TÁO BÓN XEN KẼ TIÊU CHẢY
Triệu chứng táo bón xen kẽ tiêu chảy dù không phổ biến nhưng một số loại thuốc hoặc thay đổi chế độ ăn uống ảnh hưởng đến nhu động ruột có thể gây ra vấn đề này. Ngoài ra, một số bệnh lý tiềm ẩn của hệ tiêu hóa cũng có thể ảnh hưởng đến thói quen đi tiêu.
TỔNG QUAN VỀ TRIỆU CHỨNG TÁO BÓN XEN KẼ TIÊU CHẢY
Mỗi người có thói quen đi tiêu khác nhau, có thể vài lần một ngày, vài lần một tuần hoặc đôi khi ít hơn. Tình trạng đi ngoài diễn ra bình thường sẽ có phân mềm, không gây đau và không cần dùng lực nhiều để đẩy phân ra ngoài. Đôi khi, tiêu chảy và táo bón không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, tình trạng tiêu chảy xen kẽ táo bón xảy ra thường xuyên có thể biểu hiện tình trạng bất thường ở hệ tiêu hóa.
Táo bón xen kẽ tiêu chảy là gì?
Táo bón xen kẽ tiêu chảy hay táo bón sau tiêu chảy có thể không thường xảy ra cùng nhau. Đây có thể là triệu chứng báo hiệu tình trạng bất thường trong hệ tiêu hóa. Một số phương pháp điều trị tại nhà có thể kiểm soát triệu chứng như khi nhiễm trùng tạm thời hoặc không dung nạp thức ăn sẽ gây ra táo bón sau tiêu chảy. Các triệu chứng mạn tính có thể cần được chẩn đoán và điều trị y tế, chẳng hạn như ở những người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc bệnh viêm ruột (IBD).
NGUYÊN NHÂN GÂY TRIỆU CHỨNG TÁO BÓN XEN KẼ TIÊU CHẢY
Dù không phổ biến, triệu chứng táo bón xen kẽ tiêu chảy có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau:
- Chế độ ăn uống.
- Nhiễm trùng tiêu hóa cấp tính.
- Phản ứng với thuốc.
- Phụ nữ mang thai.
- Một số bệnh lý rối loạn tiêu hóa tiềm ẩn như hội chứng ruột kích thích (IBS)
- hoặc bệnh viêm ruột (IBD).
- Ung thư đại – trực tràng là nguyên nhân ít gặp nhưng cũng có thể gây ra triệu chứng này.
Nguyên nhân táo bón xen kẽ tiêu chảy do chế độ ăn uống
Ăn kiêng có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột. Một số loại thực phẩm có thể gây kích ứng ruột ở những người mắc chứng không dung nạp hoặc dị ứng.
Thư viện Quốc gia về Đái tháo đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Mỹ (NIDDK) lưu ý rằng dị ứng thực phẩm thông thường cũng có thể dẫn đến các triệu chứng lâu dài, chẳng hạn như tiêu chảy mạn tính.
Các thực phẩm có thể gây kích ứng bao gồm:
- Sữa bò.
- Hạt ngũ cốc chẳng hạn như lúa mì.
- Đậu nành.
- Trứng.
- Hải sản.
- Một số loại nước sốt và gia vị.
- Rượu đường: thường được sử dụng làm chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp trong kẹo hoặc kẹo cao su không đường, làm phụ gia thực phẩm trong thực phẩm chế biến sẵn, kem đánh răng, một số loại thuốc và thuốc nhuận tràng.
NIDDK cũng chỉ ra rằng ăn những thực phẩm này có thể gây ra phản ứng trong hệ tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như táo bón và tiêu chảy.
Nếu các triệu chứng này thỉnh thoảng xảy ra nhưng đủ thường xuyên để gây khó chịu, Cô Bác, Anh Chị nên ghi chú lại các thực phẩm đã ăn để theo dõi, điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh ảnh hưởng đến nhu động ruột và giúp xác định các loại thực phẩm gây kích thích và không dung nạp.
Nguyên nhân táo bón xen kẽ tiêu chảy do nhiễm trùng tiêu hóa cấp tính
Nhiễm trùng tiêu hóa cấp tính là tình trạng dạ dày hoặc ruột bị nhiễm virus tạm thời dẫn đến viêm các mô bên trong. Nhiễm trùng dạ dày hoặc ruột có thể gây ra những thay đổi tạm thời về thói quen đi tiêu, ví dụ như norovirus là một bệnh nhiễm virus tạm thời trong dạ dày hoặc ruột, có thể gây tiêu chảy.
