NÔN RA MÁU – ÓI RA MÁU
Ói ra máu hay thổ huyết là hiện tượng nôn ra máu đỏ tươi hoặc nôn ra máu đen, hút dịch dạ dày ra máu hay dịch như bã cà phê. Nôn ra máu có thể là triệu chứng báo động tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như bị chấn thương nội tạng, vỡ hoặc xuất huyết tiêu hóa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nuốt máu do tổn thương trong miệng hoặc chảy máu cam cũng có thể là nguyên nhân khiến Cô Bác, Anh Chị bị ói ra máu.
Tổng quan về triệu chứng nôn ra máuTỔNG QUAN VỀ TRIỆU CHỨNG NÔN RA MÁU
Nôn ra máu là triệu chứng thường do bệnh lý ở đường tiêu hóa trên, bao gồm: thực quản, dạ dày và đoạn đầu ruột non (hành tá tràng).
Triệu chứng nôn ra máu nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng như nghẹt thở, viêm phổi hít, thiếu máu hoặc thậm chí gây sốc làm giảm huyết áp, hôn mê và nguy hiểm đến tính mạng.
Nôn ra máu là gì?
Nôn ra máu (tên tiếng Anh: hematemesis) là tình trạng trào ngược dịch dạ dày trộn lẫn với máu, có thể có lẫn thức ăn hoặc chỉ bị nôn ra máu. Máu bị nôn ra có thể có màu nâu, đỏ sẫm hoặc đỏ tươi. Máu màu nâu thường trông giống bã cà phê khi nôn. Màu sắc của máu nôn thường có thể giúp bác sĩ xác định nguồn gốc và mức độ nghiêm trọng của tình trạng xuất huyết.
Cô Bác, Anh Chị cần lưu ý rằng hiện tượng nôn ra máu là một cấp cứu nội khoa. Mặc dù trong nhiều trường hợp, máu chảy sẽ nhanh chóng được cầm, nhưng vẫn không thể chắc chắn nó sẽ ngừng chảy khi người bệnh bị nôn ra máu lần đầu. Trong một số trường hợp, chảy máu có thể trở nên nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, hãy gọi đến trung tâm cấp cứu hay đến ngay phòng cấp cứu gần nhất nếu Cô Bác, Anh Chị bị nôn ra máu.
Một số loại xuất huyết đường tiêu hóa trên
Màu sắc và lượng máu nôn có thể giúp bác sĩ định hướng nguyên nhân gây ra triệu chứng nôn ra máu và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh:
- Nôn ra máu đen thường được gọi là máu dịch bã cà phê. Nôn ra dịch màu nâu đen cho thấy tình trạng máu chảy tương đối chậm và xuất phát từ bệnh lý tiêu hóa trên. Máu đã tiếp xúc với axit dạ dày đủ lâu để axit biến máu thành màu nâu sẫm. Trong trường hợp này, có thể máu vẫn chưa chảy nhiều lắm nhưng có thể trở nặng sau đó.
- Đi ngoài phân đen thường gặp trong xuất huyết ở đường tiêu hoá trên, máu thường có tính chất như hắc ín sau khi tiếp xúc với một số dịch tiêu hoá.
- Nôn ra một lượng lớn máu đỏ tươi gợi ý tình trạng chảy máu cấp tính ở thực quản hoặc dạ dày. Nôn ra máu tươi, máu chảy nhanh với lượng lớn cần được cấp cứu kịp thời.
- Nôn ra một lượng máu lớn (khoảng 500ml) cùng với các triệu chứng khác như đau bụng, sốt, chóng mặt, ngất người bệnh cần nhanh chóng cấp cứu nội khoa.
NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA TRIỆU CHỨNG NÔN RA MÁU?
Nguyên nhân gây ra triệu chứng nôn ra máu do nhiều yếu tố khác nhau đến từ thói quen nghiện rượu bia, các bệnh lý về đường tiêu hóa đặc biệt là ung thư dạ dày, hậu quả của chấn thương hoặc do sử dụng thuốc, nuốt phải dị vật.
