Bạn đang tìm kiếm một phương pháp chữa trào ngược dạ dày an toàn, hiệu quả và tiết kiệm? Bạn tìm thấy các phương pháp dân gian và muốn biết cách sử dụng nghệ để chữa trào ngược dạ dày hiệu quả? Vây hãy cùng Endo Clinic tìm hiểu vấn đề trên trong bài viết sau đây!
Lưu ý:
- Trào ngược dạ dày là tình trạng acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Bài viết này sử dụng thuật ngữ Trào ngược dạ dày với mục đích tiếp cận được với nhiều bạn đọc hơn. Theo chuẩn chuyên môn, bệnh lý này có tên chính xác là Trào ngược dạ dày – thực quản.
- Các thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh nên gặp bác sĩ để được tư vấn cách điều trị phù hợp và hiệu quả.
Trào ngược dạ dày gây ra triệu chứng nào?
Trào ngược dạ dày gây triệu chứng điển hình là ợ nóng, ợ trớ (hay còn gọi là ợ chua). Cụ thể hơn, đó là cảm giác nóng rát vùng ngực, cảm thấy mùi chua ở khoang miệng. Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác cũng liên quan đến bệnh.
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày:
- Viêm họng
- Ho kéo dài
- Đau thượng vị (đau trên rốn)
- Hôi miệng
- Khó nuốt
- Buồn nôn
Các triệu chứng trên thường không chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt, mà còn gây tổn thương đến các mô thực quản. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến như viêm, loét, hẹp hoặc thậm chí ung thư thực quản, đe dọa ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.
Do đó, việc kiểm soát trào ngược dạ dày là rất quan trọng. Hiện nay, phương pháp điều trị hiệu quả nhất đó là sử dụng thuốc trị trào ngược dạ dày theo lời dặn bác sĩ. Bên cạnh đó, còn có một số phương pháp dân gian hỗ trợ điều trị, trong đó, nghệ là thảo dược được nhiều người quan tâm.
> Xem thêm: Trào ngược dạ dày – thực quản có nguy hiểm không?
Nghệ đem lại những lợi ích sức khỏe nào?
Nghệ được biết là một thực phẩm có lợi cho sức khỏe, có khả năng giảm đau, giảm viêm và thúc đẩy chữa lành vết thương. Thành phần chính có trong nghệ là curcumin, một hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học mạnh, có khả năng chống viêm và chống oxy hóa.[1]
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy khả năng chống viêm có trong nghệ đã giúp giảm những cơn đau cho những người mắc bệnh viêm khớp. Không những vậy, nghệ còn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Một số lợi ích sức khỏe của nghệ, bao gồm[2]:
- Cải thiện chức năng gan: nhờ vào hoạt tính chống oxy hóa mạnh mẽ, nghệ có thể bảo vệ gan không bị tổn thương bởi những độc tố.
- Giảm nguy cơ mắc ung thư: nghiên cứu gần đây cho thấy rằng curcumin trong nghệ có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt và bệnh đa u tủy.
- Hỗ trợ tiêu hóa: đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của nghệ góp phần giúp tiêu hóa khỏe mạnh.
Có thể chữa trào ngược dạ dày bằng nghệ được không?
Chữa trào ngược dạ dày bằng nghệ chỉ là bài thuốc dân gian truyền miệng, hiện chưa có nghiên cứu lâm sàng nào chứng minh hiệu quả của nghệ trong điều trị trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, vai trò của nghệ đối với sức khỏe tiêu hóa cũng đã được một số nghiên cứu chứng minh.
Những nghiên cứu đã chỉ ra nghệ hỗ trợ chữa một số bệnh lý tiêu hóa:
- Curcumin trong củ nghệ có tác dụng chống viêm, có thể làm giảm triệu chứng viêm thực quản.
- Curcumin có thể cải thiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
- Curcumin có khả năng ức chế vi khuẩn Helicobacter pylori, một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
Cần lưu ý rằng, các nghiên cứu trên vẫn còn nhiều hạn chế và cần thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn mới có thể khẳng định được hiệu quả của nghệ trong điều trị bệnh tiêu hóa.
Ngoài ra, việc sử dụng nghệ không đúng cách hoặc lạm dụng quá mức cũng dễ gây ra các tác dụng phụ, ảnh hưởng sức khỏe. Do đó, bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi sử dụng nghệ.
Một số tác dụng phụ của nghệ:
- Kích ứng dạ dày gây đau bụng
- Có thể làm tăng tiết axit trong dạ dày
- Làm loãng máu
> Tham khảo thêm: Trào ngược dạ dày nên ăn gì?
Mẹo dùng nghệ giảm trào ngược dạ dày làm như thế nào?
Mẹo dùng nghệ hỗ trợ chữa trào ngược dạ dày phổ biến chính là dùng nghệ tươi. Tuy nhiên, do mùi vị của nghệ khá hăng, có thể không hợp khẩu vị một số người. Vì thế, bạn có thể dùng một ít nghệ làm gia vị hoặc dùng chung với những món ăn khác để ngon miệng hơn.
3 cách dùng nghệ hỗ trợ trào ngược dạ dày:
- Sử dụng nghệ tươi
- Sử dụng tinh bột nghệ
- Kết hợp nghệ với mật ong
Sử dụng nghệ tươi
Sử dụng nghệ tươi để hỗ trợ điều trị các vết viêm, loét ở đường tiêu hóa. Bạn có thể sử dụng nghệ tươi để làm gia vị trong các món ăn. Các nghiên cứu chỉ ra có thể kết hợp với tiêu đen khi chế biến thức ăn để tăng khả năng hấp thụ nghệ.[3]
Sử dụng tinh bột nghệ
Sử dụng tinh bột nghệ cũng là một cách được nhiều người tin dùng do dễ sử dụng và dễ bảo quản hơn nghệ tươi. Chỉ cần dùng 2 thìa cafe tinh bột nghệ nguyên chất hòa cùng 500ml nước ấm sau đó khuấy đều. Sử dụng trước bữa ăn sáng khoảng 30 phút giúp tăng cường hiệu quả tối đa trong việc tiêu hóa.
