Buồn nôn, tiêu chảy là hai triệu chứng thường gặp và có thể tự hết trong vài ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguyên nhân dẫn đến buồn nôn và tiêu chảy dai dẳng, không thuyên giảm có liên quan đến các bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này và có giải pháp khắc phục hiệu quả, mời Cô Chú, Anh Chị cùng đọc tiếp bài viết dưới đây.
Lưu ý:
Các thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán bệnh từ các bác sĩ có chuyên môn.
Tìm hiểu về triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy
Buồn nôn là cảm giác khó chịu trong dạ dày, thường xảy ra trước khi nôn. Tùy thuộc vào nguyên nhân, buồn nôn có thể đi kèm với tiêu chảy, khó chịu và sốt.
Còn tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, nhiều nước, có thể đi kèm đau bụng, buồn nôn, đầy bụng,… Nếu tiêu chảy kéo dài có thể gây ra mất nước, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng mất nước đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, người già và những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Nguyên nhân gây buồn nôn, tiêu chảy
Nguyên nhân gây buồn nôn kèm tiêu chảy có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau như ngộ độc thực phẩm, bất dung nạp lactose, hoặc ảnh hưởng của các bệnh lý tiêu hóa (viêm dạ dày ruột do virus, tắc ruột, bệnh Crohn,..). Cụ thể:
Viêm dạ dày ruột do virus
Viêm dạ dày ruột do virus là tình trạng viêm và kích ứng dạ dày, ruột do virus gây ra, phổ biến nhất là 2 loại virus: norovirus hoặc rotavirus. Bệnh rất dễ lây lan khi tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh hoặc ăn, uống thực phẩm, đồ uống bị nhiễm virus.
Tùy thuộc vào loại virus lây nhiễm mà thời gian biểu hiện triệu chứng sẽ khác nhau. Triệu chứng phổ biến là buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy kèm theo sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, đau bụng,…
Tắc ruột
Tắc ruột là tình trạng tắc nghẽn một phần hay toàn bộ ruột, khiến thức ăn, chất lỏng, acid dạ dày bị tích tụ, không di chuyển hoặc không tiêu hóa được. Nguyên nhân gây tắc ruột có thể do dính ruột, xoắn ruột, thoát vị, có phẫu thuật vùng bụng hoặc vùng chậu,…
Ngoài tiêu chảy và buồn nôn, người bệnh tắc ruột có thể gặp một số triệu chứng khác như đầy hơi, đau quặn bụng, sưng bụng, chán ăn,…
Bệnh Crohn
Bệnh Crohn thuộc nhóm bệnh lý ruột mạn tính, thường gây viêm nhiễm và áp xe tại ruột non, đại tràng. Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh Crohn vẫn chưa được xác định, nhưng một số yếu tố có thể tăng nguy cơ gây bệnh như nhiễm trùng, di truyền, môi trường sống, độ tuổi, hút thuốc, chế độ ăn uống không khoa học,…
Các triệu chứng của bệnh Crohn thường xuất hiện phổ biến như đau quặn bụng, buồn nôn, tiêu chảy sốt, sụt cân không kiểm soát,…
Bệnh ung thư
Tiêu chảy, nôn mửa hoặc táo bón cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh ung thư như ung thư đại tràng, ung thư hạch bạch huyết, ung thư tuyến tụy,… Vì thế, người bệnh không nên chủ quan, mà cần đến bác sĩ thăm khám nếu bị buồn nôn, tiêu chảy kèm theo sốt, chóng mặt, sụt cân,…
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một dạng rối loạn chức năng thường gặp ở hệ tiêu hóa. Tình trạng này thường có liên quan mật thiết đến các yếu tố tâm lý (căng thẳng, trầm cảm, lo âu,…) và sinh lý (nhiễm trùng ống tiêu hóa nặng, chế độ ăn uống, tác dụng phụ khi sử dụng thuốc kháng sinh,…).