NGUYÊN NHÂN ĐẾN TỪ CÁC BỆNH LÝ TIÊU HÓA
Hiện tượng nôn ra máu là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe cần được thăm khám ngay. Một số bệnh lý gây xuất huyết tiêu hóa điển hình bởi triệu chứng ói ra máu bao gồm xuất huyết thực quản, dạ dày và tá tràng
XUẤT HUYẾT TỪ THỰC QUẢN
GIÃN TĨNH MẠCH THỰC QUẢN – DẠ DÀY DO TĂNG ÁP CỬA
Bệnh xơ gan là tình trạng mô gan có sẹo ngăn chặn dòng chảy của máu qua gan. Điều này gây ra sự gia tăng áp lực trong tĩnh mạch đưa máu từ ruột đến gan (tĩnh mạch cửa). Áp lực gia tăng đẩy ngược vào ruột và làm giãn tĩnh mạch đường tiêu hóa, phổ biến nhất là giãn tĩnh mạch thực quản. Khi căng giãn quá mức, tĩnh mạch sẽ vỡ ra và gây chảy máu, nhưng lại thường không gây đau đớn.
VIÊM THỰC QUẢN
Viêm thực quản thường do axit trào ngược dạ dày – thực quản gây nôn ra máu. Viêm thực quản là tình trạng viêm trong niêm mạc thực quản, đoạn tiêu hóa nối từ hầu họng đến dạ dày. Tùy theo mức độ, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau, khó nuốt, cảm giác vướng cổ họng và tức ngực. Thực quản bị viêm đôi khi gây ra chảy máu.
HỘI CHỨNG MALLORY – WEISS
Hội chứng Mallory – Weiss là tình trạng chảy máu do rách niêm mạc thực quản, thường xảy ra ở nơi giao giữa thực quản và dạ dày. Vết rách có thể do nhiều nguyên nhân làm tăng áp suất đột ngột trong dạ dày, thực quản như nôn ói sau khi uống rượu hoặc nôn ọe nhiều lần do bất kỳ nguyên nhân nào khác, do căng thẳng quá mức, ho hay nấc mạnh.
UNG THƯ THỰC QUẢN
Ung thư thực quản là tình trạng các tế bào ở lớp niêm mạc thực quản bị đột biến thành tế bào ác tính và bắt đầu tăng sinh không kiểm soát. Sau một thời gian các tế bào đột biến phát triển thành khối u xuất hiện dọc theo chiều dài ống thực quản khiến người bệnh bị đau họng, buồn nôn, ói ra máu, khó nuốt, chán ăn và sụt cân không kiểm soát.
XUẤT HUYẾT TỪ DẠ DÀY
LOÉT DẠ DÀY
Loét dạ dày là các vết loét phát triển trong dạ dày. Vết loét có thể xuất huyết dẫn đến hiện tượng nôn ra máu. Theo thống kê của Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ Y, 40% đến 50% trường hợp xuất huyết đường tiêu hóa trên do bệnh viêm loét dạ dày.
Các tổn thương này do axit ăn mòn hoặc do nhiễm vi khuẩn Hp phát triển ở lớp niêm mạc. Các tổn thương này ăn sâu qua niêm mạc từ đó để lộ lớp cơ niêm và hình thành vết loét. Sử dụng một số loại thuốc như aspirin, NSAIDs hoặc thuốc chống đông máu có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày và dẫn đến xuất huyết do tác động của thuốc lên chức năng tiểu cầu.
VIÊM DẠ DÀY
Uống nhiều rượu, bỏng nặng, tổn thương hệ thần kinh trung ương và nhiều bệnh nghiêm trọng khác dẫn đến bị viêm dạ dày xuất huyết.
GIÃN TĨNH MẠCH PHÌNH VỊ
Giãn tĩnh mạch thường gặp ở đoạn xa tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình vị gây ra do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, thường gặp ở bệnh xơ gan. Chúng có thể gây chảy máu số lượng rất nhiều nhưng không gây ra các triệu chứng khác.
UNG THƯ DẠ DÀY
Sụt cân và chán ăn gợi ý ung thư dạ dày khi kết hợp với triệu chứng nôn ra máu, mặc dù các triệu chứng tương tự có thể gặp ở bệnh nhân loét dạ dày – tá tràng.