Tiêu chảy là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh nhiễm trùng tiêu hóa cấp tính do ruột sưng lên, cản trở khả năng hấp thụ nước và đẩy phần lớn các chất thải hiện có trong ruột ra ngoài. Tình trạng viêm kéo dài khiến ruột mất khả năng co bóp và độ đàn hồi. Chất thải tồn đọng trong ruột sau một thời gian gây triệu chứng táo bón.
Sau đó, người bệnh có thể bị tiêu chảy tái đi tái lại do nước không được hấp thụ đúng cách từ vài ngày đến vài tuần. Các triệu chứng này sẽ biến mất nếu được điều trị triệt để và các mô lành hoàn toàn.
Nguyên nhân táo bón xen kẽ tiêu chảy do phản ứng với thuốc
Trong một số trường hợp, thay đổi nhu động ruột có thể bắt nguồn từ một số loại thuốc mà Cô Bác, Anh Chị đang sử dụng.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia, Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ lên đường tiêu hóa tương tự như các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc bệnh viêm ruột (IBD).
Những loại thuốc này bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm và metformin.
Một số thay đổi này có thể là tạm thời và sẽ cải thiện khi cơ thể quen với thuốc. Mỗi loại thuốc và cơ địa đều khác nhau. Nếu gặp phải những thay đổi về đường tiêu hóa sau khi bắt đầu dùng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng, Cô Bác, Anh Chị nên liên hệ với bác sĩ chuyên môn tại bệnh viện/phòng khám nội tiêu hóa để được tư vấn thêm.
Nguyên nhân táo bón xen kẽ tiêu chảy do mang thai
Bình thường, phụ nữ khi mang thai bị táo bón xen kẽ tiêu chảy do một số nguyên nhân sau:
- Thai kỳ có thể khiến thay đổi thói quen ăn uống gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc làm chậm hoạt động của cơ ruột và gây táo bón.
- Nhạy cảm hoặc dị ứng với một số thực phẩm có thể dẫn đến cả táo bón và tiêu chảy. Nguyên nhân do hệ thống miễn dịch ở phụ nữ mang thai phản ứng với các chất có trong thức ăn hoặc chất lỏng.
- Vitamin cần bổ sung khi mang thai cũng có thể gây ra những thay đổi trong nhu động ruột dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón.
- Những thay đổi về hormone có thể ảnh hưởng đến tốc độ và chuyển động của đường tiêu hóa, cũng như nhiều chất trong cơ thể phụ nữ mang thai có liên quan đến quá trình tiêu hóa.
- Áp lực lên ruột phụ nữ mang thai từ thai nhi đang lớn có thể khiến phân bị tác động do chèn ép qua các không gian hẹp hơn trong ruột kết có thể dẫn đến táo bón.
Bệnh viêm ruột (IBD)
Táo bón và tiêu chảy đều là các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm ruột như ở bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
Mỗi loại bệnh viêm đường ruột sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau của đường tiêu hóa, ví dụ như:
- Bệnh Crohn có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trong đường tiêu hóa nhưng phổ biến hơn ở phần cuối của ruột non, nơi liên kết với đại – trực tràng.
- Viêm loét đại tràng thường chỉ xảy ra ở đại tràng.
Bệnh viêm ruột vẫn chưa được các chuyên gia xác định nguyên nhân chính xác gây bệnh nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như rối loạn hệ thống miễn dịch đường ruột, các tế bào trong hệ miễn dịch thay đổi hoặc do viêm nhiễm khiến các tế bào này bị đột biến.
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng tiêu hoá ở ruột thường xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, thay đổi thói quen đi tiêu nhưng không tìm thấy tổn thương (viêm loét) và không có rối loạn cấu trúc hay sinh hóa tại ruột.
Hội chứng ruột kích thích hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy hội chứng ruột kích thích có liên quan mật thiết đến các yếu tố tâm lý và yếu tố sinh lý, chẳng hạn như:
- Chế độ ăn uống
- Căng thẳng
- Những thay đổi trong vi khuẩn đường ruột
Khác với IBD, IBS không nhất thiết gây ra bởi tình trạng tự miễn dịch hoặc các vấn đề di truyền ảnh hưởng đến đường ruột.
