ĂN NHANH NO
Tình trạng ăn nhanh no hay đầy bụng sớm dù chỉ với lượng thức ăn nhỏ kéo dài có thể gây thiếu hụt chất dinh dưỡng. Nguyên nhân gây ra triệu chứng ăn nhanh no có thể đến từ nhiều yếu tố như thói quen ăn uống hoặc các bệnh lý tiêu hóa.
TỔNG QUAN VỀ TRIỆU CHỨNG ĂN NHANH NO
Ăn nhanh no là tình trạng khá phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Nguyên nhân có thể do thức ăn, chế độ sinh hoạt và làm việc,… Tuy nhiên, nếu có cảm giác ăn nhanh no kéo dài thì Cô Bác, Anh Chị cần cảnh giác những nguyên nhân đến từ các bệnh lý khác gây ra.
Ăn nhanh no là gì?
Ăn nhanh no là cảm giác no sớm dù ăn ít thức ăn hơn khẩu phần ăn bình thường. Nếu cố gắng ăn đủ bữa người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác như đầy bụng, đau thượng vị, buồn nôn và nôn. Triệu chứng ăn nhanh no có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bất thường ở dạ dày – tá tràng như viêm loét, bị nhiễm khuẩn Hp hoặc thậm chí các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư tiêu hóa hay bệnh đái tháo đường. Một số tình trạng dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu máu nếu không được điều trị kịp thời.
Lượng calo cần tiêu thụ mỗi ngày để duy trì mức độ dinh dưỡng phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Độ tuổi
- Chiều cao, cân nặng
- Giới tính
- Mức độ hoạt động
- Gen
Tình trạng ăn nhanh no không kèm theo các triệu chứng khác có thể thường gặp ở người chán ăn tâm thần, suy dinh dưỡng hoặc có chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh. Tuy nhiên, tình trạng ăn nhanh no kéo dài thường xuyên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thiếu hụt chất dinh dưỡng, đói và lâu lành vết thương.
Nguyên Nhân Ăn Nhanh NoNGUYÊN NHÂN GÂY RA TRIỆU CHỨNG ĂN NHANH NO LÀ GÌ?
Bất cứ tình trạng bất thường nào ở hệ tiêu hóa gây cản trở việc làm rỗng dạ dày đều có thể khiến người bệnh cảm thấy ăn nhanh no. Nguyên nhân phổ biến gây ra triệu chứng ăn nhanh no bao gồm sẹo hoặc tắc nghẽn đầu ra dạ dày (hẹp môn vị phì đại). Ngoài ra, thói quen ăn uống và các bệnh lý tiêu hóa cũng ảnh hưởng đến chứng nhanh no. Đôi khi, điều chỉnh lại tư thế ngồi hoặc nằm có thể giúp cải thiện cảm giác ăn nhanh no, đầy bụng.
NGUYÊN NHÂN ĐẾN TỪ THÓI QUEN ĂN UỐNG, SINH HOẠT HẰNG NGÀY
Một số thói quan ăn uống không lành mạnh dễ gây ra các triệu chứng ăn nhanh no, bao gồm:
- Ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng hoặc sôcôla.
- Uống thức uống có gas, bia rượu hoặc uống nhiều cà phê.
- Thường xuyên hút thuốc lá.
- Ăn uống quá nhanh.
- Căng thẳng, stress.
- Một số loại thuốc có thể gây cảm giác no sớm như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc bổ sung sắt.
ĂN NHANH NO LÀ TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH LÝ GÌ?
Tình trạng ăn nhanh no kéo dài và diễn ra thường xuyên có thể do bệnh lý tiêu hóa. Đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe cần được thăm khám ngay. Một số bệnh lý điển hình bởi triệu chứng ăn nhanh no bao gồm:
- Bệnh liệt dạ dày.
- Ung thư.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD).
- Loét dạ dày – tá tràng.
- Hẹp môn vị.
- Bệnh táo bón.
- Gan to.
- Cổ trướng (báng bụng).
