Chỉ số MONO cung cấp thông tin về một loại bạch cầu trong hệ thống miễn dịch đó là bạch cầu MONO. Chỉ số này trong xét nghiệm máu bất thường có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc một số bệnh lý nghiêm trọng. Như thế, chỉ số MONO trong xét nghiệm máu là gì? Tỷ lệ bạch cầu MONO cao có sao không? Mời Cô Chú, Anh Chị cùng tìm hiểu sâu hơn về điều này với Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic nhé!
Bạch cầu MONO là gì?
Bạch cầu MONO là một loại tế bào bạch cầu trong suốt của cơ thể có nguồn gốc chủ yếu từ tủy xưởng, có vai trò bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, bạch cầu MONO còn có trong mạch bạch huyết, lách, các hạch và các mô của cơ thể. MONO trong máu là một phần của đáp ứng miễn dịch bẩm sinh, giúp điều hòa cân bằng nội môi tế bào khi có nhiễm trùng hoặc viêm.
MONO được gọi là tế bào bạch cầu đơn nhân hay là tế bào bạch cầu MONO, có tên tiếng anh là Monocyte. Đây là bạch cầu có kích thước lớn nhất và có thể biệt hóa thành tế bào tua (dendritic cell) và đại thực bào (macrophage). Thời gian ở trong máu của tế bào bạch cầu MONO khá ngắn, khoảng dưới 20 giờ.[1]
Tế bào tua có tên gọi khác là tế bào trình diện kháng nguyên (APC). Khi phát hiện có các tác nhân xâm nhiễm, tế bào này có vai trò thu thập kháng nguyên và trình diện cho tế bào lympho T và lympho B để kích hoạt sản xuất các kháng thể. Do đó, tế bào tua có khả năng kích hoạt và điều phối các đáp ứng miễn dịch dịch thể.[2]
Trong khi đó, đại thực bào được xem là tuyến đầu của hàng rào miễn dịch. Khi phát hiện các tác nhân gây hại, đại thực bào sẽ tiếp cận và tiến hành thực bào để tiêu diệt. Đại thực bào còn có vai trò loại bỏ các tế bào chết ra khỏi mô và mạch máu.[3]
Chỉ số MONO trong xét nghiệm máu là gì?
MONO trong xét nghiệm máu là một chỉ số trong xét nghiệm công thức máu, dùng để đánh giá tình trạng ổn định của tế bào bạch cầu đơn nhân có trong máu, từ đó phản ánh được tình hình sức khỏe của bản thân. Kết quả xét nghiệm bạch cầu MONO được hiển thị trong kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi cùng các chỉ số khác có trong máu.
Giá trị của chỉ số MONO ở người bình thường nằm trong khoảng 4% – 8%. Đơn vị của chỉ số bạch cầu MONO là K/uL hoặc G/L, tùy vào cơ sở y tế. Giá trị chỉ số bạch cầu MONO trong máu tăng hay giảm đều là dấu hiệu phản ánh tình trạng sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề.
Hiện nay, một số cơ sở y tế cũng có sử dụng chỉ số MONO%. Chỉ số MONO% là chỉ số cho biết tỷ lệ bạch cầu MONO trên tổng số bạch cầu có trong cơ thể. Đơn vị của chỉ số này là phần trăm.
Lưu ý:
Những thông tin được đề cập ở những phần kế tiếp chỉ mang tính chất tham khảo. Cô chú, Anh chị nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và giải đáp kỹ càng.
Ý nghĩa của chỉ số MONO trong máu là gì?
Chỉ số MONO là chỉ số đo lường số lượng tế bào bạch cầu MONO (bạch cầu đơn nhân) đang lưu thông trong tế bào máu. Các bất thường về chỉ số MONO có thể báo hiệu tình trạng cơ thể đang bị nhiễm trùng hoặc một số bệnh lý khác.
