Theo Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) năm 2017 ước tính rằng đã có khoảng 112 triệu người trên thế giới mắc phải bệnh xơ gan. Ngoài ra, xơ gan là nguyên nhân gây tử vong phổ biến đứng hàng thứ 14 trên thế giới, với khoảng 2,4% ca tử vong toàn cầu là liên quan đến xơ gan, theo một thống kê năm 2019.
Người bị xơ gan có tỷ lệ cao tiến triển thành ung thư gan. Đây là loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam và cao thứ 2 trên toàn thế giới. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) năm 2017, tại Việt Nam đã ghi nhận hơn 51.000 trường hợp chẩn đoán là bị xơ gan.
Như vậy, xơ gan là gì? Chẩn đoán và điều trị xơ gan như thế nào? Mời Cô Chú, Anh Chị cùng Endo Clinic tìm hiểu về bệnh lý này nhé!
Bệnh xơ gan là gì?
Bệnh xơ gan là một bệnh lý mạn tính của gan, khi tình trạng chức năng gan bị suy giảm do sự hình thành các mô xơ, sẹo trên gan. Mô sẹo là hậu quả của các tổn thương liên tục và kéo dài tại gan, làm cho collagen và các loại protein khác tích tụ giữa các tế bào gan, từ đó tạo nên mô sẹo. Khi tổn thương vẫn tiếp tục kéo dài, mô sẹo dần lấn chiếm và thay thế mô gan bình thường, làm biến đổi cấu trúc và ngăn cản gan thực hiện vai trò của mình.
Ngoài ra, mô sẹo còn ngăn chặn máu chảy về gan. Khi tình trạng xơ gan ngày xấu đi, chức năng của gan dần suy giảm trầm trọng và cuối cùng dẫn đến suy gan.
Bệnh xơ gan tên tiếng Anh là cirrhosis thường là giai đoạn cuối của quá trình xơ hóa gan (fibrosis), là hệ quả của các bệnh lý gan mạn tính như viêm gan. Thông thường, xơ gan giai đoạn đầu không xuất hiện triệu chứng. Do đó, nhiều người không hề biết họ đang bị xơ gan cho đến khi chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng. Lúc đó, triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện rõ ràng.
Xơ gan còn có tên gọi phổ biến khác đó là xơ gan cổ trướng.
Phân loại bệnh xơ gan
Xơ gan còn bù và mất bù là 2 giai đoạn khác nhau của bệnh xơ gan. Xơ gan là bệnh lý tiến triển và dần trở nặng khi mô sẹo tiếp tục phát triển không kiểm soát. Tùy vào mỗi giai đoạn mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị tương ứng và phù hợp.
Xơ gan còn bù là gì?
Xơ gan còn bù là giai đoạn gan vẫn có thể tiếp tục thực hiện chức năng gan như bình thường mặc dù đã có một phần của gan đã bị tổn thương do mô sẹo.
Lý do đến từ khả năng bù trừ tốt của gan. Khi một phần gan bị tổn thương, phần gan khỏe mạnh sẽ bù trừ và đảm nhận công việc của phần gan đã bị tổn hại. Do đó, người bệnh xơ gan giai đoạn còn bù ít khi có biểu hiện của suy giảm chức năng gan và không có triệu chứng gì rõ rệt.
Một số triệu chứng xơ gan còn bù (compensated cirrhosis) có thể là mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau hạ sườn phải,…
Xơ gan giai đoạn còn bù này thường là tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ, khi làm xét nghiệm tổng quát về chức năng gan, hoặc tình cờ phát hiện qua siêu âm bụng.
Xơ gan mất bù là gì?
Xơ gan mất bù là giai đoạn kế tiếp của xơ gan còn bù, giai đoạn này nghiêm trọng hơn khi gan bị tổn thương quá nhiều dẫn đến mất khả năng bù trừ vốn có. Khi đó, gan bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của suy giảm chức năng và không thể thực hiện các vai trò như sản xuất yếu tố đông máu, chuyển hóa bilirubin, chuyển hóa NH3,…
Lúc này, biến chứng của xơ gan sẽ xuất hiện và bệnh nhân thường đến khám tại bệnh viện, phòng khám vì có các biểu hiện xơ gan mất bù (decompensated cirrhosis) như là cổ trướng, vàng da, vàng mắt, rối loạn đông máu, mệt mỏi, suy nhược kéo dài,…
Tỉ lệ chuyển từ xơ gan còn bù sang xơ gan mất bù là 10% số bệnh nhân mỗi năm. Trong đó, tỷ lệ sống còn trong 18 tháng cho xơ gan mất bù là khoảng 50%.
Nguyên nhân xơ gan là gì?
Nguyên nhân gây xơ gan phổ biến bao gồm viêm gan virus (viêm gan B, viêm gan C), viêm gan do rượu và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH). Ngoài ra, nguyên nhân gây xơ gan còn đến từ các bệnh lý gan mà khiến gan bị viêm mạn tính hoặc làm tổn thương kéo dài ở mô gan.
