Bạn thường xuyên bị ợ nóng, ợ chua, đau rát vùng thượng vị? Bạn nghe được thông tin dùng tỏi chữa trào ngược dạ dày và đang cảm thấy nghi ngờ về tính chính xác của phương pháp dân gian trên? Nếu vậy, hãy cùng Endo Clinic tìm lời giải đáp trong bài viết sau đây!
Lưu ý:
- Trào ngược dạ dày là tình trạng acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Bài viết này sử dụng thuật ngữ Trào ngược dạ dày với mục đích tiếp cận được với nhiều bạn đọc hơn. Theo chuẩn chuyên môn, bệnh lý này có tên chính xác là Trào ngược dạ dày – thực quản.
- Thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để được tư vấn chính xác nhất, Bạn nên đến bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Bạn hiểu gì về trào ngược dạ dày?
Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, dẫn đến làm kích ứng và gây tổn thương niêm mạc thực quản. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng đa dạng, trong đó, điển hình nhất là ợ nóng và ợ trớ (ợ chua).
Bệnh còn có thể gây ra nhiều biểu hiện không đặc hiệu ở đường hô hấp, như là ho kéo dài, khàn tiếng, mất giọng, thậm chí gây khó thở. Không những vậy, nếu bệnh không được kịp thời điều trị, biến chứng viêm loét, thậm chí ung thư thực quản có thể xảy ra, đe dọa đến an nguy của người bệnh.
Chính vì thế, việc điều trị trào ngược dạ dày là rất cần thiết để kiểm soát. Hiện nay, cách hiệu quả nhất là điều trị bằng thuốc thông qua chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, có một số cách dân gian cũng được nhiều người truyền miệng, và dùng tỏi là một phương pháp khá phổ biến.
Tỏi đem lại những lợi ích sức khỏe nào?
Tỏi là một bài thuốc dân gian mang lại rất nhiều những lợi ích sức khỏe cho những người bị cao huyết áp, cholesterol cao trong máu và bị bệnh tim. Không những thế, tỏi còn có thể đóng vai trò như một chất chống đông máu, giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ và đau tim.
Tỏi mang lại nhiều lợi ích như thế là do nó có chứa allicin – một hợp chất có thể giúp giảm viêm và ngăn chặn các gốc tự do, các phân tử không ổn định gây hại cho tế bào và mô trong cơ thể bạn. Hợp chất này là một trong những thành phần chính của tỏi và mang lại cho tỏi mùi vị và mùi thơm riêng biệt.
Hiện nay, đã có một số nghiên cứu cho thấy tác dụng của tỏi lên sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, tỏi vẫn chỉ mang tính chất hỗ trợ điều trị, không thể thay thế chỉ định bác sĩ. Vì thế, việc sử dụng tỏi để cải thiện sức khỏe hoặc hỗ trợ điều trị bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Một số lợi ích của tỏi đối với sức khỏe:
- Tỏi có thể làm giảm cholesterol, hỗ trợ bệnh lý tim mạch.
- Tỏi giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày và ung thư đại tràng.
- Tỏi giúp giảm nguy cơ mắc cảm lạnh thông thường.
- Tỏi giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
- Tỏi có chứa chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ bị Alzheimer và đãng trí.
Có thể chữa trào ngược dạ dày bằng tỏi được không?
Cách chữa trào ngược dạ dày bằng tỏi, trên thực tế, chỉ là bài thuốc dân gian truyền miệng. Cho đến nay vẫn chưa có cơ sở khoa học chứng minh tỏi có khả năng điều trị bệnh trào ngược dạ dày.
Đặc tính hăng và cay của tỏi có thể gây kích ứng dạ dày, tạo ra cảm giác ợ nóng và làm tăng khả năng tái phát của triệu chứng trào ngược. Nhiều nghiên cứu cho thấy, Việc sử dụng tỏi không đúng cách có thể gây ra sự khó chịu và làm trầm trọng các triệu chứng trào ngược dạ dày thay vì giảm nhẹ chúng.
Thông thường, nhiều người sẽ ăn tỏi sống hoặc ép ra để uống lấy nước tỏi. Thế nhưng, bạn nên thực hiện dưới sự theo dõi của bác sĩ để ngăn ngừa những tác dụng phụ. Nhiều trường hợp dùng tỏi sai cách có thể gây ra nhiều vấn đề như khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn và nôn, thậm chí là gây viêm loét dạ dày.
Cách điều trị trào ngược dạ dày hiệu quả là gì?
Cách điều trị trào ngược dạ dày được bác sĩ khuyến cáo đó là sử dụng thuốc điều trị trào ngược kèm với thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Trong những trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật có thể được xem xét để giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh.
