TSH là gì?
TSH là một glycoprotein có trọng lượng phân tử 28 kDa do thuỳ trước tuyến yên tiết ra dưới sự kiểm soát của hormon vùng hạ đồi (hypothalamus) là TRH. Khi nồng độ hormon giáp trong dòng tuần hoàn giảm xuống hay khi cơ thể phải đương đầu với tình trạng stress, vùng hạ đồi bị kích thích để giải phóng ra TRH. TRH sẽ kích thích thuỳ trước tuyến yên tiết ra TSH. Sau đó, TSH kích thích tuyến giáp sản xuất và giải phóng T3 (triiodothyroxin) và T4 (thyroxin). Nếu nồng độ T3 và T4 tự do trong máu tăng lên, tuyến yên sẽ bị kích thích để giảm sản xuất TSH thông qua cơ chế điều hoà ngược âm tính (negative feedback)
TSH dự trữ ở tuyến yên khoảng 4 UI. Lượng bài xuất hàng ngày khoảng 165 µUI với thời gian bán huỷ là 50 phút. TSH thải trừ chủ yếu qua đường thận.
TSH tác động chủ yếu lên tuyến giáp và có khả năng làm tăng:
- Tình trạng phân bố mạch và kích thước tuyến giáp
- Tình trạng bắt giữ iod của tuyến giáp
- Tổng hợp các thyroglobulin
- Tổng hợp và giải phóng T3, T4
- Tăng chuyển hoá glucose và lipid
Mục đích và chỉ định xét nghiệm TSH
- Xét nghiệm được chỉ định để chẩn đoán các tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp.
- Để chẩn đoán phân biệt suy giáp có nguồn gốc tại tuyến giáp (tiên phát) hay tại tuyến yên (thư phát khi tiến hành định lượng T4 tự do).
- Để theo dõi đáp ứng điều trị của bệnh nhân bị rối loạn chức năng tuyến giáp.
Yêu cầu khi đi xét nghiệm TSH
- Xét nghiệm được tiến hành trên huyết thanh.
- Bệnh nhân không cần nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm.
- Nếu có thể, khuyến cáo bệnh nhân ngưng dùng các thuốc có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Bệnh phẩm sau khi lấy cần được ly tâm tách huyết thanh và bảo quản đông lạnh nhanh chóng nếu cần chuyển tới phòng xét nghiệm để định lượng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm TSH
- Mẫu bệnh phẩm vỡ hồng cầu
- Sử dụng chất đồng vị phóng xạ
- Nồng độ TSH chịu ảnh hưởng của nhịp ngày đêm cao nhất vào 2 – 3 giờ sáng và thấp nhất lúc 5 – 6 giờ chiều
- Các thuốc làm tăng nồng độ TSH: amiodaron, amphetamin, clomiphen, iod vô cơ, lithium, methimazol, metoclopramid, morphim, nitroprussid, phenylbutazon, kali iodure, propylthiouracil, thuốc cản quang, sulfonamid, sulflonylurea, tiêm hormon gây giải phóng hormon giáp
- Các thuốc làm giảm nồng độ TSH: aspirin, dopamin, glucocorticoid, levodopa, phenyltoin, hormon giáp
Giá trị bình thường của TSH
0,5 – 5 µU/mL hay 0,5 – 5 mIU/L tuỳ thuộc vào tuổi và giới.
Mặc dù TSH thay đổi theo nhịp ngày đêm với đỉnh tiết xảy ra ngay trước khi ngủ nhưng các giá trị TSH thu được vẫn trong giới hạn bình thường, cũng không biến đổi khi có tình trạng stress, gắng sức hay do glucose.
Giảm nồng độ TSH khi nào?
Nguyên nhân chính thường gặp gây giảm TSH là:
- Cường giáp tại giáp
- Suy giáp tại yên hay vùng hạ đồi
- Bướu giáp độc đa nhân
- Bệnh mắt của bệnh Grave-Basedow giai đoạn bình giáp, bệnh Basedow đã được điều trị ổn
- Viêm tuyến giáp
- Do dùng thuốc hay hormon giáp không từ tuyến giáp: tinh chất giáp, amiodaron, chế phẩm chứa iod, propranolol, sử dụng quá nhiều hormon giáp khi điều trị suy giáp,…
- Một số bệnh nhân bình giáp có TSH thấp
- Suy giáp thứ phát do giáp chức năng tuyến yên hoặc vùng hạ đồi
- Bệnh lý tâm thần cấp tính
- Mất nước nặng
- Ba tháng đầu thai kỳ
- Hội chứng não thực thể
Tăng nồng độ TSH khi nào?
Nguyên nhân chính thường gặp gây tăng TSH là:
- Suy giáp có nguồn gốc tại tuyến giáp chưa được điều trị: nếu nồng độ T3 và T4 bình thường là suy giáp tiềm tàng, nếu nồng độ T3 và T4 thâó là suy giáp rõ rệt.
- Suy giáp được điều trị bằng hormon giáp thay thế không đủ
- Dùng thuốc gây suy giáp: thuốc kháng giáp, lạm dụng amphetamin, thuốc chứa iod, thuốc đối kháng dopamin,…
- Có kháng thể kháng TSH hay có tình trạng kháng hormon giáp
- Sau cắt gần toàn bộ hay toàn bộ tuyến giáp
- Cường giáp tại yên
- Sản xuất TSH lạc chỗ
- Viêm giáp Hashimoto
- Các nguyên nhân khác: tuổi già, suy tuyến thượng thận, bướu cổ do thiếu iod, giảm thân nhiệt, tia xạ vùng cổ
Nồng độ TSH có thể bình thường trong bệnh lý nào?
- Suy giáp nguồn gốc trung ương. Trong trường hợp không có các bệnh lý tuyến yên và vùng hạ đồi, xét nghiệm TSH bình thường có thể loại trừ suy giáp tiên phát.
- Tình trạng suy giáp hay cường giáp được tiến hành điều chỉnh gần đây.
- Có thai.
◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.