Các chất điện giải như Na, K, Cl, Ca, H+, HCO3–,… cung cấp nguyên liệu cần thiết cho các hoạt động của tế bào, đặc biệt là tế bào cơ tim và tế bào thần kinh. Khi nồng độ các chất điện giải thay đổi đều có thể gây ra những rối loạn về hoạt động chuyển hoá của tế bào, đưa đến tử vong. Vậy xét nghiệm điện giải đồ là gì?
Chất điện giải là gì?
Trong cơ thể con người điện giải là những chất tồn tại dưới dạng ion trong máu, nước tiểu và dưới dạng các muối vô cơ trong các mô.
Mỗi một chất điện giải trong cơ thể đều đóng vai trò quan trọng, ví dụ như:
- Ion Na+, Cl– có tác dụng tạo áp suất thẩm thấu, quyết định sự phân phối nước trong và ngoài tế bào, nồng độ các chất này thay đổi dẫn đến những rối loạn về phân bố nước trong cơ thể.
- Ion K+ có tác dụng lớn trong sự hưng phấn thần kinh, co bóp của cơ, đặc biệt là cơ tim.
- Ion Ca++ rất cần thiết cho cấu tạo của xương, răng, cho quá trình đông máu và hưng phấn cơ – thần kinh, co cơ tim.
- Phospho có tác dụng quan trọng trong việc giữu cân bằng điện giải trong hồng cầu và điều hoà cần bằng acid.
- H+ và HCO3– đóng vai trò điều hoà pH máu.
Ngoài ra, các chất điện giải còn tham gia tạo hình, là nguyên liệu cho các hormon, enzym của cơ thể: kẽm, sắt, đồng, I-ốt,…
Mời Cô Chú, Anh Chị tham khảo thêm các loại xét nghiệm khác:
> Fibrinogen là gì? Chỉ số Fibrinogen cho biết điều gì?
Mục đích và chỉ định xét nghiệm điện giải
Xét nghiệm điện giải đồ (Na+, K+, Cl–) là một xét nghiệm thường quy dùng để định lượng nồng độ các ion điện giải trong cơ thể, xem chúng có ở mức bình thường hay cao, thấp bất thường và ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe cơ quan nội tạng xem xét riêng biệt hoặc toàn cơ thể.
Xét nghiệm điện giải đồ thường được chỉ định để:
- Chẩn đoán và theo dõi tình trạng rối loạn điện giải trong cơ thể. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh lý rối loạn này là: mất nước, tim đập bất thường, hoa mắt chóng mặt, tuần hoàn máu kém,…
- Chỉ định kết hợp để đánh giá bệnh cấp hay mạn tính, hay ảnh hưởng của thuốc điều trị trên những bệnh nhân có triệu chứng lú lẫn, yếu, buồn nôn, phù nề, rối loạn nhịp tim,…
- Theo dõi điều trị các bệnh lý như suy tim, tăng huyết áp, bệnh lý về gan, thận.
Yêu cầu khi đi xét nghiệm điện giải
- Xét nghiệm được thực hiện trên huyết thanh hoặc huyết tương.
- Do Clo máu giảm nhẹ sau khi ăn nên bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm.
Các yếu tố làm thay đổi kết quả xét nghiệm điện giải
- Mẫu bệnh phẩm vỡ hồng cầu có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm, đặc biệt là Kali máu.
- Đặt garo tĩnh mạch quá lâu trong khi lấy máu xét nghiệm.
- Nồng độ Clo máu tăng giả tạo khi mẫu bệnh phẩm có bromid hoặc các chất halogen.
- Sử dụng nhầm chất chống đông: tube EDTA có chứa Kali làm tăng giả tạo nồng độ Kali và bắt giữ canxi làm nồng độ Canxi giảm giả tạo; tube Natri Citrat 3,8% có thể ảnh hưởng đến nồng độ Natri.
- Nồng độ điện giải ảnh hưởng nhiều do sai sót trong quá trình lấy mẫu, xử lý mẫu.
