TIÊU PHÂN NHẦY NHỚT
Khi đi tiêu, sự hiện diện của chất nhầy trong phân với lượng mà mắt thường có thể nhìn thấy là triệu chứng cảnh báo một số bệnh lý đường tiêu hóa.
Chi tiết triệu chứng tiêu phân nhầy nhớtTỔNG QUAN VỀ TRIỆU CHỨNG TIÊU PHÂN NHẦY NHỚT
- Bình thường cơ thể sẽ sản xuất một lượng chất nhầy vừa đủ để bảo vệ và bôi trơn bề mặt niêm mạc ruột, giúp quá trình vận chuyển các chất cặn bã tới hậu môn và thải ra ngoài một cách dễ dàng, giảm thiểu tổn thương do vi khuẩn, virus hay vi nấm gây ra. Sự hiện diện của lượng chất nhầy này trong phân bình thường không thể quan sát bằng mắt thường khi đi ngoài.
- Chất nhầy mà người bệnh quan sát được bằng mắt thường khi đi tiêu có thể do thức ăn bị nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây ra viêm niêm mạc đường ruột hoặc do các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa. Mỗi năm có khoảng 1,5% người bệnh đến các bệnh viện, phòng khám dạ dày và đại trực tràng để thăm khám hệ tiêu hóa do có triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt.
Tiêu phân nhầy nhớt là gì?
Tiêu phân nhầy nhớt hay đi ngoài ra phân có chất nhầy (tên tiếng Anh: mucus in stools) là tình trạng chất nhầy xuất hiện trong phân nhiều đến mức người bệnh có thể quan sát được bằng mắt thường. Triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý ống tiêu hóa tiềm ẩn, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm loét đại tràng, nhiễm trùng ống tiêu hóa, nứt hậu môn, tắc ruột, bệnh Crohn,…
Nếu chỉ nhận thấy lượng ít chất nhầy trong phân, Cô Bác, Anh Chị có thể không cần phải lo lắng. Một số biểu hiện đi kèm tiêu phân nhầy nhớt cho thấy tình trạng bất thường như:
- Đi ngoài ra phân có lượng chất nhầy nhớt nhiều.
- Triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt xuất hiện thường xuyên.
- Tiêu phân nhầy lẫn máu, có bọt, sẫm màu, có màu xanh hoặc hắc ín.
- Tiêu chảy ra phân có chất nhầy: có thể do một số bệnh nhiễm trùng đường ruột và bệnh viêm ruột (IBD) gây ra.
- Đau bụng: có thể do các bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng hơn như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và ung thư đại – trực tràng.
Chất nhầy là gì?
Chất nhầy là một chất tiết tự nhiên của cơ thể, đặc giống như thạch, thường có màu trong suốt nên khó nhận thấy hoặc có màu trắng, vàng. Chức năng chính là bảo vệ các cơ quan như miệng, mũi, xoang, họng, phổi và ruột. Trong đó, chất nhầy được tiết ra nhiều nhất là ở ruột.
Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh hoặc các yếu tố môi trường có thể làm tăng độ đặc và màu sắc của chất nhầy.
Trong hệ tiêu hóa, tế bào niêm mạc ruột luôn được tái tạo mới, do đó có 1 lớp dịch nhầy mỏng để bôi trơn bề mặt niêm mạc ruột, giúp cho quá trình vận chuyển các chất cặn bã tới hậu môn và thải ra ngoài một cách dễ dàng. Ngoài ra, chất nhầy giúp bảo vệ chống lại các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, axit dạ dày, các chất lỏng hoặc chất kích thích khác.
NGUYÊN NHÂN GÂY TRIỆU CHỨNG TIÊU PHÂN NHẦY NHỚT
Việc đi ngoài ra chất nhầy trong phân là hiện tượng bình thường, không gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, sự gia tăng quá mức chất nhầy trong phân có thể là dấu hiệu của các bệnh lý đường tiêu hóa. Nếu tình trạng viêm xảy ra làm phá vỡ lớp màng nhầy niêm mạc, cơ thể sẽ tăng tiết chất nhầy và khiến cho đại tràng dễ bị nhiễm trùng.
