảy ra vấn đề, từ đó gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ của hồng cầu là đưa oxy đến các bộ phận của cơ thể . Tuy nhiên, với một số bệnh nhất định, RDW vẫn có thể bình thường. Bởi vậy nên, để có kết quả chẩn đoán chính xác thì ngoài chỉ số RDW còn cần kết hợp một số thông số khác, Quý khách cần đến cơ sở y tế khám và tham khảo ý kiến của các bác sĩ.[3]
RDW (Red Cell Distribution Width) có hai loại chính: RDW-CV và RDW-SD.
Chỉ số RDW-CV là gì?
RDW-CV là viết tắt của Red Cell Distribution Width – Coefficient of Variation: Chỉ số này đo lường sự biến đổi kích thước của các tế bào hồng cầu (RBC) trong một mẫu máu, dựa vào hệ số biến thiên. RDW-CV cũng phản ánh mức độ biến đổi kích thước giữa các hồng cầu. RDW-CV được tính bằng cách chia độ lệch chuẩn của kích thước hồng cầu cho kích thước trung bình của hồng cầu, sau đó nhân với 100 để thu được kết quả dưới dạng phần trăm (%).[4]
Thông thường, RDW-CV là chỉ số được sử dụng phổ biến hơn để đánh giá sự không đồng nhất về kích thước của hồng cầu.[4]
Chỉ số RDW-SD là gì?
RDW-SD là viết tắt của Red Cell Distribution Width – Standard Deviation: Chỉ số này dựa trên độ lệch chuẩn, từ đó đo lường sự thay đổi kích thước của các tế bào hồng cầu có trong mẫu máu xét nghiệm. RDW-SD cho biết mức độ biến đổi kích thước giữa chúng. Kết quả được đo bằng đơn vị femtoliters (fL).[4]
Ý nghĩa chỉ số RDW trong xét nghiệm máu là gì
Chỉ số RDW được tính theo tỷ số phần trăm thông qua công thức: (RDW-SD)/(MCV)×100.
Tỷ lệ phần trăm RDW thấp có nghĩa là các tế bào hồng cầu có kích thước giống nhau. Tỷ lệ phần trăm cao có nghĩa là chúng có kích thước khác nhau đáng kể hơn, điều này có thể cho thấy cơ thể đang gặp vấn đề trong việc tạo ra các tế bào hồng cầu.
Chỉ số RDW trong máu bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số RDW trong máu bình thường nằm trong khoảng từ 12% đến 15%. Điều này đồng nghĩa các tế bào hồng cầu đang khỏe mạnh và có kích thước tương đương nhau.[1]
Lưu ý, khoảng tham chiếu có thể dao động giữa các phòng thí nghiệm với nhau, tùy thuộc vào máy móc, hóa chất hay năng lực kỹ thuật viên xét nghiệm.
Chỉ số RDW trong máu cao là bao nhiêu?
Chỉ số RDW cao là khi vượt hơn 15%. Sự cao lên hơn so với giới hạn trên nghĩa là có sự bất thường về kích thước tế bào hồng cầu.[1]
Chỉ số RDW cao hơn bình thường có thể là dấu hiệu cảnh báo của tình trạng bệnh thiếu máu hoặc tình trạng liên quan. Thông thường, các bác sĩ sẽ xem xét kết quả của RDW (sự thay đổi về kích thước hồng cầu) cùng với kết quả của MCV (kích thước hồng cầu trung bình) để đánh giá sức khỏe của các tế bào hồng cầu.
Nguyên nhân làm chỉ số RDW cao là gì?
Xét nghiệm RDW là một xét nghiệm cận lâm sàng phổ biến, được thực hiện rộng rãi tại các phòng khám, bệnh viện. Chỉ số RDW cao là tình trạng bất thường về kích thước của tế bào hồng cầu. Tình trạng này được gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân làm chỉ số RDW cao là:
- Thiếu chất dinh dưỡng.
- Thiếu máu đại hồng cầu (Macrocytic Anemia).
- Thiếu máu hồng cầu nhỏ (Microcytic anemia).
- Bệnh viêm nhiễm.
- Bệnh thận.
- Các nguyên nhân khác.
Thiếu chất dinh dưỡng
Thiếu chất dinh dưỡng là sự thiếu hụt lượng lớn chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Điều này dẫn đến thiếu nguyên liệu để tạo ra hồng cầu như sắt, folate, vitamin B12,… từ đó có thể khiến chỉ số RDW tăng lên.[5]
Thiếu máu đại hồng cầu (Macrocytic Anemia)
Thiếu máu đại hồng cầu (Macrocytic Anemia) là kết quả của sự thiếu hụt vitamin hoặc tình trạng suy giáp, điều này làm kích thước của các tế bào hồng cầu trở nên to bất thường. Vậy nên ở những bệnh nhân này, kết quả chỉ số RDW tăng cao hơn do các tế bào hồng cầu có kích thước không đồng đều nhau.[6]
Thiếu máu hồng cầu nhỏ (Microcytic anemia)
Thiếu máu hồng cầu nhỏ (Microcytic anemia) là tình trạng xảy ra khi các tế bào hồng cầu nhỏ hơn bình thường vì chúng không có đủ huyết sắc tố. Dẫn tới kích thước của các tế bào không đồng đều nhau, kết quả chỉ số RDW sẽ tăng cao hơn giá trị bình thường.[6]
Bệnh viêm nhiễm
Bệnh viêm nhiễm làm cho tế bào miễn dịch sản xuất ra các cytokine bảo vệ cơ thể. Vô tình đây lại là nguyên nhân gây cản trở quá trình sản xuất hồng cầu và do đó làm tăng kích thước của RDW. Bên cạnh đó, viêm nhiễm cũng có thể làm giảm tuổi thọ của hồng cầu bình thường. Điều này dễ dàng khiến cho RDW tăng lên ở những trường hợp này.[5]
Bệnh thận
Bệnh thận sẽ làm ảnh hưởng đến việc sản xuất ra hormone erythropoietin, là một chất cần thiết cho quá trình sản xuất và trưởng thành của các tế bào hồng cầu. Các tế bào hồng cầu từ đó sẽ thay đổi về kích thước làm cho chỉ số RDW cao.