Bệnh liệt dạ dày
Bệnh liệt dạ dày là nguyên nhân phổ biến gây triệu chứng ăn nhanh no. Liệt dạ dày là tình trạng các cơ co thắt của dạ dày hoạt động không bình thường làm cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi đó, dạ dày sẽ không co bóp, nghiền nát thức ăn hoặc đưa thức ăn xuống ruột non bình thường. Lúc này thức ăn ở lại lâu hơn trong dạ dày gây triệu chứng ăn nhanh no, buồn nôn, nôn, đầy hơi, ợ nóng, đau dạ dày, chán ăn,…
Theo Viện Quốc gia về Bệnh Tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận của Hoa Kỳ (NIDDK), bệnh đái tháo đường là nguyên nhân chính gây liệt dạ dày. Bệnh đái tháo đường gây tổn thương dây thần kinh điều khiển hoạt động của dạ dày. Một số bệnh lý khác có thể dẫn đến biến chứng liệt dạ dày, bao gồm:
- Bệnh Parkinson.
- Đa xơ cứng.
- Người biếng ăn hoặc ăn vô độ.
- Tiền sử phẫu thuật đường ruột.
- Lạm dụng một số loại thuốc.
Ung thư tiêu hóa
Ăn nhanh no cũng là một trong 10 triệu chứng phổ biến của các bệnh lý ung thư hoặc tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư. Cảm giác no sớm ở người bệnh ung thư có xu hướng đi kèm với sụt cân, chán ăn và thay đổi khẩu vị. Một số bệnh lý ung thư gây triệu chứng ăn nhanh no, bao gồm:
- Ung thư dạ dày: hình thành khối u ở dạ dày gây cảm giác no sớm, chứng khó tiêu, buồn nôn, nôn ói và đầy hơi sau khi ăn.
- Ung thư ruột non, ung thư tá tràng: hình thành các khối u trong ruột non khiến người bệnh có cảm giác nhanh no, đầy bụng. Các triệu chứng khác của bệnh ung thư tá tràng bao gồm đau bụng, buồn nôn, sụt cân và chảy máu đường tiêu hóa trên.
- Ung thư tuyến tụy: đôi khi gây cảm giác no sớm. Tuyến tụy là cơ quan nằm phía sau dạ dày, có chức năng hỗ trợ tiêu hóa. Đau bụng sau lưng, chán ăn, sụt cân, vàng da và mắt có thể là dấu hiệu của một khối u trong tuyến tụy.
Tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ cũng giúp bệnh nhân phát hiện ung thư giai đoạn sớm, giúp ngăn ngừa và điều trị hiệu quả hơn.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn chức năng tiêu hoá ở đại – trực tràng. Triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng ruột kích thích là thay đổi tần suất đi tiêu. Ngoài ra, hội chứng ruột kích thích có thể kèm theo các dấu hiệu, triệu chứng khác như:
- Cảm giác ăn nhanh no.
- Đau bụng, co thắt cơ bụng hoặc chướng bụng.
- Nhu động ruột thay đổi bất thường.
- Thường bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
Trào ngược dạ dày – thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là tình trạng dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản.
Trào ngược axit dạ dày làm kích ứng niêm mạc thực quản gây ợ nóng, ợ trớ và ăn nhanh no. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, bao gồm:
- Cảm giác nóng rát ở ngực (ợ nóng), thường là sau khi ăn, có thể nặng hơn vào ban đêm.
- Ợ trớ.
- Tức ngực.
- Khó nuốt.
- Khó tiêu do axit.
- Khó thở, ho khan.
- Buồn nôn, nôn.
- Miệng tiết nhiều nước bọt, hôi miệng, mòn men răng.
Loét dạ dày – tá tràng
Loét dạ dày - tá tràng là các vết loét phát triển trong dạ dày và đoạn đầu của tá tràng. Các tổn thương này do axit ăn mòn hoặc do vi khuẩn Helicobacter pylori phát triển ở lớp niêm mạc (lớp trong cùng của dạ dày – tá tràng). Các tổn thương này ăn sâu vào từ đó để lộ lớp cơ niêm (lớp dưới thành dạ dày – tá tràng) và hình thành vết loét. Các triệu chứng kèm theo chứng ăn nhanh no ở người bệnh loét dạ dày – tá tràng, bao gồm:
- Đau bụng vùng thượng vị hoặc đau bụng trên rốn kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Các cơn đau có thể xuất hiện trong khi ngủ hoặc khi vừa thức giấc.