Viêm gan virus
Viêm gan B và viêm gan C mạn tính là nguyên nhân hàng đầu gây ra xơ gan trên toàn thế giới. Theo thống kê, viêm gan B và C mạn tính chịu trách nhiệm gây ra 57% các ca xơ gan trên toàn cầu. Theo thống kê của Hiệp hội Nghiên cứu các bệnh gan Việt Nam (VASLD) năm 2017, có khoảng 104.460 trường hợp xơ gan mất bù do nhiễm virus viêm gan B và C.
Thông thường, giai đoạn tiến triển từ viêm gan virus sang xơ gan sẽ mất khoảng 10 – 20 năm. Viêm gan D cũng có khả năng gây ra xơ gan.
Lạm dụng rượu bia lâu năm
Xơ gan do rượu là tình trạng gan bị xơ hóa do thường tiếp xúc với rượu bia ở nồng độ cao. Những người uống rượu nặng, thường xuyên, trong thời gian dài có nguy cơ bị xơ gan cao hơn nhiều so với những người không sử dụng rượu bia. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, uống nhiều rượu bia kéo dài trên 10 năm có thể phát triển bệnh xơ gan.
Xơ gan do rượu trải qua 3 giai đoạn chính là gan nhiễm mỡ (tích tụ chất béo trong gan), viêm gan do rượu và xơ gan. Hiện nay có khoảng 10 – 15% người nghiện rượu nặng có nguy cơ mắc bệnh xơ gan.
Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH)
Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) là giai đoạn tiến triển của tình trạng gan nhiễm mỡ (NAFLD). NASH được định nghĩa là tình trạng mỡ xuất hiện nhiều trong mô gan dẫn đến nhiễm độc mỡ và làm viêm gan. Tình trạng viêm gan do mỡ này có thể làm tổn thương gan và kích thích hình thành mô sẹo, làm gan dần bị xơ hóa và dẫn đến xơ gan.
NASH gây tổn thương gan tương tự như viêm gan do rượu nhưng xảy ra ở những người bệnh không nghiện rượu, người bị bệnh béo phì, đái tháo đường hoặc rối loạn lipid máu,…
Tham khảo thêm >> Chỉ số đường huyết trong máu bao nhiêu là chuẩn?
Các nguyên nhân gây xơ gan khác
Bên cạnh các nguyên nhân xơ gan được đề cập, các bệnh lý gây viêm gan, các rối loạn chuyển hóa hoặc tiếp xúc với chất độc cũng có thể gây ra viêm gan.
Các nguyên nhân gây xơ gan khác là:
- Viêm gan tự miễn: cơ thể tạo ra kháng thể tấn công tế bào gan và làm tổn thương mô gan, lâu ngày dẫn tới xơ gan.
- Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa: bệnh Wilson (bệnh do tích lũy đồng trong cơ thể), bệnh Hemochromatosis (do tích lũy sắt), thiếu alpha 1- antitrypsin.
- Ứ máu ở gan kéo dài: suy tim phải nặng kéo dài (bệnh lý gan – tim), hội chứng Budd-Chiari (tắc tĩnh mạch trên gan).
- Xơ gan do ứ mật: tình trạng tắc mật lâu ngày.
- Xơ gan do độc chất: chất độc aflatoxin được tìm thấy ở một loại nấm gọi là Aspergillus flavus. Độc chất này thường nhiễm trong thức ăn, đặc biệt là ngũ cốc lâu ngày. Tuy cơ chế tác động chưa rõ nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng chất này có thể gây xơ gan.
- Tác dụng phụ của thuốc: một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm dùng lâu ngày có thể dẫn tới xơ gan.
- Một số bệnh lý: bệnh xơ nang, viêm xơ đường mật tiên phát, bệnh galactosemia,…
Yếu tố nguy cơ của xơ gan là gì?
Xơ gan có thể khiến gan không thể thực hiện được các chức năng bình thường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và có thể là tính mạng, nếu xơ gan tiến triển thành suy gan. Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ bị xơ gan ở một người.
6 yếu tố nguy cơ của xơ gan là:
- Người lớn hơn 50 tuổi.
- Thường xuyên tiêu thụ rượu bia.
- Thừa cân, béo phì.
- Mắc các loại viêm gan mạn tính.
- Đái tháo đường.
- Cao huyết áp.
Sinh lý bệnh của xơ gan
Cơ chế bệnh sinh xơ gan thường có rất nhiều tế bào tham gia, bao gồm tế bào gan (hepatocytes) và tế bào tạo thành xoang gan (sinusoidal lining cells) như là tế bào hình sao (HSCs), tế bào nội mô xoang (SECs), tế bào Kupffer (KCs).
HSCs hình thành nên thành xoang gan và có vai trò dự trữ vitamin A. Khi các tế bào này tiếp xúc với các cytokine viêm, chúng trở nên bị hoạt hóa, chuyển đổi thành nguyên bào sợi cơ (myofibroblasts), tích tụ collagen và trở nên xơ hóa.