XUẤT HUYẾT TỪ TÁ TRÀNG
LOÉT TÁ TRÀNG
Vết loét có thể chảy máu, đôi khi chảy nhiều máu. Giống như loét dạ dày, loét tá tràng thường do nhiễm vi khuẩn Hp, thuốc kháng viêm và aspirin,…
VIÊM TÁ TRÀNG
Viêm tá tràng là phần đầu tiên của ruột non, nằm ngay dưới dạ dày bị viêm. Các triệu chứng của viêm tá tràng bao gồm buồn nôn, nôn, đau bụng trên rốn, khó tiêu, ợ hơi,… Trong một số trường hợp, người bệnh đi tiêu phân có màu đen và chất nôn có lẫn máu đỏ bầm. Viêm tá tràng chiếm 10% trong số nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa trên.
NGUYÊN NHÂN HIẾM GẶP ĐẾN TỪ ỐNG TIÊU HÓA TRÊN
Nôn hoặc ói ra máu có thể đến từ một vài nguyên nhân ít phổ biến hơn, bao gồm:
- Nhiễm độc phóng xạ.
- Uống phải độc chất như asen hoặc axit.
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa không phổ biến.
- Bệnh về máu như giảm tiểu cầu, bệnh bạch cầu, bệnh hemophilia (máu khó đông) hay thiếu máu có thể gây ra hiện tượng nôn ra máu.
Trong một số trường hợp bị ói ra máu, bác sĩ có thể không tìm ra nguyên nhân, ngay cả khi thực hiện các thăm khám cận lâm sàng.
UỐNG NHIỀU RƯỢU BIA GÂY NÔN RA MÁU LÀ TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH GÌ?
Uống nhiều rượu bia gây nôn ra máu là dấu hiệu cảnh báo các biến chứng, tổn thượng bên trong hệ tiêu hóa. Một số bệnh lý do uống rượu bia thường xuyên gây ra như:
- Giãn tĩnh mạch: nôn quá mức sau khi uống rượu bia làm tăng áp lực bên trong ống tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày và đường ruột có thể dẫn đến rách đường ruột. Các triệu chứng kèm theo ói ra máu bao gồm đau ngực đột ngột và dữ dội, có thể lan ra sau lưng, đổ mồ hôi, khó thở và đau dạ dày (đau bao tử).
- Xơ gan: uống quá nhiều rượu thường xuyên có thể gây sẹo ở mô gan, cũng như các bệnh lý khác. Tình trạng kéo dài, các mạch máu có thể vỡ ra, gây ra hiện tượng máu lẫn trong chất nôn. Người bệnh bị nôn ra máu có thể đi kèm với một số triệu chứng khác như suy nhược, ngất và xuất huyết trực tràng.
- Loét dạ dày – tá tràng: vết loét ngày càng phát triển lớn do hàm lượng axit trong rượu làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Các dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày bao gồm xuất huyết nghiêm trọng ở ống tiêu hóa, tiêu phân có màu đỏ sẫm hoặc đen, đau dạ dày hoặc đau vùng thượng vị.
NGUYÊN NHÂN GÂY NÔN RA MÁU Ở TRẺ
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, một số nguyên nhân khác có thể gây triệu chứng nôn ra máu, bao gồm:
- Dị tật bẩm sinh.
- Rối loạn đông máu.
- Thiếu vitamin K.
- Dị ứng sữa.
- Chảy máu cam và sau đó nuốt máu, trẻ có thể bị nôn ra máu.
- Nuốt phải dị vật.
Nôn ra máu là triệu chứng của tình trạng xuất huyết tiêu hóa trên. Đây là tình trạng khẩn cấp cần được bác sĩ thăm khám và can thiệp kịp thời. Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng là phương pháp đáng tin cậy để kiểm tra tình trạng đường tiêu hóa trên.
Hiện nay, endoclinic.vn có áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) từ ngày 01/06/2023 giúp giảm chi phí khám bệnh của Cô Chú, Anh Chị, trong đó có chi phí nội soi dạ dày. Để biết thêm về thủ tục khám BHYT tại endoclinic.vn, Cô Chú, Anh Chị xem thêm tại: KHÁM BHYT
TRIỆU CHỨNG NÀO THƯỜNG ĐI KÈM NÔN RA MÁU?
Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây ra triệu chứng ói ra máu và mức độ tổn thương mà cơ thể sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng đi kèm khác nhau như buồn nôn, đau bụng cấp tính, chóng mặt, ngất xỉu, tim đập nhanh,…
Màu sắc và độ đặc của máu trong chất nôn thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân và vị trí xuất huyết. Máu có thể có màu đỏ tươi đến đỏ sẫm, màu cà phê hoặc đen.
