Theo thống kê của GLOBOCAN 2020, ung thư thực quản là bệnh lý ung thư phổ biến thứ 7 và có tỷ lệ tử vong đứng thứ 6 trong số các loại bệnh ung thư trên thế giới. Vậy bệnh ung thư thực quản có chữa được không và phương pháp điều trị như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giúp Cô chú, Anh Chị hiểu rõ hơn về bệnh lý này nhé.
Tìm hiểu về ung thư thực quản
Ung thư thực quản (Esophageal cancer) là tình trạng các tế bào ác tính hình thành và tăng sinh không kiểm soát tại lớp niêm mạc thực quản. Sau đó, các tế bào này sẽ phát triển thành khối u và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên ống thực quản. Ung thư thực quản có thể gây ra các triệu chứng như khó nuốt, sụt cân, đau ở phía sau xương ức, khàn giọng và ho, khó tiêu, ợ nóng,…
Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra ung thư thực quản. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh như thói quen hút thuốc lá, sử dụng nhiều rượu bia, có chế độ ăn uống ít trái cây và rau củ, mắc bệnh Barrett thực quản,…
> Tìm hiểu thêm: Các bệnh lý thường gặp ở thực quản
Ung thư thực quản có chữa được không?
Bệnh ung thư thực quản có chữa được không còn tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Nếu bệnh được phát hiện trong giai đoạn đầu và được điều trị hiệu quả thì có nhiều khả năng hồi phục sức khỏe hơn. Mặc dù vậy, ung thư thực quản thường được phát hiện khi đã vào giai đoạn muộn và hiếm khi được chữa khỏi hoàn toàn ở giai đoạn này.
Vì thế, để phòng ngừa và tăng tỷ lệ điều trị bệnh ung thư thực quản hiệu quả, Cô Chú, Anh Chị nên thực hiện tầm soát ung thư thực quản định kỳ 1 – 2 lần/năm.
Ung thư thực quản được điều trị như thế nào?
Tùy theo từng giai đoạn ung thư thực quản, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Cụ thể như sau:
Ung thư thực quản giai đoạn 0
Ở giai đoạn 0 (hay còn gọi là giai đoạn sớm hoặc giai đoạn đầu) của ung thư thực quản, các tế bào ung thư được phát hiện ở lớp niêm mạc thực quản nhưng chưa xâm lấn sâu hơn đến các lớp bên dưới. Các tế bào ung thư cũng chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan ở xa.
Khi bệnh nhân được chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn đầu, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội soi bằng liệu pháp quang động (PDT), cắt bỏ khối u bằng đốt sóng cao tần (RFA) hoặc cắt bỏ niêm mạc qua nội soi (EMR). Sau khi điều trị bằng các phương pháp này, bệnh nhân cần phải duy trì theo dõi bằng nội soi đường tiêu hóa trên (nội soi thực quản) suốt đời để kiểm tra sự xuất hiện của các tế bào ung thư hoặc tiền ung thư ở thực quản.
Một cách khác để điều trị ung thư thực quản giai đoạn sớm đó là thực hiện phẫu thuật cắt thực quản, sau đó nối đoạn thực quản còn lại với dạ dày.
Ung thư thực quản giai đoạn 1
Ung thư thực quản giai đoạn 1 diễn tiến khi các tế bào ung thư đã đã lan sâu vào thành thực quản, thậm chí có thể xâm lấn qua lớp cơ ngoài cùng. Tuy vậy, chúng vẫn chưa lan đến hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
Đối với trường hợp các tế bào ung thư chỉ mới xâm lấn đến lớp niêm mạc thực quản và chưa lan đến lớp dưới niêm mạc, bệnh nhân có thể được điều trị bằng phương pháp EMR và kèm theo một phương pháp nội soi khác để chắc chắn khối u ác tính đã được loại bỏ. Ngoài ra, nếu đủ sức khỏe thì bệnh nhân sẽ được chỉ định làm phẫu thuật cắt thực quản. Phương pháp hóa xạ trị có thể được kết hợp với phẫu thuật để gia tăng hiệu quả điều trị.
Đối với trường hợp tế bào ung thư đã lan đến lớp cơ của thực quản, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện hóa xạ trị hoặc hóa trị trước khi làm phẫu thuật. Nếu khối u nằm ở phần phía trên của thực quản (ở cổ) thì hóa xạ trị thường là phương pháp điều trị chính. Nếu phẫu thuật không thể được thực hiện, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phương pháp EMR kèm theo cắt bỏ nội soi, hóa trị, xạ trị hoặc hóa xạ trị.
Ung thư thực quản giai đoạn 2 và 3
Ở giai đoạn 2, ung thư đã xâm lấn vào lớp cơ của thực quản hoặc các mô liên kết ở ngoài thực quản. Tế bào ung thư cũng đã lan đến 1 hoặc 2 hạch bạch huyết gần đó. Khi chuyển sang ung thư thực quản giai đoạn 3, một vài tế bào ung thư đã tăng sinh xuyên qua thành thực quản và xâm lấn những mô và cơ quan lân cận. Phần lớn tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó.
Những bệnh nhân đủ sức khỏe hầu hết sẽ được điều trị bằng hóa trị và phẫu thuật sau đó. Trường hợp mắc ung thư biểu mô tuyến ở vùng tiếp nối dạ dày – thực quản thường sẽ dùng điều trị hóa trị trước khi phẫu thuật. Một vài trường hợp khác sẽ chỉ thực hiện phẫu thuật nếu khối u không quá lớn.
Nếu ung thư phát triển ở phần phía trên thực quản, hóa xạ trị có thể được chỉ định là phương pháp điều trị chính và theo dõi nội soi thường xuyên sau đó để tầm soát dấu hiệu còn sót lại của ung thư.