SECs hình thành nên lớp nội mô trong xoang, đặc trưng bởi khả năng tạo thành các lỗ hổng trên thành xoang gan, cho phép tế bào gan và xoang gan thực hiện trao đổi chất. Việc lạm dụng rượu bia quá mức có thể khiến các lỗ hổng này không còn hoạt động bình thường và thúc đẩy xơ hóa quanh xoang gan.
KCs là đại thực bào vệ tinh nằm bên trong thành xoang gan. Nhiều nghiên cứu trên mô hình động vật cho thấy tế bào này tham gia vào quá trình xơ hóa gan bằng cách giải phóng các chất có thể làm tổn thương đến tế bào gan.
Tế bào gan cũng tham gia vào con đường hình thành xơ gan. Tế bào gan tổn thương giải phóng nhiều gốc oxy phản ứng (ROS) và chất điều hòa viêm, hoạt hóa HSCs và gây xơ hóa gan.
Dấu hiệu và triệu chứng xơ gan là gì?
Triệu chứng xơ gan phụ thuộc đa phần vào giai đoạn mà xơ gan đang tiến triển. Ở giai đoạn đầu hay còn gọi là giai đoạn xơ gan còn bù thì hầu như không có triệu chứng điển hình. Khi bước vào giai đoạn xơ gan mất bù và chức năng gan bị tổn hại nghiêm trọng, các triệu chứng xơ gan mới bắt đầu biểu hiện rõ ràng.
Triệu chứng xơ gan còn bù là gì?
Triệu chứng xơ gan còn bù thường không rõ ràng và mơ hồ, mặc dù gan đã bắt đầu bị xơ hóa. Người bệnh gần như không nhận biết mình mắc bệnh cho đến khi phát hiện tình cờ hoặc bệnh trạng dần chuyển nặng.
Triệu chứng của bệnh xơ gan còn bù là:
- Chán ăn.
- Mệt mỏi.
- Sốt.
- Buồn nôn và nôn.
- Đầy bụng, khó tiêu.
- Đau tức vùng hạ sườn phải.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Xuất hiện sao mạch (những đốm đỏ hình giống như hình con nhện có nhiều chân đỏ trên da vùng ngực, lưng và cổ của bệnh nhân).
- Lòng bàn tay son (là biểu hiện lòng bàn tay có thể bị đỏ ở vùng mô bàn tay ngón cái và ngón út).
Triệu chứng xơ gan mất bù là gì?
Triệu chứng xơ gan mất bù là các biểu hiện liên quan đến suy giảm chức năng gan (vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, …) và tăng áp lực tĩnh mạch cửa (cổ trướng, phù chi,…). Triệu chứng của xơ gan mất bù thường rõ ràng và nghiêm trọng hơn so với xơ gan còn bù. Khi đó, mô sẹo hình thành quá mức khiến cho dòng máu không thể lưu thông về gan qua tĩnh mạch cửa. Điều này làm áp lực tĩnh mạch cửa tăng lên.
Các triệu chứng xơ gan mất bù liên quan đến suy giảm chức năng gan là:
- Tình trạng mệt mỏi, cảm giác bị suy nhược, chán ăn, sụt cân dần nghiêm trọng hơn.
- Nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu.
- Vàng da và vàng mắt.
- Cảm nhận thấy gan cứng chắc ở hạ sườn phải và lách lớn ở hạ sườn trái.
- Rối loạn về tinh thần: mất khả năng tập trung, mất ngủ, lú lẫn, giảm trí nhớ, thay đổi tính cách, nói lắp (bệnh não – gan).
- Nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh không liên quan đến mãn kinh.
- Nam có thể giảm ham muốn tình dục, teo tinh hoàn và phì đại tuyến vú.
Các triệu chứng xơ gan mất bù liên quan đến tăng áp lực tĩnh mạch cửa là:
- Cổ trướng (báng bụng).
- Phù chi.
- Rối loạn đông máu (dễ bị bầm tính, thường chảy máu răng, chảy máu cam).
- Nôn ra máu.
- Tiêu ra phân đen hoặc đi ngoài ra máu.
- Lượng nước tiểu ít (do suy thận).
- Khó thở (do suy hô hấp).
Khi nào cần đến thăm khám bác sĩ?
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ tại bệnh viện, phòng khám tiêu hóa khi có các dấu hiệu xơ gan kể trên, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Người bệnh không nên tự mua thuốc uống vì xơ gan kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng và có thể dẫn đến ung thư gan, nguy hiểm đến tính mạng.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xơ gan
Chẩn đoán xơ gan thường bao gồm khám lâm sàng và cận lâm sàng để bác sĩ có thể đưa ra kết quả chính xác nhất. Khi có kết quả chẩn đoán mắc bệnh xơ gan, hồ sơ bệnh án của người bệnh sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa để thực hiện các kiểm tra sâu hơn và tìm ra liệu trình điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ hiểu rõ tình trạng sức khỏe của người bệnh. Khi đó, người bệnh cần phải nêu rõ tình trạng, dấu hiệu bệnh lý hiện tại cho bác sĩ nắm rõ.