Mặc dù các loại virus như cảm lạnh hoặc cúm thường làm tăng sản xuất chất nhầy, nhưng thường chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp của người bệnh. Tình trạng này hiếm khi làm tăng chất nhầy trong phân. Ngoài ra, mất nước và táo bón có thể khiến lượng chất nhầy từ đại tràng tăng lên đáng kể.
Các bệnh lý gây tiêu phân nhầy nhớt
Sự thay đổi nồng độ chất nhầy có thể là kết quả của tình trạng viêm đường tiêu hóa cần điều trị y tế. Một số bệnh lý ở hệ tiêu hóa là nguyên nhân phổ biến gây tiêu phân nhầy nhớt, bao gồm:
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn chức năng tiêu hoá ở ruột với các triệu chứng như đau bụng, thay đổi thói quen đi tiêu nhưng không tìm thấy tổn thương (viêm/loét) và không có rối loạn cấu trúc, sinh hóa tại ruột. Đây là bệnh lý tiêu hóa phổ biến gây ra tình trạng tiêu ra chất nhầy.
Ngoài triệu chứng chính là tiêu chảy phân nhầy, các triệu chứng có thể xuất hiện ở người bệnh IBS bao gồm:
- Đau bụng, co thắt cơ bụng hoặc chướng bụng.
- Nhu động ruột thay đổi bất thường.
- Thường bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là tình trạng viêm ruột mạn tính thường xảy ra tại ruột non và đại tràng. Bệnh lý này có thể gây đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, suy nhược, sụt cân, suy dinh dưỡng thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ruột non và đại tràng bị viêm sẽ gây triệu chứng tiêu chảy có chất nhầy trong phân.
Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh Crohn có thể xuất hiện bao gồm:
- Rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
- Sốt, mệt mỏi kéo dài.
- Đau thượng vị, đau bụng dưới hoặc xuất hiện các cơn co thắt bụng.
- Xuất hiện máu lẫn trong phân có thể là máu đỏ tươi hoặc màu sẫm.
- Lở miệng, chán ăn, sụt cân không kiểm soát.
- Đau hậu môn, tiết dịch vùng rìa hoặc xung quanh hậu môn do viêm các tuyến da.
- Đổ mồ hôi đêm.
- Mất chu kỳ kinh nguyệt.
Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng là loại viêm đại tràng được chẩn đoán phổ biến nhất thuộc nhóm bệnh viêm ruột mạn tính (IBD). Viêm loét đại tràng là tình trạng viêm loét và xuất huyết đại tràng. Những vết loét này có thể chảy máu và lượng chất nhầy được tiết ra bất thường, tùy vào từng tình trạng bệnh mà lượng chất nhầy tiết ra là nhiều hay ít.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh viêm loét đại tràng bao gồm xuất hiện máu lẫn trong phân, tiêu phân nhầy nhớt, đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, chuột rút.
Viêm đại tràng dị ứng
Viêm đại tràng dị ứng là tình trạng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh, thường là trong vòng hai tháng đầu sau sinh, liên quan đến tình trạng dị ứng các protein trong sữa mẹ hoặc trong sữa công thức. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng ở trẻ sơ sinh bao gồm trào ngược dạ dày thực quản, nôn ói, tiêu chảy, có thể có máu hoặc chất nhầy trong phân khi trẻ đi ngoài.
Nhiễm trùng ống tiêu hóa
Nhiễm trùng đường tiêu hóa gây viêm đại tràng cấp tính do ngộ độc thực phẩm, dị ứng thức ăn có thể dẫn đến triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt, máu lẫn trong phân, sốt.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường ruột do:
– Không giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sống.
– Ăn uống thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh đường ruột.
