Vị trí đau bụng có thể báo hiệu bệnh lý nguy hiểm mà Quý Khách không nên xem nhẹ, cần phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
Trong ổ bụng có chứa tất cả các cơ quan tiêu hóa, gồm: túi mật, gan, thận, dạ dày, lá lách, tuyến tụy, ruột non, ruột già. Bất kỳ cơ quan nào bị tổn thương hoặc suy giảm cũng xuất hiện các triệu chứng cảnh báo. Trong đó, phổ biến nhất là triệu chứng đau bụng. Mỗi vị trí đau bụng cùng các triệu chứng đi kèm lại là biểu hiện của những bệnh lý khác nhau.
Chẩn đoán bệnh qua vị trí đau bụng
- Vị trí đau bụng vùng hạ sườn phải (vùng bụng trên bên phải) có thể là dấu hiệu của: Viêm túi mật, viêm đường mật, viêm gan, áp xe gan, ung thư gan, loét tá tràng, viêm đáy phổi phải và áp xe dưới hoành
- Vị trí đau bụng thượng vị (vùng bụng từ rốn trở lên đến phía dưới xương ức) có thể là biểu hiện của: Viêm loét dạ dày-tá tràng, viêm thực quản, chứng khó tiêu, viêm tuỵ cấp, phình động mạch chủ và nhồi máu cơ tim.
- Vị trí đau bụng vùng hạ sườn trái (đau vùng bụng trên bên trái) có thể là triệu chứng của: Loét dạ dày, viêm tuỵ cấp, vỡ lách/nhồi máu lách, viêm phổi và áp xe dưới hoành.
- Vị trí đau bụng vùng hông phải có thể là dấu hiệu của: Bệnh lý thận, niệu quản bên phải như viêm đài bể thận cấp, sỏi niệu quản, áp xe quanh thận và bệnh viêm ruột.
- Vị trí đau bụng quanh rốn có thể là biểu hiện của: Viêm ruột thừa giai đoạn đầu, viêm tuỵ cấp, viêm ruột, tắc ruột non, vỡ phình động mạch chủ bụng, thiếu máu mạc treo và thoát vị rốn.
- Vị trí đau bụng vùng hông trái có thể là triệu chứng của: Bệnh lý thận, niệu quản bên trái như viêm đài bể thận cấp, sỏi niệu quản, áp xe quanh thận và bệnh viêm ruột.
- Vị trí đau bụng vùng hố chậu phải (đau vùng bụng dưới bên phải) có thể là dấu hiệu của: Viêm ruột thừa, viêm túi thừa, viêm hạch mạc treo, túi thừa Meckel, viêm nhiễm vùng chậu, bệnh Crohn, sỏi niệu quản phải, xoắn buồng trứng phải (nữ) và thai ngoài tử cung (nữ).
- Vị trí đau bụng vùng hạ vị (vùng giữa bụng dưới hay còn gọi là đau bụng dưới rốn) có thể là biểu hiện của: Viêm bàng quang, viêm nhiễm vùng chậu, viêm túi thừa, thai ngoài tử cung (nữ) và viêm tiền liệt tuyến (nam).
- Vị trí đau bụng vùng hố chậu trái (vùng bụng dưới bên trái) có thể là triệu chứng của: Viêm túi thừa, viêm nhiễm vùng chậu, sỏi niệu quản trái, táo bón, hội chứng ruột kích thích, xoắn buồng trứng trái (nữ) và thai ngoài tử cung (nữ).
Các yếu tố gây đau bụng khác có thể bao gồm:
- Thói quen ăn uống không lành mạnh, ăn những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, ăn quá nhiều hoặc quá no.
- Thói quen hút thuốc.
- Đang sử dụng một số loại thuốc điều trị có tác dụng phụ, gây ra các vết loét, hình thành sỏi mật, hoặc gây ợ nóng nhiều và khiến bụng bị đau
Bụng là nơi hội tụ của rất nhiều đầu dây thần kinh liên kết với các cơ quan quan trọng vì thế vị trí đau bụng nói lên rất nhiều điều về tình trạng sức khỏe của Quý Khách.
