TỔNG QUAN TRIỆU CHỨNG VÀNG DA
-
Hội chứng vàng da đề cập tới sự thay đổi màu sắc da, kết mạc hay niêm mạc sang màu vàng do sự tích tụ bilirubin trong mô. Vàng da thường xuất hiện khi nồng độ bilirubin huyết tương tăng trên 34,2 μmol/L (2 mg/dL).
-
Hội chứng vàng da không bao gồm những trường hợp có biểu hiện giống như da lòng bàn tay bàn chân vàng trong trường hợp tăng beta caroten, kết mạc vàng trong trường hợp hút thuốc lá nhiều, nước tiểu vàng sậm trong trường hợp cô đặc nước tiểu hoặc do thuốc… (da vàng nhưng không do sự tăng bilirubin huyết tương).
NHỮNG TRIỆU CHỨNG CHÍNH CỦA VÀNG DA
Hội chứng vàng da có thể biểu hiện qua nhiều triệu chứng điển hình
-
Da màu vàng sậm là triệu chứng thường được phát hiện trễ ở người châu Á do đã có sẵn nước da vàng. Vị trí dễ thấy nhất là lòng bàn tay, bàn chân (màu thường sáng hơn). Khai thác đầy đủ thời điểm bệnh nhân hay người nhà phát hiện vàng da, tốc độ vàng da tăng lên nhanh hay chậm hoặc từng đợt, tiền căn vàng da trong quá khứ… giúp ích khá nhiều cho chẩn đoán nguyên nhân.
Cần lưu ý một số trường hợp tăng beta caroten quá mức da lòng bàn tay bàn chân cũng có màu vàng cam, tuy nhiên không có biểu hiện vàng ở những nơi khác.
-
Kết mạc mắt vàng: kết mạc cũng là một vị trí dễ phát hiện màu vàng (do nền trắng). Một số bệnh nhân hút thuốc lá nhiều cũng có thể thấy những đốm màu vàng ở mắt, tuy nhiên không có biểu hiện vàng ở những nơi khác.
-
Niêm mạc mắt, niêm mạc đáy lưỡi vàng: niêm mạc là một vị trí dễ phát hiện màu vàng.
-
Nước tiểu vàng sậm như nước trà là một chỉ dấu để phát hiện hội chứng vàng da. Tuy nhiên cần phân biệt với hai nguyên nhân gây nước tiểu vàng sậm thường gặp nhất là cô đặc nước tiểu do thiếu nước, và đang sử dụng thuốc ảnh hưởng đến màu nước tiểu.
-
Phân bạc màu: nếu như 4 triệu chứng kể trên có thể gặp ở tất cả nguyên nhân gây vàng da, thì triệu chứng phân bạc màu chỉ có thể gặp trong trường hợp vàng da tắc mật nặng (bao gồm tắc mật trong gan và tắc mật ngoài gan).
3. TẠI SAO LẠI BỊ VÀNG DA?
Hội chứng vàng da được chia làm 3 nhóm nguyên nhân: trước gan, tại gan và sau gan. Một số nguyên nhân được tóm tắt trong bảng bên dưới:
Trước gan
- Bệnh lý Hemoglobin: hồng cầu hình liềm, hồng cầu hình bia, Thalassemia…
- Cường lách nguyên phát và thứ phát
- Sốt rét
Sau gan
- Sỏi đường mật chính ngoài gan
- Giun chui ống mật
- Viêm hẹp Oddi lành tính
- U quanh bóng Vater: u bóng Vater, u đoạn cuối ống mật chủ, u đầu tụy, u tá tràng
- U ngã ba đường mật (U Klatskin)
4. CẬN LÂM SÀNG NÀO ĐỂ CHẨN ĐOÁN VÀNG DA?
Xét nghiệm sinh hóa máu
- Bilirubin máu: toàn phần, trực tiếp, gián tiếp
- Phosphatase kiềm (Alkaline Phosphatase – ALP)
- GGT (G-Glutamyl Transferase)
Hình ảnh học
Siêu âm
Siêu âm là phương tiện đầu tay trong chẩn đoán phân biệt tắc mật ngoài gan (vàng da sau gan) với nhóm còn lại. Siêu âm rẻ tiền, nhanh, dễ thực hiện, có thể lặp đi lặp lại, an toàn cho phụ nữ có thai. Trong một số trường hợp, siêu âm còn giúp can thiệp dẫn lưu đường mật qua da.
Chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) đắt tiền hơn siêu âm, đòi hỏi phương tiện, thời gian, và bệnh nhân phải phơi nhiễm tia X. Tuy nhiên kết quả khách quan hơn, độ nhạy và độ đặc hiệu trong chẩn đoán tắc mật ngoài gan và chẩn đoán nguyên nhân đều cao hơn siêu âm (trừ trường hợp sỏi mật không cản quang sẽ không thấy được trên CT scan). Đối với trường hợp tắc mật do u, CT scan sẽ giúp đánh giá giai đoạn TNM của u.
Cộng hưởng từ
Trong các phương tiện hình ảnh không xâm lấn, cộng hưởng từ (MRI) là phương tiện có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất trong chẩn đoán tắc mật ngoài gan cũng như chẩn đoán nguyên nhân (có thể lên đến 90-100% theo các nghiên cứu). Ưu điểm của cộng hưởng từ là có thể dựng hình lại cây đường mật, giúp rất nhiều cho việc định vị tổn thương cũng như lên kế hoạch điều trị. Nhược điểm của cộng hưởng từ là đắt tiền, chụp lâu, và có một số những chống chỉ định riêng (bệnh nhân có mảnh ghép kim loại, đặt máy tạo nhịp…).
ERCP và PTC
Chụp hình đường mật bằng nội soi mật tụy ngược dòng (Endoscopic Retrograde Cholangio Pancreatography – ERCP) và bằng đường xuyên gan qua da (Percutaneous Transhepatic Cholangiography – PTC) được xếp vào nhóm phương tiện hình ảnh xâm lấn do có can thiệp vào bệnh nhân. Đây là 2 phương pháp vừa giúp chẩn đoán tắc mật ngoài gan, vừa giúp can thiệp điều trị dẫn lưu mật. Chỉ định của 2 phương pháp tùy vào từng trường hợp cụ thể, và thường được cân nhắc sau khi các phương tiện chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn không giúp chẩn đoán xác định được, hoặc cần phải can thiệp dẫn lưu mật.
KẾT LUẬN
- Hội chứng vàng da là một hội chứng thường gặp và liên quan đến nhiều chuyên khoa (huyết học, nội gan mật, ngoại gan mật).
- Trên lâm sàng, việc chẩn đoán xác định hội chứng vàng da không khó, tuy nhiên chẩn đoán chính xác nguyên nhân thường rất khó.
- Các phương tiện hình ảnh học cũng như xét nghiệm sinh hóa giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán nguyên nhân và lập kế hoạch điều trị.
- Trong một số ít trường hợp, các nguyên nhân có thể kết hợp với nhau (như sỏi mật trên bệnh nhân Thalassemia, ung thư đường mật trên bệnh nhân xơ gan) đòi hỏi việc phối hợp chẩn đoán và điều trị của nhiều chuyên khoa.
Tài liệu tham khảo
- Paediatr J: Differentiation between extrahepatic and intrahepatic cholestasic by discriminant analysis. Child Heath 1990;26:132-135
- Patrick S K: Clinical approach to the patient with abnormal liver test result. Mayo Clin Proc 1996;71:1089-1095.
TIN SỨC KHỎE
Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.
ĐỐI TÁC
ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA
Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng
Endo Clinic
Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư
THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H)
VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H)