IBS được phân loại dựa trên mức độ người bệnh bị tiêu chảy hoặc táo bón:
- IBS-C (Táo bón): hơn 25% số lần đi tiêu phân vón cục và cứng.
- IBS-D (Tiêu chảy): hơn 25% số lần đi tiêu phân lỏng và nước.
- IBS-M (Hỗn hợp): hơn 25% số lần đi tiêu phân vón cục và cứng, và 25% khác là phân lỏng và nước. IBS-M thường gây ra các đợt táo bón và tiêu chảy xen kẽ.
Ung thư đại – trực tràng
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại – trực tràng ngày càng tăng cao, bệnh chủ yếu được phát hiện ở người trên 50 tuổi, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Gần đây, CDC Mỹ khuyến cáo nội soi đại tràng và tầm soát ung thư đại tràng cho người từ 45 tuổi trở lên.
Hiên nay y học chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại – trực tràng như:
- Chế độ ăn: ăn nhiều chất mỡ và ít chất xơ nguồn gốc thực vật, ít vận động, béo phì, uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc lá,…
- Những tổn thương tiền ung thư: polyp đại tràng như đơn polyp, những polyp có đường kính ≥2cm dễ bị ung thư hóa, số lượng càng nhiều polyp thì tỷ lệ ung thư càng cao, polyp không cuống dễ ung thư hơn, những polyp có độ dị sản càng cao thì càng dễ ung thư hóa.
- Bệnh đa polyp đại – trực tràng (đa polyp tuyến gia đình): Đây là bệnh lý có tính chất gia đình, thường xảy ra ở bệnh nhân trẻ ≤ 30 tuổi và tỷ lệ ung thư hóa khá cao.
- Bệnh viêm loét đại trực tràng xuất huyết.
- Bệnh Crohn: thường ung thư hóa sau 5 năm.
Triệu chứng ung thư đại – trực tràng giai đoạn sớm thường mơ hồ, có thể có các biểu hiện sau:
- Tiêu chảy kéo dài và được điều trị như bệnh lý viêm đại tràng nhưng không khỏi.
- Táo bón: Thường gặp ở bệnh nhân có u ở đại tràng, đôi khi xen kẽ những đợt tiêu chảy như hội chứng lỵ hay có cảm giác đi không hết phân.
CÁC TRIỆU CHỨNG KÈM THEO?
Các dấu hiệu và triệu chứng kèm theo với táo bón xen kẽ tiêu chảy sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng tiêu hóa khác người bệnh có thể gặp cùng với táo bón sau tiêu chảy như buồn nôn, đau bụng, đi ngoài ra máu,…
Các triệu chứng đi kèm với táo bón xen kẽ tiêu chảy
Một số triệu chứng cúm, chẳng hạn như sốt cao, có thể khiến cơ thể bị mất nước, dẫn đến tiêu chảy xen kẽ táo bón. Một số triệu chứng đi kèm khác của nhiễm trùng tiêu hóa cấp tính như:
- Ăn mất ngon.
- Sốt.
- Ớn lạnh.
- Đau nhức cơ thể hoặc đau đầu.
- Buồn nôn, nôn.
- Đau bụng cấp tính.
Các triệu chứng khác của bệnh viêm ruột (IBD) có thể xuất hiện khi phản ứng với một số loại thực phẩm hoặc các tác nhân gây bệnh khác như:
- Đi ngoài ra máu hoặc tiêu phân nhầy nhớt, thường xảy ra vào ban đêm và không kiểm soát.
- Đau bụng, co thắt ruột.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Xuất hiện máu ẩn trong phân.
- Mất cảm giác ngon miệng.
- Giảm cảm giác thèm ăn, cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
- Thiếu máu, thiếu sắt, sụt cân không rõ nguyên nhân.
Các triệu chứng khác của hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể xuất hiện như:
- Thay đổi tính chất phân (viên cứng nhỏ hoặc phân lỏng)
- Thay đổi thói quen đại tiện (tiêu chảy hoặc táo bón)
- Cảm giác buồn đi đại tiện gấp
- Cảm giác đi đại tiện không hết
- Có chất nhầy trong phân
- Đầy hơi
- Chướng bụng
- Bị đau hoặc chuột rút ở vùng bụng
Các triệu chứng khác của ung thư đại – trực tràng ngoài triệu chứng táo bón và tiêu chảy:
Đi cầu ra máu: đỏ hay đen tùy thuộc vào vị trí, ung thư đại tràng (P) thường chảy máu rỉ rả rất khó thấy bằng mắt thường.