Lưu ý, chỉ số MONO được đề cập có thể dao động giữa các phòng thí nghiệm với nhau, tùy thuộc vào cơ sở vật chất hay năng lực kỹ thuật viên xét nghiệm. Do đó, Cô Chú, Anh Chị nên thảo luận với bác sĩ để được giải thích về kết quả cũng như đánh giá chính xác được tình trạng của bản thân.
Chỉ số MONO trong máu bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số MONO trong máu bình thường khi định lượng nồng độ bạch cầu MONO trong máu nằm trong khoảng từ 200 đến 800 tế bào/uL (0,2 – 0,8 G/L hoặc 0,2 – 0,8 K/uL). Điều này tương đương với tỷ lệ bạch cầu MONO hay MONO% là 4 – 8%.[4]
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các chỉ số được đề cập dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo và có thể khác nhau giữa các phòng thí nghiệm.
Chỉ số MONO trong máu cao là bao nhiêu?
Chỉ số MONO trong máu cao là khi số lượng bạch cầu MONO trong máu tăng trên 1000 tế bào/uL (1 G/L hay 1 K/uL) hoặc tỷ lệ bạch cầu MONO trong máu (MONO%) trên 10%. Khi đó, người bệnh được xem là bị tăng bạch cầu MONO trong máu (gọi là monocytosis).[5]
Chỉ số MONO tăng cao hơn bình thường cho biết cơ thể hiện đang có tỷ lệ bạch cầu MONO nhiều hơn so với mức cần thiết. Tỷ lệ bạch cầu MONO tăng là báo hiệu cơ thể đang gặp các bệnh lý như nhiễm trùng (nhiễm virus, nhiễm khuẩn, sốt rét,…), viêm vòi trứng mãn, bệnh lý tim mạch hoặc một số rối loạn về máu.
Chỉ số MONO trong máu thấp là bao nhiêu?
Chỉ số MONO trong máu thấp là khi số lượng tế bào bạch cầu MONO hạ xuống ít hơn 200 tế bào/uL (0,2 G/L hoặc 0,2 K/uL) hoặc tỷ lệ bạch cầu MONO (MONO%) giảm thấp hơn 4%.[4]
Chỉ số MONO thấp là dấu hiệu tình trạng bạch cầu MONO không được sản xuất đủ hoặc tốc độ chết của bạch cầu nhanh hơn so với mức bình thường. Tình trạng giảm bạch cầu MONO trong máu (monocytopenia) báo hiệu nhiều bệnh lý rối loạn về máu cần được theo dõi và điều trị phù hợp.
Tế bào/uL | G/L | K/uL | %MONO | |
---|---|---|---|---|
Chỉ số MONO cao | Trên 1000 | Trên 1 | Trên 1 | Trên 10% |
Chỉ số MONO bình thường | 200 đến 800 | 0,2 – 0,8 | 0,2 – 0,8 | 4 – 8% |
Chỉ số MONO thấp | Dưới 200 | Dưới 0,2 | Dưới 0,2 | Dưới 4% |
Tham khảo thêm một số chỉ số liên quan đến bạch cầu khác tại đây:
Nguyên nhân làm chỉ số MONO cao là gì?
Chỉ số MONO cao là khi các tế bào bạch cầu MONO sản xuất nhiều hơn mức cần thiết, được sản sinh nhanh chóng để chống lại các tác nhân gây bệnh. Chỉ số này cao có thể là cơ thể đang mắc phải các bệnh lý về máu như: nhiễm trùng, cúm, bệnh tự miễn, u hạt… . Cô Chú, Anh Chị nên đi thăm khám bác sĩ để được tư vấn và giải đáp cụ thể khi bản thân mắc phải tình trạng tăng bạch cầu MONO trong máu.