Dấu hiệu và triệu chứng hội chứng ruột kích thích (IBS) thường gặp là thay đổi tần suất đi tiêu (táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài), buồn nôn, đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, mệt mỏi,…
Loét dạ dày – tá tràng
Loét dạ dày – tá tràng là tình trạng vết loét hình thành và phát triển ở niêm mạc dạ dày và tá tràng (phần đầu của ruột non). Nguyên nhân gây loét dạ dày – tá tràng phổ biến là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), hoặc sử dụng thuốc chống viêm không steroid, cùng các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống nhiều rượu bia, xạ trị,…
Tùy theo vị trí loét và mức độ tổn thương, người bệnh loét dạ dày – tá tràng có thể đau vùng thượng vị, chướng bụng, ợ chua, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu,…
Tham khảo thêm >> Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày – tá tràng
Viêm túi thừa
Viêm túi thừa là tình trạng một hoặc nhiều túi thừa ở đại – trực tràng bị viêm hoặc nhiễm trùng. Bệnh viêm túi thừa có thể gây đau bụng liên tục và kéo dài nhiều ngày, đi kèm là dấu hiệu sốt, vừa buồn nôn vừa tiêu chảy, phân có máu,… Viêm túi thừa thường không nguy hiểm, nhưng nếu trở nên nghiêm trọng và kéo dài dai dẳng có thể dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa, áp xe, tắc ruột, viêm bàng quang,…
Bệnh Celiac
Bệnh Celiac là tình trạng hệ thống miễn dịch phản ứng bất thường với gluten (protein có trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen). Bệnh Celiac nếu không được điều trị có thể dẫn đến sự phát triển của các rối loạn tự miễn dịch khác như bệnh tiểu đường loại 1, bệnh đa xơ cứng (MS), viêm da dạng herpes (phát ban ngứa da), thiếu máu, loãng xương,…
Người mắc bệnh Celiac có thể gặp các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, đau quặn bụng, táo bón, mệt mỏi, lở miệng, đầy hơi,…
Viêm tụy
Viêm tụy là tình trạng tuyến tụy bị viêm (sưng), có thể diễn ra cấp tính (đột ngột, nghiêm trọng) hoặc mạn tính (liên tục, kéo dài). Nguyên nhân gây viêm tụy thường do chấn thương bụng hoặc phẫu thuật, nhiễm trùng (quai bị, viêm gan A, nhiễm khuẩn salmonella), tác dụng phụ của thuốc, hút thuốc,…
Các triệu chứng viêm tụy có thể bao gồm đau bụng dữ dội lan ra lưng hoặc ngực, buồn nôn, sốt, hạ huyết áp, vàng da, tim đập nhanh,…
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm, sưng, tắc nghẽn và nhiễm trùng. Viêm ruột thừa có thể xảy ra do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng xâm nhập đường tiêu hóa, ống nối đại tràng và ruột thừa bị tắc nghẽn do phân, có khối u,…
Người bệnh viêm ruột thừa ở giai đoạn đầu có thể đau giữa bụng, quanh rốn, sau đó cơn đau lan dần xuống bên phải bụng, kèm theo buồn nôn, tiêu chảy, sốt, ớn lạnh, chán ăn,… Viêm ruột thừa là một tình trạng y tế trẩn cấp và cần được điều trị kịp thời (48h – 72h sau khi xuất hiện triệu chứng) nếu không sẽ khiến ruột thừa bị vỡ ra và gây nên các biến chứng nguy hiểm khác.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra do ăn phải thực phẩm bị nhiễm nấm mốc, hóa chất độc hại, vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Các triệu chứng phổ biến của ngộ độc thực phẩm bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy và có thể kèm theo sốt nhẹ, đau đầu, ăn mất ngon,… Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng nhẹ kể trên có thể tự hết trong vòng 1 đến 2 ngày.
Không dung nạp lactose
Không dung nạp lactose là hiện tượng cơ thể không thể hấp thụ hoàn toàn đường lactose (một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa). Người không dung nạp lactose có thể gặp các triệu chứng tiêu hóa, bao gồm đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy và các triệu chứng khác (táo bón, nhức đầu, mệt mỏi, mất tập trung,…) sau khi tiêu thụ thực phẩm có chứa lactose.
> Tìm hiểu thêm: Sau khi nôn nên làm gì để nhanh hồi phục?
