Dạ dày là một cơ quan quan trọng trong hệ thống tiêu hóa. Nó thực hiện nhiệm vụ nhận, co bóp và phân hủy thức ăn trước khi chuyển xuống cho ruột non. Quá trình tiêu hóa ở dạ dày được thực hiện nhuần nhuyễn theo một cơ chế tự nhiên. Vậy cụ thể quá trình này diễn ra như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây!
Vai trò của dạ dày trong hệ tiêu hóa
Dạ dày là cơ quan có hình chữ J, là nơi tiếp nhận thức ăn tạm thời rồi tạo ra các enzyme và acid dạ dày (dịch vị) để phân hủy thức ăn và gửi chúng đến ruột non. Tuy chức năng chính của dạ dày không phải hấp thụ dinh dưỡng, nhưng quá trình tiêu hóa ở dạ dày vẫn có thể giúp hấp thụ một số chất như nước, vitamin tan trong nước,… Ngoài ra, môi trường axit của dạ dày có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn và các vi sinh vật khác xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, nhờ đó bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và bệnh tật.
Quá trình tiêu hóa thức ăn ở dạ dày
Quá trình tiêu hóa ở dạ dày diễn ra theo một chu trình tuần tự, bắt đầu từ việc tiếp nhận thức ăn đã được phân hủy một phần từ thực quản. Tiếp theo, các phần cơ dạ dày sẽ thực hiện co bóp, nhào trộn thức với acid và enzyme do các tuyến trong niêm mạc dạ dày tiết ra. Sau khi thức ăn được nhào trộn hoàn toàn với dịch vị dạ dày thì vận chuyển xuống tá tràng, để tiếp tục quá trình tiêu hóa và bắt đầu hấp thụ dinh dưỡng. Cụ thể:
Quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày diễn ra như sau:
Tiếp nhận thức ăn từ thực quản
Thức ăn sau khi được nhai, phân hủy một phần nhỏ nhờ enzyme trong nước bọt sẽ đi xuống ống thực quản và cơ vòng thực quản dưới (LES) sẽ giãn ra, tạo điều kiện thuận lợi để thức ăn di chuyển xuống dạ dày. Lúc này, các phần trên của dạ dày (tâm vị, thân vị và đáy vị) sẽ giãn ra khi thức ăn đi vào, nhằm giúp dạ dày có thể chứa được một lượng lớn thức ăn.
Nhào trộn và tiêu hóa thức ăn
Sau khi thức ăn đi vào dạ dày, các tuyến trong niêm mạc dạ dày sẽ tiết ra acid hydrochloric (HCl) và enzyme protease (pepsin) để hỗ trợ quá trình tiêu hóa protein có trong thức ăn. Các phần cơ dạ dày cũng thực hiện co bóp, nhào trộn thức ăn với acid và enzyme, nhằm đảm bảo enzyme và acid dạ dày có thể phủ đều bề mặt thức ăn trong dạ dày. Hỗn hợp sau khi trộn được gọi là nhũ trấp (chyme).
Vận chuyển thức ăn xuống tá tràng
Thức ăn sau khi được nhào trộn với dịch vị dạ dày thì sẽ được đẩy xuống tá tràng có kiểm soát. Theo đó, với thời gian khoảng 20 giây, các sóng trộn được tạo ra, sóng này tăng dần theo cường độ khi chúng đến phần dưới của dạ dày. Với mỗi làn sóng, cơ thắt môn vị cho phép một lượng nhỏ nhũ trấp đã được phân hủy vừa đủ vào tá tràng để tiếp tục tiêu hóa.
Thời gian tiêu hóa ở dạ dày là bao lâu?
Trung bình, dạ dày có khả năng xử lý thức ăn và vận chuyển đến tá tràng trong khoảng 2 đến 4 giờ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại thực phẩm tiêu thụ mà thời gian tiêu hóa ở dạ dày có thể diễn ra nhanh hoặc lâu hơn.