Đau bụng: 75% trường hợp ung thư đại tràng có triệu chứng đau bụng, đau khu trú theo vị trí khối u hay đau dọc khung đại tràng, muộn hơn khi có biểu hiện bán tắc hay tắc ruột thì đau bụng nhiều hơn, đau từng cơn, dữ dội và có thể thấy nổi gồ trên thành bụng. Muộn hơn có thể sờ thấy khối ở trong bụng.
Người bệnh sụt cân nhanh, chán ăn, mệt mỏi, da xanh do thiếu máu, đôi khi có hiện tượng sốt.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám
Mặc dù triệu chứng tiêu chảy xen kẽ táo bón thường không phổ biến và ít khi do nguyên nhân nghiêm trọng, nhưng nếu triệu chứng lặp lại nhiều lần hay kéo dài nhiều ngày thì Cô Bác, Anh Chị cần được thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín (bệnh viện/trung tâm nội soi tiêu hóa) để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm cũng như được điều trị thích hợp.
Tình trạng tiêu chảy từ 2 đến 3 ngày trở lên có thể khiến Cô Bác, Anh Chị bị mất nước. Tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng, gây biến chứng đặc biệt và nguy hiểm hơn đối với thai phụ.
Cô Bác, Anh Chị nên đi thăm khám ngay nhận thấy bất kỳ triệu chứng mất nước nào sau đây:
- Nước tiểu màu vàng sẫm
- Miệng khô, dính, mắt trũng
- Khát nước
- Đi tiểu ít hơn bình thường
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Mất tập trung
Táo bón nặng cũng có thể gây ra các biến chứng nếu Cô Bác, Anh Chị không đi tiêu trong nhiều tuần hoặc lâu hơn. Các dấu hiệu khẩn cấp của biến chứng do táo bón mạn tính như:
- Sưng các tĩnh mạch xung quanh hậu môn (bệnh trĩ) do căng thẳng.
- Rách da hậu môn (nứt hậu môn) do phân lớn hoặc cứng.
- Liên tục cảm thấy buồn đi tiêu mà không đi được (mót rặn).
- Không thể tống phân ra ngoài.
- Một phần ruột nhô ra khỏi hậu môn (sa trực tràng) do căng thẳng khi đi tiêu.
PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN TRIỆU CHỨNG TÁO BÓN XEN KẼ TIÊU CHẢY
Để chẩn đoán chính xác triệu chứng táo bón xen kẽ tiêu chảy, bác sĩ sẽ kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng giúp loại trừ các bệnh liên quan và có phương pháp điều trị phù hợp.
Khám lâm sàng
Cô Bác, Anh Chị nên nêu rõ cụ thể và chi tiết các triệu chứng, dấu hiệu và tình trạng sức khỏe hiện tại giúp bác sĩ chẩn đoán được chính xác hơn như:
- Tần suất và thời gian đi tiêu ra sao?
- Tình trạng phân như thế nào (phân có máu, dịch nhầy, màu sắc hoặc độ đặc ra sao)?
- Cô Bác, Anh Chị có cố sức khi đi cầu không?
- Thời gian và số lần sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ khám đại tràng. Các loại thuốc bao gồm kháng sinh sử dụng 3 tháng gần đây là gì?
- Cân nặng của Cô Bác, Anh Chị có tăng hoặc giảm đột ngột không?
- Gia đình có ai đã hoặc đang mắc bệnh táo bón, bệnh về đường tiêu hóa hoặc ung thư đại – trực tràng không?
- Nguyên nhân nào Cô Bác, Anh Chị nghĩ gây tiêu chảy (có thể đến từ chuyến du lịch gần đây, thức ăn, nguồn nước,…)?
Cô Bác, Anh Chị nên chú ý đến các rối loạn như thay đổi kích thước phân hoặc máu trong phân, đây có thể là dấu hiệu nhận biết ung thư. Sụt cân đột ngột là triệu chứng báo hiệu bệnh đã tiến triển thành mạn tính.
