ĐAU BỤNG
Đau bụng là một triệu chứng rất phổ biến, liên quan đến nhiều loại bệnh, thường xảy ra ở phía dưới xương sườn và phía trên xương chậu. Đôi khi, nguyên nhân đau bụng là do ăn quá no hoặc ăn quá nhiều một số loại thực phẩm giàu chất béo,… các cơn đau thường khỏi trong vài giờ hoặc kéo dài vài ngày. Đau bụng thường không nguy hiểm, nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo Cô Bác, Anh Chị cần chú ý đến vấn đề ăn uống hơn.
ĐAU BỤNG LÀ GÌ?
Đau bụng (tên tiếng Anh: abdominal pain) là cảm giác đau hay khó chịu ở vùng bụng phía dưới xương sườn và phía trên xương chậu. Cảm giác đau xuất phát từ các cơ quan trong ổ bụng hoặc các cơ quan tiếp giáp với bụng. Đau là do các cơ quan viêm, căng giãn hoặc do mất máu cung cấp cho cơ quan đó.
Ngoài ra, trong hội chứng ruột kích thích (IBS), đau bụng có thể bắt nguồn từ sự co thắt của các cơ ruột hoặc tình trạng nhạy cảm bất thường của ruột.
NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU BỤNGĐau bụng có thể chỉ là dấu hiệu bình thường, hoặc cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm.
PHÂN LOẠI ĐAU BỤNG
Dựa vào thời gian, tính chất và mức độ của các cơn đau, đau bụng được chia thành hai nhóm chính là đau bụng cấp tính và đau bụng mạn tính.
Đau bụng cấp tính
Đau bụng cấp tính là tình trạng đau bụng khởi phát và xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn, thường hết trong vài giờ cho đến vài ngày. Đây có thể là một cơn đau mới hoặc sự tăng lên của một cơn đau mạn tính. Tuy nhiên, một cơn đau cấp tính, dữ dội có thể liên quan vấn đề ngoại khoa cần phẫu thuật cấp cứu, vì vậy cần đặc biệt lưu ý.
Đánh giá bệnh nhân đau bụng cấp cần khai thác bệnh sử và thăm khám cẩn thận bởi một bác sĩ có kinh nghiệm, kết hợp với các phương tiện chẩn đoán chọn lọc.
Đau bụng cấp là vấn đề ngoại khoa tổng quát phổ biến nhất tại phòng cấp cứu. Tuy không phải tất cả các trường hợp đau bụng cấp đều cần phẫu thuật, nhưng khi có một cơn đau bụng cấp, vấn đề được đặt ra là phải xác định xem có phải là bệnh lý ngoại khoa cần phẫu thuật cấp cứu hay không.
NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU BỤNG CẤP TÍNHĐau bụng mạn tính
NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU BỤNG MẠN TÍNHĐau bụng mạn tính là tình trạng đau kéo dài dai dẳng trên 3 tháng và tái phát liên tục ở bất cứ vị trí nào trong bụng, bao gồm các khu vực ở phần bụng phía dưới xương sườn cho tới phía trên xương chậu. Cảm giác đau xuất phát từ các cơ quan trong ổ bụng hoặc các cơ quan tiếp giáp với bụng. Nguyên nhân đau bụng mạn tính do các bệnh lý phức tạp ở hệ tiêu hóa và thường khó khăn trong việc chẩn đoán.
So với đau bụng cấp tính, thời gian đau bụng mạn tính thường kéo dài hơn.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU BỤNG PHÂN LOẠI THEO THỜI GIAN MẮC
Đau bụng có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy vào triệu chứng đau bụng xuất hiện đột ngột, cấp tính hoặc kéo dài mạn tính mà bệnh nhân có thể nhận biết được nguyên nhân gây ra. Cụ thể:
Nguyên nhân đau bụng cấp tính
Nguyên nhân gây đau bụng cấp tính sẽ bao gồm các tình trạng nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị, cho đến các trường hợp cấp cứu y tế nghiêm trọng.
Các nguyên nhân đau bụng cấp tính bao gồm:
- Chứng phình động mạch chủ bụng.
- Viêm ruột thừa.
- Viêm đường mật (viêm ống mật).
- Viêm túi mật.
- Viêm bàng quang.
- Nhiễm toan ceton do đái tháo đường.
- Viêm túi thừa.
- Viêm tá tràng (viêm ở phần đầu tiên của ruột non).
- Mang thai ngoài tử cung.
- Ứ phân.
- Đau tim.
- Chấn thương.
- Tắc ruột.
- Lồng ruột (ở trẻ em).
- Nhiễm trùng thận (viêm thận).
- Sỏi thận.
- Áp xe gan (túi chứa đầy mủ trong gan).
- Thiếu máu cục bộ mạc treo (giảm lưu lượng máu đến ruột).
- Viêm hạch mạc treo.
- Huyết khối mạc treo.
- Viêm tụy.
- Viêm màng ngoài tim (viêm mô xung quanh tim).
- Viêm phúc mạc (nhiễm trùng niêm mạc bụng).
- Viêm màng phổi (viêm màng bao quanh phổi).
- Viêm phổi.
- Nhồi máu phổi.
- Lá lách vỡ.
- Viêm ống dẫn trứng.
- Viêm mạc treo xơ hóa.
- Bệnh zona.
- Nhiễm trùng lá lách.
- Áp xe lách (túi chứa đầy mủ trong lá lách).
- Rách đại tràng.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
- Viêm dạ dày do virus (cúm dạ dày).
