Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Chỉ số PLT đóng vai trò quan trọng trong xét nghiệm công thức máu (CBC). Chỉ số này được sử dụng để theo dõi và đánh giá các rối loạn liên quan đến tiểu cầu trong cơ thể. Từ đó, nó hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Như vậy, chỉ số PLT trong xét nghiệm máu là gì? Chỉ số này cao hoặc thấp bất thường cảnh báo bệnh lý nào? Hãy cùng Endo Clinic tìm hiểu sâu hơn về chỉ số này qua bài viết sau nhé!

Tổng quan về chỉ số PLT
Tổng quan về chỉ số PLT

PLT là gì?

PLT là viết tắt của từ “Platelet Count” có nghĩa là xét nghiệm tiểu cầu hay đếm tiểu cầu. PLT trong xét nghiệm máu là tên của một xét nghiệm máu giúp đánh giá số lượng tiểu cầu có trong một đơn vị thể tích máu. Tiểu cầu là một loại tế bào máu có kích thước nhỏ (20% đường kính hồng cầu), không chứa nhân và có màu trong suốt. Tương tự với hồng cầu và bạch cầu, tiểu cầu (platelets) là tế bào được hình thành trong tủy xương và chiếm một lượng thể tích rất nhỏ trong máu.

PLT là gì?
PLT là gì?

Tiểu cầu được sản xuất từ một loại tế bào kích cỡ lớn trong tủy xương, gọi là megakaryocyte. Khi tế bào này trưởng thành, nó sẽ trải qua quá trình phân mảnh và tạo ra các tiểu cầu. Từ 1 megakaryocyte có thể tạo ra được khoảng 1000 tế bào tiểu cầu vào trong máu. Hormone chủ yếu điều hòa quá trình sản xuất tiểu cầu là thrombopoietin (TPO).

Chức năng của tiểu cầu đóng vai trò chủ chốt trong quá trình đông máu, giúp cơ thể không bị mất máu quá nhiều khi gặp phải các chấn thương. Cụ thể, khi có vết thương hở xuất hiện, mạch máu bị tổn thương sẽ phát ra tín hiệu cho tiểu cầu. Khi đó, tiểu cầu sẽ nhanh chóng tập trung lại tại vị trị vết thương và hình thành nên huyết khối để ngăn máu không chảy ra ngoài.

Thời gian tồn tại của tiểu cầu trong máu là khoảng 7 – 10 ngày.

Chỉ số PLT là gì?

Chỉ số PLT là một chỉ số trong xét nghiệm công thức máu (CBC) được dùng để đo lượng tiểu cầu có trong cơ thể. Số lượng tiểu cầu bình thường khoảng 140.000 – 440.000 tiểu cầu/ microliter (μL). Đơn vị của chỉ số PLT thường là K/μL hoặc G/L.

Tiểu cầu (platelets) có vai trò thiết yếu trong quá trình đông máu. Vì thế, việc theo dõi chỉ số công thức máu PLT là rất cần thiết để giám sát và chẩn đoán bệnh lý liên quan đến máu và hệ thống đông máu.

Chỉ số PLT trong xét nghiệm máu là gì?
Chỉ số PLT trong xét nghiệm máu là gì?

Ý nghĩa chỉ số xét nghiệm PLT là gì?

Xét nghiệm PLT là một xét nghiệm được dùng để đo lường số lượng tiểu cầu có trong 1 microliter máu. Kết quả của xét nghiệm PLT nhằm đánh giá mức độ tiểu cầu có trong máu của bạn, giúp bác sĩ theo dõi và đánh giá tình trạng hệ thống đông máu của bạn.

Ý nghĩa chỉ số xét nghiệm PLT là gì?
Ý nghĩa chỉ số xét nghiệm PLT là gì?

Hiện nay, xét nghiệm chỉ số PLT trong máu thường được thực hiện chung với xét nghiệm công thức máu (CBC) hay tổng phẩn tích tế bào máu ngoại vi. Đây là xét nghiệm đo lường tổng thể các tế bào có trong máu gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Chỉ số PLT có ý nghĩa trong đánh giá các rối loạn về máu hoặc hỗ trợ chẩn đoán các tình trạng tăng tiểu cầu và giảm tiểu cầu.