Một số câu hỏi bác sĩ có thể hỏi khi khám lâm sàng gồm:
- Các triệu chứng diễn ra như thế nào? Đã xuất hiện trong thời gian bao lâu và cảm thấy như thế nào?
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng? Chúng xuất hiện thỉnh thoảng hay liên tục?
- Những yếu tố giúp cải thiện hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng?
- Cô Bác, Anh Chị có thường xuyên uống chất có cồn không?
- Cô Bác, Anh Chị đã từng tiếp xúc hoặc uống các loại thuốc độc hại chưa?
- Tiền sử gia đình bị bệnh gan, bệnh huyết sắc tố hoặc béo phì không?
- Cô Bác, Anh Chị có tiền sử bệnh viêm gan siêu vi, vàng da không?
- Cô Bác, Anh Chị đã từng truyền máu, sử dụng thuốc tiêm hoặc xăm hình không?
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra tìm kiếm các dấu hiệu xơ gan như vàng da, khối u ở bụng, đau bụng, nốt giãn mạch màu đỏ trên da, lòng bàn tay đỏ,…
Cận lâm sàng chẩn đoán
Thông thường, xơ gan được phát hiện đầu tiên thông qua xét nghiệm máu hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Để giúp xác định chẩn đoán, bác sĩ sẽ kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.
Xét nghiệm xơ gan
Xét nghiệm xơ gan là nhóm xét nghiệm được dùng để hỗ trợ chẩn đoán tình trạng xơ gan. Các xét nghiệm này cung cấp thông tin về tình trạng của gan cũng như tổng quan sức khỏe người bệnh nói chung. Tuy nhiên, để chẩn đoán xơ gan, chỉ dựa trên các xét nghiệm này thì không đủ để kết luận.
Lý do bởi vì gan vẫn có thể các chức năng gan quan trọng cho dù gan đã bị xơ hóa và tổn thương. Điều này làm cho hầu hết các xét nghiệm đều đưa ra kết quả bình thường. Vì thế, mục tiêu của các xét nghiệm này thường được thực hiện để kiểm tra viêm gan và các nguyên nhân tiềm ẩn khác.
Trong trường hợp bị cổ trướng, người bệnh có thể được chọc hút dịch ổ bụng để làm xét nghiệm.
Xét nghiệm thực hiện | Mục đích |
Xét nghiệm công thức máu (CBC) | Đánh giá nồng độ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu để kiểm tra các tình trạng như thiếu máu, nhiễm trùng, rối loạn đông máu,… |
Xét nghiệm chức năng gan | Giúp định lượng bilirubin, albumin, men gan (phosphatase kiềm, xét nghiệm AST, ALT và GGT) trong máu. Nồng độ các chất này trong máu cao có thể gợi ý bệnh viêm gan. |
Xét nghiệm chức năng thận | Giúp đánh giá hoạt động của thận thông qua định lượng creatinin. |
Xét nghiệm đông máu | Đánh giá tình trạng rối loạn đông máu thông qua xét nghiệm aPTT, xét nghiệm PT (INR), xét nghiệm fibrinogen. |
Xét nghiệm kháng nguyên | Chẩn đoán viêm gan B và viêm gan C để tìm kiếm nguyên nhân gây xơ gan. |
Xét nghiệm định lượng AFP | Giúp kiểm tra sự hiện diện của ung thư gan. |
Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh cho thấy kích thước, hình dạng và kết cấu của gan, đồng thời giúp xác định tình trạng xơ hóa gan, lượng chất béo trong gan và lượng dịch tích tụ trong ổ bụng.
Các chẩn đoán hình ảnh xơ gan có thể bao gồm:
- Chụp đàn hồi cộng hưởng từ (MRE).
- Siêu âm bụng: kỹ thuật giúp đánh giá kích thước, hình dạng của gan, cũng như lưu lượng máu qua gan và quan trọng là giúp tầm soát phát hiện ung thư gan.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Siêu âm đàn hồ (fibroscan, fibrotest): giúp đánh giá mức độ xơ hóa của gan.
Sinh thiết gan
Sinh thiết gan là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác bệnh xơ gan. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng để tìm nguyên nhân gây xơ gan, đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh và phát hiện ung thư gan.
Bác sĩ dùng một loại kim nhỏ đặc biệt (chuyên dùng cho sinh thiết gan) để chích qua da, vào gan và lấy ra một mảnh mô gan rất nhỏ, nhằm quan sát dưới kính hiển vi.
Nếu được chẩn đoán mắc bệnh xơ gan, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán định kỳ để theo dõi các dấu hiệu tiến triển hoặc biến chứng của bệnh, đặc biệt là vỡ giãn tĩnh mạch thực quản và ung thư gan.
Tham khảo thêm >> Xét nghiệm chỉ số máu bình thường có ý nghĩa gì?
Xơ gan có nguy hiểm không?