Nguyên nhân gây đau bụng mạn tính
Đau bụng mạn tính là tình trạng đau kéo dài hơn 3 tháng, có thể là đau liên tục hoặc đau từng cơn. Nguyên nhân của tình trạng này có thể đến từ các tổn thương ở ống tiêu hóa, hay đến từ các cơ quan khác như gan – mật – tuỵ.
Các tình trạng có thể gây đau bụng mạn tính bao gồm:
- Đau thắt ngực (giảm lưu lượng máu đến tim).
- Bệnh Celiac.
- Lạc nội mạc tử cung.
- Chứng khó tiêu chức năng.
- Sỏi mật.
- Viêm dạ dày (viêm niêm mạc dạ dày).
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Thoát vị khe hoành.
- Thoát vị bẹn.
- Hội chứng ruột kích thích.
- Hội chứng Mittelschmerz.
- U nang buồng trứng.
- Bệnh viêm vùng chậu (PID).
- Loét dạ dày tá tràng.
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- Căng hoặc kéo cơ bụng.
- Viêm loét đại tràng.
Rất khó để xác định chính xác nguyên nhân dấu hiệu đau bụng mạn tính gây ra.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU BỤNG PHÂN LOẠI THEO BỆNH LÝ
Bụng là vị trí chứa nhiều cơ quan như: Gan, túi mật, tụy, dạ dày, niệu quản, ruột thừa, trực tràng, đại tràng… Chính vì thế, triệu chứng đau bụng có thể xuất phát từ bệnh lý ở bất kỳ cơ quan nào. Dưới đây là một số bệnh lý điển hình gây ra triệu chứng đau bụng:
Đầy hơi
Dạ dày và ruột tạo ra khí khi chúng phân hủy thức ăn. Một số người và một số loại thực phẩm tạo ra nhiều khí hơn những người khác. Các triệu chứng của đầy hơi bao gồm đau bụng, chướng bụng, tiếng ồn ở bụng (sôi bụng), ợ hơi và xì hơi. Đầy hơi không phải là một bệnh lý, nhưng nếu cảm thấy khó chịu, người bệnh có thể thử dùng thuốc kháng axit không kê đơn hoặc viên thuốc Alpha – Galactosidase. Các thuốc này giúp phân hủy các chất đường gây đầy hơi. Chế độ ăn uống loại trừ có thể giúp Cô Bác, Anh Chị xác định thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm gây đầy hơi.
Khó tiêu
Các triệu chứng bao gồm đau bụng và cảm giác nóng rát, ợ chua, đầy bụng và ợ hơi. Cô Bác, Anh Chị có thể cảm thấy các triệu chứng đau bụng khó tiêu ở vùng bụng trên nhiều hơn vùng bụng dưới. Biện pháp khắc phục chứng khó tiêu tại nhà tương tự với biện pháp điều trị đầy hơi, bao gồm thuốc kháng axit và thay đổi chế độ ăn uống. Thuốc ức chế axit có thể cần thiết cho chứng khó tiêu và ợ chua thường xuyên hoặc mạn tính tương tự như bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
Viêm dạ dày
Tình trạng viêm niêm mạc dạ dày có thể gây ra đau bụng dưới và giữa rốn kèm theo triệu chứng buồn nôn. Viêm dạ dày có thể tự khỏi tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Cúm dạ dày có thể tự khỏi sau 24 – 48 giờ, có thể lâu hơn đối với bệnh viêm dạ dày không do virus. Chưa có phương pháp điều trị cúm dạ dày cụ thể. Uống đồ uống thể thao không chứa caffeine, nước canh hoặc dung dịch bù nước để ngăn ngừa mất nước. Hạn chế ăn trong 24h sau khi phát hiện bệnh có thể giúp ổn định dạ dày.
Loét dạ dày – tá tràng
Xảy ra ở dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Loét dạ dày – tá tràng có thể gây đau bụng dữ dội, nóng rát, buồn nôn và chán ăn. Thuốc kháng sinh, thuốc ức chế axit, thuốc chặn axit hoặc thuốc ức chế bơm proton là phương pháp điều trị hiệu quả cho hầu hết các vết loét dạ dày – tá tràng.
Tắc ruột
Đau quặn từng cơn tại bụng. Bụng chướng to dần, nôn nhiều, bí trung đại tiện. Tắc ruột có thể dẫn đến rách ruột và nhiễm trùng nếu không được điều trị kịp thời.
Táo bón
Là một tình trạng rất phổ biến. Người bệnh có thể không đi tiêu thường xuyên như bình thường hoặc khó đi tiêu. Đối với táo bón nhẹ, các phương pháp điều trị táo bón tại nhà bao gồm uống nước ép mận khô, uống nhiều nước và uống thuốc làm mềm phân.
Bệnh viêm ruột
Bệnh viêm ruột – IBD như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng: là một tình trạng mạn tính đặc trưng bởi đau quặn bụng, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy và sụt cân. Các triệu chứng có thể đến và biến mất. Thuốc kê đơn có thể làm dịu các triệu chứng và giảm các cơn bùng phát.
Viêm ruột thừa
Dấu hiệu ban đầu của viêm ruột thừa là đau ở quanh rốn hay đau vùng thượng vị, sau lan xuống hố chậu phải kèm sốt. Viêm ruột thừa là bệnh cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, ruột thừa bị viêm và nhiễm trùng có thể bị vỡ, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Viêm túi thừa
Biểu hiện phổ biến là đau bụng dưới bên trái. Cơn đau do viêm túi thừa có thể dữ dội kết hợp với sốt, ớn lạnh, buồn nôn và có thể đi cầu ra máu. Các biến chứng của bệnh gồm áp xe và thủng vì vậy người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu có dấu hiệu của viêm túi thừa.