Bảng chỉ số PLT:

Chỉ số PLT thấpChỉ số PLT bình thườngChỉ số PLT cao
Tế bào/μLnhỏ hơn 140.000140.000 – 440.000lớn hơn 440.000
K/μLnhỏ hơn 140140 – 440lớn hơn 440
G/Lnhỏ hơn 140140 – 440lớn hơn 440
Bảng chỉ số PLT trong máu

Lưu ý:

Các thông tin được đề cập trong những phần kế tiếp chỉ mang tính chất tham khảo. Cô Chú, Anh Chị nên trực tiếp trao đổi với bác sĩ có chuyên môn về tình trạng tiểu cầu của bản thân.

Chỉ số xét nghiệm PLT trong máu bình thường là bao nhiêu?

Chỉ số PLT bình thường là khi số lượng tiểu cầu nằm trong khoảng 140.000 – 440.000 tế bào/μL (140 – 440 K/μL hoặc 140 – 440 G/L). Khi đó, số lượng tiểu cầu trong cơ thể ở mức ổn định, không báo hiệu các vấn đề nguy hiểm đến sức khỏe.

Tuy nhiên, khi chỉ số công thức máu PLT vượt quá hoặc hạ thấp hơn khoảng cho phép, điều này có thể cảnh báo các vấn đề sức khỏe cần được theo dõi và điều trị.

Chỉ số PLT trong máu cao là bao nhiêu?

Chỉ số PLT tăng cao là khi số lượng tiểu cầu trong cơ thể tăng vượt qua khoảng giá trị cho phép là vượt quá 440.000 tế bào/μL (nhiều hơn 440 K/μL hoặc 440 G/L). Tình trạng này còn được gọi là tăng tiểu cầu trong máu (thrombocytosis).

Chỉ số PLT trong máu cao là bao nhiêu?
Chỉ số PLT trong máu cao là bao nhiêu?

Số lượng tiểu cầu tăng có thể khiến dòng máu trở nên quá cô đặc và gây tắc nghẽn mạch máu. Điều này có thể gây nguy hiểm do làm tăng nguy cơ bị tai biến hoặc đột quỵ.

Chỉ số PLT trong máu thấp là bao nhiêu?

Chỉ số PLT thấp là khi số lượng tiểu cầu giảm xuống dưới mức bình thường là 140.000 tế bào/μL (140 K/μL hoặc G/L). Khi đó, người bệnh sản xuất quá ít tiểu cầu và có thể được chẩn đoán là bị giảm tiểu cầu trong máu (thrombocytopenia). Người có chỉ số PLT thấp ở trong máu thường có nguy cơ mất máu cao hơn người bình thường.

Chỉ số PLT trong máu thấp là bao nhiêu?
Chỉ số PLT trong máu thấp là bao nhiêu?

Chỉ số PLT thấp được chia thành 3 mức độ:

  • Giảm tiểu cầu mức độ nhẹ: chỉ số PLT trong khoảng 101.000 – 140.000 tế bào/μL.
  • Giảm tiểu cầu mức độ vừa: chỉ số PLT trong khoảng 51.000 – 100.000 tế bào/μL.
  • Giảm tiểu cầu mức độ nặng: chỉ số PLT trong khoảng 21.000 – 51.000 tế bào/μL.

Số lượng tiểu cầu giảm có thể khiến người bệnh dễ dàng bị chảy máu mà khó cầm lại được. Trong một số trường hợp xuất huyết nội (xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não), giảm tiểu cầu trong máu có thể khiến người bệnh nguy kịch nếu không được chữa trị kịp thời.

Mời Cô Chú, Anh Chị xem thêm một số chỉ số máu khác trong xét nghiệm công thức máu (CBC):

>> Chỉ số LYM

>> Chỉ số NEU

>> WBC là gì?

>> Chỉ số EOS

>> MONO là gì?