– Độc tố mà virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng giải phóng trong đường ruột gây tổn hại đại tràng, ví dụ như:
- Ký sinh trùng: thường gặp nhất là lỵ amip. Ngoài ra còn có giun đũa, giun tóc, giun kim.
- Vi khuẩn: lỵ trực khuẩn (Shigella), vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn tả (Vibrio cholerae), vi khuẩn E. coli, Clostridium difficile.
- Siêu vi Rotavirus gây tiêu chảy chủ yếu ở trẻ em.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) năm 2019, tại Hoa Kỳ có đến 30 đến 70% du khách sau khi đi du lịch sẽ bị nhiễm trùng đường ruột. Trong đó vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu chiếm 80 đến 90% số ca mắc.
Các loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc tiêu chảy giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu. Ngoài ra, người bệnh nên tránh ăn thực phẩm cay, nhiều dầu mỡ, caffeine, rượu,… Uống nhiều nước để cơ thể tránh bị mất nước do tiêu chảy.
Bệnh xơ nang
Bệnh xơ nang là bệnh di truyền của các tuyến ngoại tiết ảnh hưởng chủ yếu đến hệ thống hô hấp và hệ tiêu hóa. Bệnh này gây chất nhầy đặc và dính tích tụ trong phổi, tuyến tụy, gan hoặc đường ruột. Hiện nay vẫn chưa có cách điều trị khỏi bệnh xơ nang nhưng sử dụng thuốc có thể giảm chất nhầy, giúp thông đường thở và hạn chế nhiễm trùng.
Ngoài triệu chứng chính là tiêu phân nhầy nhớt và lỏng, các triệu chứng có thể xuất hiện ở người bệnh xơ nang bao gồm thở khò khè, ho ra chất nhầy hoặc máu, sụt cân không kiểm soát và suy nhược.
Hội chứng kém hấp thu
Hội chứng kém hấp thu là tình trạng cơ thể không thể hấp thu chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất từ đường tiêu hóa vào dòng máu.
Một số bệnh lý có thể là nguyên nhân gây hội chứng kém hấp thu như bệnh Celiac, bệnh viêm ruột, bất dung nạp lactose trong sữa bò, sữa đậu nành, fructose, dị ứng gluten.
Các dấu hiệu và triệu chứng tại ruột nổi bật trong trường hợp kém hấp thu nặng, bao gồm:
- Tiêu chảy kéo dài, tiêu phân nhầy nhớt.
- Sụt cân: Sự hấp thu năng lượng không đầy đủ sẽ dẫn đến tình trạng sụt cân ở người lớn khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
- Chậm phát triển, dậy thì muộn ở trẻ em.
- Thiếu máu do thiếu sắt, acid folic và vitamin B-12.
- Chuột rút do giảm hấp thu vitamin D, can-xi.
- Chảy máu lâu cầm do thiếu vitamin K và các yếu tố đông máu khác.
- Phù do suy dinh dưỡng và mất protein.
Nứt hậu môn
Nứt hậu môn là tình trạng xuất hiện vết rách nhỏ ở lớp niêm mạc ống hậu môn. Nguyên nhân gây nứt hậu môn có thể do tiêu chảy liên tục, táo bón, viêm vùng hậu môn – trực tràng, bệnh Crohn, bệnh viêm ruột,… Bệnh có thể biểu hiện bằng các cơn đau khi đi ngoài và xuất hiện chất nhầy trong phân.
Nứt kẽ hậu môn có thể không phải là một tình trạng nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau vài ngày hay vài tuần. Người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn nhưng cần được bác sĩ tư vấn. Nếu người bệnh nhận thấy đi ngoài ra máu lẫn trong phân nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Nếu đang hóa trị hoặc xạ trị, người bệnh có thể tiêu phân có nhiều chất nhầy do viêm loét niêm mạc đường tiêu hóa. Vết loét sẽ có đặc điểm tương tự như vết nứt hậu môn. Bệnh nhân cần đến điều trị tại bệnh viện.
