Trào ngược dạ dày là một bệnh lý phổ biến hiện nay, gây ra những triệu chứng khó chịu và dai dẳng, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày. Do đó, nhiều người thường tự hỏi “trào ngược dạ dày có tự khỏi được không?”. Nếu đó cũng là thắc mắc của bạn, vậy tìm hiểu ngay câu trả lời với endoclinic.vn ngay trong bài viết bên dưới nhé!
Lưu ý:
- Bài viết này sử dụng thuật ngữ Trào ngược dạ dày với mục đích tiếp cận được với nhiều bạn đọc hơn. Theo chuẩn chuyên môn, bệnh lý này có tên chính xác là Trào ngược dạ dày – thực quản.
- Thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để được tư vấn chính xác nhất, bạn nên đến phòng khám uy tín để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán.
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản có tự khỏi được không?
Bệnh trào ngược dạ dày sẽ không thể tự động khỏi bởi vì đây là một bệnh lý mạn tính phổ biến và cực kỳ dễ tái phát. Theo thống kê, có tới 70% trường hợp người bị trào ngược dạ dày tái phát bệnh chỉ trong vòng 1 năm.
Lý do bắt nguồn từ việc người bệnh không thể thay đổi thói quen lối sống của mình, ví dụ như thường xuyên ăn đêm, ăn đồ dầu mỡ, cay nóng, thức khuya, uống rượu bia, hút thuốc lá,… khiến bệnh lâu khỏi. Ngoài ra, một số người còn tự ý ngưng thuốc khiến bệnh xuất hiện trở lại.
Việc để bệnh trào ngược kéo dài dai dẳng là một rủi ro lớn, không những gây khó chịu kéo dài, mà nguy cơ bệnh tiến triển thành biến chứng ung thư thực quản là có. Chính vì thế, đừng chần chừ mà hãy đi khám và để bảo vệ sức khỏe bản thân.
> Xem thêm: Trào ngược dạ dày – thực quản có nguy hiểm không?
Bệnh trào ngược dạ dày có chữa được không?
Bệnh trào ngược dạ dày hoàn toàn có thể chữa được thông qua điều trị bằng thuốc ức chế axit dạ dày kết hợp với việc duy trì một lối sống lành mạnh. Việc tuân thủ phác đồ điều trị trào ngược dạ dày của bác sĩ cũng như duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp bệnh lý của bạn được kiểm soát tốt.
Trong nhiều trường hợp, nếu liệu trình bằng thuốc không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để can thiệp. Tuy nhiên, thông thường, phương pháp phẫu thuật chỉ là lựa chọn cuối cùng.
Điều trị trào ngược dạ dày bằng thuốc
Điều trị trào ngược dạ dày bằng thuốc là phương pháp được các bác sĩ lựa chọn phổ biến hiện nay. Các loại thuốc này có vai trò ức chế sự tiết axit trong dạ dày, cũng như giúp trung hòa lượng axit dư thừa. Nhờ đó mà các triệu chứng của trào ngược có thể được giảm nhẹ đáng kể.
4 loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày phổ biến:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
- Thuốc trung hòa acid (Antacid)
- Thuốc kháng histamin H2
- Thuốc điều hòa nhu động ruột (Prokinetic)
Kiểm soát trào ngược dạ dày tại nhà
Kiểm soát trào ngược dạ dày tại nhà cũng chính là kiểm soát các thói quen trong ăn uống và sinh hoạt khoa học hơn. Mục đích là để hạn chế việc tăng sản xuất axit dư thừa trong dạ dày từ đó sẽ kiểm soát bệnh tốt hơn.
Một số thói quen tốt trong ăn uống và sinh hoạt có thể áp dụng tại nhà:
- Ăn thành từng bữa nhỏ và chọn các thực phẩm dễ tiêu.
- Giảm sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, chua cay.
- Không hút thuốc, không uống rượu bia, đồ uống có gas, các chất kích thích.
- Giữ cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân.