>> RBC trong xét nghiệm máu

Nguyên nhân làm chỉ số PLT cao là gì?

Chỉ số PLT tăng cao có thể đến từ nguyên nhân nhiễm trùng, bệnh lý viêm mạn tính, phẫu thuật cắt lá lách hoặc rối loạn tăng sinh tủy. Các nguyên nhân này có thể thúc đẩy số lượng tế bào tiểu cầu tăng vượt quá 440.000 tế bào/μL.

Nguyên nhân làm chỉ số PLT cao là gì?
Nguyên nhân làm chỉ số PLT cao là gì?

Dựa vào nguyên nhân, tình trạng tăng tiểu cầu trong máu thường được thành 2 loại gồm tăng tiểu cầu phản ứng (RT) và tăng tiểu cầu thiết yếu (ET).

Trong đó, tăng tiểu cầu phản ứng (RT) là khi chỉ số công thức máu PLT tăng cao bắt nguồn từ các nguyên nhân ngoại cảnh như nhiễm trùng, bệnh lý khác. Tăng tiểu cầu thiết yếu (ET) là khi số lượng tiểu cầu chức năng của tủy xương bị rối loạn, khiến tủy xương sản xuất tiểu cầu quá mức cần thiết. Bản thân ET là một dạng bệnh lý.

Một số nguyên nhân làm chỉ số PLT cao là:

  • Nhiễm trùng
  • Bệnh lý viêm mạn tính
  • Thiếu máu
  • Phẫu thuật cắt lá lách
  • Ung thư
  • Tăng tiểu cầu thiết yếu (ET)

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến khiến chỉ số PLT tăng cao ở cả người lớn và trẻ em. Nhiễm trùng mô mềm, phổi, tiêu hóa, đường tiết niệu và cơ quan sinh dục là các bệnh lý nhiễm trùng gây ra tình trạng tăng tiểu cầu phản ứng (RT). Phần lớn các bệnh lý nhiễm trùng này đến từ các chủng vi khuẩn như Staphylococcus aureus kháng Methicillin (MRSA), Clostridioides difficile, Enterococcus species,…

Hầu hết các trường hợp tăng chỉ số PLT do nhiễm trùng sẽ trở về mức bình thường sau khi tình trạng nhiễm trùng được điều trị. Điều này có thể mất vài tuần.

Bệnh lý viêm mạn tính

Viêm là đáp ứng tự nhiên của cơ thể trước tác nhân xâm nhiễm hoặc tổn thương. Khi bị viêm, hệ miễn dịch sẽ kích thích cơ thể gia tăng sản xuất tiểu cầu để hỗ trợ chữa lành các mô bị tổn thương, gây ra tình trạng tăng tiểu cầu phản ứng (RT). Sự gia tăng nhanh chóng tiểu cầu thường xảy ra ở những đợt bùng phát viêm hoặc khi bệnh lý không được điều trị.

Bệnh lý viêm mạn tính làm chỉ số PLT cao
Bệnh lý viêm mạn tính làm chỉ số PLT cao

Các bệnh lý viêm mạn tính làm chỉ số PLT tăng là:

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Bệnh lý ruột mạn tính (IBD)
  • Bệnh Lupus
  • Đa xơ cứng (MS)
  • Viêm khớp dạng thấp (RA)
  • Bệnh u hạt

Thiếu máu

Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi cơ thể thiếu mất đi chất sắt – thành phần quan trọng trong máu – làm giảm số lượng, kích thước và chức năng của hồng cầu. Khi bị thiếu máu thiếu sắt, người bệnh sẽ giảm mạnh số lượng hồng cầu và hemoglobin. Khi đó, số lượng tiểu cầu lại thường gia tăng bất thường. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này vẫn chưa được hiểu rõ.

Một dạng thiếu máu liên quan đến tăng tiểu cầu phản ứng (RT) khác đó là thiếu máu tán huyết. Thiếu máu tán huyết là tình trạng tế bào hồng cầu bị phá hủy do ung thư, viêm gan, bệnh hồng cầu hình liềm hoặc một số bệnh lý tự miễn. Tương tự trường hợp trên, khi lượng hồng cầu bị giảm xuống thì tiểu cầu lại tăng lên bất thường.