Yếu tố nguy cơ gây buồn nôn, tiêu chảy
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, tình trạng tiêu chảy ra nước và buồn nôn cũng có thể bắt nguồn từ một số yếu tố sau:
- Căng thẳng, lo lắng: Cảm xúc căng thẳng, lo lắng quá mức có thể kích hoạt sản xuất các hormone gây căng thẳng như adrenaline, cortisol và khiến cơ ruột quặn thắt lại do lưu lượng máu ở ruột bị giảm xuống, từ đó gây tiêu chảy kèm buồn nôn.
- Say tàu xe: Say tàu xe có thể xảy ra ở một số người di chuyển trên ô tô, thuyền, máy bay hoặc các phương tiện khác,… Người bị say tàu xe thường gặp các triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy cấp, ớn lạnh.
- Mang thai: Phụ nữ mang thai thường gặp các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón. Trong đó, buồn nôn và nôn thường xảy ra trong 16 tuần đầu tiên khi mang thai, do có sự thay đổi của nội tiết tố. Tuy nhiên, tình trạng buồn nôn và nôn cứ kéo dài trong suốt thời kỳ mang thai có thể là triệu chứng cảnh báo ốm nghén nặng, thai phụ cần tìm đến bác sĩ để được tư vấn. Ngoài ra, nếu thai phụ gặp trường hợp tiêu chảy kèm theo tiết dịch âm đạo đau thắt lưng dưới, hãy thông báo với bác sĩ ngay, vì đây có thể là dấu hiệu sinh non.
- Tác dụng phụ của thuốc: Buồn nôn, tiêu chảy có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng sinh. Những triệu chứng này có thể xảy ra một tuần hoặc lâu hơn sau khi bắt đầu dùng thuốc, và cũng có thể kéo dài vài tuần sau khi người bệnh đã ngừng sử dụng thuốc. Nhằm giảm bớt sự khó chịu, Cô Chú, Anh Chị nên trao đổi với bác sĩ để có giải pháp phù hợp.
- Ngộ độc kim loại nặng: Đây là tình trạng kim loại nặng (thạch tín, thủy ngân, cadimi,…) xâm nhập vào cơ thể thông qua việc sử dụng thực phẩm bị nhiễm kim loại, môi trường sống hoặc làm việc ở nơi phải tiếp xúc với nhiều kim loại. Khi bị ngộ độc kim loại nặng, người bệnh có thể bị tiêu chảy, buồn nôn, yếu cơ, đau bụng, co thắt cơ bắp.
- Ăn quá nhiều: Hệ thống tiêu hóa có thể bị tác động nếu một người ăn quá nhanh hoặc ăn quá nhiều thức ăn béo, cay nóng. Lúc này, Cô Chú, Anh Chị có thể gặp một số triệu chứng như khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, cảm thấy quá no.
- Uống quá nhiều rượu: Đồ uống có cồn như rượu bia sẽ khiến dạ dày tăng tiết acid dịch vị. Uống quá nhiều rượu bia có thể gây hại dạ dày và xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
Mời Cô Chú, Anh Chị tham khảo thêm:
- Uống rượu nôn ra máu có sao không?
- Nôn ra dịch vàng có sao không?
- Nôn ra bọt trắng là gì, có nguy hiểm không?
Buồn nôn, tiêu chảy có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bị buồn nôn và tiêu chảy có thể gặp một số biến chứng:
- Khó thở, khò khè: Khó thở, thở khò khè xảy ra khi dịch nôn tràn vào khí quản, gây cản trở hoạt động hít thở. Chưa kể, acid trong chất nôn có thể gây kích ứng phổi nghiêm trọng.
- Rách thực quản: Người bệnh buồn nôn, nôn nhiều có thể làm tăng áp lực trong thực quản, nhiều nguy cơ dẫn đến rách niêm mạc thực quản.
- Hăm loét đỏ vùng hậu môn: Đây là biến chứng thường gặp do tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần.
- Mất nước và điện giải: Tiêu chảy ồ ạt hoặc kéo dài có thể gây ra tình trạng mất nước và chất điện giải trong cơ thể. Nếu không được bổ sung nước kịp thời, người bệnh có thể bị co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong.
