Viêm gan B do HBV là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đến ung thư gan trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2019 có khoảng 296 triệu người đang sống với bệnh viêm gan B mạn tính và có khoảng 1,5 triệu ca mắc mới mỗi năm.
Cũng trong năm 2019, có khoảng 820 000 ca tử vong liên quan đến viêm gan siêu vi B, chủ yếu là do xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (ung thư gan nguyên phát).[1]
Theo WHO, tình trạng nhiễm trùng do virus viêm gan B cao nhất ở các khu vực sau đây:
- Tây Thái Bình Dương: 116 triệu trường hợp viêm gan B mạn tính.
- Châu Phi: 81 triệu ca nhiễm virus viêm gan B mạn tính.
- Đông Địa Trung Hải: 60 triệu người nhiễm bệnh.
- Đông Nam Á: 18 triệu người mắc bệnh.
- Châu Âu: 14 triệu ca nhiễm bệnh.
- Châu Mỹ: 5 triệu trường hợp mắc bệnh.
HBV là gì?
HBV là virus gây bệnh viêm gan B. Đây là một loại virus thuộc họ Hepadnaviridae, có gen di truyền ADN chuỗi kép. Virus có kích thước nhỏ (đường kính khoảng 42 nm) và có hình cầu.[2]
HBV được cấu tạo từ 2 lớp đó là lipoprotein ở ngoài cùng có gắn kháng nguyên bề mặt gọi là HBsAG và lớp nucleocapsid bên trong có chứa kháng nguyên lõi là HBcAg. Trên kháng nguyên lõi HBcAg có một đoạn gọi là kháng nguyên e của virus (HBeAg), có vai trò trong quá trình nhân đôi của virus. Cả 2 lớp vỏ này bao bọc bộ gen DNA với enzyme polymerase phiên mã ngược, giúp virus tự sao chép trong môi trường nội bào.[10]
Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được 9 týp kháng nguyên khác nhau của HBV (A-I) dựa trên sự biến động trên bộ gene.[3]
HBV là virus có khả năng tồn tại cao. Ở ngoài cơ thể, HBV có thể sống sót lên tới 7 ngày. Trong thời gian đó, HBV vẫn có khả năng gây bệnh cho người.[4]
Bệnh viêm gan B là gì?
Bệnh viêm gan B là tình trạng gan bị viêm và tổn thương gây ra bởi một loại virus là HBV. Bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan và có thể đe dọa đến tính mạng. Viêm gan B còn có tên gọi khác là viêm gan siêu vi B hay viêm gan virus B.
Bệnh viêm gan siêu vi B là căn bệnh nguy hiểm vì hầu như người mắc bệnh đều không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Vì thế, họ có thể làm lan truyền virus HBV cho người khác mà không hề nhận ra. Không những vậy, cho dù không xuất hiện triệu chứng, gan của người bệnh vẫn liên tục bị tổn thương, từ đó làm tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan.[5]
HBV là nguyên nhân phổ biến thứ 2 của viêm gan cấp tính sau viêm gan A. Đôi khi, viêm gan B liên quan đến một số bệnh lý ngoài gan như viêm cầu thận màng, bệnh huyết sắc tố hỗn hợp, các bệnh mô liên kết khác,…
Phân loại viêm gan B
Phụ thuộc vào thời gian nhiễm bệnh mà viêm gan B (viêm gan siêu vi B) được chia thành 2 loại là viêm gan B cấp tính và mạn tính.
Viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính là tình trạng bệnh phát sinh đột ngột và thời gian mắc bệnh ngắn (dưới 6 tháng). Người bệnh thường chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không hề xuất hiện triệu chứng. Thông thường, 95% bệnh nhân mắc viêm gan B cấp tính có thể tự lành bệnh.[5]
Đối với những bệnh nhân có hệ thống đề kháng khỏe mạnh, cơ thể sẽ tự chống lại tình trạng nhiễm trùng và loại bỏ virus. Tuy nhiên, nếu cơ thể không thể chống lại, virus sẽ tiếp tục phát triển, kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm và dần tiến triển thành viêm gan B mạn tính, suy gan,…
Viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính là tình trạng virus HBV tồn tại trong cơ thể người trên 6 tháng và là giai đoạn nghiêm trọng hơn của viêm gan B cấp tính. Giai đoạn viêm gan B mạn tính thường kéo dài rất lâu, có thể từ 15 – 30 năm hoặc kéo dài suốt đời.
Theo ước tính của Quỹ Viêm gan B (Hepatitis B Foundation), nguy cơ phát triển viêm gan B mạn tính liên quan trực tiếp đến độ tuổi mà một người lần đầu tiếp xúc với HBV.[7] Người càng trẻ thì tỷ lệ tiến triển bệnh thành mạn tính càng cao.
Tỷ lệ mắc viêm gan B mạn tính theo độ tuổi là:
- Trẻ sơ sinh: 90%
- Trẻ từ 1 – 5 tuổi: 30 – 50%[8]
- Trẻ từ 6 tuổi trở lên và người lớn: 5 – 10%
Khi viêm gan B đã bước sang giai đoạn mạn tính, tỷ lệ tiến triển thành xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan có thể dao động từ 15 – 40%.[8] Ngoài ra, viêm gan B mạn tính nếu không được điều trị có thể dẫn tới suy gan và đồng nhiễm viêm gan D,… và có nguy cơ tử vong.
Bệnh viêm gan B lây qua đường nào?
Viêm gan B có thể lây lan theo 3 con đường: đường từ mẹ sang con, đường máu và đường tình dục. Trong đó, lây nhiễm từ mẹ sang con là con đường phổ biến nhất, đặc biệt là ở những khu vực lưu hành HBsAg cao.
Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu xâm nhập vào cơ thể người chưa được tiêm phòng vaccine. Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B từ 30 – 180 ngày.[6] Do đó, những người thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc nghi ngờ đã phơi nhiễm với HBV nên thực hiện tầm soát và xét nghiệm để phát hiện và điều trị kịp thời.
Lây từ mẹ sang con
Mẹ đang mang thai mà nhiễm HBV có nguy cơ cao sẽ lây nhiễm sang cho con của mình. Có 3 hình thức mà mẹ mang thai có thể lây sang cho con là lây trong tử cung (thông qua nhau thai), lây khi sinh nở và lây hậu sản.