Phẫu thuật cắt lá lách

Lá lách có vai trò lọc máu cũng như là nguồn dự trữ các tế bào máu quan trọng để sử dụng khi khẩn cấp như xuất huyết. Khoảng 1/3 lượng tiểu cầu có trong máu là được dữ trữ tại lá lách. Khi lá lách không thể hoạt động bình thường hoặc bị cắt bỏ, số lượng tiểu cầu sẽ phải tăng lên để bù cho phần dự trữ trong lá lách bị mất đi. Điều này làm cho chỉ số PLT tăng cao.

Phẫu thuật cắt lá lách có thể làm chỉ số PLT cao
Phẫu thuật cắt lá lách có thể làm chỉ số PLT cao

Ung thư

Tăng tiểu cầu phản ứng (RT) là tình trạng thường thấy trong ung thư. Cụ thể, đối với ung thư thể rắn (ung thư biểu mô,…), sự tiến triển của khối u thường gắn liền với sự gia tăng số lượng tiểu cầu. Tình trạng tăng tiểu cầu còn trầm trọng hơn khi ung thư bắt đầu di căn.

Hiện tượng này có tên là tăng tiểu cầu cận ung thư (paraneoplastic thrombocytosis). Tăng tiểu cầu cận ung thư có thể xuất hiện ở bất kỳ loại ung thư nào, nhưng phổ biến là ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư buồng trứng, ung thư phổi,… Các loại ung thư máu như ung thư hạch bạch huyết cũng khiến chỉ số PLT cao trong máu.

Ung thư làm chỉ số PLT tăng trong máu
Ung thư làm chỉ số PLT tăng trong máu

Tăng tiểu cầu thiết yếu (ET)

Tăng tiểu cầu thiết yếu (ET) hoặc tăng tiểu cầu nguyên phát là một nguyên nhân làm tăng số lượng tiểu cầu khá hiếm gặp. ET là một bệnh lý nằm trong nhóm rối loạn tăng sinh tủy. Theo đó, tủy xương hoạt động bất thường làm tăng sinh quá nhiều tế bào tiểu cầu vào máu.

ET thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng. Khi triệu chứng biểu hiện, ET có thể gây ra xuất huyết hoặc tắc nghẽn mạch máu (huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc tắc mạch phổi). Mặc dù rất hiếm gặp nhưng ET có thể tiến triển thành bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML).

Các nguyên nhân khác

Các tình trạng dị ứng như hen suyễn, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng và dị ứng thực phẩm có thể làm tăng số lượng tiểu cầu. Tuy nhiên, khi tình trạng dị ứng được kiểm soát, số lượng tiểu cầu thường sẽ trở lại bình thường.

Một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng tiểu cầu, gây ra tăng số lượng tiểu cầu hoặc dẫn đến các tác dụng phụ như chảy máu và thiếu máu.

Nguyên nhân làm chỉ số PLT thấp là gì?

Chỉ số PLT thấp đề cập đến mức độ tiểu cầu trong máu dưới mức bình thường. Có thể đến từ nguyên nhân như các rối loạn về máu, nhiễm trùng, ung thư,… làm chỉ số PLT giảm xuống ít hơn 150.000 tế bào/μL. Chỉ số PLT giảm dưới 150 G/L, cơ thể có thể gặp khó khăn trong quá trình đông máu, nặng hơn là chảy máu tự phát và nguy cơ cao bị xuất huyết. Nếu tình trạng này kéo dài có khả năng đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Nguyên nhân làm chỉ số PLT thấp là gì?
Nguyên nhân làm chỉ số PLT thấp là gì?

