Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Bạn thường cảm thấy nóng rát vùng ngực mà không biết nguyên nhân? Hay ợ hơi nhiều lần mỗi khi ăn xong? Bạn lo lắng không biết mình có mắc phải trào ngược dạ dày hay không? Vậy hãy cùng Endo Clinic điểm qua ngay 9 triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lý này, để bạn sớm nhận biết và đi khám kịp thời nhé!

LƯU Ý

Trào ngược dạ dày còn có tên thuật ngữ chính xác hơn là trào ngược dạ dày – thực quản. Tuy nhiên bài viết này sẽ sử dụng thuật ngữ trào ngược dạ dày với mục đích là giúp tiếp cận được nhiều đọc giả hơn.
Cần lưu rằng các thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nên đến các cơ sở y tế được thăm khám kịp thời nếu gặp phải các triệu chứng của trào ngược dạ dày.

Dấu hiệu trào ngược dạ dày phổ biến là gì?

Dấu hiệu trào ngược dạ dày phổ biến nhất chính là ợ nóng, ợ trớ sau khi ăn. Ngoài ra, còn có một số biểu hiện, triệu chứng khác cũng góp phần giúp bệnh nhân biết được mình đang mắc bệnh trào ngược dạ dày.

9 triệu chứng của trào ngược dạ dày thường gặp bao gồm:

  • Ợ nóng
  • Ợ trớ (ợ chua)
  • Buồn nôn, nôn
  • Khó nuốt
  • Hôi miệng, đắng miệng
  • Đau bụng trên rốn
  • Đau ngực không do bệnh tim
  • Ho kéo dài 
  • Triệu chứng của hen suyễn như khó thở
Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
9 triệu chứng hay gặp của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Ợ nóng

Ợ nóng là cảm giác đau, bỏng rát khó chịu ở sau xương ức do axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Tình trạng này xảy ra chủ yếu sau bữa ăn hoặc vào buổi tối. Cảm giác nóng rát ở ngực có thể trở nên nặng hơn khi nằm hoặc cúi người xuống.

Ợ trớ

Bên cạnh ợ nóng, ợ trớ cũng là một dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày. Ợ trớ xảy ra khi dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng. Do chất dịch trào ngược có thức ăn cũ, đã lên men nên có thể khiến người bệnh cảm thấy chua hoặc đắng miệng khi ợ. Triệu chứng thường xảy ra khi người bệnh vừa ăn no, hoặc nằm ngay sau khi ăn.

Buồn nôn, nôn

Biểu hiện trào ngược dạ dày còn có thể là thường xuyên cảm thấy nôn, buồn nôn. Điều này xảy ra do cơ thắt thực quản dưới (LES) hoạt động không hiệu quả, khiến dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Từ đó kích thích cảm giác nôn, buồn nôn và có thể kèm theo cảm giác chua hoặc đắng ở miệng.

Buồn nôn, nôn ói là triệu chứng của trào ngược dạ dày - thực quản
Buồn nôn, nôn ói là triệu chứng thường gặp của trào ngược dạ dày

Khó nuốt, nuốt vướng

Triệu chứng của trào ngược dạ dày nếu xảy ra liên tục, có thể gây kích ứng cổ họng của người bệnh và gây ra tình trạng khó nuốt, nuốt vướng. Theo nghiên cứu, có đến 23% – 68% bệnh nhân bị nuốt vướng có liên quan đến bệnh lý trào ngược dạ dày.

Trong một số trường hợp, niêm mạc thực quản sau khi lành lại, sẽ có thể phát triển thành mô sẹo. Các mô sẹo này là nguyên nhân gây hẹp thực quản, một bệnh lý tiêu hóa khá nghiêm trọng.

Hôi miệng, đắng miệng

Khi một người bị trào ngược dạ dày, thì các dịch dạ dày như axit, dịch mật, thức ăn chưa tiêu hóa bị đẩy ngược vào khoang miệng. Và các chất dịch này đa phần rất nặng mùi, khiến hơi thở người bệnh sẽ bị hôi.

