Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Sắt là một chất quan trọng trong sự thành lập hemoglobin của hồng cầu, cần thiết cho quá trình vận chuyển oxy đến các mô. Chính vì vậy 2/3 lượng sắt trong cơ thể được tìm thấy trong Hemoglobin.

Chất sắt có nguồn gốc từ đâu?

Sắt được hấp thu ở phần trên của bộ máy tiêu hoá, chủ yếu là ở tá tràng bằng cơ chế chủ động. Toàn bộ kho chứa sắt của cơ thể được ước tính khoảng 2 – 6g, trong đó gồm có:

Sắt hem: gồm sắt chứa trong:

  • Hemoglobin: chiếm 65 – 75% khối lượng sắt của cơ thể.
  • Myoglobin: là sắc tố hô hấp của cơ, chiếm 4% lượng sắt của cơ thể
  • Các enzym: chỉ chưa một lượng sắt rất ít, khoảng 0,3%.

Sắt không hem: gồm 2 loại:

  • Sắt dự trữ: chiếm khoảng 20 – 30% lượng sắt toàn bộ. Hai dạng sắt dự trữ là ferritin và hemosiderin.
  • Sắt vận chuyển (còn gọi là sắt huyết thanh): chiếm khoảng 0,1% lượng sắt toàn bộ. Sắt được vận chuyển trong máu dưới dạng Fe2+ nhờ gắn vào protein vận chuyển sắt là transferin hay siderophilin. Transferin được sản xuất tại gan, bình thường chỉ số bão hoà transferin khoảng 30%. Tranferin vận chuyển sắt tới tuỷ xương để tạo hồng cầu và thu nhận sắt từ hồng cầu già phân huỷ.

Hàng ngày, lượng thực phẩm ăn vào cung cấp 12 – 18mg sắt, song chỉ 5 – 10% lượng này được hấp thu. Nhu cầu sắt hàng ngày:

  • 0,6 mg/ngày đối với nam và phụ nữ mãn kinh
  • 1 – 2mg/ ngày ở cơ thể đang trưởng thành và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
  • 2 – 2,5 mg ở phụ nữ có thai

Trong điều kiện bình thường, nồng độ sắt trong huyết thanh phản ánh lượng sắt gắn với transferin. Tình trạng bão hoà của transferin phản ánh:

  • Tình trạng thiếu máu thiếu sắt, nồng độ sắt huyết thanh giảm thấp, nồng độ transferin tăng lên và độ bão hoà transferin < 15%.
  • Trong hội chứng viêm không kèm thiếu sắt, nồng độ sắt huyết thanh giảm thấp, nồng độ transferin thấp và độ bão hoà transferin > 15%.
  • Trong hội chứng viêm kèm thiếu sắt, nồng độ sắt huyết thanh giảm thấp, nồng độ transferin thấp và độ bão hoà transferin < 15%.

Mục đích và chỉ định xét nghiệm sắt huyết thanh

Xét nghiệm này giúp đánh giá tình trạng chuyển hoá sắt: khẩu phần ăn, kho dự trữ và sử dụng sắt của cơ thể. Vì vậy, xét nghiệm định lượng sắt huyết thanh thường được sử dụng để:

  • Chẩn đoán tình trạng mất máu.
  • Chẩn đoán phân biệt các loại thiếu máu.
  • Chẩn đoán tình trạng nhiễm huyết thiết tố và lắng đọng sắt tại mô.
  • Đánh giá tình trạng thiếu hụt sắt.
  • Chẩn đoán ngộ độc sắt cấp tính, nhất là ở trẻ em.
  • Đánh giá tình trạng thiếu máu vùng biển (thalassemia) và thiếu máu tăng nguyên bào sắt.
  • Theo dõi đáp ứng điều trị thiếu máu.

Những đối tượng nào cần xét nghiệm sắt huyết thanh?

Xét nghiệm sắt huyết thanh thường không được yêu cầu kiểm tra thường xuyên để sàng lọc, phát hiện bệnh mà thường được chỉ định khi có phát hiện bất thường. Khi đó, xét nghiệm này đóng vai trò như thử nghiệm theo dõi khi xét nghiệm hemoglobin, hồng cầu, hematocrit bất thường.

Xét nghiệm này được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ thiếu sắt hoặc quá tải sắt.