Kể từ 01/06/2023, việc thăm khám tiêu hóa tại Endo Clinic chính thức áp dụng khám Bảo Hiểm Y Tế (BHYT) giúp Cô Chú, Anh Chị có thể tiết kiệm phần chi phí khám chữa bệnh.
Để biết thêm thông tin chi tiết về thủ tục và quy trình khám bằng thẻ bảo hiểm y tế tại Endo Clinic, Cô Chú Anh Chị có thể xem thêm tại: KHÁM BHYT
Vị trí đau bụng trên là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Đau vị trí bụng trên là biểu hiện của rất nhiều loại bệnh, như: viêm dạ dày, viêm tụy, loét dạ dày, viêm phế mạc, viêm tá tràng, sỏi túi mật, thiếu máu cục bộ, viêm phổi… những bệnh này có thể không gây nguy hiểm tính mạng tức thì nhưng vẫn cần được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng về sau.
Đau bụng trên rốn xuất hiện sẽ khiến nhiều người nghĩ ngay đến các bệnh lý ở dạ dày. Điều này không hoàn toàn đúng, khi dạ dày bị tổn thương hay mắc phải một số vấn đề sẽ có biểu hiện đau bụng phía dưới xương ức phía trên rốn (vùng thượng vị). Tùy vào tính chất của cơn đau, vị trí chính xác và dấu hiệu đi kèm mà bác sĩ sẽ tiến hành các cận lâm sàng khác để xác định nguyên nhân cũng như bệnh lý liên quan.
Tuy nhiên, một số bệnh lý nguy hiểm có thể gây triệu chứng đau vùng bụng trên như:
- Ung thư dạ dày
- Thủng dạ dày
- Đau tim
- Áp xe gan
Đau vị trí bụng trên do ung thư dạ dày
Đau bụng trên dai dẳng, đau dạ dày, cơn đau tái đi tái lại, cân nặng giảm sút, chán ăn, nôn ra máu, đi ngoài ra máu… rất có thể đây là những dấu hiệu ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý nguy hiểm, khó phát hiện, các dấu hiệu, triệu chứng của ung thư dạ dày ban đầu biểu hiện rất mơ hồ, khiến người bệnh thường nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Từ đó dẫn đến tâm lý chủ quan, không điều trị sớm khiến bệnh tiến triển nặng. Một số bệnh lý hệ tiêu hóa có thể gây ra các triệu chứng tương tự ung thư dạ dày như viêm – loét dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản, nhiễm vi khuẩn Hp,…
Theo khuyến cáo của bác sĩ, để tầm soát ung thư dạ dày thì nội soi dạ dày nên thực hiện từ năm 40 tuổi và tiếp tục mỗi 2 năm 1 lần. Khám sức khỏe tổng quát hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu, triệu chứng ung thư tiêu hóa trong giai đoạn sớm. Từ đó, đưa ra phương pháp can thiệp kịp thời, nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế các biến chứng ung thư dạ dày.
Đau vị trí bụng trên do thủng dạ dày
Quý Khách bị đau ở chính giữa ở bụng trên, cơn đau dữ dội, đột ngột, cộng thêm có tiền sử loét dạ dày hoặc đang sử dụng thuốc kháng viêm không chứa steroid, thì rất có thể nguyên nhân gây đau bụng là thủng dạ dày.
Thủng dạ dày xảy ra khi có một hoặc nhiều lỗ trên dạ dày. Tình trạng có thể do một số bệnh lý khác nhau gây ra như viêm ruột thừa và viêm túi thừa. Thủng dạ dày cũng có thể là kết quả của chấn thương gây ra. Trong trường hợp người bị thủng túi mật, các triệu chứng có thể tương tự như triệu chứng của thủng dạ dày.
Bệnh này cần được phẫu thuật khẩn cấp, nếu kéo dài sẽ khiến tình trạng tồi tệ hơn như bị viêm phúc mạc, nhiễm trùng khoang bụng, sốc nhiễm trùng, các cơ quan nội tạng suy yếu dần và cuối cùng khiến người bệnh tử vong.