Ngoài ra, ở người bị bệnh trào ngược cũng có ghi nhận sự tăng sinh một số vi khuẩn gây mùi trong khoang miệng. Điều này cũng góp phần làm người bệnh bị hôi miệng.

Hôi miệng, đăng miệng là biểu hiện của  bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản
Hôi miệng, đăng miệng là biểu hiện của trào ngược dạ dày

Đau thượng vị (đau bụng trên)

Trào ngược dạ dày còn có thể là nguyên nhân gây đau bụng trên rốn hay còn gọi là đau thượng vị. Đôi lúc, đau bụng trên rốn còn có thể kèm theo cảm giác nóng rát thượng vị do dịch axit dạ dày liên tục trào ngược lên thực quản. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Đau ngực không do bệnh tim (noncardiac chest pain)

Trào ngược dạ dày mạn tính là nguyên nhân phổ biến nhất gây triệu chứng đau ngực không do tim (chiếm 50% – 60% trường hợp). Theo đó, người bệnh thường có cảm giác đau ngực và kèm theo triệu chứng ợ nóng.

Ho kéo dài

Tình trạng ho kéo dài có thể xảy ra như một phản ứng tự nhiên khi axit dạ dày trào ngược lên và kích thích thanh quản hoặc cổ họng. Tình trạng này cũng thường được gọi là trào ngược họng – thanh quản (LPR). Về lâu dài, triệu chứng này có thể dẫn đến tình trạng khàn giọng, mất tiếng.

Ho kéo dài là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Ho kéo dài là dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản

Theo nghiên cứu từ Trường Y thuộc Đại học Bắc Carolina cho biết có khoảng 25% trường hợp ho mạn tính liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày.

Ho mạn tính do bệnh trào ngược dạ dày thường biểu hiện như sau:

  • Ho mạn tính do bệnh trào ngược dạ dày thường biểu hiện như sau:
  • Ho chủ yếu vào ban đêm hoặc sau bữa ăn.
  • Ho khi người bệnh đang nằm.
  • Ho dai dẳng ngay cả khi người bệnh không bị hen suyễn, không hút thuốc,…

Triệu chứng của hen suyễn như khó thở

Trào ngược dạ dày có thể gây ra các triệu chứng gần giống với bệnh hen suyễn như khó thở, ho khan mạn tính hoặc khó nuốt,…

Những triệu chứng bệnh nhân hen suyễn có liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày:

  • Cảm thấy khó thở, mệt mỏi sau khi ăn no hoặc tập thể dục
  • Cảm thấy khó chịu sau khi uống thức uống có cồn
  • Triệu chứng hen suyễn xảy ra về đêm thường xuyên hơn hoặc khi nằm
  • Thuốc điều trị hen suyễn kém hiệu quả hơn trước

Đối với trường hợp này, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về phương pháp điều trị tốt nhất, đồng thời chú ý sinh hoạt hợp lý, tránh thức ăn béo, rượu, bia, thuốc lá có nguy cơ gây trào ngược.

Những nguyên nhân nào gây trào ngược dạ dày?

Nguyên nhân gây ra trào ngược dạ dày chính là do cơ thắt thực quản dưới bị suy yếu dẫn đến không đóng kín làm cho thức ăn có thể bị đẩy ngược lên lại thực quản. Đồng thời, một số yếu tố nguy cơ khác cũng góp phần tăng khả năng mắc bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Nhưng nguyên nhân thường dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản

Một số yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây trào ngược dạ dày:

  • Mang thai.
  • Hút thuốc lá.
  • Uống rượu, bia.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Căng thẳng, lo lắng quá mức.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc.
  • Chế độ ăn uống không khoa học, thực phẩm nhiều chất béo, đồ ăn cay nóng.
  • Một số bệnh lý khác như rối loạn mô liên kết.

Biến chứng trào ngược dạ dày có thể là gì?