Tắc ruột
Tắc ruột do rất nhiều nguyên nhân gây ra bao gồm dính ruột sau phẫu thuật, lạc nội mạc tử cung, xoắn ruột, bệnh viêm ruột, thoát vị, viêm ruột thừa, viêm túi thừa, khối u, thiếu máu cục bộ ruột, lao ruột và lồng ruột,… Tình trạng tắc ruột có thể dẫn đến triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt và các triệu chứng kèm theo như chuột rút, táo bón, đầy hơi hoặc chướng bụng.
Ung thư đại – trực tràng
Ung thư đại – trực tràng có thể gây ra các triệu chứng như máu lẫn trong phân có hoặc không có chất nhầy, chảy máu trực tràng và sụt cân không rõ nguyên nhân. Ung thư trực tràng hoặc ung thư đại tràng xuất phát từ sự phát triển không kiểm soát của các tế bào biểu mô niêm mạc. Ung thư đại – trực tràng nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Vì vậy Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nếu cơ thể có những dấu hiệu bất thường như:
- Thay đổi thói quen đi tiêu, đi tiêu nhiều lần, thường xuyên bị tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài trong vài ngày.
- Xuất huyết đại tràng hoặc có máu lẫn trong phân.
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài.
- Đau và khó chịu ở vùng bụng kéo dài như đau quặn bụng, đầy hơi, chướng bụng.
- Suy nhược hoặc mệt mỏi.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân, chán ăn, ăn không ngon, ăn ít.
Ung thư hậu môn
Ung thư hậu môn là tình trạng một số tế bào ở niêm mạc ống hậu môn phát triển đột biến. Khi có tác nhân ảnh hưởng đến các tế bào như di truyền, đột biến DNA, chế độ ăn uống, lối sống,… khiến các tế bào tại niêm mạc đột biến, tăng sinh không kiểm soát, lâu ngày hình thành các khối u ở lớp niêm mạc hoặc bên ngoài thành ống hậu môn.
Tuy ung thư hậu môn hiếm gặp nhưng lại là căn bệnh có mức nguy hiểm cao và khó phát hiện. Nếu ung thư hậu môn không được điều trị sớm có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng và tế bào ung thư sẽ xâm lấn sang các cơ quan khác trong cơ thể.
Nếu Cô Bác, Anh Chị có các dấu hiệu bất thường sau đây hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời:
- Chảy máu hậu môn bất thường hoặc sau khi đi tiêu.
- Đau vùng hậu môn.
- Xuất hiện khối u, hạch bạch huyết trong hoặc ngoài hậu môn và vùng bẹn.
- Ngứa hậu môn.
- Tiêu phân nhầy nhớt, khó kiểm soát nhu động ruột.
- Thay đổi thói quen đi tiêu như đi tiêu nhiều lần, táo bón, tiêu chảy kéo dài.
Các nguyên nhân khác gây tiêu phân nhầy nhớt
Tình trạng đi tiêu phân có chất nhầy đôi khi sẽ xảy ra đột ngột, không kéo dài và có thể tự khỏi hoặc điều trị bằng thuốc. Các nguyên nhân dẫn đến tăng tiết chất nhầy, bao gồm:
- Táo bón kéo dài có thể gây ra tổn thương niêm mạc đường ruột. Khi được thải ra ngoài, phân có thể có lẫn chất nhầy màu trắng hoặc có tia đỏ. Chất nhầy màu đỏ là do phân vón cục và quá cứng va chạm làm tổn thương thành ruột gây đau rát và chảy máu.
- Cơ thể bị mất nước sẽ sản xuất ra nhiều chất nhầy hơn để chống lại sự thiếu hụt nước. Chất nhầy được sản xuất nhiều nhất tại ruột non, sau đó chất nhầy sẽ ồ ạt trôi theo phân ra ngoài gây ra hiện tượng tăng chất nhầy trong phân. Triệu chứng phổ biến cho thấy cơ thể mất nước nghiêm trọng bao gồm suy kiệt, da xanh xao và sụt cân.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?