Đau tim gây đau bụng trên
Đau vị trí bụng trên kèm theo triệu chứng: ợ hơi, buồn nôn, nôn, đau lưng hoặc đau quai hàm, khó thở… có thể đây là dấu hiệu báo trước của một cơn đau tim nguy hiểm, đe dọa tính mạng.
Cơn đau tim điển hình thường xảy ra đột ngột và dữ dội. Tuy nhiên, đôi khi đau tim có thể bắt đầu với cảm giác đau nhẹ hoặc khó chịu ở ngực. Triệu chứng đau tim không kéo dài nhưng có thể tái phát nhiều lần và cảnh báo nguy cơ tim có thể bị tổn thương hoặc cơ quan nào đó gặp bất thường. Đau tim là tình trạng khẩn cấp, người bệnh cần liên hệ ngay với trung tâm nội soi dạ dày gần nhất để điều trị kịp thời.
Áp xe gan cũng là nguyên nhân gây đau bụng trên
Đau bụng trên kèm các triệu chứng: sốt cao rét run, đau vị trí bụng trên bên phải, ấn kẽ sườn thấy đau… là biểu hiện của bệnh áp xe gan. Xuất hiện các triệu chứng này, người bệnh cần được điều trị ngay, tránh để ổ áp xe vỡ gây nhiễm trùng ổ bụng, chảy vào màng phổi, phổi hoặc màng tim gây viêm phúc mạc, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Áp xe gan là tình trạng gan sưng mủ và hình thành các lỗ nhỏ, nguyên nhân do tổn thương tại gan, lá gan bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng. Nếu tình trạng áp xe gan được phát hiện sớm, người bệnh sẽ được chọc hút mủ, nằm viện trong khoảng 7 – 15 ngày và dùng thuốc kháng sinh để chống tái phát.
Đau bụng vị trí xung quanh rốn là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Hệ tiêu hóa gặp vấn đề là nguyên nhân khiến Quý Khách bị đau bụng vị trí xung quanh rốn. Những cơn đau bụng quanh rốn thường dữ dội, lặp đi lặp lại nhiều lần khiến cho người bệnh đau đớn, mệt mỏi. Với mỗi vị trí đau bụng khác nhau thì cơn đau lại là biểu hiện bệnh lý khác nhau.
Căn cứ vào mức độ, vị trí đau và các triệu chứng đi kèm có thể liên quan đến các bệnh lý khác nhau, cụ thể:
- Đau giữa bụng: Các cơn đau giữa bụng có thể đi kèm các triệu chứng như ăn không tiêu, buồn nôn, đau thượng vị, ợ chua, ợ nóng… có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như hành tá tràng, viêm hang vị dạ dày, viêm – loét dạ dày,…
- Đau xung quanh rốn: Cơn đau quặn vùng quanh rốn sau đó di chuyển vùng bụng thấp bên phải, kèm theo các triệu chứng như sốt, đau bụng tiêu chảy, buồn nôn,… có thể là dấu hiệu của đau ruột thừa.
- Đau dưới rốn: Cơn đau quặn dưới rốn kèm theo triệu chứng đau nhói bụng dưới rốn, co thắt bụng, rối loạn phân, có thể kèm với sốt thì rất có khả năng người bệnh bị rối loạn tiêu hóa, viêm ruột
- Đau trên rốn: Cơn đau kèm với tình trạng tức bụng, đau khi ăn quá no hoặc quá đói có thể là dấu hiệu đau dạ dày.
> Tham khảo thêm: Đau bụng, buồn nôn có nguy hiểm không?
Nếu tình trạng đau quặn bụng từng cơn xung quanh rốn xảy ra thường xuyên thì người bệnh tuyệt đối phải cẩn trọng, không được xem thường. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh nguy hiểm, người bệnh nên đi khám để được tư vấn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa.