Cô Bác, Anh Chị cũng nên nói với bác sĩ về các phẫu thuật ổ bụng trước đây đã từng thực hiện, các triệu chứng chuyển hóa (như suy giáp, đái tháo đường), bệnh thần kinh (như Parkinson, xơ cứng bì, chấn thương tủy sống). Các loại thuốc điều trị cũng là một phần giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây triệu chứng.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Cận lâm sàng được thực hiện dựa vào các kết quả chẩn đoán trong bước khám lâm sàng. Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng khác nhau để xác định được tình trạng bệnh lý cũng như mức độ nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Xét nghiệm
Xét nghiệm máu bao gồm xét nghiệm các chỉ số máu, hormon tuyến giáp, đường máu, chỉ số điện giải và hàm lượng Canxi trong máu.
- Thiếu máu: gợi ý mất máu, kém hấp thu, nhiễm trùng, u bướu.
- Bạch cầu ái toan tăng gợi ý nhiễm ký sinh trùng, bệnh dị ứng.
Xét nghiệm phân để kiểm tra các nguyên nhân gây táo bón như vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng, viêm và ung thư.
Các xét nghiệm chuyên biệt khác: định lượng mỡ trong phân trong 72 giờ, đánh giá khả năng dung nạp lactose, cấy ruột non, sinh thiết ruột non, đo thời gian vận chuyển ở ruột non, định lượng gastrin trong máu,…
Nội soi tiêu hóa
Nội soi đại – trực tràng hoặc nội soi đại tràng sigma giúp bác sĩ quan sát trực tiếp tình trạng bên trong lòng ống tiêu hóa dưới để loại trừ bệnh viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, xuất huyết tiêu hóa, viêm loét đại tràng,…
Đối với các trường hợp nghi ngờ hoặc xuất hiện các khối u bên trong ống tiêu hóa các bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết làm giải phẫu bệnh trong quá trình nội soi tiêu hóa giúp xác định tỷ lệ phát triển thành ung thư nếu có.
Chẩn đoán hình ảnh
Một số phương tiện chẩn đoán hình ảnh thường được áp dụng trong thăm khám triệu chứng táo bón xen kẽ tiêu chảy như:
- Siêu âm bụng để loại trừ các vấn đề bất thường về cấu trúc của hệ tiêu hóa.
- Chụp X-quang bụng: giúp bác sĩ quan sát đường ruột có đang bị tắc nghẽn hay không.
- Chụp X-quang đại tràng cản quang: giúp bác sĩ quan sát toàn bộ đại tràng, chẩn đoán bệnh lý như sa trực tràng, các vấn đề về chức năng cơ và phối hợp cơ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI giúp đánh giá chức năng các cơ trong quá trình đại tiện, chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa dưới như sa trực tràng kiểu túi.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) ruột: có thể cần thiết để đánh giá vị trí, kích thước các khối u, ổ viêm loét và tình trạng hoạt động của ruột.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA TRIỆU CHỨNG TÁO BÓN XEN KẼ TIÊU CHẢY
Các phương pháp điều trị táo bón xen kẽ tiêu chảy sẽ khác nhau dựa trên nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Đặc biệt, nếu nguyên nhân gây tiêu chảy xen kẽ táo bón là do ung thư đại – trực tràng thì cần dựa vào loại ung thư và giai đoạn để có phương pháp điều trị thích hơp.
Phương pháp điều trị triệu chứng táo bón xen kẽ tiêu chảy
Đối với trường hợp người bệnh chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ, phương pháp điều trị có thể chỉ cần điều chỉnh thực đơn ăn uống, tránh các thực phẩm không dung nạp hoặc gây dị ứng, uống nhiều nước và bổ sung nhiều chất xơ hơn để cải thiện độ đặc của phân.
Xác định và điều trị nguyên nhân gây triệu chứng táo bón xen kẽ tiêu chảy giúp ngăn chặn tình trạng bệnh tiến triển và hạn chế tổn thương ống tiêu hóa.
Điều trị táo bón xen kẽ tiêu chảy do nhiễm trùng tiêu hóa cấp tính
Bác sĩ có thể khuyên người bệnh sử dụng các dung dịch bù nước uống không kê đơn (OHS) giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng và điện giải, men vi sinh probiotics có thể giúp khôi phục các vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh bị ảnh hưởng bởi nhiễm trùng.