Một số nguyên nhân làm chỉ số MONO tăng cao:
- Bệnh tim mạch
- Nhiễm trùng
- Các loại ung thư máu
- Bệnh tự miễn
- Bệnh u hạt
Bệnh tim mạch
Các tế bào bạch cầu MONO đóng vai trò quan trọng trong các bệnh lý về tim mạch bởi vì chúng liên quan đến sự hình thành của các mảng xơ vữa động mạch. Nguyên nhân là vì các đại thực bào biệt hóa từ bạch cầu MONO có tham gia vào quá trình viêm, thúc đẩy sự tiến triển và làm mất ổn định các mảng xơ vữa này. Từ đó, điều này làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và dẫn tới nhồi máu cơ tim.[7]
Trong quá trình phát triển bệnh tim mạch, chỉ số MONO thường được ghi nhận ở mức cao. Chỉ số MONO cao hơn bình thường cũng liên quan đến sự gia tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, nhập viện và tử vong do bệnh tim mạch.
Hiện nay, chỉ số MONO có thể được sử dụng như một chỉ thị về mức độ nghiêm trọng của các bệnh về tim, từ đó bác sĩ có thể đưa ra tiên lượng cho bệnh nhân cũng như hướng điều trị phù hợp.[8]
Nhiễm trùng
Bạch cầu MONO có thể phát hiện và phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ phân tử lạ bắt nguồn từ các tác nhân xâm nhiễm vào cơ thể (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng). Bên cạnh đó, bạch cầu MONO cũng có thể nhanh chóng đáp ứng với các kích thích, giúp ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây hại và ngăn chặn quá trình nhiễm trùng từ giai đoạn sớm.[9]
Khi chỉ số MONO tăng cao hơn so với mức bình thường là lúc cơ thể có thể đang bị nhiễm trùng. Lúc này, số lượng bạch cầu MONO trong máu sẽ được gia tăng để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây hại. Một số bệnh lý nhiễm trùng thường gồm bệnh lao, bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (mononucleosis), giang mai, sốt rét,…
Các loại ung thư về máu
Chỉ số MONO trong máu cao cũng có thể gợi ý về sự hiện diện của một số loại ung thư về máu như là bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính (CML), bệnh Hodgkin, rối loạn tăng sinh tủy,… Các loại bệnh lý này có thể kích thích tăng sinh các loại tế bào máu, bao gồm bạch cầu MONO, trong tủy xương. Tuy nhiên, các tế bào máu này thường bất thường và không thể thực hiện được chức năng của chúng, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh.
Bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch không thể phân biệt được sự khác nhau giữa tế bào của cơ thể và tế bào lạ. Điều này dẫn đến hệ thống miễn dịch tự tấn công các tế bào khỏe mạnh của cơ thể, gây ra các bệnh lý tự miễn. Một số bệnh tự miễn thường gặp là bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn,…
Nhiều bằng chứng cho thấy có sự kích hoạt các tế bào bạch cầu MONO liên quan đến quá trình tiến triển của các loại bệnh lý tự miễn.[10] Từ đó, hiện tượng này có thể làm tỷ lệ bạch cầu MONO tăng trong máu. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này đến nay vẫn chưa rõ.
Bệnh u hạt
Chỉ số MONO cao cũng có thể được tìm thấy trong các bệnh nhân mắc bệnh u hạt (sarcoidosis). Một nghiên cứu năm 2021 đã cho thấy số lượng bạch cầu MONO và các tế bào có nguồn gốc từ bạch cầu MONO đặc biệt gia tăng ở nhóm người mắc bệnh u hạt so với nhóm người khỏe mạnh.[11]
Bệnh u hạt là tình trạng mà hệ miễn dịch hoạt động quá mức dẫn đến hình thành khối u gọi là u hạt (granuloma). U hạt này có thể được tìm thấy ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể nhưng phổ biến là ở phổi hoặc hạch bạch huyết.