- Đau bụng khi nhịn ăn và hết đau sau khi ăn hoặc sử dụng thuốc ức chế axit.
- Cảm giác đầy hơi, chướng bụng, ợ chua, ợ nóng.
- Buồn nôn, nôn ói sau khi ăn, có thể nôn ra máu.
- Xuất huyết dạ dày khiến phân có màu đen hoặc có máu lẫn trong phân.
- Rối loạn tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy.
- Cảm thấy khó thở, mệt mỏi, chán ăn.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Đau vùng bụng sau đó lan tới lưng hoặc từ rốn đến giữa ngực.
- Tức ngực.
Hẹp môn vị
Hẹp môn vị là tình trạng tắc nghẽn đường lưu thông thức ăn, dịch dạ dày xuống tá tràng. Thức ăn bị ứ đọng lại trong dạ dày không xuống ruột được hoặc xuống rất hạn chế gây triệu chứng chán ăn, ăn nhanh no. Bệnh loét dạ dày – tá tràng, polyp môn vị, hang vị tụt xuống chặn môn vị, sẹo cơ hang vị,… là những nguyên nhân gây hẹp môn vị.
Bệnh táo bón
Bệnh táo bón là tình trạng đi tiêu khó khăn phải rặn nhiều hoặc giảm tần suất đại tiện, phân cứng. Táo bón gây cảm giác đi tiêu không hết phân. Phân nằm lâu trong ruột khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, bụng căng tức, muốn đi ngoài nhưng gặp nhiều khó khăn, cảm giác ăn nhanh no.
Một số nguyên nhân chính thường dẫn đến táo bón, bao gồm:
- Mất nước, không cung cấp đủ nước cho cơ thể, mất cân bằng điện giải.
- Chế độ ăn uống không đầy đủ chất xơ.
- Sử dụng các loại thực phẩm cơ thể không có khả năng dung nạp.
- Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai.
- Rối loạn tiêu hóa chức năng.
- Thiếu hụt chất dinh dưỡng như magie.
- Lạm dụng một số loại thuốc.
> Tìm hiểu thêm: Cách điều trị táo bón hiệu quả
Gan to
Gan to là tình trạng tăng kích thước của lá gan bên trong ổ bụng, gợi ý các bệnh lý nghiêm trọng như viêm gan virus mãn tính, xơ gan, suy tim sung huyết. Các triệu chứng xuất hiện cùng chứng gan to như:
- Đau bụng, đau bụng âm ỉ vùng bụng góc 1/4 trên phải.
- Chán ăn, ăn nhanh no.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Đau nhức cơ.
- Vàng da và vàng kết mạc mắt.
- Nước tiểu màu vàng đậm.
- Phân bạc màu.
- Xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng.
Cổ trướng
Cổ trướng (báng bụng) là tình trạng bụng phình to do chứa quá nhiều dịch trong khoang bụng, còn được gọi là hiện tượng tràn dịch màng bụng. Các bệnh lý về gan như xơ gan, viêm gan, ung thư gan là nguyên nhân phổ biến gây cổ trướng. Các triệu chứng cổ trướng có thể xuất hiện muộn hoặc đột ngột tùy thuộc vào nguyên nhân tích tụ dịch trong khoang bụng, bao gồm:
- Bụng phình to (sưng), trọng lượng cơ thể tăng đột ngột.
- Khó thở khi nằm xuống.
- Chán ăn, ăn nhanh no.
- Ợ nóng, đầy hơi.
- Đau bụng.
- Buồn nôn và nôn.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ tại cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng ăn nhanh no kéo dài và không thuyên giảm. Cô Bác, Anh Chị không nên tự mua thuốc uống hay cố gắng chịu đựng vì đây có thể là biểu hiện của một bệnh lý nghiêm trọng. Ngoài ra, triệu chứng này kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Các triệu chứng có thể cho thấy tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:
- Nôn ói, có hoặc không có máu.