Đau bụng vị trí xung quanh rốn có thể là lời cảnh báo của các bệnh lý nguy hiểm dưới đây:
- Viêm ruột thừa
- Viêm ruột non
- Lao màng bụng
- Ngộ độc thực phẩm
Đau vị trí xung quanh rốn do viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa khiến người bệnh đau bụng âm ỉ, liên tục và cường độ tăng dần. Đầu tiên là đau ở khu vực quanh rốn, sau đó khu trú về hố chậu phải (vị trí 1/4 bụng dưới bên phải). Bệnh nhân viêm ruột thừa thường có dấu hiệu sốt nhẹ (từ 38 – 38,5 độ C), run, ớn lạnh, nôn ói, chán ăn hoặc thành bụng co cứng.
Viêm ruột thừa không phải là căn bệnh hiếm gặp, nếu phát hiện sớm thì điều trị tương đối dễ dàng; ngược lại phát hiện muộn có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi ruột thừa bị vỡ gây nhiễm trùng phúc mạc.
Đau vị trí xung quanh rốn do viêm ruột non
Bệnh này khá nhiều người mắc, với những ai bị nhẹ thì việc điều trị rất đơn giản. Tuy nhiên nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu: tiêu chảy (kéo dài từ 3 – 4 ngày), rối loạn tiêu hóa, sốt cao hơn 38 độ C, mất nước, miệng khô, mắt trũng, da nhăn nheo, ít tiểu, đi ngoài ra máu, đau bụng kèm bí trung đại tiện và nôn… thì cần đến ngay bệnh viện để được chăm sóc y tế.
Đau vị trí xung quanh rốn do lao màng bụng
Lao màng bụng gây đau ổ bụng xung quanh rốn, đau âm ỉ kéo dài kèm theo các triệu chứng: sốt cao hoặc nhẹ (cũng có thể không sốt), ăn uống kém, chán ăn, chướng bụng đầy hơi, khó tiêu, giảm cân, đi cầu phân lỏng hoặc ra mồ hôi trộm.
Ở giai đoạn đầu bệnh khó phát hiện vì các triệu chứng lâm sàng khá mờ nhạt, người bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ biến chứng nặng, dẫn đến tử vong.
Đau bụng vị trí xung quanh rốn do ngộ độc thực phẩm
Nếu Quý Khách bị đau quanh rốn sau ăn (từ vài phút – vài giờ, hoặc từ 1 – 2 ngày, sau khi nhiễm độc), kèm theo các biểu hiện buồn nôn, nôn, sốt, rối loạn tiêu hóa, có máu trong phân hoặc chất nôn… thì khả năng cao là bị ngộ độc thực phẩm.
Bệnh này rất nguy hiểm nếu bệnh nhân có nhiều dấu hiệu nặng như: nhiễm trùng, mất nước, rối loạn tim mạch, có máu trong phân… Dù bị nặng hay nhẹ Quý Khách cũng cần đi thăm khám ngay để được bác sĩ thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp giúp nhanh khỏi bệnh và phòng ngừa tái phát.
Đau vị trí thắt lưng bụng là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Nếu Quý Khách thường xuyên bị đau bụng vị trí vùng thắt lưng, xin đừng chủ quan, bởi đây có thể là triệu chứng của viêm thận bể thận cấp tính. Viêm thận bể thận cấp biểu hiện đau ở bụng vùng thắt lưng kèm theo các dấu hiệu lâm sàng: sốt cao đột ngột, tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu ra máu, chán ăn, buồn nôn, nôn, người mệt mỏi…
Bệnh điều trị sớm có thể khỏi hẳn, ngược lại điều trị muộn hoặc không đúng cách có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như: hoại tử nhú thận, nhiễm khuẩn huyết, ứ mủ thận, tăng huyết áp, suy thận… có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân đau bụng rất đa dạng, trong đó có rất nhiều loại bệnh lý có vị trí đau bụng và biểu hiện đi kèm gần như nhau. Để biết chính xác tình trạng bệnh của bản thân, Quý Khách nên đi khám dạ dày và làm các xét nghiệm để có kết luận chính xác đồng thời được bác sĩ hướng dẫn điều trị.