Các nguyên nhân khác
Bên cạnh đó, chỉ số MONO trong máu cao cũng có thể đến từ một số nguyên nhân khác. Các nguyên nhân làm chỉ số MONO trong xét nghiệm máu tăng cao có thể bao gồm căng thẳng kéo dài, sử dụng một số loại thuốc (thuốc hóa trị ung thư), phẫu thuật cắt lá lách, mang thai,…
Nguyên nhân làm chỉ số MONO thấp là gì?
Chỉ số MONO trong máu thấp là dấu hiệu báo hiệu cơ thể đang không có đủ lượng bạch cầu MONO cần thiết. Tạo điều kiện cho các mầm bệnh từ các bệnh lý như: Bệnh đột biến gen GATA 2, thiếu máu bất sản, HIV/AIDS,… có thể xâm nhập và gây hại cho cơ thể.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ số MONO thấp, trong đó có một số bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, Cô Chú, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn cặn kẽ về kết quả xét nghiệm nếu bản thân có chỉ số MONO thấp hơn bình thường.
Nguyên nhân làm chỉ số MONO thấp trong máu là:
- Đột biến gen GATA2
- Bệnh bạch cầu dạng lông (HCL)
- Điều trị ung thư
- Thiếu máu bất sản
- HIV/AIDS
Đột biến gen GATA2
Đột biến gen GATA2 có thể làm sụt giảm nghiêm trọng hoặc làm gần như biến mất tế bào bạch cầu MONO đang lưu hành trong cơ thể. Điều này làm cho tỷ lệ bạch cầu MONO trong xét nghiệm ghi nhận ở mức thấp. Từ đó, tình trạng này kéo theo giảm số lượng tế bào gai, giảm bạch cầu lympho (tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK) và tế bào lympho B) và có thể gây thiếu máu bất sản.[6]
Đột biến gen GATA2 có xu hướng di truyền từ bố hoặc mẹ. Tác động của tình trạng này có thể biểu hiện từ rất sớm (sơ sinh) hoặc rất muộn (tuổi trưởng thành), tùy theo tình trạng từng người. Các triệu chứng thường thấy là phì đại hạch bạch huyết, nổi mụn cóc và thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng.[12]
Bệnh bạch cầu dạng lông
Bệnh bạch cầu dạng lông (HCL) là một loại ung thư về máu mà cơ thể người bệnh tạo ra quá nhiều tế bào bạch cầu lympho B. Điều này dẫn tới số lượng các loại bạch cầu khác bị sụt giảm, kể cả bạch cầu MONO làm cho chỉ số MONO trong máu thấp. Bệnh lý này làm cho cơ thể người bệnh dễ bị tổn thương bởi các mầm bệnh cơ hội.[12]
Điều trị ung thư
Một nguyên nhân phổ biến khác làm cho chỉ số MONO thấp đó là điều trị ung thư. Các liệu trình điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị có tác động xấu đến sự phát triển tế bào máu. Từ đó có thể làm giảm bạch cầu MONO nói riêng và các loại bạch cầu nói chung. Điều trị ung thư còn gây ra tình trạng thiếu máu.[12]
Thiếu máu bất sản
Thiếu máu bất sản là tình trạng tủy xương không tạo ra đủ số lượng tế bào máu cần thiết để đáp ứng cho các nhu cầu của cơ thể. Nguyên nhân thông thường gây ra thiếu máu bất sản là các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương bị tổn thương.[13]
Điều này làm cho tế bào gốc này không thể tiếp tục quá trình biệt hóa để tạo ra các loại tế bào máu, trong đó có bạch cầu MONO. Từ đó, chỉ số bạch cầu MONO sụt giảm dẫn tới chỉ số MONO thấp trong máu.
Có nhiều nguyên do làm cho tủy xương bị tổn thương. Trong đó, hệ miễn dịch tấn công và gây tổn thương là nguyên nhân khá phổ biến. Bên cạnh đó, các loại thuốc hóa trị ung thư, tiếp xúc với các loại chất độc,… cũng có thể gây tổn thương tủy xương.