Xơ gan là bệnh lý nguy hiểm bởi vì quá trình hình thành mô sẹo có thể tàn phá cấu trúc của gan. Từ đó khiến gan khó có thể duy trì tốt các chức năng quan trọng của mình. Ngoài ra, xơ gan có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều biến chứng nguy hiểm, như: Tăng áp lực tĩnh mạch cửa, suy gan,… và có thể dẫn đến ung thư gan. Do đó, người mắc xơ gan nên tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ, giúp kiểm soát tình trạng xơ gan, hạn chế biến chứng.
Tiên lượng xơ gan
Các mô hình dự đoán cho tiên lượng xơ gan ước tính rằng tỷ lệ sống còn trong 10 năm của bệnh nhân mắc xơ gan còn bù là khoảng 47%. Tỷ lệ này giảm xuống còn 16% đối với bệnh nhân mắc xơ gan mất bù.
Theo bảng đánh giá Child-Turcotte-Pugh (CTP) hoặc bảng phân loại dựa trên albumin huyết tương, bilirubin, PT, triệu chứng cổ trướng, bệnh não – gan được sử dụng để chia các bệnh nhân xơ gan thành 3 nhóm: A, B và C. Trong đó, tỷ lệ sống còn sau 1 năm và 2 năm đối với nhóm A lần lượt là 100% và 85%, đối với nhóm B lần lượt là 80% và 60%, đối với nhóm C lần lựa là 45% và 35%.
Theo bảng đánh giá bệnh lý gan giai đoạn cuối (MELD) được sử dụng để dự đoán tỷ lệ tử vong của bệnh nhân xơ gan trong ngắn hạn. Mô hình này dựa trên bilirubin huyết tương, creatinine và INR để dự đoán tỷ lệ tử vong trong vòng 3 tháng. Tại Mỹ, dựa trên kết quả bảng đánh giá MELD mà mức độ ưu tiên được ghép gan có thể thay đổi.
Cấy ghép gan được chỉ định trong trường hợp xơ gan mất bù không đáp ứng điều trị. Tỷ lệ sống còn sau 1 năm và 5 năm đối với bệnh nhân xơ gan sau ghép gan lần lượt khoảng 85% và 72%. Tái phát bệnh lý gan sau cấy ghép có thể xảy ra. Việc thực hiện liệu pháp ức chế miễn dịch trong quá trình ghép gan là nguyên nhân gây ra một số bệnh về gan ở bệnh nhân được ghép tạng.
Biến chứng của xơ gan
Xơ gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau. Trong đó, tăng áp lực tĩnh mạch cửa là biến chứng nguy hiểm phổ biến nhất của xơ gan và cũng là nguyên nhân dẫn đến một số biến chứng liên quan khác.
Một số biến chứng nguy hiểm xơ gan bao gồm:
- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa
- Xuất huyết tiêu hóa (gồm xuất huyết thực quản, xuất huyết dạ dày và bệnh dạ dày do tăng áp lực tĩnh mạch cửa)
- Giảm tiểu cầu
- Cổ trướng (báng bụng)
- Hội chứng gan – thận
- Bệnh não – gan
- Hội chứng gan – phổi
- Ung thư gan
- Suy gan
- Nhiễm trùng
- Tăng áp lực động mạch phổi
Làm sao để điều trị xơ gan?
Điều trị xơ gan phụ thuộc vào nguyên nhân, giai đoạn bệnh và mức độ gan bị tổn thương của người bệnh. Mục tiêu của việc điều trị bệnh xơ gan là làm chậm quá trình hình thành mô sẹo trong gan, kiểm soát các triệu chứng và ngăn chặn hoặc điều trị các biến chứng có thể xảy ra. Người bệnh có thể phải nhập viện nếu bị tổn thương gan nặng.
Nhiều người thắc mắc: Bệnh xơ gan có chữa được không? Để chữa trị bệnh xơ gan phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì điều trị đúng phát đồ mang lại hiệu quả cao, hạn chế được các biến chứng của xơ gan. Khi đã bước qua giai đoạn xơ gan mất bù, tiến triển bệnh thường nặng và có nhiều biến chứng, thường đáp ứng rất kém với điều trị.
3 hướng điều trị xơ gan bao gồm:
- Điều trị nguyên nhân
- Điều trị biến chứng
- Ghép gan
Lưu ý:
Các thông tin về điều trị bệnh lý xơ gan được đề cập trong phần kế tiếp chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho chẩn đoán và phác đồ từ bác sĩ có chuyên môn. Vì vậy, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám để biết được cách điều trị xơ gan hợp lý.
Điều trị nguyên nhân
Điều trị xơ gan tốt nhất là điều trị trong giai đoạn sớm bằng cách ngăn chặn nguyên nhân gây xơ gan. Việc điều trị nguyên nhân thông qua việc xây dựng thói quen sống lành mạnh (bỏ rượu bia, ăn uống lành mạnh, tập thể dục), dùng thuốc, phẫu thuật, và nhiều liệu pháp khác có thể giúp làm chậm hoặc chặn đứng tiến triển của bệnh. Trong nhiều trường hợp, tình trạng bệnh nhân có thể được cải thiện.