Một số nguyên nhân làm chỉ số PLT thấp là:

  • Phình lá lách
  • Nhiễm trùng huyết
  • Thiếu máu bất sản
  • Mang thai
  • Điều trị ung thư
  • Lạm dụng rượu bia

Phình lá lách

Lá lách có vai trò dự trữ hơn 1/3 số lượng tiểu cầu có trong cơ thể. Nếu lá lách bị phình to, nó có thể trữ nhiều tiểu cầu hơn bình thường. Điều này làm giảm số lượng tiểu cầu có trong máu, khiến chỉ số PLT ghi nhận thường thấp.

Phình lá lách có thể được gây ra bởi các rối loạn về máu như ung thư hạch bạch huyết, bệnh bạch cầu (leukemia), bệnh gan, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý viêm.

Phình lá lách làm chỉ số PLT giảm
Phình lá lách làm chỉ số PLT giảm

Nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng huyết (sepsis) là tình trạng rất nghiêm trọng khi các tác nhân như vi khuẩn, virus,… xâm nhập vào hệ tuần hoàn của cơ thể. Nhiễm trùng máu gây ra một phản ứng tức thì từ hệ miễn dịch, gây ra sự viêm nhiễm lan rộng trong toàn bộ cơ thể. Điều này có thể phá hủy tiểu cầu và làm giảm số lượng tiểu cầu. Từ đó có thể gây ra các vấn đề liên quan đến huyết khối và chảy máu.

Thiếu máu bất sản

Thiếu máu bất sản là bệnh lý hiếm gặp tác động vào quá trình sản xuất tế bào máu ở tủy xương, khiến tủy xương không sản xuất đủ tế bào máu. Từ đó, số lượng hồng cầu, bạch cầu và cả tiểu cầu trong máu có thể bị sụt giảm nghiêm trọng. Tình trạng này có thể dẫn đến mệt mỏi, tăng nguy cơ nhiễm trùng và dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.

Mang thai

Giảm tiểu cầu thai nghén (Gestational thrombocytopenia) xuất hiện khá phổ biến ở trong 3 tháng cuối cùng của thai kỳ. Tình trạng này xảy ra là bởi vì cơ thể người mẹ thúc đẩy gia tăng thể tích máu để nuôi dưỡng thai nhi. Khi đó, số lượng tiểu cầu trong cơ thể người mẹ có thể giảm nhẹ nhưng không quá nghiêm trọng. Giảm tiểu cầu sẽ hồi phục trở lại sau khi người mẹ sinh con được một thời gian.

Mang thai làm chỉ số PLT giảm
Mang thai làm chỉ số PLT giảm

Điều trị ung thư

Hóa trị và xạ trị là các phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư. Bên cạnh việc tiêu diệt tế bào ung thư, các phương pháp này tiêu diệt luôn cả các tế bào tạo máu có trong tủy xương. Tình trạng này khiến tủy xương sản sinh ít tiểu cầu hơn bình thường, từ đó khiến chỉ số PLT trong công thức máu thường giảm thấp.

Lạm dụng rượu bia

Cơ thể sẽ thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng, cũng như dẫn đến bị suy dinh dưỡng nếu bạn lạm dụng rượu bia quá mức. Khi đó, việc thiếu các chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tiểu cầu, làm số lượng tiểu cầu giảm trong máu. Ngoài ra, một số chất có trong bia rượu có thể gây hại đến tế bào trong tủy xương.

Lạm dụng rượu bia là một trong các nguyên nhân làm chỉ số PLT thấp
Lạm dụng rượu bia là một trong các nguyên nhân làm chỉ số PLT thấp

Các nguyên nhân khác

Bên cạnh các nguyên nhân được đề cập ở trên, còn nhiều nguyên nhân khác có thể làm chỉ số PLT thấp hơn bình thường như là bệnh lý tự miễn, một số loại ung thư, nhiễm virus (viêm gan C, HIV) hoặc tác dụng phụ từ các loại thuốc điều trị. Ngoài ra, một số bệnh lý di truyền như bệnh Von Willebrand, bệnh Evans cũng tác động đến số lượng tiểu cầu.

Cách đọc kết quả xét nghiệm chỉ số PLT là gì?