Điều trị táo bón xen kẽ tiêu chảy do bệnh viêm ruột
Điều trị bệnh viêm ruột (IBD) nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng có thể bao gồm:
- Nội soi tiêu hóa và khám sức khỏe định ký theo chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn hệ thống miễn dịch tấn công mô lành ở ruột.
- Sử dụng thuốc trị tiêu chảy và thuốc nhuận tràng.
- Bổ sung dưỡng chất, bao gồm cả sắt, để phục hồi chất dinh dưỡng.
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để mở rộng ruột hẹp hoặc cắt bỏ các phần ruột bị bệnh.
Điều trị táo bón xen kẽ tiêu chảy do hội chứng ruột kích thích
Hiện nay chưa có một phương pháp điều trị nào có thể điều trị hoàn toàn hội chứng ruột kích thích, các phương pháp điều trị tốt nhất là làm giảm các triệu chứng bệnh lý thông qua phương pháp tâm lý, dùng thuốc hỗ trợ và thay đổi chế độ dinh dưỡng.
- Sử dụng thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như fluoxetine hoặc citalopram, để giảm lo lắng và căng thẳng.
- Dùng thuốc trị tiêu chảy, chẳng hạn như loperamide và diphenoxylate, để làm chậm các cơn co cơ trong đường tiêu hóa.
- Dùng thuốc chống co thắt, chẳng hạn như alkaloids belladonna và dầu bạc hà, để giảm cơn đau co thắt.
- Sử dụng chất cô lập axit mật, chẳng hạn như cholestyramine và colesevelam, nếu thuốc trị tiêu chảy không hoạt động tốt.
- Bổ sung chất xơ để tăng khối lượng phân và giúp đi tiêu dễ dàng hơn.
- Sử dụng thuốc nhuận tràng, chẳng hạn như lactulose hoặc polyethylene glycol 3350, để trị táo bón hoặc làm mềm phân.
Lưu ý: khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị bệnh đều cần có chỉ định của bác sĩ.
Các phương pháp khắc phục triệu chứng táo bón xen kẽ tiêu chảy tại nhà
Một số biện pháp giảm nhẹ triệu chứng tiêu chảy xen kẽ táo bón tại nhà Cô Bác, Anh Chị có thể áp dụng như:
- Mỗi lần chườm nóng hoặc chườm nóng lên bụng khoảng 15 phút để cảm thấy dễ chịu hơn.
- Uống đủ nước hàng ngày để giữ cân bằng lượng chất lỏng.
- Thường xuyên luyện tập thể dục từ nhẹ đến trung bình để giữ nhu động ruột ổn định.
- Trà gừng có thể làm dịu dạ dày, khó chịu ở bụng.
- Đun sôi gạo lứt và uống nước để khôi phục chất điện giải bị mất do tiêu chảy.
- Ăn bạc hà hoặc uống trà bạc hà giúp giảm triệu chứng buồn nôn.
- Ăn các sản phẩm từ sữa như kefir không hương vị hoặc sữa chua khi các triệu chứng nghiêm trọng nhất đã qua đi để cân bằng vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
- Ăn nhiều chất xơ hơn để giúp di chuyển thức ăn dễ dàng hơn theo đường tiêu hóa.
- Tránh gluten nếu Cô Bác, Anh Chị mắc hội chứng không dung nạp thực phẩm này.
- Hãy thử thực hiện theo chế độ ăn kiêng FODMAP để giúp giảm các đợt đi tiêu không đều bao gồm giảm các loại thực phẩm như sữa, các loại đậu, trái cây và rau quả có nhiều đường đơn gọi là fructose.
- Uống men vi sinh như sữa chua giúp thúc đẩy vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
- Hạn chế hút thuốc và uống rượu bia. Thuốc lá và rượu bia là các tác nhân phổ biến gây táo bón và tiêu chảy cũng như kích hoạt các triệu chứng của IBD hoặc IBS.
- Hạn chế căng thẳng, lo lắng.
Phương pháp phòng ngừa triệu chứng táo bón xen kẽ tiêu chảy
Triệu chứng tiêu chảy xen kẽ táo bón không thể phòng ngừa triệt để trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, nếu Cô Bác, Anh Chị chú ý đến sức khỏe tiêu hóa tổng thể cũng như các yếu tố về chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp hạn chế xuất hiện triệu chứng.