Viêm đại tràng
Là tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm bất kỳ phần nào của ruột kết (đại tràng). Viêm đại tràng ít nghiêm trọng hơn viêm loét đại tràng (UC). Viêm loét đại tràng là bệnh lý mạn tính, kéo dài suốt đời. Thuốc kháng sinh có thể chữa khỏi viêm đại tràng do vi khuẩn và viêm đại tràng do virus thường sẽ tự khỏi.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích – IBS: Các triệu chứng của IBS bao gồm đau bụng, đầy hơi và chuột rút, cùng với táo bón hoặc tiêu chảy. IBS là một tình trạng phổ biến có thể được kiểm soát bằng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống.
Bệnh Celiac
Dấu hiệu bệnh gồm đầy hơi kèm đau bụng, tiêu chảy, sụt cân và mệt mỏi. Bệnh Celiac là bệnh lý mạn tính, qua trung gian miễn dịch khiến cơ thể phản ứng quá mức với gluten và làm tổn thương lớp niêm mạc của ruột non. Hiện nay chưa có cách chữa khỏi bệnh Celiac nhưng loại trừ gluten khỏi chế độ ăn uống là điều bắt buộc.
Ung thư đại – trực tràng
Có thể gây đau bụng nhưng biểu hiện này thường không phổ biến. Các triệu chứng cũng có thể bao gồm mệt mỏi, có máu trong phân, thay đổi thói quen đi tiêu, đầy hơi và xì hơi. Tầm soát ung thư đại tràng định kỳ giúp Cô Bác, Anh Chị nhận biết nguy cơ gây ung thư ở giai đoạn sớm để có phương pháp can thiệp kịp thời.
Không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng
Dị ứng thực phẩm là một phản ứng miễn dịch, có thể gây ra một loạt các triệu chứng khắp cơ thể. Ngược lại, các triệu chứng không dung nạp thực phẩm thường khu trú và giới hạn ở đường tiêu hóa. Các xét nghiệm dị ứng và chế độ ăn loại trừ có thể giúp thu hẹp nguyên nhân gây đau bụng và các triệu chứng khác, chẳng hạn như hen suyễn.
Ngộ độc thực phẩm
Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc thực phẩm bao gồm đau bụng hoặc chuột rút (có thể nghiêm trọng), tiêu chảy kèm nôn mửa, có thể bị sốt, suy nhược và các triệu chứng về da. Hầu hết các trường hợp đều nhẹ và không cần điều trị y tế ngoài việc ngăn ngừa mất nước. Người bệnh cần uống thuốc kháng sinh để điều trị ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng do vi khuẩn, chẳng hạn như E. coli.
Sỏi mật
Đau bụng trên bên phải là dấu hiệu kinh điển của bệnh sỏi mật, đặc biệt là sau khi ăn xong. Thuốc có thể làm tan sỏi mật nhỏ, nhưng cắt bỏ túi mật là phương pháp điều trị phổ biến nhất.
Bệnh gan như viêm gan, xơ gan, suy gan
Bệnh gan như viêm gan, xơ gan, suy gan: Lúc đầu, các triệu chứng có thể bị nhầm với chứng khó tiêu hoặc cúm dạ dày. Tuy nhiên các triệu chứng bệnh gan sẽ kéo dài, người bệnh có thể bị vàng da, chán ăn và mệt mỏi. Dù một số tình trạng gan có thể tự khỏi nhưng Cô Bác, Anh Chị nên đi khám bác sĩ để xác định tình trạng sức khỏe và điều trị kịp thời.
Viêm tụy
Biểu hiện điển hình là cảm giác đau bụng dữ dội như chuột rút ở phần trên và trung tâm của bụng. Cơn đau có thể lan ra sau bên trái hoặc bên phải kèm theo sốt, buồn nôn và vàng da. Điều trị viêm tụy thường bao gồm thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch và các thủ thuật khác để ngăn ngừa biến chứng.
Các nguyên nhân gây đau bụng khác
Bên cạnh các nguyên nhân vừa kể trên, triệu chứng đau bụng còn xuất hiện do các yếu tố khác, bao gồm:
Viêm tuyến tiền liệt:
Nam giới bị viêm tuyến tiền liệt có thể bị đau khi đi tiêu, đau tinh hoàn, bí tiểu kèm theo đau bụng.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục:
Đau do STDs thường liên quan đến vùng bụng dưới hoặc vùng xương chậu và có thể xảy ra khi giao hợp. Cùng với đau vùng chậu, các triệu chứng bao gồm từ các triệu chứng ngoài da đến tiểu buốt, tiết dịch âm đạo hoặc dương vật.
Tác dụng của một số loại thuốc:
Một số loại thuốc ví dụ như thuốc chống ung thư, thuốc kháng sinh, natri phosphat,… có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng. Điển hình thuốc chống viêm NSAIDs có thể gây ra tình trạng viêm dạ dày – tá tràng, có thể dẫn đến triệu chứng đau bụng.
Tiếp xúc với chất độc:
Hóa chất độc, cây độc và côn trùng độc cắn có thể gây đau bụng và nhiều triệu chứng khác liên quan đến da, phổi, não và thần kinh.
Chấn thương vùng bụng:
Tổn thương các cơ quan hoặc mạch máu trong ổ bụng có thể dẫn đến chảy máu trong, ngay cả khi không có dấu hiệu chấn thương từ bên ngoài.