Trong đó, lây lan khi sinh nở chiếm tỷ lệ lây lan cao nhất trong các trường hợp do trẻ sơ sinh tiếp xúc trực tiếp với máu của người mẹ khi đang lâm bồn. Đứa trẻ còn có thể bị nhiễm HBV từ người mẹ do tiếp xúc gần sau khi sinh nở. Tuy nhiên, bú sữa mẹ không phải nguyên nhân làm lây lan HBV.[8]
Ngoài ra, các tài liệu hướng dẫn không khuyến khích người mẹ sinh mổ để làm giảm nguy cơ lây nhiễm HBV từ mẹ sang con.
Lây qua đường máu
HBV có thể dễ dàng lây qua đường máu thông qua các vết thương hở. Một số hình thức làm tăng nguy cơ lây lan HBV qua con đường này gồm:
- Sử dụng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng,.. và các vật dụng cá nhân của người bị nhiễm bệnh.
- Sử dụng chung hoặc tái sử dụng kim tiêm để truyền thuốc (đặc biệt là chất kích thích), xăm mình, châm cứu, xỏ lỗ (khuyên tai, khuyên mũi)…
- Thông qua việc truyền máu, cấy ghép nội tạng từ người bị nhiễm HBV mà không được tầm soát.
- Tái sử dụng hoặc sử dụng vật dụng y tế không được khử khuẩn kỹ càng (nha khoa, phẫu thuật,…).
- Thực hiện các xét nghiệm hoặc thủ thuật có dính đến máu.[9]
Lây qua đường tình dục
Quan hệ tình dục (bằng miệng, đường âm đạo, hậu môn) mà không có các biện pháp an toàn có thể làm tăng nguy cơ lây lan HBV. Người lành có thể bị nhiễm HBV thông qua việc tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo, máu,… của người bệnh trong khi quan hệ tình dục. Các chất dịch này cho dù đã khô vẫn có khả năng lan truyền HBV.[6]
Những ai có nguy cơ cao nhiễm bệnh viêm gan B?
Những người thường xuyên làm việc liên quan đến máu hoặc người đã từng tiếp xúc với vết thương hở, chất dịch từ người bệnh có nguy cơ cao nhiễm phải HBV. Viêm gan B là căn bệnh nguy hiểm vì khi trở thành mạn tính có nguy cơ cao dẫn đến xơ gan, ung thư gan và nhiều biến chứng khác.
Do đó, nếu nghi ngờ bản thân phơi nhiễm với HBV, Cô Chú, Anh Chị nên nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám và làm xét nghiệm để kịp thời điều trị, phòng ngừa.
Những trường hợp có nguy cơ cao nhiễm HBV bao gồm:
- Quan hệ tình dục không an toàn với nhiều bạn tình hoặc với người bị nhiễm HBV.
- Quan hệ tình dục đồng giới.
- Dùng chung kim tiêm qua đường tĩnh mạch.
- Xăm hoặc xỏ khuyên ở những nơi không đảm bảo vệ sinh hoặc khử khuẩn không đạt chuẩn.
- Sống chung với người bị nhiễm HBV mạn tính.
- Bệnh nhân thường xuyên lọc máu cho bệnh thận.
- Người bị nhiễm HIV.
- Du lịch đến các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm HBV cao.
- Người mắc bệnh đái tháo đường, viêm gan C, viêm gan D.
- Các nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với kim tiêm hoặc máu người bệnh.
Sinh lý bệnh viêm gan B
Tình trạng tổn thương gan do nhiễm HBV đa phần đến từ các đáp ứng của hệ miễn dịch đối với virus. Khi HBV xâm nhập vào tế bào, virus có khả năng làm biến đổi và thúc đẩy tế bào biểu hiện protein của virus (HBsAg và protein nucleocapsid). Khi đó, hệ miễn dịch, đặc biệt là tế bào T gây độc, sẽ nhận diện các kháng nguyên lạ và tiến hành phá hủy tế bào đã bị nhiễm virus.
Tuy nhiên, tổn thương tại gan không chỉ đến từ tác động của hệ miễn dịch. Nhiều quan sát đã cho thấy các tổn thương ở gan do viêm gan B được quan sát tại các bệnh nhân cấy ghép gan và đang trong giai đoạn thực hiện liệu pháp ức chế miễn dịch. Phân tích mô bệnh học cho thấy mô gan bị tổn thương đến từ việc tiếp xúc quá mức với kháng nguyên HBsAg của HBV. Phát hiện này cho thấy HBV có khả năng gây tổn thương trực tiếp đến tế bào gan.[6]
Dấu hiệu và triệu chứng viêm gan B là gì?
Triệu chứng viêm gan B sẽ phụ thuộc vào tình trạng cấp tính hoặc mạn tính mà mức độ của các triệu chứng sẽ từ nhẹ đến nặng. Các biểu hiện viêm gan B thường xuất hiện khoảng 1 – 4 tháng sau khi bị nhiễm. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể nhận biết chúng sớm hơn, khoảng 2 tuần sau khi ủ bệnh. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có thể không có bất kỳ dấu hiệu viêm gan B nào.[11]
Triệu chứng viêm gan B phổ biến là gì?
Triệu chứng viêm gan B phổ biến có thể là đau bụng, mệt mỏi, vàng da, chán ăn, mệt mỏi,… Mức độ các triệu chứng có thể khác nhau tùy người và tùy theo độ tuổi. Các triệu chứng của viêm gan B cấp tính và mạn tính có thể biến chứng nặng hơn ở người lớn trên 60 tuổi.[12] Có một số người mắc viêm gan B mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Do đó, khi nghi ngờ bản thân có các dấu hiệu viêm gan B, Cô Chú, Anh Chị nên khẩn trương gặp bác sĩ thăm khám để kịp thời điều trị.
Các triệu chứng viêm gan B phổ biến là:
- Sốt
- Đau bụng
- Nước tiểu sẫm màu
- Phân nhạt màu
- Chán ăn
- Buồn nôn và nôn
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể
- Đau xương khớp
- Vàng da, vàng mắt[11]
Trong trường hợp tổn thương gan nặng, bệnh nhân có thể bị vàng da, bệnh não gan, báng bụng, xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, rối loạn đông máu hoặc nhiễm trùng.
Dấu hiệu viêm gan B cần đi khám ngay
Đối với các trường hợp Cô Chú, Anh Chị tiếp xúc với nguồn lây nhiễm viêm gan B, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến ngay phòng khám tiêu hóa gần nhất để được thăm khám và tư vấn điều trị. Điều trị dự phòng có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm nếu Cô Bác, Anh Chị được điều trị trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với virus viêm gan B.
