Đau dạ dày, nôn ra máu là một tình trạng nguy hiểm với triệu chứng đau ở vùng thượng vị kèm theo hiện tượng trào ngược dịch dạ dày trộn lẫn với máu. Tình trạng này nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng endoclinic.vn tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách xử trí trong trường hợp đau dạ dày nôn ra máu phải làm sao? Mời Cô Chú, Anh Chị đọc tiếp bài viết dưới đây!
Lưu ý:
- Đau dạ dày (đau bao tử) là thuật ngữ được nhiều người sử dụng phổ biến nhưng chưa chính xác. Theo y khoa, thuật ngữ chính xác là đau thượng vị.
- Tuy nhiên, bài viết này sử dụng thuật ngữ đau dạ dày (đau bao tử) để tiếp cận nhiều độc giả hơn.
- Các thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán bệnh từ bác sĩ có chuyên môn.
Nguyên nhân gây đau dạ dày nôn ra máu
Đau dạ dày kèm theo nôn ra máu là triệu chứng báo động tình trạng sức khỏe nghiêm trọng do một số bệnh lý liên quan tiêu hóa gây ra.
Một số nguyên nhân gây đau dạ dày, nôn ra máu là:
- Viêm dạ dày
- Loét dạ dày – tá tràng
- Trào ngược dạ dày – thực quản
- Giãn tĩnh mạch thực quản
- Ung thư dạ dày
- Viêm tụy mạn
- Các nguyên nhân hiếm gặp hơn: chấn thương, viêm tụy mạn, dị dạng mạch máu,…
Viêm dạ dày
Viêm dạ dày (viêm bao tử) là bệnh lý tiêu hóa phổ biến. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến bao gồm nhiễm khuẩn Hp, lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh, căng thẳng kéo dài,…
Triệu chứng phổ biến của viêm dạ dày là đau vùng thượng vị, ợ nóng, đầy hơi, buồn nôn và nôn,… Đến khi xảy ra dấu hiệu nôn ra máu thì chứng tỏ bệnh đã tiến triển nặng và tình trạng viêm thành dạ dày đã trở nên trầm trọng hơn.
Loét dạ dày – tá tràng
Loét dạ dày – tá tràng là tình trạng dạ dày và đoạn đầu của tá tràng xuất hiện các ổ loét trên lớp niêm mạc. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do nhiễm khuẩn Hp, lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài và các yếu tố khác liên quan chế độ ăn uống và sinh hoạt.
Tùy theo vị trí loét và mức độ tổn thương mà người bệnh sẽ gặp các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng điển hình là đau thượng vị ngoài ra còn có những triệu chứng khác như chướng bụng, buồn nôn và nôn, sụt cân, tiêu phân đen,…
Đặc biệt, khi các vết loét làm tổn thương động mạch có thể dẫn đến tình trạng nôn ra máu. Nếu không điều trị kịp thời, loét dạ dày có thể tiến triển thành ung thư dạ dày.
Tham khảo thêm >> Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày – tá tràng
Trào ngược dạ dày – thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới không đóng kín khiến thức ăn, các chất dịch và axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Bệnh thường gặp ở một số người thừa cân, hoặc có chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh như ăn quá no trước khi ngủ, hút thuốc, lạm dụng rượu bia,…
Nếu không được kiểm soát, trào ngược dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng như viêm thực quản, loét thực quản, và ung thư thực quản. Một khi bệnh trở nên nghiêm trọng sẽ gây kích thích thành thực quản, dạ dày và dẫn đến tình trạng nôn ra máu.
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là bệnh lý xảy ra do sự phát triển của các tế bào ác tính ở lớp niêm mạc dạ dày. Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày bao gồm nhiễm vi khuẩn Hp, polyp dạ dày, thói quen ăn nhiều muối, tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, hút thuốc,…
Ung thư dạ dày là bệnh lý nguy hiểm nhưng lại rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Đến khi bệnh tiến triển, người bệnh mới nhận thấy rõ các triệu chứng như chứng khó nuốt, cảm giác ăn nhanh no, chán ăn, đau bụng mạn tính, nôn ra máu hoặc tiêu phân đen,…
Giãn tĩnh mạch thực quản
Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng tĩnh mạch nối giữa thực quản và dạ dày giãn rộng, thường xảy ra ở người bị bệnh gan nghiêm trọng. Giãn tĩnh mạch thực quản xuất hiện khi mạch máu ở gan bị tắc nghẽn do huyết khối hoặc do xơ gan. Khi đó, máu sẽ đổ dồn vào tĩnh mạch thực quản và làm giãn tĩnh mạch thực quản.
