Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị đau thượng vị theo chỉ định của bác sĩ, thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh cũng là một cách giúp giảm nhẹ cơn đau hiệu quả. Vậy người bị đau thượng vị nên ăn gì và kiêng gì? Cùng tìm hiểu chi tiết ngay trong bài viết dưới đây.
Lưu ý
Các thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu xuất hiện triệu chứng đau thượng vị, Cô Chú, Anh Chị nên đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn cách điều trị và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Tìm hiểu về triệu chứng đau thượng vị
Đau thượng vị được hiểu là cơn đau bụng âm ỉ hoặc đau bụng từng cơn ở vùng bụng trên rốn (nằm giữa hai bên xương sườn, dưới xương ức và trên rốn). Cơn đau thượng vị có thể kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, đầy hơi, ợ chua,…
Đau thượng vị có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như do một số bệnh lý như bệnh viêm dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản,… hoặc do thói quen ăn uống như ăn quá nhiều, uống rượu,…. Để giảm nhẹ triệu chứng đau vùng thượng vị, người bệnh thường được khuyên nên thay đổi chế độ ăn uống. Mời Cô Chú, Anh Chị cùng theo dõi phần tiếp theo để tìm hiểu xem chế độ ăn uống như thế nào là phù hợp với người bị đau thượng vị.
> Tìm hiểu thêm: Đau thượng vị về đêm biểu hiện thế nào?
Bị đau thượng vị nên ăn gì?
Khi bị đau thượng vị, người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, có khả năng chống viêm để làm dịu cơn đau và kiểm soát các triệu chứng tốt hơn. Dưới đây là 4 loại thực phẩm người bị đau thượng vị nên bổ sung.
Các loại thực phẩm chống viêm
Thực phẩm chống viêm thường chứa chất chống oxy hóa (polyphenol) giúp giảm tình trạng viêm và giảm nhẹ các triệu chứng đau thượng vị.
Các thực phẩm chống viêm bao gồm:
- Rau xanh như cải xoăn, bắp cải, rau bina.
- Các loại cá như cá hồi, cá thu, cá mòi.
- Các loại hạt như quả óc chó, hạnh nhân, hạt phỉ.
- Trái cây như việt quất, mâm xôi, dâu tây, anh đào.
- Ngũ cốc nguyên hạt.
- Dầu oliu.
Các loại thực phẩm chứa lợi khuẩn
Thực phẩm chứa lợi khuẩn giúp tăng sức khỏe đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa, giảm viêm cũng như kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn có hại.
Các loại thực phẩm có chứa lợi khuẩn gồm:
- Sữa chua.
- Súp miso.
- Phô mai (cheddar, gouda hoặc mozzarella).
- Nấm sữa Kefir.
Chế độ ăn BRAT
Chế độ ăn BRAT là viết tắt của Bananas (chuối) – Rice (cơm) – Applesauce (sốt táo) – Toast (bánh mì nướng). Chế độ ăn này gồm các thực phẩm mềm, có vị nhạt, không gây khó chịu cho hệ tiêu hóa, giúp giảm buồn nôn, nôn hay tiêu chảy. Tuy nhiên, việc áp dụng chế độ ăn BRAT chỉ nên là tạm thời, khoảng 1 – 2 ngày. Vì BRAT thiếu các dưỡng chất thiết yếu như chất xơ, protein, canxi và vitamin B12, nếu áp dụng lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các loại thảo mộc
Bên cạnh các thực phẩm thông thường như rau xanh, trái cây,… người bị đau thượng vị cũng nên bổ sung thêm một số loại thảo mộc như gừng, bạc hà, hoa cúc, cam thảo,… Vì các loại thảo mộc này có thể giúp giảm buồn nôn, nôn, chướng bụng, khó tiêu và cải thiện sự khó chịu do đau thượng vị.
Bị đau thượng vị nên kiêng gì?
