ECHINOCOCCUS GRANULOSUS
Nhiều người thường nghĩ bệnh sán dải chó và bệnh giun đũa chó là như nhau, nhưng thực tế không phải vậy. Dân ta thường hay gọi chung các bệnh liên quan đến ký sinh trùng sán chó là bệnh sán chó, tuy nhiên 2 bệnh này thực tế khác nhau.
Echinococcus hay còn gọi là sán kim, là loài sán dải nhỏ nhất gây bệnh ở người trong giai đoạn ấu trùng. Bệnh thường gặp ở những xứ nuôi nhiều cừu. Các vùng bệnh lưu hành là Địa Trung Hải, Hy Lạp, Li Băng, Nam Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, phía Đông Châu Phi. Những nơi có lò sát sinh cừ không kiểm soát chặt chẽ thải các tạng phủ của cừu bị bệnh cho các thú ăn thịt ăn.
Hình thể
Sán trưởng thành dài 3 – 6 mm, đầu sán giống đầu Toenia solium, cổ rất ngắn, thân có 3 đốt, đốt thứ nhất gần cổ là đốt non; đốt giữa là đốt trưởng thành chưa 45 – 60 tinh hoàn hình bầu dục hoặc hình cầu tập trung phía trước đốt, phía sau chứa 2 buồng trứng và một tuyến sinh noãn hoàng to; đốt thứ ba là đốt già dài bằng nửa thân sán, phần lớn choán bởi tử cung. Tử cung nằm ở giữa không phân nhánh nhưng nhô 2 bên tạo thành 15 – 20 túi nhỏ chứa đầy trứng.
Trứng giống Toenia spp. vỏ dày, màu nâu có tia, bên trong có phôi 6 móc, kích thước 35 x 28 µm.
Cơ chế bệnh sinh
Sán trưởng thành sống trong ruột non của chó nhà và các loài động vật ăn thịt như chó sói, chó rừng, chồn, mèo đôi khi là loài cáo. Những động vật này chứa rất nhiều sán, có khi cả ngàn con.
Đốt sán già tách ra khỏi sán theo phân ra ngoài hoặc vỡ trong lòng ruột, trứng theo phân ra ngoài làm ô nhiễm các đồng cỏ, có thể sống đến 1 năm. Cừu, đôi khi là bò, ngựa bị nhiễm do ăn phải cỏ có chứa trứng.
Người là ký chủ tình cờ bị nhiễm do ăn phải rau sống có trứng hoặc từ chó (vì chó có chứa sán trưởng thành thường ngứa hậu môn, chó liếm hậu môn nơi chứa đầy trứng rồi liếm lông, liếm người).
Khi trứng đến dạ dày – ruột, dưới tác động của các men tiêu hóa, vỏ trứng tan ra phóng thích phôi 6 móc, chui qua niêm mạc ruột non vào mạch bạch huyết hoặc mạch máu, từ đó theo dòng tuần hoàn đến định vị khắp các phủ tạng như gan, phổi, lách, tụy tạng, não. Tại các vị trí ký sinh phôi lớn dần thành ấu trùng có dạng bướu. Ấu trùng phát triển nhanh chóng sáu 5 tháng có thể lớn đến 10 mm. Những bướu tăng trưởng đủ độ có đường kính từ 10 – 17 mm, có thể đến 20 cm, chứa trên 2 triệu đầu sán.
>> Tham khảo thêm: Giun đũa chó mèo
Sinh bệnh học
Ở người, nang có thể phát triển theo nhiều hướng:
- Tăng thể tích bướu: bệnh phát triển chậm trong một thời gian dài, về mặt lâm sàng bướu sán chưa gây ra triệu chứng gì.
- Nứt một phần gây hiện tượng dị ứng: nổi mề đay, tạo nang thứ cấp sau đó phát triển thành bướu mới.
- Tan vỡ: bướu sán vỡ do bị chèn ép, nứt vỡ, dịch bướu tràn ra. Nếu vỡ trong các cơ quan rỗng thì sẽ được thải ra ngoài theo đường tự nhiên, ngược lại, sẽ gây sốc phản vệ, nhiễm trùng, đầu sán phát tán khắp nơi và tạo thành bướu sán thứ phát.
- Hóa vôi do màng cứng bọc nang có khuynh hướng giữ muối canxi phát hiện qua X quang.
Bệnh ấu trùng sán ở gan:
- Trong giai đoạn tăng kích thước là giai đoạn bướu lành không có dấu hiện lâm sàng gì đáng kể ở gan nên việc chẩn đoán khó.