Bên cạnh đó, nếu có xuất hiện các triệu chứng viêm gan B, Cô Chú, Anh Chị cũng nên đến gặp bác sĩ khẩn trương để được chẩn đoán và điều trị. Cô Chú, Anh Chị đặc biệt lưu ý với biểu hiện vàng da, vàng mắt vì đây là dấu hiệu cảnh báo chức năng gan hoạt động không tốt. Triệu chứng này cảnh báo tình trạng xơ gan, ung thư gan rất nguy hiểm.
Các phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm gan B là gì?
Để chẩn đoán viêm gan B (viêm gan siêu vi B) chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện các bước khám lâm sàng, thu thập thông tin về bệnh sử để xác định các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các cận lâm sàng cần thiết để loại trừ các nguyên nhân không liên quan cũng như đánh giá chức năng gan, gia tăng độ chính xác của chẩn đoán. Từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc hướng điều trị phù hợp
Khám lâm sàng
Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát cũng như đặt ra một số câu hỏi để tìm hiểu về tiền căn bệnh sử để xác định yếu tố nguy cơ. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng mà người bệnh có thể gặp phải cũng như về thói quen của người bệnh.
Một số câu hỏi bác sĩ có thể đặt ra khi khám lâm sàng là:
- Các triệu chứng của Cô Bác bắt đầu khi nào? Chúng có liên tục hay không?
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng?
- Cô Bác đã từng truyền máu hoặc hiến máu chưa?
- Cô Bác có tiêm chích thuốc kích thích không?
- Cô Bác có sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục không?
- Cô Bác đã có bao nhiêu bạn tình?
- Cô Bác có tiền sử mắc bệnh viêm gan hoặc các bệnh lý liên quan đến gan không?
- Cô Bác có thường xuyên sử dụng rượu bia không?
Cận lâm sàng chẩn đoán
Viêm gan B là bệnh lý phức tạp nhưng vẫn có thể chẩn đoán thông qua các cận lâm sàng như xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm huyết thanh và phân tích mô bệnh học. Các thông tin từ các cận lâm sàng chẩn đoán là căn cứ quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Một số xét nghiệm viêm gan B thường được bác sĩ chỉ định để xác định tình trạng hoạt động của chức năng gan, mức độ ảnh hưởng của bệnh viêm gan và giai đoạn bệnh.
Xét nghiệm chức năng gan
Bác sĩ sẽ sử dụng mẫu máu của người bệnh để xác định khả năng hoạt động của gan. Nếu kết quả bất thường như mức men gan cao có thể cho thấy gan của người bệnh đang bị tổn thương hoặc hoạt động không bình thường.
Một số xét nghiệm chức năng gan bao gồm:
- Xét nghiệm bilirubin toàn phần
- Xét nghiệm bilirubin trực tiếp
- Xét nghiệm bilirubin gián tiếp
- Xét nghiệm chỉ số AFP (Alpha fetoprotein)
- Xét nghiệm AST (aminotransferase)
- Xét nghiệm ALT (alanine aminotransferase)
- Xét nghiệm ALP (alkaline phosphatase)
- Xét nghiệm GGT (gamma-glutamyl transaminase)
Xét nghiệm huyết thanh
Xét nghiệm huyết thanh học chẩn đoán viêm gan B chủ yếu dựa trên các kỹ thuật miễn dịch để phát hiện kháng nguyên và kháng thể có trong huyết thanh của bệnh nhân. Các xét nghiệm huyết thanh hiện nay cho HBV có độ đặc hiệu và độ nhạy rất cao.
Các xét nghiệm huyết thanh thường áp dụng bao gồm:
- Xét nghiệm kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg): HBsAg xuất hiện trong máu có thể báo hiệu tình trạng viêm gan B cấp tính (phát hiện HBsAg dưới 6 tháng) hoặc mạn tính (phát hiện HBsAg trên 6 tháng).
- Xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên bề mặt viêm gan B (anti-HBs): Anti-HBs là kháng thể bảo vệ xuất hiện khi cơ thể đã lành bệnh sau khi nhiễm HBV cấp tính hoặc sau khi tiêm phòng vaccine viêm gan B.
- Xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên lõi viêm gan B (anti-HBc): Anti-HBc IgM nồng độ cao, sau đó giảm dần trong 3 – 6 tháng kế tiếp và đi kèm với sự gia tăng của anti-HBc IgG báo hiệu viêm gan B cấp tính.[3]
Người bệnh có thể được chỉ định thêm xét nghiệm để kiểm tra có bị nhiễm HIV và HCV không vì sự lây truyền của các bệnh nhiễm trùng này là tương tự nhau.
Xét nghiệm | Kết quả | Giải thích |
---|---|---|
HBsAg anti-HBs anti-HBc | Âm tính Âm tính Âm tính | Có nguy cơ cao nhiễm HBV (khuyến cáo tiêm phòng vaccine viêm gan B) |
HBsAg anti-HBs anti-HBc | Âm tính Dương tính Dương tính | Đã từng nhiễm HBV và khỏi bệnh |
HBsAg anti-HBs anti-HBc | Âm tính Âm tính Dương tính | Đã từng tiêm phòng vaccine viêm gan B |
HBsAg anti-HBs anti-HBc IgM anti-HBc | Dương tính Âm tính Dương tính (nồng độ cao) Dương tính | Viêm gan B cấp tính |
HBsAg anti-HBs anti-HBc | Dương tính Âm tính Dương tính | Viêm gan B mạn tính |
Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu về các xét nghiệm:
Các dấu hiệu huyết thanh học khác
Bên cạnh các xét nghiệm huyết thanh được đề cập ở phần trên, vẫn còn các dấu hiệu huyết thanh được ứng dụng để xác định kỹ hơn về giai đoạn xâm nhiễm của virus cũng như tình trạng của người bệnh.
Các dấu hiệu huyết thanh học khác giúp chẩn đoán viêm gan B gồm:
- Kháng nguyên e viêm gan B (HBeAg): Kháng nguyên này thường được sản xuất khi virus tăng sinh trong tế bào. Dấu hiệu này có thể cho biết giai đoạn nhân đôi của virus trong tế bào.