Các bệnh liên quan đến dạ dày thường gặp
Dạ dày là cơ quan phải hoạt động thường xuyên, lặp đi lặp lại các nhiệm vụ tiêu hóa và nhào trộn thức ăn, nên có thể mắc phải một số bệnh lý gây tổn thương. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, các triệu chứng do bệnh lý liên quan dạ dày gây ra sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các bệnh lý thường gặp tại dạ dày:
Viêm dạ dày
Viêm dạ dày là tình trạng viêm nhiễm ở thành dạ dày và có thể xảy ra khi bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp), lạm dụng thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs), uống nhiều rượu bia, căng thẳng liên tục,… Các triệu chứng của viêm dạ dày có thể là đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, khó tiêu,… làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Loét dạ dày – tá tràng
Loét dạ dày – tá tràng là hiện tượng các vết loét hình thành trên niêm mạc dạ dày và tá tràng. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn Hp hoặc lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) trong thời gian dài. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh là đau bụng, buồn nôn, cảm thấy nóng rát vùng thượng vị, ợ nóng, chướng bụng,…
Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)
Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là hiện tượng trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản. Nguyên nhân gây bệnh là do cơ thắt thực quản dưới (LES) hoạt động suy yếu, khiến dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Một số triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là ợ nóng, ợ trớ, đau bụng trên hoặc đau ngực, khó nuốt, đau họng,…
Nhiễm khuẩn Hp
Nhiễm khuẩn Hp là tình trạng vi khuẩn Hp cư trú ở niêm mạc dạ dày. Tại đây, vi khuẩn Hp có thể tiết ra một số độc tố gây viêm ở niêm mạc dạ dày, lâu ngày tiến triển thành viêm dạ dày mạn tính hoặc viêm loét dạ dày. Trong đó, các nguồn lây nhiễm vi khuẩn Hp chủ yếu từ thức ăn, nguồn nước bị ô nhiễm, hoặc lây nhiễm từ người sang người thông qua tuyến nước bọt hay dịch cơ thể. Triệu chứng nhiễm khuẩn Hp có liên quan mật thiết với các tình trạng viêm dạ dày hoặc loét dạ dày – tá tràng, chẳng hạn như đau dạ dày, nóng rát dạ dày, buồn nôn, chán ăn,…
Tham khảo thêm >> Triệu chứng nhiễm vi khuẩn Hp
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là sự xuất hiện các tế bào ác tính phát triển từ lớp niêm mạc dạ dày, xảy ra do một số yếu tố nguy cơ như nhiễm khuẩn Hp, polyp dạ dày, chế độ ăn uống không khoa học,… Đây là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao, bởi ung thư dạ dày giai đoạn sớm hầu như không biểu hiện bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng như khó nuốt, khó tiêu, buồn nôn, sụt cân, ăn nhanh no,…
Nhìn chung, quá trình tiêu hóa ở dạ dày đóng vai trò quan trọng, giúp phân hủy thức ăn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hấp thu tại ruột non. Để hoạt động này diễn ra trơn tru, mỗi người nên duy trì chế độ ăn uống khoa học và sinh hoạt lành mạnh. Song song đó, ngay khi có triệu chứng bất thường ở dạ dày, Cô Bác, Anh Chị nên nhanh chóng đến bác sĩ thăm khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, điều trị dứt điểm, tránh ảnh hưởng đến chu trình tiêu hóa của cơ thể.
Hiện nay, để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và có thể chỉ định một số cận lâm sàng như nội soi, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, chụp X-quang, MRI,… Trong đó, nội soi là phương pháp cận lâm sàng được đánh giá cao.
Đây là thủ thuật đưa dây soi mềm (có gắn nguồn chiếu sáng và camera) vào bên trong đường tiêu hóa, nhằm quan sát các cơ quan thực quản, dạ dày và tá tràng. Qua hình ảnh thu được từ camera, Bác sĩ sẽ đánh giá được tổn thương của đường tiêu hóa trên và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho nhiều bệnh lý ống tiêu hóa trên như viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày,… Tùy vào từng bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp, có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật, người bệnh nên gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác.
Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu thêm:
Endo Clinic – Trung tâm Nội soi & Chẩn đoán bệnh lý tiêu hoá uy tín TP. HCM
Là trung tâm chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị các bệnh tiêu hóa, trong đó có bệnh lý liên quan đến dạ dày, Endo Clinic tự tin mang đến cho Cô Chú, Anh Chị dịch vụ Nội soi tiêu hóa chất lượng, kết quả chẩn đoán chính xác, điều trị bệnh tối ưu.
Khi đến đây, người bệnh hoàn toàn an tâm bởi đội ngũ Bác sĩ của Endo Clinic giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Đồng thời, phòng khám còn trang bị đầy đủ máy móc hiện đại, tiên tiến kết hợp quy trình Nội Soi Không Đau đạt chuẩn quốc tế. Nhờ vậy mà tỷ lệ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh có độ chính xác cao lên đến 90 – 95%, và tầm soát ung thư dạ dày đến 95 – 99%.
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ lập phác đồ điều trị theo Guideline và kê thuốc Brand-name chính hãng, tăng hiệu quả điều trị tối ưu, giúp người bệnh sớm hồi phục và ngăn triệu chứng tái phát.
Câu hỏi thường gặp
Dạ dày tiêu hóa mất bao lâu?
Thời gian dạ dày tiêu hóa thức ăn trung bình khoảng 2 đến 4 giờ. Song, thời gian này có thể nhanh hoặc lâu hơn tùy thuộc vào từng loại thức ăn.
Có các bệnh thường gặp nào ở dạ dày?
Một số bệnh lý dạ dày thường gặp là viêm dạ dày, loét dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản,… Nếu có vấn đề với dạ dày, Cô Chú, Anh Chị nên thăm khám và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Nội soi có phát hiện được bệnh lý ở dạ dày không?
Nội soi là một cận lâm sàng chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa được đánh giá cao hiện nay. Đối với dạ dày, nội soi giúp nhanh chóng phát hiện các tổn thương bên trong như viêm, loét và hỗ trợ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Tài liệu tham khảo
1. Trung tâm nội soi & chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa Endo Clinic.
2. Shazia R. Chaudhry; Maria Nataly P. Liman; Diana C. Peterson. Anatomy, Abdomen and Pelvis: Stomach. 10 10 2022. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482334/ (đã truy cập 07 08 2023).
3. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (NIDDK). Your Digestive System & How it Works. 12 2017. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/digestive-system-how-it-works (đã truy cập 07 08 2023).