Một lượng lớn chất nhầy có thể nhìn thấy trong phân thường xuyên và ngày càng nhiều. Cô Bác, Anh Chị nên đi thăm khám để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Chất nhầy có thể xuất hiện trong phân khi sử dụng thuốc kháng sinh hoặc bị bệnh tuy nhiên triệu chứng sẽ thuyên giảm trong một vài tuần.
Các triệu chứng có thể cho thấy sự hiện diện của một bệnh lý nghiêm trọng đi kèm dấu hiệu có chất nhầy trong phân, bao gồm:
- Xuất hiện máu hoặc mủ lẫn trong phân
- Đau bụng không thuyên giảm
- Chuột rút
- Đầy hơi
- Thay đổi thói quen đi tiêu
Nếu Cô Bác, Anh Chị nghi ngờ mình đang gặp tình trạng tiêu phân nhầy nhớt hãy gặp bác sĩ thăm khám để chẩn đoán chính xác, điều trị bệnh kịp thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.
CÁC TRIỆU CHỨNG KÈM THEO
Tiêu phân nhầy nhớt là triệu chứng biểu hiện tình trạng bệnh lý ống tiêu hóa dưới người bệnh đang gặp phải. Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng kèm theo sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Đặc điểm phân kèm với triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt
- Phân nhầy lẫn máu là tình trạng đại tiện phân nhầy lẫn máu kèm theo các triệu chứng như đau bụng dưới xuất hiện trước và sau khi đi đại tiện, thời gian đại tiện kéo dài, sụt cân, xanh xao. Đi ngoài ra máu gợi ý các bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng như ung thư đại – trực tràng, khối u đại tràng. Nếu người bệnh đi ngoài phân loãng kèm máu và dịch nhầy có thể do mắc bệnh lỵ.
- Phân nhầy có bọt kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng mạn tính, chướng bụng, đầy hơi, đi tiêu nhiều lần, táo bón xen lẫn với tiêu chảy,… gợi ý nguyên nhân viêm đại tràng.
- Phân nhầy có màu xanh lá gợi ý nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột.
- Phân nhầy có màu đen do niêm mạc đại tràng bị tổn thương dẫn đến xuất huyết đường tiêu hoá. Nếu người bệnh không sử dụng thuốc bismuth nhưng xuất hiện phân đen (tiêu ra phân đen) gợi ý nguyên nhân xuất huyết đường tiêu hoá trên do bệnh viêm và loét dạ dày.
- Phân có màu đen không có máu hay chất nhầy có thể là do uống sắt, thuốc bismuth hoặc do thực phẩm và có thể bị nhầm lẫn với đại tiện phân đen do xuất huyết. Người bệnh nên thăm khám khi xuất hiện triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt màu đen và có mùi hôi hơn bình thường.
- Phân nhầy có màu vàng gợi ý nguyên nhân do các bệnh viêm tụy mạn tính, bệnh Celiac (không dung nạp gluten), bệnh xơ nang. Ngoài ra, đây là dấu hiệu cảnh báo ống dẫn mật tắc nghẽn và sự kém hấp thu chất béo do tiêu thụ quá nhiều chất béo mà mật không thể chuyển hóa hết. Người bệnh cắt túi mật, sau phẫu thuật hoặc uống thuốc giảm cân cũng có thể dẫn đến tiêu phân nhầy vàng.
- Phân nhầy có mùi tanh gợi ý nguyên nhân do bị nhiễm trùng, bệnh viêm ruột, viêm tụy mạn tính, bệnh xơ nang, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm,… Hội chứng kém hấp thu cũng là tác nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng phân có mùi tanh và xì hơi nặng mùi. Ngoài ra, lạm dụng thuốc kháng sinh cũng có thể khiến người bệnh đi ngoài phân nhầy có mùi tanh. Sử dụng thuốc kháng sinh thường xuyên khiến mất cân bằng hệ vi sinh vật ở đường ruột, dẫn đến thay đổi thói quen đi tiêu, thường bị tiêu chảy hoặc táo bón, đi ngoài phân có mùi tanh.