Ngoài các thực phẩm nên ăn, người bị đau thượng vị cũng nên hạn chế một số loại thực phẩm để tránh làm cho đau thượng vị trở nên nghiêm trọng hơn. Cụ thể gồm có 5 loại thực phẩm như sau:
Thực phẩm nhiều dầu mỡ
Đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ thường chứa chất béo bão hòa, có thể gây khó tiêu và làm cho tình trạng đau thượng vị trở nên tệ hơn. Một số thực phẩm nhiều dầu mỡ người bệnh nên tránh là khoai tây chiên, gà rán, phô mai que,…
Thực phẩm có tính axit
Thực phẩm có tính axit thường là những thực phẩm có độ pH thấp hơn hoặc bằng 4.6. Một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản và gây kích ứng vùng thượng vị bao gồm cà chua, thơm và các loại trái cây họ cam chanh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm làm gia tăng sản xuất axit trong cơ thể như các sản phẩm từ sữa, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có ga,…
Các món ăn cay
Hợp chất Capsaicin có trong đồ ăn cay nóng, đặc biệt là quả ớt, làm gia tăng tiết chất nhầy dạ dày, từ đó có thể gây ra tình trạng đau thượng vị hoặc đau thắt bụng. Trong vài trường hợp, ăn nhiều thức ăn nóng còn có thể dẫn đến tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc đau rát khi đi tiêu.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai, kem thường chứa nhiều chất béo, có thể gây khó tiêu và không tốt cho người bị đau thượng vị. Đối với các trường hợp không thể dung nạp đường lactose có trong sữa, các triệu chứng sau khi tiêu thụ sữa hoặc các sản phẩm từ sữa có thể bao gồm đầy hơi, chướng bụng, đau thượng vị và tiêu chảy.
Thức uống kích thích
Đồ uống chứa nhiều caffeine như cà phê hoặc trà làm gia tăng co bóp ở đường tiêu hóa, tăng tiết axit dạ dày và gây kích thích thành dạ dày. Trong khi đó, việc uống nhiều đồ uống có cồn như bia, rượu lại gây kích thích, ăn mòn thành dạ dày và gây nên các triệu chứng của viêm dạ dày. Chính vì vậy, người bị đau thượng vị cần lưu ý hạn chế các đồ uống kích thích, chứa nhiều cồn hoặc caffeine để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu thêm:
Các nguyên tắc ăn uống mà người bị đau thượng vị cần lưu ý
Không chỉ lựa chọn đúng các loại thực phẩm tốt cho đau thượng vị, người bệnh cũng nên chú ý đến nguyên tắc ăn uống sau để giảm nhẹ triệu chứng hiệu quả hơn.
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày: Chia nhỏ bữa ăn giúp giảm tải áp lực tiêu hóa ở dạ dày. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng vẫn gây khó chịu thì nên ăn mỗi lần một ít. Khi cơ thể đã cảm thấy dễ chịu hơn thì có thể tăng dần lượng thức ăn trong mỗi bữa ăn.
- Ăn chậm, nhai kỹ: Ăn chậm và nhai kỹ giúp thức ăn tiêu hóa tốt hơn, tránh nuốt nhiều khí gây khó tiêu.
- Ăn uống đúng giờ: Ăn uống đúng giờ, hỗ trợ trao đổi chất và tiêu hóa tốt hơn.
- Ưu tiên ăn thức ăn loãng: Chọn thức ăn mềm, lỏng như cháo, súp giúp dễ tiêu hóa. Khi tình trạng đau thượng vị đã được cải thiện, người bệnh có thể chuyển dần sang thức ăn đặc như cơm nấu mềm, cháo đặc.
Bài viết trên là các thông tin giải đáp cho thắc mắc đau thượng vị nên ăn gì và kiêng gì. Nhìn chung, chế độ ăn uống chỉ hỗ trợ kiểm soát triệu chứng đau thượng vị. Để chữa trị dứt điểm, Cô Chú, Anh Chị vẫn nên đi khám và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ có chuyên môn.