CÁC TRIỆU CHỨNG KÈM THEO TÌNH TRẠNG ÓI RA MÁU
Ngoài bị ói ra máu, Cô Bác, Anh Chị có thể xuất hiện một số triệu chứng đi kèm sau đây:
- Buồn nôn
- Khó chịu ở bụng
- Đau bụng
- Nôn ra dịch từ dạ dày
CÁC TRIỆU CHỨNG NGUY HIỂM CẦN CẤP CỨU NGAY
Các triệu chứng như đau thượng vị dữ dội, nôn ra một lượng lớn máu, nôn nhiều lần,… cho thấy tình trạng nghiêm trọng. Cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu nôn ra máu gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của mất máu nghiêm trọng hoặc sốc, bao gồm:
- Ù tai, hoa mắt, chóng mặt
- Ngất xỉu
- Người lạnh, da nhợt nhạt bất thường hoặc xanh xao
- Tim đập nhanh
- Đau bụng dữ dội
- Thở nông, khó thở
- Lượng nước tiểu ít
- Đồng tử mở rộng
PHƯƠNG TIỆN CHẨN ĐOÁN TRIỆU CHỨNG NÔN RA MÁU
Quan trọng nhất trong việc chẩn đoán triệu chứng nôn ra máu là xác định nguyên nhân thông qua các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Ói ra máu gợi ý nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm cần được thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.
KHÁM LÂM SÀNG
Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ thu thập thông tin bệnh lý, tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng, tổn thương, nguyên nhân gây ra triệu chứng ói ra máu.
Một trong những điều đầu tiên bác sĩ sẽ cố gắng tìm ra là “liệu máu chảy ra này có thật sự là từ đường tiêu hóa trên không?”. Đôi khi khó có thể chắc chắn điều này, và có thể khó kết luận nếu máu chảy ra là
- Ho ra máu: chứ không phải nôn ra máu.
- Máu từ chỗ nào đó ở trong miệng hoặc mũi mà chảy ngược lại cổ họng, sau đó nuốt và nôn ra. Ví dụ: máu chảy từ mũi.
Vì vậy, để chẩn đoán tình trạng sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị bác sĩ sẽ thăm hỏi các triệu chứng, dấu hiệu đang mắc phải thông qua các câu hỏi như:
- Cô Bác xuất hiện tình trạng nôn ra máu khi nào?
- Có bao nhiêu máu trong chất nôn?
- Máu có màu gì? Màu đỏ tươi hay đỏ sẫm hoặc giống như bã cà phê?
- Gần đây Cô Bác có bị chảy máu cam, phẫu thuật, làm răng, nôn mửa, bệnh dạ dày hoặc ho dữ dội không?
- Cô Bác đã từng bị ói ra máu trước đây chưa?
- Cô Bác có gặp phải bất kỳ triệu chứng nào khác không?
- Cô Bác có đã từng mắc các bệnh lý tiêu hóa không?
- Các loại thuốc đang sử dụng kể cả thực phẩm chức năng.
- Cô Bác có uống rượu hay hút thuốc không?
Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm, nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh để xác định tình trạng bệnh, nguyên nhân khiến Cô Bác, Anh Chị bị ói ra máu nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
CẬN LÂM SÀNG CHẨN ĐOÁN
Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm, nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh để xác định tình trạng bệnh, nguyên nhân khiến Cô Bác, Anh Chị bị ói ra máu nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
XÉT NGHIỆM
Bác sĩ sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện các xét nghiệm công thức máu hoặc xét nghiệm phân để xác định bệnh lý.
- Xét nghiệm máu toàn phần (CBC): xác định nồng độ hồng cầu, bạch cầu giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng ống tiêu hóa, xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu máu. Ngoài ra, xét nghiệm các chỉ số máu có thể giúp đánh giá chức năng gan có bị xơ gan hoặc để giúp chẩn đoán, đánh giá các nguyên nhân khác gây chảy máu.
- Các xét nghiệm máu khác (xét nghiệm nhóm máu, xét nghiệm men gan,…) có thể giúp đánh giá chức năng gan có bị xơ không, hoặc để giúp chẩn đoán, đánh giá các nguyên nhân khác gây chảy máu.
- Xét nghiệm chức năng đông máu (Prothrombin (INR), APTT, chỉ số fibrinogen).