- Kháng thể kháng kháng nguyên e viêm gan B (anti-HBe): Việc chuyển từ HBeAg dương tính thành âm tính và anti-HBe âm tính thành dương tính (gọi là chuyển đổi huyết thanh HBeAg) được sử dụng như mục tiêu của điều trị cho người dương tính HBeAg. Giai đoạn chuyển đổi huyết thanh thường liên quan đến nguy cơ thấp về sự tiến triển của bệnh gan.
- Kháng thể kháng kháng nguyên lõi IgG (anti-HBc IgG): Báo hiệu người bệnh bị nhiễm trùng. Nếu anti-HBc IgG dương tính và HBsAg dương tính cho biết nhiễm trùng mạn tính; anti-HBc IgG dương tính cùng anti-HBs dương tính cho biết quá trình phục hồi sau nhiễm trùng cấp tính; xuất hiện riêng lẻ cho biết nhiễm trùng tiềm ẩn.
- HBV-DNA: Dấu hiệu này dùng để định lượng virus viêm gan B (đo tải lượng virus viêm gan B) trong máu.
- Kiểu gen HBV: Dấu hiệu này cung cấp thông tin về sự tiến triển của bệnh và phản ứng với interferon.[6]
Sinh thiết gan
Sinh thiết gan là thủ thuật lấy một mẫu tế bào gan để tiến hành phân tích mô bệnh học. Kết quả mô bệnh học sẽ giúp xác định các yếu tố nguy cơ hoặc nguyên nhân gây bệnh tiềm ẩn. Sinh thiết gan có thể thực hiện qua da mà không cần phẫu thuật.
Sinh thiết gan cung cấp thông tin giúp bác sĩ xác định tình trạng nhiễm trùng, mức độ viêm nhiễm và chức năng của gan. Tuy nhiên, sinh thiết gan thường không cần thiết trừ khi các chẩn đoán khác không chắc chắn.
Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh cho phép đánh giá tình trạng viêm, sự thay đổi trong kích thước và dấu hiệu của khối u. Các dấu hiệu này có thể là hệ quả của viêm gan mạn tính hoặc đến từ các nguyên nhân khác.
Các chẩn đoán hình ảnh thường dùng để chẩn đoán viêm gan B là:
- Siêu âm ổ bụng: Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát gan và các cơ quan xung quanh. Đồng thời cho phép bác sĩ đánh giá được tình trạng báng bụng (cổ trướng) có thể là dấu hiệu của suy gan.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): Chụp CT bụng có thể phát hiện những thay đổi về kích thước và mật độ của gan. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp bác sĩ phát hiện các khối u hoặc dấu hiệu của ung thư sớm (một biến chứng tiềm ẩn của bệnh viêm gan).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ MRI có thể phát hiện những khác lạ là dấu hiệu của rối loạn chức năng gan hoặc ung thư.[13]
Bệnh viêm gan B có nguy hiểm không?
Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ dẫn đến xơ gan, ung thư gan ở mức cao. Viêm gan siêu vi B đặc biệt nguy hiểm đối với các trường hợp đặc biệt như bệnh nhân bị suy giảm hệ thống miễn dịch, đã thực hiện cấy ghép nội tạng, chưa được tiêm vắc xin phòng viêm gan B,… Lý do bởi vì nhóm người này khi mắc viêm gan B có nguy cơ gặp các biến chứng đe dọa tính mạng.
Tiên lượng bệnh viêm gan B
Bệnh viêm gan B cấp tính có thể được điều trị theo triệu chứng. Đối với những người có hệ miễn dịch bình thường thì có thể tự khỏi bệnh. Còn những người mắc viêm gan B mạn tính thì có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào gan, xơ gan hoặc suy gan tối cấp.
Tỷ lệ người bệnh xuất hiện các biến chứng phụ thuộc vào kiểu gen cũng như hình thức lây nhiễm của HBV. Trong đó, con đường lây nhiễm từ mẹ sang con có tỷ lệ gặp biến chứng cao hơn so với các hình thức lây nhiễm còn lại.[6]
Biến chứng bệnh viêm gan B
Khác với viêm gan A và viêm gan E, viêm gan siêu vi B có khả năng trở thành mạn tính. Hầu hết các biến chứng đều bắt nguồn từ tình trạng viêm mạn tính, biến chứng từ viêm cấp tính khá hiếm. Tuy nhiên, viêm gan B cấp tính vẫn có thể dẫn đến suy gan tối cấp, có thể đe dọa tính mạng.
Các biến chứng của viêm gan B là:
- Viêm gan D: Những người đang mắc viêm gan B cũng có nguy cơ mắc viêm gan D do virus HDV gây ra. Khi đó, cả 2 loại virus HBV và HDV cùng đồng nhiễm vào gan và có thể khiến chức năng gan suy giảm nhanh chóng, dẫn đến suy gan cấp tính.
- Xơ gan: Tình trạng viêm gan mạn tính có thể dẫn đến hình thành mô sẹo trên gan và làm suy giảm chức năng. Khi mức độ mô sẹo tăng dần có thể dẫn đến xơ gan.
- Ung thư gan: Người bị viêm gan B mạn tính có nguy cơ cao hình thành ung thư gan so với người không mắc bệnh.
- Suy gan: Suy gan cấp tính là tình trạng các chức năng quan trọng của gan ngừng hoạt động do các đợt bùng phát của virus viêm gan B gây phá hủy hàng loạt tế bào gan. Lọc máu và ghép gan là cần thiết để duy trì sự sống cho bệnh nhân.
- Các bệnh lý khác: Người nhiễm virus viêm gan B mạn tính có thể mắc bệnh thận hoặc một số bệnh lý mạch máu.[14] [15]
Cách điều trị viêm gan B
Hiện không có cách điều trị viêm gan B đặc hiệu. Hầu hết các hướng điều trị viêm gan B đóng vai trò hỗ trợ là chủ yếu.
Lưu ý:
Các thông tin về phương pháp điều trị được đề cập sau đây chỉ mang tính tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán cũng như phác đồ điều trị từ bác sĩ có chuyên môn. Do đó, người bệnh nên đến thăm khám với bác sĩ để biết được cách điều trị phù hợp nhất cho bản thân.
Mục tiêu điều trị viêm gan B
Mục tiêu điều trị viêm gan B mạn tính là hỗ trợ làm giảm tình trạng viêm gan, ngăn ngừa quá trình tiến triển xơ gan và ung thư gan. Đồng thời, điều trị viêm gan B giúp ngăn cản khả năng phát triển thành ung thư gan bằng cách ức chế tăng sinh virus trong cơ thể.