Kết quả xét nghiệm máu PLT là thông số chỉ số lượng tiểu cầu trong cơ thể, từ đó bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của cơ thể. Thông thường, kết quả này sẽ được gộp chung với các chỉ số máu khác (chỉ số HCT, chỉ số MCV, chỉ số RBC, Chỉ số MONO, chỉ số BASO,…) trong xét nghiệm công thức máu (CBC). Sau đây là cách đọc kết quả xét nghiệm máu PLT.

Cách đọc chỉ số PLT trong xét nghiệm máu là gì? kết quả xét nghiệm máu PLT là gì?
Cách đọc chỉ số PLT trong xét nghiệm máu là gì? kết quả xét nghiệm máu PLT là gì?

Cách đọc chỉ số PLT trong xét nghiệm máu là:

  • Tên chỉ số: PLT.
  • Kết quả chỉ số: giá trị của chỉ số PLT được trình bày tại đây.
  • Khoảng tham chiếu: giá trị bình thường của chỉ số PLT để đối chiếu kết quả.
  • Đơn vị: K/μL hoặc G/L tùy vào cơ sở y tế.

Khi nhận kết quả, hãy tham vấn với bác sĩ để có chẩn đoán chính xác nhất về sức khỏe của bản thân, người bệnh tuyệt đối không được tự chẩn đoán tình trạng của mình.

Mời Cô chú, Anh chị tham khảo thêm các chỉ số xét nghiệm công thức máu khác:

>> Chỉ số WBC trong máu cao

>> Eosinophil là gì?

Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm PLT?

Xét nghiệm PLT thường được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm công thức máu (CBC). Nhìn chung, thực hiện xét nghiệm công thức máu với nhiều chỉ số như: Chỉ số HGB, chỉ số MCHC, chỉ số RDW, chỉ số MCH, chỉ số MPV,… thường không cần phải lưu ý quá nhiều. Một số lưu ý cũng như chú ý dưới đây Cô chú, Anh chị có thể tham khảo thêm.

Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm PLT?
Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm PLT?

Các lưu ý trước khi xét nghiệm PLT là:

  • Trước khi đi xét nghiệm, Cô chú, Anh chị không cần nhịn ăn.
  • Mặc đồ thoải mái để dễ dàng lấy mẫu xét nghiệm.
  • Trao đổi về toa thuốc và bệnh lý của bản thân để hạn chế tác động đến kết quả xét nghiệm.
  • Liên hệ đặt lịch hẹn trước để chủ động xét nghiệm, tránh phải chờ đợi.

Hiện nay, tại phòng khám tiêu hoá Endo Clinic có cung cấp dịch vụ xét nghiệm công thức máu (CBC) để xác định chỉ số PLT.

Giá xét nghiệm công thức máu ở Endo Clinic là 75.000 VNĐ. Chi phí được cập nhật mới nhất tới ngày 29/8/2023.

Để cập nhật mức giá mới nhất, Cô Chú, Anh Chị vui lòng xem thêm tại: Bảng giá dịch vụ.

Câu hỏi thường gặp

Số lượng tiểu cầu ký hiệu là gì?

Số lượng tiểu cầu trong xét nghiệm công thức máu (CBC) ký hiệu là PLT (platelets). Đơn vị của chỉ số PLT là K/uL hoặc G/L.

Tiểu cầu ở mức bao nhiêu là nguy hiểm?

Số lượng tiểu cầu ở mức nguy hiểm là khi tăng cao vượt quá 440.000 tế bào/uL (440 K/uL hoặc 440 G/L) hoặc giảm thấp dưới 140.000 tế bào/uL (140 K/uL hoặc 440 G/L).

Tiểu cầu bao nhiêu là vừa?

Số lượng tiểu cầu bình thường là khi nằm trong khoảng 140.000 – 440.000 tế bào/uL (bào/uL (140 – 440 K/uL hoặc 140 – 440 G/L).

Xét nghiệm máu PLT là gì?

Xét nghiệm máu PLT là xét nghiệm giúp đo lường số lượng tiểu cầu có trong 1 microlit máu. Từ đó, giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng sức khỏe của cơ thể đặc biệt là hệ thống đông máu.