- Suy dinh dưỡng: Tiêu chảy kéo dài có thể khiến người bệnh ăn ít đi và giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng. Đây là biến chứng nguy hiểm với trẻ em dưới 5 tuổi, khiến trẻ chậm tăng trưởng và phát triển nhận thức.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng lan rộng là một trong những biến chứng của viêm ruột thừa. Khi nhiễm trùng lan vào khoang phúc mạc, nó có thể lan sang các cơ quan khác và thậm chí lan vào máu và gây nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng trong máu có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng, tăng nguy cơ tử vong.
Khi nào cần đi khám?
Người bị tiêu chảy và buồn nôn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, nếu xuất hiện một số dấu hiệu như:
- Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày hoặc tiêu chảy ra máu.
- Nôn dữ dội, không kiểm soát, nôn ra máu kéo dài hơn 1 ngày.
- Dấu hiệu mất nước.
- Chóng mặt.
- Chuột rút, co cơ.
- Nước tiểu sẫm màu.
- Sốt trên 38,9 độ C.
- Ớn lạnh.
Cách chẩn đoán buồn nôn, tiêu chảy
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tiêu chảy và buồn nôn. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác buồn nôn, tiêu chảy là triệu chứng bệnh gì, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và có thể chỉ định thực hiện các cận lâm sàng cần thiết.
– Khám lâm sàng: Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, dấu hiệu, thời gian xuất hiện, tần suất và mức độ xuất hiện tiêu chảy kèm buồn nôn. Sau đó, người bệnh được tiến hành khám sức khỏe tổng thể. Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và kết quả khám sức khỏe, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán sơ bộ ban đầu và các xét nghiệm cần thực hiện tiếp theo.
– Cận lâm sàng chẩn đoán: Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định cận lâm sàng khác nhau giữa mỗi người. Một vài cận lâm sàng phổ biến, có thể được chỉ định là:
- Xét nghiệm: Xét nghiệm máu thường được sử dụng để tìm ra nguyên nhân gây triệu chứng tiêu chảy và buồn nôn, nhất là với những trường hợp nôn ói dữ dội hoặc cơ thể xuất hiện dấu hiệu mất nước. Trường hợp mắc tiêu chảy mạn tính kéo dài từ 3 – 4 tuần, hoặc 1 – 3 tuần đối với những bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch, bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác để xác định tình trạng kém hấp thu.
- Nội soi ống tiêu hóa: Nội soi ống tiêu hóa trên hoặc nội soi ống tiêu hoá dưới là tiêu chuẩn chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa với độ chính xác cao. Thông qua nội soi, các bác sĩ có thể ghi nhận hình ảnh ở ống tiêu hóa, giúp phát hiện các tổn thương và sinh thiết khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư.
- Chẩn đoán hình ảnh: Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định một số chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm, chụp CT vùng bụng,… Các phương pháp này giúp loại trừ các vấn đề bất thường về cấu trúc của hệ tiêu hóa, hỗ trợ chẩn đoán tắc nghẽn đường tiêu hóa
trên,…
Cách điều trị buồn nôn, tiêu chảy
Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị buồn nôn, tiêu chảy khác nhau. Do đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác nhất.
Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật, đối với các trường hợp cấp tính như tắc ruột, viêm ruột thừa,…
Cách làm giảm triệu chứng buồn nôn, đi ngoài
Để cải thiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, Cô Chú, Anh Chị cần điều chỉnh chế độ ăn uống và thay đổi thói quen sinh hoạt. Cụ thể như sau:
- Nghỉ ngơi: Với trường hợp đi ngoài, buồn nôn do say tàu xe, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể được thư giãn, giảm cảm giác khó chịu, chóng mặt.
- Uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng: Nhằm hạn chế tình trạng mất nước do buồn nôn kèm tiêu chảy nhiều lần, người bệnh nên uống nhiều nước, đồ uống chứa chất điện giải,… Đồng thời, người bệnh nên ăn thức ăn lỏng như súp, tránh thức ăn quá đặc.
- Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa: Nên ăn chậm và ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để cơ thể dễ tiêu hóa và hấp thu.