Các bệnh lý phụ khoa:
Những bệnh lý phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, u xơ tử cung cũng là nguyên nhân gây ra các cơn đau bụng ở phụ nữ.
Đau bụng gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý và sinh hoạt hàng ngày.
CÁC VỊ TRÍ ĐAU BỤNG VÀ NGUYÊN NHÂN
Vị trí đau bụng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm mà Quý Khách không nên xem nhẹ, cần phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Dưới đây là một số vị trí của cơn đau bụng có thể cho biết nguyên nhân gây ra tình trạng này:
Đau bụng trên
– Hạ sườn phải:
- Viêm túi mật.
- Viêm đường mật.
- Viêm gan, áp xe gan, ung thư gan.
- Loét tá tràng.
- Viêm đáy phổi phải.
- Áp xe dưới hoành.
– Thượng vị:
- Viêm loét dạ dày-tá tràng.
- Viêm thực quản.
- Chứng khó tiêu.
- Viêm tuỵ cấp.
- Phình động mạch chủ.
- Nhồi máu cơ tim.
– Hạ sườn trái:
- Loét dạ dày.
- Viêm tuỵ cấp.
- Vỡ lách/Nhồi máu lách.
- Viêm phổi.
- Áp xe dưới hoành.
Đau bụng dưới
– Hố chậu phải:
- Viêm ruột thừa.
- Viêm túi thừa.
- Viêm hạch mạc treo.
- Túi thừa Meckel.
- Viêm nhiễm vùng chậu.
- Bệnh Crohn.
- Sỏi niệu quản phải.
- Xoắn buồng trứng phải (nữ).
- Thai ngoài tử cung (nữ).
– Hạ vị:
- Viêm bàng quang.
- Viêm nhiễm vùng chậu.
- Viêm túi thừa.
- Thai ngoài tử cung (nữ).
- Viêm tiền liệt tuyến (nam).
– Hố chậu trái:
- Viêm túi thừa.
- Viêm nhiễm vùng chậu.
- Sỏi niệu quản trái.
- Táo bón.
- Hội chứng ruột kích thích.
- Xoắn buồng trứng trái (nữ).
- Thai ngoài tử cung (nữ).
Đau bụng bên trái
– Hông trái (ngang rốn):
- Bệnh lý thận, niệu quản bên trái: viêm đài bể thận cấp, sỏi niệu quản, áp xe quanh thận
- Viêm ruột.
Đau bụng bên phải
– Hông phải (ngang rốn):
- Bệnh lý thận, niệu quản bên phải: viêm đài bể thận cấp, sỏi niệu quản, áp xe quanh thận.
- Viêm ruột.
Đau bụng giữa
– Quanh rốn:
- Viêm ruột thừa giai đoạn đầu
- Viêm tuỵ cấp
- Viêm ruột
- Tắc ruột non
- Vỡ phình động mạch chủ bụng
- Thiếu máu mạc treo
- Thoát vị rốn
Vị trí đau bụng có thể cho Cô chú, Anh chị biết được nguyên nhân gây ra tình trạng này.
CÁC TRIỆU CHỨNG KÈM THEO ĐAU BỤNG
Đau bụng có thể đi kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng khác như buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, chán ăn,… Các triệu chứng đi kèm đau bụng thường phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây đau bụng, các cơ quan liên quan và vị trí bị tổn thương trong ổ bụng.
Các triệu chứng tiêu hóa có thể xảy ra cùng với đau bụng
Đau bụng có thể kèm theo các triệu chứng khác ảnh hưởng đến đường tiêu hóa bao gồm:
- Ợ hơi
- Thay đổi thói quen đi tiêu
- Tiêu chảy
- Đầy hơi
- Xì hơi
- Khó tiêu
- Buồn nôn
- Kém ăn
- Nôn mửa
Các triệu chứng khác có thể xảy ra cùng với đau bụng
Đau bụng có thể đi kèm với các triệu chứng liên quan đến các hệ thống cơ thể khác bao gồm:
- Đau ngực hoặc tức ngực
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím
- Mệt mỏi
- Sốt và ớn lạnh
- Các triệu chứng giống như cúm
- Trễ kinh
- Da nhợt nhạt
- Nhịp tim nhanh
- Thở nhanh hoặc thở gấp
- Phát ban
- Cảm giác mềm mại ở bụng khi chạm vào
- Vấn đề tiết niệu
Các triệu chứng kèm theo nghiêm trọng có thể cho thấy tình trạng đe dọa tính mạng
Trong một số trường hợp, đau bụng có thể đi kèm với các triệu chứng cho thấy tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng. Đây là tình trạng khẩn cấp, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để đánh giá tình trạng bệnh và điều trị. Các triệu chứng kèm với đau bụng cho thấy tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng bao gồm:
- Phân có máu hoặc tiêu phân đen
- Khó thở
- Chóng mặt
- Ngất xỉu hoặc thay đổi mức độ ý thức hoặc hôn mê
- Sốt cao (cao hơn 101 độ F)
- Khối u ở bụng
- Mạch nhanh hoặc thở nhanh
- Nôn ra máu hoặc vật chất màu đen (giống bã cà phê)
- Suy nhược cơ thể
- Da và mắt vàng (vàng da)
Tình trạng đau bụng nghiêm trọng khiến người bệnh vô cùng khó chịu, đôi khi có thể kèm theo chóng mặt, khó thở, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…
KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM BÁC SĨ?