- Phân nhầy có màu nâu gợi ý nguyên nhân do cơ thể không hấp thụ chất béo đúng cách hoặc các bệnh về tuyến tụy mạn tính.
Các triệu chứng khác có thể xảy ra cùng với tiêu phân nhầy nhớt
- Xuất hiện máu lẫn trong phân
- Thay đổi thói quen đi tiêu, đi tiêu nhiều lần, thường bị tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài trong vài ngày.
- Đau bụng cấp tính hoặc mạn tính
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Chuột rút
- Sốt
Các triệu chứng nghiêm trọng có thể là biểu hiện của một tình trạng đe dọa tính mạng
Trong một số trường hợp, lượng chất nhầy trong phân sản sinh quá nhiều và đi kèm với các triệu chứng cho thấy tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng. Đây là tình trạng khẩn cấp, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để đánh giá tình trạng bệnh và điều trị.
Các triệu chứng kèm với đi ngoài ra nhầy nhớt cho thấy tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, bao gồm:
- Chóng mặt, ngất xỉu cho thấy tình trạng mất nước.
- Đi ngoài phân đen hoặc có máu cho thấy tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa.
- Đau bụng kèm theo sốt.
Các phương tiện chẩn đoán triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt
Chẩn đoán triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt dựa vào các thăm khám lâm sàng, tiền sử bệnh lý, các biểu hiện, triệu chứng người bệnh, đồng thời bác sĩ sẽ chỉ định các cận lâm sàng cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây tiêu ra chất nhầy.
Khám lâm sàng
Cô Bác, Anh Chị sẽ cung cấp thông tin cụ thể về triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt, tiền sử dùng thuốc điều trị bệnh, bệnh sử cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó, Cô Bác cũng cần cho bác sĩ biết các thông tin về tiền sử bệnh lý tiêu hóa, phẫu thuật đã được thực hiện trước đây.
Cận lâm sàng
Bác sĩ có thể sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện các xét nghiệm, nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh để xác định tình trạng bệnh, nguyên nhân gây ra triệu chứng đi tiêu phân có chất nhầy nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Xét nghiệm
Bác sĩ có thể sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện các xét nghiệm máu và xét nghiệm phân để chẩn đoán nguyên nhân gây ra triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt.
Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC): xác định số lượng hồng cầu, bạch cầu, giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng ống tiêu hóa, thiếu máu và bệnh bạch cầu.
Xét nghiệm phân: kiểm tra sự hiện diện của trứng và ký sinh trùng trong phân, cần lấy phân để soi tươi, nuôi cấy, phân lập xác định nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ các vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng.
Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (gFOBT): giúp xác định tình trạng xuất huyết, sự hiện diện của mỡ, dịch nhầy trong phân, tìm kiếm sự xuất hiện của vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây tiêu chảy. Bên cạnh đó, xét nghiệm gFOBT cũng được sử dụng để tầm soát ung thư đại tràng giúp phát hiện các dấu hiệu tiền ung thư.
- Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Campylobacter, Salmonella hoặc Shigella, việc điều trị có thể bao gồm thuốc kháng sinh.
- Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, đó có thể là một loại vi khuẩn ít phổ biến hơn như Aeromonas, Plesiomonas, Yersinia enterocolitica hoặc một loại virus gây ra triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt. Hiếm khi người bệnh nhiễm cùng lúc nhiều vi sinh vật đường ruột. Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Tham khảo thêm >> Công thức máu bình thường có ý nghĩa gì?