Bên cạnh đó, điều trị viêm gan B cần đưa chỉ số ALT về mức bình thường, không phát hiện HBeAg trong máu, giảm lượng HBV-DNA (tải lượng virus) trong huyết thanh và cải thiện kết quả mô bệnh học. Mức độ HBV-DNA giảm trong máu thường là mục tiêu chính trong điều trị viêm gan B.
Ngoài ra, sự chuyển đổi huyết thanh HBeAg được sử dụng như dấu hiệu cho biết người bệnh có đáp ứng tốt với điều trị. Chuyển đổi huyết thanh HBeAg cho biết virus đang giảm tăng sinh ở bên trong cơ thể người bệnh.[2]
Các giai đoạn của viêm gan B mạn tính
Thông thường, viêm gan B mạn tính được chia thành 5 giai đoạn. Người bệnh có thể ở trong bất kỳ một giai đoạn nào và không cần trải qua hết 5 giai đoạn. Tùy theo mỗi giai đoạn mà bác sĩ sẽ cân nhắc các hướng điều trị khác nhau để phù hợp với từng bệnh nhân.
Các phần kế tiếp trình bày thông tin chi tiết về 5 giai đoạn của viêm gan B, theo cập nhật mới nhất của Hiệp hội Nghiên cứu Gan Châu Âu (EASL) năm 2017.[16]
Giai đoạn 1 (nhiễm HBV mạn tính kèm dương tính HBeAg)
Người bệnh trong giai đoạn 1 thường có kết quả dương tính với HBeAg, mức độ HBV-DNA huyết thanh cao và chỉ số ALT nằm trong khoảng bình thường (khoảng 40 IU/L). Trong gan, không nhận thấy hoặc có rất ít tổn thương viêm hoại tử hoặc xơ hóa gan. Giai đoạn này, do tải lượng virus cao trong cơ thể nên người bệnh cực kỳ dễ truyền nhiễm HBV cho người khác.
Giai đoạn 2 (viêm gan B mạn tính kèm dương tính HBeAg)
Giai đoạn 2 đặc trưng bởi HBeAg dương tính, mức độ HBV-DNA huyết thanh cao và chỉ số ALT cao. Mô gan trong giai đoạn này có thể bị viêm hoại tử mức độ vừa và nghiêm trọng cùng với quá trình tiến triển của xơ gan.
Bệnh nhân trong giai đoạn này có thể rơi vào 2 trường hợp: đạt được chuyển đổi huyết thanh HBeAg và giảm lượng HBV-DNA (mục tiêu điều trị) hoặc mất kiểm soát HBV và rơi vào giai đoạn 4 (viêm gan B mạn tính kèm âm tính HBeAg) kéo dài nhiều năm.
Giai đoạn 3 (nhiễm HBV mạn tính kèm âm tính HBeAg)
Đặc trưng của giai đoạn 3 là dương tính với anti-HBe, mức độ HBV-DNA huyết thanh thấp hoặc dưới ngưỡng phát hiện (< 2000 IU/ml), chỉ số ALT về mức bình thường (khoảng 40 IU/L). Bệnh nhân trong giai đoạn này có nguy cơ thấp tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan nhưng vẫn có thể mắc viêm gan B mạn tính. Âm tính với HBsAg và chuyển đổi huyết thanh HBeAg có khả năng đạt được (tỷ lệ 1 – 3% trường hợp/năm).
Giai đoạn 4 (viêm gan B mạn tính kèm âm tính HBeAg)
Đặc điểm của giai đoạn 4 là âm tính với HBeAg, dương tính với anti-HBe nhưng có mức độ HBV-DNA huyết thanh tăng và chỉ số ALT dao động hoặc không đổi bất thường. Khi đó, sinh thiết gan sẽ giúp đánh giá tình trạng viêm hoại tử gan và xơ gan.
Giai đoạn 5 (âm tính HBsAg)
Giai đoạn 5 đặc trưng bởi kết quả âm tính HBsAg, dương tính với anti-HBc, có thể dương tính hoặc âm tính với anti-HBs. Giai đoạn này còn gọi là nhiễm HBV tiềm ẩn. Bệnh nhân trong giai đoạn này thường có chỉ số ALT bình thường. HBV-DNA không phát hiện trong huyết thanh nhưng HBV-DNA (cccDNA) thường xuyên được phát hiện trong mô gan.
Nếu người bệnh âm tính với HBsAg trước khi bắt đầu bị xơ gan có thể làm giảm bớt nguy cơ tiến triển thành ung thư gan. Tuy nhiên, người bệnh âm tính HBsAg sau khi được chẩn đoán xơ gan thì vẫn có nguy cơ mắc ung thư gan và cần được theo dõi kỹ càng.
Người bệnh trong giai đoạn này nếu thực hiện các liệu pháp ức chế miễn dịch có nguy cơ cao tái nhiễm HBV.
Điều trị viêm gan B sau khi phơi nhiễm HBV
Điều trị sau phơi nhiễm giúp ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B chứ không phòng ngừa viêm gan B triệt để. Nếu Cô Chú, Anh Chị nghi ngờ đã tiếp xúc với nguồn lây HBV (quan hệ không an toàn với người nghi ngờ nhiễm viêm gan B, đạp phải kim tiêm dơ,…) và không chắc mình đã được tiêm phòng chưa, hãy liên hệ ngay với trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ.[14]
Khi đó, Cô Chú, Anh Chị sẽ được tiêm immunoglobulin (một loại kháng thể) trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phơi nhiễm có thể giúp bảo vệ khỏi mắc bệnh viêm gan B. Phương pháp này chỉ có tác dụng ngắn hạn, do đó, Cô Chú, Anh Chị nên đi tiêm ngừa viêm gan B để được bảo vệ tốt hơn trước HBV.
Điều trị viêm gan B cấp tính
Đối với bệnh nhân bị viêm gan B cấp tính, các triệu chứng thường kéo dài từ vài tuần đến dưới 6 tháng, chúng sẽ tự hết mà không cần điều trị. Bác sĩ có thể sẽ khuyên người bệnh nên nghỉ ngơi hợp lý, thay đổi chế độ ăn uống, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước và theo dõi kỹ càng dấu hiệu của bản thân.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc kháng virus và nhập viện để theo dõi, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh viêm gan B cấp tính sẽ hồi phục hoàn toàn trong vài tháng, nhưng bác sĩ vẫn khuyến khích nên xét nghiệm máu thường xuyên và tầm soát viêm gan B định kỳ để kịp thời phát hiện nếu viêm gan có dấu hiệu mạn tính.