Cô Bác, Anh Chị có thể không cần đến khám bác sĩ nếu cơn đau bụng thuyên giảm sau 24 – 48 giờ điều trị tại nhà. Tuy nhiên, Cô Bác, Anh Chị nên đi khám bệnh tại bệnh viện/phòng khám chuyên khoa tiêu hóa nếu đau bụng dữ dội hoặc đau bụng nhẹ kéo dài hơn một tuần (ngay cả khi cơn đau tăng giảm trong ngày hoặc nhiều ngày).
Các triệu chứng nguy cấp sau có thể cho thấy tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, càng nhiều triệu chứng thì tình trạng càng nghiêm trọng:
- Bụng căng cứng và chỉ mềm khi chạm vào
- Có máu trong phân hoặc chất nôn
- Táo bón kèm theo nôn mửa
- Khó thở
- Chóng mặt
- Sốt cao (cao hơn 101 độ F hay trên 38 độ C)
- Đau bụng gây cảm giác mệt mỏi hoặc suy nhược cơ thể
- Cảm thấy khối phồng trong bụng là dấu hiệu của bóc tách động mạch chủ. Đây là trường hợp cấp cứu y tế, Cô Bác, Anh Chị hãy liên hệ với bệnh viện gần nhất
- Mạch nhanh hoặc thở nhanh
- Đau dữ dội lan từ vị trí ban đầu đến các bộ phận khác như ngực, cánh tay, cổ, hàm hoặc vai
- Da và mắt vàng (vàng da)
Trong trường hợp cơn đau bụng không nằm trong nhóm trên, nhưng nó vẫn khiến Cô Bác, Anh Chị lo lắng hay cơn đau kéo dài vài ngày chưa hết hoặc Cô Bác, Anh Chị gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây thì nên hẹn khám ngay với bác sĩ chuyên khoa:
- Đau bụng kéo dài hơn 24 – 48 giờ
- Táo bón kéo dài
- Nôn mửa
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Sốt
- Ăn mất ngon
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
Trong trường hợp Cô chú, Anh chị bị đau bụng, kèm theo các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, sụt cân,… thì nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
CHẨN ĐOÁN ĐAU BỤNG NHƯ THẾ NÀO?
Nguyên nhân gây đau bụng rất đa dạng, từ những bệnh nhẹ tự giới hạn đến những bệnh nặng cần phẫu thuật. Chính vì thế mà việc chẩn đoán đau bụng cần dựa trên việc khám lâm sàng cẩn thận và làm những cận lâm sàng cần thiết.
Khám lâm sàng
Các bác sĩ sẽ hỏi Cô Bác, Anh Chị nhiều câu hỏi khác nhau để giúp tìm ra nguyên nhân và đánh giá mức độ nghiêm trọng của cơn đau, ví dụ:
- Cơn đau khởi phát khi nào và thời gian cơn đau diễn ra bao lâu?
- Vị trí bụng mà Cô Bác, Anh Chị bị đau là gì, hướng lan như thế nào? Ví dụ cơn đau bụng nằm phía trên, phía dưới, bên trái hay bên phải ổ bụng?
- Tính chất của cơn đau như thế nào: đau âm ỉ hay dữ dội, đau liên tục hay từng cơn hay đau kiểu quặn thắt?
- Ngoài đau bụng, Cô Bác, Anh Chị còn thấy triệu chứng nào khác không?
- Cô Bác, Anh Chị cảm thấy cơn đau tăng hoặc giảm khi nào?
- Kèm theo với các đặc điểm của cơn đau thông qua hỏi bệnh, bác sĩ cần có sự thăm khám bụng, khám toàn thân, thực hiện một số thủ thuật thăm dò và các xét nghiệm cận lâm sàng để phân loại và tìm nguyên nhân.
Dựa vào kết quả lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các cận lâm sàng cần thiết tiếp theo.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Nội soi ống tiêu hóa
Nội soi tiêu hóa là tiêu chuẩn chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa với độ chính xác cao. Bác sĩ có thể sẽ tiến hành:
- Nội soi ống tiêu hóa trên hay nội soi dạ dày: rất hữu ích để phát hiện loét, viêm dạ dày (đau bao tử) hoặc ung thư dạ dày.
- Nội soi đại – trực tràng: rất hữu ích để chẩn đoán viêm đại tràng nhiễm trùng, viêm loét đại tràng hoặc ung thư ruột kết.
- Siêu âm nội soi (EUS): rất hữu ích để chẩn đoán ung thư tuyến tụy hoặc sỏi mật nếu siêu âm tiêu chuẩn hoặc chụp CT hoặc MRI không phát hiện được chúng.
- Nội soi ruột non bóng đơn hoặc bóng kép: kỹ thuật mới nhất cho phép ống nội soi đi qua miệng hoặc hậu môn và vào ruột non, nơi có thể chẩn đoán, sinh thiết và điều trị các nguyên nhân gây đau hoặc chảy máu ở ruột non.
- Nội soi đường ruột bằng viên nang: Cô Bác, Anh Chị sẽ nuốt một thiết bị nội soi nhỏ có kích thước bằng viên thuốc. Thiết bị có thể chụp ảnh toàn bộ ruột non và truyền hình ảnh vào một máy thu di động. Hình ảnh ruột non có thể được tải xuống từ máy thu vào máy tính để bác sĩ kiểm tra sau đó. Nội soi đường ruột bằng viên nang có thể hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh Crohn, khối u ruột non và các tổn thương chảy máu không thấy trên chụp X-quang hoặc chụp CT.