- Không nằm hay vận động mạnh ngay sau khi ăn.
- Nằm nghiêng trái hoặc nằm ngửa với gối kê cao đầu và vai khi nằm ngủ.
Điều trị bệnh trào ngược dạ dày bao lâu thì khỏi?
Điều trị trào ngược dạ dày dài hoặc ngắn phụ thuộc vào rất nhiều vào tình trạng bệnh lý. Đối với những ca bệnh nhẹ, người bệnh có thể hoàn toàn bình phục trong khoảng 4 tuần. Còn khi bệnh đã tiến triển nặng hơn thì có thể mất từ 6 – 12 tuần, thậm chí là lâu hơn.
Bên cạnh đó, những yếu tố như tuân thủ đúng liệu trình, khả năng đáp ứng với thuốc cũng có tác động đến thời gian điều trị. Những người không duy trì lối sống tốt sẽ lâu khỏi bệnh hơn những người chuyên tâm rèn luyện sức khỏe. Một số người không đáp ứng tốt với thuốc trào ngược dạ dày có thể phải làm phẫu thuật, nếu không muốn uống thuốc cả đời.
Có thể thấy, tùy vào mỗi người mà thời gian điều trị sẽ khác nhau. Do đó, bạn hãy đến tham vấn với bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả nhất dành cho mình.
Bệnh trào ngược dạ dày có tái phát không?
Bệnh trào ngược dạ dày hoàn toàn có thể tái phát nếu như bạn tự ý ngưng điều trị hoặc vẫn tiếp tục giữ những thói quen không lành mạnh như ăn quá vội, ăn quá no, hút thuốc lá, rượu bia và luôn trong trạng thái căng thẳng,…
Vì thế, để kiểm soát trào ngược dạ dày hiệu quả, bệnh nhân cần nghiêm túc sử dụng thuốc theo đúng phác đồ, đồng thời duy trì các thói quen lành mạnh và khoa học để tránh bệnh lại tiếp tục tái phát, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Trên đây là những thông tin giúp giải đáp các thắc mắc về vấn đề trào ngược dạ dày có tự khỏi không. Bệnh trào ngược dạ dày là một bệnh lý mạn tính nên không thể tự khỏi. Tuy nhiên, thông qua việc thăm khám, tuân thủ điều trị và xây dựng lối sống lành mạnh, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh.
Trong trường hợp các triệu chứng trào ngược dạ dày lặp lại thường xuyên và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì Quý Cô chú, Anh chị bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị theo phác đồ phù hợp.
Câu hỏi thường gặp
Trào ngược dạ dày có tự khỏi không?
Trào ngược dạ dày không thể tự khỏi được vì đây là bệnh lý mạn tính. Người bệnh cần được thăm khám và điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ kết hợp với thay đổi lối sống thì mới có thể kiểm soát được bệnh.
Trào ngược dạ dày có chữa dứt điểm được không?
Trào ngược dạ dày là bệnh lý mạn tính và khó điều trị dứt điểm. Tuy nhiên bệnh có thể kiểm soát được nếu như bạn được bác sĩ thăm khám và điều trị sớm, tuân thủ theo phác đồ điều trị, kết hợp và duy trì lối sống lành mạnh.
Tài liệu tham khảo
- Clarrett DM, Hachem C. Gastroesophageal Reflux Disease (GERD). Mo Med. 2018;115(3):214-218.
- Katzka, D. A., & Kahrilas, P. J. (2020). Advances in the diagnosis and management of gastroesophageal reflux disease. BMJ, m3786.
- Hunt R, Armstrong D, Katelaris P, et al. World Gastroenterology Organisation Global Guidelines: GERD Global Perspective on Gastroesophageal Reflux Disease. J Clin Gastroenterol. 2017;51(6):467-478.
- Poonam Sachdev, MD. “How Long Does GERD Take to Heal?” MedicineNet, 27 Apr. 2022, https://www.medicinenet.com/how_long_does_gerd_take_to_heal/article.htm. Accessed 18 Jan. 2024.