Chỉ số PLT trong xét nghiệm máu có ý nghĩa gì?

Chỉ số PLT trong xét nghiệm máu có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá và theo dõi các rối loạn về máu, tình trạng nhiễm trùng, bệnh lý viêm,… Chỉ số này giúp bác sĩ giám sát được tình trạng của bệnh nhân và đưa ra hướng xử trí phù hợp khi có dấu hiệu bất thường xảy ra.

Chỉ số PLT giảm khi nào?

Chỉ số PLT giảm trong các trường hợp như phình lá lách, nhiễm trùng huyết, thiếu máu bất sản, điều trị ung thư, mang thai, lạm dụng rượu bia,…

Chỉ số PLT tăng cao trong trường hợp nào?

Chỉ số PLT tăng cao trong các trường hợp như nhiễm trùng, các bệnh viêm mạn tính, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu máu tán huyết hoặc trong các bệnh lý ung thư,…

Chỉ số PLT sốt xuất huyết giảm bao nhiêu thì nguy hiểm?

Chỉ số PLT trong sốt xuất huyết có thể giảm xuống khoảng 20,000 – 40,000 tế bào/uL (20 – 40 G/L hoặc 20 – 40 K/uL). Khi mức tiểu cầu dưới 50.000 tế bào/uL (50 G/L hoặc 50 K/uL), người bệnh có thể cần phải nhập viện ngay để cấp cứu và truyền tiểu cầu để ngăn chặn tình trạng xuất huyết nội, đe dọa tính mạng.

Chỉ số PLT thấp khi mang thai có sao không?

Chỉ số PLT thấp khi mang thai là hiện tượng hoàn toàn bình thường, đa phần sẽ xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nguyên do là cơ thể người mẹ cần sản xuất ra nhiều máu hơn, khiến tiểu cầu giảm nhẹ. Tình trạng này sẽ dần cải thiện sau khi sinh.

Tài liệu tham khảo

1. Charity Karpac / Original design: Andreas Viklund – http://andreasviklund.com/. “Platelets on the Web.” Platelets,
www.ouhsc.edu/platelets/platelets/platelets%20intro.html. Accessed 31 Aug. 2023.

2. “What Are Platelets?” What Are Platelets? – Health Encyclopedia – University of Rochester Medical Center,
www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=160&ContentID=36. Accessed 31 Aug. 2023.

3. Physiology, Platelet – Statpearls – NCBI Bookshelf,
www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470328/. Accessed 31 Aug. 2023.

4. Kuter, David J. “Overview of Platelet Disorders – Blood Disorders.” MSD Manual Consumer Version, MSD Manuals, 10 Aug. 2023,
www.msdmanuals.com/home/blood-disorders/platelet-disorders/overview-of-platelet-disorders.

5. Amber Yates, MD. “8 Things That Cause a High Platelet Count.” Verywell Health, Verywell Health, 26 May 2023,
www.verywellhealth.com/things-that-elevate-your-platelet-count-401336.

6. professional, Cleveland Clinic medical. “Thrombocytopenia: Symptoms, Stages & Treatment.” Cleveland Clinic,
my.clevelandclinic.org/health/diseases/14430-thrombocytopenia. Accessed 31 Aug. 2023.

7. Raymaakers, Karen. “What You Need to Know about Living with Low Platelets.” Verywell Health, Verywell Health, 16 Aug. 2023,
www.verywellhealth.com/living-with-low-platelets-what-you-need-to-know-2252431.

8. “What Is Sepsis?” Centers for Disease Control and Prevention, Centers for Disease Control and Prevention, 24 Aug. 2023,
www.cdc.gov/sepsis/what-is-sepsis.html.

9. “Thrombocytopenia (Low Platelet Count).” Mayo Clinic, Mayo Foundation for Medical Education and Research, 19 Apr. 2022,
www.mayoclinic.org/diseases-conditions/thrombocytopenia/symptoms-causes/syc-20378293.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?