- Ngoài ra, một số thuốc, dịch truyền có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm. Do đó, nên thông báo với bác sĩ điều trị tại cơ sở bạn đang khám chữa bệnh (bệnh viện, trung tâm nội soi tiêu hóa,…) những loại thuốc mà bạn đang sử dụng.
Giá trị bình thường các chất điện giải trong máu
Điện giải đồ bình thường của người Việt Nam trưởng thành được ghi nhận như sau:
-
- Na+: 135 – 145 mmol/L
- K+: 3,5 – 5,0 mmol/L
- Cl–: 98 – 106 mmol/L
- Ca++: 2,1 – 2,6 mmol/L
- HCO3–: 22 – 26 mmol/L
- P–: 33 – 47 mmol/L.
Ý nghĩa của một số xét nghiệm điện giải đồ
Rối loạn Natri máu
Giảm natri máu
Mất natri máu thường liên quan đến sự mất nước. Trên lâm sàng có thể thấy các triệu chứng như khát nước, hạ huyết áp, tim đập nhanh, khô miệng, thiểu niệu, sốc, hôn mê.
Nguyên nhân đưa đến giảm natri máu có thể được chia thành 3 nhóm:
- Mất natri tại thận: viêm thận mất muối, suy thận cấp mạn tính, hội chứng thận hư.
- Mất natri ngoài thận: nôn ói, tiêu chảy, bỏng, viêm tuỵ cấp, tổn thương cơ.
- Mất natri do các bệnh thứ phát: lạm dụng thuốc lợi tiểu, bệnh Addison, chứng giả giảm aldosteron tuýp I, tăng renin huyết trong chứng giảm aldosteron, stress,…
Tăng natri máu:
Thừa natri hầu hết liên quan đến thừa nước. các triệu chứng có thể thấy là phù (phù ngoại vi hay phù phổi), tràn dịch (tràn dịch màng phổi, màng bụng), sung huyết tĩnh mạch, cao huyết áp, tăng cân, khó phát âm.
Nguyên nhân tăng natri máu :
- Khẩu phần ăn nhiều natri hoặc giảm bài tiết natri.
- Suy tim sung huyết, gan sung huyết, hội chứng thận hư.
- Phụ nữ mang thai
- Tăng aldosteron nguyên phát, thứ phát.
- Chứng giả cường aldosteron (hội chứng Liddle).
- Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.
Rối loạn Kali máu
Kali là ion chính của dịch trong tế bào, nhưng những rối loạn kali thường liên quan đến lượng kali ngoài tế bào.
Giảm kali máu
Sự thiếu hụt kali nghiêm trọng sẽ đưa đến rối loạn chức năng của nhiều cơ quan: tim mạch, thần kinh – cơ, tâm thần, thận, tiêu hoá và nội tiết.
Nguyên nhân giảm Kali:
- Nguyên nhân thường gặp nhất là sử dụng thuốc lợi tiểu (thiazid, furosemid), tiêu chảy, nôn ói
- Nhiễm toan ống thận kiểu I và II, ức chế enzym carbonic anhydrase
- Dùng Insulin
- Thiếu Magie
- Chứng tăng aldosteron tiên phát, thứ phát
- Chứng giả cường aldosteron
Tăng kali máu
Những thức ăn được cung cấp vào cơ thể hầu hết đều có chứa kali và sự tăng kali rất nguy hiểm, nên vấn đề đặt ra với cơ thể là làm sao để đào thải kali. Trên lâm sàng, triệu chứng thường gặp nhất của tăng Kali máu là gây ngừng tim. Nguy cơ này ít khi xảy ra khi K+ > 6,0 mmol/L nhưng thật sự nguy kịch khi K+ > 8,0 mmol/L. Điện tâm đồ thay đổi rõ rệt khi kali máu tăng nhẹ và kèm theo giảm canxi máu, giảm natri máu, tăng magie máu hoặc nhiễm toan.
