Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Cortisol là loại glucocorticoid quan trọng nhất ở người, cần thiết cho điều hoà và hỗ trợ nhiều chức năng chuyển hoá, hoạt động miễn dịch, cân bằng nội môi,…

Nguồn gốc cortisol

Tuyến thượng thận nằm ở 2 cực trên của thận gồm có 2 phần riêng biệt:

  • Vỏ thượng thận nằm bên ngoài, gồm 3 lớp, tiết ra các hormon steroid bao gồm: aldosterone, cortisol và androgen.
  • Tuỷ thượng thận nằm bên trong, tiết ra hormon epinephrine và norepinephrine.

Cortisol được tổng hợp từ cholesterol trong lớp bó của vỏ thượng thận.

Khi đáp ứng với stress, vùng dưới đồi (hypothalamus) tiết hormon CRH (corticotropin releasing hormone). Hormon này kích thích thuỳ trước tuyến yến tiết ACTH (adrenocorticotropic hormone). ACTH kích thích vỏ thượng thận sản xuất và bài tiết cortisol là một loại hormon điều hoà quá trình chuyển hoá glucose (glucocorticoid hormone). Nếu nồng độ cortisol tăng lên trong máu, cơ chế điều hoà ngược âm tính sẽ ức chế sản xuất CRH và ACTH.

Về mặt sinh lý, cortisol tiết ra theo chu kỳ, cao nhất vào lúc 7 – 9 giờ sáng, lúc này cơ thể cảm thấy sảng khoái, tinh thần dễ chịu và làm việc có hiệu quả cao. Càng về chiều, sự bài tiết cortisol giảm dần và thấp nhất vào giữa đêm, lúc này cơ thể cảm thấy mệt mỏi, không đủ năng lượng để làm việc hay học tập và phải được nghỉ ngơi.

Chức năng của cortisol

  • Kích thích tân tạo glucose.
  • Kích thích thoái giáng các chất dự trữ năng lượng của cơ thể.
  • Khởi động đáp ứng giao cảm với tác nhân gây stress.
  • Kháng viêm, ức chế miễn dịch.
  • Kích thích bài tiết acid dịch vị.
  • Kích thích sản xuất surfactant, duy trì sức căng bề mặt của các phế nang, thúc đẩy sự trưởng thành phổi của thai nhi.

Tìm hiểu thêm >>

Chỉ số đường huyết của người bình thường là bao nhiêu?

Định lượng HbA1C có ý nghĩa như thế nào với bệnh nhân tiểu đường?

Mục đích và chỉ định xét nghiệm cortisol

Định lượng cortisol trong máu:

  • Chẩn đoán phân biệt suy thượng thận tiên phát và thứ phát.
  • Chẩn đoán phân biệt hội chứng Cushing và suy thượng thận.

Định lượng cortisol trong nước tiểu:

  • Phát hiện tình trạng cường chức năng tuyến thượng thận (hội chứng Cushing), suy thượng thận muộn (bệnh Addison) và theo dõi hiệu quả điều trị các tình trạng trên.
  • Hỗ trợ chẩn đoán các bất thường bẩm sinh hoặc mắc phải của 11β-hydroxy steriod dehydrogenase.
  • Chẩn đoán tình trạng giả cường aldosteron do uống quá nhiều cam thảo.

Yêu cầu khi đi xét nghiệm

Máu:

  • Xét nghiệm được thực hiện trên huyết thanh. Bệnh nhân cần nhịn ăn và hạn chế hoạt động thể lực từ 1012 giờ trước khi lấy máu xét nghiệm.
  • Cần ngưng dùng trong vòng 24 giờ các thuốc gây ảnh hưởng đến nồng độ cortisol máu (đặc biệt là thuốc ngừa thai dạng kết hợp estrogen và progesteron).
  • Trong trường hợp xét nghiệm để chẩn đoán hội chứng Cushing: tiến hành lấy máu vào các thời điểm 8 giờ sáng và 20 giờ đêm (thời điểm nồng độ cortisol thấp nhất theo nhịp ngày đêm).