Nội soi ống tiêu hóa
Phụ thuộc vào các triệu chứng và tiểu sử bệnh mà Cô Bác, Anh Chị có thể được chỉ định nội soi một phần hoặc toàn bộ ống tiêu hóa. Bác sĩ sẽ sử dụng dây soi có gắn camera độ phóng đại trên 500 lần, soi đến cấp độ tế bào kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để chẩn đoán chính xác và đồng nhất kết quả.
Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.
– Nội soi ống tiêu hóa trên (nội soi dạ dày) để kiểm tra thực quản, dạ dày và tá tràng.
– Nội soi ống tiêu hóa dưới (bao gồm nội soi đại – trực tràng và nội soi hậu môn) để kiểm tra đại – trực tràng và hậu môn.
- Nội soi đại tràng sigma: Phương pháp cung cấp hình ảnh trực tiếp của phần xa của đại – trực tràng và cơ hội để sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp.
- Nội soi đại tràng toàn bộ: Phương pháp được chỉ định sau khi các xét nghiệm ít xâm lấn khác cho kết quả dương tính, cũng có thể được sử dụng để sàng lọc ngay từ đầu.
– Nội soi đường ruột bằng viên nang giúp chẩn đoán bệnh Crohn, khối u ruột non và các tổn thương chảy máu không thấy trên phim chụp X-quang hoặc chụp CT.
endoclinic.vn là phòng khám nội soi dạ dày và đại trực tràng, chuyên sâu chẩn đoán các bệnh lý về ống tiêu hóa. Cô chú, anh chị nếu gặp các triệu chứng như tiêu phân nhầy nhớt thì nên đặt lịch hẹn thăm khám với bác sĩ tại các cơ sở y tế được chẩn đoán bệnh chính xác.
Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu thêm:
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA TIÊU PHÂN NHẦY NHỚT
Các phương pháp điều trị tiêu phân nhầy nhớt phụ thuộc vào bệnh lý chính xác gây ra triệu chứng. Điều trị có thể kết hợp sử dụng thuốc, phẫu thuật và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu.
Phương pháp điều trị triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt
Một số phương pháp điều trị chứng tiêu phân nhầy nhớt do các bệnh lý gây ra như:
- Tiêu phân nhầy nhớt do nhiễm trùng ống tiêu hóa: sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc điều trị tiêu chảy cùng với việc nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp giảm nhẹ và chữa lành các triệu chứng.
- Tiêu phân nhầy nhớt do dị ứng thực phẩm: người bệnh hạn chế sử dụng các thực phẩm gây dị ứng hoặc cơ thể không dung nạp được.
- Tiêu phân nhầy nhớt do bệnh Crohn, xơ nang, viêm loét đại tràng và hội chứng ruột kích thích: sử dụng thuốc kê toa và điều trị liên tục theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Tiêu phân nhầy nhớt do bệnh nứt hậu môn và loét trực tràng: sử dụng thuốc và phẫu thuật điều trị bệnh kết hợp thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
- Tiêu phân nhầy nhớt do táo bón hoặc tiêu chảy: sử dụng một số chế phẩm sinh học không kê đơn và bổ sung men vi sinh. Ngoài ra, người bệnh cần uống nhiều nước, bổ sung các chất điện giải, chất khoáng cho cơ thể.
Lưu ý: Bệnh nhân chỉ sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng sau khi được thăm khám và theo chỉ định của bác sĩ.
Cách phòng ngừa triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt tại nhà
Không phải tất cả các nguyên nhân gây tiêu phân nhầy nhớt đều có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt khoa học sẽ có lợi cho đường tiêu hóa, giúp hỗ trợ quá trình điều trị và đảm bảo sức khỏe cho Cô Bác, Anh Chị.
- Uống nhiều nước.
- Bổ sung thực phẩm giàu lợi khuẩn Bifidobacterium hoặc Lactobacillus có trong sữa chua, bông atiso, kim chi, măng tây,…
- Hạn chế sử dụng thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, có tính axit.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và các loại đậu.