Xét nghiệm
Các xét nghiệm cận lâm sàng như công thức máu toàn bộ (CBC), men gan, men tụy (amylase và lipase), thử thai và phân tích nước tiểu thường được bác sĩ yêu cầu.
Đọc công thức máu toàn phần rất quan trọng trong việc đánh giá tình trạng ngoại khoa và nên thực hiện trên tất cả bệnh nhân đau bụng cấp.
- Số lượng bạch cầu tăng cao gợi ý tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng (như viêm ruột thừa, viêm tụy, viêm túi thừa hoặc viêm đại tràng).
- Số lượng tế bào hồng cầu thấp có thể do xuất huyết tiêu hóa.
Ion đồ đánh giá tổng trạng chung của bệnh nhân.
Các xét nghiệm men gan có thể cần thực hiện trong những tình huống lâm sàng thích hợp:
- Tăng nhẹ các men transaminase (3 lần) trên bệnh nhân khởi phát cấp tính đau bụng vùng hạ sườn phải có thể do sỏi ống mật chủ. Các men transaminase thường tăng trước so với bilirubin toàn phần và phosphatase kiềm trên bệnh nhân tắc nghẽn đường mật cấp tính.
- Các men transaminase tăng rất cao (ví dụ >1000UI/l) có lẽ gặp trên các bệnh nhân viêm gan cấp hoặc nhồi máu.
- Các men tụy (amylase và lipase) nên được định lượng nếu nghi ngờ viêm tụy cấp. Mức độ tăng các men tụy không tương quan với mức độ nặng của viêm tụy.
- Định lượng acid lactic khi nghi ngờ có nhồi máu ruột.
- Tổng phân tích nước tiểu giúp đánh giá các nguyên nhân về tiết niệu của đau bụng cấp. Máu trong nước tiểu, định lượng axit uric có thể là biểu hiện của sỏi thận.
- Khi xét nghiệm phân, các tế bào bạch cầu trong phân gợi ý tình trạng viêm hay nhiễm trùng đường ruột.
- β-Human chorionic gonadotropin (βHCG) nên được thực hiện trên tất cả phụ nữ tuổi mang thai. Nếu kết quả nước tiểu (+) tính và để chẩn đoán tình trạng có thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể sẽ chỉ định nên định lượng βHCG trong huyết thanh và tiến hành các khám cận lâm sàng khác như nội soi ổ bụng, siêu âm,…
Xem thêm >> Acid uric là gì? Nồng độ bao nhiêu là nguy hiểm?
Phương tiện chẩn đoán hình ảnh
Đánh giá hình ảnh của bệnh nhân đau bụng cấp là một yếu tố quan trọng trong chẩn đoán. Bác sĩ sẽ chỉ định các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để tránh những chi phí tốn kém không cần thiết và biến chứng có thể có.
X-quang bụng
X-quang bụng không chuẩn bị là một chẩn đoán X-quang đầu tiên.
X-quang ổ bụng để tìm kiếm vấn đề bệnh lý liên quan đến thận, niệu quản hoặc bàng quang còn được gọi là KUB.
Siêu âm
Siêu âm (Ultrasonography) có thể cho những thông tin chẩn đoán trong một số trường hợp.
Siêu âm rất đặc hiệu cho chẩn đoán các bệnh lý ở đường tiêu hóa, mật và buồng trứng như: sỏi mật, viêm ruột thừa, viêm túi mật hoặc u nang buồng trứng bị vỡ,… là các nguyên nhân gây đau bụng.
Siêu âm tiện dụng, chi phí thấp và không tiếp xúc với tia X. Khả năng chẩn đoán của siêu âm bị giới hạn ở bệnh nhân thừa cân, ruột chướng hơi và tràn khí dưới da.
Chụp X-quang Bari
Chụp X-quang Bari dạ dày – ruột non (ống tiêu hóa trên và phần nối tiếp với ruột non) có thể hữu ích trong việc chẩn đoán viêm, loét và tắc nghẽn trong ống tiêu hóa trên.
Các kỹ thuật cản quang ít khi áp dụng trong cấp cứu, nhưng có thể giúp ích trong một số trường hợp.
- Thụt thuốc cản quang đặc biệt có lợi để phân biệt liệt ruột và tắc đại tràng đoạn thấp.
- Trong tất cả trường hợp đều nên dùng thuốc cản quang tan trong nước (ví dụ Hypaque) để tránh viêm phúc mạc do barium trong trường hợp bị thủng ruột.
Lưu ý: Kỹ thuật X-quang xâm lấn có thể có vai trò trong một số tình huống bao gồm chẩn đoán hình ảnh học mạch máu và can thiệp điều trị thuyên tắc mạch mạc treo và chảy máu đường tiêu hóa cấp tính.
Chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan – Computed tomographic scanning) có thể giúp đánh giá toàn bộ vùng bụng chậu của bệnh nhân tương đối nhanh chóng. Chụp cắt lớp vi tính hữu ích trong chẩn đoán viêm tụy, ung thư tụy, viêm ruột thừa và viêm túi thừa, cũng như chẩn đoán áp xe trong ổ bụng. Chụp CT các mạch máu trong ổ bụng có thể phát hiện các bệnh do động mạch cản trở máu đến các cơ quan tiêu hóa.
Chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ (MRI – Magnetic resonance imaging) cung cấp được các hình ảnh cắt ngang nhưng không bị nhiễm tia X-quang. MRI rất hữu ích trong việc chẩn đoán nhiều bệnh lý tương tự như chụp cắt lớp CT.
Phương Pháp Phòng Ngừa Đau BụngTẠI SAO CHẨN ĐOÁN NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU BỤNG CÓ THỂ GẶP KHÓ KHĂN?