Phương pháp hỗ trợ điều trị không dùng thuốc
Những phương pháp hỗ trợ điều trị không cần sử dụng thuốc rất dễ thực hiện và có thể tuân thủ hàng ngày, nhưng lại đóng góp quan trọng trong quá trình điều trị bệnh trào ngược dạ dày.
Các thói quen sinh hoạt hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày:
- Kê cao đầu khi ngủ
- Giữ cân nặng ở mức ổn định và giảm cân nếu bạn bị thừa cân.
- Tránh mặc quần áo quá chật, quá ôm eo
- Không nên tập thể dục hay vận động mạnh ngay sau ăn
- Hạn chế hút thuốc lá
Một số thói quen ăn uống khoa học hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày:
- Tránh ăn trước khi đi ngủ, tốt nhất hãy ăn cách 2-3 giờ trước khi ngủ
- Tránh thức ăn dầu mỡ, chua cay để hạn chế kích thích cơn trào ngược
- Chia nhỏ bữa ăn thay vì 3 bữa chính
- Hạn chế đồ uống có ga, thức uống có cồn
- Ăn chậm nhai kỹ
Phương pháp điều trị dùng thuốc
Thuốc điều trị trào ngược dạ dày có nhiều loại, mỗi loại có cách hoạt động và cách dùng khác nhau. Nhưng nhìn chung các thuốc này đều có thể giúp giảm tiết và trung hòa acid dạ dày, từ đó hỗ trợ giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày.
Các loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày bao gồm:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
- Thuốc kháng Histamin H2
- Thuốc trung hòa acid dạ dày (Antacid).
- Thuốc điều hòa nhu động ruột (Prokinetic)
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho sức khỏe, phải tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Nhìn chung, việc sử dụng tỏi để chữa trị trào ngược dạ dày chỉ là một phương pháp dân gian truyền miệng và chưa được xác nhận thông qua nhiều nghiên cứu khoa học cụ thể. Nếu bạn có ý định sử dụng tỏi hỗ trợ chữa trào ngược dạ dày, hãy đến gặp bác sĩ để thảo luận và có hướng dẫn chi tiết, cụ thể và an toàn.
Câu hỏi thường gặp
Trào ngược dạ dày có nên ăn tỏi không?
Trào ngược dạ dày có nên ăn tỏi hay không phụ thuộc nhiều vào tình trạng bệnh lý của mỗi người. Nếu bạn đang mắc trào ngược mức độ nặng, tốt nhất bạn không nên ăn tỏi. Với những mức độ nhẹ hơn, bạn có thể sử dụng một ít tỏi mỗi tuần, nhưng trước đó hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ.
Tỏi ngâm mật ong có chữa được trào ngược dạ dày?
Hiện nay chưa có cơ sở khoa học chứng minh sự kết hợp giữa tỏi và mật ong có thể chữa khỏi trào ngược dạ dày. Đó chỉ là bài thuốc dân gian được truyền miệng. Do đó, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng một phương pháp dân gian nào để đảm bảo sức khỏe của bản thân.
Tài liệu tham khảo:
1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa Endo Clinic
2. Jessica DiGiacinto. Everything You Need to Know About Acid Reflux and GERD. 30 06 2023. https://www.healthline.com/health/gerd (đã truy cập 04 07 2023).
3. Chaunie Brusie. Can You Eat Garlic If You Have Acid Reflux?. 30 05 2023. https://www.healthline.com/health/digestive-health/garlic-acid-reflux (đã truy cập 04 07 2023).
4. Cleveland Clinic. GERD (Chronic Acid Reflux). 12 06 2019. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17019-gerd-or-acid-reflux-or-heartburn-overview (đã truy cập 04 07 2023).
5. Robin Madell. Foods to Help Your Acid Reflux. 07 07 2023. https://www.healthline.com/health/gerd/diet-nutrition (đã truy cập 04 07 2023).
6. “What Is the 10-Minute Garlic Rule?” Healthline, 28 June 2018, https://www.healthline.com/nutrition/11-proven-health-benefits-of-garlic. (Accessed 17 Jan. 2024).
7, Nunn, Megan. “What Is Allicin?” Verywell Health, 22 Jan. 2015, https://www.verywellhealth.com/the-benefits-of-allicin-88606. (Accessed 17 Jan. 2024).
8. Nichols, Hannah. “Garlic and Acid Reflux: What’s the Connection?” Medical News Today, 14 Aug. 2023, https://www.medicalnewstoday.com/articles/garlic-and-acid-reflux#risks. (Accessed 17 Jan. 2024).