- Thực phẩm chứa chất béo tự nhiên có lợi cho sức khỏe như bơ, phô mai, sôcôla đen, trứng, cá.
- Giữ vệ sinh cá nhân và rửa tay với xà phòng thường xuyên.
- Nguồn nước hàng ngày luôn phải được đảm bảo vệ sinh.
- Thận trọng khi đi du lịch đặc biệt là những nơi biệt có nguy cơ gây nhiễm ký sinh trùng.
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ.
CÂU HỎI TỔNG HỢP
Tiêu phân nhầy nhớt hay đi ngoài ra phân có chất nhầy (tên tiếng Anh: mucus in stools) là tình trạng chất nhầy xuất hiện trong phân nhiều đến mức người bệnh có thể quan sát được bằng mắt thường. Triệu chứng tiêu phân nhầy nhớt có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý ống tiêu hóa tiềm ẩn, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm loét đại tràng, nhiễm trùng ống tiêu hóa, nứt hậu môn, tắc ruột, bệnh Crohn,…
Việc đi ngoài ra chất nhầy trong phân là hiện tượng bình thường, không gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, sự gia tăng quá mức chất nhầy trong phân có thể là dấu hiệu của các bệnh lý đường tiêu hóa. Nếu tình trạng viêm xảy ra làm phá vỡ lớp màng nhầy niêm mạc, cơ thể sẽ tăng tiết chất nhầy và khiến cho đại tràng dễ bị nhiễm trùng.
Mặc dù các loại virus như cảm lạnh hoặc cúm thường làm tăng sản xuất chất nhầy, nhưng thường chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp của người bệnh. Tình trạng này hiếm khi làm tăng chất nhầy trong phân. Ngoài ra, mất nước và táo bón có thể khiến lượng chất nhầy từ đại tràng tăng lên đáng kể.
Các triệu chứng có thể cho thấy sự hiện diện của một bệnh lý nghiêm trọng đi kèm dấu hiệu có chất nhầy trong phân, bao gồm:
- Xuất hiện máu hoặc mủ lẫn trong phân
- Đau bụng không thuyên giảm
- Chuột rút
- Đầy hơi
- Thay đổi thói quen đi tiêu
Trong một số trường hợp, lượng chất nhầy trong phân sản sinh quá nhiều và đi kèm với các triệu chứng cho thấy tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng. Đây là tình trạng khẩn cấp, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để đánh giá tình trạng bệnh và điều trị.
Các triệu chứng kèm với đi ngoài ra nhầy nhớt cho thấy tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, bao gồm:
- Chóng mặt, ngất xỉu cho thấy tình trang mất nước.
- Đi ngoài phân đen hoặc có máu cho thấy tình trang xuất huyết đường tiêu hóa.
- Đau bụng kèm theo sốt.
Các phương pháp điều trị tiêu phân nhầy nhớt phụ thuộc vào bệnh lý chính xác gây ra triệu chứng. Điều trị có thể kết hợp sử dụng thuốc, phẫu thuật và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu.
Tài liệu tham khảo
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic.
- Holland, Kimberly. Why is there Mucus in my stool? Biên tập bởi Judith Marcin. 02 29 2019. https://www.healthline.com/health/mucus-in-stool (đã truy cập 07 03, 2021).
- Fitzgerald, Jenny. Biên tập bởi Euna Chi. What causes mucus in stools?. 01 05 2018. https://www.medicalnewstoday.com/articles/310101 (đã truy cập 07 03, 2021).
- Pathak, Neha. Mucus in stool. 02 09 2020. https://www.webmd.com/digestive-disorders/mucus-in-poop-stool (đã truy cập 07 03, 2021).
- Felson, Sabrina. Causes of mucus in diarrhea. 04 21 2020. https://www.webmd.com/digestive-disorders/causes-mucus-diarrhea (đã truy cập 07 03, 2021).
TIN SỨC KHỎE
Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.
ĐỐI TÁC
ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA
Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng
Endo Clinic
Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư
THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H)
VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H)