Các xét nghiệm chức năng thận:
- Xét nghiệm acid uric trong máu
- Xét nghiệm Urea máu
- Xét nghiệm Creatinin huyết thanh
Vị trí đau bụng dưới là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Đau vị trí bụng dưới là các cơn đau từ mức rốn trở xuống, bất kì cơ quan nào ở khu vực này có vấn đề cũng có thể là lý do dẫn đến đau bụng dưới. Các cơn đau ở vị trí thấp nhất ở vùng bụng còn có thể gọi là đau vùng chậu. Dựa vào tính chất, vị trí cơn đau, tần suất các cơn đau bụng dưới rốn kèm theo các triệu chứng đi kèm mà có thể xác định là do các bệnh về cơ quan sinh dục, đường tiết niệu hay đường ruột.
Vị trí đau bụng dưới có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm sau:
- Bệnh lao ruột
- Ung thư đại – trực tràng
Đau vị trí bụng dưới do bệnh lao ruột
Bệnh lao ruột là một thể bệnh lao ngoài phổi, do vi khuẩn lao gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột. Lao ruột thường không có triệu chứng đặc hiệu hoặc chỉ có dấu hiệu thông thường như đau quặn bụng và sụt cân. Người bệnh bị lao ruột thường cũng bị nhiễm lao ở các bộ phận khác chẳng hạn như lao phổi.
Bệnh nhân lao ruột thường có biểu hiện đau bụng dưới bên phải. Ở giai đoạn đầu các dấu hiệu của bệnh chưa rõ ràng. Bởi vậy mà khi cảm thấy buồn nôn, đau ở hố chậu phải, đau quặn bụng, sôi bụng, rối loạn đại tiện, sụt cân, đổ mồ hôi đêm, cơ thể suy nhược, hoặc sốt… bệnh nhân cần thăm khám ngay, tránh để lâu gây ra các biến chứng như: Tắc ruột, viêm phúc mạc, thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa nặng… dẫn đến suy kiệt và tử vong.
Đau vị trí bụng dưới do ung thư đại – trực tràng
Đau bụng dưới, chán ăn, khó tiêu, cân nặng giảm sút, đầy trướng bụng trên vùng rốn, táo bón, đi ngoài ra máu, mệt mỏi chóng mặt, đau co thắt bụng… đây đều là những dấu hiệu cảnh báo về căn bệnh ung thư đại – trực tràng, bởi vậy đừng bao giờ chủ quan, hãy đến ngay cơ sở y tế hoặc các đơn vị uy tín để thăm khám và điều trị khi còn có thể.
Trường hợp bị đau bụng dưới kèm theo nôn mửa quá nhiều, không thể ăn uống dẫn đến mất nước trầm trọng, người bệnh cũng cần nhập viện để truyền nước, bù lại lượng nước mất đi. Trước đó bác sĩ cũng sẽ tiến hành xét nghiệm để xác định bệnh lý.
Các vị trí đau bụng ở nữ cần lưu ý
Vị trí đau bụng dưới rốn ở nữ có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh phụ khoa. Chị em nên lưu ý đến một vài căn bệnh phổ biến có biểu hiện đau vị trí bụng dưới, như:
- U nang buồng trứng: Đau bụng dưới phần xung quanh u nang kèm theo các triệu chứng: đầy hơi, mệt mỏi, chóng mặt.
- U xơ tử cung: Khối u lành tính phát triển cũng có thể gây đau vùng bụng dưới. Trường hợp chảy máu giữa các kỳ kinh nguyệt, máu chảy nhiều trong nguyệt kỳ, bụng phình to đau đớn thì phải đi thăm khám ngay.
- Lạc nội mạc tử cung: Niêm mạc tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung, hình thành mô sẹo và tổn thương. Lạc nội mạc tử cung có thể gây đau bụng dưới kèm theo các triệu chứng như bị chảy máu rất nhiều trong kỳ kinh nguyệt, đau bụng dữ dội hoặc đau nửa đầu, nhu động ruột hoặc tiêu chảy, buồn nôn.
- Viêm vùng chậu (PID): Đau bụng dưới kèm theo các triệu chứng: sốt, tiểu tiện rát, tiết dịch nhiều bất thường, khó chịu.