- Khi nang đã lớn dựa vào các triệu chứng của viêm gan như chứng khó tiêu, viêm túi mật bất thường, vàng da, sốt nhẹ dây dưa, đôi khi bướu là méo hạ sườn phải.
Bệnh ấu trùng sán ở phổi:
- Có thể do nang thứ phát hoặc nang nguyên thủy, thường có các triệu chứng như ho dai dẳng, sốt nhẹ, đôi khi khạc ra máu, có những cơn mẩn ngứa, có khi nhiễm trùng phụ. Khi bướu thình lình vỡ ra sẽ làm bệnh nhân ói, ộc ra nhiều mảnh ký sinh trùng, ho ra máu.
- X quang thấy một hoặc nhiều đám mờ tròn trong nhu mô phổi.
Ngoài ra, có thể định vị ở các cơ quan khác như thận, não, xương, mắt, tim.
Triệu chứng lâm sàng
Khi sán kim Echinococcus granulosus xâm nhập và ký sinh trong cơ thể, nang sán sẽ chèn ép các phủ tạng, cơ quan ở chung quanh và gây nên những biến chứng quan trọng. Sự tổn thương và nguy hại còn tùy thuộc vào vị trí có nang sán ký sinh.
Nếu nang sán bị vỡ, nó gây nên sự nhiễm độc, dị ứng, choáng quá mẫn và đầu sán tràn ra ngoài tạo thành các nang sán thứ phát. Nang sán thứ phát có thể từ 2 đến 5 năm sau mới xuất hiện kể từ khi nang sán tiên phát bị vỡ và thường gây tử vong ở giai đoạn này.
Chẩn đoán Echinococcus granulosus
Chẩn đoán phát hiện được nang sán kim thường rất khó do nang sán phát triển chậm so với các loại u nang khác. Vì vậy, trên thực tế lâm sàng, nang sán kim thường không phát hiện được kịp thời như trường hợp nang sán kim ở vòm họng có khi phải mất tới 30 năm sau mới có triệu chứng nặng biểu hiện.
- Phát hiện bướu con, đầu sán khi bệnh nhân nôn.
- Qua kỹ thuật chụp phim X quang, có thể phát hiện được nang sán sớm.
- Xét nghiệm máu:
- Bạch cầu ái toan tăng từ 20 đến 25%
- Chẩn đoán huyết thanh miễn dịch đặc hiệu sán kim cho kết quả dương tính là những dấu hiệu chỉ điểm, định hướng quan trọng cho việc chẩn đoán bệnh.
- Tuyệt đối không được chọc dò.
>> Tìm hiểu thêm: Xoắn khuẩn giang mai là gì?
Điều trị
Mặc dù bệnh sán kim Echinococcus granulosus ít được phát hiện tại nước ta nhưng ngành y tế cần quan tâm và đừng lãng quên một loại bệnh ký sinh trùng ít gặp. Nó có rất nhiều khả năng lây nhiễm từ loài chó nhà sang người mặc dù người là vật chủ phụ ngẫu nhiên.
Các phương pháp điều trị:
- Phẫu thuật cắt bỏ bướu. Trước khi phẫu thuật tiêm formol 2% vào bướu để giết đầu sán ngừa lan tràn.
- Albendazol, mintezol, flubendazol: tiêu diệt ấu trùng non.
- Điều trị sinh học: dùng trong trường hợp không giải phẫu được: lấy dịch chất của bướu từ thú gây nhiễm tiêm vào bệnh nhân nhiều lần thấy bướu thu nhỏ lại.
Phòng bệnh
- Kiểm soát lò giết mổ.
- Loại bỏ cừu, bò mắc bệnh.
- Không để chó liếm mặt, tay.
- Rửa tay trước khi ăn.
- Không để chó đi tiêu bừa bãi ở vườn trồng rau, cho chó tẩy sán mỗi quý một lần bằng bromhydrate arecoline (cột chó lấy phân thiêu ra tro).
- Rửa kỹ rau sống trước khi ăn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- TS Trần Xuân Mai (2005), Ký sinh trùng y học Đại học y duợc TP. HCM, Nhà xuất bản Y học, tr.266-270.
- Đặng Nga. Bệnh ký sinh trùng: Sán dây nhỏ (Echinococcus), https://www.impehcm.org.vn/noi-dung/kham-benh-giun-san/benh-ky-sinh-trung-san-day-nho-echinococcus.html, xem 20/02/2021.