- Tiêu ra phân đen.
- Đau bụng.
- Cảm lạnh, sốt.
- Sụt cân nhanh.
CÁC TRIỆU CHỨNG KÈM THEO CHỨNG ĂN NHANH NO LÀ GÌ
Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây bệnh và mức độ tổn thương mà cơ thể sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng kèm theo tình trạng ăn nhanh no khác nhau như đầy hơi, khó thở, buồn nôn, đau bụng, sốt cao,…
Các triệu chứng có thể xảy ra cùng với triệu chứng ăn nhanh no
Các triệu chứng kèm theo ăn nhanh no sẽ thay đổi tùy theo tình trạng bệnh, bao gồm:
- Khó nuốt.
- Ho khan.
- Viêm họng.
- Đầy hơi, ợ hơi, khó tiêu.
- Đau tức ngực.
- Khó thở.
- Buồn nôn, nôn ói.
- Đau bụng cấp tính hoặc đau bụng mạn tính.
- Tăng hoặc sụt cân không chủ đích.
- Đi ngoài phân đen.
- Sưng mắt cá chân.
- Vết thương khó lành.
Các triệu chứng nguy hiểm cần cấp cứu ngay
Cùng với ăn nhanh no, một số triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được chăm sóc y tế gồm:
- Đau ngực, tức ngực, tim đập nhanh và mạnh.
- Sốt cao.
- Gặp các trở ngại về hô hấp như thở gấp, thở khò khè, khó thở, nghẹt thở, thở không được,…
- Đau bụng dữ dội, đau quặn bụng không thể di chuyển.
- Đi ngoài phân đen hoặc có máu.
- Nôn ra máu.
Các triệu chứng nguy hiểm trên có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiêu hóa đã tiến triển nặng như loét dạ dày – tá tràng hoặc ung thư dạ dày. Vì vậy, Cô Bác, Anh Chị cần đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/trung tâm nội soi sớm nhất để được chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
CÁC PHƯƠNG TIỆN CHẨN ĐOÁN TRIỆU CHỨNG ĂN NHANH NO
Triệu chứng ăn nhanh no dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng tiêu hóa khác như đầy hơi, chướng bụng và chán ăn. Do đó, để chẩn đoán triệu chứng ăn nhanh no chính xác, bác sĩ sẽ kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng để xác định nguyên nhân gây bệnh, loại trừ bệnh lý liên quan, đồng thời đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ thu thập thông tin bệnh lý, tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng, tổn thương, nguyên nhân gây ra triệu chứng ăn nhanh no.
Cô Bác, Anh Chị cần khai báo rõ ràng, cụ thể và chi tiết tình trạng sức khỏe, các biểu hiện, triệu chứng, dấu hiệu, tần suất xuất hiện triệu chứng bệnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể cần thêm một số thông tin về tiền sử bệnh lý tiêu hóa, phẫu thuật đã được thực hiện và các loại thuốc đang sử dụng kể cả thực phẩm chức năng.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm, nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh để xác định tình trạng bệnh, nguyên nhân gây ra triệu chứng ăn nhanh no nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Xét nghiệm
Các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu và xét nghiệm phân có thể được bác sĩ yêu cầu.
- Xét nghiệm máu toàn phần (CBC): xác định nồng độ hồng cầu, bạch cầu giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng ống tiêu hóa, xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu máu.
- Xét nghiệm phân: giúp phát hiện máu ẩn trong phân của tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa, tìm ra những gene biến đổi có dấu hiệu là ung thư đại – trực tràng, xét nghiệm phân gồm có 3 loại là gFOBT, FIT và DNA.
Nội soi ống tiêu hóa
Phụ thuộc vào các triệu chứng và tiểu sử bệnh mà Cô Bác, Anh Chị có thể được chỉ định nội soi theo từng cơ quan hoặc toàn bộ ống tiêu hóa. Bác sĩ sẽ sử dụng dây soi có gắn camera độ phóng đại trên 500 lần, soi đến cấp độ tế bào kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để chẩn đoán chính xác và đồng nhất kết quả.