HIV/AIDS
HIV/AIDS là bệnh lý gây suy giảm hệ thống miễn dịch toàn bộ trong cơ thể người. Virus HIV xâm nhập và phá hủy các loại bạch cầu, trong đó có bạch cầu MONO, khiến chỉ số MONO trong xét nghiệm máu bị giảm xuống đáng kể. Khi đó, người bị HIV có nguy cơ cao mắc phải nhiều loại mầm bệnh cơ hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, có thể dẫn đến tử vong.[14] Thông thường, người bị HIV/AIDS có chỉ số MONO thấp trong máu.
Các nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân trên, một số nguyên nhân khác khiến số lượng bạch cầu MONO trong máu giảm. Ví dụ như là các bệnh ung thư di căn làm chèn ép tủy xương, các tổn thương như phỏng,…
Tham khảo thêm một số chỉ số liên quan đến bạch cầu khác tại đây:
Cách đọc chỉ số MONO trong xét nghiệm máu là gì?
Xét nghiệm MONO là xét nghiệm máu nhằm định lượng số lượng tế bào bạch cầu MONO (bạch cầu đơn nhân) có trong máu, thường thực hiện cùng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi. Xét nghiệm chỉ số MONO bình thường là từ 200 đến 800 tế bào/uL (0,2 – 0,8 G/L hoặc 0,2 – 0,8 K/uL) hay tỷ lệ bạch cầu MONO hay MONO% là 2% đến 8%. Chỉ số MONO hoặc MONO% nằm ngoài khoảng này đều cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe cần quan tâm. Cô Chú, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ để trao đổi nếu kết quả của mình có bất thường.
Cách đọc chỉ số MONO tương tự như các chỉ số khác: chỉ số RBC, MCH, RDW, PLT,… trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (CBC), cụ thể như sau:
Cách đọc chỉ số MONO trong xét nghiệm máu là:
- Tên chỉ số: MONO.
- Kết quả chỉ số: Giá trị của chỉ số MONO.
- Khoảng tham chiếu: Trình bày khoảng chỉ số bình thường để đối chiếu.
- Đơn vị: G/L hoặc K/uL (tùy vào cơ sở y tế).
Ngoài ra, Cô Chú, Anh Chị cũng có thể bắt gặp chỉ số MONO%. Sau đây là cách để đọc được chỉ số này trong giấy xét nghiệm.
Cách đọc chỉ số MONO% trong xét nghiệm máu là:
- Tên chỉ số: MONO%.
- Kết quả chỉ số: Giá trị của chỉ số MONO%.
- Khoảng tham chiếu: Trình bày khoảng chỉ số bình thường để đối chiếu.
- Đơn vị: %.
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số MONO?
Xét nghiệm chỉ số MONO là một phần trong xét nghiệm công thức máu bên cạnh các chỉ số MPV, chỉ số MCV, chỉ số HCT, chỉ số HGB, chỉ số MCHC,… thường không có yêu cầu gì đặc biệt. Tuy nhiên, Cô chú Anh chị nên lưu ý một vài điều sau đây để việc xét nghiệm được nhanh chóng, dễ dàng.
Một số lưu ý trước khi đi xét nghiệm công thức máu là:
- Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm.
- Trao đổi với bác sĩ về toa thuốc đang sử dụng giúp kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng.
- Mặc đồ thoải mái giúp cho việc lấy mẫu xét nghiệm diễn ra nhanh chóng hơn.
- Liên hệ trước với cơ sở y tế để đặt lịch hẹn và được hướng dẫn cụ thể.
Hiện nay, tại phòng khám tiêu hoá Endo Clinic cũng có cung cấp dịch vụ xét nghiệm công thức máu.
Giá xét nghiệm công thức máu ở Endo Clinic hiện nay là 100.000 VNĐ. Chi phí trên được cập nhật mới nhất tới ngày 13/12/2023.