Biến chứng trào ngược dạ dày hay gặp nhất chính là viêm loét thực quản. Lý do là vì thực quản không có cơ chế tiết chất nhầy để bảo vệ niêm mạc như ở dạ dày, cho nên sẽ bị viêm mỗi lần tiếp xúc với axit.

Vì vậy, mỗi lần bạn thấy mình bị ợ nóng hoặc ợ chua, thì thực quản của bạn đã bắt đầu bị tổn thương nhỏ rồi. Nếu để lâu, bệnh sẽ tiến triển nên nhiều biến chứng nguy hiểm hơn, gây tổn hại sức khỏe người bệnh.

Biến chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản
6 biến chứng thường gặp của trào ngược dạ dày thực quản

Một số biến chứng của trào ngược dạ dày bao gồm:

  • Viêm thực quản
  • Loét thực quản
  • Xuất huyết tiêu hóa
  • Hẹp thực quản
  • Barrett thực quản
  • Ung thư thực quản

Khám bệnh trào ngược dạ dày gồm các bước nào?

Khám trào ngược dạ dày chủ yếu là bao gồm khám lâm sàng và chỉ định các cận lâm sàng cần thiết, trong đó quan trọng nhất đó là nội soi dạ dày.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng để tìm hiểu triệu chứng cũng như tiền sử bệnh trào ngược dạ dày của người bệnh. Sau đó, bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng bệnh, thời gian và tần suất xuất hiện các triệu chứng, tiền sử mắc bệnh ở các thành viên trong gia đình,…

Sau đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định một số cận lâm sàng phù hợp.

Chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Một số cận lâm sàng mà bác sĩ có thể chỉ định để chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày như:

  • Nội soi dạ dày
  • Theo dõi pH thực quản
  • Chụp X-quang đường tiêu hóa

Làm sao để điều trị trào ngược dạ dày?

Điều trị trào ngược dạ dày cần phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó bao gồm việc tuân thủ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt lành mạnh.

Điều trị khi có dấu hiệu trào ngược dạ dày - thực quản
3 cách điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Kết hợp các thuốc điều trị trào ngược dạ dày

Hiện nay, có nhiều loại thuốc với các cơ chế và cách dùng khác nhau, dùng để điều trị trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này.

Một số loại thuốc dùng để điều trị trào ngược dạ dày bao gồm:

  • Thuốc ức chế bơm Proton (PPI): Lansoprazole, Omeprazole, Esomeprazole, Pantoprazole, Rabeprazole,…
  • Thuốc kháng thụ thể Histamin H2: Cimetidine, Famotidine và Nizatidine.
  • Thuốc trung hòa axit dạ dày: thường chứa canxi cacbonat, nhôm hydroxide, magie hydroxide
  • Thuốc điều hòa nhu động ruột (prokinetic): Cisapride, Metoclopramide, Mosapride, Itopride,…

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Thói quen sinh hoạt cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến tình trạng bệnh. Việc có một chế độ sinh hoạt lành mạnh góp phần cải thiện đáng kể các triệu chứng của trào ngược dạ dày.

Một số thói quen sinh hoạt lành mạnh bao gồm:

  • Duy trì một cân nặng lành mạnh
  • Không hút thuốc lá
  • Kê cao gối khi ngủ
  • Không nằm ngay sau khi ăn xong
  • Ăn chậm, nhai kỹ
  • Không mặc đồ quá chật

Điều chỉnh thói quen ăn uống

Để giảm bớt các triệu chứng trào ngược dạ dày, người bệnh nên điều chỉnh thói quen ăn uống sao cho khoa học và lành mạnh. Điều này sẽ góp phần cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày và giúp điều trị bệnh.

Khi có biểu hiện trào ngược dạ dày thực quản nên ăn uống gì
6 thực phẩm nên ăn khi có dấu hiệu bị trào ngược dạ dày thực quản

Một vài lưu ý về chế độ ăn uống khi bị trào ngược dạ dày:

  • Các thực phẩm nên ăn khi bị trào ngược dạ dày: tinh bột, rau củ, thịt nạc, cá béo, trái cây (không chua),…
  • Các thực phẩm nên tránh khi bị trào ngược dạ dày: thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, các loại đồ uống có cồn, chứa caffein, đồ uống có ga.