Endo Clinic – Địa chỉ khám chữa bệnh tiêu hóa uy tín tại TP.HCM
Endo Clinic là trung tâm chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hóa được nhiều khách hàng lựa chọn hiện nay bởi các điểm nổi bật như:
- Đội ngũ bác giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm: Các bác sĩ của Endo Clinic đã có kinh nghiệm nhiều năm điều trị cho hàng ngàn người mắc bệnh tiêu hóa với triệu chứng ban đầu là đau thượng vị. Đồng thời tư vấn tận tâm và chỉ định đúng – đủ cận lâm sàng phù hợp với người bệnh.
- Chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh: Bác sĩ sử dụng thiết bị hiện đại hỗ trợ chẩn đoán, trong đó có máy móc nội soi tiên tiến và phương pháp nội soi không đau (nội soi tiền mê). Từ đó mang đến tỷ lệ chẩn đoán chính xác đến 90 – 95%.
- Tiết kiệm thời gian, chi phí hợp lý: Quy trình khám chữa bệnh tại Endo Clinic rất nhanh gọn, tiết kiệm tối đa thời gian cho người bệnh. Hơn nữa, phòng khám cũng công khai bảng giá rõ ràng, thông báo chi phí chi tiết khi tư vấn, không có phát sinh trong quá trình điều trị.
> Đặt hẹn khám bệnh với bác sĩ Endo Clinic ngay!
Mời Cô Chú, Anh Chị xem các triệu chứng liên quan:
Câu hỏi thường gặp
Thực phẩm nào tốt cho người đau thượng vị?
Các thực phẩm tốt cho người đau thượng vị gồm thực phẩm chống viêm, thực phẩm chứa lợi khuẩn, chế độ ăn BRAT và các loại thảo mộc.
Bị đau thượng vị nên kiêng ăn gì?
Người bị đau thượng vị nên hạn chế ăn các loại thực phẩm như thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, thực phẩm có tính axit, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Đau thượng vị có uống được gừng không?
Người bị đau thượng vị có thể uống nước gừng hoặc trà gừng. Tuy nhiên không nên sử dụng quá 5g gừng / ngày vì có thể gây ra các vấn đề như ợ nóng, đau dạ dày, tiêu chảy.
Tài liệu tham khảo
1. Tim Jewell. What’s Causing My Epigastric Pain and How Can I Find Relief? 13 07 2023. https://www.healthline.com/health/epigastric-pain (đã truy cập 25 08 2023).
2. Louisa Richards. Foods to eat and avoid on a gastritis diet. 20 03 2023. https://www.medicalnewstoday.com/articles/gastritis-diet (đã truy cập 25 08 2023).
3. Cleveland Clinic. When Should You Follow the BRAT Diet? 26 11 2021. https://health.clevelandclinic.org/brat-diet/ (đã truy cập 25 08 2023).
4. Erica Julson, MS, RDN, CLT. The 12 Best Foods for an Upset Stomach. 18 02 2023. https://www.healthline.com/nutrition/best-foods-for-upset-stomach (đã truy cập 25 08 2023).
5. Kayla McDonnell, RD. Why Are Fried Foods Bad for You? 07 06 2023. https://www.healthline.com/nutrition/why-fried-foods-are-bad (đã truy cập 25 08 2023).
6. Zohra Ashpari and Rachael Ajmera, MS, RD. Tips for Limiting Acidic Foods. 30 06 2023. https://www.healthline.com/nutrition/acidic-foods (đã truy cập 25 08 2023).
7. Webmd. What to Eat (or Not) When Your Stomach Hurts. 28 01 2023. https://www.webmd.com/digestive-disorders/ss/slideshow-food-stomach-upset (đã truy cập 25 08 2023).
8. WebMD Editorial Contributors. How to Treat Stomach Pain in Adults. 27 05 2023. https://www.webmd.com/first-aid/abdominal-pain-in-adults-treatment (đã truy cập 25 08 2023).
9. Medanta. Foods to Eat and Avoid When You Have an Upset Stomach. 15 02 2019. https://www.medanta.org/patient-education-blog/things-to-eat-and-avoid-when-you-have-an-upset-stomach (đã truy cập 25 08 2023).