- Viêm ống dẫn trứng: Bụng dưới đau âm ỉ kèm triệu chứng: sốt nhẹ, mệt mỏi, kinh nguyệt không đều.
- Mang thai ngoài tử cung: Triệu chứng bệnh có thể bao gồm đau vùng chậu dữ dội kèm với cảm giác co cứng ở 1 bên thành bụng, chảy máu âm đạo, buồn nôn và chóng mặt.
- Sa sinh dục: Các triệu chứng thường gặp của sa sinh dục là gia tăng áp lực lên thành âm đạo, cảm giác đầy ở bụng dưới, khó chịu ở háng hoặc thắt lưng, quan hệ tình dục đau. Các bộ phận dễ bị sa nhất là bàng quang hay tử cung.
- Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu: Giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở vùng chân (thường thấy ở trong bắp đùi, nhượng chân, khủy chân, vùng quanh gót) nhưng đôi khi cũng có thể phát triển ở vùng chậu. Tắc tĩnh mạch vùng chậu gây sưng và đau gọi là hội chứng sung huyết vùng chậu. Cơn đau có tăng lên khi người bệnh cử động lên xuống.
Các vị trí đau bụng ở nam cần lưu ý
Riêng với nam giới, nếu thấy xuất hiện các vị trí đau bụng nguy hiểm sau đây cũng cần đi khám ngay:
- Xoắn tinh hoàn: Bụng dưới đau đột ngột, cơn đau dữ dội, tinh hoàn sưng to, bầm tím.
- Viêm tuyến tiền liệt: Bụng dưới đau, kèm theo đau lưng, khó tiêu, buồn nôn, ớn lạnh, sốt, đau quanh gốc dương vật, tinh dịch có máu.
Trường hợp không rõ nguyên nhân gây đau bụng, Quý Khách tuyệt đối không được tự ý uống thuốc giảm đau, gây nguy hiểm trong các trường hợp cấp cứu. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường của cơ thể, người bệnh cần gặp bác sĩ để thăm khám và chẩn đoán bệnh ở các phòng khám nội soi tiêu hóa uy tín để điều trị bệnh kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.
Endo Clinic là trung tâm nội soi tiêu hóa đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu tầm soát và chẩn đoán ung thư tiêu hóa sớm. Với trang thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ Bác sĩ chuyên gia trong lĩnh vực tiêu hóa, Endo Clinic tự hào với quy trình nội soi, tầm soát ung thư tiêu hóa đạt chuẩn thế giới cho kết quả nhanh, đồng nhất, giảm tỉ lệ bỏ sót bệnh với độ chính xác từ 95% – 99%. Quý Khách có thể liên hệ trực tiếp để được tư vấn thăm khám tại địa chỉ: Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa
Tài liệu tham khảo
- Ansari, Parswa. Đau bụng, cấp tính. 04 2020. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/tình-trạng-bụng-cấp-và-phẫu-thuật-tiêu-hóa/đau-bụng-cấp-tính (đã truy cập 04 13, 2022).
- Davis, Charles Patrick. Abdominal Pain Causes. 06 09 2019. https://www.medicinenet.com/abdominal_pain_causes/views.htm (đã truy cập 04 13, 2022).
Câu hỏi thường gặp
Vị trí đau bụng bên trái là dấu hiệu của bệnh gì?
Vị trí đau bụng bên trái có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như loét dạ dày, viêm dạ dày, bệnh lý về thận, bệnh viêm ruột, viêm túi thừa, hội chứng ruột kích thích,… Tuy nhiên, để được chẩn đoán chính xác nhất, cô chú, anh chị nên đến cở sở y tế để được chẩn đoán chính xác.
Đau bụng trên rốn là dấu hiệu của bệnh gì?
Đau bụng trên rốn, hay còn gọi là đau thượng vị, có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm dạ dày, loét dạ dày, viêm tuỵ, sỏi mật,… Cô chú, anh chị khi gặp triệu chứng này nên đến thăm khám tại bệnh viện, phòng khám nội soi dạ dày để được tư vấn.