Khi tình trạng này trở nặng, tĩnh mạch thực quản có thể bị xuất huyết hoặc bị vỡ, gây ra xuất huyết dữ dội và đe dọa tính mạng. Các triệu chứng của vỡ giãn tĩnh mạch thực quản thường không rõ ràng. Khi tiến triển, nó có thể gây ra nôn ra máu, đi ngoài phân đen, choáng váng và mất ý thức.
Viêm tụy mạn
Viêm tụy mạn tính là một hội chứng bao gồm các tình trạng viêm nhiễm, xơ hóa và suy giảm số lượng tế bào acinar và tế bào đảo tụy. Điều này gây ra một số triệu chứng như đau dạ dày không ngớt, suy dinh dưỡng, suy tụy ngoại tiết và nội tiết. Ngoài ra, viêm tụy kéo dài còn có thể gây phá hủy các mạch máu xung quanh tụy, dẫn đến vỡ mạch máu và chảy máu.
Bên cạnh viêm tụy mạn, các nguyên nhân như chấn thương hoặc dị dạng mạch máu cũng có thể khiến nôn ra máu.
Tham khảo các nội dung về đau dạ dày:
Đau dạ dày nôn ói ra máu có nguy hiểm không?
Đau dạ dày, nôn ra máu là trường hợp cấp cứu nội khoa, cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị ngay lập tức, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm:
- Suy hô hấp: Đây là tình trạng phổi không nhận đủ lượng oxy, hoặc có quá nhiều carbon dioxide, làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể.
- Thiếu máu: Nếu người bệnh nôn ra máu liên tục trong thời gian ngắn có thể dẫn đến mất máu và thiếu máu.
- Sốc: Đây là tình trạng người bệnh nôn ra máu liên tục, kèm theo chóng mặt khi đứng, thở nông, lượng nước tiểu ít, màu da nhợt nhạt,…
- Tử vong: Mất máu nghiêm trọng có thể khiến cơ thể bị sốc, hoặc có thể gây suy nội tạng. Nếu không được chữa trị sớm, người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí là tử vong.
Cách chẩn đoán nguyên nhân gây đau dạ dày nôn ra máu
Khám lâm sàng
Trước tiên, bác sĩ sẽ tìm hiểu tính chất cơn đau và thăm hỏi triệu chứng mà Cô Chú, Anh Chị đang gặp phải. Ngoài ra, bác sĩ có thể tìm hiểu thêm về thói quen ăn uống, các loại thuốc đã dùng, tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình của Cô Chú, Anh Chị để thu thập thêm thông tin chẩn đoán.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Tùy theo tình trạng đau bao tử, nôn ra máu ở mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp cận lâm sàng phù hợp, bao gồm:
- Xét nghiệm: Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC), xét nghiệm chức năng đông máu, xét nghiệm nhóm máu, xét nghiệm men gan, xét nghiệm phân,… giúp bác sĩ loại trừ các nguyên nhân không liên quan.
- Nội soi ống tiêu hóa trên: Đây là phương pháp nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng có độ chính xác cao để chẩn đoán nguyên nhân đau dạ dày, nôn ra máu.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI, siêu âm bụng,… giúp chẩn đoán khối u, viêm và những nguyên nhân khác.
Cách điều trị triệu chứng đau dạ dày nôn ra máu
Nguyên tắc điều trị đối với trường hợp đau dạ dày, nôn ra máu là ưu tiên thực hiện các biện pháp hồi sức cấp cứu, sau đó mới tiến hành điều trị nguyên nhân.
Các biện pháp hồi sức cấp cứu:
- Cầm máu: Bác sĩ có thể thực hiện cầm máu qua nội soi, tiến hành nút mạch hoặc phẫu thuật để khâu cầm máu (tùy trường hợp).
- Hỗ trợ oxy: Đây là liệu pháp được ứng dụng để cung cấp khí thở cho bệnh nhân nôn ra máu quá nhiều và có dấu hiệu suy hô hấp.