Nguyên nhân | Cách chẩn đoán | Hướng điều trị nguyên nhân |
Viêm gan B, viêm gan C | HBsAg,HBV-DNA, antiHCV, HCV-RNA | Điều trị kháng virus |
Rượu bia | Bệnh sử và tiền căn | Cai rượu bia hoàn toàn |
Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) | Chụp CT, sinh thiết gan | Giảm cân |
Xơ gan ứ mật nguyên phát | Kháng thể ty thể, IgM tăng | Xem xét ghép gan |
Xơ hóa đường mật nguyên phát | P-ANCA (peripheral antineutrophil cytoplasmic antibody), chụp đường mật | Xem xét ghép gan |
Tắc dòng chảy tĩnh mạch gan :HC Budd-ChiariSuy tim | Siêu âm doppler TM ganSiêu âm tim | Giảm tắc nghẽn TM ganĐiều trị nguyên nhân gây suy tim |
Viêm gan tự miễn | ANA, SMA, IgG tăng, LKM1 | Liệu pháp ức chế miễn dịch |
Thuốc: Methotrexate, Amiodaron | Bệnh sử và tiền căn | Phát hiện và ngưng thuốc |
Điều trị biến chứng
Trường hợp xơ gan đã tiến triển thành biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị cụ thể tùy vào loại biến chứng và mức độ nghiêm trọng của chúng.
Đối với biến chứng ung thư gan, bác sĩ đề nghị người bị xơ gan nên thực hiện tầm soát ung thư gan định kỳ để phòng ngừa, tránh ảnh hưởng đến tính mạng.
Biến chứng | Hướng điều trị |
Cổ trướng, phù nề | Chế độ ăn ít muối (natri) và sử dụng các loại thuốc có tác dụng lợi tiểu, truyền albumin,… có thể giúp kiểm soát triệu chứng. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể cần thực hiện các thủ thuật để dẫn lưu dịch ổ bụng hoặc giảm áp lực tĩnh mạch cửa bằng kỹ thuật thông nối tĩnh mạch cửa của gan và tĩnh mạch chủ trên (TIFS). |
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa | Một số loại thuốc huyết áp có thể giúp kiểm soát tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa và ngăn ngừa xuất huyết tiêu hóa. Bác sĩ có thể chỉ định nội soi tiêu hóa trên định kỳ để phát hiện sớm các tĩnh mạch giãn trong thực quản hoặc dạ dày có thể chảy máu. |
Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch | Dùng các loại thuốc chẹn beta giúp làm giảm áp lực trong mạch máu gan hoặc thực hiện phẫu thuật dùng một sợi dây cao su để thắt lại mạch máu bị xuất huyết (thắt thun giãn tĩnh mạch). |
Bệnh não – gan | Một số loại thuốc kê đơn có tác dụng giảm tình trạng tích tụ chất độc trong máu do chức năng gan kém. |
Nhiễm trùng | Thuốc kháng sinh hoặc các phương pháp điều trị nhiễm trùng khác sẽ được bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, người bệnh nên tiêm phòng cúm, viêm phổi và viêm gan. |
Ung thư gan | Hóa trị, xạ trị hoặc ghép gan. |
Ghép gan
Trong những trường hợp xơ gan tiến triển khiến gan mất khả năng hoạt động, ghép gan là lựa chọn điều trị duy nhất của người bệnh xơ gan mất bù nặng hoặc đang diễn tiến đến suy gan. Ghép gan cho người bị xơ gan là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ gan và thay thế bằng gan người hiến tặng. Khi cấy ghép gan thành công, gan được cấy ghép hoạt động bình thường sẽ khiến các triệu chứng của xơ gan và suy gan trước đó biến mất.
Làm sao để phòng ngừa xơ gan?
Để phòng ngừa xơ gan, việc thay đổi thói quen lối sống, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và hạn chế rượu bia là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh gan cũng như tuân thủ điều trị các bệnh gan mạn tính cũng là cách để hạn chế xơ gan tiến triển, giảm thiểu các tác động lâu dài.
5 cách phòng ngừa xơ gan là:
- Không uống rượu bia: Kiểm soát lượng rượu bia tiêu thụ và tần suất sử dụng phù hợp để không gây hại cho sức khỏe. Trường hợp đã mắc bệnh về gan, người bệnh cần kiêng hoàn toàn rượu bia.
- Chế độ ăn uống khoa học: Lựa chọn thực phẩm tốt cho gan như hoa quả, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và protein từ thịt nạc. Cắt giảm việc tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Việc thừa cân, béo phì tác động xấu đến gan. Người bị béo phì nên tham vấn ý kiến từ bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ giảm cân phù hợp.
- Hạn chế nguy cơ mắc viêm gan: Tiêm phòng vaccine viêm gan A và B, tránh sử dụng chung kim tiêm và quan hệ tình dục an toàn giúp tránh nguy cơ mắc viêm gan B và C.