Nước tiểu: thu bệnh phẩm nước tiểu 24 giờ vào bình có chứa chất bảo quản (10g acid boric) và được bảo quản trong tủ mát.

Các yếu tố làm thay đổi kết quả xét nghiệm cortisol

  • Hoạt động gắng sức, khi ngủ hay tình trạng stress có thể ảnh hưởng đến nồng độ cortisol.
  • Mẫu bệnh phẩm vỡ hồng cầu có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
  • Bệnh nhân nghiện rượu, trầm cảm, rối loạn tiêu hoá, buồng trứng đa nang hay đang bị một bệnh lý cấp tính có thể có nồng độ cortisol niệu tăng cao bất thường, nhưng không bao giờ vượt quá 300 µg/24h.
  • Các thuốc làm tăng nồng độ cortisol máu: amphetamin, estrogen, cồn ethylen, lithium carbonat, methadon, nicotin, thuốc ngừa thai uống, spironolacton, glucocorticoid tổng hợp (prednison, prednisolon).
  • Các thuốc làm giảm nồng độ cortisol máu: androgen, barbiturat, dexamethason, levodopa, phenytoin.
  • Các thuốc làm tăng nồng độ cortisol niệu: amphetamin, hormon hướng thượng thận, carbamazepin, estrogen, phenobarbital, primidon, nicotin, thuốc ngừa thai uống, spironolacton, glucocorticoid tổng hợp (prednison, prednisolon).
  • Các thuốc làm giảm nồng độ cortisol niệu: dexamethason.

Giá trị bình thường của cortisol

Cortisol máu:

  • 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa: 5,0 – 25,0 µg/dL hay 138 – 690 nmol/L.
  • 12 giờ trưa đến 20 giờ tối: 5,0 – 15,0 µg/dL hay 138 – 410 nmol/L.
  • 20 giờ tối đến 8 giờ sáng: 0 – 10,0 µg/dL hay 0  – 276 nmol/L.

Cortisol niệu:

  • 10 – 100 µg/24h hay 27,6 – 276 mmol/ngày.
  • Nam: < 60 µg/24h hay 165,5 mmol/ngày.
  • Nữ: 45 µg/24h hay 165,5 mmol/ngày.

Nồng độ cortisol máu tăng cao do đâu?

Nguyên nhân chính làm tăng nồng độ cortisol máu là:

  • U biểu mô tuyến thượng thận
  • Bỏng
  • Hội chứng Cushing
  • Tiền sản giật
  • Các khối u sản xuất ACTH lạc chỗ
  • Hoạt động thể lực gắng sức
  • Cường chức năng tuyến yên
  • Cường giáp
  • Tăng huyết áp
  • Béo phì
  • Bệnh nhiễm trùng
  • Có thai
  • Shock
  • Stress
  • Phẫu thuật
  • Viêm tụy cấp

Nồng độ cortisol máu giảm do đâu?

Nguyên nhân chính làm giảm nồng độ cortisol máu là:

  • Bệnh Addison
  • Suy thượng thận
  • Hạ đường huyết
  • Suy giáp
  • Bệnh gan
  • Hoại tử tuyến yên sau sinh

Nồng độ cortisol niệu tăng do đâu?

Nguyên nhân chính làm tăng nồng độ cortisol niệu là:

  • Vô kinh
  • Hội chứng Cushing
  • Cường giáp
  • Ung thư phổi
  • Khối u tuyến yên
  • Có thai
  • Stress

Nồng độ cortisol niệu giảm do đâu?

Nguyên nhân chính làm giảm nồng độ cortisol niệu là:

  • Bệnh Addison
  • Suy chức năng tuyến yên
  • Suy giáp
  • Rối loạn chức năng cầu thận

◊◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
  • Sinh lý học y khoa 2018, ĐHYD TPHCM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?