- Truyền máu: Đối với bệnh nhân có dấu hiệu mất máu và suy nhược, bác sĩ sẽ thực hiện truyền máu hồi sức cho đến khi khối lượng hồng cầu được hồi phục, sau đó sẽ truyền theo số lượng máu bị mất.
- Truyền dịch: Đối với bệnh nhân nôn ra máu và có dấu hiệu hạ huyết áp, bác sĩ có thể truyền dịch qua tĩnh mạch ngay lập tức.
Cách điều trị nguyên nhân đau dạ dày, nôn ra máu:
- Dùng thuốc: Dựa vào nguyên nhân và tình trạng bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc khác nhau giúp kiểm soát và làm giảm triệu chứng.
- Phẫu thuật: Nếu nguyên nhân do các vết loét, thủng dạ dày hoặc viêm tụy cấp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng.
Có thể thấy, hiện tượng đau dạ dày nôn ra máu là một cấp cứu nội khoa. Cô Chú, Anh Chị cần đi khám ngay để được bác sĩ xử trí kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.
endoclinic.vn – Địa chỉ khám tiêu hóa đáng tin cậy tại TP. HCM
endoclinic.vn là phòng khám chuyên sâu khám và điều trị các bệnh lý về tiêu hóa, liên quan đến dạ dày, đại trực tràng. endoclinic.vn sở hữu 100% đội ngũ bác sĩ giỏi sẽ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán chính xác và lập phác đồ điều trị hiệu quả ở mỗi người.
Để hỗ trợ việc chẩn đoán của bác sĩ, phòng khám còn đầu tư trang thiết bị hiện đại, máy nội soi tiên tiến với độ phóng đại 100 – 135 lần, kỹ thuật nội soi hình ảnh tăng cường NBI, trí tuệ nhân tạo AI giúp bác sĩ dễ dàng nhận ra các dạng tổn thương trong ống tiêu hóa. Đặc biệt, endoclinic.vn còn kết hợp dịch vụ Nội soi Không đau (Nội soi tiền mê) giúp tỷ lệ chẩn đoán chính xác bệnh lý lên đến 90% – 95%.
endoclinic.vn làm việc từ sớm với khung giờ 6h – 15h, do đó Quý Khách có thể hoàn tất việc thăm khám trong ngày. Dịch vụ chu đáo và bảng giá hợp lý giúp Cô Chú, Anh Chị càng thêm an tâm.
Đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của endoclinic.vn qua các thông tin dưới đây:
- Đặt lịch khám tại đây: ĐẶT LỊCH KHÁM.
- Hotline: 028 5678 9999.
- Địa chỉ: 429 Tô Hiến Thành, Phường 14, Quận 10, TP. HCM.
Câu hỏi thường gặp
Nguyên nhân đau dạ dày nôn ra máu là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng đau dạ dày, nôn ra máu như viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày – thực quản, ung thư dạ dày, viêm tụy mạn tính,… Cô Chú, Anh Chị cần đi khám để chẩn đoán nguyên nhân chính xác.
Đau dạ dày nôn ra máu có nguy hiểm không?
Đau dạ dày nôn ra máu nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, thiếu máu, sốc, hoặc thậm chí tử vong.
Đau dạ dày nôn ra máu phải làm sao?
Ngay khi có dấu hiệu đau vùng thượng vị và nôn ói ra máu, Cô Chú/Anh Chị cần đi khám ngay, càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp hồi sức cấp cứu trước và điều trị nguyên nhân sau.
Tài liệu tham khảo
1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
2. NI Direct. Vomiting blood (haematemesis). https://www.nidirect.gov.uk/conditions/vomiting-blood-haematemesis (đã truy cập 09 08 2023).
3. Cheryl Whitten. What Is Hematemesis (Vomiting Blood)? 23 11 2021. https://www.webmd.com/digestive-disorders/what-is-hematemesis (đã truy cập 09 08 2023).
4. Care New England. 7 Signs of Stomach Cancer. 09 09 2021. https://www.carenewengland.org/blog/top-signs-stomach-cancer (đã truy cập 09 08 2023).
5. April Kahn, Colleen de Bellefonds. Hematemesis: Causes and Treatments for Vomiting Blood. 30 04 2023. https://www.healthline.com/health/vomiting-blood (đã truy cập 09 08 2023).
6. Cleveland Clinic medical professional. Vomiting Blood. 06 10 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/17708-vomiting-blood (đã truy cập 09 08 2023).