- Xét nghiệm phân: đối với các trường hợp người bệnh xuất hiện các triệu chứng máu ẩn trong phân, phân có màu đen, hắc ín, phân mỡ, tìm kiếm dấu hiệu vi khuẩn hoặc ký sinh trùng,…
NỘI SOI ỐNG TIÊU HÓA
Phụ thuộc vào các triệu chứng và tiểu sử bệnh mà Cô Bác, Anh Chị có thể được chỉ định nội soi tiêu hóa toàn bộ hoặc nội soi theo từng bộ phận.
Nội soi ống tiêu hóa trên bao gồm nội soi thực quản, nội soi dạ dày và nội soi tá tràng. Đây là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán nguyên nhân nôn ra máu tiêu hóa trên. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.
- Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng giúp xác định được nguyên nhân và vị trí xuất huyết cũng như can thiệp điều trị khi cần như kẹp clip, tiêm chất cầm máu,…
- Nội soi viên nang.
CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH
Chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ quan sát hình ảnh toàn bộ thực quản, dạ dày và tá tràng, phát hiện vị trí xuất huyết đồng thời loại trừ các tình trạng bệnh lý khác như viêm, loét dạ dày – tá tràng. Các chẩn đoán hình ảnh phổ biến được sử dụng trong chẩn đoán triệu chứng ói ra máu bao gồm chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI, siêu âm bụng.
Chụp động mạch có thể được chỉ định để đánh giá các tổn thương mạch máu như hẹp, tắc nghẽn, thông động tĩnh mạch hoặc các bất thường mạch máu khác như phình tách động mạch, viêm mạch.
Tham khảo: Trung tâm nội soi dạ dày chuyên sâu về thăm khám và điều trị các bệnh lý tiêu hoá.
Phòng khám nội soi dạ dày tại TpHCM noisoitieuhoa.com áp dụng quy trình nội soi tiêu hoá kết hợp với phương pháp Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê) – được khuyên cáo bởi Hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ và Đồng Thuận Châu Á để tăng tỉ lệ phát hiện các tổn thương. Được đội ngũ Bác sĩ chuyên môn tại phòng khám dạ dày endoclinic.vn thực hiện hướng tới hiệu quả chẩn đoán bệnh lý tiêu hoá và tầm soát ung thư tiêu hoá chính xác lên tới 90 – 99%.
BIẾN CHỨNG TRIỆU CHỨNG NÔN RA MÁU
Chất nôn chứa dịch dạ dày lẫn máu tuy hiếm gặp nhưng đây lại là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nghiêm trọng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị ngay lập tức. Những trường hợp có nguy cơ xuất hiện chất nôn ra từ dạ dày có lẫn máu, bao gồm:
- Người cao tuổi.
- Người có tiền sử lạm dụng rượu.
- Người có tiền sử đột quỵ.
- Người có tiền sử rối loạn ảnh hưởng đến khả năng nuốt.
Những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân bị ói ra máu bao gồm:
- Ngạt thở là một trong những biến chứng chính của nôn ra máu, có thể dẫn đến tình trạng tràn máu màng phổi, làm suy giảm khả năng thở.
- Thiếu máu có thể xảy ra nếu người bệnh mất quá nhiều máu khi nôn nhiều và đột ngột.
- Sốc là tình trạng xảy ra khi người bệnh bị ói ra máu quá mức cùng với các triệu chứng như chóng mặt khi đứng, thở nông, lượng nước tiểu ít, da lạnh, nhợt nhạt. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến giảm huyết áp, hôn mê và tử vong.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG NÔN RA MÁU
Phương pháp điều trị triệu chứng ói ra máu phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí xuất huyết. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa và yêu cầu đầu tiên của bác sĩ sẽ là xác định nguyên nhân nào gây ra triệu chứng. Các lựa chọn điều trị triệu chứng ói ra máu có thể bao gồm:
- Nội soi đường tiêu hóa trên giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý mà bác sĩ còn có thể điều trị trong quá trình nội soi như cầm máu bằng cách cắt, kẹp mạch máu hoặc bằng cách tiêm thuốc. Nếu nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa là vết loét, thủng dạ dày hoặc đường ruột bác sĩ có thể phẫu thuật cắt vết thương trong quá trình nội soi để kiểm soát chảy máu.