Điều trị viêm gan B mạn tính
Phần lớn những bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính đều cần được theo dõi và điều trị suốt đời. Mục tiêu điều trị viêm gan B mạn tính là hạn chế các triệu chứng, giảm nguy cơ mắc bệnh gan, kiểm soát nồng độ virus và ngăn ngừa khả năng truyền nhiễm virus cho người khác. Các hướng điều trị viêm gan B mạn tính có thể bao gồm điều trị bằng thuốc kháng virus viêm gan B, liệu pháp interferon và cấy ghép gan.[14]
Thuốc kháng virus
Một số loại thuốc điều trị viêm gan B có thể hỗ trợ cơ thể chiến đấu lại với virus cũng như làm chậm quá trình tiến triển của tổn thương gan. Các loại thuốc viêm gan B này thường được dùng qua đường uống. Bác sĩ có thể chỉ định dùng phối hợp nhiều loại thuốc hoặc kết hợp dùng 1 loại thuốc với liệu pháp interferon để tăng cường hiệu quả điều trị.[14]
Lưu ý:
Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc kháng virus nếu dùng sai cách có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn và khiến virus trở nên kháng thuốc, làm cho việc điều trị viêm gan B khó khăn hơn.
Dựa vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ ảnh hưởng đến chức năng gan và định lượng virus viêm gan B, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho bệnh nhân. Cô Bác, Anh Chị không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc kháng virus nào mà không được chỉ định từ bác sĩ.
Liệu pháp interferon
Interferon alfa-2b (được gọi là Sylatron) là nhóm thuốc này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, người bệnh sẽ được tiêm trong ít nhất 6 tháng. Thuốc được sử dụng chủ yếu cho nhóm người trẻ mắc viêm gan B nhưng không muốn điều trị lâu dài; phụ nữ có dự định mang thai trong vòng vài năm tới, sau khi đã hoàn thành 1 liệu trình điều trị hữu hạn. Tác dụng phụ của interferon alfa-2b có thể gồm buồn nôn, nôn, khó thở và trầm cảm.
Pegylated interferon thường được chỉ định tiêm 1 lần/tuần, thường kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Tác dụng phụ của pegylated interferon có thể khiến bệnh nhân khó chịu, trầm cảm, chán ăn, đau cơ và khớp. Ngoài ra, pegylated interferon cũng làm giảm số lượng bạch cầu trong máu, khiến cơ thể có nguy cơ cao mắc một số loại nhiễm trùng khác.
Chống chỉ định Pegylated interferon đối với các trường hợp sau:
- Bệnh gan mất bù
- Viêm gan tự miễn
- Suy thận
- Ức chế miễn dịch
- Cấy ghép nội tạng
- Giảm bạch cầu
Các xét nghiệm sau đây nên được sử dụng để theo dõi bệnh nhân được điều trị bằng Pegylated interferon:
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (thực hiện hàng tháng hoặc mỗi 3 tháng một lần).
- Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (3 tháng một lần).
- Theo dõi lâm sàng các biến chứng tự miễn dịch, thiếu máu cục bộ, tâm thần kinh và nhiễm trùng.
- Xét nghiệm mức acid lactic nếu có vấn đề về lâm sàng.
- Xét nghiệm HIV trước khi bắt đầu phác đồ điều trị viêm gan B.
Ghép gan
Ghép gan có thể được thực hiện trong trường hợp gan bị tổn thương nghiêm trọng và không thể duy trì được chức năng của gan. Trong quá trình cấy ghép gan, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ gan bị hư tổn và thay thế nó bằng một lá gan khỏe mạnh. Hầu hết gan được cấy ghép đến từ những người hiến tặng đã qua đời. Một số ít đến từ những người còn sống mà sẵn sàng hiến tặng một phần gan của họ.
Làm sao để phòng tránh nhiễm bệnh viêm gan B?
Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được. Biện pháp phòng ngừa viêm gan tốt nhất là tiêm đầy đủ các mũi vắc xin viêm gan B để phòng ngừa. Vaccine viêm gan B thường được tiêm 3 – 4 mũi trong vòng 6 tháng. Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp an toàn trong đời sống cũng rất quan trọng để giúp hạn chế phơi nhiễm với virus.
Tiêm phòng viêm gan B
Vaccine viêm gan B là vaccine an toàn, hiệu quả và được bác sĩ khuyến cáo tiêm phòng cho toàn bộ trẻ từ khi sơ sinh cho đến 18 tuổi. Vaccine viêm gan B cũng được khuyến nghị nên dùng cho người trưởng thành mắc đái tháo đường hoặc những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm HBV.
Hiện nay, các chuyên gia khuyến khích mọi người thuộc mọi độ tuổi nên đi tiêm phòng viêm gan B để đảm bảo sức khỏe bản thân và cộng đồng. Theo WHO, hiệu quả bảo vệ của vaccine viêm gan B trước HBV là gần 100%.[1]
Những người nên tiêm phòng viêm gan B gồm:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tháng tuổi.
- Trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi chưa được tiêm phòng khi mới sinh.
- Người mắc bệnh tiểu đường từ 19 – 59 tuổi; người mắc bệnh tiểu đường trên 60 tuổi theo quyết định của bác sĩ điều trị.
- Những người mắc viêm gan C.
- Những người sống chung với người bị viêm gan B.
- Nhân viên y tế, nhân viên cấp cứu và những người làm công việc tiếp xúc với máu, dịch cơ thể hoặc vật dụng của người nhiễm viêm gan B.
- Người có tiền sử hoặc đang điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV.
- Quan hệ tình dục đồng giới.
- Những người có nhiều bạn tình.
- Quan hệ với người bị viêm gan B.
- Những người tiêm chích thuốc kích thích bất hợp pháp hoặc dùng chung bơm kim tiêm.
- Người bị bệnh gan mạn tính.
- Người bị bệnh thận giai đoạn cuối và đang phải lọc máu.
- Du khách dự định đến khu vực có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao.
Các biện pháp phòng tránh viêm gan B
Bên cạnh việc tiêm vaccine viêm gan B, việc thực hành các biện pháp an toàn khác cũng giúp ngăn ngừa phơi nhiễm với virus cũng như hạn chế lây lan HBV cho cộng đồng.