Triệu chứng thiếu sắt:

  • Mệt mỏi kéo dài
  • Chóng mặt
  • Ốm yếu
  • Nhức đầu
  • Khi thiếu sắt nặng, cơ thể sẽ khó thở, đau ngực, chóng mặt, nhức đầu hay đau chân…Trẻ em bị thiếu sắt sẽ có thể bị nhận thức kém.
  • Ngoài ra, bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt sẽ thèm ăn 1 số món đặc trưng như: cam thảo, phấn, đất sét,…có cảm giác nóng rát ở lưỡi, loét góc miệng,…

Triệu chứng quá tải sắt:

Xét nghiệm sắt huyết thanh được yêu cầu khi sắt quá tải trong cơ thể, triệu chứng ở mỗi người là khác nhau, có thể gồm:

  • Đau khớp
  • Mất ham muốn tình dục
  • Đau bụng
  • Mệt mỏi, yếu
  • Thiếu năng lượng
  • Tim có vấn đề

Yêu cầu khi đi xét nghiệm

  • Xét nghiệm được thực hiện trên huyết thanh. Mẫu máu được lấy vào buổi sáng (trước 10h sáng).
  • Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 12h trước khi lấy máu xét nghiệm. Bệnh nhân không được dùng các chế phẩm bổ sung sắt trong vòng từ 24 – 48h trước khi lấy máu xét nghiệm.

Tham khảo thêm:

> Xét nghiệm urea máu là gì?
> Xét nghiệm Mỡ máu – Cholesterol toàn phần

Các yếu tố làm thay đổi kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh

  • Tăng giả tạo có thể xảy ra khi bệnh nhân dùng vitamin B12 trong vòng 48h trước khi lấy máu xét nghiệm hoặc mẫu bệnh phẩm bị tán huyết.
  • Nồng độ sắt huyết thanh dao động theo nhịp ngày đêm (cao nhất vào buổi sáng sớm, thấp hơn vào buổi chiều và thấp nhất vào gần nửa đêm). Tình trạng dao động này sẽ biến mất khi nồng độ sắt huyết thanh < 45 µg/dL.
  • Dùng dextran sắt, các thuốc chứa sắt (kể cả vitamin tổng hợp), thuốc viên ngừa thai sẽ có tăng nồng độ sắt huyết thanh.
  • Khi có tình trạng viêm và mẫu huyết thanh đục do tăng mỡ máu làm giảm giả tạo nồng độ sắt huyết thanh.
  • Các thuốc làm tăng nồng độ sắt huyết thanh: cefotaxim, chloramphenicol, estrogen, sulfat sắt,…
  • Các thuốc làm giảm nồng độ sắt huyết thanh: allopurinol, aspirin, hormon thượng thận, metformin, progestin, testosteron,…

Giá trị bình thường của sắt huyết thanh

  • Nam: 70 – 190 µg/dL hay 12,5 – 34,1 µmol/L.
  • Nữ: 60 – 190 µg/dL hay 10,7 – 34,1 µmol/L.
  • Nồng độ sắt thay đổi theo nhịp ngày đêm, cao nhất vào buổi sáng.

Tại sao giảm nồng độ sắt huyết thanh?

Nguyên nhân chính làm giảm nồng độ sắt huyết bao gồm:

  • Thiếu máu do thiếu sắt
  • Khẩu phần ăn thiếu sắt
  • Hội chứng giảm hấp thu
  • Mất máu qua đường tiêu hoá, sản phụ khoa, đường tiết niệu
  • Cơ thể tăng nhu cầu sắt: cơ thể đang phát triển, có thai, kinh nguyệt (mất 3 – 80mg trong mỗi chu kỳ), sau mổ,…

Tại sao tăng nồng độ sắt huyết thanh?

Nguyên nhân chính làm tăng nồng độ sắt huyết bao gồm:

  • Nhiễm thiết huyết tố do di truyền hay vô căn.
  • Tăng lắng đọng sắt trong mô do tăng khẩu phần sắt quá mức, ví du: truyền máu nhiều lần, sử dụng thuốc nhiều sắt.
  • Quá trình tạo hồng cầu suy giảm, ví dụ: thiếu máu bất sản, bệnh thalassemia, thiếu máu do thiếu pyrodoxin, viêm khớp dạng thấp.
  • Thiếu máu tán huyết.
  • Hoại tử tế bào gan, bệnh gan mạn.
  • Dùng thuốc ngừa thai có progesteron.
  • Trước khi hành kinh: tăng 10 – 30%.
  • Ngộ độc chì, ngộ độc sắt.
  • Thiếu máu ác tính biermer, đa hồng cầu.

◊◊◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
  • Sinh lý học y khoa, 2018, Bộ môn sinh lý – ĐHYD TPHCM.
  • Huyết học – truyền máu, 2009, TS.BSCKII. Hà Thị Anh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?