- Nội soi ống tiêu hóa trên (bao gồm nội soi thực quản, nội soi dạ dày và nội soi tá tràng) để kiểm tra trong lòng thực quản, dạ dày và tá tràng.
- Nội soi ống tiêu hóa dưới (nội soi đại – trực tràng) để kiểm tra đại – trực tràng gồm nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng toàn bộ.
- Nội soi viên nang.
Nội soi là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.
Chẩn đoán hình ảnh
Bác sĩ có thể chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh và đánh giá chức năng dạ dày, bao gồm:
- Chụp X-quang: để bác sĩ quan sát hình ảnh toàn bộ thực quản, dạ dày và tá tràng, chẩn đoán bệnh liệt dạ dày. Phương pháp này hạn chế về khả năng chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày – thực quản nhưng giúp loại trừ các tình trạng bệnh lý khác như viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng.
- Siêu âm bụng: kỹ thuật hình ảnh sử dụng sóng âm thanh để tìm kiếm các bất thường bên trong dạ dày.
- Chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ ổ bụng: đối với những bệnh nhân mắc chứng táo bón, đã từng phẫu thuật bụng hoặc chứng rối loạn chức năng ruột non.
- Chụp cắt lớp dạ dày: người bệnh nuốt thức ăn (lỏng hoặc rắn) có chứa thuốc phóng xạ phát bức xạ gamma. Dùng thiết bị xạ hình thích hợp chụp hình động và định lượng các chỉ số thời gian, tỷ lệ % hoạt độ phóng xạ từ dạ dày đã chuyển xuống ruột non hoặc hoạt độ phóng xạ còn lại trong dạ dày theo từng thời điểm. Kỹ thuật giúp đánh giá chức năng co bóp của dạ dày thể hiện qua thời gian chuyển toàn bộ thức ăn từ dạ dày vào hết ruột non.
- Xét nghiệm hơi thở dạ dày – GE breath test (GEBT): test hơi thở đánh giá liệt dạ dày được FDA chấp thuận trong chẩn đoán liệt dạ dày, không xâm lấn, giá thành thấp hơn xạ hình và không tiếp xúc phóng xạ.
- Kiểm tra SmartPill GI: sử dụng viên nang uống có chứa các cảm biến (sensors) giúp đo nồng độ pH, áp suất, nhiệt độ trong toàn bộ hệ tiêu hóa và tốc độ di chuyển của thức ăn từ dạ dày xuống đường ruột.
BIẾN CHỨNG TRIỆU CHỨNG ĂN NHANH NO
Tình trạng ăn nhanh no kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần khiến cơ thể thiếu hụt calo và chất dinh dưỡng như chất đạm, sắt, vitamin B-12, axit folic, canxi. Thiếu chất dinh dưỡng gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm:
- Sụt cân không chủ đích.
- Mệt mỏi, suy nhược, giảm vận động.
- Lớp cơ lỏng lẻo.
- Dễ mắc bệnh lý nhiễm trùng do sức đề kháng giảm.
- Suy giảm chức năng thần kinh và cơ quan khác.
- Thiếu máu.
- Loãng xương.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG ĂN NHANH NO
Phương pháp điều trị triệu chứng ăn nhanh no sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Bác sĩ sẽ khuyến nghị thay đổi lối sống và chế độ ăn uống một cách lành mạnh, hợp lý, khoa học hơn. Đồng thời, một số loại thuốc hỗ trợ cũng sẽ được chỉ định giúp cho quá trình điều trị nhanh chóng hơn.
Bệnh nhân cũng không nên lạm dụng thuốc và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Một số phương pháp điều trị chung cho chứng ăn nhanh no, bao gồm:
- Ăn nhiều, chia nhỏ các phần ăn trong mỗi bữa.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm có chứa chất béo và chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa.
- Ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, mềm, lỏng như cháo hoặc súp, canh.