Trên đây là một số biểu hiện phổ biến của bệnh trào ngược dạ dày mà bạn nên chú ý đến. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào bất thường, bạn nên chủ động liên hệ với bác sĩ để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Câu hỏi thường gặp

Bệnh trào ngược dạ dày có triệu chứng gì?

Một số triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày bao gồm ợ nóng, ợ trớ, buồn nôn, nôn, khó nuốt, nuốt vướng, đau bụng trên rốn,… Nếu các triệu chứng này kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Làm sao để giảm triệu chứng trào ngược dạ dày?

Để giảm bớt các triệu chứng trào ngược dạ dày, người bệnh nên có một chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, lành mạnh. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người bệnh có thể liên hệ bác sĩ để được tư vấn sử dụng các loại thuốc giúp giảm tình trạng trào ngược dạ dày.

Tài liệu tham khảo

  1. Mayo Clinic Staff. Gastroesophageal reflux disease (GERD). 04 01 2023 https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/symptoms-causes/syc-20361940
  2. Cleveland Clinic. Heartburn. 19 01 2023. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9617-heartburn-overview
  3. Mayo Clinic Staff. Heartburn. 13 05 2022 https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heartburn/symptoms-causes/syc-2037322
  4. Judith Marcin. What’s Causing My Epigastric Pain and How Can I Find Relief. 08 03 2019 https://www.healthline.com/health/epigastric-pain#acid-reflux
  5. Cleveland Clinic. Noncardiac Chest Pain 04 04 2022 https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15851-gerd-non-cardiac-chest-pain
  6. Sara Minnis. Difficulty Swallowing (Dysphagia) Due to Acid Reflux. 29 09 2018. https://www.healthline.com/health/gerd/dysphagia
  7. Nicole Leigh Aaronson. What Causes a Lump in Your Throat. 19 02 2023 https://www.healthline.com/health/lmp-in-throat
  8. Judith Marcin. Acid Reflux and Bad Breath. 08 07 2017 https://www.healthline.com/health/gerd/bad-breath
  9. Mayo Clinic Staff. Belching, gas and bloating: Tips for reducing them. 06 01 2022 https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gas-and-gas-pains/in-depth/gas-and-gas-pains/art-20044739
  10. Judith Marcin. Can Acid Reflux Cause Gas. 16 12 2018. https://www.healthline.com/health/gerd/gas
  11. NHS. Bloating. 03 03 2022 https://www.nhs.uk/conditions/bloating/
  12. Suzanne Falck. What’s the connection between acid reflux and coughing. 19 02 2017 https://www.medicalnewstoday.com/articles/315888
  13. Judith Marcin. Acid Reflux and Coughing. 04 04 2023. https://www.healthline.com/health/gerd/coughing
  14. Aboutgerd. Laryngeal Pharyngeal Reflux. 12 04 2023. https://aboutgerd.org/signs-and-symptoms/laryngeal-pharyngeal-reflux/
  15. Mayo Clinic Staff. Asthma and acid reflux: Are they linked? 30 03 2023 https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/asthma/expert-answers/asthma-and-acid-reflux/faq-20057993
  16. NHS. Heartburn and acid reflux. 09 09 2020 https://www.nhs.uk/conditions/heartburn-and-acid-reflux/
  17. Lisa Hodgson. Foods to Help Your Acid Reflux 07 09 2021 https://www.healthline.com/health/gerd/diet-nutrition
  18. Youssef (Joe) Soliman, MD. Sore throat and acid reflux: What is the link. 13 03 2023 https://www.medicalnewstoday.com/articles/315066
  19. WebMD Editorial Contributors. GERD. 18 19 2022 https://www.webmd.com/heartburn-gerd/guide/reflux-disease-gerd-1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?