Để cập nhật mức giá mới nhất, Cô chú, Anh chị vui lòng nhấn vào: Giá dịch vụ nội soi tiêu hóa (Giá xét nghiệm).
Câu hỏi thường gặp
Chỉ số MONOCYTES là chỉ số gì?
Chỉ số MONOCYTES là chỉ số cung cấp thông tin về số lượng bạch cầu MONO trong máu, thể hiện bằng tỉ lệ % hoặc số lượng tuyệt đối của bạch cầu MONO. Giá trị bình thường của chỉ số MONO nằm trong khoảng 0,2 – 0,8 G/L.
Tỷ lệ bạch cầu MONO cao có sao không?
Tỷ lệ bách cầu MONO (MONO%) trong máu cao khi tỷ lệ MONO nhiều hơn 10%. Tỷ lệ bạch cầu MONO cao có thể là tình trạng nhiễm trùng của cơ thể cũng như một số bệnh lý nguy hiểm như nhiễm trùng, bệnh tim mạch, các loại ung thư về máu,…
Tài liệu tham khảo
1. Histology, Monocytes – Statpearls – NCBI Bookshelf, www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557618/. Accessed 12 July 2023.
2. DT;, Song L;Dong G;Guo L;Graves. “The Function of Dendritic Cells in Modulating the Host Response.” Molecular Oral Microbiology, pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28845602/. Accessed 12 July 2023.
3. Professional, Cleveland Clinic medical. “Monocytes: A Type of White Blood Cell – What Are Normal Ranges?” Cleveland Clinic, my.clevelandclinic.org/health/body/22110-monocytes. Accessed 12 July 2023.
4. “Blood.” SEER Training, https://training.seer.cancer.gov/anatomy/cardiovascular/blood/. Accessed 13 July 2023.
5. Mangaonkar, Abhishek A, et al. “Differential Diagnosis and Workup of Monocytosis: A Systematic Approach to a Common Hematologic Finding.” Current Hematologic Malignancy Reports, June 2021, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8057007/.
6. Dale, David C. “Monocytopenia – Hematology and Oncology.” MSD Manual Professional Edition, 21 June 2023, www.msdmanuals.com/professional/hematology-and-oncology/leukopenias/monocytopenia.
7. Williams, Helen, et al. “Nature versus Number: Monocytes in Cardiovascular Disease.” International Journal of Molecular Sciences, 24 Aug. 2021, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8430468/.
8. Role of Monocytes in Heart Failure and Atrial Fibrillation, https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/JAHA.117.007849. Accessed 12 July 2023.
9. Xiong, Huizhong, and Eric G Pamer. “Monocytes and Infection: Modulator, Messenger and Effector.” Immunobiology, Feb. 2015, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4404758/.
10. Hirose, Sachiko, et al. “Monocyte Subsets Involved in the Development of Systemic Lupus Erythematosus and Rheumatoid Arthritis.” International Immunology, 16 Oct. 2019, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6794944/.
11. Lepzien R;Liu S;Czarnewski P;Nie M;Österberg B;Baharom F;Pourazar J;Rankin G;Eklund A;Bottai M;Kullberg S;Blomberg A;Grunewald J;Smed-Sörensen A; “Monocytes in Sarcoidosis Are Potent Tumour Necrosis Factor Producers and Predict Disease Outcome.” The European Respiratory Journal, pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33446605/. Accessed 12 July 2023.
12. Heidi Moawad, MD. “What to Know about Monocytopenia.” Verywell Health, 29 Aug. 2022, www.verywellhealth.com/monocytopenia-5219343.
13. “Aplastic Anemia.” National Heart Lung and Blood Institute, www.nhlbi.nih.gov/health/anemia/aplastic-anemia. Accessed 12 July 2023.
14. Campbell, Jennifer H, et al. “The Importance of Monocytes and Macrophages in HIV Pathogenesis, Treatment, and Cure.” AIDS (London, England), 24 Sept. 2014, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6331181/.