Các nguyên nhân khác
Truyền máu: Theo nghiên cứu đối với các bệnh nhân được nhận máu nhiều lần, RDW của họ có thể tăng lên do sự khác biệt về tế bào máu giữa người cho và người nhận.
Ngoài ra, RDW tăng lên khi bị viêm nhiễm và các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus, bệnh vẩy nến, bệnh Sjogren, xơ cứng hệ thống và viêm cột sống dính khớp.[5]
Cách đọc chỉ số RDW trong xét nghiệm máu như thế nào?
RDW hay còn được gọi là độ rộng phân bố hồng cầu được sử dụng để đo lường sự khác biệt về kích thước và thể tích của các tế bào hồng cầu.
Chỉ số RDW được tính theo tỉ số phần trăm thông qua công thức (RDW-SD)/(MCV)×100. Chỉ số RDW thường là 1 phần trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (Công thức máu – CBC).
Giá trị cao hơn hoặc thấp hơn so với giới hạn trong khoảng 12% đến 15%, đều báo hiệu các vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, kết quả trên chỉ có tính chất gợi ý, cần kết hợp nhiều xét nghiệm khác cũng như ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Khi có kết quả công thức máu trong giấy xét nghiệm, sẽ có rất nhiều chỉ số khác nhau như chỉ số MCHC, HCT, MONO, EOS, BASO, MPV,… Cô chú, Anh chị tìm chữ viết tắt RDW và giá trị bên cạnh để biết được chỉ số RDW là bao nhiêu. Đồng thời, trong giấy xét nghiệm cũng sẽ có chỉ số bình thường tùy vào cơ sở xét nghiệm để Cô chú, Anh chị có thể tự đối chiếu. Khi nhận kết quả, hãy tham vấn với bác sĩ để có chẩn đoán chính xác nhất về sức khỏe của bản thân, tuyệt đối không được tự chẩn đoán tình trạng bệnh lý của mình.
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số RDW?
Xét nghiệm công thức máu là một xét nghiệm cơ bản gồm nhiều chỉ số xét nghiệm khác nhau như: HGB, MCH, PLT, WBC, NEU, LYM,… tuy nhiên để xét nghiệm diễn ra nhanh chóng và thuận tiện, Cô chú Anh chị cần lưu ý một vài điều sau đây.
Một số lưu ý trước khi đi xét nghiệm:
- Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm: Cô chú, Anh chị không cần kiêng cử bất kỳ loại thực phẩm nào trước khi xét nghiệm RDW.
- Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng: Để đảm bảo kết quả xét nghiệm không bị sai lệch, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng để tránh làm sai lệch về kết quả RDW.
- Mặc đồ thoải mái: Mặc quần áo thoải mái, dễ dàng cuộn tay áo lên sẽ giúp cho việc lấy mẫu xét nghiệm diễn ra nhanh chóng hơn.
- Liên hệ trước với cơ sở y tế: Liên hệ sớm với cơ sở y tế đặt lịch hẹn để được hướng dẫn cụ thể.
Câu hỏi thường gặp
RDW trong xét nghiệm máu là gì?
RDW hay còn được gọi là độ rộng phân bố hồng cầu được sử dụng để đo lường sự khác biệt về kích thước và thể tích của các tế bào hồng cầu.
Chỉ số RDW cao có sao không?
Chỉ số RDW cao hơn bình thường có thể là dấu hiệu cảnh báo của tình trạng bệnh thiếu máu, thiếu chất dinh dưỡng, bị viêm nhiễm, mắc bệnh thận,…
Tài liệu tham khảo
[1] “RDW Blood Test: What It Is, Procedure & Results”. Cleveland Clinic, 2023,https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/22980-rdw-blood-test. Accessed 29 June 2023.
[2] Tests, Medical. “RDW (Red Cell Distribution Width): Medlineplus Medical Test”. Medlineplus.Gov, 2022,https://medlineplus.gov/lab-tests/rdw-red-cell-distribution-width/. Accessed 29 June 2023
[3] “Red Cell Distribution Width (RDW) Test”. Healthline, 2023,https://www.healthline.com/health/rdw-blood-test#preparation. Accessed 29 June 2023.
[4] ” Red Blood Cell Distribution Width (RDW): Definition And Calculation – Labce.Com, Laboratory Continuing Education “. Labce.Com, 2023,https://www.labce.com/spg579122_red_blood_cell_distribution_width_rdw_definition_a.aspx. Accessed 29 June 2023.
[5] Novkovic, Biljana. “RDW Blood Test: High & Low Levels + Normal Range – Selfdecode Labs”. Selfdecode Labs, 2019,https://labs.selfdecode.com/blog/rdw-test/. Accessed 29 June 2023.
[6] “Macrocytic Anemia: Symptoms, Types, And Treatment”. Healthline, 2023,https://www.healthline.com/health/macrocytic-anemia. Accessed 29 June 2023.