- Trong một số trường hợp cần dự phòng chảy máu tái phát như: phát hiện và điều trị diệt H. pylori, phòng loét do NSAIDs (một loại thuốc giảm đau), phòng loét do stress…
- Hạn chế sử dụng thực phẩm có tính axit cao và chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
- Ngoài ra, tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ theo khuyến cáo sẽ giúp Cô Bác, Anh Chị kiểm tra toàn bộ hệ tiêu hóa, xác định các dấu hiệu, biểu hiện bất thường nhằm phát hiện ung thư, nâng cao hiệu quả điều trị và phòng ngừa các bệnh lý thường gặp ở ống tiêu hóa và tuyến tiêu hóa.
Nôn ra máu là triệu chứng cần được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán dù lượng ít hay nhiều. Mặc dù trong nhiều trường hợp, tình trạng chảy máu sẽ nhanh chóng được cầm, tuy nhiên Cô Bác, Anh Chị vẫn không thể chắc chắn nó sẽ ngừng chảy khi nôn ra máu lần đầu. Trong một số trường hợp, chảy máu có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây chảy máu, trong đó có nhiều nguyên nhân có thể chữa được nhưng ưu tiên hàng đầu là việc xác định chắc chắn máu đã ngừng chảy. Vì vậy, Cô Bác, Anh Chị cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt ngay khi có triệu chứng ói hoặc nôn ra máu.
CÂU HỎI TỔNG HỢP
Nôn ra máu (tên tiếng Anh: hematemesis) là tình trạng trào ngược dịch dạ dày trộn lẫn với máu, có thể có lẫn thức ăn hoặc chỉ bị nôn ra máu. Máu bị nôn ra có thể có màu nâu, đỏ sẫm hoặc đỏ tươi. Máu màu nâu thường trông giống bã cà phê khi nôn. Màu sắc của máu nôn thường có thể giúp bác sĩ xác định nguồn gốc và mức độ nghiêm trọng của tình trạng xuất huyết.
Nôn ra máu là triệu chứng thường do bệnh lý ở đường tiêu hóa trên, bao gồm: thực quản, dạ dày và đoạn đầu ruột non (hành tá tràng).
Nôn ra máu thường là dấu hiệu của các bệnh:
- Giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày do tăng áp cửa
- Viêm thực quả
- HộI chứng mallory – weiss
- Ung thư thực quản
- Loét dạ dày
- Giãn tĩnh mạch phình vị
- Viêm dạ dày
- Ung thư dạ dày
- Loét tá tràng
- Viêm tá tràng
Nguyên nhân gây ra triệu chứng nôn ra máu do nhiều yếu tố khác nhau đến từ thói quen nghiện rượu bia, các bệnh lý về đường tiêu hóa đặc biệt là ung thư dạ dày, hậu quả của chấn thương hoặc do sử dụng thuốc, nuốt phải dị vật.
Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây ra triệu chứng ói ra máu và mức độ tổn thương mà cơ thể sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng đi kèm khác nhau như buồn nôn, đau bụng cấp tính, chóng mặt, ngất xỉu, tim đập nhanh,…
Nôn ra máu rất nguy hiểm, đây là tình trạng khẩn cấp, Cô Bác, Anh Chị cần đến các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thực hiện các cận lâm sàng phù hợp để tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Tài liệu tham khảo
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
- Catiele Antunes, Eddie L. Copelin II. “Upper Gastrointestinal Bleeding” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470300/ (đã truy cập 09 11, 2021).
- Kahn, Apri. Why Am I Vomiting Blood? 08 05 2019. https://www.healthline.com/health/vomiting-blood (đã truy cập 09 11, 2021).
- Mayo Clinic Staff. Vomiting blood. 22 02 2020. https://www.mayoclinic.org/symptoms/vomiting-blood/basics/definition/sym-20050732 (đã truy cập 08 27,2021).
- Smith, Lori. What’s to know about vomiting blood? Biên tập bởi Cynthia Taylor Chavoustie. 08 17 2018. https://www.medicalnewstoday.com/articles/314031 (đã truy cập 09 11, 2021).
- Wilson, Dodd. “Hematemesis, Melena và Hematochezia” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK411/ (đã truy cập 09 11, 2021).
TIN SỨC KHỎE
Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.
ĐỐI TÁC
ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA
Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng
Endo Clinic
Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư
THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H)
VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H)