- Hạn chế đánh răng ngay sau ăn: Trong một số trường hợp, mùi vị của kem đánh răng có thể gây cảm giác khó chịu và buồn nôn cho người sử dụng. Vì thế, người bệnh nên tránh đánh răng sau khi ăn, đồng thời có thể thử một số gợi ý khắc phục tình trạng này như đổi kem đánh răng có mùi vị dễ chịu hơn, không cho quá nhiều kem trong một lần sử dụng, không chải răng quá mạnh và nhanh,…
Có thể nói, triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Vì thế, Cô Chú, Anh Chị không nên chủ quan, xem thường, cần nhanh chóng đến bác sĩ thăm khám nếu bị tiêu chảy và buồn nôn kéo dài, không thuyên giảm.
Để thăm khám và điều trị các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, bao gồm buồn nôn, tiêu chảy hiệu quả, người bệnh nên chọn các cơ sở y tế lớn và uy tín. Hiện nay, phòng khám noisoitieuhoa.com là một trong những địa chỉ khám chữa bệnh đáng tin cậy được nhiều Cô Chú, Anh Chị lựa chọn.
Đến đây, người bệnh hoàn toàn an tâm bởi đội ngũ bác sĩ endoclinic.vn trực tiếp thăm khám đều là những người giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm. Để hỗ trợ bác sĩ trong công tác chẩn đoán, phòng khám còn kết hợp hệ thống máy móc chẩn đoán hiện đại, bao gồm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, và nổi bật nhất là nội soi. Đặc biệt, endoclinic.vn là một trong những đơn vị hiếm hoi được Sở Y tế TP. HCM cấp phép đủ điều kiện hoạt động Nội soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê). Qua đó, giúp bác sĩ không bỏ sót bất kỳ tổn thương nào bên trong cơ thể, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh lên đến 90 – 95%.
Ngoài ra, chi phí khám chữa bệnh tại endoclinic.vn rất hợp lý và rõ ràng, Khách Hàng sẽ được thông báo chi tiết khi được tư vấn với bác sĩ.Đặt lịch khám ngay với endoclinic.vn tại đây: ĐẶT LỊCH KHÁM hoặc gọi Hotline 0939 01 01 01 để được tư vấn tận tình.
Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu các triệu chứng khác:
Câu hỏi thường gặp
Buồn nôn kèm tiêu chảy cảnh báo bệnh gì?
Triệu chứng tiêu chảy và buồn nôn có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý liên quan đến tiêu hóa như viêm dạ dày ruột do virus, tắc ruột, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích, loét dạ dày – tá tràng, viêm túi thừa,…
Buồn nôn, tiêu chảy có cần đi khám không?
Tình trạng buồn nôn, đi ngoài kéo dài có thể ảnh hưởng đến đời sống người bệnh cũng như khiến tình trạng sức khỏe trở nên nghiêm trọng. Vì thế, Cô Chú, Anh Chị nên chú ý theo dõi sức khỏe và thăm khám ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như tiêu chảy ra máu, nôn dữ dội, có dấu hiệu mất nước, chóng mặt, sốt trên 38,9 độ C,…
Người vừa tiêu chảy, vừa buồn nôn nên ăn gì?
Khi bị tiêu chảy và buồn nôn, người bệnh nên ưu tiên thức ăn lỏng, dễ tiêu, bổ sung các thực phẩm tốt cho tiêu hóa như trứng, khoai tây nghiền, rau củ, trái cây,… Đồng thời, bệnh nhân cần lưu ý bù nước, bù khoáng bằng nước lọc, trà thảo mộc, đặc biệt không uống đồ uống có gas hoặc rượu, bia.
Tài liệu tham khảo
1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
2. Corey Whelan. 20 Causes for Nausea and Diarrhea. 04 04 2023. https://www.healthline.com/health/nausea-and-diarrhea (đã truy cập 16 08 2023).
3. Adam Rowden. What can cause nausea and diarrhea? 03 09 2020. https://www.medicalnewstoday.com/articles/nausea-and-diarrhea#food-poisoning (đã truy cập 16 08 2023).
4. Cleveland Clinic. Appendicitis. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8095-appendicitis (đã truy cập 16 08 2023).
5. WebMD Editorial Contributors. Bowel Obstruction. 31 08 2022. https://www.webmd.com/digestive-disorders/what-is-bowel-obstruction (đã truy cập 16 08 2023).
6. Cleveland Clinic. Nausea & Vomiting. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/8106-nausea–vomiting (đã truy cập 16 08 2023).