- Kiểm tra sức khỏe, tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ: Phát hiện sớm các bệnh lý giúp làm tăng khả năng chữa trị, tránh các biến chứng.
Người bị xơ gan nên ăn gì và kiêng gì?
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Lý do bởi vì chức năng trao đổi chất và tiêu hóa của bệnh nhân xơ gan bị ảnh hưởng do gan bị tổn thương. Để xây dựng chế độ ăn hợp lý, người bệnh nên đến gặp bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để trao đổi.
Người bị xơ gan nên ăn gì?
Người bị bệnh xơ gan nên ăn các loại thực phẩm tốt cho gan, giúp tránh việc tạo áp lực lên gan nhưng vẫn cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cơ thể cần. Nhiều nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân xơ gan nếu không ăn uống hợp lý có nguy cơ tiến triển các biến chứng của xơ gan, thậm chí tử vong.
Người bị bệnh xơ gan nên ăn các thực phẩm bao gồm:
- Trái cây: táo, cam, đào, quả mọng,…
- Rau xanh: súp lơ, bông cải, măng tây, cà chua, khoai tây,…
- Protein: trứng, sữa, hải sản, thịt nạc,…
- Các loại đậu: đậu que, đậu lăng, đậu gà,…
- Các loại hạt: hạt hạnh nhân, hạt óc chó, hạt mắc ca,…
- Ngũ cốc nguyên cám: yến mạch, gạo lứt, diêm mạch, kiều mạch,…
- Chất béo tốt: dầu oliu, quả bơ, dầu bơ, cá hồi, các loại hạt và đậu,…
- Thức uống: nước lọc, trà, cà phê.
- Thảo mộc và gia vị: tiêu đen, thì là, hương thảo,…
Người bị bệnh xơ gan kiêng ăn gì?
Người bị bệnh xơ gan kiêng ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu, đồ ăn tươi sống, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn và rượu bia. Điều này sẽ giúp hạn chế tác động xấu đến gan và giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng từ xơ gan.
Người bị bệnh xơ gan kiêng ăn bao gồm:
- Thực phẩm chế biến sẵn: thức ăn nhanh, đồ ăn tiện lợi, thực phẩm đóng gói.
- Chất béo có hại: đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ, chất béo, mỡ trừu (vegetable shortening),…
- Đồ ăn tươi sống: các loại thịt sống, trứng sống, cá, hàu, vẹm,…
- Rượu bia và đồ uống có cồn.
Xơ gan và những điều cần lưu ý
- Xơ gan là giai đoạn cuối của quá trình xơ hóa gan. Xơ gan được chia thành xơ gan còn bù và xơ gan mất bù.
- Xơ gan còn bù thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cho đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng. Triệu chứng xơ gan mất bù có thể xuất hiện như cổ trướng, vàng da, xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch, bệnh não gan,…
- Chẩn đoán xơ gan mất bù chính xác, dễ dàng thông qua hỏi tiền sử bệnh, khám sức khỏe tổng quát và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. Xơ gan còn bù thường không được phát hiện sớm do không gây ra triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn này.
- Tiên lượng sống của người bệnh xơ gan phụ thuộc vào mức độ tổn thương ở gan. Tỷ lệ sống còn trong 10 năm khi mắc xơ gan còn bù là khoảng 47% và mắc xơ gan mất bù là khoảng 16%.
- Người uống rượu thường xuyên, người cao tuổi, người mắc các bệnh lý gan mạn tính có nguy cơ cao mắc xơ gan.
Câu hỏi thường gặp
Bệnh xơ gan có chữa được không?
Xơ gan là bệnh lý chưa có cách điều trị hiệu quả. Hiện nay, mục tiêu điều trị xơ gan chủ yếu là làm chậm quá trình hình thành mô sẹo trong, kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn các biến chứng có thể mắc phải.
Bệnh xơ gan có lây không?
Xơ gan không phải là bệnh lý truyền nhiễm. Do đó, xơ gan không thể lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên, người bị xơ gan do viêm gan virus (viêm gan B, viêm gan C) thì có thể lây truyền virus HBV và HCV cho người khác thông qua đường máu hay tình dục. Cần lưu ý rằng, người bị nhiễm virus viêm gan thì nguy cơ tiến triển thành viêm gan mạn tính và xơ gan là rất cao.
Bệnh xơ gan có lây qua đường ăn uống không?
Bệnh xơ gan không lây qua đường ăn uống với người bệnh. Ngay cả khi người bị xơ gan do mắc viêm gan B hoặc viêm gan C mạn tính cũng khó lây nhiễm virus cho người khác qua đường ăn uống. Con đường lây nhiễm quan trọng của HBV và HCV là đường máu, đường tình dục và đường từ mẹ sang con.
Người bị xơ gan sống được bao lâu?
Người bị xơ gan có thể sống thêm khoảng từ 2 – 12 năm tùy vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của xơ gan. Nếu xơ gan được phát hiện sớm và điều trị kịp thời ở giai đoạn đầu, thì người bệnh có thể được sống thêm >10 năm. Trong trường hợp người bệnh bước vào giai đoạn xơ gan tiến triển, nguy cơ tử vong sẽ tăng dần lên.