Tại sao chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng có thể gặp khó khăn?
Những tiến bộ hiện đại trong công nghệ đã cải thiện đáng kể độ chính xác, tốc độ và dễ dàng xác định nguyên nhân đau bụng. Tuy nhiên vẫn còn những thách thức đáng kể khi chẩn đoán bệnh lý gây đau bụng như:
Các triệu chứng đau bụng không điển hình
Ví dụ: Viêm ruột thừa đôi khi gây đau bụng trên bên phải và viêm túi thừa cũng gây đau bên phải bụng. Bệnh nhân cao tuổi và những người dùng corticosteroid có thể ít hoặc không đau và bụng mềm khi bị viêm, ví dụ như viêm túi mật hoặc viêm túi thừa. Điều này xảy ra do corticosteroid làm giảm viêm.
Các cận lâm sàng không phải lúc nào cũng cho thấy điểm bất thường
- Kiểm tra siêu âm có thể bỏ sót sỏi mật, đặc biệt là những viên sỏi nhỏ.
- Chụp CT có thể không cho thấy ung thư tuyến tụy, đặc biệt là những khối u nhỏ.
- KUB có thể bỏ sót các dấu hiệu của tắc ruột hoặc thủng dạ dày.
- Siêu âm và chụp CT có thể không xác định được viêm ruột thừa hoặc thậm chí là áp xe, đặc biệt nếu áp xe nhỏ.
- CBC và các xét nghiệm máu khác có thể bình thường mặc dù bị nhiễm trùng hoặc viêm nặng, đặc biệt ở những người dùng corticosteroid hoặc các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
Các triệu chứng bệnh lý ở tiêu hóa tương đồng nhau
- Các triệu chứng IBS có thể giống như tắc ruột, ung thư hoặc viêm loét đại – trực tràng, viêm túi mật hoặc thậm chí là viêm ruột thừa.
- Các triệu chứng bệnh Crohn có thể giống như viêm ruột thừa.
- Các triệu chứng nhiễm trùng thận phải có thể giống như viêm túi mật cấp tính.
- Các triệu chứng khối u nang buồng trứng bên phải bị vỡ có thể giống như viêm ruột thừa; trong khi u nang buồng trứng trái bị vỡ có thể giống viêm túi thừa.
- Các triệu chứng sỏi thận có thể giống viêm ruột thừa hoặc viêm túi thừa.
Các đặc điểm của cơn đau có thể thay đổi
- Đau bụng do viêm tụy có thể lan đến toàn bộ ổ bụng.
- Cơn đau quặn mật có thể tiến triển thành viêm túi mật.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ ĐAU BỤNG
Phương pháp điều trị đau bụng sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương từ nhẹ đến nặng và nguyên nhân gây ra các cơn đau, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp can thiệp phù hợp.
Trong trường hợp bệnh nhân bị đau bụng cấp do các nguyên nhân ngoại khoa cần được phẫu thuật ngay, nếu do các bệnh lý nội khoa cấp thì cũng cần nhập viện điều trị và theo dõi, phẫu thuật nếu cần thiết.
Với các nguyên nhân gây đau bụng nhẹ như chứng khó tiêu hay viêm dạ dày,… thì có thể được điều trị tại nhà, tuy nhiên nếu bệnh không thuyên giảm hay tiến triển nặng, Cô Bác, Anh Chị cần đến bệnh viện để được đánh giá theo dõi và điều trị tiếp.
Các loại thuốc điều trị nguyên nhân gây đau bụng
Các loại thuốc điều trị đau bụng thường tập trung vào nguyên nhân phổ biến của đường tiêu hóa gây đau bụng như đầy hơi, khó tiêu, táo bón và khó chịu ở dạ dày, chúng có thể sẽ tự khỏi trong vòng vài giờ đến vài ngày, ngay cả khi không cần điều trị.
Cô Bác, Anh Chị có thể thử thuốc không kê đơn (OTC) để giảm đau nhanh hơn. Các loại thuốc không kê đơn mang lại hiệu quả tốt nhất nếu Cô Bác, Anh Chị sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, dược sĩ. Các tùy chọn OTC bao gồm:
- Thuốc kháng axit dạ dày.
- Thuốc chống nôn.
- Thuốc làm mềm phân trị táo bón.
Các nguyên nhân đường tiêu hóa khác gây đau bụng như ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày hoặc loét dạ dày – tá tràng có thể điều trị triệt để sau khi niêm mạc dạ dày hoặc ruột lành lại. Điều trị y tế có thể bao gồm:
- Thuốc kháng sinh cho các nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn.
- Thuốc kháng axit và thuốc ức chế bài tiết dịch vị dạ dày.
- Thuốc kháng axit Pepto – Bismol để điều trị tạm thời các triệu chứng khó chịu ở tiêu hóa như buồn nôn, ợ chua, khó tiêu, đau bụng và tiêu chảy.
- Các sản phẩm bù chất điện giải trong trường hợp nôn mửa hoặc tiêu chảy, để ngăn ngừa mất nước
Lưu ý:
- Không dùng kháng sinh khi chưa có chẩn đoán rõ ràng.
- Tuyệt đối chống chỉ định dùng thuốc có dẫn chất morphin, corticoid vì những thuốc này làm giảm triệu chứng có thể che lấp dấu hiệu bụng ngoại khoa, có thể dùng thuốc chống có thắt để giúp giảm đau.