Một số biện pháp phòng tránh viêm gan B được các bác sĩ khuyến cáo gồm:
- Xét nghiệm viêm gan B và bệnh lây qua đường tình dục (STDs) trước khi quan hệ tình dục: Biết rõ bạn tình của mình là việc quan trọng. Do đó, không nên quan hệ tình dục mà chưa đảm bảo bạn tình không bị viêm gan B hoặc bất cứ bệnh lây qua đường tình dục nào khác.
- Quan hệ tình dục an toàn: Luôn sử dụng bao cao su và các biện pháp an toàn khác để hạn chế nguy cơ nhiễm HBV. Tuy nhiên, cần ghi nhớ rằng, bao cao su chỉ có thể làm giảm nguy cơ mắc viêm gan B chứ không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ. Do đó, cách tốt nhất để phòng tránh HBV là quan hệ 1 – 1 và nên tiêm phòng và xét nghiệm viêm gan B trước khi quan hệ.
- Không dùng chung kim tiêm: Dùng kim tiêm có thể trực tiếp lây lan HBV qua đường máu.
- Thận trọng khi xăm hoặc xỏ khuyên: Hãy tìm một cửa hàng có uy tín và quy trình khử khuẩn đảm bảo vô trùng.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân với bất kỳ ai: Các vật dụng như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ chăm sóc móng tay hoặc khuyên tai đã xỏ,… đều có khả năng lây lan HBV.
Người bị viêm gan B nên ăn gì và kiêng gì?
Viêm gan B có thể khiến gan bị tổn thương cũng như làm chức năng gan bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, người bị viêm gan nên xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, giúp hạn chế tác động đến gan mà vẫn cung cấp được những dưỡng chất cần thiết. Tốt nhất người bị viêm gan B nên tham vấn với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để có những lời khuyên hợp lý trong việc thiết lập chế độ ăn uống thích hợp với từng người.
Người bị viêm gan B nên ăn gì?
Người bị viêm gan B nên lựa chọn thực phẩm tốt cho gan, giúp gan không phải làm việc quá mức trong khi đang phải chịu tổn thương từ HBV. Điều này tạo điều kiện cho gan có thể hồi phục tốt hơn.
Hướng dẫn chế độ ăn uống 2015 – 2020 nhấn mạnh người bị viêm gan B nên ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, cung cấp giá trị dinh dưỡng lớn và ít calo. Người bệnh cũng được khuyến khích tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể hơn là tập trung vào các nhóm thực phẩm đơn lẻ.
Người bị viêm gan B nên ăn những thực phẩm sau:
- Rau củ, trái cây các loại.
- Ngũ cốc nguyên cám như yến mạch, gạo lức, lúa mạch, hạt diêm mạch (hạt quinoa).
- Các loại protein như thịt cá, thịt gà bỏ da, lòng trắng trứng, các loại đậu.
- Sản phẩm từ sữa được tách béo hoặc ít béo.
- Các loại chất béo tốt có trong các loại hạt, quả bơ, dầu oliu.
- Uống đủ nước.[17]
Người bị viêm gan B nên kiêng gì?
Trong quá trình lựa chọn thực phẩm, người bị viêm gan B cũng cần lưu ý hạn chế các loại thực phẩm có thể gây hại cho gan. Việc ăn uống không lành mạnh có thể khiến gan chịu tổn thương nhiều hơn, đẩy nhanh quá trình tiến triển dẫn đến xơ gan, suy gan.
Người bị viêm gan B nên kiêng những thực phẩm sau:
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như bơ, kem, sản phẩm từ sữa nguyên béo, mỡ động vật, đồ ăn chiên dầu,…
- Đồ ngọt như bánh quy, bánh kem, soda,…
- Thực phẩm quá mặn như thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói,…
- Thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt đỏ, hàu, đậu lăng, mơ,… bởi vì tiêu thụ quá nhiều sắt ở người bị viêm gan B mạn tính có thể gây tình trạng ứ sắt, làm cho gan bị thương tổn.
- Rượu bia.[17]
Viêm gan B và những điều cần lưu ý
- Viêm gan B thường lây truyền qua đường từ mẹ sang con, đường máu và đường tình dục.
- Trẻ sơ sinh có mẹ mắc bệnh viêm gan B có 70 – 90% nguy cơ bị nhiễm HBV trong khi sinh trừ khi trẻ được điều trị bằng immunoglobulin viêm gan B (HBIG) và được tiêm phòng sau khi sinh.[18]
- Nhiễm trùng mạn tính phát triển ở 90% trẻ sơ sinh bị viêm gan B cấp tính và thường dẫn đến xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan.
- Chẩn đoán bằng xét nghiệm tìm kháng nguyên bề mặt viêm gan B và các dấu hiệu huyết thanh khác.
- Tất cả mọi người đều nên tiêm phòng viêm gan B định kỳ ngay từ khi mới sinh.
- Điều trị dự phòng phơi nhiễm bao gồm HBIG và vaccine; HBIG có thể không ngăn ngừa nhiễm HBV hoàn toàn nhưng có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm bớt tình trạng viêm gan B.
- Thuốc kháng virus có thể cải thiện kết quả xét nghiệm gan, mô bệnh học gan và trì hoãn sự tiến triển thành xơ gan nên có thể cần điều trị cả đời đối với viêm gan B mạn tính.
- Ghép gan có thể được yêu cầu ở bệnh nhân xơ gan mất bù do viêm gan B.
Câu hỏi thường gặp
Bệnh viêm gan B có lây không?
Bệnh viêm gan B do HBV là một bệnh truyền nhiễm. 3 con đường chính mà HBV có thể lây lan đó là đường từ mẹ sang con, đường máu và đường tình dục. HBV không lây qua đường không khí như hắt xì, ho cũng như không lây qua việc ôm ấp, thực phẩm hoặc nước uống.
Bệnh viêm gan B có nguy hiểm không?
Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm. Lý do bởi vì hầu hết người mắc viêm gan B có thể không biểu hiện triệu chứng nào trong suốt nhiều năm và vô tình làm lây lan HBV cho người khác thông qua việc tiếp xúc trực tiếp và quan hệ tình dục. Và mặc dù không biểu hiện triệu chứng, HBV vẫn liên tục tàn phá gan và dẫn đến nguy cơ bị xơ gan, ung thư gan.
Bệnh viêm gan B có lây qua đường nước bọt hay ăn uống không?
Viêm gan B không lây qua đường nước bọt hoặc ăn uống. Mặc dù HBV có được phát hiện trong nước bọt nhưng HBV không lây nhiễm qua việc hôn hoặc dùng chung vật dụng ăn uống với người bệnh.