Xơ gan còn bù sống được bao lâu?
Người bị xơ gan còn bù có tỷ lệ sống trung bình là khoảng 12 năm. Trong giai đoạn này, nếu người bệnh kịp thời thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị, tỷ lệ sống trung bình có khả năng được cải thiện tốt hơn.
Xơ gan giai đoạn cuối (xơ gan cổ trướng) sống được bao lâu?
Xơ gan giai đoạn cuối (xơ gan cổ trướng) hay là xơ gan mất bù có tỷ lệ sống trung bình khoảng 2 năm nếu không được cấy ghép gan mới.
Người bị bệnh xơ gan nên uống nước gì?
Người mắc bệnh xơ gan nên uống nước lọc là chủ yếu. Nước hoa quả và sữa cũng có thể là một lựa chọn. Người bị xơ gan cần tuyệt đối không uống rượu bia và đồ uống có chứa cồn.
Bệnh xơ gan có ăn được thịt bò không?
Người bị xơ gan không nên ăn thịt bò, các loại thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn (xúc xích). Các loại thịt phù hợp để bổ sung protein cho người bệnh là thịt gia cầm loại bỏ da, thịt cá và các nguồn protein thay thế khác như trứng, các loại hạt, các loại đậu, đậu phụ.
Tài liệu tham khảo
1. Huang, Daniel Q., et al. “Global Epidemiology of Cirrhosis – Aetiology, Trends and Predictions.” Nature News, 28 Mar. 2023, www.nature.com/articles/s41575-023-00759-2.
2. Lee, Tae Hoon. “Cirrhosis – Hepatic and Biliary Disorders.” MSD Manual Professional Edition, 21 July 2023, www.msdmanuals.com/professional/hepatic-and-biliary-disorders/fibrosis-and-cirrhosis/cirrhosis.
3. 3. “Cirrhosis – Niddk.” National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases, www.niddk.nih.gov/health-information/liver-disease/cirrhosis. Accessed 10 Aug. 2023.
4. “Fibrosis (Scarring).” American Liver Foundation, 9 Aug. 2022, liverfoundation.org/about-your-liver/how-liver-diseases-progress/fibrosis-scarring/.
5. “Cirrhosis: Symptoms, Causes, Stages, Diagnosis, and Treatment.” WebMD, www.webmd.com/digestive-disorders/understanding-cirrhosis-basic-information. Accessed 10 Aug. 2023.
6. Lin, Ji, et al. “Virus-Related Liver Cirrhosis: Molecular Basis and Therapeutic Options.” World Journal of Gastroenterology, 7 June 2014, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4047331/.
7. “Hepatitis D – Niddk.” National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases, www.niddk.nih.gov/health-information/liver-disease/viral-hepatitis/hepatitis-d. Accessed 10 Aug. 2023.
8. Tholey, Danielle. “Nonalcoholic Fatty Liver Disease (NAFLD) – Hepatic and Biliary Disorders.” MSD Manual Professional Edition, 21 July 2023, www.msdmanuals.com/professional/hepatic-and-biliary-disorders/approach-to-the-patient-with-liver-disease/nonalcoholic-fatty-liver-disease-nafld.
9. “Cirrhosis.” Mayo Clinic, 11 Feb. 2023, www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cirrhosis/symptoms-causes/syc-20351487.
10. professional, Cleveland Clinic medical. “Cirrhosis of the Liver.” Cleveland Clinic, my.clevelandclinic.org/health/diseases/15572-cirrhosis-of-the-liver. Accessed 10 Aug. 2023.
11. Hepatic Cirrhosis – Statpearls – NCBI Bookshelf, www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482419/. Accessed 10 Aug. 2023.
12. “Cirrhosis (Severe Scarring).” American Liver Foundation, 9 Aug. 2022, liverfoundation.org/about-your-liver/how-liver-diseases-progress/cirrhosis-severe-scarring/.
13. Lee, Tae Hoon. “Cirrhosis of the Liver – Liver and Gallbladder Disorders.” MSD Manual Consumer Version, 27 July 2023, www.msdmanuals.com/home/liver-and-gallbladder-disorders/fibrosis-and-cirrhosis-of-the-liver/cirrhosis-of-the-liver.
14. Daniel, Charles. “Diet for Managing Cirrhosis.” Verywell Health, www.verywellhealth.com/what-is-the-best-diet-for-cirrhosis-1760062. Accessed 10 Aug. 2023.
15. T, Buddy. “How Long Can I Live with Cirrhosis of the Liver?” Verywell Health, 30 May 2023, www.verywellhealth.com/liver-disease-how-long-to-live-63374.
16. “Palliative Care for Patients with End-Stage Liver Disease.” UpToDate, www.uptodate.com/contents/palliative-care-for-patients-with-end-stage-liver-disease. Accessed 10 Aug. 2023.