Các phương pháp hỗ trợ điều trị làm giảm đau bụng tại nhà
Chẩn đoán y tế chính xác là bước đầu tiên và an toàn nhất để giảm đau bụng. Bác sĩ có thể tiến hành khám và yêu cầu các xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu Cô Bác, Anh Chị bị đau bụng trên, bụng dưới hoặc toàn vùng bụng và nghi ngờ đó là do các vấn đề nhỏ ở đường tiêu hóa, hãy xem xét các cách giảm đau bụng tại nhà sau đây:
- Uống baking soda để giảm chứng ợ nóng (1 thìa cà phê trong ~230ml nước).
- Uống nước gừng để hỗ trợ tiêu hóa và giảm buồn nôn (tốt nhất là dùng củ gừng; thử ngâm một ít trong nước nóng hoặc trà).
- Chườm nóng (không quá nóng) lên bụng để giảm đau như chuột rút.
- Thay đổi thức ăn có nước dùng hoặc thức ăn dạng loãng, và uống đồ uống thể thao không chứa caffeine.
- Nằm nghiêng về phía bên trái có thể giúp Cô Bác, Anh Chị bớt đầy hơi.
- Thay đổi chế độ ăn uống để loại trừ các thực phẩm có thể gây đau bụng như các sản phẩm từ sữa, đậu, bông cải xanh và các chất gây dị ứng tiềm ẩn.
- Uống mật mía trị táo bón (1 muỗng canh mỗi ngày pha với nước ấm).
- Uống thuốc Acetaminophen để giảm đau hoặc sốt.
Trà gừng có tác dụng giảm đau bụng và mệt mỏi rất tốt.
PHÒNG NGỪA ĐAU BỤNG NHƯ THẾ NÀO?
Không phải tất cả các nguyên nhân gây đau bụng đều có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, Cô Bác, Anh Chị có thể giảm thiểu nguy cơ bị đau bụng bằng cách thực hiện những điều sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
- Uống nước thường xuyên
- Luyện tập thể dục đều đặn
- Hạn chế hoặc ngưng hút thuốc, uống nhiều rượu bia
- Ăn nhiều bữa nhỏ
- Giữ vệ sinh tốt, đặc biệt là rửa tay và tránh các vật liệu và thực phẩm bị nhiễm virus và vi khuẩn sẽ làm giảm nguy cơ phát bệnh do nhiều nguyên nhân lây nhiễm.
- Nếu Cô Bác, Anh Chị bị rối loạn đường ruột như bệnh Crohn, hãy tuân thủ chế độ ăn uống mà bác sĩ đã đưa ra để giảm thiểu sự khó chịu.
- Nếu Cô Bác, Anh Chị bị trào ngược dạ dày, không ăn trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ.
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe và hạn chế nguy cơ đau bụng.
Tóm lại, đau bụng là tình trạng phổ biến có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi độ tuổi. Trong đó, các triệu chứng đau bụng có thể dấu hiệu thoáng qua bình thường, hoặc là biểu hiện của bệnh lý nghiêm trọng. Chính vì thế, khi xuất hiện triệu chứng này, Cô Bác, Anh Chị nên đến bệnh viện/phòng khám dạ dày uy tín để kiểm tra và có giải pháp điều trị phù hợp.
CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
Đau bụng kèm sốt và tiêu chảy có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như viêm ruột thừa, viêm dạ dày do virus, bệnh Celiac, bệnh Crohn, viêm túi mật, ngộ độc thực phẩm… Người bệnh nên đến bác sĩ thăm khám để được chẩn đoán chính xác.
Nếu cơn đau bụng kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm thì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích, ung thư ruột kết, bệnh Celiac, loét dạ dày tá tràng… Song, tùy vào tính chất của cơn đau, vị trí đau và dấu hiệu đi kèm mà bác sĩ sẽ tiến hành các cận lâm sàng khác để xác định nguyên nhân cũng như bệnh lý liên quan.
Đau bụng kèm theo buồn nôn, nôn có thể là triệu chứng của một số bệnh như: Viêm ruột thừa, ngộ độc thức ăn, hoặc bệnh lý viêm dạ dày – ruột… Để biết chính xác nguyên nhân gây đau bụng buồn nôn là gì, người bệnh nên đến gặp bác sĩ.
Tài liệu tham khảo
Tài liệu nghiên cứu
- Squires R.A., Postier R.G., (2012), “Acute Abdomen”, In: Townsend C.M. Sabiston Text book of surgery, 19th edition, Saunders, pp. 1141-1158
- Symons W., Kieninger A., (2012), “Acute Abdominal Pain and Appendicitis”, In: The Washington manual of Surgery, 6th edition, Lippincott Williams and Wilkins, pp. 273- 290
Tài liệu trực tuyến
- Healthgrades Editorial Staff. Abdominal Pain. 01 11 2020. https://www.healthgrades.com/right-care/symptoms-and-conditions/abdominal-pain (đã truy cập 06 23, 2021).
- Jay W. Mark; Charles Patrick Davis. What Causes Abdominal Pain? Biên tập bởi Bhupinder S. Anand. 29 09 2021. https://www.medicinenet.com/abdominal_pain_causes_remedies_treatment/article.htm (đã truy cập 10 29, 2021).
- Kahn, April. What’s Causing Your Abdominal Pain and How to Treat It. Biên tập bởi Deborah Weatherspoon. 14 12 2020. https://www.healthline.com/health/abdominal-pain (đã truy cập 06 23, 2021).
TIN SỨC KHỎE
Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.
ĐỐI TÁC
ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA
Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng
Endo Clinic
Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư
THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H)
VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H)