Kết hợp nghệ với mật ong
Kết hợp nghệ với mật ong là một phương pháp truyền thống hiệu quả hỗ trợ giảm triệu chứng trào ngược dạ dày. Ngoài ra, mật ong còn giúp che giấu mùi vị khó chịu của nghệ giúp người bệnh dễ uống hơn. Nên dùng khoảng hai thìa cà phê tinh bột nghệ nguyên chất cùng một thìa cà phê mật ong, pha với 150ml nước ấm. Sử dụng 2-3 cốc mỗi ngày, trước ăn 30 phút hoặc một giờ sau ăn.
Mời bạn tìm hiểu thêm:
- Cách chữa trào ngược dạ dày bằng tỏi: Có hiệu quả không?
- Có chữa trào ngược dạ dày bằng mật ong được không?
- Mẹo chữa trào ngược dạ dày bằng gừng có hiệu quả không?
Cần lưu ý điều gì khi sử dụng nghệ tại nhà?
Các lưu ý khi dùng nghệ hỗ trợ chữa trào ngược dạ dày tại nhà rất cần thiết để tránh những tác hại tiềm ẩn nếu dùng không đúng cách. Một số tác dụng không mong muốn có thể kể đến như ợ nóng, tiêu chảy hay đau đầu, hoặc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc mà bản thân đang sử dụng.
Chính vì thế, bạn hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được chỉ dẫn cách dùng nghệ hợp lý, an toàn và hiệu quả.
Một vài lưu ý khi sử dụng nghệ tại nhà [4]:
- Liều dùng nghệ mỗi ngày nên là 0 – 3 mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.
- Tránh lạm dụng nghệ vì có thể dẫn đến đau dạ dày, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn và nôn.
- Người có tiền sử sỏi thận tránh tiêu thụ quá nhiều nghệ vì nghệ có thể gây hình thành các tinh thể oxalate trong thận, từ đó dẫn đến sỏi thận.
- Những người mắc rối loạn đông máu, đái tháo đường, phụ nữ đang mang thai và cho con bú phải tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. [3]
- Nghệ gây tương tác thuốc và làm tăng hiệu quả quá mức một vài loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc điều trị đái tháo đường. Điều này gây ra các triệu chứng như xuất huyết, khó cầm máu, gây hạ đường huyết quá mức ở người bệnh và tác động vào hiệu quả điều trị. [3]
Đâu là cách điều trị hiệu quả trào ngược dạ dày?
Cách điều trị trào ngược dạ dày hiệu quả là sử dụng thuốc và đồng thời thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học hơn. Tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày để nhanh cải thiện, giảm tần suất các triệu chứng trào ngược trong ngày.
Các nhóm thuốc phổ biến dùng để chữa trào ngược dạ dày là:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
- Thuốc kháng histamin H2
- Thuốc trung hòa acid dạ dày (Antacid)
- Thuốc điều hoà nhu động (Prokinetic)
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho sức khỏe, việc tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Và hãy luôn tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị để hiệu quả đạt được tối đa.
Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đã có thêm được nhiều thông tin bổ ích về phương pháp chữa trào ngược dạ dày bằng nghệ. bạn có thể sử dụng thực phẩm này như một biện pháp hỗ trợ làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày nhưng cần phải dùng với lượng khuyến cáo để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Câu hỏi thường gặp
Trào ngược dạ dày uống nghệ và mật ong có hiệu quả không?
Trào ngược dạ dày uống nghệ và mật ong có hiệu quả trong việc làm giảm triệu chứng của trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, không thể chữa được nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày.
Uống nghệ mật ong lúc nào là tốt nhất?
Uống nghệ mật ong trước khi ăn 30 phút hoặc uống sau ăn khoảng 1 – 2 giờ, mỗi ngày uống 2 lần sẽ giúp hỗ trợ điều trị triệu chứng trào ngược tốt. Tuy nhiên, nếu các biểu hiện trào ngược vẫn không thuyên giảm thì người bệnh nên trực tiếp đến các bác sĩ thăm khám để đánh giá tình trạng bản thân.
Tài liệu tham khảo:
- Mary-Eve Brown, R.D.N., C.S.O., L.D.N. “Turmeric Benefits.” Johns Hopkins Medicine, 15 Dec. 2022, https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/turmeric-benefits. Accessed 19 Jan. 2024.
- Debra Rose Wilson, Ph.D., MSN, R.N., IBCLC, AHN-BC, CHT. Who Should Not Take Turmeric? 12 July 2017, https://www.medicalnewstoday.com/articles/318405. Accessed 19 Jan. 2024.
- McDermott, Annette. “Can You Use Turmeric to Treat Acid Reflux?” Healthline Media, 30 May 2023, https://www.healthline.com/health/digestive-health/turmeric-acid-reflux#turmeric. Accessed 19 Jan. 2024.
- Martin, Lauren. “Turmeric for Acid Reflux: What to Know.” Medical News Today, 29 Apr. 2021, https://www.medicalnewstoday.com/articles/is-turmeric-good-for-acid-reflux#turmeric-health-risks. Accessed 19 Jan. 2024.