- Sử dụng thuốc giảm triệu chứng khó chịu ở dạ dày như metoclopramide, thuốc chống nôn hoặc erythromycin.
- Sử dụng thuốc kích thích cảm giác thèm ăn.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện những thủ thuật can thiệp như:
- Kích thích dạ dày bằng điện (gastric electrical stimulation): thủ thuật gửi các xung điện nhỏ đến dạ dày để kiểm soát triệu chứng buồn nôn hoặc nôn.
- Đặt ống thông mũi – dạ dày: phương pháp đưa ống mỏng dẫn thức ăn lỏng từ mũi xuống thực quản vào dạ dày.
- Nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn (TPN): phương pháp sử dụng một ống thông để cung cấp dinh dưỡng lỏng trực tiếp đến tĩnh mạch trong lồng ngực.
- Đặt ống thông hỗng tràng qua da: bác sĩ phẫu thuật nội soi sẽ đặt ống thông qua một lỗ nhỏ trên bụng dẫn vào hỗng tràng. Thức ăn được bơm vào ống dẫn vào hỗng tràng, một phần của ruột non. Phương pháp đặt ống thông hỗng tràng chỉ được thực hiện ở bệnh nhân có tình trạng tiêu hóa cực kỳ nghiêm trọng.
CÂU HỎI TỔNG HỢP
Ăn nhanh no là cảm giác no sớm dù ăn ít thức ăn hơn khẩu phần ăn bình thường. Nếu cố gắng ăn đủ bữa người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác như đầy bụng, đau thượng vị, buồn nôn và nôn. Triệu chứng ăn nhanh no có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bất thường ở dạ dày – tá tràng như viêm loét, bị nhiễm khuẩn Hp hoặc thậm chí các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư tiêu hóa hay bệnh đái tháo đường. Một số tình trạng dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu máu nếu không được điều trị kịp thời.
Bất cứ tình trạng bất thường nào ở hệ tiêu hóa gây cản trở việc làm rỗng dạ dày đều có thể khiến người bệnh cảm thấy ăn nhanh no. Nguyên nhân phổ biến gây ra triệu chứng ăn nhanh no bao gồm sẹo hoặc tắc nghẽn đầu ra dạ dày (hẹp môn vị phì đại). Ngoài ra, thói quen ăn uống và các bệnh lý tiêu hóa cũng ảnh hưởng đến chứng nhanh no. Đôi khi, điều chỉnh lại tư thế ngồi hoặc nằm có thể giúp cải thiện cảm giác ăn nhanh no, đầy bụng.
Tình trạng ăn nhanh no kéo dài và diễn ra thường xuyên có thể do bệnh lý tiêu hóa. Đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe cần được thăm khám ngay. Một số bệnh lý điển hình bởi triệu chứng ăn nhanh no bao gồm:
- Bệnh liệt dạ dày.
- Ung thư.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD).
- Loét dạ dày – tá tràng.
- Hẹp môn vị.
- Bệnh táo bón.
- Gan to.
- Cổ trướng (báng bụng).
Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây bệnh và mức độ tổn thương mà cơ thể sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng kèm theo tình trạng ăn nhanh no khác nhau như đầy hơi, khó thở, buồn nôn, đau bụng, sốt cao,…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
- Fletcher, Jenna. Early satiety: Why do I feel full so quickly? Biên tập bởi Saurabh Sethi. 19 11 2019. https://www.medicalnewstoday.com/articles/327048 (đã truy cập 09 08, 2021).
- Lights, Verneda. Everything You Should Know About Early Satiety. 19 07 2019. https://www.healthline.com/health/satiety-early (đã truy cập 09 08, 2021).
- McKenna, Jon. Early Satiety: Why Do I Feel So Full After a Few Bites? 05 05 2021. https://www.webmd.com/digestive-disorders/early-satiety (đã truy cập 09 08, 2021).
- National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (NIDDK). Gastroparesis. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/gastroparesis (đã truy cập 09 08, 2021).
TIN SỨC KHỎE
Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.
ĐỐI TÁC
ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA
Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng
Endo Clinic
Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư
THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H)
VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H)