Các phương pháp ngăn ngừa táo bón sau khi tiêu chảy có thể khác nhau tùy theo nguyên nhân và tình trạng bệnh. Một số lưu ý giúp Cô Bác, Anh Chị phòng ngừa triệu chứng táo bón sau tiêu chảy gồm:
- Uống ít nhất 2l nước/ngày.
- Luyện tập thể dục đều đặn
- Đảm bảo chất xơ trong chế độ ăn uống.
- Tránh ăn quá nhiều, ăn quá no.
- Uống men vi sinh như sữa chua thường xuyên để tăng cường sức khỏe đường ruột.
- Tránh để tâm lý căng thẳng, lo lắng.
- Tránh hút thuốc lá và uống rượu bia.
CÂU HỎI TỔNG HỢP
Táo bón xen kẽ tiêu chảy hay táo bón sau tiêu chảy có thể không thường xảy ra cùng nhau. Đây có thể là triệu chứng báo hiệu tình trạng bất thường trong hệ tiêu hóa. Một số phương pháp điều trị tại nhà có thể kiểm soát triệu chứng như khi nhiễm trùng tạm thời hoặc không dung nạp thức ăn sẽ gây ra táo bón sau tiêu chảy. Các triệu chứng mạn tính có thể cần được chẩn đoán và điều trị y tế, chẳng hạn như ở những người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc bệnh viêm ruột (IBD).
Dù không phổ biến, triệu chứng táo bón xen kẽ tiêu chảy có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau:
- Chế độ ăn uống.
- Nhiễm trùng tiêu hóa cấp tính.
- Phản ứng với thuốc.
- Phụ nữ mang thai.
- Một số bệnh lý rối loạn tiêu hóa tiềm ẩn như hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc bệnh viêm ruột (IBD).
- Ung thư đại – trực tràng là nguyên nhân ít gặp nhưng cũng có thể gây ra triệu chứng này.
Mặc dù triệu chứng tiêu chảy xen kẽ táo bón thường không phổ biến và ít khi do nguyên nhân nghiêm trọng, nhưng nếu triệu chứng lặp lại nhiều lần hay kéo dài nhiều ngày thì Cô Bác, Anh Chị cần được thăm khám để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm cũng như được điều trị thích hợp.
Tình trạng tiêu chảy từ 2 đến 3 ngày trở lên có thể khiến Cô Bác, Anh Chị bị mất nước. Tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng, gây biến chứng đặc biệt và nguy hiểm hơn đối với thai phụ.
Các phương pháp điều trị táo bón xen kẽ tiêu chảy sẽ khác nhau dựa trên nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Đặc biệt, nếu nguyên nhân gây tiêu chảy xen kẽ táo bón là do ung thư đại – trực tràng thì cần dựa vào loại ung thư và giai đoạn để có phương pháp điều trị thích hơp.
Triệu chứng tiêu chảy xen kẽ táo bón không thể phòng ngừa triệt để trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, nếu Cô Bác, Anh Chị chú ý đến sức khỏe tiêu hóa tổng thể cũng như các yếu tố về chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp hạn chế xuất hiện triệu chứng.
Tài liệu tham khảo
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
- Jewell, Tim. What Causes Constipation After Diarrhea? Biên tập bởi Alana Biggers. 30 09 2019. https://www.healthline.com/health/digestive-health/constipation-after-diarrhea (đã truy cập 10 20, 2021).
- Johnson, Jon. What to know about constipation after diarrhea. Biên tập bởi Saurabh Sethi. 09 12 2020. https://www.medicalnewstoday.com/articles/constipation-after-diarrhea (đã truy cập 10 20, 2021).
- National Center for Chronic Disease Prevention and Health Promotion, Centers for Disease Control and Prevention. What is inflammatory bowel disease (IBD)? 22 03 2018. https://www.cdc.gov/ibd/what-is-IBD.htm (đã truy cập 10 20, 2021).
- National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (NIDDK). Definition & Facts for Irritable Bowel Syndrome. 11 2017. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/irritable-bowel-syndrome/definition-facts (đã truy cập 10 20, 2021).
- —. Symptoms & Causes of Diarrhea. 11 2016. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/diarrhea/symptoms-causes (đã truy cập 10 20, 2021).
- —. Treatment for Irritable Bowel Syndrome. 11 2017. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/irritable-bowel-syndrome/treatment (đã truy cập 10 20, 2021).
TIN SỨC KHỎE
Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.
ĐỐI TÁC
ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA
Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng
Endo Clinic
Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư
THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H)
VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H)