Trong trường hợp, bệnh nhân không thể phẫu thuật và cũng không thể điều trị bằng hóa xạ trị, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch hoặc kết hợp cả hai.
Ung thư thực quản giai đoạn 4
Ung thư thực quản giai đoạn 4 còn được gọi là ung thư thực quản giai đoạn cuối hoặc ung thư thực quản di căn. Lúc này, các tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa.
Mục đích điều trị ở giai đoạn này chủ yếu là giúp kiểm soát ung thư và giảm bớt các triệu chứng do ung thư gây ra. Có thể sử dụng phương pháp hóa trị hoặc hóa trị kết hợp với liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm đích để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu và sống lâu hơn. Ngoài ra, xạ trị và những phương pháp điều trị khác cũng có thể được dùng để giảm thiểu tình trạng khó nuốt hoặc đau khi nuốt.
> Xem thêm: Viêm thực quản là gì?
Người bệnh ung thư thực quản sống được bao lâu?
Tiên lượng sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư thực quản ở giai đoạn sớm (khi tế bào ung thư còn khu trú ở thực quản và chưa lan đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác) là 47%. Khi các tế bào ung thư bắt đầu xâm lấn đến các hạch bạch huyết và các mô lân cận thì tiên lượng sống của người bệnh sẽ giảm còn 26%. Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân có tiên lượng thời gian sống sau 5 năm chỉ còn 6%.
Tuy nhiên, tiên lượng sống ở mỗi bệnh nhân ung thư thực quản là khác nhau. Điều này còn tùy thuộc các yếu tố như: tuổi tác, sức khỏe, tình trạng đáp ứng điều trị,…
Ung thư thực quản có chữa được không và tiên lượng sống bao nhiêu chủ yếu phụ thuộc vào giai đoạn bệnh được phát hiện. Vì vậy, Cô Chú, Anh Chị nên thực hiện tầm soát ung thư thực quản định kỳ để phát hiện bệnh ngay từ sớm, tăng khả năng điều trị.
endoclinic.vn – Phòng khám chuyên sâu về Nội soi và chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa uy tín
endoclinic.vn tự hào là phòng khám chuyên sâu Tầm soát và Chẩn đoán ung thư thực quản sớm. Khi tin chọn dịch vụ tầm soát ung thư thực quản tại endoclinic.vn, Quý khách an tâm đồng hành cùng đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm đến từ các bệnh viện đầu ngành uy tín tại TP.HCM.
Phòng khám còn đầu tư đầy đủ trang thiết bị hiện đại như màn hình 4K sắc nét, chế độ nhuộm ảo và camera có độ phóng đại 100 – 135 lần giúp phát hiện chính xác các dấu hiệu tiền ung thư trong ống thực quản; kết hợp phương pháp Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê), giúp tăng tỷ lệ tìm ra nguyên nhân gây bệnh lý tiêu hóa lên tới 90 – 95% và tỷ lệ tầm soát ung thư chính xác đến 95 – 99%.
Ngoài ra, nhằm giúp khách hàng thuận lợi tiếp cận dịch vụ và lựa chọn phù hợp với nhu cầu, endoclinic.vn thiết kế Gói tầm soát ung thư thực quản tiêu chuẩn và Gói VIP với mức giá minh bạch, hợp lý.
>> Liên hệ ngay với endoclinic.vn để được tư vấn về dịch vụ Tầm soát ung thư thực quản.
Câu hỏi thường gặp
Ung thư thực quản có nên mổ không?
Phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị chính đối với ung thư thực quản ở giai đoạn sớm, bao gồm cắt bỏ thực quản, phẫu thuật loại bỏ khối u, phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết,…
Ung thư thực quản di căn có chữa được không?
Ung thư thực quản di căn có khả năng điều trị thành công thấp. Do đó, để phòng ngừa và tăng tỷ lệ điều trị hiệu quả, bệnh nhân nên đi tầm soát ung thư thực quản định kỳ 1 – 2 lần/năm.
Ung thư thực quản sau khi điều trị có thể tái phát không?
Ung thư thực quản hoàn toàn có thể tái phát sau vài tháng hoặc vài năm. Bệnh có thể tái phát tại chỗ (xảy ra tại vị trí ung thư ban đầu), tái phát khu vực (xảy ra gần vị trí ung thư ban đầu) hoặc tái phát xa (xảy ra ở những nơi khác của cơ thể).
Tài liệu tham khảo:
1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
2. Yanqing Cai, Jianxiong Lin, Wenbo Wei, Peixing Chen, Kaitao Yao. 06 12 2022. https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpubh.2022.952087/full (đã truy cập 07 08 2023).
3. Mayo Clinic. Esophageal cancer. 19 04 2022. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/esophageal-cancer/symptoms-causes/syc-20356084 (đã truy cập 07 08 2023).
4. National Cancer Institute. Esophageal Cancer Treatment (Adult) (PDQ®)–Patient Version. 18 11 2021. https://www.cancer.gov/types/esophageal/patient/esophageal-treatment-pdq (đã truy cập 07 08 2023).
5. American Cancer Society. Treating Esophageal Cancer by Stage. 02 06 2022. https://www.cancer.org/cancer/types/esophagus-cancer/treating/by-stage.html (đã truy cập 07 08 2023).
6. American Cancer Society. Surgery for Esophageal Cancer. 20 03 2020. https://www.cancer.org/cancer/types/esophagus-cancer/treating/surgery.html (đã truy cập 07 08 2023).
7. MOFFITT Cancer Center. Esophageal Cancer Recurrence. https://www.moffitt.org/cancers/esophageal-cancer/recurrence/ (đã truy cập 07 08 2023).