Nguyên nhân tăng kali máu:
- Khẩu phần ăn quá nhiều kali hoặc giảm đào thải
- Sử dụng thuốc lợi tiểu bắt giữ kali
- Giảm bài tiết aldosteron
- Giả tăng kali máu có tính chất gia đình
- Thiếu insulin trong bệnh tiểu đường tuỵ
- Do thuốc: succinylcholin, digoxin
- Huỷ hoại tế bào cấp
Rối loạn Clo máu
Clo là ion chính của dịch ngoài tế bào, nếu cơ thể không bị rối loạn thăng bằng acid – base thì nồng độ clo luôn tuân theo sự thay đổi của nồng độ natri. Thay đổi nồng độ clo máu ít gây triệu chứng trên lâm sàng, tuy nhiên là dấu hiệu cảnh báo về rối loạn thể tích dich hay thăng bằng acid – base của cơ thể. Ngoài ra nó còn góp phần chẩn đoán phân biết các nguyên nhân gây rối loạn này.
Giảm clo máu
Hạ clo máu thường đi kèm với hạ natri máu, thường gặp trên những bệnh nhân nhiễm kiềm chuyển hoá.
Nguyên nhân chính thường gặp là:
- Bệnh thận mất muối
- Thiểu năng vỏ thượng thận
- Mất acid dạ dày
- Nhiễm toan ceton trong đái tháo đường
- Suy tim ứ huyết, suy thận mạn
- Hội chứng tiết ADH không thích hợp
Tăng clo máu
Tăng nồng độ clo thường kèm theo tăng natri máu, gặp nhiều ở bệnh nhân nhiễm toan chuyển hoá.
Nguyên nhân chính thường gặp là:
- Nôn ói, tiêu chảy
- Bệnh thận mô kẻ
- Do thuốc
- Chất ức chế carbonic anhydrase acetazolamid
- Suy thận giai đoạn sớm
- Cường cận giáp tiên phát
Rối loạn Canxi máu
Giảm canxi máu
Canxi máu giảm dẫn đến gia tăng kích thích thần kinh – cơ, dẫn đến các cơn co giật, tetani. Bệnh nhân có thể loạn nhịp tim, ngưng tim, suy tim sung huyết. Giảm canxi huyết kéo dài ở trẻ em có thể gây sự bất thường về phát triển răng
Nguyên nhân chính thường gặp là:
- Chứng nhược cận giáp: bẩm sinh, tự phát, phẫu thuật cắt bỏ, bệnh Thalassemia, bệnh Willson
- Bất thường chuyển hoá vitamin D, thiếu cung cấp vitamin D, còi xương phụ thuộc vitamin D type II
- Viêm tuỵ cấp
- Bệnh cấp tính di căn xương
- Tăng phosphat huyết
Tăng canxi máu
Tăng canxi máu xảy ra khi canxi từ xương và ruột vào dịch ngoài tế bào quá nhiều, vượt quá khả năng đào thải của thận. Các triệu chứng của tăng canxi trên lâm sàng có thể thấy ở nhiều cơ quan khác nhau: thần kinh (lú lẫn, hôn mê, buồn ngủ), tiêu hoá (nôn ói, chán ăn, đau bụng), tim mạch (cao huyết áp, loạn nhịp tim), thận (đa niệu, sỏi thận), xương (gãy xương, đau xương).
Nguyên nhân gây tăng canxi máu là
- Cường cận giáp tiên phát
- Ung thư vú, phổi, máu
- Tiêu xương do u
- Giảm canxi niệu gia đình
- Thừa vitamin D
- Sau ghép thận
- Một số bệnh như lao, phong
- Do thuốc: steroid, vitamin D, androgen,…
Ngoài các chỉ số trên, thì định lượng HCO3–, CO2, pH máu cũng được sử dụng kết hợp để chẩn đoán.
◊◊◊◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
- Sinh lý học y khoa, 2018, Bộ môn sinh lý – ĐHYD TPHCM.
- Hoá sinh lâm sàng 2005, chủ biên GS. Đỗ Đình Hồ, Bộ môn Hoá sinh – ĐHYD TPHCM.
- Hoá sinh lâm sàng 2013, TS.BS. Lê Xuân Trường.