Chồng bị viêm gan B có lây sang vợ không?
Chồng bị viêm gan B có nguy cơ cao sẽ lây sang vợ thông qua sinh hoạt vợ chồng thường ngày. Tương tự, vợ bị viêm gan hoàn toàn có thể lây qua cho chồng. Do đó, vợ hoặc chồng nếu chưa nhiễm bệnh nên đi tiêm phòng vaccine viêm gan B cùng với việc thực hiện các biện pháp an toàn giúp hạn chế lây lan HBV.
Bệnh viêm gan B có tự khỏi được không?
Viêm gan B cấp tính hoàn toàn có thể tự khỏi bệnh mà không cần điều trị. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân viêm gan B cấp tính nghỉ ngơi nhiều hơn cũng như xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều dinh dưỡng để bồi bổ sức khỏe, nhanh chóng bình phục. Tuy nhiên, viêm gan B mạn tính rất khó chữa dứt điểm. Người bị viêm gan B mạn tính có thể phải điều trị nhiều năm.
Bệnh viêm gan B có chữa được không?
Hiện nay, không có cách chữa viêm gan B dứt điểm. Lý do bởi vì các cách điều trị hiện nay không thể loại bỏ hoàn toàn virus HBV. Một số phương pháp điều trị hiện nay là dùng thuốc kháng virus và liệu pháp interferon. Các phương pháp này giúp ức chế được virus và làm chậm quá trình tổn thương gan.
Mắc viêm gan B mạn tính sống được bao lâu?
Viêm gan B mạn tính nếu được chẩn đoán, điều trị, cùng với việc duy trì thói quen sống lành mạnh thì người bệnh hoàn toàn có thể sống thọ đến già.
Mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú không?
Mẹ bị viêm gan B hoàn toàn có thể cho con bú sữa mẹ. Con vừa mới sinh ra nên được tiêm phòng vaccine viêm gan B mũi đầu tiên cùng với immunoglobulin trong vòng 12 giờ từ khi mới sinh ra. Điều này giúp con được bảo vệ tốt trước virus HBV. Trong trường hợp người mẹ bị vết thương hở chảy máu ngay đầu vú, người mẹ nên tạm dừng việc cho bú và chờ cho vết thương lành lại hoàn toàn.
Viêm gan B có lây qua đường tình dục không?
Viêm gan B có thể lây qua đường tình dục do tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu của người bị bệnh trong khi quan hệ tình dục.
Ai có nguy cơ tái nhiễm viêm gan B?
Những đối tượng có nguy cơ cao bị tái nhiễm viêm gan B bao gồm bệnh nhân hóa trị ung thư, bệnh nhân thực hiện liệu pháp ức chế miễn dịch, bệnh nhân nhiễm HIV ngưng điều trị thuốc,…
Tài liệu tham khảo
1. “Hepatitis B.” World Health Organization, www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-b. Accessed 6 Aug. 2023.
2. Wilkins, Thad, et al. “Hepatitis B: Diagnosis and Treatment.” American Family Physician, 15 Apr. 2010, www.aafp.org/pubs/afp/issues/2010/0415/p965.html.
3. “Hepatitis B Virus Testing and Interpreting Test Results.” B Positive, 30 June 2022, hepatitisb.org.au/hepatitis-b-virus-testing-and-interpreting-test-results/.
4. “What Is Hepatitis B – FAQ.” Centers for Disease Control and Prevention, 9 Mar. 2023, www.cdc.gov/hepatitis/hbv/bfaq.htm.
5. “What Is Hepatitis B?” Hepatitis B Foundation | Baruch S. Blumberg Institute, www.hepb.org/what-is-hepatitis-b/what-is-hepb/. Accessed 6 Aug. 2023.
6. Hepatitis B – StatPearls – NCBI Bookshelf – National Center For …, www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK555945/. Accessed 6 Aug. 2023.
7. “Acute vs. Chronic Hepatitis B.” Hepatitis B Foundation | Baruch S. Blumberg Institute, www.hepb.org/what-is-hepatitis-b/what-is-hepb/acute-vs-chronic/. Accessed 6 Aug. 2023.
8. Gentile, Ivan, and Guglielmo Borgia. “Vertical Transmission of Hepatitis B Virus: Challenges and Solutions.” International Journal of Women’s Health, 10 June 2014, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4062549/.
9. “Natural History of Hepatitis B Virus Infection.” B Positive, 30 June 2022, hepatitisb.org.au/natural-history-of-hepatitis-b-virus-infection/.
10. Liang, T Jake. “Hepatitis B: The Virus and Disease.” Hepatology (Baltimore, Md.), May 2009, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2809016/.
11. “Hepatitis B.” Mayo Clinic, 24 Sept. 2022, www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-b/symptoms-causes/syc-20366802.
12. Kahn, April. “Hepatitis B: Risk Factors, Symptoms & Diagnosis.” Healthline, 27 Jan. 2023, www.healthline.com/health/hepatitis-b.
13. Daniel, Charles. “How Hepatitis Is Diagnosed.” Verywell Health, 24 Feb. 2022, www.verywellhealth.com/hepatitis-diagnosis-1759919.
14. Professional, Cleveland Clinic medical. “Hepatitis B: Symptoms, Causes & Treatment.” Cleveland Clinic, my.clevelandclinic.org/health/diseases/4246-hepatitis-b. Accessed 7 Aug. 2023.
15. “Hepatitis B.” Mayo Clinic, 24 Sept. 2022, www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-b/diagnosis-treatment/drc-20366821.
16. EASL 2017 Clinical Practice Guidelines on the Management of Hepatitis B Virus Infection – Journal of Hepatology, www.journal-of-hepatology.eu/article/S0168-8278(17)30185-X/fulltext. Accessed 7 Aug. 2023.
17. Jr, Dennis Thompson, et al. “Tips to Avoid Liver Damage from Hepatitis – Hepatitis Center – Everyday Health.” EverydayHealth.Com, www.everydayhealth.com/hepatitis/tips-to-avoid-liver-damage-from-hepatitis.aspx. Accessed 7 Aug. 2023.
18. “Hepatitis: Preventing Mother-to-Child Transmission of the Hepatitis B Virus.” World Health Organization, www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/hepatitis-preventing-mother-to-child-transmission-of-the-hepatitis-b-virus. Accessed 7 Aug. 2023.